Bạn có muốn sống can đảm hơn?
Mie
author
Chúng ta thường được khuyên cần thoát ra khỏi vùng an toàn, trở nên dũng cảm hơn với cuộc sống. Nhưng liệu đã có ai thắc mắc tại sao chúng ta nên sống can đảm? Và làm sao để luyện tập “thói quen” sống can đảm đó?
Lợi ích của lòng can đảm
Để trả lời cho câu hỏi vì sao chúng ta nên sống can đảm hơn, dưới đây là một số lợi ích mà lòng can đảm mang lại:
- Can đảm có thể giúp bạn thoát ra khỏi vùng an toàn của bản thân, dám đương đầu với những thử thách khó nhằn. Xây dựng cho mình thành một phiên bản tốt hơn mỗi ngày, trở thành người mà chúng ta muốn trở thành.
- Trao cho bạn nguồn sức mạnh to lớn để dám theo đuổi ước mơ, đam mê, dám làm điều mình muốn.
- Can đảm trong sợ hãi có thể giúp bạn xây dựng được sự tự tin. Càng phải đối mặt với sợ hãi, chúng ta càng suy nghĩ cẩn trọng, thấu tình đạt lý hơn.
- Can đảm giúp ta nhìn nhận thế giới theo nhiều chiều hướng hơn. Không còn là góc nhìn thiên kiến, bảo thủ mà lòng can đảm giúp ta chấp nhận được cả những quan điểm trái chiều khác nhau.
Can đảm không có nghĩa là không sợ hãi
Hầu hết mọi người đều hiểu lầm can đảm có nghĩa là không lo sợ bất kỳ một điều gì cả. Tuy nhiên, cách hiểu này lại có phần không đúng. Trong lòng can đảm sẽ vẫn tồn tại nỗi sợ hãi. Vì sợ hãi là bản năng tự nhiên của con người khi nhận thấy sự nguy hiểm đang đến gần.
Can đảm ở đây là bạn dám làm trong khi vẫn cảm thấy sợ. Bạn sẵn sàng phản ứng và vượt qua được chính nỗi sợ hãi của mình. Vì bạn cần hiểu rõ, nếu nỗi sợ hãi không chiếm được bạn, chúng sẽ biến thành nguồn sức mạnh to lớn để thôi thúc bạn bước tiếp. Và khi hình thành nỗi sợ hãi, bạn đương nhiên sẽ cẩn thận, tính toán hơn.
Có cách nào để bạn sống can đảm hơn không?
1. Bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình
Chúng ta luôn tự giới hạn bản thân trong một vòng tròn vô hình có tên là vùng an toàn. Và chúng ta mặc định những thứ bên ngoài là vùng cấm, là những điều nguy hiểm luôn rình rập. Bạn luôn cho rằng ở nhà là an toàn nhất, không nên đi đâu vì xã hội quá nhiều kẻ lừa đảo. Hay bạn cho rằng mình kém cỏi nên chắc không bao giờ được tăng lương đâu.
Nhưng suy nghĩ hạn hẹp như những sợi dây bó chặt sự phát triển trong tâm hồn con người. Và việc chúng ta cần làm đó là tự mình cắt đứt những vòng dây ngớ ngẩn đó. Vì chẳng có giới hạn nào đặt ra cho con người. Hãy tập bỏ đi những quan điểm lỗi thời của bạn bằng cách tư duy phản biện, suy nghĩ ngược vấn đề. Bạn cũng có thể tự đặt ra câu hỏi cho mình mỗi ngày, dành thời gian tìm hiểu những thứ bạn cho là vùng cấm.
Hãy tìm hiểu xem những điều đó có thực sự tệ như bạn vẫn nghĩ không. Nếu không, sao bạn không thử cho mình một cơ hội để làm những điều ngoài vùng an toàn của bạn?
2. Tôn trọng chính mình
2.1 Tôn trọng ước mơ
Bạn có cảm thấy không công bằng với bản thân mình không? Bạn luôn tôn trọng người khác, trong khi lại thờ ơ, coi thường chính bản thân mình. Bạn có hoài bão, nhiệt huyết cháy bỏng nhưng chỉ vì một vài lý do mà gạt bỏ đi chúng. Hay bạn có những quan điểm sống tốt đẹp nhưng lại vì môi trường tồi tệ nên bắt bản thân phải tồi tệ theo. Muốn trở nên can đảm hơn, trước tiên bạn cần phải có ý thức rõ ràng về bản ngã của mình. Cái tôi của bạn cũng cần được bảo vệ, che chở.
