khuvuonmolly@gmail.com
/
Địa chỉ :
Số điện thoại liên hệ:

Cảm giác không được lắng nghe tồi tệ như thế nào? Làm sao để kết thúc cảm giác ấy?

Author Avatar

CELLO

author

Kể chuyện, chia sẻ những suy nghĩ của mình là nhu cầu tất yêu của hầu hết con người. Và chúng ta luôn muốn chia sẻ những câu chuyện ấy đến những người thân yêu. Nhưng không phải ai cũng may mắn có được một người sẵn sàng nghe mọi câu chuyện trên trời dưới đất của mình. Cái cảm giác không được lắng nghe thường mang lại nhiều cảm xúc tồi tệ và những suy nghĩ tiêu cực.

1. Cảm giác không được lắng nghe tồi tệ như thế nào?

không được lắng nghe

Những câu chuyện được chia sẻ liên tục, với cha mẹ, bạn bè, với những người thân thiết, nhưng lại chẳng được lắng nghe. Cái cảm giác không được lắng nghe làm chúng ta rất thất vọng. Cảm giác ấy lặp đi làm lại sẽ làm cho ta chán nản và chẳng muốn buôn chuyện với ai nữa.

  • Tác động đến tinh thần và nhận thức cá nhân

Cảm giác không được lắng nghe sẽ kéo theo những suy nghĩ tiêu cực. Những suy nghĩ “mình là đồ thừa”, “chẳng ai cần mình”, “mình không quan trọng” sẽ nổi lên và ảm ảnh lấy bạn. Sẽ có những khoảnh khắc bạn tin chúng là thật. Nếu chúng lặp đi lặp lại quá nhiều, chúng sẽ trở thành định danh của bạn. Bạn sẽ luôn mặc định và dán nhãn mình là kẻ thừa thãi, không ai yêu, không ai quan tâm. Dần dần bạn cũng sẽ trở nên khép mình hơn, dè dặt hơn trước người khác. Bạn không dám nói lên ý kiến và suy nghĩ của mình nữa vì lo sợ sẽ lại bị thờ ơ.

Đối với những người mà nói chuyện là niềm vui của cuộc sống, khi không được lắng nghe, họ sẽ trở nên buồn bã, và dần tiêu cực. Tệ hơn, họ có thể rơi vào trầm cảm.

  • Tác động đến mối quan hệ

Con cái không được cha mẹ lắng nghe sẽ luôn cảm thấy tổn thương. Khi bước vào cuộc sống lớn, họ cảm thấy mình vô cùng nhỏ bé, và không dám thể hiện bản thân mình.

Học sinh không được giáo viên lắng nghe sẽ cảm thấy xấu hổ. Chúng luôn cảm thấy mình kém cỏi, không bằng bạn bè.

Vợ/chồng không được lắng nghe sẽ cảm thấy bực tức. Cảm giác bực bội luôn ở trong người, khiến họ luôn cọc cằn và khó chịu. Lời nói bắt đầu trở nên khó nghe, hành động cũng dần mất kiểm soát.

Khi không được bạn bè lắng nghe, ắt hẳn bạn sẽ cảm thấy họ không xem trọng mình. Càng không được xem trọng, bạn càng tổn thương.

  • Hiệu ứng thèm muốn domino

Càng không được lắng nghe, con người ta lại càng thèm nói. Bạn thèm được nói, được chia sẻ suy nghĩ của mình nhiều hơn.

Càng không được lắng nghe, bạn càng cảm thấy mình không được yêu thương, không quan trọng, không được thấu hiểu, không được công nhận và không được tôn trọng. Vì thế bạn ngày càng đòi hỏi nhiều hơn để cảm thấy an toàn, cảm thấy mình được quan tâm, là người cần thiết trong một mối quan hệ. Khi mong muốn càng nhiều, tỷ lệ được đáp ứng sẽ càng ít. Bạn sẽ rơi vào vòng lặp vô tận, càng không có, càng muốn có. Càng không có được, bạn lại càng đau khổ. Chuỗi sự kiện này sẽ dẫn đến sự tiêu cực chồng chất và trầm cảm.

2. Hiểu đúng về “không được lắng nghe”

Chuỗi thèm muốn domino ở trên gần như không có sự logic nào cả. Bởi một người vẫn có thể tôn trọng bạn, nhưng họ cũng có thể không hiểu bạn đang nói gì. Một người vẫn có thể đang yêu bạn, nhưng họ thực sự không đủ hiểu biết về những gì bạn chia sẻ, nên không thể cùng bạn tạo nên một cuộc trò chuyện sâu sắc. Họ có thể vẫn luôn công nhận bạn, nhưng họ thật sự không có tâm trạng để nghe bạn nói. Hoặc họ rất yêu quý bạn, nhưng đối với họ việc lắng nghe không quan trọng, nên họ nghĩ nó cũng không quan trọng với bạn.

