khuvuonmolly@gmail.com
/
Địa chỉ :
Số điện thoại liên hệ:

Cảm xúc – Hiểu cảm xúc để tự chữa lành

Author Avatar

Gem

author

I. NHẬN BIẾT CẢM XÚC

1. Nhận biết sai lầm về cảm xúc

Có khá nhiều hiểu biết sai lầm về cảm xúc, hoặc ít nhất là có nhiều lời dèm pha và phiến diện về cảm xúc. Con người gán cho cảm xúc những tính từ không mấy thiện cảm. Họ gọi cảm xúc là thứ không nên có, đáng xấu hổ, nhục nhã, phiền phức và là gánh nặng. Cảm xúc nên bị chôn vùi, kìm nén, ức chế, lờ đi, xóa bỏ. Tốt hơn hết là không nên có cảm xúc.

Những ai có cảm xúc thường bị gọi là kẻ ngốc. Những ai thể hiện cảm xúc thường bị gọi là kẻ ủy mị, phản ứng quá đà.

Cảm xúc thường được xem là thứ không có giá trị. Hoặc bị xem là thứ chỉ mang lại đau khổ cho con người. Không ít người ước rằng mình không có cảm xúc.

Cảm xúc cũng bị xem là nguyên nhân cho những kết quả không mong muốn. Con người hay đổ lỗi do cảm xúc dẫn lối mà có hành vi không nên có. Không ít người tin rằng cảm xúc là thứ không thể điều khiển được. Là con người bắt buộc phải học cách kiểm soát cảm xúc nếu không cảm xúc sẽ kiểm soát ngược lại họ. Họ tin rằng chỉ có lý trí mới đưa họ đến hạnh phúc, thành công, còn cảm xúc sẽ chỉ đưa họ đến những sai lầm. Vì thế mà họ luôn tìm cách bài trừ, giam cầm cảm xúc.

2. Nhận biết đúng đắn về cảm xúc

  • Là cơ sở cho sự tồn tại của con người

Tất cả các nghiên cứu tâm lý đều cho thấy mục đích cao nhất của con người là tồn tại. Mọi thứ thuộc về con người đều có mục địch đảm bảo con người có thể sống. Cảm xúc là một trong những nền tảng để đảm bảo sự sống lý tưởng nhất của con người.

Nỗi sợ giúp con người biết tránh xa những nguy hiểm. Cảm giác hạnh phúc giúp con người tận hưởng cuộc sống. Nỗi buồn giúp con người biết có thứ gì đó đang làm tổn hại tinh thần mình. Tức giận giúp cho bạn biết có điều gì đó bất công đang xảy ra với mình. Tình yêu giúp ta tìm kiếm bạn đời và duy trì nòi giống. Cảm giác hy vọng cho ta có niềm tin vào bản thân và cuộc sống.

  • Cảm xúc tạo ra suy nghĩ, hành động

Chiều đúng là cảm xúc tạo ra suy nghĩ, suy nghĩ tạo ra hành động. Một cảm xúc có thể tạo ra hàng nghìn suy nghĩ khác nhau. Đúng thế là hàng nghìn, không phải nói quá, đó là sự thật. Việc đi giải quyết từng suy nghĩ của bản thân là điều vô nghĩa. Bạn không thể đi giải quyết hàng nghìn suy nghĩ. Cảm xúc không được giải quyết, các suy nghĩ ấy sẽ quay trở lại. Chính vì thế mà bạn cảm thấy mình luôn bị mắc kẹt trong những suy nghĩ. Bạn cố gắng giải quyết các suy nghĩ, nhưng chúng quá nhiều và luôn trở lại, bạn bất lực và bế tắc.

Vì cảm xúc mới là thứ tạo ra hàng nghìn suy nghĩ làm tê liệt tâm trí bạn, nên bạn cần phải tập trung lần mò và xử lý cảm xúc ấy, hoặc là những cảm xúc ấy. Việc xử lý cảm xúc chất chứa bên trong mình một cách đúng đắn sẽ làm những suy nghĩ, vốn cố gắng neo chặt trong tâm trí bạn, tan biến đi mà chẳng tốn chút sức lực. Bạn sẽ tốn rất ít thời gian để xử lý cảm xúc một cách đúng đắn so với xử lý hàng nghìn, chục nghìn suy nghĩ (nếu bạn có quá nhiều cảm xúc tồn đọng).