Bạn không thể vì lý do nào đó mà chấp nhận sống cuộc đời mình không mong muốn. Hãy trở thành người sống có mục tiêu, có khát khao và mong muốn thực hiện nó. Tôn trọng ước mơ cũng chính là ngọn lửa hy vọng đang le lói trong trái tim bạn. Bạn sẽ cảm nhận thấy niềm hưng phấn khi đối mặt với khát vọng được chinh phục những đỉnh núi thành công.
2.2 Tôn trọng cảm xúc
Bạn có bao giờ kìm nén cảm xúc của mình vì lo sợ người khác đánh giá chưa. Nếu đã từng, thì hãy dừng lại. Bạn không cần phải làm hài lòng bất kỳ ai, cho dù đó là gia đình hay người yêu/vợ/chồng của bạn. Càng không cần phải để ý ánh mắt của người khác.
Nếu bạn vui vì điểm cao, sao lại sợ thể hiện vì người khác ghen tị. Hay nếu bạn buồn rầu, sao cần phải lo rằng ai đó sẽ cười chê mình. Bạn cần phải tôn trọng những cảm xúc cá nhân, cho dù tích cực hay tiêu cực. Vì hạnh phúc hay đau khổ luôn tồn tại song song trong hành trình phát triển bản thân.
Khi bạn biết xem trọng cảm xúc của mình, bạn sẽ nhận ra rằng bạn xứng đáng được hạnh phúc nhiều hơn thế. Bạn xứng đáng được nhận những tràng vỗ tay, hay sự tự hào của chính mình. Và điều đó có nghĩa rằng bạn đang trở nên can đảm hơn đó.
3. Duy trì một góc nhìn tích cực
Có nhiều lúc, con người ta mặc định dũng cảm là một đặc tính bẩm sinh, người có người không. Và mặc dù có những người từ nhỏ đã có bản tính gan lì hơn người. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng bạn không thể trở nên can đảm. Bạn có thể xem can đảm như một loại “cơ bắp”, chúng được hình thành và phát triển nếu như bạn luyện tập thường xuyên.
Khi bạn nhìn nhận như vậy, bạn sẽ cảm thấy tích cực hơn, hào hứng hơn trong việc bắt đầu rèn luyện lòng can đảm. Hãy tập thử một vài điều nho nhỏ trước như dám phát biểu nhiều hơn, dám nhắn tin với crush,… Bạn sẽ nhận thấy thực sự can đảm cũng khá đơn giản mà thôi.
4. Sợ hãi không hẳn là xấu
Tương tự, bạn cũng cần nhận ra sợ hãi không phải là điều xấu. Sợ hãi kích hoạt hệ thần kinh và bản năng sinh tồn trong bạn, những thứ vốn được thiết kế để tạo ra cảm giác an toàn. Vì lẽ đó, bạn có thể cảm thấy sợ hãi khi tiếp cận một người lạ trong một con hẻm tối hoặc bạn có thể run sợ khi một cơn lốc xoáy xuất hiện.
Thay vì đổ lỗi cho nỗi sợ, sao bạn không thử coi đó là một cơ hội để bạn chuyển mình. Bạn cảm thấy sợ khi nhìn thấy đỉnh núi cheo leo, và bạn quyết định vẫn cố gắng leo lên đỉnh núi để chinh phục bản thân mình. Hay bạn lo lắng dự án sếp giao quá khó nhằn, nhưng bạn vẫn quyết tâm hoàn thành cho bằng được.
Bạn thấy đó, khi bạn dám đối mặt với nỗi sợ, bạn sẽ nhận ra chúng cho ta được nhiều hơn là mất. Đồng thời, bạn cũng sẽ hiểu tại sao mình lại sợ và nỗi sợ đó có thực sự đánh bại mình hay không.
5. Cho phép tâm trí được nghỉ ngơi
Khi nói đến can đảm, có lẽ ta hay nghĩ đến viễn cảnh mình sẽ làm nên những thành công to lớn, hay vượt ra khỏi giới hạn của bản thân. Điều đó không sai, nhưng chưa thực sự đủ. Muốn xây dựng lòng can đảm, chúng ta cũng cần có những khoảng nghỉ ngơi giữa chừng. Căng thẳng quá độ cũng chỉ khiến ta thêm mệt nhoài hơn thôi.
