khuvuonmolly@gmail.com
/
Địa chỉ :
Số điện thoại liên hệ:

Cách yêu thương bản thân (chi tiết)

Author Avatar

Gem

author

Nhiều người đã nhận ra được rằng mình nên yêu thương bản thân, hoặc nhận được nhiều lời khuyên rằng “hãy yêu thương bản thân”, nhưng lại chẳng biết yêu thương bản thân như nào. Bài viết này sẽ mô tả chi tiết những việc cần làm để yêu thương chính mình. Bạn nên đọc kỹ, đọc lại nhiều lần, và áp dụng từ từ, trong nhiều ngày, tháng, năm để xây dựng tình yêu bản thân.

cách yêu thương bản thân

1. Đối xử dịu dàng với chính mình

  • Bằng lời nói

Bắt đầu thể hiện tình yêu bằng cách hành xử nhẹ nhàng và dịu dàng. Bạn bắt đầu tập thói quen dịu dàng với chính mình. Bạn nói những lời nhẹ nhàng, trìu mến với chính mình. Giọng điệu đáng yêu, yêu chiều. Và tập bỏ dần những lời nói thô lỗ, mang tính sát thương mà trước kia vẫn hay nói với bản thân. Bạn tập nói nhiều lời khen, động viên hơn. Và cũng học cách nói xin lỗi với chính mình.

Ví dụ: Nếu bạn cảm thấy mình chưa được đẹp vào ngày hôm nay, thay vì chê bai “mình thật xấu”, hãy nói “mình trông chưa xinh lắm nhỉ, mai xinh hơn nè”. Khi chưa hoàn thành được mục tiêu, thay vì trách móc bản thân thì hãy nói “mình sẽ rút kinh nghiệm và làm tốt hơn vào lần sau”. Khi bạn thân có những hành động bất cẩn, đừng vội trì chiết “đồ ngu, đồ đần”, mà hãy nhẹ nhàng nói “cẩn thận hơn lần sau nào”. Khi đạt được thành quả, thay vì bảo “chả đáng gì”, hãy khen ngợi và công nhận bản thân “mình đã làm rất tốt, thật tuyệt vời tôi ơi”. Khi có những hành động sai trái với bản thân, đừng nói “mày đáng đời”, mà hãy nói xin lỗi với chính mình.

Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho chính ta cảm thấy ấm áp, hạnh phúc. Cho ta cảm giác được rằng chính mình là nơi ấm áp nhất, là nơi để tâm hồn trở về sau những mệt mỏi và muộn phiền ngoài kia.

  • Bằng hành động

Hành động với bản thân cũng cần nhẹ nhàng, và ân cần. Tập loại bỏ thói quen xấu như đánh, cấu, véo cơ thể. Không ăn bậy, hút thuốc. Không thức khuya. Thay vào đó, bạn tập vuốt ve, âu yếm cơ thể. Tắm cho mình bằng nước có nhiệt độ dễ chịu, thả lỏng cơ thể thư giãn trong làn nước. Cho phép bản thân được nghỉ ngơi khi cần. Chọn lọc thực phẩm phù hợp cho cơ thể. Tập thể dục, yoga, ngủ nghỉ có giờ giấc phù hợp. Cảm nhận để biết mình đau ở đâu, và mua thuốc cho bản thân. Chăm chút cho sức khỏe của mình hơn.

2. Thừa nhận bản thân

Thay vì luôn chạy trốn khỏi bản thân, bạn nên học cách thừa nhận chính mình. Quan sát và thừa nhận những gì mình đang có bên trong và bên ngoài. Bao gồm cả cảm xúc, suy nghĩ, tư tưởng, điểm mạnh, điểm yếu, vẻ bề ngoài, tính cách, nội tâm… Những gì bị ngó lơ, chôn giấu, kìm nén, áp chế đều sẽ không biến mất mà chỉ bám rễ và hành hạ tâm trí của bạn.