  • Là tiền đề để hiểu bản thân

Khao khát lớn nhất của con người là thấu hiểu chính mình. Những câu hỏi làm con người đau đáu nhất vẫn là “Tôi sinh ra để làm gì?” “Hạnh phúc là gì?” “Làm sao để hạnh phúc?” “Mục đích cuộc đời của tôi là gì?” “Ý nghĩa của cuộc đời này là gì?” Câu trả lời cho những câu hỏi này đều nằm trong sự thấu hiểu chính mình. Vì không hể hiểu được bản thân, nên con người luôn chạy đi tìm kiếm những thứ bên ngoài để có thể nhìn thấy hạnh phúc, ý nghĩa của cuộc đời.

Ở tầng thấp hơn, cảm xúc giúp bạn hiểu được mình đang cần gì, nên làm gì. Từ đó giúp bạn dễ dàng đưa ra những lựa chọn và hạnh động phù hợp. Hiểu bản thân, làm bạn với chính mình, duy trì kết nối “tôi với tôi” một cách bền chặt. Mọi việc trong đời đều trở nên dễ dàng hơn. Cuộc sống cũng tự nhiên trở nên dịu dàng hơn.

Khi đã hiểu chính mình, bạn có thể hiểu được người khác.

  • Sự kiện quá khứ được lưu lại trong ký ức dưới dạng cảm xúc

Sự việc trong quá khứ không được lưu giữ lại đúng như bản chất ban đầu của nó. Chúng ta lưu giữ nó dưới dạng cảm xúc được hình thành ngay tại thời điểm đó. Ký ức quay trở lại tâm trí cùng với những cảm xúc được lưu giữ. Từ đó chúng ta vẽ lại sự kiện. Chúng ta vẽ lại sự kiện làm sao cho khớp nhất với những cảm xúc ấy. Mỗi lần tái diễn lại sự kiện, cảm xúc lại trở nên cường hóa hơn. Cảm xúc cường hóa này được cập nhật vào ký ức của chúng ta. Có một điều chắc chắn rằng, sự kiện được ghi nhớ là hoàn toàn sai, chỉ có cảm xúc là đúng. Chúng đúng là những cảm xúc mà chúng ta đã cảm nhận, dù chẳng còn liên quan gì đến sự kiện nữa.

Điều đáng buồn là chúng ta luôn muốn thay đổi quá khứ, thứ mà chúng ta cho rằng đang ám ảnh chúng ta. Trong khi thực tế, thứ thực tế đang ám ảnh chúng ta là cảm xúc. Còn quá khứ vốn đã bị chính chúng ta bóp méo, làm sai lệch, vì thế mà nó không còn đúng, và chẳng còn ý nghĩa gì nữa.

  • Sự tự nhận thức gia tăng khi ta quan sát cảm xúc của mình

Việc quan sát cảm xúc của mình giúp bạn tránh khỏi những suy nghĩ trùng trùng điệp điệp. Quan sát cảm xúc giúp bạn nhận thức được những gì đang diễn ra bên trong bạn.

Quan sát cảm xúc nghĩa là bạn không trốn chạy, mặc kệ, thờ ơ, kìm nén, che giấu cảm xúc của mình. Bạn nhìn thấy rõ cảm xúc của mình, nhìn thấy rõ nội tâm của mình, nhìn thấy rõ chính mình. Việc này làm tăng khả năng tự nhận thức của bạn. Bạn luôn nhận thức được mọi thứ bên trong. Bạn nhận thức rõ từng cảm xúc, suy nghĩ và hành động của mình khi chúng đang diễn ra. Chắc hẳn bạn sẽ không còn phải thốt ra câu “Tôi chả biết mình đang làm gì với cuộc đời mình.” hoặc “Tôi chả hiểu vì sao mình lại có suy nghĩ và hành động như vậy.”

