khuvuonmolly@gmail.com
/
Địa chỉ :
Số điện thoại liên hệ:

Làm thế nào để tha thứ cho người khác?

Author Avatar

Minh Tuệ

author

Chắc hẳn, bạn đã từng cảm thấy vô cùng tồi tệ khi một ai đó đối xử tệ bạc với mình? Và có lẽ, bạn cũng đã từng rất khó khăn trong việc đón nhận những tổn thương mà người khác mang đến? Tất cả những lỗi lầm, sai trái của họ khiến bạn đau đớn. Bạn rất muốn tha thứ, rất muốn quên đi. Nhưng mọi cảm xúc tiêu cực cứ dâng lên trong bạn. Mỗi ngày, những câu nói, những hình ảnh của người đó như ám ảnh tâm trí của bạn. Vậy phải làm sao để bạn có thể tha thứ cho những lầm lỗi của người khác?

1, Nhận thức đúng đắn về sự tha thứ

Tha thứ cho sai lầm của một người thực chất là việc bạn buông bỏ, buông xuống được những sự chất chứa trong lòng mình về lời nói hay hành vi của họ. Lời nói và hành vi của họ không còn ảnh hưởng đến đời sống của bạn nữa. Bạn không còn uất nghẹn trong lòng bởi cách họ đã đối xử với bạn. Khi không còn để tâm đến sai trái hay thiếu sót của người khác, bạn sẽ cảm thấy lòng mình nhẹ nhàng, bình an hơn rất nhiều. Vì vậy, tha thứ cho một ai đó là bạn đang giúp chính mình.

nhận thức đúng đắn về sự tha thứ

Đừng nghĩ rằng, tha thứ cho người khác là bạn đang ban ơn cho họ. Bởi vì, nếu bạn cứ chất chứa những cảm xúc tiêu cực từ hành động của họ thì bạn đang tự làm khổ mình đầu tiên. Chẳng có ai có thể hạnh phúc thực sự khi trong lòng đầy rẫy những hận thù. Cũng không một ai có thể bình an nếu trong tâm vẫn đang giận hờn và trách móc.

Thêm vào đó, tha thứ cũng không có nghĩa là bạn chấp nhận họ bước vào cuộc sống của mình thêm một lần nữa. Và cũng càng không phải là bạn dung túng cho những sai lầm mà họ đã gây ra. Đơn giản là, khi nghĩ đến người đó, đến hành động của họ, bạn không còn bất cứ một cảm xúc tiêu cực nào. Thậm chí chỉ có lời chúc phúc, lời cầu nguyện dành cho họ.

2, Điều gì làm bạn khó có thể tha thứ cho người khác

Ai đó lầm lỗi với bạn, ai đó làm bạn tổn thương, tất cả đã là quá khứ, là chuyện đã qua. Nhưng tại sao bạn vẫn luôn giữ muộn phiền đó ở trong lòng mãi như vậy? Là bạn nghĩ rằng, nếu tha thứ cho người đó, thì quá dễ dàng cho họ? Có phải bạn đang muốn họ phải trả giá cho những gì họ đã gây ra? Bạn à, những gì người đó làm, những hạt giống họ đã từng gieo, họ sẽ nhận lại những kết quả tương ứng. Đó là quy luật vận hành của đời sống này. Không một ai có thể nằm ngoài sự vận hành thiêng liêng đó.

Hơn nữa, việc bạn tha thứ cho người khác là để lòng bạn được nhẹ nhàng, an nhiên. Nó không liên quan mấy đến kết quả mà họ sẽ nhận lấy. Không phải bạn hận thù thì sẽ làm cho họ đau khổ và dằn vặt. Sự hận thù của bạn sẽ chỉ làm cho mỗi một mình bạn đau khổ mà thôi. Bạn sợ rằng khi bạn đã tha thứ thì họ sẽ không phải chịu bất cứ kết quả nào? Kết quả hay hậu quả họ nhận được không nên liên quan đến bạn, vì thế bạn không cần phải bận tâm. Chính những sự bận lòng, hận thù sẽ khiến bạn khó buông xuống được những chuyện đã qua.

