khuvuonmolly@gmail.com
/
Địa chỉ :
Số điện thoại liên hệ:

Chấn thương thế hệ – Liệu có quá bất hạnh cho thế hệ sau? – Làm sao để kết thúc chấn thương thế hệ

Author Avatar

Phương Dung

author

Chúng ta được sinh ra như những tờ giấy trắng. Chúng ta lớn lên và trưởng thành bởi những gì đã được học, được nghe, được thấy. Nếu những chú chim được bảo rằng chúng chẳng thể bay cao đâu, chúng sẽ tin điều đó, và tiếp tục truyền tải thông tin ấy đến bầy con của mình. Bầy chim con sẽ chẳng bao giờ tin mình có thể bay cao cho đến khi có một sự thay đổi khiến chúng nghĩ khác. Chấn thương thế hệ như những cục đá vô hình đeo bám trên đôi cánh của những chú chim, truyền hết từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Chấn thương thế hệ luôn vô hình ảnh hưởng tới nhận thức và hành động của chúng ta mỗi ngày. Nó đeo bám ông bà ta, cha mẹ ta, ta, và rồi con cái và các cháu của ta. Và nó sẽ chỉ thật sự biến mất khi có ai đó hành động dám bước ra để thay đổi vòng lặp chấn thương thế hệ đó. 

Hôm nay hãy cùng Khu vườn Molly tìm hiểu về chấn thương thế hệ và làm thế nào để có thể phá vỡ vòng lặp thế hệ nhé!

1. Chấn thương thế hệ là gì?

Chấn thương thế hệ còn được gọi là vòng lặp tâm lý gia đình. Đó là những tổn thương tâm lý, những định kiến và tư duy nhất định được hình thành và di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chấn thương thế hệ có thể được truyền lại từ đời này sang đời khác thông qua hai cách: di truyền học biểu sinh (epigenetic) và giáo dục. Chấn thương thế hệ sẽ di truyền sang thế hệ khác, kể cả khi những thành viên trong gia đình không trực tiếp trải nghiệm nỗi đau hay chấn thương đó.

  • Di truyền học biểu sinh

Di truyền học biểu sinh có thể hiểu đơn giản là sự thay đổi trong chức năng gen di truyền (DNA). Những sự thay đổi này giống như một những công tắc bật/tắt của gen. 

Tiến sĩ Rachel Yehuda, giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Căng thẳng Chấn thương tại Trường Y Icahn, Mount Sinai ở New York, đã thực hiện một nghiên cứu vào năm 2015 trên con cái của 40 người sống sót sau thảm họa Holocaust. Bà đã phát hiện rằng trong quá trình trải qua những chấn thương nặng nề, những nạn nhân đã “tắt” hoặc “bật” các gen liên quan tới việc chịu đựng trình trạng căng thẳng tột độ. Và điều này vẫn được tìm thấy ở DNA ở những đứa trẻ của họ, khiến các đứa trẻ dễ mắc các bệnh về tâm lý và vấn đề sức khỏe hơn, dù cho môi trường sống của chúng đã thay đổi so với bố mẹ.

  • Giáo dục

Cha mẹ trải qua những tổn thương cụ thể trong quá khứ sẽ giáo dục và tương tác với các thành viên trong gia đình dựa theo trải nghiệm của tổn thương đó. Vì vậy những đứa trẻ sẽ lớn lên theo cách mà cha mẹ đã phản ứng với tổn thương của chính mình.

Cha mẹ tái diễn lại vết thương

Là những người chọn tiếp tục là nạn nhân, tìm kiếm và trải qua những nỗi đau tương tự. Những người cha mẹ này có thể tạo ra những đứa trẻ: đổ lỗi, là nạn nhân trong mọi trường hợp. Những đứa trẻ có thể trở nên vô cùng tổn thương trước bất kỳ hành động nào của người khác. Hoặc chúng luôn cam chịu trước hành động gây thương tổn của người khác.

Đối diện với những cha mẹ luôn là nạn nhân, những đứa trẻ có thể rơi vào sự mông lung, không biết mình đã làm gì sai. Chúng cảm thấy bản thân mình là kẻ ác, gây ra đau thương cho cha mẹ. Chúng tự thấy mình là kẻ bất hiếu, kẻ không đáng sống, kẻ tồi tệ. Nhận thức của chúng về chính mình bị méo mó. Nặng hơn chúng có thể có xu hướng tự trách, tự hành hạ mình.

Một số đứa trẻ ám ảnh với việc cha mẹ luôn dễ dàng tổn thương, nên luôn sợ mình gây ra tổn thương cho người khác. Chúng dè dặt, khép mình. Chúng không thể cởi mở, và xây dựng tình bạn bình thường. Chúng dễ bị lợi dụng, và sẵn sàng để bản thân bị lợi dụng.