quan sát cảm xúc để gia tăng tự nhận thức

3. Kho cảm xúc

Các cảm xúc được tích tụ lại trong kho cảm xúc. Trong mỗi người luôn có nhiều kho cảm xúc khác nhau, hầu hết là các kho cảm xúc tiêu cực: tức giận, sợ hãi, tự ái, tự ti, đau buồn… Những cảm xúc quá đầy trong kho luôn chờ chực được bung ra ngoài. Vì thế mà chỉ một kích thích nhỏ cũng khiến họ tức giận, khóc lóc, đau buồn… Họ không biết vì sao mình lại nhạy cảm, dễ tuôn trào cảm xúc như thế. Một số tự trách móc mình quá yếu đuối, quá nhạy cảm. Một số khác lại đổ lỗi cho tất cả những thứ, người xung quanh rằng đã khiến họ có những phản ứng thái quá như thế. Bất luận là đổ lỗi cho ai, cũng đều là sai cả.

Ngoài ra cũng có một loại cảm xúc tích cực phổ biến bị dồn nén đầy kho, mà thứ gì quá mức cũng không còn tốt, đó là tình yêu. Những người có khi cảm xúc tình yêu đầy ắp, không còn sức chứa, có xu hướng thể hiện tình yêu quá mức đối với người, vật, thú cưng…

4. Truy vết và gọi tên cảm xúc

Để có thể nhận ra cảm xúc nào đang sản sinh ra hàng nghìn suy nghĩ của mình, bạn sẽ cần truy tìm nó bằng cách đặt câu hỏi. “Tại sao mình nghĩ/cảm thấy/suy nghĩ/hành động như vậy?” Và “Để làm gì?” “Có/không?” Những câu hỏi này cần được tiếp nối nhau cho đến khi bạn nhìn thấy cảm xúc thật sự đằng sau lộ diện. Bạn sẽ cần tập luyện đặt câu hỏi để có thể dẫn dắt đến câu trả lời chính xác, từ đó tìm ra đúng loại cảm xúc đang được chôn giấu.

Ví dụ: Bạn luôn đánh giá người khác qua học lực của họ. Những ai có học lực tốt thì xếp cao, xứng đáng được tôn trọng. Còn những ai học kém thì không đáng được tôn trọng.

  • Vì sao lại đánh giá người khác qua học lực của họ? – Vì học lực thể hiện sự thông minh, nỗ lực của một người, học lực là thành tựu tuyệt vời.
  • Vì sao đánh giá người khác qua sự thông minh và thành tựu? – Chỉ những người thông minh và có thành tựu mới xứng đáng được tôn trọng, ngưỡng mộ
  • Tại sao chỉ những người này mới có giá trị? – Thì ai cũng bảo thế mà
  • Vậy mình có giá trị không? – Có vì mình thông minh, học giỏi/Không, mình là kẻ vô dụng, thất bại, học không bằng ai, không thông minh, làm gì cũng không xong

Nếu câu trả lời là có

  • Nếu câu trả lời là có thì mình có sợ mình không thông minh, học giỏi không? – Tất nhiên là sợ, mình không thể sống nổi mất, làm sao có thể chấp nhận nổi mình không thông minh, học không giỏi cơ chứ
  • Đã có ai nhận xét mình là người không giỏi/thông minh chưa? Hoặc mình đã bao giờ chứng kiến ai đó bị chê bai do học không giỏi chưa? Cảm giác của mình thế nào? – Bố mẹ đã luôn răn đe mình phải học giỏi, nếu không sẽ bị cười chê(ăn mắng, đánh đập). /Mình đã từng thấy em họ bị cả họ cười chê vì học kém, không ai an ủi, tất cả người lớn đều mắng nhiếc nó./ Bố đã mắng mình rất nhiều, đánh mình vì mình sai 1 câu, chỉ được 9.5 điểm. Ông tức giận vì mình không được 10 điểm, ông bảo ông xấu hổ, nhục nhã vì mình, và ước gì đã không sinh ra mình.
  • Mình sợ sao? – Đúng thế mình sợ lắm
  • Mình sợ gì? – Mình sợ bị hắt hủi, bỏ mặc, lạnh nhạt, không được yêu thương, không ai chơi, nói chuyện với mình.

