khuvuonmolly@gmail.com
/
Địa chỉ :
Số điện thoại liên hệ:

Áp lực đồng trang lứa là gì?

Author Avatar

Mie

author

Có lẽ bạn vẫn thường hay nghĩ: “Tại sao bạn bè mình giỏi giang như vậy?” “Tại sao chúng nó đã có thể kiếm được nhiều tiền?” Hay là “Tại sao mình không thể giống như những người khác”… Và vô vàn những câu hỏi luôn văng vẳng trong tâm trí chúng ta. Những trăn trở đó được gọi là áp lực đồng trang lứa. Vậy áp lực đồng trang lứa là gì và tại sao lại tồn tại áp lực đồng trang lứa?

Thế nào là áp lực đồng trang lứa?

Đó là một loại năng lượng được sinh ra do ảnh hưởng từ những người thuộc cùng nhóm xã hội. Hay nói cách khác đó là áp lực khi chịu ảnh hưởng từ bạn bè, những người cùng độ tuổi hoặc cùng lĩnh vực chuyên môn. Những áp lực này xảy ra nhiều nhất là ở giới trẻ, người vị thành niên hay gọi là Gen Z bây giờ.

Áp lực đồng trang lứa là gì

Thực tế, ai trong chúng ta cũng đã từng trải qua loại áp lực này. Áp lực xuất phát từ góc độ nhìn nhận của bản thân đối với mọi người xung quanh. Chúng ta có xu hướng so sánh mình với mọi người về nhiều phương diện khác nhau. Từ vẻ ngoài, tính cách, lối sống, giá trị bản thân… đều có thể tạo ra áp lực đồng trang lứa.

Áp lực đồng trang lứa xuất phát từ đâu?

Trong xã hội ồn ào và náo nhiệt, giữa những bộn bề lo âu, không thể tránh khỏi việc gặp áp lực cá nhân. Tuy nhiên, áp lực từ môi trường bên ngoài cũng không nặng nề bằng áp lực từ chính chúng ta. Theo nghiên cứu, áp lực đồng trang lứa có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau.

  • Từ gia đình

“Sao mày không học giỏi được như con nhà người ta?” “Sao mày không nhìn con người ta mà phấn đấu” Có lẽ trong đời ít nhiều chúng ta đã từng nghe câu này từ chính bố mẹ của mình. Cách giáo dục của cha mẹ chính là yếu tố tiên quyết ảnh hưởng đến sự hình thành tính cách của trẻ. Mỗi đứa trẻ đều là tấm gương phản chiếu của bố mẹ chúng.

Cha mẹ luôn so sánh con cái của mình với con của người khác. Khi còn nhỏ là sự so sánh về kết quả học tập. Còn khi trưởng thành lại so sánh về công việc, lương thưởng, những đóng góp cho gia đình. Hay nhiều cha mẹ so sánh về vấn đề hôn nhân .Sự áp đặt, kỳ vọng quá lớn đôi khi khiến đứa trẻ luôn trong trạng thái bí bách, áp lực. Chúng ngạt thở vì chính những áp lực mà cha mẹ chúng đặt lên.

Áp lực đồng trang lứa xuất phát từ áp lực của gia đình

Thói quen so sánh con cái từ khi còn nhỏ sẽ hình thành những tổn thương trong đứa trẻ. Những phàn nàn từ bố mẹ về điểm số thấp, không có công việc ổn định hoặc không chịu lập gia đình. Những điều đó vô tình sẽ đè nặng áp lực lên vai mỗi đứa trẻ. Chúng áp lực về thành tích, áp lực về công việc, về tài chính, sự nghiệp, thậm chí là cả về hôn nhân. Chúng phải luôn cố gắng để bằng con nhà người ta như bố mẹ chúng kỳ vọng.

  • Từ xã hội phát triển

Sự bùng nổ của mạng xã hội cũng là nguyên nhân thường gặp làm gia tăng áp lực đồng trang lứa. Sự xuất hiện của mạng xã hội sẽ khiến cho việc so sánh bản thân với người khác diễn ra thường xuyên hơn. Ngày nay, mọi người hay có thói quen chia sẻ cuộc sống cá nhân lên mạng xã hội. Khi thấy bạn bè chia sẻ thành tựu lớn như mua nhà, mua xe, đi du học, tăng lương,… thì chúng ta rất khó tránh khỏi những áp lực.

Hơn nữa trong xã hội hiện nay, nhiều bạn trẻ đã có cho mình nhiều thành công dù chỉ mới đôi mươi. Nhiều bạn trẻ có nền tảng phát triển tốt đã tiến lên vượt bậc so với những bạn cùng trang lứa. Số lượng các cá nhân tinh anh trong xã hội ngày một nhiều hơn. Vô hình chung điều này đã gây ra ảnh hưởng đến những bạn trẻ còn đang loay hoay hoặc gặp thất bại. Những bạn trẻ chưa có được thành công sẽ nhìn những cá nhân ưu tú đó và tự đánh giá mình.