3, Nỗi đau thực sự đến từ đâu

nỗi đau đến từ đâu

Để tiến trình tha thứ diễn ra nhanh chóng và dễ dàng hơn, bạn cần hiểu được nguyên nhân gốc rễ của những nỗi đau. Thực chất, nguyên nhân sâu xa của những khổ đau hoàn toàn không bắt nguồn từ người khác. Đúng vậy! Bạn không nghe nhầm đâu. Gốc rễ thực sự của đau khổ đề đến từ việc bạn cố chấp bám víu, níu giữ và chất chứa chúng ở trong lòng. Và một ai đó “làm bạn đau” tức là họ đang giúp bạn, họ đến để giúp bạn nhận ra thói quen bám víu nỗi đau của mình. Sẽ luôn có người đến “làm bạn đau” cho đến khi bạn nhận ra thói quen tai hại của mình và sửa đổi nó.

Nếu như khi yêu, bạn có thể tự hạnh phúc với chính mình và không bị lệ thuộc tình cảm thì giờ đây bạn không đau đớn đến vậy. Nếu bạn không quá mong cầu, kỳ vọng vào người khác thì đâu có sự thất vọng cùng cực như ngày hôm nay. Và có lẽ sự độc lập, tự chủ của bạn sẽ giúp bạn không lâm vào tình trạng khốn khó, bế tắc như thế này.

Xem thêm: Đau khổ đến từ đâu?

Xem thêm: Làm sao để không bị phụ thuộc tình cảm?

4, Tha thứ cho bản thân sẽ có thể tha thứ cho người khác

Khi bạn có thể học cách tha thứ cho chính những sai lầm của mình cũng là lúc bạn có thể buông xuống được những thiếu sót của người khác.

  • Chấp nhận sự không hoàn hảo của bản thân

Ai trong chúng ta cũng sẽ có những khiếm khuyết nhất định trong tính cách, lời nói hay hành vi của mình. Không có ai là hoàn toàn tốt. Cũng không một ai là hoàn toàn xấu. Vì vậy, bạn hãy học cách chấp nhận những điều không hoàn hảo của bản thân. Buông xuống những sai lầm, những tội lỗi mà mình đã từng gây ra cho người khác. Hãy ôm ấp, yêu thương vô điều kiện với những điều ấy.

tha thứ cho chính mình

  • Bao dung, yêu thương cho những sai lầm của mình

Nếu bạn có thể bao dung cho những điều không tốt mà mình đã tạo ra thì chắc chắn bạn cũng có thể dung thứ cho người khác. Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, bạn có thể nằm xuống và lấy hai tay ôm chính mình. Hãy trò chuyện với bản thân, với những thiếu sót, với những sai lầm trước đây. “Tôi yêu toàn bộ con người tôi. Tôi chấp nhận tất cả những điểm tốt và chưa tốt của mình. Tôi nguyện buông xuống sự dằn vặt, sự trách cứ với bản thân. Tôi tha thứ cho chính mình và tha thứ cho tất cả”….

Xem thêm: Học cách tha thứ cho chính mình

Hãy kiên trì, nhẫn nại và bao dung với chính mình nhiều hơn. Đó là con đường để bạn có thể tha thứ cho người khác.

5, Để có thể dễ dàng tha thứ cho người khác, bạn cần

  • Ghi ra mọi suy nghĩ

Khi trong đầu bạn có quá nhiều những suy nghĩ tiêu cực về quá khứ đau thương, cách tốt nhất là hãy ghi nó ra. Giống như việc bạn đang viết nhật ký hay đang tâm sự với chính mình vậy. Việc viết ra những suy nghĩ sẽ giúp lòng bạn cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Bên cạnh đó, nó cũng sẽ giúp bạn nhận diện được chúng và không bị đồng hóa bản thân với những suy nghĩ.

Các bước để thực hành bài tập này:

Bước 1: Chuẩn bị sổ, bút và một không gian tương đối riêng tư, yên tĩnh.

Bước 2: Tự hỏi chính mình: “Ngay lúc này trong tôi đang có suy nghĩ gì?”

Bước 3: Viết xuống những suy nghĩ đang hiện ra trong đầu của bạn, dù nó là tiêu cực hay tích cực.

Hãy dành thời gian vào mỗi buổi sáng và mỗi buổi tối để thực hành bài tập này. Bạn có thể dành 30 – 40 phút cho mỗi lần viết. Hoặc bạn có thể viết đến khi nào bạn cảm thấy không có gì để viết nữa. Ngoài hai khoảng thời gian trên, bất cứ lúc nào trong ngày, nếu bạn cảm thấy mình đang tiêu cực, hãy ngồi xuống và viết ra những suy nghĩ.

