khuvuonmolly@gmail.com
/
Địa chỉ :
Số điện thoại liên hệ:

3 dạng biểu hiện khác nhau của một tổn thương: tái diễn, kìm nén, thăng hoa (Phần 2)

Author Avatar

Gem

author

3 dạng biểu hiện khác nhau của một tổn thương: tái diễn, kìm nén, thăng hoa (Phần 2)

5. Tổn thương đến từ sự phản bội

Có nhiều người lớn không thể hiểu được vì sao bản thân lại không thể tin tưởng vào tình yêu, vào người khác giới, hay kể cả là bạn bè. Hoặc ngược lại, có những người lại vô cùng cả tin, để rồi lại tiếp tục thất vọng.

Nỗi đau của người lớn luôn xuất phát từ khi họ còn là những đứa bé. Trong thế giới trẻ thơ, một bí mật là một điều nên được giấu kín, cha mẹ là chỗ đáng tin cậy nhất. Nhưng không ít phụ huynh không nhận ra điều đó, họ sẵn sàng nói toẹt ra những bí mật đã hứa với con mình với những người khác, thậm chí là trên bàn ăn, có mặt đứa bé ở đó. Đó là một điều kinh khủng với nó, nó cảm thấy nó đã bị phản bội hoàn toàn. Người mà nó tin tưởng nhất đã phản bội nó.

Điều này hoặc một số sự kiện tương tự đã làm cho đứa trẻ bị tổn thương. Khi lớn dần lên, con người ta thường quên mất vì sao mình lại đau, họ chỉ biết là mình đang đau mà thôi.

  • Tái diễn

Họ là những người cả tin. Họ tin tất cả những gì người khác làm và nói với mình. Họ không thể phân biệt được đâu là thực đâu là giả. Kể cả những điều ngớ ngẩn nhất họ cũng tin. Vì thế nên họ luôn bị lợi dụng, chơi xấu nếu quanh họ là những kẻ xấu xa. Họ có thể nhận ra được điều đó, nhưng lần sau họ vẫn sẽ tiếp tục tin vào lời kẻ khác nói. Họ chẳng biết phải làm gì để thoát ra vòng quay này. Một cách cố gắng biện minh, họ sẽ đổ lỗi cho người khác. “Là họ đã lừa mình.” Nhưng bảo vệ bản thân là trách nhiệm của họ, chứ không là của ai khác. Họ không lựa chọn bảo vệ chính mình.

  • Kìm nén

Trái với kẻ cả tin, những người kìm nén sẽ trở thành người luôn nghi hoặc và không tin tưởng bất kỳ ai. Lâu dần họ có thể trở nên hoang tưởng. Bởi không tin tưởng ai nên họ chẳng thể bên cạnh ai. Họ tách biệt bản thân, không bạn bè hay người thân. Hệ quả là họ trở nên cô đơn hoặc là cô đơn đến tột cùng.

  • Thăng hoa

Khi nỗi đau này thăng hoa, con người ấy sẽ lựa chọn những nơi làm việc với sự chân thực, nơi họ không cần phải lựa chọn tin hay không tin. Thường thì đó là những nơi có nhiều trẻ em, hoặc là thiên nhiên. Bởi ở đó họ cảm thấy được an toàn. Trong thế giới của trẻ em và thiên nhiên không có sự phản bội. Họ có thể tận hưởng sự thật lòng của mình và của những đứa trẻ/thiên nhiên. Trong thế giới ấy, họ thấy bản thân được sống như là chính mình, không cần phải gồng mình hay phán đoán quá nhiều. Họ thỏa sức làm việc và sáng tạo. Từ đó họ tạo nên ý nghĩa của đời mình.

6. Tổn thương đến từ sự bất công

Nếu cha mẹ là những người không công bằng, họ sẽ tạo ra những nỗi đau đến từ sự bất công cho con cái của mình. Những đứa trẻ chịu thiệt thòi hơn so với các anh chị em trong nhà sẽ luôn mang trong mình cảm giác bất công. Chúng sẽ không căm thù cha mẹ mình, ngược lại chúng càng khao khát tình yêu của cha mẹ hơn nữa. Tuy nhiên chúng có thể sẽ căm thù anh chị em của mình (chỉ là chúng có nhận ra điều ấy hay không thôi).

