5 kiểu suy nghĩ khiến bạn bế tắc trong cuộc sống
Thảo Nguyên
author
Một nhà tâm lý học nổi tiếng từng trêu đùa rằng: “Nếu suy nghĩ quá đà là một môn thể thao, thì tôi tin rằng sẽ có nhiều người giành được cả đống huy chương”. Nói như vậy để hiểu rằng đây là một xu hướng tâm lý tiêu cực phổ biến đang tồn tại. Bên cạnh suy nghĩ quá đà, dưới đây là những kiểu suy nghĩ dễ khiến bạn bế tắc trong cuộc sống.
Như đã nói, suy nghĩ quá đà là một hiện tượng phổ biến. Trong giới chuyên môn, đây là biểu hiện của siêu nhận thức (metacognition). Nói một cách dễ hiểu là chúng ta suy nghĩ về chính suy nghĩ của mình. Hiện tượng phổ biến này sẽ khiến bạn nhận ra những khuyết điểm trong tư duy của mình. Tuy nhiên, nếu việc này lặp lại nhiều liên tục, chắc chắn sẽ dẫn đến việc suy nghĩ quá độ. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý và chất lượng cuộc sống của bạn.
Dưới đây là những biểu hiện của những kiểu suy nghĩ dễ dàng khiến bạn rơi vào bế tắc trong cuộc sống. Và một số mẹo giúp bạn giải quyết những kiểu suy nghĩ tiêu cực này.
1. Suy nghĩ quá mức cần thiết (Overthinking)

Đây được xem là kiểu suy nghĩ tiêu cực phổ biến nhất tồn tại ở nhiều độ tuổi. Đặc biệt là giới trẻ và những cô gái đang trong mối quan hệ yêu đương. Bạn có bao giờ rơi vào những suy nghĩ tiêu cực quá mức cần thiết khi đang yêu? Ví dụ như: “Sao mình nhắn tin hơn năm phút rồi mà cô ấy/ anh ấy chưa trả lời?”. Hoặc là “Mình có làm gì sai để anh ấy/cô ấy không vui hay không nhỉ?”.
Đương nhiên, kiểu suy nghĩ tiêu cực này tồn tại ở nhiều khía cạnh cuộc sống. Từ công việc, gia đình, tình yêu và đến cả mối quan hệ bạn bè. Chúng ta thường tưởng tượng ra nhiều viễn cảnh xấu nhất mặc dù khó có thể xảy ra. Và những viễn cảnh này sẽ ám ảnh bạn. Chúng làm bạn luôn lo sợ và không thể tập trung làm bất kỳ việc gì khác.
Bạn rất mong đợi được nhìn thấy kết quả ngay lập tức để biết được những gì mình suy diễn có đúng hay không. Bạn muốn được người khác đảm bảo rằng những viễn cảnh xấu bạn vẽ ra là không đúng. Nhưng nhiều lúc bạn không thể có được bất kỳ câu trả lời nào. Chính vì thế, kiểu suy nghĩ này dễ gây ra những bế tắc trong cuộc sống. Đây là một dạng biến dạng nhận thức gây ảnh hưởng xấu đến hành vi và cảm xúc.
*Cách giải quyết:
Bạn nên học cách thừa nhận rằng bản thân mình đang suy nghĩ quá nhiều, suy diễn quá mức. Đây là bước đầu tiên thử thách bản thân bạn. Từ đó, sẽ giúp não bộ của bạn gỡ rối được ít nhiều. Bước tiếp theo, bạn phải dừng lại những câu hỏi giả định không cần thiết. Ví dụ như cách suy nghĩ “lỡ như” hay “nếu” điển hình của kiểu suy nghĩ này. Khi bạn thực hiện thành công bước này, bạn sẽ vượt qua được giai đoạn sợ hãi. Sau đó, bạn sẽ dần nhận thức được sự vật/sự việc như chúng đang là.
2. Cố gắng đọc vị người khác