  • Công nhận

Công nhận những điểm mạnh của mình, những thành tựu mình đã đạt được. Đừng xem thường những thành tựu nhỏ bé của mình, cũng đừng xem nhẹ điểm mạnh của mình. Hãy học cách công nhận chúng: những tài lẻ vụn vặt, những khả năng bình thường, ngoại hình xinh đẹp vài nét, sự khỏe mạnh của cơ thể, vài điểm mạnh mà ít người biết đến, những thành công nhỏ bé và to lớn, những ý tưởng sáng tạo, những suy nghĩ tam quan đúng đắn, sự sống ngày hôm nay, một chút niềm vui của ngày hôm nay…

Sự công nhận về những điều tốt đẹp mà mình có sẽ giúp bạn gia tăng sự tự tôn trong mình. Đồng nghĩa với việc sự tự tin bên trong bạn được củng cố. Bạn có cái nhìn khách quan và đúng đắn hơn về giá trị của mình. Không ai có được sự tự tin bằng cách luôn chê bai và không công nhận bản thân. Hãy quan sát những điều bình thường của bản thân và bắt đầu tập công nhận chúng.

  • Chấp nhận

Ngoài những điểm tốt cần được công nhận, còn có cả những điểm chưa tốt cần phải học cách chấp nhận. Bạn không cố gắng chạy trốn khỏi những suy nghĩ chưa tốt bên trong mình, bạn thừa nhận chúng có bên trong tâm trí mình ngay thời điểm hiện tại. Bạn chấp nhận cảm xúc tiêu cực của mình ngay lúc này. Bạn chấp nhận những khiếm khuyết bên trong mình, và những điểm yếu của mình. Bạn không che giấu, che đậy chúng. Bạn chấp nhận những thất bại mà mình gặp phải để có thể rút ra những bài học phù hợp cho bản thân, thay vì phủ nhận hay chạy trốn sự thất bại.

Chấp nhận và tìm cách thay đổi, khắc phục sẽ mang lại sự thoải mái trong tâm trí hơn là chạy trốn hay che giấu. Điểm yếu chỉ là đơn thuần là điểm yếu. Cho đến khi bạn xem những yếu kém trong mình là kẻ thù, thì chúng mới chống lại bạn và làm bạn đau khổ. Hãy thừa nhận và chấp nhận chúng, thu nạp chúng về cùng phe với mình thay vì trở thành kẻ thù của nhau.

3. Quan tâm đến suy nghĩ và cảm xúc của bản thân

Ai cũng mong muốn được quan tâm, được hiểu. Vì không biết tự quan tâm và hiểu chính mình nên con người thường khao khát quá mức điều đó từ người khác. Bạn nên tập quan tâm và hiểu mình ngay từ bây giờ. Đó là sự yêu thương bản thân tuyệt vời nhất mà bạn nên dành cho chính mình.

yêu thương bản thân bằng cách quan tâm tới cảm xúc và suy nghĩ của mình
  • Nhận thức được suy nghĩ và cảm xúc của bản thân

Việc nhận thức được những gì đang diễn ra là vô cùng quan trọng. Bạn cần ý thức được cảm xúc hiện tại của mình là gì, suy nghĩ hiện tại bên trong mình là gì. Sự tự ý thức này giúp bạn biết được bản thân đang cảm thấy như thế nào, từ đó có thể thấu hiểu được bản thân mình rõ ràng hơn. Con người luôn khao khát được thấu hiểu. Nhưng người duy nhất có thể hiểu bạn lại chính là bạn, chứ không một ai khác ngoài kia.

Bên cạnh đó, việc ý thức được cảm xúc và suy nghĩ của mình còn giúp bạn bình tâm hơn. Những suy nghĩ, cảm xúc sẽ không dẫn dắt bạn đi đến sự suy nghĩ/diễn thái quá (overthinking). Chúng cũng không có khả năng chi phối hay điều khiển bạn. Những gì bị phát hiện sẽ bị vô hiệu hóa. Vì thế hãy ý thức và phát hiện ra những cảm xúc và suy nghĩ đang có bên trong mình. Chỉ bằng cách nhận thức được “Mình đang thất vọng”, “Có một suy nghĩ tồi tệ vừa xuất hiện”, bạn đã có thể đưa bản thân về hiện tại và bắt thóp được những thứ đang định dẫn bạn đi xa và đi sai đường.