Từ đó sẽ dẫn đến áp lực về tiền bạc, về những mối quan hệ trong xã hội. Đi làm thì áp lực về việc thăng chức, về đồng lương bèo bọt. Nhìn lại bạn bè đều đã thành công thì lại áp lực về năng lực của chính mình. Điều này gây nên áp lực đồng trang lứa ở giới trẻ ngày một phổ biến.

Áp lực đến từ sự thành công của người cùng tuổi
  • Từ cá nhân chính mình

Mỗi người đều có cho mình những hoài bão và ước mơ riêng. Đó có thể là trở nên giàu có, thịnh vượng hay được sống vui vẻ, hạnh phúc. Điều đó không sai. Tuy nhiên, sự kỳ vọng quá lớn về bản thân mình đôi khi lại biến thành trở ngại to lớn. Những ước mơ lớn lao vô tình khiến chúng ta cảm thấy áp lực. Chúng ta áp lực về khao khát được thực hiện ước mơ đó. Chúng ta áp lực chính mình phải đạt được những mục tiêu mình đã đặt ra.

Đôi khi việc mong muốn thành công quá nhanh sẽ tạo ra những áp lực nặng nề. Chúng ta luôn thôi thúc bản thân làm việc thật chăm chỉ, bắt cơ thể lao động không ngừng nghỉ. Nhưng thành công nhanh lại chưa bao giờ là một việc dễ dàng.

Dấu hiệu của áp lực đồng trang lứa

Bạn có nhận ra mình đã hoặc đang có áp lực đồng trang lứa không? Hay bạn có bao giờ để ý đến những thay đổi trong cảm xúc hoặc nhận thức của mình? Áp lực trang lứa thường có biểu hiện khác nhau với từng cá nhân khác nhau. Có thể rõ ràng hoặc không.

  • Rối loạn cảm xúc

Khi bạn luôn có cảm giác mặc cảm, lo âu, cảm xúc không nhất quán trong cuộc sống. Bạn luôn cảm thấy căng thằng, mệt mỏi khi đối diện trước một vấn đề nào đó. Bạn thường hay né tránh những mối quan hệ cùng trang lứa. Hoặc có thái độ, cư xử không chuẩn mực với bạn bè. Đó đều là dấu hiệu của áp lực đồng trang lứa. Tinh thần luôn trong trạng thái tiêu cực, thường suy nghĩ hay trăn trở về bản thân chứng tỏ rằng bạn đang bị áp lực trong một khoảng thời gian dài.

Cảm xúc tiêu cực trong thời gian dài có thể dẫn đến tình trạng mất ngủ hay stress. Nhiều người khi phải sống cùng áp lực đồng trang lứa trong thời gian dài có thể bị trầm cảm ở các mức độ nặng/nhẹ khác nhau.

Dấu hiệu của áp lực đồng trang lứa
  • Thể hiện chính mình

Một dấu hiệu khác của áp lực trang lứa là thường luôn cố gắng thể hiện bản thân mình nhiều hơn với mọi người. Luôn khoe mẽ thành tích hay công lao cá nhân. Hay thậm chí là xem thường thành tích của người khác và hạ bệ họ. Đơn giản vì bạn muốn thể hiện rằng bản thân không thua kém bất kỳ ai cả.

Sự thể hiện chính mình đôi khi còn là việc thay đổi vẻ bề ngoài như quần áo, tóc tai. Bạn có thể sẽ cố gắng ăn bận hào nhoáng và chải chuốt để trông mình giống những bạn bè xung quanh. Để thể hiện rằng mình có tiền, bạn có thể sẽ thường xuyên lựa chọn những trang phục và phụ kiện đắt tiền. Vô hình chung điều này lại làm gia tăng thêm áp lực cho chính bạn.

  • Thói quen so sánh

Khi còn nhỏ, ta thường so sánh những món đồ chơi của mình với mấy đứa trẻ trong xóm. Khi đi học, chúng ta so sánh điểm số của mình với bạn bè. Khi lớn lên, ta lại so sánh thành công và nỗ lực của mình với những người đồng trang lứa hay cùng chuyên môn. Luôn đem mình ra so sánh với người khác dù tốt hay xấu. Điều này dẫn đến áp lực lên chính chúng ta khi ta tự so sánh với người khác quá nhiều. Bạn luôn áp lực lên mình những điều bạn chưa bằng họ.

Áp lực đồng trang lứa là một hiện tượng tâm lý của con người và đặc biệt xảy ra phổ biến ở giới trẻ. Việc cảm xúc bị đè nén quá lâu trong một khoảng thời gian dài dễ khiến con người trở nên tiêu cực, hoặc trầm cảm. Vậy nên cần có những biện pháp để giúp vượt qua áp lực đồng trang lứa. Việc vượt qua áp lực đồng trang lứa sẽ giúp chúng ta thoải mái hơn trong việc chinh phục và hoàn thiện ước mơ của mình.

>>Cách vượt qua áp lực đồng trang lứa

Đăng ký Healing 1-1

Tâm sự, chia sẻ, và nhận những giải đáp để hỗ trợ bình yên trong tâm hồn, chữa lành những tổn thương và sống cho giây phút hiện tại.

Đăng ký ngay