khuvuonmolly@gmail.com
/
Địa chỉ :
Số điện thoại liên hệ:

Cha mẹ làm tổn thương con cái như thế nào? (Phần 2)

Author Avatar

Gem

author

4. Cha mẹ vắng bóng (ly hôn, vợ/chồng mất)

Một người cha, hoặc một người mẹ, phải một mình cán đán mọi việc: kiếm tiền, nuôi dạy con cái – quả thực không phải là một điều dễ dàng. Họ không có người bạn đời để cùng sẻ chia những buồn vui của cuộc sống. Họ phải tất bật mưu sinh, điều chỉnh cảm xúc của mình, vật lộn với việc sống mà thiếu đi người mình thương yêu, và còn phải lo toan cho con cái. Những điều này khiến họ không thể nào quan tâm tới con cái của mình một cách đủ đầy được. Họ không có thời gian và cũng không có tâm lý đủ vững vàng để làm điều đó.

Trong quá trình nuôi con, họ sẽ cố gắng cho con có ăn, có mặc. Còn tinh thần của con cái thì luôn bị xem nhẹ. Họ không thể để ý đến con mình đang vui hay buồn. Và nếu họ có để ý thấy họ cũng lười quan tâm, hỏi han. Một số phụ huynh đơn thân sẽ chạy trốn khỏi cảm xúc của con cái, họ vờ như không biết. Cảm xúc, tâm trạng, tinh thần của con cái là gánh nặng đối với họ, bởi vì tinh thần và cảm xúc của họ vốn đã thường hay bất ổn. Những cha mẹ có tinh thần bất ổn sẽ thường hay tạo ra những đứa con cũng sẽ bất ổn. Chỉ là biểu hiện bất ổn ở mỗi người là mỗi khác mà thôi.

Đứa trẻ bị cha mẹ làm tổn thương như thế nào

Dù mang cùng tổn thương, những mỗi đứa trẻ khi lớn lên sẽ cho ra một biểu khác nhau.

  • Đứa trẻ khao khát tình yêu và sự gắn kết

Những đứa trẻ này vô cùng thèm khát sự gắn kết bền chặt, và tình yêu thương. Trong bất kỳ mối quan hệ nào: bạn bè, cha/mẹ và con cái, yêu đương, bạn đời… họ đều mong muốn sự kết nối không thể chia lìa, bất luận mối quan hệ ấy có tốt hay không. Họ luôn sẵn sàng hi sinh rất nhiều cho đối phương. Họ luôn chọn thiệt thòi về phần mình, và đẩy phần hơn cho người khác. Họ làm vậy vì nghĩ rằng “Đối phương sẽ thấy mình là người rất tốt và không thể bỏ mình”. Tuy nhiên suy nghĩ này là hoàn toàn sai lầm. Cuối cùng thì họ vẫn bị bỏ rơi, và rồi họ cảm thấy hoang mang như trời bể. “Vì sao mình đã hi sinh nhiều như thế vẫn bị bỏ rơi?”

Một số trường hợp, đối tác của họ là người xấu. Những người tình, người bạn xấu xa lợi dụng điểm yếu luôn hi sinh của họ để đạt được mục đích của riêng mình. Họ bị chơi đùa, lợi dụng tiền bạc và sức lực đến mức kiệt quệ. Nhưng thật trớ trêu là ham muốn không chia lìa của họ quá đối mạnh mẽ, đến mức họ chấp nhận bị lợi dụng, miễn là mối quan hệ không kết thúc. Kể cả là bị lợi dụng, họ cũng cảm thấy thỏa mãn, vì chí ít thì họ cảm thấy mình có giá trị, là quan trọng ở một mức độ nào đó.

Họ luôn quan tâm và giàu lòng trắc ẩn với người khác nhưng lại cực kỳ thờ ơ với bản thân. Mọi cảm xúc của họ đều bị che giấu. Họ tự chê bai, trách móc bản thân nếu có bất kỳ cảm xúc nào cho riêng mình. Đề cao người khác, và hạ thấp bản thân là điều mà họ luôn cho là đúng đắn.

  • Đứa trẻ sợ sự gắn kết

Một số đứa trẻ khi đói quá lâu lại sợ được ăn no, vì cảm giác ấy quá đỗi tuyệt vời, nên chúng sợ khi quay trở lại sự đói chúng không thể chịu nổi. Những đứa trẻ này hiểu rằng sự gắn kết là vô cùng tuyệt vời. Đồng thời chúng cũng hiểu rằng sự chia ly là vô cùng khủng khiếp. Vậy nên chúng chẳng thà chọn chưa từng gắn kết để không phải chia ly. Vì thế chúng không gần gũi với ai, không bắt đầu bất kỳ mối quan hệ thân thiết nào. Chúng sợ yêu đương, sợ sự lãng mạn và hạnh phúc.