Xem thêm: 5 phương pháp giúp bạn cải thiện khả năng tự nhận thức

  • Trò chuyện với chính mình

Bạn có thể nhận thức được những suy nghĩ và cảm xúc của mình bằng những câu hỏi quan tâm đơn giản như:

  • Mình/Bạn/Cậu/(tên của bạn) đang cảm thấy thế nào?
  • Mình/Bạn/Cậu/(tên của bạn) đang nghĩ gì thế?
  • Mình/Bạn/Cậu/(tên của bạn) đang cảm thấy buồn/vui/chán/thất vọng/hứng khởi sao?
  • Mình/Bạn/Cậu/(tên của bạn) đang nghĩ như này … đúng không?

Sau khi xác định được những suy nghĩ và cảm xúc bên trong mình, bạn sẽ có thể bắt đầu cuộc trò chuyện sâu sắc hơn với chính mình.

  • Tại sao mình lại có suy nghĩ/cảm xúc này?
  • Thấu hiểu cho những suy nghĩ và cảm xúc ấy: “Mình có những suy nghĩ và cảm xúc này là phải thôi. Không sao cả. Rồi những cảm xúc và suy nghĩ này có thể sẽ ở lại, hoặc đi qua. Nhưng chúng không nói gì về con người hay giá trị của mình cả.”
  • Đồng cảm, an ủi, khích lệ chính mình: “Không sao cả rồi.” “Mình hiểu mà.” “Mình đã làm rất tốt, hoan hô.” “Mình rất tự hào về chính mình.” “Cố lên nào, lần sau sẽ làm tốt hơn nữa.” “Mình thương cậu/bạn lắm.”
  • Cùng tận hưởng niềm vui của bản thân: “Mình thật tuyệt quá đi.” “Thật vui quá đi, tôi ơi.” Dành thời gian chỉ với bản thân và cảm nhận sự vui vẻ bên trong mình, càng nhiều càng tốt.
  • Cùng cảm nhận nỗi buồn của bản thân. Dành thời gian chỉ với chính mình để cảm nhận nỗi buồn của mình, ôm ấp chính mình. Để cảm xúc được cảm nhận và thả trôi.

4. Không chống đối, che giấu, kìm nén, lẩn tránh những suy nghĩ và cảm xúc của bản thân

Hãy để cho bản thân được tự nhiên. Một điều vô cùng tồi tệ mà con người hay làm với chính mình là ép bản thân không được là chính mình. Ép cho những suy nghĩ, nỗi nhớ, cảm xúc biến mất. Ép cho mình phải cư xử khác đi với con người thật của mình. Ép buộc bản thân phải thay đổi một cách tàn nhẫn. Những hành động này không phải là sự yêu thương.

Để yêu thương chính mình bạn cần buông bỏ những sự ép buộc bản thân. Bạn nên để cho chính mình được tự nhiên. Không cố gắng lẩn tránh những cảm xúc. Không kìm nén những cảm xúc bên trong mình. Không ép mình phải quên đi điều gì đó hay ai đó. Không ép mình phải thay đổi cảm xúc ngay lập tức. Không mắng nhiếc, chửi bới những suy nghĩ của mình.

Bạn nên để cho chính mình được thả lỏng, cảm xúc được ở yên vị trí của nó. Khi nhớ thì cứ nhớ. Khi quên thì không cố gắng nhớ lại. Khi đang thoải mái hãy tận hưởng sự thoải mái. Khi vui vẻ hãy để bản thân được vui vẻ. Khi buồn, thất vọng thì được buồn và thất vọng. Không làm gì thêm nữa cả. Không chỉ trích hay tự trách. Không phán xét hay đánh giá. Không gì nữa cả. Chỉ đơn thuần là để cho mọi thứ được ở yên đúng vị trí của nó. Bằng cách này, sẽ chẳng có cuộc chiến nào xảy ra cả. Bạn sẽ cảm nhận được sự bình yên tồn tại trong niềm vui, nỗi buồn, hứng khởi, sự tức giận, nhớ nhung và cả quên lãng.

