Buông bỏ để trở về với chính mình
Minh Tuệ
author
Cuộc sống trở nên thoải mái và hạnh phúc, đôi khi không chỉ đến từ những điều mà chúng ta nắm bắt và theo đuổi. Nó còn đến từ cách mà chúng ta có thể buông xuống những thứ không còn phù hợp. Đó có thể là nỗi đau của quá khứ, sự lo lắng cho tương lai hay những nỗi sợ hãi,… Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây để có thêm những góc nhìn về sự buông bỏ bạn nhé!
I, Bản chất thực sự của buông bỏ là gì?
Bạn có thể hiểu rằng, buông bỏ là việc giải phóng tâm trí khỏi những suy nghĩ và cảm xúc triền miên. Khi ấy, bạn không còn “chấp giữ” những điều tiêu cực nữa. Và để cho nội tâm của mình ở trạng thái nguyên bản của nó. Đó là sự thuần khiết, trong trẻo và bình an. Bên cạnh đó, buông bỏ còn được hiểu là bạn không bị “chấp” vào những thứ mình nghe thấy, nhìn thấy và xúc chạm. Bạn không chất chứa chúng vào bên trong tâm thức để tạo ra sự khó chịu hay những cảm xúc tiêu cực.
Và buông bỏ cũng chính là việc bạn giải phóng bản thân khỏi những điều không phù hợp như: nhận thức, niềm tin, nỗi sợ,.. Từ đó, bạn trở về với bản chất chân thật của mình, với sự tự do, bình an và hạnh phúc trọn vẹn.
Mong bạn hiểu rằng, buông bỏ không đơn giản là việc kết thúc, rời đi hay rời bỏ một điều gì đó ở bên ngoài như: mối quan hệ, công việc, tình yêu,…Bởi nếu chỉ “buông bỏ” về hình thức bên ngoài nhưng bạn vẫn bị “mắc kẹt” bên trong tâm thức thì đó chưa phải là buông bỏ thực sự.
II, Những lợi lạc của việc buông bỏ đúng lúc
1, Nội tâm được tự do, bình an và hạnh phúc
Có thể nói, đây là lợi ích dễ dàng nhận thấy nhất nếu bạn có thể buông xuống những điều đã và đang chất chứa trong tâm thức của mình. Một nội tâm sẽ mệt mỏi và bất an nếu trong đó chứa đựng quá nhiều “rác”. “Rác” ở đây có thể hiểu là những cảm xúc tiêu cực mà bạn đã tạo nên và “cất giữ” trong mỗi phút giây. Khi nội tâm chứa quá nhiều “rác” thì sẽ không còn bất cứ một khoảng trống nào để những điều tích cực đi vào.
Còn khi đã buông xuống được những thứ mình đã chấp giữ, bạn sẽ thấy lòng mình thật nhẹ nhõm. Nó giống như cảm giác bạn vừa bỏ xuống khỏi vai của mình một gánh hành lý vô cùng nặng nề. Và khi những điều tiêu cực được loại bỏ, nội tâm sẽ được trả về trạng thái của sự tự do, thênh thang và nhẹ nhàng của nó.
2, Có thể sống trọn vẹn ở hiện tại
Khi bên trong còn chất chứa quá nhiều phiền não, bạn sẽ không thể sống trọn vẹn với từng khoảnh khắc của hiện tại. Bạn sẽ bị chi phối bởi những hồi tưởng về quá khứ. Những sự kiện đã qua, hình ảnh về một ai đó hay nỗi đau về câu chuyện cũ sẽ luôn tái hiện trong tâm trí của bạn. Bên cạnh đó, những lo lắng, mong muốn cho tương lai cũng sẽ khiến thân tâm bạn không thể đồng nhất. Khi thì xuất hiện những mục tiêu, ý tưởng. Và cũng có lúc khởi lên sự lo lắng cho những gì sắp xảy ra.
