khuvuonmolly@gmail.com
/
Địa chỉ :
Số điện thoại liên hệ:

13 cách để kết nối với đứa trẻ bên trong bạn

Author Avatar

Phương Dung

author

Đứa trẻ bên trong (inner child) ảnh hưởng rất nhiều tới phiên bản người lớn của bạn. Đứa trẻ bên trong ảnh hưởng tới cách bạn biểu hiện cảm xúc. Và cũng ảnh hưởng cách bạn thể hiện tình cảm, cách bạn tức giận, cách bạn lo sợ. Để hiểu bản thân hơn và chữa lành những vết thương bên trong, bạn buộc phải học cách kết nối với đứa trẻ bên trong của mình.

Hãy coi đứa trẻ bên trong như một người bạn. Khi muốn làm thân với một người bạn, điều quan trọng là phải trò chuyện, phải tìm hiểu người đó. Và để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, khắc phục những điểm yếu của bản thân; bạn phải hiểu đứa trẻ bên trong của bạn.

Tại sao phải kết nối với đứa trẻ bên trong?

Cách kết nối với đứa trẻ bên trong

Đừng nghĩ rằng chỉ khi có những tổn thương, mất mát gia đình to lớn (bố mẹ ly hôn, mồ côi cha mẹ, bạo lực gia đình…) mới cần phải kết nối với thời thơ ấu. Những thói quen xấu, cách bạn suy nghĩ và hành động tiêu cực cũng cần được thay đổi nếu bạn muốn trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Và quá trình kết nối với đứa trẻ bên trong có thể giúp bạn làm điều này.

Cách kết nối với đứa trẻ bên trong để bỏ tính xấu của mình

Khi còn bé, nhà tôi khá thiếu thốn, vì số lượng đồ ăn ít ỏi, mỗi bữa ăn ba chị em tôi đều ganh đua và tranh đồ ăn của nhau. Chúng tôi luôn ganh tị và nổi cáu khi thấy người kia ăn nhiều hơn mình một chút. Dù hiện tại gia đình tôi đã khá giả hơn, có nhiều đồ ăn ngon hơn, nhưng sự ganh tị đồ ăn vẫn còn đó. Một lần tôi tự nhận thấy bản thân vẫn cảm thấy lo âu. Tôi luôn quan sát xem chị em tôi có ăn nhiều hơn tôi không.

Thoạt nghe qua thì chắc hẳn mọi người sẽ nghĩ tôi là một người ích kỷ, hẹp hòi. Nhưng sau khi có những hiểu biết nhất định về chữa lành, tôi nhận ra đây là một thói quen xấu bắt nguồn từ Tư duy thiếu (scarcity mindset) khi còn bé. Và để khắc phục vấn đề này, tôi tiếp thu Tư duy thừa (Abundance Mindset) bằng cách nhẩm những khẳng định tích cực trước mỗi bữa ăn.

 “Mỗi ngày tôi luôn nhận được sự dư dả về thực phẩm. Thức ăn ngon luôn hiện diện trong cuộc sống tôi. Việc người khác hưởng thụ đồ ăn không ảnh hưởng tới sự dư dả về đồ ăn của tôi”.

Điều này đã xóa bỏ được cảm giác tiêu cực, đố kỵ và khiến tôi không còn suy nghĩ rằng mình bị thiếu đồ ăn nữa. Đó là trải nghiệm cá nhân tích cực mà tôi nhận được trong quá trình kết nối với đứa trẻ bên trong của mình.

Cách kết nối với đứa trẻ bên trong để bỏ tính xấu của mình

Lợi ích của kết nối với đứa trẻ bên trong bạn

Kết nối với đứa trẻ bên trong không chỉ giúp bạn chữa lành những vết thương, tật xấu thời thơ ấu. Kết nối với đứa trẻ bên trong còn giúp bạn cảm thấy trẻ lại, có thêm những trải nghiệm thú vị cho cuộc sống thêm nhiều màu sắc. Bạn sẽ thấy mình sống chậm hơn, biết quan sát hơn. Suy nghĩ trở nên thoáng hơn, những áp lực hiện tại được giải tỏa. Trân trọng những điều nhỏ bé và thêm yêu cuộc sống.

Và sau đây là những cách giúp bạn có thể kết nối với đứa trẻ bên trong của mình. Hãy xem xét và chọn cho mình những cách phù hợp nhất để kết nối với đứa trẻ bên trong mình nhé!

