3 dạng biểu hiện khác nhau của một tổn thương: tái diễn, kìm nén, thăng hoa (Phần 1)
Gem
author
Khi ta trải qua nhiều niềm vui của cuộc sống, ta đồng thời cũng trải qua nhiều nỗi buồn và đau khổ. Trong số ấy, có một hoặc hai tổn thương chính có tác động mạnh mẽ đến cách thức mà ta sống/tồn tại một cách vô thức. Những tổn thương này có thể biểu lộ ra ngoài ở những dạng thức khác nhau. Nhưng chung quy lại, chúng biểu hiện dưới 3 dạng: tái diễn, kìm nén và thăng hoa.
3 dạng biểu hiện của tổn thương: tái diễn, kìm nén, thăng hoa
1. Tái diễn
Hiểu một cách đơn giản, những người từng là nạn nhân chịu đựng những nỗi đau, giờ vẫn sẽ tiếp tục là nạn nhân và chịu đựng những nỗi đau ấy. Một cách vô thức, họ tìm kiếm những người có xu hướng gây tổn thương và trở thành nạn nhân một lần nữa. Điều này sẽ lặp lại rất nhiều lần trong cuộc đời họ. Họ liên tục đặt câu hỏi: Vì sao ai cũng đối xử tệ với họ? Kể cả khi đối phương vốn dĩ là một người bình thường, không có khả năng gây hại, họ vẫn có thể vô thức tạo ra những tình huống mà ở đó đối phương đối xử tệ bạc với họ, còn họ sẽ tiếp tục chịu đựng sự đau khổ.
Những điều này không xảy ra theo chủ đích của bất kỳ một ai cả. Chúng xảy ra như một vòng lặp không ngừng cho đến khi nào chủ thể của vết thương nhận ra rằng chính mình là người đang tái diễn những vết thương ấy một cách vô thức.
Hãy luôn nhớ rằng khi bạn chọn làm nạn nhân, bạn cũng đồng thời phải chọn người khác làm kẻ bạo hành. Bởi nạn nhân không thể tồn tại nếu không có kẻ bạo hành. Sự nhận thức về sự lựa chọn của vô thức của bạn là chìa khóa để bạn có thể thoát khỏi hoàn cảnh tái diễn vết thương.
2. Kìm nén
Trái ngược với kiểu người tiếp tục làm nạn nhân của bạo hành và lạm dụng, những người kìm nén vết thương lựa chọn trở thành kẻ bạo hành. Tất nhiên, điều này cũng diễn ra một cách vô thức. Người này không hề có chủ đích trở thành kẻ đã bạo hành mình. Vì là kẻ bạo hành nên họ sẽ tìm kiếm những đối tượng có tâm thế là nạn nhân. Hoặc kể cả khi đối phương không phải là kiểu người nạn nhân, họ cũng sẽ vô thức tạo ra tình huống mà ở đó đối phương làm khơi gợi tính bạo hành trong họ. Họ sẽ đổ lỗi do đối phương khiến họ cảm thấy muốn gây ra hành động bạo lực như vậy.
Nhiều người luôn cố gắng kìm chế bản thân mình, vì thật tâm họ không muốn gây tổn thương cho bất kỳ ai. Nhiều người sẽ tự bạo hành chính mình. Dù ở hoàn cảnh nào: vui thích bạo hành người khác, kìm nén để không bạo hành người khác, tự bạo hành bản thân – thì họ vẫn không hiểu được từ đâu mình có dạng xu hướng tâm lý này. Họ hiểu rõ hơn ai hết nỗi đau của việc bị lạm dụng, của những nỗi đau. Nhưng họ không thể ngừng việc gieo rắc nỗi đau lên người khác hoặc lên chính mình.
3. Thăng hoa
Khi một nỗi đau thăng hoa, có nghĩa là con người ấy đã vượt lên trên vết thương của mình. Họ không còn bị tác động tiêu cực từ vết thương ấy. Ngược lại, nỗi đau mang đến cho họ những tác động tích cực. Những người này có một điểm chung là thấu hiểu nỗi đau của mình và không muốn lặp lại nó thêm bất kỳ lần nào nữa. Họ sẽ không để bản thân tái diễn nó, và cũng không đè nén nó lên người khác. Hơn cả thế, họ sẽ ra sức bảo vệ những ai ngoài kia đang phải chịu những tổn thương như họ đã chịu.
Họ sẽ có những lựa chọn nghề nghiệp mang hướng xây dựng và bảo vệ. Trở thành một nhà xã hội bảo vệ trẻ em bị lạm dụng, bạo hành, bỏ rơi. Hoặc trở thành một nhà tâm lý giúp người khác thoát khỏi tổn thương. Họ cũng có thể trở thành nhà giáo dục, người làm luật để góp phần hạn chế những thương tổn có thể xảy ra cho người khác.