Cha mẹ kìm nén tổn thương

Là những người chọn cách ngược lại, họ chọn trở thành kẻ bạo hành, gây tổn thương cho người khác. Những người cha mẹ này sẽ tạo ra những đứa trẻ bạo hành. Những đứa trẻ học tính cách bạo hành của cha mẹ mình. Chúng luôn đổ lỗi cho người khác đã khiến chúng phải hành động như thế. Chúng chủ động rời bỏ mối quan hệ trước, để tránh việc mình bị bỏ rơi. Hoặc là chủ động dành phần hơn về mình vì sợ bị thiệt thòi, chèn ép người khác để có được thứ mình muốn. Chúng cũng có thể sỉ nhục người khác, phủ đầu trước để tránh việc bản thân bị xem thường.

Một số đứa trẻ có xu hướng khép kín, chôn giấu cảm xúc và suy nghĩ. Chúng sợ mọi người xung quanh sẽ phát tiết với mình, bỏ rơi mình như cách cha mẹ đã làm, nên chúng chọn cách ngoan ngoãn và phục tùng. Chúng không dám làm phật ý ai, luôn có xu hướng làm hài lòng người khác.

Cha mẹ mù cảm xúc

Là những người lựa chọn cách tránh né hoàn toàn khỏi tổn thương, dập tắt hết mọi cảm nhận của bản thân đến mức mù cảm xúc. Những cha mẹ này sẽ tạo ra những đứa trẻ trầm cảm từ nhỏ. Những đứa trẻ cũng như cha mẹ mình, chúng không hiểu ý nghĩa của cuộc sống, không biết mình sống vì điều gì. Chúng không cảm nhận được bản thân mình, không hiểu gì về cảm xúc của bản thân. Hiển nhiên chúng cũng không thể hiểu người khác.

Một số đứa trẻ khác có thể sẽ làm thái quá cảm xúc của mình lên. Chúng mong cầu sự chú ý, quan tâm từ cha mẹ. Mong muốn không được đáp lại sẽ trở thành ham muốn một cách tiêu cực, đầy sự tham lam. Những đứa trẻ quậy phá, làm loạn, phát rồ lên với hi vọng đổi lại chút quan tâm. Chúng không còn biết đâu là cân bằng, lòng tham trở nên không đáy. Dù có được rồi cũng không bao giờ thấy đủ, ngày càng đòi hỏi nhiều hơn.

Tiểu kết

Đối mặt với những chấn thương thế hệ, những đứa trẻ sẽ có phản ứng của riêng mình. Có đứa trẻ tiếp nhận và trở thành phiên bản mới của cha mẹ. Có đứa trẻ chống đối ngược lại lời cha mẹ, chúng nổi loạn đòi sự tự do trong nhận thức. Chúng muốn có sự trải nghiệm của riêng mình và cách nhìn nhận của riêng mình. Chúng không chấp nhận bị đeo lăng kính của cha mẹ mà nhìn đời. Cũng có những đứa trẻ cảm thấy mông lung, không nghĩ rằng cha mẹ mình đúng, nhưng cũng không dám tin vào góc nhìn của bản thân. Chúng loay hoay không biết mình là ai, tính cách như nào, tư tưởng và lý tưởng của bản thân là gì.

2. Điều đáng buồn và tia hy vọng về chấn thương thế hệ

  • Điều đáng buồn của chấn thương thế hệ

Điều đáng buồn nhất về chấn thương thế hệ là những thế hệ sau dù không phải trải qua trực tiếp nhưng vẫn bị ảnh hưởng bởi những tổn thương đó trong cuộc sống. Hay nói cách khác họ là những nạn nhân. Và đáng buồn hơn là hầu hết mọi người không hề nhận ra ảnh hưởng của chấn thương thế hệ tới bản thân mình. Nói cách khác, giống như khi vừa mới sinh ra, họ đã phải mang vác những nỗi đau, tổn thương của thế hệ trước để lại cho dù họ thậm chí không có lỗi hay chủ đích gây ra điều đó.

 “Một đứa trẻ sống trong một gia đình tan vỡ sẽ không bao giờ có được sự tự tin đơn thuần của những đứa trẻ sống trong gia đình hạnh phúc.” Đó là câu nói thường được dùng để nói về sự bất hạnh của những đứa trẻ không may mắn.

  • Tia hy vọng từ chấn thương thế hệ

Nhưng thực chất cuộc sống là phát triển và học hỏi từ những khó khăn. Những đứa trẻ sống trong gia đình không hạnh phúc, nếu có sự nỗ lực và nhận thức đúng đắn để thay đổi, họ sẽ trở nên toàn vẹn hơn. Chúng sẽ là người cắt đứt sự “di truyền nỗi đau” trong dòng họ mình. Những thế hệ sau, con và cháu của chúng sẽ không còn phải tiếp nối truyền thống khổ đau nữa.