Chỉ khi biết buông bỏ quá khứ đã qua và tương lai chưa đến thì bạn mới có thể sống với hiện tại. Tập trung hoàn toàn tâm trí và năng lượng vào việc đang làm. Lắng nghe một cách trọn vẹn câu chuyện của người đối diện. Thong dong ngắm nhìn vẻ đẹp của một bông hoa. An lạc trong từng bước chân trong công viên buổi sáng. Mọi vẻ đẹp chân thật và sâu sắc của sự sống chỉ hiển lộ khi bạn trọn vẹn với mỗi khoảnh khắc mà thôi.
3, Giải phóng bản thân khỏi những điều tiêu cực
Việc thực hành buông bỏ sẽ giúp bản thân bạn được giải phóng khỏi những tiêu cực bấy lâu nay. Không còn cảm giác hận thù hay ghét bỏ người đã từng đối xử không tốt với mình. Không còn cảm thấy đau đớn mỗi khi nghĩ về những chuyện đã qua. Hạnh phúc, đủ đầy từ bên trong và không còn tình trạng bất an vì sợ ai đó rời bỏ mình. Tin tưởng bản thân thay vì nghi ngờ, chông chênh về hành trình phía trước.
Bên cạnh đó, việc buông bỏ cũng có thể giúp bạn giải phóng khỏi những mối quan hệ, những môi trường không còn phù hợp. Những người trước kia có thể mang đến cho bạn năng lượng tiêu cực thì giờ đây bạn được thoải mái, nhẹ nhõm khi không ở gần họ.
4, Tự tin, thoải mái với chính mình
Một người mà bên trong chứa đầy những nỗi sợ và sự tổn thương thì không thể nào hoàn toàn tự tin với chính mình được. Những cảm xúc tiêu cực, sự lo lắng, bất an sẽ kìm kẹp bạn lại. Có thể bạn sẽ phải “gồng” mình lên để tạo ra những lớp vỏ bọc. Hay cố gắng tỏ ra cho mọi người thấy rằng mình “ổn”. Nhưng sâu thẳm bên trong thì sự mệt mỏi, áp lực và đớn đau đang dâng lên từng đợt. Chúng như chỉ chực chờ “trào ra” nếu có thêm bất cứ một sự bất ổn nào từ bên ngoài.
Nhưng khi có thể buông xuống và chuyển hóa những tổn thương, bạn sẽ cảm thấy yêu bản thân và hạnh phúc với chính mình nhiều hơn. Bạn tự tin thể hiện quan điểm cũng như con người của mình. Bạn thoải mái, vui vẻ với những gì mình đang có. Và bạn tin tưởng vào những lựa chọn cũng như hành trình phía trước.
5, Sẵn sàng đón nhận những điều mới mẻ
Bạn hãy cùng tôi nghĩ về điều này. Khi bạn nắm chặt rất nhiều cát trên tay và không bỏ cát xuống thì bạn có thể nắm thứ khác nữa không? Không thể nào đúng chứ!
Cũng như vậy, nếu nội tâm bạn chứa đầy những điều tiêu cực thì cũng sẽ không có chỗ cho những điều tích cực khác. Muốn tương lai tốt đẹp đến thì bạn cần buông bỏ quá khứ. Muốn có được hạnh phúc thì bạn phải buông xuống được những khổ đau. Và nếu muốn những điều mới mẻ đến với mình, bạn cần dũng cảm buông xuống những thứ cũ kỳ không còn phù hợp.
III, Những thứ bạn cần buông bỏ để trở về với chính mình
1, Buông bỏ những tổn thương và nỗi đau quá khứ
Ai cũng đã từng trải qua vài ba lần đau đớn thậm chí là “chết đi sống lại” vì một điều gì đó. Nhưng điều quan trọng là chúng ta có thể buông bỏ những chuyện không vui ấy, để rồi bắt đầu một cuộc sống mới và chào đón những điều tích cực hơn. Cứ sống mãi trong quá khứ đau buồn chỉ khiến chúng ta đánh mất giây phút hiện tại. Và thậm chí chúng ta cũng sẽ không thể nào có một tương lai tốt đẹp hơn.
