khuvuonmolly@gmail.com
/
Địa chỉ :
Số điện thoại liên hệ:

6 dấu hiệu của người ái kỷ

Author Avatar

Mie

author

Bạn đã bao giờ gặp một người nào đó mà họ luôn đặt bản thân mình lên hàng đầu chưa? Hay rằng họ cho mình trở thành cái rốn của vũ trụ và tất cả mọi người đều phải xoay quanh họ? Đó chính là dấu hiệu của tính ái kỷ. Hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những dấu hiệu nhận biết của người mắc bệnh ái kỷ.

Ái kỷ là gì?

Ái kỷ là từ dùng để mô tả những người có tính tự mãn cao. Người ái kỷ thường cho rằng họ vô cùng đặc biệt về mọi mặt như: ngoại hình, tài năng, phẩm chất… Họ nghĩ rằng họ là trung tâm của vũ trụ, là món quà Thượng đế đã dành cho nhân loại.

ái kỷ là gì

Không ai hoàn toàn ái kỷ, hoặc không có chút ái kỷ nào. Chúng ta đều ái kỷ theo một mức độ nào đó. Điều này thể hiện rõ nhất vào những khi tâm trạng không tốt, ta sẽ có chút ích kỷ và tự mãn hơn bình thường. Nhưng ở mức độ tồi tệ, ái kỷ có thể trở thành một chứng rối loạn nhân cách.

Những kiểu người ái kỷ thường gặp

Trong bài viết này, chúng ta sẽ đề cập đến 2 loại ái kỷ phổ biến nhất đối với con người.

Kiểu ái kỷ tổn thương

Đây là kiểu ái kỷ phổ biến hay thường bắt gặp ở những người có tính nhạy cảm hoặc suy nghĩ quá mức (overthinking). Tuy không phải tất cả nhưng đây là kiểu ái kỷ dễ mang lại cảm giác khó chịu cho người khác. Những người thuộc kiểu này thường khá dè dặt và e ngại. Họ nhút nhát và thậm chí hạ thấp bản thân mình khá nhiều.

Họ luôn cảm thấy mình siêu nhạy cảm và cần được trấn an liên tục. Họ có xu hướng tin rằng bản thân mình chịu nhiều bất hạnh hơn tất cả mọi người trên đời. Trong mọi tình huống, ái kỷ tổn thương luôn tin chỉ có mình gặp bất hạnh. Mình là người duy nhất chịu thiệt thòi và bị áp đặt bởi người khác.

Nó còn có tên gọi khác là ái kỷ tinh vi. Người ái kỷ tinh vi tự dán nhãn “nạn nhân” cho chính họ. Bề ngoài họ có vẻ nhút nhát và khiêm tốn, nhưng ẩn sâu dưới lớp vỏ đó là một cảm giác vĩ đại. Họ sẽ bị xúc phạm bởi bất cứ điều gì khiến họ không vừa ý, dù điều đó có “nhỏ như con kiến”. Không những vậy, họ luôn tự hào khi kể rằng mình là nạn nhân hoặc mình vô cùng kém cỏi. Mục đích chỉ muốn lấy được lòng thương cảm của mọi người.

Kiểu ái kỷ vĩ đại

So với kiểu ái kỷ trên thì những người thuộc tuýp vĩ đại lại có xu hướng kiêu căng và ngạo mạn. Họ đánh giá quá cao về bản thân và khao khát những ánh nhìn ngưỡng mộ từ người khác. Họ không thể chấp nhận lời phê bình, và đổ lỗi cho mọi thứ mỗi khi gặp vấn đề. Họ mong muốn được đối xử đặc biệt hơn, vì họ ở đẳng cấp cao hơn bất kỳ ai quanh họ.

Họ luôn nghĩ mình tài giỏi và bắt mọi người phải nghe theo mình. Hoặc họ nghĩ mình nên được đối xử tốt hơn mọi người chỉ vì họ quá hoàn hảo. Đây đều là biểu hiện của ái kỷ vĩ đại. Họ còn có khả năng thao túng tâm lý người khác để kéo hào quang về chính mình.