Hòn tuyết lăn giờ đây đã dừng lại, và bắt đầu tan chảy. Không còn một ai phải chịu đựng thêm nữa. Không còn thế hệ sau đau khổ, chỉ có thế hệ sau hạnh phúc. Và hơn hết, thế hệ hiện tại được giải phóng mình khỏi thương tổn mà thế hệ trước để lại. Một cuộc sống mới bắt đầu, một cuộc đời mới hoàn toàn được hình thành.

Thậm chí có thể hành trình của họ sẽ truyền cảm hứng cho bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn khác. Hoặc họ có thể dùng trải nghiệm chữa lành của mình để chữa lành cho những người khác.

  • Không cần thiết phải ước mình đã sinh ra trong gia đình khác

Những đứa trẻ sống trong gia đình bình thường cũng sẽ phải trải qua những khó khăn khác của riêng mình. Ví dụ như phải xa gia đình, phải tự lập. Hay trải qua nỗi đau đớn tột độ khi mất mát ập tới bất ngờ. Những đứa trẻ ấy cũng phải cố gắng để vượt qua đau thương, tránh việc trở thành người khởi đầu của chấn thương thế hệ. Suy cho cùng, ai cũng có khó khăn cho riêng mình. Điều quan trọng là làm thế nào để giải quyết những khó khăn đó? Làm thế nào để chúng ta tiếp tục phát triển và trở nên cứng cáp hơn mỗi ngày?

Chấn thương thế hệ không chỉ tồn tại trong những gia đình không hạnh phúc, cha mẹ ly hôn, bạo lực xảy ra. Nó tồn tại theo từng vấn đề riêng trong từng gia đình. Vì vậy đó là một phần tất yếu để chúng ta phát triển. Bởi thế hệ sau phải luôn tốt hơn thế hệ trước, xã hội luôn ngày càng phát triển hơn. Đó là niềm hy vọng đẹp đẽ và tích cực đằng sau một vấn đề tưởng như bất hạnh, tiêu cực.

3. Tại sao phải trở thành người phá vỡ vòng lặp gia đình?

Để trở thành người phá vỡ vòng lặp gia đình không hề dễ dàng. Trách nhiệm và những khó khăn bạn phải mang theo sẽ rất lớn. Nhưng đừng sợ, bởi nó sẽ thật sự đáng giá. Những giá trị bạn có được khi trở thành tiếng nói đầu tiên, người phá vỡ vòng lặp gia đình sẽ vô cùng đáng giá:

  • Trao cho bản thân một tương lai và một cuộc sống tốt đẹp hơn

Trước tiên hãy làm vì bản thân bạn trước. Bạn xứng đáng với những điều tốt đẹp. Bạn xứng đáng với một tinh thần khỏe mạnh, an nhiên và hạnh phúc. Bạn xứng đáng được tự do, được giải phóng khỏi những nỗi đau của người khác. Bạn xứng đáng được sống một cách tràn đầy hy vọng và niềm tin vào bản thân. Bạn xứng đáng được là chính mình. Bạn xứng đáng được sống và tận hưởng hiện tại, cũng như tin tưởng vào tương lai tươi đẹp. Vì thế mà bạn xứng đáng được thoát khỏi vòng lặp tổn thương của gia đình. Vì thế mà bạn phải trở thành người phá vỡ vòng lặp của gia đình mình.

“Mỗi khi nghĩ về đứa trẻ bên trong, tôi luôn cảm thấy xúc động khi nghĩ về những gì đứa bé phải trải qua. Và luôn cảm thấy đứa bé đó xứng đáng với những gì tốt đẹp nhất hơn bao giờ hết. Và tôi sẽ làm điều đó cho bản thân mình.”

Hãy nghĩ về những nụ cười rạng rỡ của bạn khi còn bé. Tại sao nó không còn nữa? Hãy là người mang lại nụ cười đó tới bạn mỗi ngày. Bản thân không nhất thiết phải đổ lỗi cho bất cứ ai khi không cho bạn điều tốt nhất. Bởi bạn sẽ là người đáng tin tưởng nhất và có khả năng nhất để mang lại cho bạn điều tốt đẹp nhất.

Vì sao cần chữa lành chấn thương thế hệ
  • Trở nên mạnh mẽ và dũng cảm hơn

Khi trở thành người phá vỡ vòng lặp gia đình, bạn không những phải đi tìm nguyên nhân, lý do nỗi đau của chính bản thân mình mà còn phải giao tiếp và vượt qua những nỗi sợ, rào cản với gia đình mình để thay đổi lối suy nghĩ và hành vi cũ. Điều này đòi hỏi sự dũng cảm cực kỳ lớn để vượt qua vùng an toàn của bản thân. Và là tiền đề để bạn bứt phá và vượt qua những rào cản sau này trong các lĩnh vực khác.