  • Tái diễn

Những người này sẽ chỉ nhìn thấy mặt đen tối của cuộc sống. Họ nhìn thấy sự bất công ở khắp mọi nơi. Hoặc họ sẽ tự giả định mọi thứ là bất công mà không hề suy xét. Họ luôn tự biến mình thành kẻ chịu thiệt thòi, bất công trong mọi trường hợp, dù trong thâm tâm họ muốn sự công bằng. Vì luôn mang trong mình tâm thế này nên họ sẽ thường thua trong những cuộc thi hoặc kiện tụng. Họ cũng ít có khả năng minh oan cho mình, vậy nên sẽ phải chịu lỗi, chịu tội thay cho người khác.

  • Kìm nén

Họ áp đặt mọi thứ lên người khác. Họ vô cùng độc tài. Chỉ khi họ có được lợi ích như mong muốn thì họ mới cảm thấy thỏa mãn. Những người khác sẽ trở thành kẻ vô cùng xấu xa nếu không nghe lời, và tuân lệnh họ. Quyền lực là thứ họ khao khát và cố gắng đạt được. Lạm quyền, chuyên quyền là từ dùng để mô tả họ. Một cách cực đoan, họ sẽ trở thành vô cùng độc ác và máu lạnh.

  • Thăng hoa

Với vết thương từ sự bất công được thăng hoa, những người lớn này sẽ nỗ lực vì sự công bằng. Họ đến bên những ai phải chịu bất công và giúp đỡ những người đó. Họ yêu thích những công việc như thiết lập trật tự, luật lệ. Họ là những người đại diện cho công lý và không bao giờ bị tác động hay bị thao túng. Hoặc họ sẽ lựa chọn những môi trường làm việc có sự giám sát để đảm bảo công bằng. Những nơi mà làm đúng thì sẽ được khen thưởng, làm sai thì sẽ bị phạt, công lý luôn được đề cao.

7. Vết thương đến từ sự sỉ nhục

Việc những đứa trẻ phải nghe những lời nói sỉ nhục và xem thường từ người lớn là điều khá phổ biến. Tuy nhiên, có những cha mẹ không thể kiềm chế bản thân và cũng chẳng hề yêu thương gì con cái của mình. Họ buông lời nhục mạ con cái mỗi ngày, thậm chí là mỗi giờ. Những đứa trẻ ấy lớn lên mà chưa bao giờ có được cảm giác của sự chúc mừng hay được ngưỡng mộ. Tệ hơn, là khi mà chúng bị cha mẹ mình sỉ nhục ngay trước đám đông, ở nơi công cộng. Chúng mang nỗi nhục nhã ê hề cho đến ngày trưởng thành.

Dù có làm tốt như thế nào khi đã trưởng thành, chúng cũng cảm thấy không đủ. Không bao giờ là đủ và thỏa mãn được cha mẹ chúng. Và cũng vì thế mà chúng cũng chẳng bao giờ cảm thấy hài lòng về bản thân mình. Nhiều đứa trẻ lớn lên và luôn nghi ngờ về bản thân. Chúng chẳng biết rốt cuộc thì mình có đang làm tốt hay không, năng lực của mình ở đâu, ước mơ của mình là gì.

  • Tái diễn

Những người tái diễn lại vết thương từ sự sỉ nhục sẽ luôn cảm thấy mình thấp kém và luôn tự ti. Họ cố gắng rất nhiều, cố gắng đạt thật nhiều thành tựu với mong muốn vượt qua cảm giác này. Nhưng mọi thứ dường như là vô nghĩa, dù cho họ có đạt được thành công lớn đến đâu, họ vẫn cảm thấy tự ti và thua kém. Đối với những người đứng trên đỉnh vinh quang, điều này có thể gây ra mâu thuẫn nội tâm vô cùng lớn. Họ dằn xé chính mình và không hiểu được vì sao cái cảm giác thấp bé không biến mất. Mâu thuẫn càng lớn, dằn xé càng nhiều. Khi đạt đến đỉnh điểm nó có thể kết thúc một sinh mạng.

  • Kìm nén

Việc kìm nén vết thương luôn đưa con người đến chiều cực đoan còn lại. Để che giấu vết thương từ sự sỉ nhục, họ liên tục khoe khoang về mọi thứ họ có và đặc biệt là những thứ họ không có. Họ sợ cảm giác bị chê cười, sỉ nhục, vì thế họ cố gắng thể hiện mình thật lớn lao. Họ khoác lác, khuếch đại những gì mình không có. Họ là những kẻ thùng rỗng kêu to. Họ sẵn sàng ăn cắp ý tưởng, kết quả của người khác để thu lợi về cho riêng mình. Họ vẫn miệt mài ba hoa, khoác lác để lấp đầy tâm hồn mình, nhưng hẳn là sự khoác lác không thể làm được điều đó.