Những tổn thương phổ biến và 3 biểu hiện của chúng
1. Tổn thương vì bị bạo hành
Bạo lực gia đình, học đường là kiểu bạo lực ám ảnh tâm trí của một người nhiều nhất, bởi nó xảy ra khi một người vẫn còn bé. Cơn thịnh nộ, đòn roi bám chặt lấy tâm trí họ. Họ có thể muốn trả thù, trách móc sự yếu đuối của mình, căm ghét đối phương, khao khát trở nên mạnh mẽ hơn, thề rằng mình sẽ không bao giờ trở thành kẻ như thế… Bất kể là loại cảm xúc nào, chỉ cần đủ mãnh liệt thì sẽ ghim sâu vào vô thức. Từ đó sinh ra 2 dạng biểu hiện tái diễn và kìm nén.
-
Tái diễn
Người này sẽ tiếp tục trở thành nạn nhân của sự bạo hành trong suốt cả cuộc đời mình. Một cách vô thức, họ sẽ tìm kiếm và gặp gỡ những kẻ sẽ đày đọa, đánh đập, bạo hành mình. Những người họ gặp có thể vốn đã là kẻ bạo hành, hoặc sau khi gặp họ mới trở thành kẻ bạo hành. Đó là vòng lặp không có hồi kết. Bởi họ mang sẵn trong người tâm thế nạn nhân, nên dù có gặp 100 người thì 100 người kia cũng sẽ là kẻ hành hung.
-
Kìm nén
Người mang sự kìm nén vết thương sẽ vô thức biến mình thành người mà họ ghét nhất. Vì chán ghét sự yếu đuối của bản thân, họ ghét tất thảy những ai yếu đuối. Vì muốn trả thù mà họ biến thành một kẻ bạo hành. Những cảm xúc cực đoan do phải gánh chịu tổn thương bạo lực đã nuôi dưỡng tính bạo lực trong họ. Họ trút giận lên người khác, đánh đập và đày đọa người khác. Những người có được chút ý thức, sẽ nhận ra tính bạo lực trong mình và cố gắng kiềm chế nó. Tuy nhiên không thể hoàn toàn loại bỏ nó. Một số khác sẽ dồn sự bạo lực ấy lên người mình. Họ tự hành hạ bản thân, tự hại và có khả năng sẽ tự sát.
Trong một số trường hợp, người đã mang tổn thương bạo hành có thể vượt lên trên tổn thương ấy. Họ đã ngừng trốn chạy, đối diện và chấp nhận nỗi đau. Họ tự chữa lành được cho chính mình. Và rồi họ biến vết thương ấy thành một lý tưởng sống cao cả. Lúc ấy vết thương đã thăng hoa.
-
Thăng hoa
Vì đã trải qua nỗi đau, và tự chữa lành được mình, họ hiểu rất rõ về nỗi đau ấy. Họ thấu hiểu được động cơ của kẻ bạo hành và kết cục có thể xảy ra với người bị bạo hành. Họ không muốn bất cứ ai phải chịu tổn thương như họ đã chịu. Vì thế họ muốn cứu giúp và bảo vệ những kẻ xấu số.
Nhiều người lựa chọn những công việc như nhà giáo dục, nhà tâm lý. Một số khác chọn những công việc chăm sóc sức khỏe con người. Hoặc tham gia các tổ chức hoạt động xã hội bảo vệ trẻ em. Những người trở thành luật sư và thẩm phán.
2. Nỗi đau vì bị bỏ rơi
Nỗi đau của việc bị bỏ rơi là khá phổ biến. Chúng ta đều cảm thấy bị bỏ rơi sau khi phải rời khỏi tử cung của người mẹ. Sự bao bọc hoàn toàn biến mất. Khi biết đi, chúng ta lại một lần nữa cảm thấy bị bỏ rơi, vì mọi người ít chú ý đến ta hơn. Việc đến trường cũng có thể khiến nhiều đứa trẻ cảm thấy mình bị bỏ mặc và một mình chiến đấu với sách vở. Một số khác bất hạnh hơn, khi cha hoặc mẹ, hoặc cả hai phải đi làm xa. Họ chỉ đoàn tụ mỗi năm một vài lần. Những đứa trẻ xấu số sẽ hoàn toàn không có cha mẹ trong cuộc đời mình.