Cách để kết nối với đứa trẻ bên trong của bạn

1. Tập “Ok” với những thứ trẻ con, ngộ nghĩnh

Mỗi khi nhìn thấy một món đồ nào đó hài hước, ngộ nghịch, người lớn thường chần chừ suy xét xem nó có thật sự cần thiết hay không. Họ sợ rằng ai đó sẽ cười chê mình. Nhưng trẻ con không như vậy, chúng phấn khích, thích thú. Chúng nhìn thấy được niềm vui từ những món đồ tưởng chừng như vô dụng. Chúng tự do thể hiện sự thích thú của bản thân với món đồ đó. 

Hãy thử dành ra 1-2 ngày trong tháng đi mua những món đồ bạn thật sự thích. Đừng lo sợ điều gì cả, miễn là bản thân bạn cảm thấy thích. Bạn xứng đáng được chiều chuộng và nhận được niềm vui. Hãy chăm sóc bản thân mình như cách bạn chăm sóc một đứa trẻ.

2. Viết cho phiên bản tí hon một bức thư

Hãy thử tưởng tượng rằng, nếu bạn được gặp và nói chuyện với phiên bản 10 năm trước của bạn. Bạn sẽ nói gì? Hãy viết cho phiên bản tí hon của bạn một bức thư. Có lẽ là một vài lời động viên, an ủi, hay chia sẻ những khó khăn mà khi lớn bạn phải đối mặt. Khi tưởng tượng lại thế giới của bản thân mình lúc nhỏ, bạn cũng có thể thấy rằng bản mình hiện tại đã vượt qua được nhiều điều như thế nào, mạnh mẽ ra làm sao. Có lẽ nếu quay về 10 năm về trước, phiên bản tí hon sẽ rất bất ngờ và ngưỡng mộ những gì bạn đã trải qua bây giờ đó.

Viết thư cho phiên bản tí hon của mình để kết nối với đứa trẻ bên trong

3. Lật lại những trang sách thời thơ ấu

Hãy thử ghé qua nhà sách và đọc lại những cuốn truyện hồi bé bạn thích đọc. Khi bắt đầu, bạn sẽ nhận ra góc nhìn ở thế giới trẻ con rất khác với thế giới người lớn. Một vài thứ sẽ khiến bạn cười khúc khích. Một vài thứ sẽ khiến bạn phải suy ngẫm. Bởi đôi khi có những chuyện hóa ra lại rất giản đơn, không phức tạp như người lớn thường nghĩ.

4. Thử lại những sở thích sáng tạo

Hãy thử nghĩ xem hồi trước bạn có sở thích gì? Chơi lego, vẽ tranh, chơi búp bê, làm vòng tay, tô màu… Đừng nghĩ chơi lại những trò này là trẻ con hay tốn thời gian. Hãy thử và bạn sẽ thấy cực kỳ kết nối với tuổi thơ của mình. Bạn sẽ cảm nhận được sự yên bình và một năng lượng thần kỳ.

5. Xem lại những tấm ảnh hồi bé 

Hãy mở album ảnh hồi bé của bạn và xem từng bức ảnh hồi bé. Nhưng lần này, thay vì chỉ đơn giản lướt qua, hãy tập trung nhìn và trả lời những câu hỏi sau:

  1. Cách bạn cười/biểu hiện cảm xúc như thế nào? Bây giờ bạn còn cười/biểu hiện cảm xúc như vậy không?
  2. Bạn thường chụp ảnh với ai? Bạn thường có động tác gì khi chụp ảnh? Bây giờ còn vậy không?

Chỉ cần trả lời 2 câu hỏi đơn giản như vậy thôi. Bạn sẽ nhận ra rất nhiều điều về sự thay đổi của bản thân mình. Và hãy thử mỉm cười với mình như cách bạn vẫn hay cười lúc bé. Đừng để điều gì cản trở nụ cười của bạn.

6. Trả lời những câu hỏi về tuổi thơ của bạn

Việc trả lời những câu hỏi sâu về tuổi thơ sẽ giúp bạn gọi tên được những nỗi sợ, tổn thương, thói quen tiêu cực mà bạn hình thành hồi bé.

Một vài câu hỏi ví dụ để khám phá tuổi thơ của bạn:

Bộ câu hỏi chữa lành

7. Kết nối với cơ thể bằng 10 phút thiền quét cơ thể (Body-scan meditation)

Yêu cơ thể cũng là yêu chính mình

Hồi bé chúng ta thường chú ý tới cơ thể của mình. Luôn tò mò về những sự thay đổi của cơ thể mỗi ngày khi lớn lên. Luôn nhạy cảm với những cơn đau, nằng nặc đòi bố mẹ đưa đi khám. 

