6 Điều làm rạn nứt những mối quan hệ của chúng ta
Mie
author
Những mối quan hệ là một phần quan trọng trong cuộc sống mỗi người. Chúng ta đều có những mối quan hệ về tình yêu, bạn bè, đồng nghiệp,… Và ai cũng biết là cần phải trân trọng những mối quan hệ tốt đẹp. Thế nhưng đôi khi do những thành kiến cá nhân đã vô tình làm rạn nứt những mối quan hệ đó.
1. Bạn thường nghĩ những gì bạn tin đều là đúng
Đây là một loại niềm tin hạn chế khi chúng ta luôn tin vào điều gì đó và cho nó là đúng. Chúng ta tìm kiếm những bằng chứng để chứng minh quan điểm của mình là đúng đắn. Mà không quan tâm đến những quan điểm trái ngược lại. Nếu bạn tin màu đỏ là màu may mắn của bạn, bạn sẽ bất giác chú ý và tìm kiếm màu đỏ nhiều hơn.
Điều này cũng không hẳn là sai vì niềm tin vốn dĩ cần được xây dựng và bảo vệ. Tuy nhiên, trong mối quan hệ đôi khi nó sẽ trở thành rào chắn đối với hai người. Tại sao lại thế? Vì chúng ta đều có những quan điểm cá nhân khác nhau. Và khi xảy ra mâu thuẫn, ai cũng sẽ biện hộ cho lý lẽ của chính mình. Họ không quan tâm và gạt bỏ đi ý kiến của đối phương vì họ cho rằng lý lẽ của mình thuyết phục hơn.
Việc cố gắng bảo vệ những quan điểm của mình sẽ khiến bạn trở thành kẻ đáng ghét trong mọi mối quan hệ. Bạn bảo thủ tin rằng dự án của mình là đúng và không nghe góp ý từ đồng nghiệp. Hay bạn cố chấp chứng minh quan điểm đàn ông luôn có quyền hạn cao hơn phụ nữ. Điều đó sẽ làm tổn thương nửa kia của bạn. Bạn sẽ không hiểu được vì sao họ lại bị tổn thương và vì sao họ lại xa lánh mình.
2. Bạn thường nhìn thấy điểm xấu ở người khác
Bạn ít khi nhìn thấy điểm gì tốt ở người khác. Nếu có thì những điểm tốt ấy cũng không có nhiều ý nghĩa với bạn. Thay vào đó, bạn lại hay chú ý đến thiếu sót của người khác. Và bạn luôn nhớ đến những điểm xấu của họ và gắn mác họ với những điểm chưa hoàn thiện ấy. Bạn thấy khó chịu vì những chiếc bánh rán cháy xém do vợ của bạn làm. Nhưng bạn lại không để ý việc cô ấy đã đi làm mệt mỏi cả ngày giống như bạn. Hay bạn chê trách đối phương trở nên lôi thôi và xấu xí. Mặc dù cô ấy đã phải trông con vất vả.
Bạn hình thành những ấn tượng xấu và tin vào những điều tiêu cực nhanh hơn là nhìn nhận vấn đề một cách tích cực. Bạn cho rằng những thành kiến đó có tác động quan trọng đối với cuộc đời của bạn. Bạn gặp một người rất tuyệt vời nhưng chỉ vì đôi giày bẩn của họ, bạn nghĩ họ lười biếng và không bao giờ nói chuyện với họ nữa.
Hay bạn luôn trách móc bố mẹ không hiểu mình trong khi họ đã dành cả cuộc đời để lo lắng cho bạn. Điều này sẽ khiến hủy hoại đi mối quan hệ của bạn. Bạn sẽ chỉ thấy điểm xấu của đối phương và chì chiết vào chúng. Mối quan hệ dần trở nên rạn nứt và xa cách vì bạn không có sự cảm thông và chia sẻ đối với họ.
Xem thêm: Làm thế nào để yêu trong tỉnh thức?
3. Bạn tin lời người ngoài
Nếu bạn là người không có lập trường vững vàng hoặc dễ dàng bị người khác thao túng, bạn sẽ trở thành kẻ ngu ngốc. Bạn nghe theo lời đám bạn và nghi ngờ vợ/chồng mình. Hay bạn tin theo những lời khuyên ngớ ngẩn và cho rằng bạn nên được anh ấy/cô ấy đối xử tốt hơn nữa. Bạn nghe lời dèm pha của những người xung quanh, và nổi lên nghi kỵ với bạn bè của mình, người yêu của mình, gia đình của mình. Sự ngu ngốc này phá nát mọi mối quan hệ của bạn.
Điều này hoàn toàn là điên rồ. Sẽ không còn ai muốn ở trong mối quan hệ của bạn. Nếu bạn tin theo người khác, bạn sẽ khiến người thân yêu của mình cảm thấy không được tin tưởng và tôn trọng. Họ sẽ bỏ đi chỉ là sớm hay muộn mà thôi.
Trong bất kỳ mối quan hệ nào cũng không nên có sự xen vào của người khác. Đó là mối quan hệ của bạn, bạn trực tiếp ở đó, và cảm nhận nó. Bạn phải biết rõ người bạn/chồng/vợ/cha mẹ/con cái của mình là người như thế. Đừng để người khác thao túng bạn, và rồi bạn tự tay phá vỡ những mối quan hệ tốt đẹp của mình.
