khuvuonmolly@gmail.com
/
Địa chỉ :
Số điện thoại liên hệ:

5 phương pháp giúp bạn cải thiện khả năng tự nhận thức

Author Avatar

Mie

author

Khả năng tự nhận thức là gì?

I. Khả năng tự nhận thức là gì?

Tự nhận thức là khả năng nhìn nhận được các khía cạnh khác nhau của bản thân bao gồm các đặc điểm, hành vi và cảm giác. Về cơ bản, đó là một trạng thái tinh thần trong đó bản thân trở thành tâm điểm của sự chú ý. Con người sẽ trải nghiệm chính những cảm xúc, hành vi, đặc điểm tính cách, lối suy nghĩ của chính mình. Nếu bạn có khả năng nhận thức cao về mình, bạn sẽ có thể đánh giá bản thân một cách khách quan. Dễ dàng điều chỉnh cảm xúc và suy nghĩ của mình sao cho phù hợp với hoàn cảnh, hoặc phù hợp với mục tiêu của mình.

Tự nhận thức là một kỹ năng hiếm có và khó rèn luyện được bởi vì chúng ta dễ bị cuốn theo những diễn giải dựa trên cảm xúc hiện thời. Do đó, trong nhiều trường hợp chúng ta không nhận thức được bất kỳ điều gì và đưa ra những hành động không phù hợp với hoàn cảnh.

II. Tại sao lại cần có khả năng tự nhận thức?

1. Hiểu bản thân, điều hướng được bản thân

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, người tự nhận thức có thể làm rõ các suy nghĩ, hành vi và cảm xúc của mình tốt hơn người bình thường. Họ có thể soi chiếu với những chuẩn mực xã hội hay bản lề đạo đức con người có sẵn. Từ đó đưa ra kết luận việc mình làm đã đúng hay chưa. Và nếu sai thì sai ở điểm nào.

Nhiều nhà lãnh đạo có thể tự nhận thức được phương hướng hay chiến lược mình đang làm có thể mang lại giá trị hay không. Bằng sự nhạy bén và khả năng tự nhận thức cao, họ có thể đưa ra quyết định khách quan hơn, chính xác hơn. Và đương nhiên những người có khả năng này thì sẽ hạnh phúc nhiều hơn. Họ có trải nghiệm cảm xúc cá nhân cũng như sự hài lòng trong công việc cao hơn.

2. Nhìn nhận sự việc từ nhiều góc độ

Khi chúng ta tự nhận thức, ta không chỉ thấu hiểu vấn đề thông qua nhiều khía cạnh. Mà còn là thấu hiểu cách người khác nhìn nhận mình. Họ thấu hiểu bản thân nên họ có khả năng đồng cảm với nhiều quan điểm khác nhau. Sự khác nhau trong quan điểm mỗi người là vô cùng. Quan điểm về lối sống, sự tự do, hạnh phúc cá nhân,… Và chỉ khi bạn ý thức rõ mình là ai bạn mới chấp nhận được những ý kiến trái chiều với mình. Việc chấp nhận được những quan điểm trái ngược với mình sẽ giúp bạn sống thoải mái hơn bao giờ hết.

Ngoài ra, lợi ích của tự nhận thức có thể khác nhau tùy theo cá nhân của mỗi người. Sau đây là một số lợi ích khác mà khả năng này mang lại:

  • Kéo chúng ta ra khỏi những giả định và thành kiến
  • Xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp (bạn bè, tình yêu, cấp trên,…)
  • Tiếp thêm sức mạnh nội tại để tăng thêm động lực
  • Đưa ra quyết định đúng đắn hơn, khách quan hơn
  • Mang đến nhiều niềm vui mới
Tại sao cần khả năng tự nhận thức

III. 5 pháp giúp cải thiện khả năng tự nhận thức

1. Trải mọi thứ thành con chữ

Giữ thói quen viết nhật ký, mở một trang blog, gửi email cho chính mình, nguệch ngoạc vài dòng trong sổ tay. Hãy để suy nghĩ của mình biến từ vô hình sang hữu hình, từ những thứ không cảm nhận được sang những con chữ xinh đẹp. Viết vốn là một dạng thiền. Bởi vì viết lách đòi hỏi bạn phải tập trung vào tâm trí và biết rõ mình đang nghĩ hay cảm thấy như thế nào. Như tác giả Flannery O’Connor từng nói, “Tôi viết ra bởi vì tôi không biết mình nghĩ gì, cho đến khi tôi đọc lại những gì mình nói.”. Con chữ là sợi dây liên kết vô hình giữa tiềm thức và thực tại. Chúng trải ra nhiều suy tưởng bằng trí tưởng tượng phong phú của con người.