Xem thêm: Cảm xúc – Hiểu cảm xúc để tự chữa lành

5. Tôn trọng bản thân

Nếu bạn không thể tôn trọng mình, chắc chắn sẽ chẳng ai tôn trọng bạn. Cách duy nhất để có được sự tôn trọng của người khác là phải tôn trọng chính mình.

Bạn nên nhìn nhận và công nhận những gì mình có, không so sánh mình với người khác. Hơn hết, không so sánh điểm yếu của mình với điểm mạnh của người khác. Tôn trọng sở thích và sở ghét của bản thân. Không ép buộc mình phải làm những việc mình không thích, không muốn. Không chê bai, chỉ trích, nhục mạ chính mình. Không hi sinh bản thân mình vì người khác. Tôn trọng cơ thể của mình, không hành hạ thể xác của mình. Tôn trọng tâm trí, tinh thần của mình, không đày đọa chính mình bằng những chuyện tiêu cực. Có những lựa chọn sáng suốt về những gì nên nạp vào tâm trí và cơ thể.

Sự tự tôn trọng là thứ đáng quý vô cùng mà mỗi người nên tự có cho chính mình. Không ít người rơi vào bi kịch cuộc đời chỉ vì chưa bao giờ tôn trọng chính mình. Họ mải chạy theo người khác, hạ thấp bản thân, đày đọa chính mình, rồi lại ôm oán trách vì sao mình không được xem trọng. Bạn xem trọng mình đến đâu, người khác xem trọng bạn đến đó. Bạn tôn trọng mình đến đâu, người khác tôn trọng bạn đến đó. Bạn hạ thấp mình đến đâu, người khác sẽ nhìn bạn thấp đến đó. Bạn đối xử tệ với mình như thế nào, người khác sẽ bắt chước mà đối xử với bạn i hệt.

6. Chăm sóc cơ thể và tâm trí của mình

yêu thương bản thân bằng cách nuôi dưỡng tâm trí và cơ thể
  • Nuôi dưỡng cơ thể

Bạn nên quan tâm tới sức khỏe của mình hơn. Quan tâm tới những cơn đau trên cơ thể. Quan tâm tới sự khó chịu trong thể xác. Và tất nhiên là cảm nhận sự thoải mái của cơ thể. Bạn chọn lựa những gì tốt và phù hợp cho cơ thể của mình. Những món ăn phù hợp để cải thiện tình trạng sức khỏe, và duy trì sự khỏe mạnh. Những thực phẩm phù hợp để đảm bảo sự khỏe mạnh thể xác. Những bài tập vận động phù hợp cho tình trạng sức khỏe hiện tại.

Bạn chăm sóc da dẻ, tóc tai của mình. Bạn âu yếm, vuốt ve cơ thể. Thư giãn toàn thân bằng những động tác nhẹ nhàng hoặc chỉ đơn giản là nằm yên một cách thoải mái và thả lỏng. Bạn cho phép cơ thể được nghỉ ngơi khi cần thiết. Bạn thăm khám và mua thuốc cho bản thân mình khi cần thiết.

Hãy luôn lắng nghe và cảm nhận cơ thể của mình.

  • Nuôi dưỡng tâm trí

Nuôi dưỡng tâm trí bằng phim ảnh, nhạc, tranh vẽ bình yên. Đọc những nội dung nuôi dưỡng sự thoải mái cho tâm hồn, hướng đến những góc nhìn toàn diện, bức tranh toàn cảnh. Hạn chế xem, đọc, nghĩ về những gì mang tính tạo thêm sự thù hằn, đố kỵ, tủi thân, đau khổ cho tâm trí. Không nên tập trung nhiều thời gian để đào bới lại những chuyện không vui. Nên tránh những cuộc nói chuyện độc hại, và những mâu thuẫn không cần thiết. Nên tránh xa những người mang đến tiêu cực cho bản thân. Nên dành nhiều thời gian hơn cho sự bình yên. Tránh xa những thứ làm tinh thần mỏi mệt, tạo cơ hội cho tâm trí được nghỉ ngơi, tĩnh lặng.