  • Cải thiện khả năng giao tiếp, biết bộc lộ cảm xúc

Khi bạn trở thành người phá vỡ vòng lặp gia đình, việc học cách giao tiếp hiệu quả là điều vô cùng quan trọng. Bạn sẽ cần phải lắng nghe chính mình. Từ đó bạn bắt đầu thấu hiểu bản thân. Bạn biết mình nên giao tiếp như thế nào với bản thân cho hợp lý. Bạn giao tiếp nhẹ nhàng, đầy trân trọng, và yêu thương với chính mình. Bạn hiểu cảm xúc của mình và có thể gọi tên cảm xúc ấy.

Khi đã hiểu bản thân và giao tiếp được với chính mình, bạn có thể hiểu người khác và giao tiếp một cách đúng đắn với họ. Bạn sử dụng ngôn từ nhẹ nhàng, tôn trọng và đầy yêu thương. Bạn biết cách diễn đạt cảm xúc, suy nghĩ của mình một cách rõ ràng với người khác. Bạn để cho họ có cơ hội hiểu bạn và giao tiếp hai chiều với bạn. Khác hoàn toàn với trước kia, bạn không còn phản ứng một cách tiêu cực, thiếu lý trí và gieo đau thương cho người khác hoặc thêm đau thương cho chính mình.

Khả năng giao tiếp cải thiện không chỉ giúp bạn xử lý tốt hơn những xung đột trong gia đình mà còn giúp bạn xây dựng các mối quan hệ lành mạnh khác trong cuộc sống. Các mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, xã giao sẽ trở nên thoải mái hơn. Mối quan hệ tình yêu cũng trở nên lành mạnh và đáng yêu hơn.

  • Trở thành người truyền cảm hứng

Khi bạn quyết tâm phá vỡ vòng lặp gia đình, hành động của bạn không chỉ có ý nghĩa với bản thân mà còn lan tỏa đến người khác. Bằng cách đối diện với khó khăn, bạn sẽ trở thành tấm gương sáng cho những người xung quanh, từ gia đình, bạn bè đến những người cùng cảnh ngộ. Họ sẽ nhìn thấy rằng, dù hoàn cảnh có khó khăn thế nào, vẫn có thể tạo ra sự thay đổi tích cực. Bạn sẽ trở thành người truyền cảm hứng. Bạn khơi dậy trong họ niềm tin vào việc tự chủ động thay đổi số phận và cuộc đời mình, giống như bạn đã làm.

  • Tự chữa lành cho mình

Trong hành trình phá vỡ vòng lặp gia đình, bạn không chỉ học cách nhận diện và thay đổi những mô hình hành vi tiêu cực, mà còn học cách tự chữa lành những vết thương bên trong mình. Quá trình này không phải lúc nào cũng dễ dàng. Nhưng khi bạn bắt đầu đối diện và hiểu sâu hơn về nỗi đau và nguyên nhân của nó, bạn sẽ tìm ra cách để tự chăm sóc và yêu thương bản thân một cách toàn diện. Mỗi bước đi trong hành trình này sẽ giúp bạn hàn gắn vết thương, làm lành những tổn thương từ quá khứ, để sống một cuộc đời bình yên và trọn vẹn hơn.

Xem thêm: Tự chữa lành là gì? Có thể tự chữa lành cho bản thân hay không?

4. Làm thế nào để kết thúc chấn thương thế hệ

  • Nhận biết – Tìm hiểu rằng bản thân có thể bị ảnh hưởng bởi những chấn thương thế hệ như thế nào?

Bước đầu tiên để chữa lành chấn thương thế hệ và trở thành người phá vỡ vòng lặp gia đình là nhận biết nó. Rất nhiều người không nhận biết được điều này cho đến khi họ làm những câu hỏi đi sâu vào hành vi của gia đình. Có rất nhiều người luôn nghĩ rằng bố mẹ và họ chẳng hề giống nhau một chút nào. Sở thích cũng không. Ước mơ cũng không. Nhưng cho đến khi đi sâu vào những câu hỏi, họ mới nhận ra mình dễ tức giận giống mẹ khi mình mất kiểm soát. Hoặc mình giống bố khi luôn nhìn vào những điểm xấu của người khác trước.

Chấn thương thế hệ không cần phải là bạo lực, đổ vỡ mà cũng có thể là những hành vi, thói quen nhỏ nhưng độc hại. Việc trả lời những câu hỏi đào sâu vào bên trong (shadow work) sẽ giúp bạn nhận ra những mối quan hệ giữa gia đình va bạn.

Sau đây sẽ là những các câu hỏi gợi ý để bạn đi sâu vào những chấn thương/tư tưởng được hình thành trong thời thơ ấu:

– Hãy lập danh sách các chủ đề mà gia đình bạn không thường xuyên (hoặc chưa bao giờ) thảo luận, hoặc những chủ đề bị né tránh, gặp phải phản ứng tức giận, phán xét hoặc phản ứng tiêu cực khác.