Nếu bạn đang có những tổn thương, hãy chữa lành và chuyển hóa chúng. Thay vì tránh né, hãy đối diện và vượt qua những cảm xúc tiêu cực mà tổn thương mang lại. Khi chúng trỗi dậy, bạn có thể tự ôm lấy chính mình và bắt đầu trò chuyện với những cảm xúc ấy. Vừa trò chuyện, vừa lan tỏa thật nhiều yêu thương đến với nỗi đau ấy. Bạn cũng có thể cho mình một không gian yên tĩnh và riêng tư để tập quan sát chúng. Chỉ ngồi im cảm nhận, quan sát và không có bất cứ sự phán xét nào. Bạn sẽ thấy những cảm xúc sẽ đến rồi đi, sẽ sinh rồi diệt. Chúng sẽ không tồn tại mãi mãi. Chỉ cần bạn đừng bị mắc kẹt và phản ứng tiêu cực lại với chúng.
Xem thêm: 3 Cách để vượt qua những tổn thương
Xem thêm: Tự chữa lành tổn thương từ thiếu hụt cảm xúc thời ấu thơ
2, Buông bỏ những niềm tin giới hạn
Bạn tin vào điều gì thì điều ấy sẽ tạo nên chính con người và cuộc sống của bạn. Nếu bạn tin rằng, bạn là một người bất hạnh và kém may mắn. Thì sẽ có những sự kiện minh chứng cho niềm tin ấy đến với bạn. Còn khi bạn quả quyết rằng, mọi điều tốt đẹp đang đến với mình. Thì vũ trụ sẽ gửi đến bạn những con người, hoàn cảnh thuận lợi giúp bạn củng cố niềm tin đó của mình.
Ngay bây giờ, hãy ghi xuống những tư suy và hệ thống niềm tin cũ kỹ, giới hạn. Đó là những thứ đã ngăn cản bạn đến với hạnh phúc, bình an và thành tựu. Tôi không có giá trị với người ấy. Tôi sợ mình sẽ thất bại khi khởi nghiệp. Tôi thật bất hạnh trong chuyện tình cảm. Chẳng ai yêu thương và thấu hiểu tôi. Mục tiêu này thật khó, tôi không làm được…
Sau đó, hãy gạch bỏ những niềm tin cũ và viết ra những tư duy tích cực. Tôi tự tin vào chính mình. Tôi là một người có giá trị. Tôi có năng lực để tạo nên thành tựu cho riêng mình. Tôi yêu thương bản thân mình và mọi người cũng yêu thương tôi. Tôi tin tưởng vào sự lựa chọn và quyết định của mình.
Xem thêm: Làm sao để vượt qua giới hạn niềm tin của chính mình
3, Buông bỏ những nỗi sợ
Buông bỏ những nỗi sợ hãi là một trong những điều quan trọng để bạn có thể trở về với chính mình, tự tin và tỏa sáng. Nỗi sợ chính là nơi “kìm kẹp” bạn, kìm hãm những tài năng của bạn. Nếu cứ mãi bị những nỗi sợ hãi làm chủ, bạn sẽ chẳng thể nào được sống là chính mình. Bên cạnh đó, nó cũng sẽ khiến bạn không thể phát triển hay tiến lên con đường phía trước.