Bạn cần phải luôn đề cao và ưu tiên sự bình yên của tâm trí. Một tâm trí bình yên, một tinh thần khỏe mạnh không phải tự dưng mà có. Là do nuôi dưỡng mà được hình thành. Là do được bạn nuôi dưỡng mà thành.

7. Chữa lành

Để những tổn thương xưa cũ mãi âm ỉ bên trong mình, điều khiển, khống chế cuộc đời mình một cách tiêu cực – rõ ràng không phải là yêu thương bản thân. Nếu bạn yêu thương mình, bạn nên tự tay khâu vá những vết thương cũ, và làm lành chúng. Một kẻ yêu thương bản thân sẽ không đổ lỗi do tổn thương, hay do hoàn cảnh hiện tại bên ngoài. Một kẻ yêu thương chính mình sẽ tự sờ vào vết thương ấy, cảm nhận nó, tìm cách điều trị cho nó. Hay nói cách khác là bạn giải thoát vết thương ấy khỏi chính mình, để nỗi đau được rời đi, để bản thân được trở lại toàn vẹn. Cho bản thân cơ hội được hồi phục tâm lý chính là biểu hiện của tình yêu.

Bất kỳ ai cũng xứng đáng có một cuộc đời hạnh phúc. Bất kỳ ai có những tổn thương đều xứng đáng được lành lặn trở lại. Một tuổi thơ bất hạnh xứng đáng được chữa lành và nuôi dưỡng lại bằng tình yêu. Mọi sai lầm đều xứng đáng được tha thứ và thay đổi để tốt hơn. Hãy cho bản thân cơ hội được buông bỏ và làm lại bằng tình yêu thương.

Xem thêm: Chữa lành – Khu vườn Molly

8. Thấu hiểu bản thân

Thấu hiểu bản thân là một hành trình kéo dài đến suốt cuộc đời. Ở mỗi một ngày khác nhau, một thời điểm khác nhau, bạn sẽ có những cái nhìn mới, cái hiểu mới về chính mình. Hành trình này bắt đầu bằng việc nhận thức và hiểu về những suy nghĩ và cảm xúc của mình. Bạn đi tìm hiểu xem vì sao mình lại có những suy nghĩ và cảm xúc này. Và thấu hiểu cho nguyên nhân gốc rễ của chúng.

Bạn cần thường đặt những câu hỏi cho bản thân như “Mình muốn gì?”, “Mình cần gì?”… Những câu hỏi sẽ gợi mở cho tâm trí của bạn đi tìm câu trả lời. “Vì sao mình lại muốn và cần những điều này?” Bạn sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về con người thật sự bên trong của mình. Bạn sẽ có những sự vỡ òa về chính mình và cũng sẽ nhận ra được vì sao trước giờ dù làm gì, có được gì thì bản thân cũng không thể hạnh phúc. Có thể bạn sẽ nhận ra được những hiểu nhầm, cái nhìn sai lầm về bản thân mà trước nay mình luôn ngộ nhận.

Một cái nhìn đúng, một sự thấu hiểu sâu sắc về bản thân không thể được thực hiện trên bề mặt. Đừng vội kết luận tôi đã hiểu bản thân mình rồi. Thay vào đó, hãy dành thời gian để trò chuyện, hỏi và trả lời cùng bản thân, đào sâu vào bên trong mình. Khi thực sự hiểu bản thân, những khúc mắc sẽ tự nhiên biến mất. Bạn biết làm sao để bản thân hạnh phúc và bình yên. Bạn biết cách để tận hưởng hành trình cuộc sống một bình thoải mái và vẫn theo đuổi ước mơ của mình. Bạn không còn chạy theo những thứ phù phiếm bên ngoài. Thay vào đó, bạn trở về là chính mình, và xây dựng chính mình.

Xem thêm: Vì sao bạn không thể hiểu chính mình?

Thấu hiểu bản thân bằng cách nào?