Một số người vẫn bước vào mối quan hệ thân thiết với người khác, nhưng nỗi sợ bị rời bỏ vẫn ám ảnh họ. Nên họ sẽ chọn rời bỏ đối phương trước. Việc rời đi trước sẽ khiến họ cảm thấy thoải mái, không phải chịu đau đớn gì.

Nhưng thực chất họ vẫn là những người bị thiếu hụt cảm xúc thời thơ ấu. Sơ đồ cảm xúc bên trong họ không đầy đủ. Họ chán ghét sự yếu đuối nên họ cố gắng chối bỏ những cảm giác có phần yếu đuối bên trong mình. Họ khó có thể cảm động, khóc hay là quan tâm ai đó thật lòng. Bởi họ tin đó là điểm yếu chết người của họ. Họ cũng bị rơi vào sự trống rỗng vô định bên trong. Việc tìm đến những thú vui mạo hiểm, trò chơi tình ái khiến họ phấn khích và hưng phấn. Việc này giúp họ tạm thời quên đi sự khó chịu trong lòng.

5. Cha mẹ nghiện ngập

Nghiện rượu, thuốc, cờ bạc, bóng đá, hay là nghiện công việc đều là những điều đáng sợ. Những bậc phụ huynh này sẽ luôn xem sở thích của mình là trên hết, và con cái nếu không thể giúp ích gì cho sở thích của họ, thì tốt hơn hết là tránh ra, đừng làm phiền họ.

Những người cha mẹ nghiện các chất kích thích, thường vô cùng nóng tính. Họ sẵn sàng rầy la, đánh đập con ở nơi công cộng, khiến con cái cảm thấy xấu hổ vô cùng. Họ cũng thường hay trừng phạt con cái một cách vô tội vạ và quá mức. Những đứa trẻ này không chỉ bị bỏ rơi về mặc cảm xúc, mà còn bị tổn thương nặng nề. Tinh thần không được đảm bảo, đến cả nhu cầu sinh hoạt cơ bản: ăn uống, quần áo, học tập cũng không được đảm bảo.

Những bậc phụ huynh nghiện những sở thích vô bổ, có phần tốt hơn một chút. Họ cần những sở thích ấy để quên đi áp lực cuộc sống. Họ vẫn cố gắng chu cấp đầy đủ vật chật cho con cái. Nhưng thời gian và sự quan tâm dành cho con là không có. Họ bỏ mặc con của mình để chìm đắm vào những thú vui tiêu khiển.

Những cha mẹ nghiện công việc sẽ luôn đòi hỏi con cái phải hiểu rằng công việc là quan trọng nhất. Đó sẽ là một đứa trẻ ích kỷ nếu không để cha mẹ chúng làm việc liên tục. Sự nghiệp đối với họ rất quan trọng, hơn cả con cái. Nhưng đôi khi để bao che cho việc bỏ bê con cái họ sẽ nói rằng “Tôi làm là cho con của tôi”.

Đứa trẻ bị cha mẹ làm tổn thương như thế nào

Những đứa trẻ không có được cha mẹ quan tâm đến cảm xúc của mình khi còn nhỏ, lúc lớn lên đều có những biểu hiện che giấu và kìm nén cảm xúc. Hành động này kéo dài khiến cho chúng lớn lên trở thành những người vô cảm, thờ ơ với bản thân. Tệ hơn là không có cảm xúc, mù cảm xúc và trống rỗng bên trong.

  • Đứa trẻ bị rối loạn lo âu

Con cái của cha mẹ nghiện ngập phải lớn lên cùng với sự bất thường của cha mẹ. Nóng giận vô cớ, quá mức và những hành động quá đỗi tiêu cực ám ảnh chúng. Chúng luôn trong trạng thái chờ đợi những điều tiêu cực bất thường xảy ra. Bất an và lo lắng là trạng thái tinh thần phổ biến với những đứa trẻ này. Chúng lớn lên với những biểu hiện của rối loạn lo âu. Chúng sợ hãi và có xu hướng né tránh cha mẹ của mình.

Rối loạn lo âu không chỉ xuất hiện trong mối quan hệ với cha mẹ. Những đứa trẻ này khi lớn lên, gặp bất kỳ khó khăn hay vấn đề gì, cũng sẽ luôn suy nghĩ về kết quả tệ nhất. Chúng đứng ngồi không yên, lo lắng miên man về những điều tồi tệ có thể xảy ra. Thậm chí cả khi cuộc sống đang diễn ra tốt đẹp thì chúng vẫn lo lắng, bất an. Mọi người đều cảm thấy chúng thật là khó hiểu, và cả chúng cũng cảm thấy bản thân mình thật khó hiểu.