– Bạn có thể bày tỏ và nói về cảm xúc của mình với gia đình khi lớn lên không? Có cảm xúc nào bị cấm thể hiện không?

– Khi còn nhỏ, bạn có thể nói về một sai lầm mà bạn hoặc một thành viên khác trong gia đình mắc phải không?

– Các thành viên trong gia đình có xin lỗi khi họ phạm sai lầm không? Hay việc thừa nhận sai lầm là điều bị cấm với một số hoặc tất cả các thành viên?

– Các thành viên trong gia đình có được phép có quan điểm khác nhau không? Họ có thể tự do bất đồng ý kiến với nhau không?

– Bạn có được phép nói về các vấn đề liên quan đến hẹn hò và dậy thì khi lớn lên không?

– Có những vấn đề về nghiện ngập hoặc lạm dụng bị cấm thảo luận không?

– Có những nỗi đau hoặc khoảng thời gian khó khăn trong lịch sử gia đình mà không được phép bàn luận không?

– Tôn giáo và tâm linh có thể được thảo luận một cách cởi mở và tự do trong gia đình bạn không?

– Các thành viên trong gia đình có thể nói về ranh giới cá nhân không? Và liệu những ranh giới đó có được tôn trọng không?

– Bạn có thể nói về tiền bạc và các vấn đề tài chính trong gia đình không?

tìm hiểu chấn thương thế hệ

– Bạn có thể chia sẻ các vấn đề của mình hoặc của gia đình với những người bên ngoài gia đình không?

– Các thành viên trong gia đình có được phép không hoàn hảo và thừa nhận sự không hoàn hảo không?

– Bố mẹ/anh chị/gia đình bạn nghĩ và hành động thế nào với sự tức giận/sự chỉ trích/cảm xúc tiêu cực?

– Gia đình bạn có thường thảo luận về các chủ đề có ý nghĩa hay chỉ dừng lại ở các cuộc trò chuyện bề nổi?

– Bạn có được phép nói về ước mơ tương lai của mình không? Có những ước mơ nào cho tương lai bị cấm không?

– Có các quy tắc khác nhau về những gì có thể được thảo luận tự do đối với các thành viên gia đình khác nhau không?

– Gia đình bạn có coi trọng vị thế kinh tế xã hội của mình không? Vị thế này có thay đổi qua các thế hệ không?

– Thành tích đóng vai trò gì trong gia đình bạn (giáo dục, thể thao, tài chính, v.v.)?

– Bạn nhận ra xung đột trong gia đình bằng cách nào (la hét, tức giận, im lặng)?

– Các vai trò được phân công trong gia đình như thế nào (bố là người hay ra lệnh, con gái là người thông minh, v.v.)?

Bây giờ bạn đã có danh sách các quy tắc từ gia đình của mình, hãy suy ngẫm về các câu hỏi sau:

– Một số quy tắc từ gia đình của bạn có hữu ích không? Bằng cách nào?

– Một số quy tắc từ gia đình của bạn có hại không? Bằng cách nào?

– Các quy tắc về những chủ đề có thể và không thể thảo luận trong gia đình đã giúp bạn thế nào? Chúng đã làm hại bạn ra sao?

– Bạn nghĩ mỗi quy tắc có “mục đích” gì trong gia đình của mình? Quy tắc đó có bảo vệ thành viên nào trong gia đình không? Bạn có thấy dấu hiệu rằng quy tắc đó đã được truyền từ một thế hệ trước không?

– Những quy tắc về các chủ đề bị cấm thảo luận từ gia đình gốc của bạn có ảnh hưởng thế nào đến các mối quan hệ bạn bè và tình cảm của bạn? Bạn có hài lòng với những quy tắc này không, hay có những quy tắc bạn muốn thay đổi?

– Nếu bạn có gia đình riêng, những quy tắc nào về những gì có thể và không thể thảo luận đã được mang vào gia đình hiện tại của bạn? Điều này ảnh hưởng thế nào đến gia đình bạn? Bạn có hài lòng với những quy tắc này không, hay có những quy tắc bạn muốn thay đổi?

– Với những chủ đề từng bị cấm trong gia đình, bạn có thể tự do trò chuyện với chính mình về những chủ đề đó không? Bạn có nghĩ về những chủ đề này không? Bạn có thừa nhận và cho phép các cảm xúc liên quan đến những chủ đề đó không? Bạn có tự do khám phá sâu những chủ đề này với chính mình không? Nếu bây giờ bạn đã có thể giao tiếp tự do với bản thân về những chủ đề này, bạn có luôn làm vậy hay phải học cách làm điều đó tại một thời điểm nào đó trong cuộc sống của mình?