  • Thăng hoa

Họ muốn giúp đỡ những cái tôi bị đè bẹp bởi sự sỉ nhục. Họ an ủi, động viên người khác, và giúp những người ấy tìm lại giá trị đích thực của bản thân. Họ có thể là những nhà điều trị tâm lý, cũng có thể là những người định hướng nghề nghiệp. Họ yêu thích những công việc này và làm nó mà chẳng bao giờ cảm thấy mệt mỏi.

8. Tổn thương của đứa trẻ phù thủy

Một đứa trẻ phù thủy là một đứa trẻ được sinh ra trong một gia đình “hoàn hảo”. Cha mẹ là những người thành đạt, có những thành tựu nhất định trong xã hội. Và họ tin rằng con mình đang thừa hưởng những điều tốt đẹp ấy từ họ, một bộ gene “siêu việt”. Vì thế những bậc cha mẹ này luôn mong chờ con cái của họ độc lập và trưởng thành nhanh hơn người khác. Họ để con của mình tự giải quyết mọi thứ và họ tự hào về điều đó. Họ truyền đạt cho con mình tư tưởng “Không có vấn đề, chỉ có giải pháp”.

Vì thế những đứa trẻ luôn phải cố gắng thể hiện ra rằng chúng đang làm rất tốt, chỉ như thế cha mẹ mới yêu chúng. Ngược lại nếu chúng không thể giải quyết vấn đề của bản thân, chúng sẽ gặp rắc rối. Trong gia đình ấy, lời phàn nàn không được chấp nhận. Đứng trước bất kỳ điều tệ hại nào, chỉ được phép mỉm cười và bình tĩnh.

  • Tái hiện

Những người lớn tái hiện tổn thương của đứa trẻ phù thủy sẽ tiếp tục làm điều mà cha mẹ của họ đã luôn mong đợi. Đó là luôn ổn và tốt. Họ sẽ luôn vờ như mình là một người lạc quan, luôn vui vẻ và hạnh phúc. Họ sẽ luôn vờ như mình đang rất ổn, là một “người chiến thắng”. Họ sẽ che giấu tất cả trạng thái thực của mình: tiêu cực, lo lắng, bất an, sợ hãi và cả nước mắt.

Chỉ khi ở một mình, họ mới dám biểu lộ những điều thầm kín ấy ra ngoài. Sự dồn nén quá nhiều khiến cho họ như rơi vào vực sâu. Họ sụp đổ mỗi khi chỉ có một mình. Họ sẽ chỉ sụp đổ khi họ chắc chắn rằng họ đang ở một mình. Và nếu như họ vẫn cố gắng gượng rằng mình ổn mọi lúc, kể cả khi chỉ một mình, thì những cảm xúc tồi tệ mà họ đang kìm nén vẫn đang lặng lẽ bắt kịp họ. Rượu, mất ngủ, những cơn ác mộng… đang dần xâm chiếm họ.

Không ít người sợ khi chỉ một mình họ sẽ sụp đổ, nên họ luôn cố gắng phải có ai đó bên cạnh. Những cuộc vui thâu đêm, tụ tập bạn bè vô nghĩa là lựa chọn hàng đầu của họ. Họ cũng có thể vùi mình vào công việc, phim ảnh, hoặc bất kỳ thứ gì có thể làm cho họ không cảm giác được chính mình. Bởi khi cảm giác được bản thân mình, họ cảm thấy tuyệt vọng.

  • Kìm nén

Người lớn này sẽ luôn phàn nàn về mọi thứ, và thậm chí phàn nàn chẳng vì thứ gì cả. Họ sẽ luôn cố gắng hạ thấp bản thân mình một cách chiến lược để thu hút sự chú ý của người khác. Nhìn chung thì họ sẽ làm những điều trái ngược hoàn toàn với những gì cha mẹ đã luôn mong đợi. Ho có thể giả bệnh để được quan tâm. Nếu lúc nhỏ cha mẹ thờ ơ trước những triệu chứng cảm cúm, sốt của họ, thì giờ họ sẽ vờ như mình đang bị bệnh nặng. Điều này diễn ra lâu dần có thể khiến họ thực sự bị bệnh. Họ khao khát sự chú ý từ mọi người vô cùng, và cách thức duy nhất họ nghĩ ra là mình phải giả vờ tệ hại để được quan tâm.