Vì quá lo sợ về phản ứng tiêu cực quá mức của người khác, nên chúng sẽ thường hay nói giảm nói tránh, thậm chí là nói dối không cần thiết. Việc này vô tình biến chúng trở thành kẻ nói dối. Thói quen nói dối khiến chúng không được ai tin tưởng, các mối quan hệ cũng tự nhiên mà rạn nứt.

  • Đứa trẻ nghiện ngập

Lớn lên với quá nhiều bất ổn, lo lắng, những con người này luôn tìm kiếm giải pháp để có thể tạm thời thoát khỏi tiêu cực. Sự lựa chọn đầu tiên họ có thể nghĩ đến là những gì họ đã thấy khi còn nhỏ: bia, rượu, cờ bạc, thú vui vô bổ, công việc… Họ trở thành phiên bản thứ 2 của cha mẹ mình, những kẻ nghiện ngập. Hành vi, cảm xúc của họ vô cùng bất thường. Họ dễ cáu gắt, nóng giận. Họ không có khả năng giao tiếp bình thường với bất kỳ ai.

Nếu có lúc nào đó chợt nhận ra mình thật tồi tệ như cha mẹ của mình, họ sẽ dằn vặt vô cùng, có những hành vi tự hại bản thân. Nhưng rồi mọi thứ vẫn thế, họ lại tiếp tục nghiện ngập để quên đi nỗi dằn vặt.

6. Cha mẹ trầm cảm

Cha mẹ trầm cảm không có khả năng đáp ứng những nhu cầu thông thường của việc nuôi dạy con cái. Họ không có năng lượng và nhiệt huyết trong việc nuôi dạy con. Hầu hết thời gian họ chỉ để quan tâm đến những tiêu cực của bản thân mình. Họ không có năng lượng và tình yêu để trao cho bất kỳ ai. Trẻ em luôn tìm cách để thu hút sự chú ý của cha mẹ. Những hành động tích cực không thể thu hút được sự chú ý của cha mẹ trầm cảm. Chỉ những hành động tiêu cực mới có thể ít nhiều khiến cha mẹ bận tâm.

Họ không bao giờ đưa ra lời an ủi, động viên nào cho con cái của mình. Cũng không bao giờ dạy con kỷ luật hay hành xử sao cho đúng mực. Có thể thấy họ xem con cái như không khí. Những đứa con cũng nhận ra được điều này và cảm thấy mình không đáng giá.

Đứa trẻ bị cha mẹ làm tổn thương như thế nào

  • Đứa trẻ mất kiểm soát

Nhiều đứa trẻ có cha mẹ trầm cảm lớn lên có tính cách thiếu kiểm soát vì không được dạy bất kỳ điều gì khi còn nhỏ. Chúng không thể kỷ luật bản thân trong những việc nhỏ và việc lớn. Chúng hành động thiếu suy nghĩ, không biết để ý đến cảm nhận của người khác. Cảm xúc được biểu lộ thái quá. Tức giận và cáu gắt mất kiểm soát. Vì không thể kiểm soát bản thân nên chúng dễ rơi vào cạm bẫy của cuộc sống, những tệ nạn xã hội.

Chúng quen với việc chỉ có những hành động tiêu cực mới thu hút được sự chú ý của người khác nên chúng luôn nghĩ đến những điều tệ hại nhất để làm. Chúng quấy rối, phá hoại, và thậm chí nghĩ đến tự tử để được người khác quan tâm.

  • Đứa trẻ trầm cảm

Những đứa trẻ có cha mẹ trầm cảm có tỷ lệ trầm cảm cao hơn hẳn các gia đình khác. Cái cảm giác không đáng giá trong mắt cha mẹ đi theo chúng mãi. Chúng không có cảm giác mình là quan trọng với bất kỳ ai. Chúng luôn cảm thấy mình vô hình ở mọi nơi: lớp học, quán ăn, trên đường, nơi làm việc, ở nhà… Vì chưa từng được động viên, an ủi, quan tâm khi còn bé, nên chúng chẳng biết phải làm gì với bản thân khi gặp khó khăn, khi có ước mơ, khi thích một ai đó. Tất cả những gì chúng có thể nghĩ đến là “vô hình” và “không có giá trị”.

Chúng sẽ luôn tự hỏi “Vì sao cuộc đời mình cứ mãi vô vị từ khi còn bé đến giờ?”. Chúng cảm thấy lạc lõng và thật khác với mọi người. Chúng cũng ao ước có được cuộc sống màu sắc như người khác nhưng chẳng biết phải làm sao.

>> Cha mẹ làm tổn thương đứa trẻ như thế nào? (Phần 1)

Đăng ký Healing 1-1

Tâm sự, chia sẻ, và nhận những giải đáp để hỗ trợ bình yên trong tâm hồn, chữa lành những tổn thương và sống cho giây phút hiện tại.

Đăng ký ngay