  • Cảm thông và buông bỏ – Cảm thông với nỗi đau của thế hệ trước và thay thế sự trách móc bằng tình yêu thương và hi vọng cho bản thân và thế hệ sau

Cảm thông với chính mình và buông bỏ

Sau khi thực hành những câu hỏi đặt ra cho bản thân và hành vi của gia đình, bạn phần nào cũng có thể hiểu được rằng nguyên nhân dẫn đến những nỗi đau của bản thân. Bạn có thể hiểu được rằng chúng từ những chấn thương thế hệ mà ra. Bạn cần nhận thức được bản thân không làm gì sai cả. Bạn chỉ là đang mang trên mình thứ được gọi là “nỗi đau di truyền qua nhiều thế hệ”. Và bây giờ bạn cần bắt đầu thực hành tha thứ và buông tha cho chính mình.

Tha thứ cho bản thân khỏi những lỗi lầm không phải do bạn gây ra. Tha thứ cho bản thân khỏi những nỗi đau không phải do bạn tạo. Buông bỏ những cảm xúc tiêu cực chất chứa bên trong mình. Tha thứ cho những cảm xúc, suy nghĩ và hành động của mình. Tha thứ cho chính mình khi không thể đạt được kỳ vọng của bản thân. Buông tha cho tâm trí của mình, hãy để nó được nghỉ ngơi. Buông tha cho tâm hồn mình, hãy để nó được an nhiên và bình lặng.

Xem thêm: Học cách tha thứ cho chính mình

Thấu hiểu và cảm thông với chấn thương thế hệ của cha mẹ

Tất cả những nỗi đau ấy đều xuất phát từ cha mẹ của bạn. Tuy nhiên, hãy chậm lai một chút, đừng vội trách móc, mang sự giận giữ và hận thù. “Tại sao mình phải chịu những điều này?”. “Tại sao bố mẹ có thể độc hại với con cái như vậy?”. Bạn nên nhận ra cha mẹ cũng từng là những đứa trẻ như bạn. Họ cũng đã từng là một tờ giấy trắng. Cuộc đời họ được khắc lên bằng những gì họ thấy và được dạy. Họ tin rằng điều đó đúng đắn. Họ cũng chỉ là những người đón nhận chấn thương thế hệ một cách vô thức, và truyền nó cho con cái mà chẳng hề nhận thức được hậu quả.

Ví dụ

Một ví dụ đơn giản như trong việc cha mẹ mắng chửi, đay nghiến và đánh đập con cái. Có những phụ huynh rất yêu thương con mình. Họ luôn muốn che chở, bao bọc con của mình. Họ luôn sợ rằng con cái sẽ đi vào những con đường sa ngã hoặc gặp nguy hiểm. Vì thế nên khi bắt đầu thấy những dấu hiệu về những gì mình lo lắng, họ sẽ lập tức có những lời răn đe, dọa nạt để con cái sợ. Một số phụ huynh mang nhiều ám ảnh về tổn thương có thể sẽ có những phản ứng thái quá. Họ có những lời nói và hành động mất kiểm soát đối với con cái của mình.

Một số phụ huynh tin vào bài học được dạy khi còn nhỏ “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Họ cũng nhớ rằng cha mẹ đã từng đánh mắng mỗi khi họ phạm lỗi. Họ lặp lại điều này với con cái của mình.

Vì thế mà những đứa trẻ cảm thấy tổn thương vô cùng. Chúng không hiểu mình đã làm sai điều gì mà lại phải chịu sự thịnh nộ ghê gớm một cách vô lý của cha mẹ.

Tha thứ cho cha mẹ và buông tha cho chính mình

Và tương tự với cha mẹ bạn, nếu bạn không nhận ra chấn thương thế hệ, bạn sẽ trở thành phiên bản mới của cha mẹ. Bạn cũng sẽ nổi giận, to tiếng thậm chí tác động vật lý với con của mình. Bạn sẽ trở thành kẻ gây đau thương cho con mình. Những đứa con của bạn có thể sẽ chịu nhiều thương tổn hơn cả bạn. 

Thay vì trách móc cha mẹ, hãy hiểu và tha thứ cho họ. Tha thứ cho họ vì đã không thể tự kết thúc chấn thương thế hệ. Tha thứ cho họ vì những nỗi đau họ phải chịu dù họ chẳng liên quan gì đến chúng. Tha thứ cho việc họ không nhận ra họ đang làm tổn thương bạn một cách vô thức.

Khi sự tha thứ bắt đầu, chấn thương thế hệ bắt đầu dần tan biến. Những nỗi đau bên trong bạn bắt đầu vơi đi, và buông tha cho bạn. Bạn bắt đầu buông tha cho chính mình. Chân thương thế hệ, thứ lưu truyền nhiều đời, từ thời tổ tiên, bắt đầu buông tha cho bạn. Nó yếu dần đi, không còn khả năng kiểm soát được bạn nữa. Nó sẽ mất hết sức mạnh và biến mất. Từ thế hệ của bạn trở đi, nó sẽ hoàn toàn biến mất.