9. Xây dựng các mối quan hệ lành mạnh

  • Mối quan hệ với bản thân

Hầu hết mọi người đều không để tâm tới mối quan hệ giữa mình và chính mình. Vì thế mà mối quan hệ này thường bị bỏ bê hoặc phát triển theo chiều hướng vô cùng xấu. Không ít người xem thường chính mình, xem bản thân như tội đồ, hoặc như kẻ thù.

Trái ngược với điều mà hầu hết con người vẫn hay làm, bạn nên xây dựng lại mối quan hệ giữa mình với bản thân theo chiều hướng mới, tích cực hơn, hòa bình hơn, và tốt đẹp hơn.

  • “Bạn” chính là người đồng hành duy nhất đi cùng bạn đến cuối cuộc đời.
  • “Bạn” chính là người bạn vĩnh cửu (luôn bên cạnh, chẳng hề rơi xa dù cho điều gì xảy đến) của bạn.
  • “Bạn” là người vui cùng bạn, buồn cùng bạn.
  • Dù có bị bạn đối xử như nào thì “Bạn” vẫn sẽ ở đó bên cạnh bạn, và luôn mong những điều tốt nhất đến với bạn.

Chính vì những điều này mà bạn nên xây dựng mối quan hệ thật tốt đẹp với chính mình. Hiển nhiên là dù bạn có xây dựng mối quan hệ này xấu xí thì “Bạn” cũng không bao giờ rời bỏ bạn. Tuy nhiên, đó không phải là mối quan hệ yêu thương. Hãy tập yêu chính mình bằng cách xây dựng mối quan hệ tràn đầy tình yêu và sự bao dung với chính mình.

Tha thứ cho bản thân. Bao dung với chính mình. Nói những lời yêu thương. Đối xử tốt với chính mình. Trân trọng bản thân. Quan tâm lấy chính mình. Đồng cảm và thấu hiểu với bản thân. Hãy yêu mình như cách mà bạn muốn được yêu.

  • Mối quan hệ với mọi người xung quanh

Loại bỏ dần những mối quan hệ độc hại ra khỏi cuộc sống của mình. Hạn chế tiếp xúc với những người khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, khó chịu, đau khổ. Khi bạn đẩy những thứ độc hại ra xa khỏi mình, những thứ tốt đẹp hơn sẽ dần dần đến. Những người bạn mới sẽ xuất hiện, mang năng lượng bình yên hơn. Hãy luôn cân nhắc kỹ càng và lựa chọn bạn bè một cách phù hợp. Chỉ nên duy trì mối quan hệ với những người giúp tinh thần mình thoải mái hơn. Chỉ nên chơi với những người không hạ thấp bạn, ngược lại, còn giúp nâng bạn lên cao hơn.

Hãy hiểu rằng, thà là bạn không có bạn bè, vẫn tốt hơn là có những người bạn tệ hại. Đừng vì quá cô đơn mà nắm vội bàn tay ai đó, để rồi họ kéo bạn xuống địa ngục cùng họ. Cô đơn ở trạng thái tinh thần trung bình vẫn tốt hơn là có người đồng hành nhưng lại chỉ mang đến cho bạn tổn thương và mỏi mệt. Mọi thứ đều cần thời gian, kể cả một mối quan hệ bạn bè lành mạnh cũng cần thời gian để gặp gỡ, nên duyên và bên nhau. Hãy tập trung yêu thương bản thân trong lúc lựa chọn bạn bè, người yêu phù hợp.

yêu thương bản thân bằng cách xây dựng những mối quan hệ lành mạnh

Xem thêm: Tình bạn độc hại là gì? 5 cách chấm dứt tình bạn độc hại

Những điều độc hại trong tình yêu bạn cần tránh

10. Lựa chọn sự bình yên

Khi phải đưa ra bất kỳ sự lựa chọn hay quyết định nào, hãy hỏi chính mình rằng “Điều nào sẽ cho mình cảm giác bình yên?”. Tình yêu bạn dành cho chính mình được thể hiện qua cách bạn đưa ra những lựa chọn sáng suốt – những lựa chọn mang đến sự bình yên cho tâm hồn bạn. Hãy ưu tiên sự bình yên của bản thân trên hết. Hãy luôn lựa chọn sự bình yên.

