Cha mẹ làm tổn thương đứa trẻ như thế nào? (Phần 1)
Gem
author
Vì cuộc sống của một đứa bé chỉ quanh quẩn bên cha mẹ mình, nên chỉ có người làm cha mẹ mới có thể làm tổn thương đứa trẻ đó. Chúng ta đi tìm hiểu việc cha mẹ đã làm tổn thương mình như nào không phải để trách móc họ. Họ cũng chỉ là những con người bình thường. Họ không hoàn hảo. Họ cũng lớn lên như chúng ta, họ có cha mẹ không hoàn hảo, vì thế cũng đã phải lớn lên cùng những tổn thương.
Vì thế hãy nhìn những nỗi đau của mình một cách khách quan. Một cách điềm tĩnh quan sát và thấu hiểu nỗi đau của mình. Không đổ lỗi cho bất kỳ ai kể cả bản thân. Việc bắt đầu tìm hiểu nỗi đau của bản thân đã đưa bạn lên hành trình chữa lành cho đứa trẻ bên trong của mình. Ai cũng mong muốn được thấu hiểu, đứa trẻ bên trong của bạn cũng vậy. Việc thấu hiểu nỗi đau ấy giúp bạn chữa lành đứa trẻ 50%. 50% còn lại là sự kiên nhẫn và dịu dàng của bạn để đứa trẻ hoàn toàn tin tưởng bạn, và buông bỏ những tổn thương trong lòng.
Có vô số cách cha mẹ làm tổn thương con cái. Dưới đây là một số ví dụ điển hình.
1. Cha mẹ ái kỷ (tự luyến)
Những người ái kỷ luôn xem bản thân mình là trên hết, còn người khác chẳng là gì (kể cả cha mẹ và con cái của họ). Họ đòi hỏi mọi người phải làm theo ý mình một cách biến thái. Họ sẵn sàng giả vờ là nạn nhân để có được những gì mình muốn. Những cha mẹ ái kỷ sẽ dùng loại tính cách ái kỷ này để kiểm soát con cái.
Những người ái kỷ không có khả năng tách biệt con cái ra khỏi mình. Con cái là một phần của họ. Vì thế con cái phải theo ý họ. Nhu cầu của cha mẹ cũng là nhu cầu của con cái. Nếu đứa trẻ biểu lộ bất kỳ mong muốn nào khác, chúng sẽ bị gọi là ích kỷ. Nếu con cái có cảm xúc khác với cha mẹ, chúng sẽ bị khiển trách. Họ không thể cảm thông cho con cái. Những gì họ muốn là đứa con biết nghe lời, và làm họ hãnh diện. Ngược lại họ sẽ cảm thấy xấu hổ, và nhục nhã.
Khi con cái không thể đạt được thành tích như mong đợi, thay vì an ủi và động viên con cái, cha mẹ tự luyến sẽ vô cùng tức giận và cảm thấy bị sỉ nhục. Khi con cái mắc phải sai lầm mà có người ngoài gia đình biết được, họ sẽ nhìn đứa con mình như tội đồ – là kẻ bại hoại gia phong, làm họ nhục nhã ê chề. Và họ bắt con mình phải trả giá cho việc đó.
Đứa trẻ bị cha mẹ làm tổn thương như thế nào
Cha mẹ ái kỷ luôn đối xử khác nhau với những đứa con trong gia đình. Họ cưng chiều những đứa con làm họ vui vẻ, tự hào và ghét bỏ những đứa con làm họ xấu hổ, nhục nhã.
-
Đứa con bị lạnh nhạt
Thế giới của đứa trẻ chỉ có cha mẹ, do đó sự lạnh nhạt của cha mẹ sẽ khiến chúng bị tổn thương. Chúng nghĩ rằng chúng không xứng đáng được yêu thương. Vì thế chúng cố gắng làm mọi thứ để cha mẹ hài lòng và yêu thương chúng trở lại. Chúng lớn lên và cố gắng làm mọi thứ thật tốt. Nhưng dù có giàu có, xinh đẹp hay tài giỏi đến đâu, chúng vẫn luôn cảm thấy bản thân không đủ. Dù mọi người có dành nhiều lời khen và công nhận dành cho chúng, chúng vẫn cảm thấy mình không xứng đáng.