Đọc vị người khác được hiểu là việc cố gắng đoán xem người khác đang nghĩ gì về mình. Đây là một kiểu suy nghĩ phổ biến xảy ra ở những mối quan hệ không tương xứng về quyền lực hay vị thế. Ví dụ như mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái, hay giữa sếp với nhân viên.
Nhà nhân học Edward Hall chó rằng đọc vị người khác là kết quả của kiểu giao tiếp ngữ cảnh cao (tên tiếng anh là high context communication). Khi rơi vào vòng xoáy đọc vị người khác, bạn sẽ luôn phải “nói một nhưng phải hiểu mười”. Hoặc là bạn luôn phải nỗ lực phán đoán suy nghĩ của người khác dù họ không muốn nói ra. Thậm chí, bạn có xu hướng sợ hãi khi nghĩ đến khả năng người khác nghĩ xấu về mình. Từ đó, tạo ra sự lúng túng, thiếu tự tin khi giao tiếp.
*Cách giải quyết:
Hãy học cách tập trung vào bối cảnh chung khi giao tiếp hơn là từng con người bên trong đó (bao gồm cả bạn). Đừng để ý quá nhiều về suy nghĩ hay phản ứng của người khác, bởi vì bạn không thể làm hài lòng tất cả mọi người. Bạn cũng không cần phải hiểu họ muốn gì kể cả khi họ không nói ra. Giao tiếp là sự trao đổi thẳng thắn với nhau chứ không phải trò chơi đoán ý nhau, làm khó nhau.
3. Cuộc trò chuyện liên tục trong tâm trí (Mental chatter)
Cuộc trò chuyện liên tục trong tâm trí được hiểu một cách đơn giản là chuỗi suy nghĩ liên tục trong đầu. Con người có xu hướng suy nghĩ về bất kỳ thứ gì ngẫu nhiên xuất hiện trong đầu họ. Một vài chuyện tiêu biểu có thể kể đến như công việc, chuyện gia đình, con cái. Thậm chí, những cảm xúc của ngày hôm qua, cuộc hội thoại bất kỳ của một năm về trước cũng có thể trở thành chủ đề cho cuộc trò chuyện liên tục trong tâm trí bạn.
Đây hoàn toàn là những suy nghĩ ngẫu nhiên. Chúng xuất hiện vì chúng ta đã quen với việc liên tục suy nghĩ, nhưng chúng ta lại không ý thức được suy nghĩ của mình. Có nghĩa là chúng ta suy nghĩ một cách vô thức.
Đây được xem là hiện tượng bình thường. Nguyên nhân của việc này là do thói quen bận rộn của tâm trí. Điều này thường không dẫn đến vấn đề gì lớn. Nó không gây nên trầm cảm hay lo âu. Nó chỉ làm cho chúng ta mệt bởi sự hoạt động liên tục của bộ não. Khi não bộ hoạt động liên tục việc ngủ và nghỉ ngơi thường khó khăn. Chúng ta khó vào giấc ngủ hơn bình thường và cũng thường ngủ không sâu giấc.

*Cách giải quyết:
Bạn nên thực hành các hoạt động giúp bạn thư giãn và giảm sự hoạt động quá mức của não bộ. Yoga là một hoạt động điển hình có thể giúp bạn. Thiền định là phương pháp hiệu quả nhất. Tuy nhiên với những người quen để cho tâm trí bận rộn, việc ngồi thiền sẽ có chút khó khăn ở giai đoạn đầu. Vậy nên hãy thực hành yoga trước, để cho tâm trí tập làm quen với sự thư giãn và ngừng suy nghĩ. Sau đó bạn có thể tiến hành thiền 1p, 3p, 5p và tăng dần lên 10p, 30p. Việc luyện tập sẽ dần đưa tâm trí của bạn về trạng thái cân bằng, và chỉ suy nghĩ khi cần thiết.
4. Ám ảnh quá khứ
Việc liên tục tự dằn vặt về những chuyện đã xảy ra trong quá khứ sẽ dẫn đến sự ám ảnh về những chuyện đã qua. Bạn không thể thoát ra được cảm giác tội lỗi. Cảm giác áy náy, day dứt luôn tồn tại bên trong bạn. Bạn luôn lo sợ bạn sẽ lại mắc sai lầm. Ngoài ra, ám ảnh quá khứ còn tồn tại một dạng biến thể nguy hiểm, được gọi lại hồi tưởng liên tục về giai đoạn bạn bị tổn thương trong quá khứ. Ví dụ như giai đoạn bạn bị thờ ơ, lạnh nhạt hoặc bị đánh đập, bỏ rơi.
Điểm giống nhau giữa hai dạng này là chúng sẽ khiến bạn không thể tách rời những cảm xúc tiêu cực luôn bủa vây. Từ đó dẫn đến việc bạn luôn né tránh nhiều thứ trong cuộc sống để không lặp lại những ám ảnh trong quá khứ. Bạn không đưa tay phát biểu ý kiến nữa vì bạn không muốn mình lại bị cười nhạo. Bạn không dám yêu ai vì sợ họ sẽ bỏ rơi bạn như cách cha mẹ bạn đã làm. Bạn không còn dám mặc những bộ đồ có chút gợi cảm vì lo lắng lại có kẻ dòm ngó và xỉa xói mình. Bạn thu hẹp mình lại vào một góc, không còn dám thể hiện quan điểm, cá tính và cả tình yêu của mình.
*Cách giải quyết:
Trước tiên bạn cần xác nhận rằng những hành động tồi tệ của họ không xuất phát từ sai phạm hay lỗi lầm của bạn. Hành động của họ chỉ thể hiện bản chất con người của họ. Bạn vẫn luôn rất tuyệt vời từ khi sinh ra cho đến bây giờ. Sau đó bạn cần chữa lành những thương tổn trong lòng mình bằng nhiều cách:
- Cách để chữa lành đứa trẻ bên trong bạn
- 3 Cách để vượt qua những tổn thương
- Học cách buông bỏ quá khứ để hạnh phúc
- Sống trong chánh niệm…
Hãy luôn hiểu rằng, thế giới có hơn 7 tỷ người và chẳng ai giống ai cả. Vậy nên đừng đánh đồng tất cả đàn ông/phụ nữ là giống nhau. Mỗi một điều xảy đến với chúng ta đều có một ý nghĩa nào đó, vậy nên hãy học cách chấp nhận mọi thứ bằng một trái tim đầy yêu thương.