Đến khi lớn rồi, chúng ta lại càng mất dần sự kết nối với cơ thể. Khi cơ thể báo hiệu rằng sức khỏe đang không ổn, chúng ta thường lờ đi. Chúng ta ưu tiên hơn cho những công việc hay buổi họp sắp tới. Chúng ta chọn tiền bạc, sự nghiệp hơn sức khỏe. Luôn an ủi rằng rồi sẽ khỏi thôi. Nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi, liệu bạn có cho phép một người thân mà bạn rất yêu quý (bố/mẹ/con cái/vợ/chồng) cũng bỏ bê cơ thể mình như vậy không?

Hãy nhớ rằng, việc chú ý, lắng nghe cơ thể (thứ duy nhất giúp bạn có thể làm việc hiệu quả) không chỉ giúp bạn khỏe mạnh. Việc lắng nghe cơ thể còn là cách thể hiện sự quý trọng và nâng niu với chính cơ thể của mình. Tình yêu dành cho cơ thể cũng là tình yêu dành cho bản thân. Bản thân bạn quan trọng hơn bất kỳ điều gì khác. Bản thân bạn luôn xứng đáng được yêu thương.

Thiền quét cơ thể (body-scan meditation)

Thiền quét cơ thể là một phương pháp thiền định dùng để quan sát và thả lỏng từng phần của cơ thể, từ đầu đến chân. Trong quá trình này, bạn sẽ tập trung vào việc tìm kiếm bất kỳ cảm giác nào như đau, căng thẳng hoặc bất kỳ sự không thoải mái nào trong từng phần cơ thể để giải phóng chúng. Phương pháp thiền này giúp bạn nhận thức sâu hơn về cảm giác cơ thể, tạo ra một kết nối sâu sắc hơn với bản thân và giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân tiềm ẩn gây ra những cảm giác không thoải mái này. 

Bạn dành ra 10-15 phút mỗi ngày để nằm yên, không làm gì, nhắm mắt và cảm nhận cơ thể của minh.

Hãy thả lỏng và cảm nhận từng bộ phận trên cơ thể, từ đầu ngón chân, đến bàn chân và cẳng chân. Sau đó cảm nhận đến đầu gối, đùi, mông của mình. Hãy cảm nhận xem chúng có ổn không, có khỏe không, có thoải mái không. Hãy lắng nghe sự chuyển động của các tế bào. Đưa sự chú ý đến hông, lưng và ngực của bạn. Thả lỏng cơ vai, cơ lưng. Hãy nhận thức sự tồn tại của các đầu ngón tay cả khi bạn đang nhắm mắt. Bàn tay, cánh tay buông lỏng. Hãy chú ý lắng nghe xem có nơi nào trên cơ thể bị đau hay không. Hãy để chiếc cổ của mình được thư giãn. Thả lỏng cơ mặt, thả lỏng trán và hàng lông mày của bạn. Cảm nhận da đầu của mình. Hãy hỏi: cơ thể ơi, bạn vẫn khỏe chứ? Và lắng nghe cơ thể trả lời. Một cách thư giãn, bạn cảm nhận các cơ quan bên trong mình có khỏe mạnh hay không, có đau nhức hay không.

thiền quét cơ thể

8. Thành thật hơn với cảm xúc của bạn

Trẻ em không nói dối. Chúng khóc khi muốn khóc, cười thật rạng rỡ khi hạnh phúc, nói ra những gì chúng cảm nhận. Việc chia sẻ với bản thân hay với người khác về những gì bạn cảm thấy là một cách rất tốt để đứa trẻ bên trong được chữa lành.

Bạn không cần bỏ hoàn toàn việc nói dối, bởi trong vài trường hợp nói dối là cần thiết. Nhưng hãy bắt đầu bằng việc học cách thành thật hơn về những gì bạn cảm thấy, và những gì bạn muốn. Đơn giản là hãy tập lên tiếng cho bản thân. Ví dụ: nói ra bạn muốn đi ăn nhà hàng nào cho bữa tối, bạn không thích ăn món gì, thích ăn món gì. Bạn cũng nên mạnh dạn từ chối một lời đề nghị giúp đỡ khi bản thân cảm thấy không thoải mái và cần được nghỉ ngơi. Đừng sợ làm người khác thất vọng. Những người thật sự yêu thương bạn sẽ luôn muốn hiểu bạn nhiều hơn.