  • Lắng nghe là ngôn ngữ yêu thương của bạn

Mỗi người đều có một ngôn ngữ tình yêu khác nhau. Có những người ngôn ngữ tình yêu của họ là những cử chỉ âu yếm, quà cáp, giúp đỡ công việc, lời nói yêu thương… Ngôn ngữ yêu thương của bạn là thời gian chia sẻ. Khi một người dành thời gian nghe bạn nói, bạn cảm thấy mình đang được yêu. Vì thế để thể hiện tình yêu của mình, bạn sẽ dành thời gian để lắng nghe đối phương tâm sự.

Nhưng đối với những người thuộc nhóm ngôn ngữ yêu thương khác, họ sẽ có những nhu cầu khác và cách thể hiện khác. Họ cảm thấy mình được yêu khi được tặng quà, nên để thể hiện tình yêu của mình với bạn, họ sẽ tặng quà cho bạn. Họ trân quý sự giúp đỡ việc nhà, nên họ thể hiện tình yêu với bạn bằng cách giúp bạn xử lý những chuyện vặt trong nhà. Và nhiều điều khác nữa.

Con người rất đơn giản, nếu họ yêu bạn, họ sẽ cho bạn những gì họ thích. Một số ít có EQ cao và vượt trội sẽ biết bạn thích gì và cho bạn điều đó. Nhưng làm sao bạn có thể ép tất cả những người xung quanh mình phải có EQ thật cao được. Bạn đâu thể ép cha mẹ, bạn bè, người thân, vợ/chồng mình phải EQ cao lên được.

  • Bạn không chỉ muốn được lắng nghe

Khi kể hay chia sẻ một điều gì đó, cái bạn mong muốn không chỉ là người khác lắng nghe mà còn phải có cùng suy nghĩ và ý kiến với bạn. Bạn kỳ vọng ở đối phương thể hiện quan điểm giống với quan điểm đang có trong đầu bạn. Bạn mong muốn người ấy không chỉ “ừ, tôi đã nghe” mà phải hiểu câu chuyện như cách bạn hiểu. Bạn không muốn nghe người ấy nói “ừ, tôi hiểu”, bạn muốn người ấy phải thể hiện nhiều hơn nữa để bạn cảm thấy chắc chắn rằng người ấy đã hiểu.

Thậm chí bạn còn muốn người khác lắng nghe kể cả khi bạn không sẵn sàng nói, và đối phương chưa sẵn sàng lắng nghe. Có thể vì ngại ngùng hay lo lắng mà bạn không dám nói ra một cách thẳng thắn những gì mình nghĩ. Bạn dường như không thể nghiêm túc trao đổi. Bạn chỉ nói bâng quơ nhưng lại hi vọng người khác lắng nghe. Bạn đưa ra những câu hỏi trong lúc người khác đang bận rộn và mong nhận được hồi đáp. Bạn không chỉ muốn họ nghe thấy những gì mình nói mà còn muốn họ phải hiểu cho sự ngại ngùng và chưa sẵn sàng của mình.

Bạn có nhận thấy là mình đang có khá nhiều mong muốn ở người khác?

  • Họ đã lắng nghe, chỉ là bạn không biết mà thôi

Nhiều người luôn lắng nghe những gì bạn nói, nhưng họ không biết phải phản hồi thế nào cho hợp lý. Đôi lúc họ không phản hồi điều gì. Đôi lúc phản hồi của họ không là thứ mà bạn kỳ vọng.

Khi nghe một câu chuyện, mỗi người sẽ có một cảm xúc khác nhau. Và phản ứng với cùng một loại cảm xúc của mỗi người cũng khác nhau. Bạn có thể cảm thấy buồn, và phản ứng của bạn là đi tâm sự lại câu chuyện này. Người ấy có thể cảm thấy buồn cho bạn, nhưng lại nghẹn lòng, chẳng biết nói gì. Họ có thể hiểu được sự tức giận của bạn, nhưng họ không cảm thấy tức giận, và cũng chẳng biết an ủi bạn như thế nào. Họ đã nghe, và cũng chẳng có thắc mắc gì nên không có câu hỏi nào dành cho bạn.

3. Làm sao để được lắng nghe

  • Thay đổi cách chia sẻ

Nếu bạn đang ở trong trường hợp những điều bạn nói ra không nhận được phản hồi nào, bạn cần thay đổi một chút ở cách mình chia sẻ. Trước khi kể, hỏi, hay chia sẻ về bất kỳ việc gì, hãy chắc chắn rằng đối phương có thể dành thời gian cho bạn. Bạn có thể hỏi “Bố/mẹ/anh/em ơi, con/em/anh/mình có chuyện muốn nói/hỏi/tâm sự”. Điều này sẽ giúp cho đối phương có thể sẵn sàng lắng nghe những gì bạn sắp nói. Nếu họ chữa sẵn sàng, họ sẽ hẹn lại với bạn vào một lúc khác. Khi họ xong việc, khi họ có thể tập trung, họ sẽ nghe bạn nói.