Phương pháp này không yêu cầu bạn phải viết sao cho hoa mỹ hay theo trình tự thì mới thu được hiệu quả. Chỉ đơn giản sắp xếp lại suy nghĩ của bạn ra giấy là đã đủ để bạn thấy rõ suy nghĩ và cảm nhận của mình. Còn hơn là để nó dồn ứ trong đầu. Và nên kiên trì luyện tập thường xuyên, bạn sẽ thấy sự tự chiêm nghiệm bản thân rõ ràng hơn đáng kể.

2. Luyện tập chánh niệm

Để có thể sống chánh niệm, bạn cần phải tập trung vào từng khoảnh khắc hiện tại và cảm nhận nó. Tâm trí của bạn không bị xao nhãng bởi bất kỳ điều gì khác, và không bị dẫn dắt. Việc luyện tập chánh niệm giúp bạn tập trung ý thức của mình vào một điểm nhất định. Khi bạn đi, bạn tập trung vào từng bước đi. Khi bạn đang suy nghĩ, bạn biết mình đang suy nghĩ. Khi những suy nghĩ tốt xuất hiện, bạn biết có những suy nghĩ tốt đang diễn ra. Khi có những suy nghĩ bạn cho là xấu xuất hiện, bạn biết mình đang có những suy nghĩ ấy. Bạn chỉ ở thực tại và không để mình bị lôi kéo đi đâu cả.

Luyện tập chánh niệm giúp tăng khả năng tự nhận thức bởi nó yêu cầu bạn phải tập trung để nhận thức được mình đang làm gì, cảm thấy gì và có những suy nghĩ gì. Tâm trí không trôi đi bất cứ đâu, mà vẫn ở đây, và nhận thức mọi thứ ở đây. Thiền là một công cụ hỗ trợ bạn thực hành chánh niệm. Thiền định sẽ giúp bạn nhận thức được những suy nghĩ và cảm xúc của mình tốt hơn.

thiền định

3. Đặt câu hỏi cho bản thân và tự trả lời

Hãy đặt câu hỏi cho bản thân mình, để tìm hiểu câu trả lời từ chính mình. Những câu hỏi sẽ khiến bạn phải suy nghĩ và truy vấn lại bản thân xem rốt cuộc thì mình đang nghĩ gì, và làm gì. Việc này giúp bạn ý thức được rõ ràng hành vi và cảm xúc của mình. Bạn sẽ hiểu rõ hơn về bản thân mình, về những gì đang diễn ra trong mình. Điều này giúp bạn hạn chế được những hành động không đáng có và vạch đường đi cho bản thân rõ ràng hơn. Bạn biết mình nên làm gì tiếp theo và không nên làm gì.

Những câu hỏi sẽ giúp bạn có cái nhìn sâu hơn vào trong tâm thức của mình.

Mẫu

Câu hỏi mẫu Ý nghĩa của câu hỏi Câu trả lời mẫu
Bạn đang cảm thấy như thế nào/muốn làm gì? Nhận thức được cảm xúc/xu hướng hành vi hiện thời Tôi đang cảm thấy tức giận. Tôi muốn đập phá đồ đạc.
Vì sao bạn có cảm xúc/ xu hướng hành vi đó?

Tìm hiểu lý do

Tôi làm việc mãi nhưng chẳng có kết quả nào cả, tôi không kiếm được tiền. Bạn bè tôi ai cũng có thành quả, nhưng tại sao tôi không làm được. Tôi yếu kém đến vậy sao? Tôi thật tồi tệ.
Tại sao khi gặp trường hợp này, mình luôn có cảm xúc/xu hướng hành vi đó? Đi tìm căn nguyên của vấn đề

Tôi luôn nghĩ rằng mình học giỏi, mình có thể thành công hơn người khác. Nhưng tôi quá thất vọng. Tôi chẳng làm được gì. Tôi không chấp nhận nổi bản thân mình như thế. Tôi không chấp nhận sự thất bại của mình. Tôi cảm thấy thiếu kiên nhẫn với chình mình.

Có lẽ việc tôi đập phá đồ đạc là vì tôi giống bố, bố tức giận cũng đập phá đồ đạc.

