khuvuonmolly@gmail.com
/
Địa chỉ :
Số điện thoại liên hệ:

Cách để vượt qua nỗi sợ hãi

Author Avatar

Minh Tuệ

author

Sâu xa bên trong mỗi chúng ta, ai cũng sẽ có những nỗi sợ. Đó có thể là sợ độ cao, sợ nói chuyện trước đám đông, sợ bị bỏ rơi, sợ thất bại, sợ bị phán xét,… Nếu không học cách vượt qua những nỗi sợ hãi của bản thân, cuộc sống của chúng ta sẽ bị hạn chế rất nhiều. Thậm chí khi con người bị chi phối quá lớn bởi những nỗi sợ, chúng ta sẽ không thể phát triển và đạt được những thành tựu như mình vẫn mong muốn.

1, Nỗi sợ hãi là gì?

Nỗi sợ hãi là trạng thái cảm xúc bất an, lo lắng, hoảng loạn của tâm trí khi đối mặt với một tình huống có thể đe dọa đến sự an toàn của bản thân. Đây có thể là tình huống mà con người trực tiếp đối diện bên ngoài thực tế cuộc sống. Nhưng cũng có những trường hợp, cảm xúc sợ hãi đến từ sự tưởng tượng của chúng ta khi nghĩ về một điều gì đó.

Chẳng hạn, khi bạn đứng trên sân thượng của tòa nhà cao tầng nhìn xuống, nỗi sợ độ cao bắt đầu xuất hiện. Đó chính là nỗi sợ hãi xuất phát từ hoàn cảnh thực tế. Nhưng cũng có những người chỉ cần nghĩ đến việc ai đó sẽ rời đi là bên trong họ đã lo lắng, nôn nao và bất an. Đó chính là nỗi sợ đến từ tư tưởng của con người.

nỗi sợ hãi là gì

2, Nguồn gốc của nỗi sợ hãi?

Có bao giờ bạn tự hỏi rằng, nỗi sợ hãi của mình đến từ đâu hay chưa? Bởi, không phải tự nhiên mà chúng ta lại có những nỗi sợ ấy. Và khi có thể biết nguyên nhân của những nỗi sợ, chúng ta sẽ vượt qua chúng một cách dễ dàng hơn rất nhiều.

Có hai lý do cơ bản hình thành nên những nỗi sợ hãi:

  • Đến từ những trải nghiệm trong quá khứ

Khi bạn trải qua một điều gì đó, thì tất cả những cảm xúc của bạn lúc ấy sẽ được ghi lại trong tiềm thức. Và nếu như trong quá khứ, bạn đã từng phải đối mặt với một sự kiện bất như ý. Thì rất có thể nó sẽ hình thành nên nỗi sợ khi bạn đối diện với những tình huống tương tự ở hiện tại.

Một ví dụ cụ thể, đó là trước kia bạn đã từng bị chê bai, cười nhạo khi phát biểu ý kiến trước lớp học. Và vì trải nghiệm ấy nên hiện tại trong bạn luôn có nỗi sợ nói chuyện trước đám đông. Não bộ tạo ra cảm xúc sợ hãi này, vì nó nghĩ rằng, điều này sẽ đe dọa đến bạn. Nỗi sợ giống như một cơ chế của hệ thần kinh và não bộ nhằm bảo vệ bạn.

Hay bạn đã từng cảm thấy vô cùng tổn thương khi người yêu rời đi trong mối quan hệ cũ. Thì trải nghiệm này có thể sẽ hình thành nên nỗi sợ bị bỏ rơi, sợ một mình ở trong bạn. Điều này khiến bạn không dám mở lòng với những mối quan hệ mới. Vì sợ mình bị bỏ lại một lần nữa. Thậm chí, ngay cả khi đang trong tình yêu hạnh phúc, bạn vẫn luôn lo lắng và bất an. Bởi cảm giác một mình của quá khứ đã ám ảnh bạn.

  • Đến từ những gì bạn chứng kiến 

Bên cạnh những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ, nỗi sợ hãi còn có thể được hình thành từ những gì bạn nhìn thấy, nghe thấy và chứng kiến trong cuộc sống này. Đây không phải là những điều bạn trực tiếp trải qua. Nhưng tất cả những gì bạn đưa vào bên trong tâm thức thì đều có thể hình thành nên những nỗi sợ nào đó.

nỗi sợ đến từ trải nghiệm quá khứ

Chẳng hạn, bạn đã từng thấy cảnh mẹ bạn bị chú chó hàng xóm tấn công. Mẹ bị thương, phải đi viện và đau đớn. Điều này có thể sẽ hình thành nên nỗi sợ chó bên trong bạn. Nó khiến bạn không dám đến gần những chú chó. Hoặc nhìn thấy chúng là bạn hồi hộp, lo lắng, tim đập nhanh và muốn bỏ chạy.