Không xứng đáng với tình yêu, sự quan tâm, lời khen, sự công nhận, sự thăng chức. Việc không cảm thấy xứng đáng làm chúng sẵn sàng nhường lại công trạng và cả tình yêu cho người khác. Vì thế mà chúng luôn bị lợi dụng.
Vòng lặp không hồi kết của những đứa trẻ đã lớn này là: cố gắng thật nhiều để cảm thấy xứng đáng, nhưng dù nhiều bao nhiêu vẫn luôn cảm thấy bản thân không xứng đáng. Vậy nên chúng bị mắc kẹt trong sự cố gắng cho đến khi kiệt sức.
Cha mẹ đã dạy cho chúng rằng tình yêu của cha mẹ là có điều kiện, vậy nên lớn lên chúng tin rằng mọi thứ khác trong cuộc đời đều có điều kiện. Chúng có khả năng cho nhưng lại không có khả năng nhận. Bất kỳ thứ gì chúng nhận được dù là rất nhỏ, chúng cũng cố gắng hết sức để báo đáp nhiều nhất có thể.
Vì từ nhỏ đã bị cha mẹ lạnh nhạt, thờ ơ, nên khi trưởng thành, chúng là những người lớn bị thiếu hụt cảm xúc thời thơ ấu. Chúng có hầu hết những dấu hiệu của thiếu hụt cảm xúc thời thơ ấu.
-
Đứa con cưng của cha mẹ ái kỷ
Những đứa trẻ này được cha mẹ quan tâm và yêu thương nhiều hơn nên khi lớn lên chúng không có những sự dằn vặt trong lòng. Đổi lại chúng sẽ có nhiều khả năng là mang tính cách giống cha mẹ của mình, chúng trở thành những người lớn ái kỷ. Chúng sẽ chơi trò chơi tâm lý với tất cả mọi người, và lại tiếp tục nối tiếp tuyền thống ái kỷ của cha mẹ mình với con cái của mình.
Một số ít sẽ nhận ra rằng tình yêu của cha mẹ dành cho chúng là có điều kiện, và có sự thất vọng ở cha mẹ của mình.
2. Cha mẹ độc đoán
Cha mẹ độc đoán là những người luôn có nhiều quy tắc. Dường như không điều gì có thể làm họ thay đổi quy tắc của mình. Họ đòi hỏi nhiều thứ từ con cái của mình. Chỉ có mệnh lệnh và tuân theo. Không có sự bàn bạc, hỏi ý kiến hay là quan tâm chia sẻ. Họ thẳng tay trừng phạt con của mình khi nó phạm lỗi. Đòn roi, bỏ đói, cấm túc, cô lập con cái là những cách tốt nhất để dạy dỗ kẻ không nghe lời. Có thể nói rằng những đứa trẻ luôn bị bỏ rơi về mặt cảm xúc nếu chúng có cha mẹ độc đoán.
Nếu đứa trẻ nghe lời cha mẹ vô điều kiện, không bao giờ hỏi lại, cha mẹ chúng sẽ cảm thấy hài lòng. Nếu đứa trẻ bất tuân, thì cha mẹ độc đoán sẽ cảm thấy mình không được con cái yêu thương và tôn trọng. Họ có thể sẽ trách móc con mình và thậm chí đe dọa về cái chết. “Mẹ chết cho con vừa lòng.” “Con là một đứa con ích kỷ, không biết nghĩ cho cha mẹ.” Thứ duy nhất mà cha mẹ độc đoán quan tâm là họ có được thỏa mãn hay không, còn cảm xúc và suy nghĩ của con cái thì không đáng giá một đồng.