Từ đây bạn có thể nhìn ra được cảm xúc được chất chứa bên trong bạn là nỗi sợ. Cụ thể hơn là sợ không còn là người quan trọng, không được yêu thương. Từ điều này bạn có thể nhìn xem mình đang có bao nhiêu nỗi sợ khác. Sau đó là tìm kiếm gốc rễ của những nỗi sợ ấy, và chữa lành cho chính mình.

Nếu câu trả lời là không

  • Nếu câu trả lời là không, vậy mình có muốn điều ngược lại với bản thân không? – Tất nhiên.
  • Tại sao? – Ai mà chẳng muốn mình thông minh, học giỏi cơ chứ.
  • Cụ thể hơn nào, mình cảm thấy như nào khi mình thông minh và học giỏi? – Hãnh diện, được tôn trọng, được chào đón, được ngưỡng mộ, bản thân thật to lớn, ngang hàng với người khác, hoặc hơn người khác…
  • Vậy bây giờ mình không có điều đó ư? – Không, chẳng ai công nhận, tôn trọng mình cả. Mình cảm thấy mình thật nhỏ bé, thua kém mọi người.
  • Vậy mình muốn gì? – Mình muốn được công nhận, được là một người đáng tự hào.
  • Vậy cảm nhận chính xác về bản thân của mình là gì? – Mình tự ti, cảm thấy bản thân nhỏ bé, không được ai công nhận và đề cao. Mình ước mình có thể giỏi hơn, để tự tin hơn, và được người khác công nhận và đề cao.

Bạn có thể nhìn ra được bản thân mình mang cảm xúc tự ti, tự ái. Từ đây bạn có thể liên tưởng đến những lúc khác bản thân cũng có cảm xúc tự ti, tự ái. Sau đó là tìm kiếm gốc rễ của những cảm xúc này, và chữa lành cho chúng.

5. Quan sát cảm xúc

  • Không can thiệp

Bắt đầu theo dõi cảm xúc bằng cách chỉ quan sát mà không can thiệp. Vì bạn chưa hiểu rõ, quen thuộc với toàn bộ vấn đề cảm xúc, nên nếu bạn có bất kỳ hành động can thiệp nào vào cảm xúc, hầu hết là sai lầm. Quan sát một cách có chủ ý. Hoàn toàn là quan sát đúng nghĩa đen. Bạn không đưa ra bất kỳ nhận định gì về cảm xúc ấy cả. Bạn không gán cho nó bất kỳ ý nghĩa nào. Bạn không có hành động nào cho cảm xúc ấy, ngoại trừ nhìn nó. Bạn không ép nó biến mất, không thờ ơ, trốn tránh nó.

Cứ như vậy, bạn sẽ bắt đầu nhìn thấy cảm xúc và suy nghĩ là hai phần riêng biệt, khác nhau hoàn toàn. Chúng không nhập nhằng với nhau như trước khiến bạn không biết điều gì đang diễn ra. Sau đó bạn sẽ bắt đầu nhìn thấy mối quan hệ giữa cảm xúc và suy nghĩ.

  • Tách biệt suy nghĩ và cảm xúc

Sau khi đã có nhận thức riêng biệt giữa cảm xúc và suy nghĩ, bạn có thể thực hành tách biệt cảm xúc và suy nghĩ. Khi những chùm suy nghĩ thường hay lặp lại xuất hiện, bạn hãy gạt chúng sang một bên, và nhận diện cảm xúc đi kèm. Nó giống như một trò chơi vậy, ngay lập tức bạn gạt phăng đi những thứ làm rối mắt mình, và chiếu tướng đúng thứ đứng đằng sau.

Trò này cũng khá vui, những suy nghĩ có xu hướng tái diễn ngay lập tức bị mất tác dụng. Mặc dù chúng chưa biến mất hoàn toàn, nhưng tạm thời bị tê liệt.