Khi có một nỗi sợ nào đó hiện lên, hãy nhận biết và gọi tên nó. Chẳng hạn, tôi đang có nỗi sợ bị bỏ rơi. Sau đó, hãy ghi ra những suy nghĩ xoay quanh nỗi sợ ấy. Rồi hãy tự an ủi và vỗ về chính mình. Ngay lúc này, tôi đang được an toàn. Tôi ở đây và làm bạn với chính mình. Tôi yêu thương và đồng hành cùng chính mình. Tôi để người ấy được tự do là chính họ. Và cũng là cho tôi những khoảng trời riêng tư và độc lập…
Bên cạnh đó, để buông bỏ được nỗi sợ, hãy tập làm chính những điều bạn sợ một cách từ từ. Mỗi lần đối diện và làm điều mình sợ, bạn sẽ được củng cố thêm niềm tin tích cực. Bạn cũng sẽ có thêm trải nghiệm để ghi nhận rằng: Mình ổn khi làm điều ấy. Dần dần bạn sẽ có thể loại bỏ được nỗi sợ của mình.
Xem thêm: Cách để vượt qua nỗi sợ hãi
4, Buông bỏ sự lo lắng cho những điều chưa xảy ra
Tương lai là những điều mà chúng ta không hoàn toàn nắm bắt được. Thay vì bất an, lo lắng cho những điều chưa đến. Buông bỏ những cảm xúc ấy xuống. Tập trung cho cuộc sống hiện tại. Bởi tương lai tốt đẹp sẽ được tạo nên bởi một hiện tại trọn vẹn. Nếu không thể bình an với những gì bạn đang có thì bạn cũng sẽ chẳng thể hạnh phúc với những gì mình sẽ có.
Khi bạn làm bất cứ một việc gì, hãy tập trung hoàn toàn với điều đó. Nếu có một suy nghĩ về tương lai hiện lên, hãy buông xuống. Rồi bạn hãy quay trở về hoạt động mà mình đang tham gia. Tương tự như thế, khi đang ở đâu, hãy trọn vẹn ở đó. Nếu có cảm xúc lo lắng cho một điều chưa xảy ra, bạn hãy buông nó xuống. Sau đó trở về với hơi thở và với thực tại.
Xem thêm: Cách để làm chủ cảm xúc?
5, Buông bỏ sự chất chứa về những thứ bên ngoài
Khi nghe thấy, nhìn thấy và xúc chạm với những thứ bên ngoài, chúng ta thường khởi tâm yêu thích hoặc khó chịu. Cả hai loại cảm xúc này nếu không thể buông bỏ đều sẽ mang chúng ta đến với phiền não. Nếu khởi lên tâm ưa thích, say mê với một thứ, chúng ta rất dễ bị đắm chìm vào nó. Và đến một lúc nào đó, khi điều ấy không còn như lúc ban đầu, chúng ta sẽ cảm thấy hụt hẫng và khổ đau. Còn nếu tâm dấy lên sự khó chịu với một sự việc thì đương nhiên ngay tại thời điểm ấy bạn đang phiền não rồi.
Để buông bỏ sự chất chứa về những thứ bên ngoài, hãy thực hành thấy, nghe, biết một cách đơn thuần. Tức là, thấy chỉ là thấy. Nghe chỉ là nghe. Biết chỉ là biết. Không khởi lên sự dễ chịu hay khó chịu. Hãy cứ để mọi thứ như nó đang là. Không phán xét, phân tích hay phản ứng lại. Nếu có bất cứ suy nghĩ hay cảm xúc nào trỗi dậy, hãy buông ngay tại đó. Rồi quay trở về với hoạt động đang diễn ra.
6, Buông bỏ sự phụ thuộc vào những đối tượng khác
Để có thể hạnh phúc và trở về với chính mình, bạn cần buông bỏ được sự phụ thuộc vào những đối tượng và điều kiện bên ngoài. Buông xuống sự lệ thuộc về mặt cảm xúc với người thương của mình. Buông xuống nhận thức rằng, một đối tượng nào đó sẽ mang lại hạnh phúc cho mình. Buông xuống nỗi sợ người khác bỏ rơi mình.