Đứa trẻ bị cha mẹ làm tổn thương như thế nào
-
Đứa trẻ nghe lời
Để làm hài lòng cha mẹ, chúng tuân lệnh tuyệt đối. Chúng không bao giờ hỏi hay cãi lại. Chúng mặc định rằng những nhu cầu của bản thân là vụn vặt. Cảm xúc của chính mình trở thành một thứ đáng xấu hổ. Vì thế khi bất kỳ nhu cầu nào trỗi dậy chúng đều trách móc mình là kẻ ích kỷ. Chúng đè nén và che giấu cảm xúc của mình. Chúng tức giận và hoang mang khi bản thân cảm nhận được những cảm xúc khác nhau.
Những đứa trẻ này được dạy rằng phải luôn đề cao người khác (cha mẹ) và lờ đi bản thân. Vì thế cả cuộc đời chúng chỉ xoay quanh những người khác. Chúng sẵn sàng nhận hết thiệt thòi về phần mình, từ bỏ quyền lợi của bản thân, chỉ vì sợ bị gọi là ích kỷ. Mâu thuẫn lớn nhất trong cuộc đời của những đứa trẻ này chính là: mình đã quá khổ rồi, mình nên chọn cho bản thân hay cho người khác. Chúng chọn sống vì người khác với hi vọng rằng sẽ được yêu thương. Nhưng kẻ chọn thiệt thòi thì chỉ mãi nhận về thiệt thòi, vậy nên cả đời chúng không bao giờ cảm nhận được tình yêu của người khác, và cũng hiếm có cơ hội được yêu thương đúng nghĩa.
Khao khát có được tình yêu của bố mẹ, của những người xung quanh, khiến chúng bị lợi dụng, chà đạp và đánh mất bản thân mình.
-
Đứa trẻ nổi loạn
Họ chống đối lại cha mẹ mình, và trở thành kẻ lì đòn. Tâm lý luôn muốn phản bác. Tư duy phản biện của họ rất sắc bén, nhưng họ dùng nó một cách mất kiểm soát. Họ luôn trong tâm thế sẵn sàng gây gỗ và cãi lộn. Bất kỳ ai có những lời nói ra lệnh đều làm họ kích động. Họ cảm thấy đối phương muốn cầm tù mình như cha mẹ đã làm. Họ có xu hướng không bao giờ thực lắng nghe để thấu hiểu người khác. Họ lắng nghe chỉ để phản bác, cãi lại. Mọi người xung quanh cảm thấy họ như là người có thù với cả thế giới.
Tuy nhiên, dễ dàng nhận thấy là họ nối tiếp tính cách của cha mẹ mình. Họ lại trở thành kẻ độc đoán. Họ không bao giờ lắng nghe ý kiến của người khác. Họ luôn tự cho mình là đúng, và người khác là sai. Họ có cái tôi cao và luôn tin rằng họ đang làm rất tốt việc bảo vệ bản thân mình. Bảo vệ quan điểm, ý kiến của bản thân chính là bảo vệ mình khỏi những kẻ xấu xa (như cha mẹ).
Cái kết đắng cho họ là sự cô đơn vì không ai muốn đến gần họ. Vợ/chồng, con cái đều tránh xa họ. Họ rơi vào vòng luẩn quẩn: Tại sao không ai hiểu mình? Cha mẹ chưa từng hiểu họ. Giờ đây cả vợ/chồng, con cái cũng lạnh nhạt và không muốn nói chuyện với họ. Họ bị cô lập khi còn nhỏ, sống trong gia đình với cha mẹ. Và lại tiếp tục bị cô lập trong gia đình của riêng mình, vợ/chồng và con cái đều né tránh họ.
3. Cha mẹ dễ dãi
Trái ngược với cha mẹ độc đoán là cha mẹ dễ dãi. Cha mẹ dễ dãi cũng sẽ làm tổn thương đứa trẻ của mình. Họ luôn muốn con mình hạnh phúc nên nuông chiều và buông thả con cái quá mức. Một số khác lại không muốn bận tâm đến việc nuôi dạy con cái, nên không hề dạy dỗ hay răn đe con của mình. Không có giới hạn hay quy định nào dành cho những đứa trẻ. Chúng tùy thích chơi đến khi nào chúng muốn. Lười biếng tùy ý. Muốn ăn gì cũng được. Không cần phải làm việc nhà. Học không vui thì nghỉ. Chẳng có bất kỳ sự ràng buộc nào để tập tính kỷ luật và rèn luyện đạo đức, chừng mực cho trẻ.