6. Xử lý cảm xúc bằng cách buông bỏ

Cảm xúc được bạn nhận diện cần được xử lý. Xử lý cảm xúc không có bất kỳ hành động nào can thiệp vào cảm xúc. Nó chỉ đơn giản là buông bỏ cảm xúc ấy. Buông bỏ bằng cách:

  • Chấp nhận cảm xúc ấy. Chấp nhận nó như một thứ đã, đang và có lẽ vẫn sẽ tồn tại. Chấp nhận nó đang ở đây cùng với mình.
  • Không phản kháng chống lại cảm xúc: kìm nén, che giấu, chạy trốn, thờ ơ.
  • Không chỉ trích, phán xét cảm xúc. Cảm xúc chỉ đơn thuần là cảm xúc. Không cần phải gắn bất kỳ ý nghĩa, hay tính từ nào lên nó cả.
  • Không cố gắng thay đổi cảm xúc. Thực tế là chúng ta đang cố gắng chạy trốn khỏi nó, và cố gắng tìm một cảm xúc khác lấp vào. Còn cảm xúc ban đầu vẫn thế, không thay đổi gì
  • Để cho cảm xúc được yên, để cho nó tiếp tục diễn ra, tiếp tục ở cùng bạn, tiếp tục bên bạn.

Có thể thấy được buông bỏ cảm xúc nghĩa là bạn không làm gì cả. Không làm gì cả là một việc khó với con người, những kẻ đã quen chỉ trích, phán xét, tránh né, và bỏ chạy.

Như một kẻ trần truồng bị nhìn thấy, nhưng không ai thèm công kích hay đói hoài tới, cảm xúc yếu dần đi và đánh mất sức mạnh của mình. Năng lượng của cảm xúc bị vơi đi một cách tự nhiên. Đây là cách duy nhất, dễ nhất, ít tốn thời gian nhất, ít tốn sức lực nhất để loại bỏ hết năng lượng của cảm xúc.

Hãy nhớ rằng, càng chiến đấu thì càng hăng, cảm xúc cũng thế. Bạn càng chống lại nó, nó càng máu chiến và mạnh mẽ hơn.

II. KHỦNG HOẢNG CẢM XÚC

1. Khủng hoảng cảm xúc là gì?

Khủng hoảng cảm xúc xảy ra khi có một sự việc không như ý đột ngột xuất hiện, làm xáo trộn cuộc sống vốn có của một người. Những sự kiện này được gọi là biến cố. Biến cố lớn nhỏ sẽ tạo ra khủng hoảng cảm xúc lớn nhỏ khác nhau. Các biến cố thường hay thấy là: người thân đột ngột qua đời, bị cha mẹ bỏ rơi, bất ngờ tai nạn bị thương tật, bị chia tay đột ngột, bị sa thải không báo trước, bị lừa hết tài sản, phá sản… Những sự kiện này đi kèm một cơn khủng hoảng cảm xúc.

Người trải qua biến cố không biết phải đối mặt với sự thật như nào. Bên trong họ là những cảm xúc tiêu cực rối loạn, đan xen. Chúng quá tải làm cho người này trở nên choáng ngợp, và không biết phải làm gì, xử trí ra sao. Lượng cảm xúc tiêu cực quá mức này lấn át tất cả, chiếm trọn tâm trí họ, làm họ gục ngã.

2. Xử lý khủng hoảng cảm xúc như nào?

Khác với xử lý cảm xúc, chỉ cần để yên cho nó tự tiêu hủy năng lượng, việc xử lý khủng hoảng cảm xúc có thêm vài bước đơn giản.

Vì đó là một lượng quá lớn các loại cảm xúc khác nhau, nên bạn cần chia tách từng loại cảm xúc ra, và xử lý nó như cách xử lý cảm xúc đã được hướng dẫn ở trên. Bạn sẽ cần phải chia tách biến cố của mình ra thành những phần nhỏ, rồi truy tìm cảm xúc và buông bỏ từng cái một.

Ví dụ: Bạn bị sa thải đột ngột.