4. Bạn luôn đổ lỗi cho đối phương
Hầu hết chúng ta đều không dám nhận lỗi về phần mình. Chúng ta luôn tìm cách để đổ lỗi cho người khác và cho hoàn cảnh. Vợ chồng thường hay đổ lỗi cho nhau khi con cái bị bệnh, học hành sa sút, bị thương. Hai người cũng đổ lỗi cho nhau khi người lớn trong nhà gặp phải sự cố. Cha mẹ thì đổ lỗi do con cái mà cha mẹ gây gổ với nhau. Hai người yêu nhau muốn đối phương phải chịu trách nhiệm cho sự nghiệp của mình. Có những sự cố nhỏ xảy ra, hai người bạn cũng không ngần ngại trách móc và đổ lỗi cho nhau. Điều đó đã khiến cho những người trong một mối quan hệ bị tổn thương.
Những người bị đổ lỗi cảm thấy cực kỳ oan ức, hoặc vô cùng tự trách. Cảm xúc tiêu cực nén lại trong lòng họ. Người đổ lỗi thì hả hê vì không phải chịu trách nhiệm cho điều gì, hoặc áy náy trong lòng. Khi quá nhiều cảm xúc tiêu cực tồn tại trong một mối quan hệ, mối quan hệ ấy sẽ tiêu tan.
Những vấn đề sẽ luôn xuất hiện trong cuộc sống. Và không ai là hoàn hảo cả. Mỗi người đều đang nỗ lực hết mình vì cuộc sống của riêng mình và vì cuộc sống của nhau. Việc bạn luôn đổ lỗi cho đối phương sẽ khiến họ cảm thấy tự ái và tủi thân.
Cho dù đó có là lỗi của họ thật đi chăng nữa, nhưng chẳng ai muốn bị mắng mỏ bởi người mình yêu đúng không? Lâu dần, họ sẽ hình thành mặc cảm và luôn tự trách bản thân chưa làm tốt. Hoặc ngược lại, nó sẽ là giọt nước tràn ly khiến họ cảm thấy không chịu được nữa và rời xa bạn.
5. Bạn thường quy chụp ai cũng như nhau
Đây là một kiểu thành kiến quy chụp khiến chúng ta cho rằng đặc điểm của một người giống với những người khác. Điều này xảy ra phổ biến với những khuôn mẫu như phân biệt chủng tộc hoặc phân biệt giới tính. Bạn thấy ai đó chơi với người đồng tính là bạn mặc định họ cũng là người đồng tính. Hay bạn quen một người đàn ông miền bắc gia trưởng và rồi bạn kết luận đàn ông miền bắc ai cũng gia trưởng như nhau.
Điều này thể hiện bạn là một người thô lỗ và thiển cận. Và bạn có xu hướng áp đặt sự quy chụp này lên bạn gái/bạn trai của mình. Bạn sẽ nói rằng vì anh ấy là người miền bắc nên chắc cũng có tính gia trưởng. Hay là vì cô ấy xuất thân nghèo khó nên chắc cũng ham muốn tiền bạc mà thôi. Đàn ông đều như nhau, ai cũng sẽ ngoại tình. Phụ nữ đều giống nhau, đều thực dụng và ham vật chất.
Những sự áp đặt vô cớ đó sẽ khiến đối phương cảm thấy thiếu tôn trọng. Bạn sẽ trở thành một kẻ độc đoán và hèn mọn trong mắt họ. Và tất nhiên những mối quan hệ này cũng sẽ không tồn tại được lâu dài và tan vỡ một cách nhanh chóng.
Xem thêm: Những điều độc hại trong tình yêu bạn cần tránh
6. Bạn không chịu nhận thức về bản thân
Như có nói ở trên, sự bền chặt của một mối quan hệ xuất phát từ sự cố gắng của hai người. Và khi chỉ có một người thay đổi cũng không thể nào giữ được mối quan hệ ấy. Bạn nghĩ rằng mình hoàn hảo và không cần phải thay đổi gì nữa. Trong khi bạn luôn đòi hỏi đối phương phải thay đổi vì mình.
Việc không chịu nhận thức về bản thân khiến bạn không nhận ra còn nhiều khuyết điểm và sửa đổi. Bạn tự mãn và luôn cho mình là đúng. Điều đó dễ gây ra sự chán ghét cho đối phương vì không cảm nhận được sự cố gắng của bạn. Họ sẽ cảm thấy bạn không trân trọng mối quan hệ này. Và chỉ có họ là kẻ đi chắp vá. Nếu bạn không chịu thay đổi bạn sẽ mãi mãi chỉ dừng lại và không thể phát triển được nữa.
Việc nhận thức và thay đổi là vô cùng quan trọng. Bởi không ai tự dưng lại hợp nhau. Mỗi một người cần tự nhận thức được bản thân mình và thay đổi làm sao cho hòa hợp với nhau. Nhiều người không nhận ra được điều cơ bản ấy. Họ để cho sự ngu muội của mình làm rạn nứt và thiêu rụi mọi mối quan hệ.
Xem thêm: 5 phương pháp giúp bạn cải thiện khả năng tự nhận thức
Kết
Những điều ngu ngốc trong mối quan hệ luôn lại là mũi giáo sắc nhọn đâm xuyên qua trái tim của người mình yêu thương. Nếu ta không chịu thay đổi những sự ngô nghê, ngu muội đó, nó sẽ gặm nhấm và hao mòn đi những tình cảm tốt đẹp mà chúng ta đã gây dựng nên. Đừng để sự rạn nứt trong mối quan hệ với những người thân yêu xuất hiện bởi chính bạn.