Đừng chỉ nói bâng quơ, nói phong long, hay lí nhí trong miệng, hãy thẳng thắn và trực diện chia sẻ và đặt câu hỏi. Nhìn vào mắt đối phương để chia sẻ, sẽ làm đối phương cảm thấy bạn đang cần họ, và họ sẽ hồi đáp lại bạn. Hãy mạnh mẽ và tự tin nói hết ra những gì mình nghĩ. Đừng chỉ nói nửa vời, và mong đợi người khác phải hiểu. Nếu bạn muốn biết điều gì, hãy hỏi một cách thẳng thắn và trực diện vào vấn đề đó.

  • Tối ưu thời gian của người khác

Cuộc sống luôn bộn bề, con người luôn hối hả. Ai cũng vô cùng bận rộn đến mức họ có rất ít thời gian để dành cho chính mình. Vì thế hãy sử dụng thời gian của họ một cách hiệu quả và tối ưu. Nếu bạn có nhiều việc muốn được chia sẻ và hỏi thì hãy gộp lại một lần. Đừng mỗi lần lại nói một chút. Việc này sẽ chỉ khiến họ cảm thấy bạn đang lãng phí thời gian của họ. Ngay khi đói phương sẵn lòng lắng nghe, hãy nói hết những gì mình muốn nói, hỏi hết những gì mình muốn hỏi.

  • Lắng nghe người khác

Không ai có thể yêu cầu người khác lắng nghe mình, khi mà mình chẳng bao giờ lắng nghe họ. Vậy nên trước hết bạn hãy lắng nghe những gì người ấy nói. Chỉ khi bạn đã lắng nghe đối phương, thì bạn mới có thể mạnh dạn yêu cầu đối phương dành thời gian lắng nghe mình. Bạn có thể thắng thắn mà nói “Hôm qua tao nghe mầy kể chuyện hết cả đêm rồi, hôm nay mầy có thể nghe tao tâm sự tí được không?”. Lời nhắc nhở của bạn sẽ giúp đối phương biết họ nên làm gì để duy trì mối quan hệ tốt đẹp cho cả hai. Nếu họ vẫn thờ ơ, không muốn lắng nghe thì bạn biết rồi đó, họ không phải là người mà bạn nên bên cạnh.

  • Nói đủ, nói thật

Đừng vì ngại ngùng mà không nói hết những gì mình nghĩ. Đừng chỉ kể nửa câu chuyện và bắt người khác phải đoán. Đừng vờn họ, và bắt họ phải đoán ý bạn. Hãy kể đầy đủ câu chuyện, để họ có thể hiểu được. Việc luôn đem họ treo ngược cành cây vì nghe mà chẳng hiểu gì, sẽ khiến họ thấy không thoải mái. Dần dà, họ sẽ chẳng muốn nghe những câu chuyện không tới đâu của bạn.

Và hãy luôn nhớ rằng những câu chuyện bạn kể là thật. Những lời nói dối sẽ khiến đối phương không tin tưởng bạn nữa. Hiển nhiên một khi không tin tưởng, họ sẽ chẳng bao giờ nghe. Đừng che giấu và cũng đừng phóng đại thêm bất kỳ thứ gì. Nếu bạn không biết, hãy mạnh dạn nói mình không biết. Nếu bạn không hiểu hãy thẳng thắn nói rằng bạn không hiểu. Lời nói dối sẽ chỉ đẩy mọi người ra xa bạn mà thôi.

  • Nói những gì quan trọng

Có thể bạn có sở thích nói chuyện, kể chuyện, nhưng không phải ai cũng có sở thích nghe bạn nói. Để người khác luôn lắng nghe bạn nói, đừng nói quá nhiều, hãy nói những gì quan trọng. Tán gẫu cho vui thì cũng có lúc, không thể lúc nào họ cũng rảnh rỗi để tám chuyện với mình được. Lời nói quá nhiều, nhưng chẳng có gì quan trọng, sẽ khiến họ không muốn lắng nghe bạn nữa.

4. Phân loại câu chuyện, nhóm người để luôn được lắng nghe

Trong vòng tròn những người quen biết của bạn, mỗi người sẽ thuộc một nhóm tính cách, sở thích khác nhau. Những câu chuyện của bạn sẽ luôn khác nhau. Mỗi câu chuyện lại phù hợp với một đối tượng người nghe khác nhau. Vì thế việc phân loại những câu chuyện, những người bạn quen biết sẽ giúp bạn biết được ai là người phù hợp nhất để bạn kể câu chuyện hiện tại của mình.