  • Chia tách biến cố này thành những phần nhỏ – những điều gì từ biến cố này làm bạn cảm thấy tiêu cực, khổ sở. Đó có thể là: phải đi tìm việc mới, tạm thời không biết là có thu nhập hay không, không biết phải nói gì với vợ/chồng, khoản trả góp hằng tháng, nghi ngờ về giá trị của bản thân, hoài nghi về năng lực của mình, không còn gặp đồng nghiệp, công việc mới cần phải kết giao lại đồng nghiệp mới, lưu luyến nơi làm việc, bữa ăn trưa ở quán ăn yêu thích cạnh công ty, đường đi làm mỗi ngày… Bạn nên viết chúng ra, để bản thân có thể nhìn rõ những gì đang làm mình đau khổ.
  • Bắt đầu thực hành buông bỏ từng việc một, bằng phương pháp đã được hướng dẫn ở trên. Với mỗi vấn đề, hãy đặt câu hỏi để truy tìm ra cảm xúc nào đang tác động bạn. Sau đó thực hành buông bỏ cảm xúc đó bằng cách để cho nó yên. Cứ lần lượt buông bỏ từng cảm xúc một, từng việc một. Bạn sẽ nhận thấy cơn khủng hoảng vơi dần đi. Gánh nặng trong tâm trí trở nên nhẹ hơn, như kiểu bầu trời mây đen dày đặc đang dần tan mây.
  • Khi tâm trí bạn đã nhẹ hơn rất nhiều, các vấn đề được liệt kê đã được buông bỏ xong, bạn nên để bản thân thời gian được hồi phục trong bình yên. Nếu vẫn cảm thấy có gì đó nghẹn lại trong lòng mà không biết là gì, hãy cứ thả lỏng, cảm nhận nó và buông bỏ nó, dù chẳng biết nó là thứ gì.
2. Xử lý khủng hoảng cảm xúc như nào?

3. Khủng hoảng cảm xúc là một cơ hội để chữa lành cho quá khứ

Có thể bạn vẫn hay thắc mắc vì sao người khác cũng trải qua chuyện như mình, nhưng họ không phải đối mặt với khủng hoảng cảm xúc như mình. Còn mình thì trải qua cơn đại hồng thủy như trời sắp sập đến nơi.

Tất cả các cảm xúc sẽ không có cơ hội để tập trung lại và trở thành khủng hoảng cảm xúc nếu bạn không có sẵn những kho cảm xúc ấy bên trong mình. Những cảm xúc được tích trữ từ khi bạn còn nhỏ, thậm chí khi còn là bào thai đến bây giờ.

Những ngày thường, những kho cảm xúc này đã có ra hiệu cho bạn biết là chúng quá tải, nhưng bạn vẫn như cũ, vẫn phớt lờ đi những tín hiệu ấy. Cơn khủng hoảng chỉ là hệ quả, tuyệt nhiên không phải khởi đầu cho bi kịch của bạn. Vì thế nếu bạn có thể nhận thức được và xem cơn khủng hoảng như một cơ hội chữa lành cho quá khứ, thì không chỉ cơn khủng hoảng tan biến, mà quá khứ của bạn cũng được chữa lành. Bạn sẽ hồi phục, không phải khỏe mạnh như trước khủng hoảng, mà khỏe mạnh hơn trước khủng hoảng. Bạn trở thành một con người có tinh thần khỏe mạnh, an nhiên, bình yên, mà bạn chưa bao giờ nhìn thấy trước kia.

Bạn có thể liên tưởng nó như: trước cơn bão là mây đen (cuộc đời bạn lúc trước khủng hoảng), nhưng khi cơn bão (khủng hoảng) kết thúc bầu trời không trở lại mây đen, mà là bầu trời trong xanh (đã chữa lành cho quá khứ).

III. ĐỐI DIỆN VỚI CẢM XÚC

1. Vì sao phải đối diện

Khủng hoảng cảm xúc cho ta cơ hội thực hiện chữa lành cho bản thân, nó cũng có nghĩa là cho ta cơ hội để gia tăng khả năng tự nhận thức. Bạn không thể trốn chạy khỏi chính mình nữa mà phải đối diện với chính mình. Tất cả mọi thứ nằm sâu bên trong bạn lộ diện. Dù chúng có đen tối hay tồi tệ đến mức nào, bạn cũng phải đối diện với nó. Dù bạn có một lần nữa cố gắng chạy trốn thì sao cơ chứ? Chúng vẫn ở bên trong bạn. Bạn mãi không thể giải thoát chúng, và chúng cũng không thể giải thoát khỏi bạn.

Bạn buộc phải nhìn nhận lại, quan sát thật kỹ và đánh giá lại tất cả những niềm tin cũ, giá trị cũ, mục đích sống cũ, kế hoạch cuộc đời cũ. Đây là cơ hội để dọn sạch những thứ cũ kỹ và tiêu cực đã bám lấy bạn như ký sinh trùng. Hiển nhiên vì thế mà nó chính là cơ hội để bạn thay đổi cuộc đời của mình, thay đổi thái độ sống.