  • Thực hành thần chú chữa lành

Theo phương pháp chữa lành và hàn gắn vết thương nội tâm Ho’oponopono, tất cả mọi thứ diễn ra trong cuộc sống đều bắt nguồn từ chính chúng ta. Vì vậy, chúng ta cần chịu trách nhiệm 100% cho những vấn đề xảy ra với mình. Khi thực hành thần chú chữa lành, bạn sẽ khơi dậy được tình yêu thương, sự biết ơn trong mình. Và chính nguồn năng lượng này sẽ giúp bạn chuyển hóa những nỗi đau, những tổn thương quá khứ.

Bốn câu thần chú chữa lành Ho’oponopono được ghi nhận là:

Tôi xin lỗi.

Làm ơn hãy tha thứ cho tôi.

Cảm ơn bạn.

Tôi yêu bạn.

Để thực hành thần chú chữa lành, bạn hãy chuẩn bị một không gian cho chính mình. Bật một bản nhạc thư giãn nhẹ nhàng mà bạn cảm thấy yêu thích. Đặt hai tay lên trái tim của mình. Hướng đến câu chuyện hay đối tượng bạn muốn buông xuống. Sau đó đọc 4 câu thần chú như trên.

Lưu ý rằng, bạn đừng quá quan trọng đến thứ tự các câu thần chú khi thực hành. Và không phải lúc nào bạn cũng cần thực hành đầy đủ cả bốn câu này. Bạn có thể lựa chọn những câu phù hợp với bản thân mình nhất. Điều quan trọng mang lại hiệu quả của bài tập này là cảm xúc của bạn. Đừng đọc chúng một cách máy móc. Hãy đọc chậm rãi. Vừa đọc, bạn hãy vừa cảm nhận sự rung động bên trong cơ thể mình.

  • Tập trung sống cho hiện tại

Sau khi đã thực hành những bài tập chữa lành, việc của bạn là sống trọn vẹn với hiện tại. Hãy hiện diện cả thân và tâm trong mỗi hoạt động hàng ngày. Hãy có mặt trong mỗi phút giây của đời sống. Khi đang ăn, hãy biết mình đang ăn. Lúc đang làm việc, luôn tập trung hoàn toàn cho công việc. Nếu đang lái xe, hãy chú tâm lái xe. Khi đang trong cuộc trò chuyện với một ai đó, hãy lắng nghe họ bằng cả trái tim…

Trong mỗi hoạt động thường ngày, sẽ có những suy nghĩ và cảm xúc khởi lên trong bạn. Bạn hãy buông nó xuống. Không để suy nghĩ hay cảm xúc đó dẫn mình đi. Sau đó, quay trở về với việc mà bạn đang làm. Bạn cũng có thể hít thở ba hơi thở sâu để điều hòa lại cảm xúc của mình. Quá trình này cần được thực hành liên tục và đều đặn mỗi ngày. Dần dần, tâm của bạn sẽ từng bước trở nên an định và tĩnh lặng hơn rất nhiều.

Sống ở hiện tại

Kết luận

Hãy luôn nhớ rằng sự tha thứ bạn trao đi là dành cho chính mình. Bạn cho mình một cơ hội được sống bình yên. Không còn những cảm xúc uất nghẹn hay bực tức chi phối bạn nữa. Thế giới nhỏ bé của bạn không còn bão tố nữa, mà trở nên bình lặng. Hãy luôn biết giá trị của bản thân và mình xứng đáng với điều gì. Bạn xứng đáng với sự bình yên trong tâm trí và tâm hồn. Bạn không xứng đáng với đời sống tinh thần bất ổn. Hãy luôn tha thứ cho lỗi lầm của bản thân và cho bản thân cơ hội để làm lại. Và cũng hãy tha thứ cho người khác. Lỗi lầm là của họ, không phải của bạn. Đừng dại mà ôm chúng vào lòng. Đừng để chúng cản trở việc bạn “sống”. Hãy cứ tiếp tục hành trình cuộc đời và tận hưởng cuộc sống của mình.

Tha thứ cho người khác cũng chính là buông tha cho chính mình.

Đăng ký Healing 1-1

Tâm sự, chia sẻ, và nhận những giải đáp để hỗ trợ bình yên trong tâm hồn, chữa lành những tổn thương và sống cho giây phút hiện tại.

Đăng ký ngay