  • Phân loại câu chuyện: chuyện vui, buồn, tức giận, hạnh phúc, nói xấu, nói tốt, tán gẫu, chủ đề chuyên sâu, xã giao, chuyện gia đình, chuyện bạn bè, chuyện người yêu, sách truyện, phim ảnh…
  • Phân loại nhóm người nghe: người thích tám chuyện, người bận rộn, người biết điều bạn muốn hỏi, người thích vui chơi giải trí, người tích cực, người hay nhìn vào điều tiêu cực, người thích nghe chuyện buồn, người cập nhật những thông tin showbiz, người cập nhật tin tức chính trị, người có hiểu biết về vũ trụ, thiên nhiên, kinh tế, văn học…

Một câu chuyện khi được kể với người phù hợp sẽ luôn được lắng nghe. Kể chuyện và lắng nghe là một trò chơi ghép nối phù hợp. Đừng cố gắng nói tất cả mọi điều với một người. Họ không thể có cùng tần số với bạn trong mọi thứ. Lựa chọn thông minh sẽ mang lại kết quả tuyệt vời.

5. Luyện tập lắng nghe chính mình

 

không được lắng nghe thì tự lắng nghe chính mình

Nhu cầu được lắng nghe là một nhu cầu cơ bản trong cuộc sống của con người. Nhưng xã hội hiện đại quá hối hả. Con người hiện đại ai nấy cũng vô cùng bận rộn. Tâm trí họ quay cuồng liên tục với những suy nghĩ về hôm qua, về ngày mai. Vì thế nên cũng không khó hiểu khi mà con người trong xã hội hiện đại lại ít được lắng nghe hơn. Họ khó có thể tâm sự với ai những điều trong lòng.

Rất ít người lắng nghe chính mình, nghe những cảm xúc, suy nghĩ của mình. Họ chỉ muốn xả mọi thứ ra ngoài, chứ chưa bao giờ thực sự lắng nghe. Bạn hãy thử trò chuyện và nghe những tâm sự của bản thân. Như một người bạn thân thiết, hãy nghe những suy nghĩ của chính mình và hiểu nó. Những cảm xúc của bạn cũng cần được để ý đến. Lắng nghe và thấu hiểu chính mình là cách để bạn hiểu chính mình, và cảm thấy thỏa mãn nhất. Khi bạn đã lắng nghe và thấu hiểu bản thân, bạn sẽ chẳng cần người khác phải lắng nghe mình nữa.

Chạy theo người khác là cuộc chạy đua không bao giờ có hồi kết. Nó sẽ chỉ khiến bạn mệt mỏi, kiệt sức nhưng chẳng đạt được điều gì.

Tất cả chúng ta, bất kể là ai, cũng cần học cách lắng nghe chính mình.

Xem thêm: Lắng nghe suy nghĩ của bản thân có thể thay đổi cuộc sống của bạn như thế nào?

6. Chấp nhận việc người khác không thể lắng nghe bạn

Không ai có nghĩa vụ phải đáp ứng nhu cầu kể chuyện, nói chuyện của chúng ta. Việc người khác không lắng nghe bạn cũng chẳng thể hiện điều gì quan trọng cả. Chỉ đơn giản là họ không có thời gian, tâm trạng để nghe mà thôi.

Khi không thể chấp nhận việc người khác không lắng nghe mình, bạn chỉ mang thêm cảm giác bực bội, tiêu cực vào người mà thôi. Hãy chấp nhận rằng họ bận, họ không đủ tâm trạng, họ không hứng thú với những gì bạn nói. Đừng quá đề cao hay tôn thờ những lời nói của mình. Cũng đừng gán ghép ý nghĩa cho lời nói của bạn. Lời nói của bạn không phải là giá trị của bạn. Có người nghe thì tốt, mà không có người nghe thì thôi.

Bạn không cần phải hiểu cho sự bận rộn, hay tâm trạng của người khác. Bạn chỉ cần chấp nhận chúng. Đừng ép họ phải nghe bạn, cũng đừng ép mình phải luôn được lắng nghe bởi người khác.

Trước hãy lắng nghe chính mình. Sau hãy chấp nhận việc người khác có lắng nghe mình hay không. Và hãy luôn tạo điều kiện tốt nhất để đối phương có thể hiểu được toàn bộ những gì bạn muốn nói nếu có cơ hội.

Đăng ký Healing 1-1

Tâm sự, chia sẻ, và nhận những giải đáp để hỗ trợ bình yên trong tâm hồn, chữa lành những tổn thương và sống cho giây phút hiện tại.

Đăng ký ngay