Trong khi những người ái kỷ tổn thương luôn nghĩ mình kém cỏi về mọi mặt, thì những người ái kỷ vĩ đại lại nghĩ mình tài giỏi hơn tất cả mọi người. Ái kỷ tổn thương tự hào vì lấy được sự thương cảm. Còn ái kỷ vĩ đại tự hào vì thao túng được con người. Hai loại này dẫu có khác nhau nhưng giống nhau ở chỗ là đều quan trọng hóa bản thân họ một cách quá mức.

ái kỷ kiểu vĩ đại

Vậy làm sao để nhận biết người ái kỷ?

Những dấu hiệu dưới đây sẽ giúp bạn nhận biết được mình có phải người ái kỷ hay không. Bạn dễ dàng xác định được mức độ ái kỷ của bản thân. Từ đó ý thức được mình và thay đổi để tránh lún sâu vào kiểu tính cách này.

Thường xuyên nói dối và phóng đại sự thật

Người ái kỷ có thể nói dối về mọi thứ, chứ không dừng lại ở những vấn đề cá nhân. Họ thêu dệt những câu chuyện theo hướng có lợi cho mình, mục đích là để bảo vệ hình ảnh thể hiện ra bên ngoài. Điều này khác với những người nói dối để thiết lập chủ quyền và sự kiểm soát.

Nếu người bình thường cảm thấy ‘tim đập, chân run’ khi nói dối, thì người ái kỷ lại xem đây là điều giúp họ lấy lại bình tĩnh. Họ cho rằng việc họ làm là đúng và không có gì phải xấu hổ vì nói dối. Bởi trong tâm trí họ luôn quan niệm bản thân mình là vô giá, mình luôn đúng và nếu có sai thì là do người khác.

Tạo ra hình ảnh bản thân sai sự thật

Mặc dù vô cùng tự ti (ái kỷ tổn thương) hoặc vô cùng tự cao (ái kỷ vĩ đại) nhưng những người này lại luôn che giấu con người thật của mình. Họ luôn muốn sự thán phục, tình yêu thương từ mọi người dành cho mình. Chính vì vậy họ dựng lên một hình ảnh khác, hay còn gọi là “cái tôi giả”.

Những người hay tự ti về vẻ bề ngoài, tổn thương từ thế giới bên ngoài. Nhưng trên mạng xã hội luôn tỏ ra mình xinh đẹp thông qua các app chỉnh sửa. Hay bạn nghèo khổ nhưng luôn tỏ ra rằng mình sang trọng, mình sành điệu thông qua sự phông bạt trên facebook, tiktok,… Điều này chỉ để thỏa mãn sự hư vinh của họ. Cái tôi giả không cho phép họ sống thật với con người của mình. 

Những người tự cao thì thường hay nói đạo lý, dạy đời người khác sống sao cho đẹp. Họ thường chê bai mọi người xung quanh sống không tốt đẹp bằng họ, không có sự hiểu biết như họ. Đôi khi, ái kỷ còn thể hiện ở những người giả vờ khiêm tốn. Mặc dù bề ngoài họ tỏ ra khiêm tốn nhưng bên trong lại không phải thế.

Cách nhận biết người ái kỷ

Không có sự cảm thông với người khác

Dù luôn phủ định sai lầm của mình, người ái kỷ lại rất nhanh nhạy trong việc chỉ ra khuyết điểm hoặc đổ lỗi cho người khác. Không phải họ không biết bản thân mình sai. Nhưng họ không muốn bị chỉ trích hay chê bai từ người khác. Cái cảm giác được tôn vinh khiến họ không đủ năng lực để bày tỏ lỗi lầm của mình. Họ không thể thấu cảm với người khác vì luôn nghĩ rằng họ là bề trên, còn tất thảy đều là kẻ dưới họ. Họ chẳng bao giờ tự nhận mình sai nên không thể cảm thông cho sai lầm của người khác. Họ cho rằng những điều tồi tệ người khác phải nhận là đáng đời, vậy thì làm sao họ có thể hiểu được cho ai.

Khả năng bày tỏ sự thấu cảm của họ đã bị vùi lấp sau những bức tường. Những bức tường mà người ái kỷ dựng lên để bảo vệ hình ảnh và cái tôi của mình.