Cha mẹ dễ dãi cảm thấy việc dạy con tốn khá nhiều năng lượng. Việc dạy dỗ con và bị con ghét cũng làm họ cảm thấy khó chịu. Vì thế họ chẳng bao giờ nói “không”. Họ luôn đồng ý với những gì con cái muốn để né tránh xung đột giữa cha mẹ và con cái. Cũng vì thế mà những đứa trẻ lưu giữ trong ký ức của mình về một gia đình hạnh phúc. Chúng tin rằng tuổi thơ của mình thật tuyệt và chẳng có lý do gì để mình phải rơi vào trạng thái trầm cảm, vô cảm xúc như lúc này.
Việc cha mẹ cho con cái của mình quá nhiều tự do không làm cho đứa trẻ trưởng thành một cách dễ dàng, mà ngược lại là vô cùng khó khăn.
Đứa trẻ bị cha mẹ làm tổn thương như thế nào
-
Đứa trẻ tự do đến mức vô tổ chức
Những đứa trẻ này lớn lên và sống một cuộc đời vô tổ chức. Chúng không thể kỷ luật bản thân. Những việc đơn giản như ăn uống, ngủ nghỉ, làm việc điều độ cũng trở nên vô cùng khó khăn đối với chúng. Thiếu tính kỷ luật khiến chúng không thể hoàn thành những việc đòi hỏi sự lặp đi lặp lại mỗi ngày hoặc mỗi tuần, mà đây lại là điều cần thiết cho việc học và đi làm. Trạng thái năng lượng của chúng cũng không định, lên xuống thất thường. Nhanh chán nản và dễ hứng khởi. Tính cách bốc đồng, thiếu chín chắn.
Việc bước vào các mối quan hệ yêu đương làm chúng cảm thấy ngột ngạt và mất tự do. Vì khi nhỏ đã không có kết nối với cha mẹ, nên chúng cũng không biết phải làm gì trong các mối quan hệ khác của mình. Chúng không đòi hỏi gì từ người và cũng không đòi hỏi gì ở bản thân. Điều này gây ra nhiều nguy cơ tan vỡ cho mối quan hệ yêu đương của họ. Họ dễ yêu phải người không xem trọng họ, lừa dối và phản bội họ. Hoặc nếu yêu đương với một người tốt, thì sự tự do quá mức của họ sẽ làm đối phương cảm thấy sợ hãi và ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ đó.
-
Đứa trẻ
Tự do đồng nghĩa với việc không có cha mẹ quan tâm. Những đứa trẻ này phải chật vật để tự trưởng thành. Chúng thiếu người chỉ dạy cho chúng điều gì là đúng, điều gì là sai. Chúng thiếu quyết đoán và quyết tâm để làm bất kỳ việc gì. Vì thế cuộc đời chúng thường mắc sai lầm và cũng không có thành công gì. Khi lớn lên và so sánh với những người gặt hái được những thành công nhất định xung quanh, họ cảm thấy mình thua kém. Họ tự trách móc bản thân kém cỏi. Họ không biết bắt nguồn từ đâu mà mình chẳng thể làm được việc gì ra hồn. Họ chỉ có thể tự trách mình, và đổ hết mọi tội lỗi lên người mình.
Họ không biết mình thích gì, và có ý định gì trong đời. Sự mông lung về cuộc sống trong một xã hội đầy quy tắc khiến họ cảm thấy mình lạc lõng, không giống ai. Việc sống một cuộc đời vô nghĩa trở thành nỗi ám ảnh của họ. Họ chì chiết bản thân vì sự vô dụng của bản thân. Sự đổ lỗi cho bản thân càng nhiều, sự ghét bỏ bản thân lại càng lớn.