Không những vậy, những thông tin, hình ảnh bạn xem trên phim hay trên mạng xã hội cũng có thể khiến bạn bị ám ảnh. Từ đó, hình thành nên những nỗi sợ trong bạn. Nếu bạn thường xuyên xem những bộ phim kinh dị, bạn sẽ trở nên sợ bóng tối hoặc sợ ma. Những bộ phim cảnh sát hình sự có thể khiến bạn bị ám ảnh bởi những hành đồng tội ác. Chính vì vậy, dần dần bạn trở nên nghi hoặc về mọi người xung quanh. Bạn luôn đề phòng và tự tạo nên rào cản trong các mối quan hệ của mình.

3, Những biểu hiện của nỗi sợ hãi trên cơ thể vật lý

Khi bên trong bạn bắt đầu xuất hiện nỗi sợ hãi, cơ thể cũng sẽ có những biểu hiện tương ứng. Bạn có thể tham khảo một số biểu hiện dưới đây để hiểu hơn về sự vận hành của những nỗi sợ.

  • Khó thở, tim đập nhanh
  • Nóng bừng, đổ mồ hôi
  • Đau đầu, chóng mặt
  • Cảm thấy cơ thể như đông cứng lại
  • Khô miệng và khát nước
  • Chân tay bủn rủn thậm chí là run rẩy

Ngoài những triệu chứng này, nếu như nỗi sợ hãi kéo dài và ngày càng mạnh mẽ thì sức khỏe tinh thần sẽ bị suy giảm. Bạn sẽ khó tập trung cho bất cứ việc gì. Tình trạng mất ngủ có thể xảy ra. Thậm chí, bạn còn gặp ác mộng liên tục trong những giấc ngủ của mình. Vậy làm thế nào để có thể giải phóng những nỗi sợ? Mời bạn cùng đến với phần tiếp theo của bài viết.

4, Làm thế nào để vượt qua nỗi sợ hãi

  • Thừa nhận nỗi sợ của bản thân

thừa nhận nỗi sợ

Đây là bước đầu tiên và vô cùng quan trọng để bạn có thể giải phóng sự sợ hãi. Hãy thừa nhận và đón nhận nỗi sợ đang diễn ra. Hãy biết rằng mình đang sợ hãi. Bạn có thể gọi tên cảm xúc mà mình đang cảm thấy ngay lúc này. Bên trong tôi đang có nỗi sợ cô đơn. Tôi đang sợ bị thất bại. Tôi sợ bị người khác phán xét về hành vi của mình…

Việc thừa nhận nỗi sợ đang diễn ra sẽ giúp bạn có thể đối diện và vượt qua ở những bước tiếp theo. Bạn không nên trốn tránh cảm xúc sợ hãi hay bất an của mình. Bởi điều đó sẽ không giúp nỗi sợ được giải phóng. Nó còn làm gia tăng nguồn năng lượng tiêu cực cho nội tâm. Càng lẩn tránh nỗi sợ, bạn sẽ càng khó để vượt qua nó ở những trải nghiệm trong tương lai.

  • Thực hành viết

Sau khi thừa nhận nỗi sợ đang diễn ra bên trong mình, bạn hãy viết nó ra giấy. Hãy ghi xuống tất cả những gì xoay quanh nỗi sợ của bạn. Đó có thể là những suy nghĩ tiêu cực. Đó cũng có thể là một trải nghiệm của quá khứ có liên quan đến nỗi sợ. Nếu là những mong muốn, khát khao của bản thân, bạn cũng hãy ghi xuống.

“Tôi đang cảm thấy mình cô đơn. Tôi không thích cảm giác một mình này. Tôi muốn có một người ở bên cạnh và chia sẻ với tôi ngay bây giờ. Tôi cảm thấy nhớ người ấy, nhớ những khoảng thời gian hạnh phúc trong căn phòng này. Từ nay trở về sau, tôi phải bước đi một mình sao? Mọi thứ rồi sẽ qua. Cuộc sống của tôi sẽ tốt hơn…”

Khi viết ra được tất cả những suy nghĩ và cảm xúc xung quanh nỗi sợ, bạn sẽ cảm thấy lòng mình nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Nó giống như việc bạn đang nói ra được những tâm sự của mình. Và đó cũng là bạn đang chia sẻ, làm bạn với chính mình trong những khoảnh khắc như thế.

  • Thực tập hít thở

Để vượt qua nỗi sợ hãi, bước tiếp theo, bạn hãy thực hành hít thở. Việc thực tập này sẽ giúp bạn điều hòa hơi thở. Từ đó sẽ giúp bạn học cách giải phóng từ từ cảm xúc tiêu cực. Trả lại trạng thái cân bằng của nội tâm và tinh thần.

hít thở

Quy trình thực tập hít thở:

Bước 1: Hãy lựa chọn cho mình một không gian tương đối riêng tư và yên tĩnh (cùng với một bản nhạc nhẹ nhàng).