Xem thêm: Làm thế nào để tha thứ cho người khác?

kết thúc chấn thương thế hệ

Chia sẻ từ câu chuyện của chính bản thân của tác giả

Mẹ tôi sẽ dễ to tiếng khi cảm thấy bất lực hoặc không thể kiểm soát con cái của mình. Nhưng sau những cuộc cãi vã, mẹ thường cảm thấy hành động của mình gây tác dụng ngược. Hành động ấy tạo ra khoảng cách nhiều hơn với những đứa con. Đó là lúc mẹ tôi sẽ thể hiện phần yếu đuối nhất trong lòng mình. Thi thoảng tôi thấy mẹ khóc thầm dưới cầu thang. Những lúc đó, thứ tôi nhìn thấy không phải là một người lớn khóc, mà là hình hài một đứa trẻ bên trong của mẹ tôi đang đau đớn.

Có lẽ đứa trẻ trong hình hài người lớn ấy đang tự hỏi rằng tại sao mọi thứ lại không như những gì mình đã cố gắng? Có lẽ mẹ tôi đang cảm thấy bất lực lắm. Bất lực trước chính những nỗ lực của bản thân. Bất lực trước việc mình không được con cái thấu hiểu. Bất lực trước việc không thể bảo vệ con theo cách của mình.

Cha mẹ cũng là những đứa trẻ bị tổn thương. Hãy tìm hiểu sâu xa lý do nguyên nhân và thông cảm với họ. Tất nhiên bạn không nhất thiết hay bắt buộc phải tha thứ cho họ. Nhưng hãy cảm thông, tha thứ và buông bỏ cho bạn trước.

Và nếu có thể, hãy cố gắng trò chuyện với bố mẹ nhiều hơn. Hỏi họ về quá khứ, cảm xúc của họ trong quá khứ. Hãy tự mở lòng trước, tập nói nhiều hơn về cảm xúc và suy nghĩ của mình. Cha mẹ bạn cũng dần sẽ cảm thấy cởi mở và thay đổi giống bạn.

  • Chữa lành tổn thương xuất phát từ chấn thương thế hệ

Sau khi đã biết những tổn thương của mình xuất phát từ chấn thương thế hệ, hãy chữa lành những tổn thương ấy. Thực tế thì bạn đã bắt đầu chữa lành cho mình từ lúc bạn thấu hiểu, cảm thông, tha thứ và buông bỏ cho mình, cũng như cho cha mẹ mình.

Đối với chấn thương thế hệ, hầu hết các tổn thương của bạn đều xuất hiện từ khi bạn còn nhỏ. Vì thế bạn sẽ cần phải chữa lành cho đứa trẻ bên trong của mình. Tham khảo cách chữa lành đứa trẻ bên trong ở đây:

Đứa trẻ bên trong là gì? Tại sao bị tổn thương? Cách để chữa lành Đứa trẻ bên trong

Cách để chữa lành đứa trẻ bên trong bạn

Tự chữa lành tổn thương từ thiếu hụt cảm xúc thời ấu thơ

Bạn cũng có thể tham khảo những cách chữa lành khác ở đây.

Việc chữa lành cho những tổn thương của quá khứ là vô cùng quan trọng. Nó là sự tháo gỡ xiềng xích đè nặng bạn suốt nhiều năm qua. Bạn không thể tự do nếu không tháo gỡ những xiềng xích ấy. Bạn không thể thay đổi góc nhìn, tư duy và lối suy nghĩ nếu bạn vẫn bị đè nặng trong tâm trí bởi những tổn thương.

  • Chỉnh lại hành vi đúng đắn từ lý do gây ra chấn thương

Nhận thức thôi chưa đủ. Bạn cần chữa lành cho những tổn thương cũ. Sau khi chữa lành cho mình, bạn quay trở lại là tờ giấy trắng. Lúc này là lúc thích hợp nhất để bạn có thể hình thành một hệ thống tư duy mới và một cuộc sống mới. Bạn phải thiết lập những tiêu chuẩn, quy tắc khác đúng đắn cho mình và những thế hệ tiếp theo.

Bạn cần có kiến thức đúng đắn về cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin và những nỗi đau. Bạn cần luyện tập lắng nghe và thấu hiểu bản thân. Đồng thời luyện tập lắng nghe và thấu hiểu người khác. Bạn cũng cần có khả năng giao tiếp tốt: nói, giải thích thay vì ra lệnh.