9. Kết nối lại với những người bạn thời thơ ấu

Có người từng nói rằng, những người bạn cũ là những chiếc hộp ký ức. Mỗi người bạn trong từng giai đoạn cuộc đời khác nhau đều thuộc về những chiếc hộp khác nhau. Khi bạn kết nối lại với một người bạn trong quá khứ cũng là đang kết nối lại một phần bản thân của mình trong những giai đoạn đó. Điều đó thật tuyệt, bởi bạn sẽ hiểu được thêm điều gì đã tạo nên con người mình bây giờ. Bạn có thể chọn rũ bỏ những điều không còn phù hợp, và giữ lại những điều đẹp đẽ cho bản thân mình.

Nếu bạn gặp khó khăn trong việc bắt chuyện lại với những người bạn cũ, bạn có thể ôn lại những kỷ niệm cũ với bố mẹ. Hãy hỏi bố mẹ rằng hồi đó bạn trông như thế nào? Có tính cách hay tật xấu gì? Bố mẹ là người quan sát quá trình lớn lên của bạn rõ hơn ai hết.

Kết nối lại với những người bạn thời thơ ấu

10. Thử lại những món ăn “khoái khẩu” bạn thích hồi bé

Hãy nhớ lại những món ăn bạn cực kỳ khoái hồi bé. Những món ăn tiêu hết tiền tiết kiệm hàng tháng bạn để dành. Hay là những món ăn là phần thưởng của bố mẹ mỗi khi bạn đạt được thành tích tốt. Hãy thử lại khi đã lớn, hoặc có thể tự làm nó ở nhà. Chắc chắn đây sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời!

11. Đi dạo trong thiên nhiên

Không cần phải tìm một địa điểm du lịch quá cầu kỳ. Chỉ đơn giản chọn một nơi có không khí trong lành. Bạn có thể đi bộ trong công viên, ngoại ô, vỉa hè dưới nhà… Miễn là một nơi nào đó đủ yên tĩnh và trong lành. Một nơi để bạn tạm xa rời sự xô bồ ồn ào của chốn đô thị. Hãy hít thở thật sâu, để ý một chút những đóa hoa bên đường, ngắm những cụ già đang tập thể dục hay ngồi đọc báo… Đôi khi hạnh phúc và bình yên lại nằm ngay ở những đóa hoa bên đường mà bạn không bao giờ để ý.

12. Cho phép bản thân mình “lấm lem” một chút

Hồi bé chúng ta thường được chơi đùa thỏa thích. Nghịch nước, nướng bánh, vẽ tranh… Dù cho có lấm lem hết mặt mày quần áo cũng chẳng sao hết. 

Khi lớn hơn, chúng ta lúc nào cũng bị nhắc nhở rằng phải luôn nghiêm túc, đứng đắn, sạch sẽ. Điều đó là tốt. Nhưng đôi khi chúng ta lại khao khát cái cảm giác thoải mái, vô lo vô nghĩ hồi bé. Hãy cho phép bản thân mình “nghịch ngợm” một chút. Có thể nghịch nước, tắm mưa, hay bất kể điều gì bạn đã từng thích làm hồi bé. Đây là một cách tuyệt vời để giải tỏa căng thẳng và kết nối với đứa trẻ bên trong của mình.

13. Lên lịch các buổi tiệc ngủ (Sleepover)

Thay vì gặp mặt ở các quán cafe như thường lệ, hãy thử lên lịch một tiệc ngủ với bạn bè. Một buổi tối mà các bạn mua thật nhiều đồ ăn, xếp một “lâu đài gối” thật lớn, xem phim, chơi game và trò chuyện tới sáng! Điều này không chỉ làm cho tình bạn thêm khăng khít. Nó sẽ giúp bạn cảm thấy yên bình, sống lại những ký ức đẹp đẽ như hồi còn bé.

Bạn đã lựa chọn được những cách phù hợp với mình chưa? Mong rằng hành trình kết nối với đứa trẻ bên trong của bạn sẽ là một hành trình thú vị và đáng nhớ!

Sau đây sẽ là một bài tập nho nhỏ dành cho bạn để bắt đầu hành trình của mình:

bài tập kết nối với đứa trẻ bên trong bạn

#đứa_trẻ_bên_trong

Đăng ký Healing 1-1

Tâm sự, chia sẻ, và nhận những giải đáp để hỗ trợ bình yên trong tâm hồn, chữa lành những tổn thương và sống cho giây phút hiện tại.

Đăng ký ngay