-
Tái diễn
Những người lớn lên với nỗi đau bị bỏ rơi sẽ có xu hướng duy trì mối quan hệ trong thời gian ngắn hạn. Họ dường như không thể giữ bất kỳ kết nối nào trong dài hạn. Hành vi của người này trong vô thức sẽ khiến cho bạn bè, người yêu hoặc bạn đời của họ phải bỏ chạy, rời khỏi họ vì những lý do khác nhau. Họ không bao giờ chủ động níu kéo, hoặc xây dựng mối quan hệ bền lâu bởi họ luôn tin rằng người kia sẽ rời đi. Họ thậm chí còn thúc đẩy đối phương rời xa họ. Rồi sau đó họ sẽ lại chìm đắm trong niềm đau của sự bị bỏ rơi.
-
Kìm nén
Người này sẽ luôn chủ động bỏ rơi gia đình, bạn bè và người mình thương. Họ sẽ luôn tìm ra lý do chính đáng để làm điều đó. Rồi họ sẽ lại lao đầu vào những mối quan hệ mới nhưng cũng nhanh chóng chán chường. Họ lẩn trốn khỏi những mối quan hệ có tính bền chặt. Họ sẽ vẽ nên những triết lý sống hỗ trợ cho hành động chạy trốn của mình và tin hoàn toàn vào nó. Họ sợ những mối quan hệ nghiêm túc và cũng sợ kết hôn. Họ luôn muốn thoái thác trách nhiệm với con cái của mình để có thể tự do bay nhảy.
-
Thăng hoa
Những ai đã vượt lên trên nỗi đau này sẽ có khuynh hướng chọn những công việc mang tính hòa giải. Họ yêu thích sự gắn kết. Chính vì thế họ sẽ ra sức hòa giải bất hòa giữa các bên: hai người, hai tổ chức, hai quốc gia. Họ luôn sẵn lòng lắng nghe và thấu hiểu cả hai, từ đó giải quyết được vấn đề đang diễn ra. Họ chọn hòa bình, gắn kết và yêu thương.
3. Vết thương từ sự thiếu công nhận
Bạn có thể bắt gặp những người mang tổn thương này ở mọi nơi. Họ luôn tìm cách để bản thân được công nhận. Họ luôn muốn bản thân được tôn vinh, tâng bốc, hoặc thậm chí trở thành thần tượng (idol). Họ tức giận khi những người xung quanh thờ ơ họ. Họ khao khát danh tiếng và luôn muốn người khác phải ngưỡng mộ họ.
Thế giới của đứa trẻ rất nhỏ bé, chỉ gói gọn quanh gia đình và trường học. Chúng cũng không có nhiều mối bận tâm trong những ngày thơ ấu. Chúng chỉ việc học, có những sở thích ngây thơ và những ước mơ lớn lao như cả bầu trời. Một khi những điều này không được cha mẹ, giáo viên công nhận, chúng lập tức sụp đổ và rơi vào tổn thương vô cùng.
Để tránh lặp lại tổn thương này lần nữa, chúng cố gắng nghe lời người lớn để được khen thưởng. Chúng tự loại bỏ tâm hồn mình, bởi chúng sợ nếu cứ tiếp tục sở thích và ước mơ của mình, chúng sẽ bị cha mẹ chỉ trích, giáo viên thờ ơ. Nói một cách chính xác thì chúng sợ mình sẽ bị loại bỏ khỏi cộng đồng nhỏ bé hiện tại nếu chúng tiếp tục là chính mình. 3 biểu hiện của tổn thương từ sự thiếu công nhận được thể hiện rõ ràng như sau:
-
Tái diễn
Những người lớn này sẽ có khuynh hướng tìm đến những nơi có tính biểu dương, mang nặng tính thành tích. Họ sẽ cố gắng để thích nghi quá đà với môi trường đó. Họ cố gắng để được đồng nghiệp công nhận, được sếp khen thưởng. Họ chọn vật chất, bởi vật chất được cả xã hội công nhận. Họ luôn cố gắng làm hài lòng cha mẹ bằng mọi giá. Bởi họ sẵn sàng hi sinh bản thân chỉ để đổi lại sự công nhận, nên họ cũng sẽ bắt vợ/chồng, con cái của mình phải hi sinh.
Tuy nhiên, dù có được công nhận hay không thì con người ấy vẫn sẽ rơi vào kiệt quệ. Bởi đâu ai có thể tràn đầy sức sống khi mà tâm hồn và thân xác không gắn kết với nhau. Nhiều người rơi vào trạng thái tệ hại như rối loạn tinh thần, trầm cảm. Một số phải tìm đến rượu, thuốc chống trầm cảm. Có thể hiểu đơn giản là họ đã và đang phải sống tách biệt với con người thật của mình. Điều đó làm họ mỏi mệt và rơi vào bế tắc.
Nếu cả đời không có được sự công nhận, họ có thể sẽ bắt con cái phải hoàn thành ước mơ của mình. Kết quả là họ trở thành kẻ gieo rắc tổn thương cho con mình.