  • Thăng hoa

Những người đã thăng hoa tổn thương của đứa trẻ phù thủy có thể dễ dàng nhận ra được sự bất bình ổn bên trong người khác. Họ có thể cảm nhận được một người có đang thực sự ổn hay không. Họ rất phù hợp với những ngành nghề hỗ trợ sức khỏe tinh thần. Vì họ thấu hiểu được sự bất ổn luôn được che giấu, nên họ có thể giúp đỡ những người khác vượt qua nó.

9. Tổn thương của đứa trẻ vua

Cha mẹ tôn thờ con cái quá mức sẽ tạo ra một đứa trẻ vua. Đứa trẻ ấy không cần phải làm gì cũng được khen thưởng, tung hô và ngưỡng mộ. Nó có thể có được bất kỳ thứ gì mình muốn một cách dễ dàng. Nó luôn có được sự quan tâm của cha mẹ, ông bà khi nó chỉ vừa ho một cái. Nó chính là cái rốn của gia đình mình. Bởi sự nuông chiều quá mức của gia đình, đứa trẻ trở nên lười biếng, không tôn trọng người khác, ngạo mạn. Đứa trẻ này cũng không có khả năng sinh tồn tốt. Nó không biết cách khéo léo cư xử với mọi người, không có khả năng chiến đấu, không biết nỗ lực để đạt được thứ mình muốn.

Rõ ràng, một tình yêu, một sự ngưỡng mộ quá đáng cũng có thể làm tổn thương một đứa trẻ.

  • Tái diễn

Những đứa trẻ này lớn lên với một tính cách vô cùng khó chịu. Họ phàn nàn để có được mọi thứ. Họ lười biếng và không biết phấn đấu. Họ đòi hỏi mọi thứ từ người khác, điều này khiến họ trở thành kẻ phiền phức và là kẻ không tử tế. Họ có thể sẽ gian lận, ăn cắp và nói dối để được công nhận, được ngưỡng mộ và yêu thương. Họ yêu thích cảm giác vinh quanh nhưng chẳng hề muốn làm gì. Họ là điển hình của những người vô cùng ích kỷ, chỉ biết nghĩ cho chính mình, sẵn sàng hi sinh cha mẹ, người thân, con cái… Bất kỳ ai yêu họ đều sẽ bị họ lợi dụng và giẫm đạp, miễn là họ cảm thấy thỏa mãn.

  • Kìm nén

Ngược lại hoàn toàn, những người kìm nén tổn thương của đứa trẻ vua sẽ trở nên vô cùng tự ti. Họ cảm thấy mình không xứng đáng với sự ngưỡng mộ và tình yêu của cha mẹ, ông bà, bởi họ đã chẳng làm gì cả. Điều ấy ăn sâu vào tâm thức của họ, khiến họ luôn bán mạng làm việc, nỗ lực hết sức nhưng vẫn luôn cảm thấy mình không xứng đáng. Dù họ cho đi rất nhiều để nhận lại tình yêu, họ vẫn cảm thấy mình không xứng đáng với tình yêu của người khác. Điều này làm cho họ cảm thấy nếu không được vinh danh cũng không sao cả. Từ đó tạo điều kiện cho người khác đánh cắp tài năng, trí tuệ và cả tình yêu của họ.

  • Thăng hoa

Khi nỗi đau của đứa trẻ vua được thăng hoa, người ấy sẽ trở thành một nhà giáo dục đại tài. Họ biết cách khen thưởng hợp lý và răn đe đúng lúc. Họ luôn tôn trọng giá trị mà người khác mang lại, và cũng tôn trọng những gì mình làm được. Họ thích hợp trở thành giáo viên, nhà cải cách giáo dục.

Và vẫn còn có rất nhiều dạng tổn thương khác tồn tại trên trái đất này. Việc xác định được kiểu tổn thương của bản thân sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong hành trình chữa lành của chính mình. Hãy mạnh dạn cảm nhận để biết được mình bị thương ở đâu và chữa lành cho nó.

>>3 dạng biểu hiện khác nhau của một tổn thương: tái diễn, kìm nén, thăng hoa (Phần 1)

Đăng ký Healing 1-1

Tâm sự, chia sẻ, và nhận những giải đáp để hỗ trợ bình yên trong tâm hồn, chữa lành những tổn thương và sống cho giây phút hiện tại.

Đăng ký ngay