Hãy để tâm hồn mình được thả lỏng, xả hơi sau những căng thẳng, đắn đo gay gắt. Bạn có thể dành thời gian đọc sách, trồng hoa, dọn dẹp nhà cửa,… bất kỳ hoạt động nào khiến bạn cảm thấy thư giãn. Mục đích của việc này là để bạn có thể nhìn nhận lại mình đang ở đâu, mình đã trở nên cam đảm hơn bao nhiêu phần trăm. Và còn điều gì mình chưa thực sự bứt phá.
6. Lựa chọn những tình huống khó khăn
Khi đứng trước nhiều ngã rẽ khác nhau, chúng ta thường lựa chọn lối đi an toàn và êm ả. Việc lựa chọn sự thoải mái cho mình cũng không có gì sai trái. Nhưng bạn nên nhớ rằng: không có anh hùng nào xuất hiện ở thời bình cả. Và không có nhân tài nào xuất hiện khi không có biến cố xảy ra.
Chỉ khi gặp trắc trở, biến động con người mới thực sự bùng nổ hết giá trị của mình. Bạn có thể cân nhắc lựa chọn những tình huống khó nhằn hơn, nhưng cũng không đến mức không thể làm được. Nói cách khác, bạn có thể chọn từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống để làm quen dần. Như mời đồng nghiệp mới đi ăn để hiểu về công việc thay vì nằm nhà lướt facebook. Hay thử đảm nhiệm vai trò trưởng nhóm thay vì chỉ dám làm một nhân viên quèn.
Sau cùng, bạn sẽ nhận ra bản thân mình đang dũng cảm hơn mỗi ngày. Sự tự tin cũng sẽ theo đó tăng lên, góp phần vào những quyết định táo bạo hơn của bạn.
7. Chào đón sự thất bại
Hầu hết mọi người đều sợ thất bại, cái mà thường khiến họ trì trệ hoặc mắc kẹt mãi ở một nơi. Trong thực tế, sợ thất bại có thể khiến con người ta hình thành những tiêu chuẩn cứng nhắc và trở nên cầu toàn quá mức. Họ cố gắng để bản thân không bị mất mặt hay xấu hổ khi thất bại.
Nhưng thất bại chỉ là một trải nghiệm chúng ta nên dung hòa. Thất bại góp phần dạy ta thêm những bài học mới, những kinh nghiệm xương máu. Hãy nhắc nhở bản thân rằng thất bại không có nghĩa là vô dụng, hèn nhát. Đặc biệt là khi bạn đã liều mình bước ra khỏi vùng an toàn, liều lĩnh đối mặt với những nguy hiểm cận kề.
Hãy đón nhận sự thất bại trên tâm lý sẵn sàng nhất có thể. Tôi có thể vấp ngã hôm nay, nhưng ngày mai tôi sẽ khác. Hãy coi thất bại như những bài học giúp ta trưởng thành hơn, chững chạc hơn mỗi ngày. Và nếu bạn xem thất bại là một trải nghiệm đáng đón nhận thay vì một viễn cảnh đen tối, bạn sẽ cảm thấy mình dũng cảm hơn rất nhiều.
8. Tận hưởng thành quả từ lòng can đảm
Mỗi hành động dũng cảm đều nên được tán thưởng. Đặc biệt là nếu việc sống can đảm là một điều mới mẻ với bạn. Vậy nên, đừng quên công nhận những thời điểm bạn có hành động dũng cảm dù vẫn cảm thấy sợ. Hãy cho mình một tràng pháo tay, một lời động viên hay một vài lời chúc tốt đẹp. Không có gì tốt hơn việc bạn cảm thấy tự hào về chính mình thay vì người khác khen ngợi bạn.
Hãy tự tuyên dương bản thân vì những nỗ lực không ngừng nghỉ, những cú ngã đau đớn nhưng vẫn không bỏ cuộc. Tuy nhiên, cũng không nên khoe khoang khắp mạng xã hội hay trở nên kiêu căng, ngạo mạn. Chỉ đơn giản là mỉm cười và biết ơn sự kỳ diệu mà lòng can đảm mang lại. Việc công nhận chính mình sẽ ngăn bạn khỏi những suy nghĩ tiêu cực hoặc mặc định mình sẽ chẳng bao giờ can đảm được.
Kết
Can đảm thực ra chỉ là một đức tính mà chúng ta cần rèn luyện, trau dồi mỗi ngày để phát triển. Nếu bạn đang cảm thấy mình chưa thực sự can đảm, bứt phá. Hoặc chưa dám thử những điều mới mẻ ngoài kia. Thì hãy tự cho mình cơ hội để trải nghiệm cuộc sống bạn nhé.