2. Liệu có đáng để tiếp tục trả giá?

Khi đã đối diện được với cảm xúc của mình, bạn sẽ bắt gặp 2 lựa chọn kinh điển xuất hiện trong đầu mình.

  • Mình sẽ rút ra bài học từ trải nghiệm này hay là tiếp tục phẫn nộ về nó và rồi sau này vẫn tiếp diễn sự tức giận trước nó?
  • Mình sẽ tha thứ cho tất cả và buông tha cho bản thân hay tiếp tục thù hận và xích sự thù hận đó vào người mình để mình luôn cảm thấy cay đắng?
  • Mình sẽ lựa chọn tin vào bản thân hay tiếp tục đi tìm kiếm người khác cho lời khuyên, rồi đổ lỗi cho họ và đời nếu quyết định đó sai lầm?
  • Mình chọn cho bản thân thời gian để học tập, làm việc và thành công hay là tiếp tục ép bản thân phải được ngay rồi phát tiết với chính mình?
  • Mình sẽ không phụ thuộc cảm xúc vào người khác hay tiếp tục trách móc họ vì không đáp ứng mong cầu cảm xúc của mình?
  • Mình sẽ buông bỏ hay tiếp tục làm mình đau?
  • Liệu có đáng để tiếp tục trả giá?

Liệu có đáng để tiếp tục trả giá?

Khi bạn không thể lựa chọn cái có lợi cho mình hãy hỏi bản thân “Liệu có đáng để tiếp tục trả giá?” Đúng vậy, không ai đang trả giá ở đây ngoại trừ bạn. Người chọn ôm mớ tiêu cực là kẻ đang trả giá.

Nhiều người cảm thấy thỏa mãn trong những tiêu cực. Họ nhận thấy mình thật đặc biệt trong đống khốn khổ, đen tối ấy. Họ ôm hi vọng mọi người có thể nhìn thấy điều đó và thấy họ là một người vô cùng đặc biệt, như trong những bộ phim họ hay xem.

Nếu bạn thấy thỏa mãn trong đống cảm xúc ấy, bạn vẫn nên hỏi lại mình “Có đáng không?” Chúng có đáng để bạn phải phẫn nộ, tức giận, thù ghét…? Chúng có đáng để bạn phải trả giả như vậy không? Chúng có đáng để bạn phải tiếp tục chịu đựng?

IV. CÓ CÂU TRẢ LỜI CHO MỌI CÂU HỎI

Những câu hỏi ám ảnh con người nhất sẽ được trả lời. “Tôi sống để làm gì?” “Hạnh phúc ở đâu?” “Làm sao để bình an?” “Tôi đang làm gì với đời mình?” “Tôi phải làm gì tiếp theo ?” Bạn có tất cả câu trả lời này khi đã nhận thức được cảm xúc của mình và vượt qua khủng hoảng cảm xúc.

Tiềm thức luôn hướng đến sự toàn vẹn và sự hoàn thiện. Vì thế mà nó sẽ luôn tạo ra những sự kiện để bạn có thể trưởng thành, chữa lành, buông bỏ và rồi an nhiên, hạnh phúc, bình an. Dẫu rằng điều này có thể tạo ra bi kịch cho ý thức.

V. CẢM XÚC NÓI GÌ VỀ BẠN

1. Bình an

Đó là cảm xúc thanh bình. Nó đưa con người đến sự bình an, tĩnh lặng. Cái bình an làm tâm trí con người được nghỉ ngơi, được thư giãn hết mức. Cái tĩnh lặng làm con người trở nên sáng suốt. Trạng thái bình an đưa con người về sự cân bằng. Họ luôn cảm thấy an toàn, không mưu cầu gì thêm. Họ không bị rơi vào hố đen của tiêu cực, cũng không bị đưa lên mây cao của tích cực. Họ bình lặng giữa dòng đời.