Bước 2: Bạn có thể lựa chọn nằm hoặc ngồi trên giường hay trên một tấm thảm. Nếu ngồi, bạn hãy ngồi với tư thể thoải mái nhất, lưng thẳng, mắt nhắm. Nếu lựa chọn tư thế nằm, bạn hãy nằm ngửa, mắt nhắm. Hai chân duỗi thẳng.

Bước 3: Tay trái đặt lên bụng, tay phải đặt lên lồng ngực.

Bước 4: Bạn hãy tập trung vào hơi thở của mình. Khi hít vào bụng phình lên. Khi thở ra bụng xẹp xuống. Cứ thực hành như vậy từ 5 – 10 phút, bạn sẽ cảm nhận sự chuyển hóa của nỗi sợ. Những triệu chứng trên cơ thể cũng sẽ dần biến mất. Mọi thứ quay trở về trạng thái hài hòa và cân bằng.

  • Làm điều bạn cảm thấy sợ hãi

Tôi đã từng nghe một người nổi tiếng và thành công nói rằng:

“Cách tốt nhất để vượt qua nỗi sợ là làm những gì bạn sợ.”

Điều này nghe có vẻ hơi vô lý, vì đã sợ thì sao dám làm. Nhưng nó sẽ giúp bạn đập tan nỗi sợ hãi và mọi nghi ngờ về bản thân. Khi từ từ tiếp cận và làm chính thứ khiến bạn sợ, não bộ sẽ tiếp nhận thông tin rằng: Bạn an toàn. Và sau nhiều lần lặp đi lặp lại như vậy, đến một ngày bạn sẽ không còn cảm thấy sợ hãi nữa. Bạn trở nên có niềm tin vào chính mình và gia tăng nguồn năng lượng tích cực cho những trải nghiệm của bản thân.

Chẳng hạn, nếu bạn là người sợ độ cao. Hãy thử sức với những trò chơi mạo hiểm ở độ cao vừa trước. Bạn có thể trải nghiệm cùng một người bạn của mình để cảm thấy an tâm hơn. Những lần tiếp theo, bạn có thể tự làm điều đó một mình. Thậm chí bạn có thể thử thách bản thân ở những mức độ cao hơn lần trước. Dần dần, nỗi sợ độ cao sẽ biến mất. Thay vào đó là cảm giác hứng thú với những trải nghiệm mới mẻ và mong muốn được chinh phục những cột mốc độ cao khác nhau.

  • Biến thứ bạn sợ trở thành lợi thế

vượt qua nỗi sợ

“Cái gì không giết được bạn, sẽ làm bạn mạnh mẽ hơn”

Đây là câu chuyện của chính tôi, khi tôi đã biến thứ mình sợ trở thành một điểm mạnh và lợi thế của bản thân. Những năm trở về trước, tôi có nỗi sợ nói chuyện trước đám đông. Tôi sợ đưa ra quan điểm cá nhân trong một tập thể nào đó. Tôi sợ mọi người sẽ cười nhạo và phán xét về ý kiến mà tôi nêu ra. Và đương nhiên, việc thuyết trình trước đám đông là một nỗi sợ vô cùng lớn đối với tôi. Mỗi lần sắp chuẩn bị nói ra một điều gì đó trước nhiều người, tim tôi đập rất nhanh, các cơ co cứng lại.

Thế nhưng qua quá trình thực hành với những bước ở trên, tôi đã dần vượt qua nỗi sợ của mình. Thậm chí ở thời điểm hiện tại, tôi còn luôn cảm thấy hào hứng khi được chia sẻ một điều gì đó với người khác. Tôi tự tin và hạnh phúc khi được truyền cảm hứng đến những người xung quanh. Và kỹ năng nói chuyện trước đám đông đã trở thành một công cụ giúp tôi phát triển bản thân mình. Hơn thế nữa, nó còn giúp tôi có thêm những cơ hội và thành tựu nhất định trong sự nghiệp của mình.

Lời kết

Vốn dĩ những nỗi sợ đều không có thật. Nó được hình thành từ những trải nghiệm cũ của bạn. Hãy mạnh mẽ, can đảm đối diện và vượt qua những điều khiến bạn sợ hãi. Quá trình giải phóng những nỗi sợ cũng chính là quá trình bản thân bạn được hoàn thiện và phát triển. Để rồi bạn bước đến một cuộc sống tự do và đẹp đẽ ở tương lai phía trước.

Chúc bạn có những trải nghiệm thật tốt đẹp và ý nghĩa!

Đăng ký Healing 1-1

Tâm sự, chia sẻ, và nhận những giải đáp để hỗ trợ bình yên trong tâm hồn, chữa lành những tổn thương và sống cho giây phút hiện tại.

Đăng ký ngay