Người ái kỷ tự cho mình phá vỡ luật lệ

Người ái kỷ thường phá vỡ luật lệ và chuẩn mực xã hội. Chẳng hạn như chen hàng, vượt luật giao thông,…. Đóc là một sự phiền toái, thậm chí là mối nguy hiểm đối với cộng đồng và chính họ. Việc một số người Mỹ không tuân thủ các biện pháp phòng chống COVID-19 cũng là biểu hiện của ái kỷ. Những người này cho rằng họ là đặc biệt, là ưu tiên nên họ có quyền trở thành ngoại lệ đối với mọi người.

Ngoài ra, họ thường xuyên mặc kệ ranh giới mà người khác đặt ra bao gồm tài sản, không gian cá nhân, suy nghĩ và thời gian. Theo lời nhà tâm lý học: “Nếu bạn là người ái kỷ, bạn sẽ phải có bằng được điều mình muốn. Nếu điều bạn muốn trái ngược với các nguyên tắc cộng đồng, bạn sẽ bỏ qua cả nguyên tắc.”.

Luôn cho bản thân mình là đặc biệt

Hay lợi dụng người khác

Những người ái kỷ là bậc thầy trong việc thao túng và lợi dụng. Tất cả mọi việc họ làm đều có mục đích là tốt cho họ và không quan tâm lợi hại của người khác. Từ việc họ tỏ ra mình thông minh, có khả năng lo toan mọi thứ, cho đến việc lựa chọn nghề nghiệp đều dẫn tới một mục đích là để điều khiển người khác.

Họ lợi dụng điểm yếu của người khác như ít nói, nhút nhát, dễ bắt nạt làm bàn đạp cho họ vươn lên. Trong một số trường hợp những người đó có thể bị coi là vật thế thân để họ đổ lỗi hoặc trút giận. Những người ái kỷ tổn thương lại lợi dụng những ai có tình thương người cao, dễ mềm lòng. Mục đích là để biến mình thành nạn nhân. Họ sử dụng những lý lẽ khiến mọi người tin rằng họ yếu đuối, cần được bao bọc mọi lúc.

Người ái kỷ rất dễ mắc lừa

Tưởng rằng những người ái kỷ là những kẻ “khôn lỏi”, luôn nắm thóp người khác. Nhưng sự thật là họ lại vô cùng non nớt về nhận thức. Theo tiến sĩ Sam Vankin, những người ái kỷ dễ mắc bẫy lừa đảo đầu tư hoặc những việc tương tự. Lý do là họ đã tự xây dựng cho mình một thế giới cổ tích. Nơi họ đã định sẵn bản thân là toàn năng. Họ luôn được ưu ái và miễn mọi hậu quả. Chính vì vậy, họ bị vỡ mộng khi cuộc đời thật sự lại không như thế.

Họ làm liều vì không cho rằng mình có thể mất mát. Họ đòi hỏi vô lý vì cho rằng mình xứng đáng. Và họ nói dối vì cứ ngỡ rằng chẳng ai nhận ra. Những công thức về nhân sinh của người ái kỷ không phải lúc nào cũng đúng. Nhưng họ vẫn cứ làm theo, vì họ cho rằng mình không thể sai được.

Kết

Sự ái kỷ của con người giống như chiếc hố sâu không đáy. Mà đã không có đáy thì sẽ không có điểm dừng. Chúng ta đều quan trọng hóa bản thân ở những thời điểm nhất định. Có thể nó sẽ bình thường với người biết kiểm soát nó. Nhưng sẽ biến một người tỉnh táo thành “thần kinh” nếu không biết khống chế mình. Vậy nên việc ý thức về hành vi và suy nghĩ của mình là vô cùng quan trọng. Nó sẽ giúp bạn nhận ra được khi nào mình ái kỷ, và khi nào mình đang lún sâu vào nó. Nhờ đó bạn có thể kịp thời ngăn cản mình trở thành con nghiện bản thân quá đà. Bằng những phương pháp hiệu quả, bạn có thể dễ dàng vượt qua sự ái kỷ của bản thân một cách dễ dàng.

>> Rối loạn nhân cách ái kỷ

Đăng ký Healing 1-1

Tâm sự, chia sẻ, và nhận những giải đáp để hỗ trợ bình yên trong tâm hồn, chữa lành những tổn thương và sống cho giây phút hiện tại.

Đăng ký ngay