-
Kìm nén
Họ vẫn sẽ giữ nguyên bản dạng ban đầu của mình. Họ không thay đổi để được người khác công nhận. Tuy nhiên họ vẫn sẽ sống khổ sở bởi tổn thương cũ. Cho dù có nhận được những lời khen ngợi từ người khác, họ cũng sẽ không cảm thấy đủ. Những người cực đoan có xu hướng tách mình ra khỏi gia đình, công việc và xã hội.
Có thể hiểu đơn giản là họ không chấp nhận việc sống khác với con người thật của mình, nhưng cũng vô cùng khát khao sự công nhận. Họ mơ tưởng về một vinh quang vĩ đại nào đó, ở đó họ có được sự ngưỡng mộ và công nhận của tất cả mọi người. Cũng vì thế mà họ không cảm thấy mình có thể hòa hợp được với bất kỳ nơi nào. Họ cô lập mình và sống khổ sở với giấc mơ của riêng mình.
Họ không bao giờ công nhận người khác. Kể cả khi họ công nhận người khác hơn mình thì trong lòng họ cũng không vui vẻ gì. Họ không thể vui vẻ khi mà vinh quang họ khao khát tột cùng lại nằm trong tay người khác.
-
Thăng hoa
Một người đã thăng hoa được vết thương không được công nhận sẽ trở thành một người đi giúp người khác thực hiện ước mơ của mình. Người đó có thể trở thành nhà khai vấn, giáo viên, huấn luyện viên… Họ vui mừng với những gì người khác đạt được. Nhìn người khác bước đi vững càng trên con đường của riêng mình là niềm hạnh phúc của họ. Họ thấy mình đang thực sự sống. Và nếu có ai đó khen thưởng, hay cảm ơn họ, họ sẽ vui vẻ đón nhận và cảm thấy hạnh phúc ngập tràn.
4. Tổn thương đến từ sự chối bỏ
Khác với bị bỏ rơi, những đứa trẻ mang tổn thương từ sự chối bỏ bởi vì chúng cảm thấy mình vô hình trong mắt người khác. Chúng thấy mình như không tồn tại trong chính gia đình của mình. Cha mẹ vẫn quanh chúng, nhưng không thèm chú ý đến chúng. Chúng cố gắng hết mức để cha mẹ để tâm, hỏi han và trò chuyện cùng chúng, nhưng đổi lại là sự thờ ơ. Chúng có thể sẽ làm ồn quá mức, và làm loạn cả lên một cách tuyệt vọng để cha mẹ nhìn thấy chúng, nhưng đổi lại là đòn roi và la mắng. Dần dần chúng sẽ giữ im lặng để không bị khiển trách. Chúng biến thành những con ma trong nhà. Vô hình, không gây ồn ào, tự làm mọi thứ một mình.
-
Tái diễn
Người này vẫn sẽ tiếp tục vô hình và phàn nàn vì sao không ai lắng nghe, đoái hoài đến mình. Họ sống mà không có ham muốn gì. Họ vẫn sẽ lặng lẽ sống, giữ im lặng, và hạn chế giao tiếp với tất cả mọi người. Họ cũng tránh né nếu người khác bắt chuyện và hỏi han mình, vì họ tin rằng người chỉ hỏi vu vơ chứ chả để tâm. Họ giao tiếp với âm lượng thấp để người khác không thể nghe được mình.
-
Kìm nén
Thay vì trở thành kẻ vô hình, họ trở thành kẻ hiếu động. Họ ăn nói lớn tiếng, thường hay đi đi lại lại để người khác phải chú ý. Họ cũng có xu hướng ăn mặc thật lộng lẫy để người khác phải chú ý. Họ luôn cố gắng chiếm lấy không gian/diện tích lớn trong nhà. Họ muốn bóp nghẹt người khác bằng sự hiện diện của mình.
-
Thăng hoa
Sự lựa chọn nghề nghiệp điển hình của những người này là tham gia các tổ chức, hiệp hội chống kỳ thị, phân biệt chủng tộc. Họ cũng có thể trở thành những người làm nghệ thuật. Những tác phẩm âm nhạc, thơ văn, hội họa của họ có sự an ủi đến những tâm hồn bị chối bỏ hoặc mang tính gắn kết để kết nối con người trở lại với nhau. Họ cũng có thể là những nhà sáng tạo tuyệt vời. Họ biến những thứ bỏ đi trở nên hữu ích và xinh đẹp. Họ lan tỏa thông điệp rằng mọi thứ đều có giá trị riêng của mình.
>> 3 dạng biểu hiện khác nhau của một tổn thương: tái diễn, kìm nén, thăng hoa (Phần 2)