Bạn có muốn mô thức cảm xúc/xu hướng hành vi này không? Nhận thức được mong muốn của bản thân Tôi không muốn mỗi khi cảm thấy thất bại mình đều phát điên như một kẻ khùng, rồi đập phá đồ đạc, đánh đập bản thân.
Nếu không, thì có cách nào để lần sau khi gặp trường hợp này, mình không còn cảm xúc/xu hướng hành vi như vậy nữa không? Tìm cách thức để thay đổi Mình nên thay đổi cách nhìn về: sự thất bại, thành công, thành công nhanh, thời gian, sự liên quan giữa học hành và thành công, về tính kiên nhẫn…
Mình cần thay đổi lối suy nghĩ như thế nào? Nhận thức được lối suy nghĩ hiện tại và hình thành lối tư duy mới

Thành công nhanh không phải là dễ dàng. Ai xung quanh mình cũng đã từng bước đi lên.

Thất bại hôm nay là bài học cho bản thân mình. Bình tĩnh rút kinh nghiệm để chuẩn bị cho lần sau. Chấp nhận sự chưa thành công của mình. Đó không phải là điều gì đáng xấu hổ. Nó là minh chứng cho sự nỗ lực của mình, chỉ là chưa đúng hướng nên chưa đạt được thành tựu.

Mỗi người có một hành trình sự nghiệp và thời điểm thành công riêng. Không nên so sánh mình với người khác. Mình đang trên hành trình của mình và sẽ có thời điểm dành cho mình.

Không phải cứ nỗ lực hết mình là sẽ thành công.

Kết quả có như thế nào đi chăng nữa cũng là điều tuyệt vời. Vì để đi trên một chặng đường dài mình đã trải nghiệm cuộc sống, thay đổi bản thân tích cực và tận hưởng cuộc sống.

Cần luyện tập như thế nào? Lên kế hoạch luyện tập Khi có những suy nghĩ tiêu cực trỗi dậy, mình sẽ nhắc nhở bản thân nhẹ nhàng về những lối tư duy mới ở trên. Việc này dần dần sẽ giúp mình hình thành lối tự duy mới.

4. Đón nhận phản hồi từ người khác

Hành trình nâng cao tự nhận thức cá nhân đòi hỏi cả sự cảm thông và lòng bao dung. Người khác thường có góc nhìn chuẩn hơn chúng ta. Đặc biệt là gia đình hoặc bạn bè thân thiết. Hãy nhờ người nào đó bạn tin tưởng chỉ ra “điểm mù” của bạn. Bạn sẽ vô cùng bất ngờ vì những điều họ nói có thể bạn hoàn toàn không tưởng tượng đến.

Và tất nhiên hỏi ý kiến người khác có thể sẽ dẫn đến cảm xúc tiêu cực hoặc tích cực. Nếu là tích cực, hãy đón nhận và vui vẻ. Còn nếu là tiêu cực, học cách chấp nhận nó trước. Ai cũng có một vài vết nhơ không muốn nhớ lại. Ai cũng từng hối hận vì đã làm những điều ngu ngốc. Ai cũng đã một lần khiến người khác tổn thương. Cho nên, hãy chuẩn bị sẵn tâm lý khi đón nhận những phản hồi từ bên ngoài nhé.

5. Tận hưởng những khoảnh khắc chất lượng

Hãy dành những khoảng thời gian chất lượng cho bản thân mình. Cũng như cho gia đình, bạn bè và những người quan trọng khác. Việc tạo sự kết nối giúp cải thiện tinh thần con người rất hiệu quả. Tình yêu vốn kỳ diệu trong thế giới quan của mỗi người. Bạn càng nhìn nhận được rõ vấn đề, bạn sẽ càng trân quý những người xung quanh bạn. Hãy chắc chắn rằng bạn và đối tác của bạn đều có thời gian chất lượng cho nhau để suy nghĩ về những gì bạn muốn, bạn cần và mục tiêu của bạn là gì. Điều này sẽ giúp bạn không bị “hòa tan” quá nhiều vào đối tác của mình và duy trì sự độc lập và ổn định của tâm trí.

Kết

Sự tự nhận thức giúp chúng ta hiểu được chính mình và luôn biết mình cần thay đổi gì để có thể hoàn thiện bản thân cũng như đạt được mục tiêu. Bất kỳ ai mong muốn tự chủ trong cuộc sống của mình đều cần phải ý thức được chính mình. Những ai muốn có sự thành công không phải nhờ may mắn, và luôn có thể tạo ra thành công cho chính mình đều phải có khả năng tự nhận thức cao. Sự tự nhận thức là hoàn toàn có thể luyện tập được. Chỉ cần bạn kiên trì luyện tập theo 5 cách trên, bạn sẽ tăng dần khả năng tự nhận thức của mình.

Đăng ký Healing 1-1

Tâm sự, chia sẻ, và nhận những giải đáp để hỗ trợ bình yên trong tâm hồn, chữa lành những tổn thương và sống cho giây phút hiện tại.

Đăng ký ngay