5. Không ngừng lo lắng về tương lai
Không ngừng lo lắng về tương lai có điểm tương tự với suy nghĩ quá mức cần thiết. Đó là chúng ta có khuynh hướng suy nghĩ khá nhiều. Việc suy nghĩ quá mức là suy nghĩ về tất cả mọi thứ. Bao gồm những điều đã xảy ra, đang diễn ra, và cả những điều không có khả năng sẽ xuất hiện. Trong khi đó, không ngừng lo lắng cho tương lai chỉ tập trung vào những gì chắc chắn sẽ diễn ra, chỉ là bạn chưa biết trước kết quả. Ví dụ như:
- Một kỳ thi sắp đến, bạn lo lắng không biết mình có đậu hay không.
- Hoặc khi đi làm bạn không biết mình có đến công ty trễ hay không.
- “Tiền đâu để đóng tiền nhà tháng này đây?”
- “Ngày mai mình nên mặc gì đi chơi cho đẹp nhỉ?”
- “Liệu mình có thể giàu có được không?”
Dù rằng cuộc sống của bạn khá ổn nhưng những câu hỏi, những lo lắng vẫn xuất hiện thường trực trong tâm trí bạn. Và điều này vô tình làm ảnh hưởng đến sự bình yên của bạn ở giây phút hiện tại.
Việc suy nghĩ về tương lai sẽ có ích khi bạn biết kiểm soát chúng. Có nghĩa là bạn suy nghĩ để lường trước những hậu quả xảy ra trong tương lai nếu hiện tại không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Nhưng nếu bạn không chủ động kiểm soát nó, những suy nghĩ lan man sẽ xuất hiện, dần dần dẫn chiếm trọn tâm trí bạn. Bạn sẽ luôn nghĩ về những điều bạn sẽ làm trong 1 tiếng nữa, ngày mai, hay tuần sau và tháng sau. Tâm trí bạn bận rộn hết mức với những tính toán và lo lắng cho tương lai. Điều đó có thể khiến cho bạn bị bế tắc trong cuộc sống của mình.
*Cách giải quyết:
Thực hành chánh niệm* chính là phương pháp hữu ích để giải quyết vấn đề này. Thực hành chánh niệm có nghĩa là bạn tập cách sống ở giây phút hiện tại. Thực hành chánh niệm giúp bạn tập trung nhiều hơn vào hiện tại. Khi đó, những suy nghĩ của bạn khó có thể “lang thang” vào quá khứ hay tương lai. Việc này cũng giúp tâm trí bạn được nghỉ ngơi.
*Thực hành chánh niệm: Khi ăn, uống, đi, đứng bạn biết là bạn đang ăn, đang uống, đang đi, đang đứng. Không có suy nghĩ gì khác xen vào bước đi của bạn. Bạn cảm nhận từng bước chân của mình, và chú ý quan sát để có những bước đi an toàn. Bạn tập trung cảm nhận từng miếng thịt, cọng rau bạn đang ăn. Chúng ngon như thế nào, hương vị ra làm sao. Những lo lắng về công việc và gai đình không thể chen vào quá trình thưởng thức bữa ăn của bạn.
Xem thêm: Sống trong chánh niệm

Kết
5 kiểu suy nghĩ dễ khiến bạn bế tắc trong cuộc sống này đều có một điểm chung. Đó là chúng được hình thành dựa trên sự lặp đi lặp lại liên tục. Chính vì thế chúng tạo nên nhiều hệ quả tiêu cực, tác động không tốt đến sức khỏe tinh thần. Từ đó ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống của chúng ta. Vậy nên nếu bạn nhận ra mình đang có những loại suy nghĩ nào ở trên thì hãy thực hành theo cách giải quyết được đề ra để có thể cân bằng lại cuộc sống. Tâm trạng, tinh thần của bạn sẽ được cải thiện. Bạn sẽ luôn yêu đời và tràn đầy năng lượng sống trong mình.