Hãy dành thời gian để yêu thương và kết nối với bản thân. Hạnh phúc thực sự nằm trong trái tim của bạn chứ không phải ở nơi một ai khác. Hãy chăm chút cho cơ thể khỏe mạnh, dồi dào năng lượng bằng những bài tập thể dục. Hãy nuôi dưỡng tâm hồn bằng những cuốn sách, những ý nghĩ và cảm xúc thiện lành. Hãy vun đắp trí tuệ và sự sáng suốt bằng những phút giây tĩnh lặng. Bên cạnh đó, hãy ưu tiên cho những thứ khiến bạn vui vẻ và hạnh phúc từ bên trong. Làm những điều bạn đam mê và yêu thích.
Khi đã trọn vẹn với hạnh phúc của chính mình, bạn sẽ không còn mong cầu hay đòi hỏi sự yêu thương từ một đối tượng khác. Và cũng chính từ việc tự hạnh phúc mà bạn có thể buông bỏ sự phụ thuộc vào những điều kiện bên ngoài.
Xem thêm: Hạnh phúc tự thân
7, Buông bỏ mong cầu thay đổi một ai đó
Chúng ta sẽ thường mong muốn họ thay đổi theo cách của mình. Nhưng thứ chúng ta nhận lại thường là sự bất lực, mệt mỏi và thất vọng. Bởi họ không thay đổi theo cách mà chúng ta mong cầu và kỳ vọng.
Sự thật là chúng ta không thể thay đổi bất cứ ai. Sự thay đổi chỉ xảy ra khi họ muốn. Chúng ta chỉ có thể tập trung vào chính mình và hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Buông xuống sự mong mỏi về sự khác đi của một người nào đó. Khi chúng ta có sự phát triển nhất định, chính nguồn năng lượng ấy sẽ truyền cảm hứng cho họ.
Hơn nữa, mỗi người đều có hành trình và những bài học riêng. Chúng ta đều trưởng thành từ những lần vấp ngã, thất bại hay đổ vỡ của mình. Vì vậy, hãy cứ để người khác được trải nghiệm thứ mà họ cần. Còn chúng ta chỉ tập trung cho hành trình của bản thân mà thôi. Không phán xét hay mong cầu họ phải thay đổi theo một cách nhất định nào đó.
8, Buông bỏ mong muốn kiểm soát con người và sự việc
Mọi sự tồn tại trên cuộc đời này đều có ý nghĩa riêng của nó. Mọi thứ xảy ra với bạn đều cần thiết cho hành trình phát triển của bạn. Đừng quá đặt để và mong cầu tất cả phải theo ý mình. Bạn sẽ thất vọng và đánh mất niềm tin vào chính mình nếu mong muốn kiểm soát mọi người, mọi việc.
Hãy để tất cả được diễn ra một cách tự nhiên. Còn bạn thì “xuôi theo dòng chảy” của cuộc sống này. Nếu là những thuận lợi thì nương theo đó để phát triển và tiến lên. Còn khi khó khăn tìm đến thì đón nhận, vượt qua và nhận ra bài học. Bản ngã của bạn có thể sẽ thấy thách thức, khó khăn là những sự trở ngại. Thậm chí nó còn cho rằng, những điều ấy làm bạn bị chậm lại so với những người khác.
Hãy nhớ rằng, đằng sau giông bão là những hạt giống của sự trưởng thành, mạnh mẽ và bản lĩnh dành cho bạn. Hơn nữa, không phải cứ phăng phăng tiến về phía trước đã là tốt. Trên một hành trình dài, bạn cần những khoảng nghỉ để tiếp thêm năng lượng. Bạn cần những khoảng thời gian vun bồi chính mình để tạo đà cho những sự phát triển sắp tới.
Lời kết
Buông bỏ là cả một hành trình nhẫn nại và yêu thương chính bản thân mình. Hãy cứ buông xuống từng chút một mỗi ngày. Tận hưởng trọn vẹn từng giây phút trong cuộc sống. Đừng mong cầu sự nhanh chóng hay quá bắt ép bản thân phải buông bỏ ngay lập tức. Kiên trì với chính mình bạn nhé!
Chúc bạn thật hạnh phúc!