2. Tích cực

Các cảm xúc tích cực là vui vẻ, hài lòng, hạnh phúc, mãn nguyện… Chúng dẫn lối ta đến sự hào phóng, tha thứ, bao dung, yêu thương… Nhờ thế mà con người có sự tự tin, biết đủ và vẫn luôn tiến về phía trước. Mang trong người những cảm này giúp con người dễ thăng hoa, và tận hưởng toàn diện cuộc sống. Họ luôn hướng về phía ánh sáng, nơi tốt đẹp. Họ chọn cái đẹp, cái hay. Họ trải qua sự vĩ đại trong, vì thế mà tiếp tục trải qua sự vĩ đại bên ngoài. Họ luôn tự thưởng cho mình những điều họ cảm thấy xứng đáng. Năng lượng bên trong họ đầy màu sắc và vô cùng mạnh mẽ.

3. Tiêu cực

Các cảm xúc tiêu cực là tức giận, buồn đau, tự ti, tự ái… Chúng hướng con người đi đến sự ích kỷ, hẹp hòi, xấu tính, nhỏ mọn, căm thù. Chúng khiến con người trở nên yếu đuối, cảm thấy nhỏ bé. Cảm giác tội lỗi thường hay chờ đợi họ. Họ phán xét tất cả mọi người, mọi thứ và phán xét cả bản thân. Vì luôn phán xét bản thân và cảm thấy tội lỗi nên họ tự trừng phạt mình. Những động thái tiêu cực ấy làm suy yếu năng lượng của một con người, chúng khiến ta đau khổ và suy kiệt.

VI. CHUYỂN HƯỚNG CẢM XÚC

CHUYỂN HƯỚNG CẢM XÚC

1. Điều hướng cảm xúc sang tích cực

Để điều hướng cảm xúc từ tiêu cực sang tích cực, bạn cần buông bỏ những cảm xúc tiêu cực và không chống lại những cảm xúc tích cực. Cách buông bỏ những cảm xúc tiêu cực đã được hướng dẫn ở trên. Việc không chống lại cảm xúc tích cực nghĩa là nếu nó đến bạn để cho nó đến. Bạn không cố gắng ép mình không được cảm nhận tự tích cực.

Nhiều người thấy lạ lẫm, không quen, và xấu hổ trước những cảm xúc tích cực của bản thân, nên họ hay chống đối chúng. Họ ép mình không được vui, hào phóng, tha thứ… Họ ép bản thân chỉ được tiêu cực và trách móc đời sao lại luôn tiêu cực với mình.

2. Điều hướng cảm xúc sang bình an

Điều hướng cảm xúc tiêu cực sang bình an rất đơn giản. Buông bỏ cảm xúc tiêu cực và không chống đối lại sự bình an. Hãy cho bản thân được “không suy nghĩ gì”, “chỉ thở”. Bất kỳ khi nào đã mệt, hãy để bản thân được nghỉ ngơi.

Điều hướng trạng thái tích cực sang bình an cũng tương tự. Buông bỏ cảm xúc tích cực và không chống đối lại sự bình an.

Con người vốn đã quen với việc liên tục suy nghĩ, làm việc không ngơi tay, lướt xem các trang mạng xã hội, đọc sách, xem phim, ăn uống, làm tình… Dường như rất khó để có thể dừng hết tất cả mà chỉ ngồi thở. Vậy nên việc chuyển từ cảm xúc tích cực hay tiêu cực sang bình an đều không dễ dàng như nhau. Hãy quan sát để nhận ra lúc nào thì tâm trí bạn muốn được nghỉ ngơi, hãy “chỉ thở”. Khi nào cơ thể bạn muốn nghỉ ngơi, hãy “chỉ thở”

KẾT

Hành trình của mỗi người là không giống nhau. Thời gian cũng chỉ mang tính tương đối. Hãy thoải mái bắt đầu thực hành cảm nhận, nhận thức, đối diện, buông bỏ cảm xúc của mình. Hãy cho bản thân cơ hội được thấu hiểu chính mình, chữa lành cho bản thân, hướng đến sự toàn vẹn và hoàn thiện, tĩnh lặng.

Đăng ký Healing 1-1

Tâm sự, chia sẻ, và nhận những giải đáp để hỗ trợ bình yên trong tâm hồn, chữa lành những tổn thương và sống cho giây phút hiện tại.

Đăng ký ngay