Ví dụ về những thay đổi thoát ra khỏi vòng lặp của gia đình

  • Phương pháp đúng đắn để định hướng con cái là gì? – Hiểu đam mê, sở thích của con. Động viên, khích lệ con cái trên con đường học tập và sự nghiệp. Giải thích cho con cái hiểu vì sao cần tập trung học tập. Đồng thời vẫn ủng hộ niềm vui của con. Khuyến khích con vừa học vừa phát huy tài năng thiên bẩm. Khuyến khích con vừa làm việc vừa theo đuổi đam mê.
  • Cách đúng đắn khi tiếp nhận một nỗi đau về mất mát là gì? – Có thể biểu lộ gương mặt buồn, có thể khóc, và được ôm trọn vào lòng. Có quyền bộc lộ cảm xúc đau khổ của mình. Được thấu hiểu cho nỗi đau và được đồng cảm. Được vỗ về và an ủi.
  • Tại sao chúng ta lại giận giữ? Có cách nào tốt hơn để giải quyết vấn đề thay vì tức giận không? – Có rất nhiều cảm xúc tức giận chôn giấu bên trong mình. Buông bỏ cảm xúc ấy bằng cách cảm nhận nó, không ép nó biến mất. Cơn giận sẽ dần vơi đi. Mỗi lần buông bỏ một chút, sau nhiều ngày, tháng, năm, kho cảm xúc tức giận sẽ tan biến hết. Khi cơn giận tạm thời không còn bủa vậy, chúng ta nên tập trung tìm giải pháp cho vấn đề mình đang gặp phải.

Để có giải pháp đúng đắn trước từng vấn đề, bạn sẽ phải tiếp thu nhiều kiến thức hơn. Đọc nhiều hơn, lắng nghe chính mình nhiều hơn, tĩnh lặng nhiều hơn. Và đặc biệt là luôn phải giữ một tâm trí cởi mở. Hãy liên tục đặt câu hỏi và đi tìm kiếm câu trả lời.

tha thứ để kết thúc chấn thương thế hệ

Lời khuyên hữu ích

Có một lời khuyên rất hữu ích khi tìm kiếm câu trả lời đó là: “Khi chuẩn bị tiếp nhận lời khuyên hay hành động của một người nào đó, hãy tự kiểm chứng xem họ có phải là mẫu người bạn muốn trở thành?”

Bởi không phải lời khuyên hay sự định hướng nào cũng đều đúng đắn và có ích cho bạn. Ví dụ khi mẹ bạn đưa cho bạn một lời khuyên về việc tiết kiệm. Bạn có thể tham khảo và đồng tình nếu mẹ bạn quản lý chi tiết tốt và bạn cũng muốn trở thành một người như mẹ ở khía cạnh đó.

Hoặc khi bạn nhận được một lời khuyên về nghề nghiệp, hãy đặt ra câu hỏi “Đó có phải là người bạn muốn trở thành?” Bạn có muốn trở thành một bác sĩ như mẹ nói đến? Hay trở thành một doanh nhân như bố đang gợi ý? Bạn có muốn là một nhân viên văn phòng như anh hàng xóm? Hay một thợ thủ công như trên mạng xã hội bạn nhìn thấy?

Bộ não bạn là một bộ máy. Nó sẽ sản xuất ra những sản phẩm từ những nguyên liệu được đưa vào hàng ngày. Hãy trở thành người canh gác trước cánh cửa đi vào bộ máy đó. Bởi bất cứ thông tin tiêu cực hay tích cực, sẽ luôn sản xuất ra một sản phẩm tiêu cực hay tích cực tương tự.

Nếu bạn cần có healer đồng hành cùng mình trong hành trình chữa lành chấn thương thế hệ, Khu vườn Molly luôn sẵn sàng đồng hành cùng bạn. Vườn sẽ cùng bạn tìm hiểu về những tổn thương của bạn. Tìm ra chấn thương thế hệ nào đang có những tác động tiêu cực đến đời sống của bạn. Và cùng bạn chữa lành. Liên hệ zalo của Vườn để đăng ký Healing 1-1 ngay.

Kết

Cuối cùng thì, phá vỡ vòng lặp gia đình không chỉ là chữa lành tâm hồn. Càng không chỉ là thay đổi tư duy để tạo nên một cuộc đời mới. Mà nó còn giúp cải thiện các mối quan hệ của bạn: gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, xã giao… Hơn thế nữa nó còn cho bạn những giá trị cần thiết như lòng can đảm, dám bước ra khỏi những truyền thống cũ kỹ và hủ bại mà bạn hay lầm tưởng là “vòng an toàn”. Để rồi bạn dám sống và đấu tranh cho chính mình. Bạn trở nên trưởng thành hơn và thành công ở các lĩnh vực khác trong cuộc sống.

Quay lại câu chuyện chú chim ở đầu bài viết, bạn nghĩ chú chim đó sẽ bay xa, cao, và phát triển như thế nào khi nó có thể buông bỏ hết những cục đá vô hình nặng trĩu buộc trên đôi cánh đó?

cách kết thúc chấn thương thế hệ

Đăng ký Healing 1-1

Tâm sự, chia sẻ, và nhận những giải đáp để hỗ trợ bình yên trong tâm hồn, chữa lành những tổn thương và sống cho giây phút hiện tại.

Đăng ký ngay