Tránh xa những gì, những người làm cho sự bình yên của bạn biến mất. Lựa chọn những góc nhìn, tư tưởng giúp bạn bình yên hơn. Việc chọn sự bình yên hơn là sự đúng sai sẽ giúp bạn tránh được rất nhiều những căng thẳng tâm lý không đáng có. Ngưng trách móc bản thân, thay vào đó hãy hành động khác đi để cho tâm trí được bình yên. Không chủ động xem, đọc những thứ khiến bạn đánh mất sự bình lặng trong tâm hồn.

Khi đứng trước những sự lựa chọn khác nhau, hãy chọn điều mà bạn sẽ ít hối tiếc nhất, sẽ mang lại nhiều sự bình yên nhất. Không có gì là hoàn hảo, chỉ có những thứ ít tác động tiêu cực hơn và nhiều tác động tích cực hơn. Lựa chọn thông minh sẽ giúp bạn gia tăng sự bình yên và giảm thiểu cảm giác hối tiếc, dằn vặt, đau khổ.

Xem thêm: Bình yên giữa bão tố

11. Tĩnh lặng

Bạn nên tập tĩnh lặng. Hãy để cho bản thân không làm gì cả, chỉ đơn giản là không làm gì cả. Tâm trí sẽ tự nhiên thả lỏng dần. Những suy nghĩ từ từ chậm lại. Hơi thở cũng trở nên chậm rãi hơn. Bạn có thể tập tĩnh lặng trong 1 phút. Mỗi ngày vài lần như thế.

Tĩnh lặng trong thời gian ngắn là sự thư giãn tuyệt vời cho tâm trí. Tĩnh lặng trong thời gian dài hơn là sự hồi phục của tinh thần và thể xác. Tĩnh lặng trong dài hạn là sự khai sáng cho chính bạn. Mọi câu trả lời mà bạn luôn tìm kiếm sẽ được giải đáp.

Hoàn toàn không làm gì cả theo đúng nghĩa đen, chỉ hít thở, và tĩnh lặng.

Xem thêm: Sức mạnh của sự tĩnh lặng

12. Sống trong hiện tại

Day dứt về quá khứ, lo lắng về tương lai chính là cách hành hạ bản thân tàn nhẫn nhất. Hãy tập cho mình cách sống ở hiện tại. Bạn có thể tập ý thức hơi thở để cảm nhận hơi thở ở hiện tại. Không làm gì cả, không sách báo hay điện thoại, chỉ ở yên một mình và cảm nhận từng hơi thở. Bạn nằm yên và cảm nhận từng bộ phận cơ thể của mình, cảm nhận sự hiện diện của cơ thể trong giây phút hiện tại. Bạn cũng có thể thiền.

Khi ăn bạn tập trung nhai và cảm nhận thức ăn đang trong miệng. Khi uống bạn cảm nhận vị nước và dòng nước chảy xuống cuống họng. Khi đi bạn cảm nhận chân mình trên mặt đất, làn gió thổi xung quanh. Khi tắm, bạn nhận thức rõ làn nước, hành động của tay chân, cảm giác trên da, da đầu. Bạn không di dời tâm trí mình đi nơi nào khác. Bạn ở ngay giây phút này cùng với chính mình.

Khi làm việc, bạn tập trung công việc. Khi bên người yêu, vợ/chồng, con cái, bạn tập trung tận hưởng giây phút bên họ. Bạn hiện diện cả thể xác và tâm trí bên họ. Khi nấu ăn, bạn tập trung cắt thái, sơ chế và nấu nướng. Khi nghỉ ngơi, bạn cảm nhận sự thoải mái của cơ thể. Bạn luôn ở ngay tại lúc này, ngay tại giây phút này. Thân và tâm của bạn luôn đồng hành cùng nhau, thể xác ở đâu, tâm trí ở đó.

Xem thêm: Sống trong chánh niệm

#yêu_thương_bản_thân

Đăng ký Healing 1-1

Tâm sự, chia sẻ, và nhận những giải đáp để hỗ trợ bình yên trong tâm hồn, chữa lành những tổn thương và sống cho giây phút hiện tại.

Đăng ký ngay