Chiếm hữu, ghen tị và lệ thuộc
Gem
author
Chiếm hữu, ghen tị và lệ thuộc tưởng chừng như là những điều hiển nhiên của cuộc sống. Nó được con người chấp nhận như bản chất của loài người. Vì thế mà ít người tìm hiểu về nó, và ít người cảm thấy đó là một vấn đề tâm lý cần được thấu hiểu. Một vài người nhận ra rằng tính chiếm hữu, ghen tị và sự lệ thuộc đang hành hạ tâm lý của họ. Vì thế họ cố gắng triệt tiêu nó. Nhưng liệu triệt tiêu tính chiếm hữu có dễ dàng, và có cần thiết?
I. Vì sao ta lại muốn chiếm hữu?

Sở hữu là trạng thái một thứ gì đó thuộc về/là của ai đó. Chiếm hữu là một dạng tính cách nói về ham muốn phải có một thứ gì đó cho bằng được. Mong muốn sở hữu một thứ gì đó có thể được xem là một dạng mong muốn bình thường của con người. Nhưng ham muốn phải có cho bằng được một thứ gì đó cho riêng mình lại là dạng tính cách cực đoan, mang lại nhiều rắc rối cho đời sống tinh thần của thủ thể.
Ta muốn một người tình đến chết cũng không chia rời. Ta muốn một người dù đã không bên cạnh nhưng phải yêu ta trọn đời, thậm chí là qua nhiều kiếp. Ta muốn con cái thuộc về riêng ta, xem ta là tất cả. Ta muốn cây bút ấy là của riêng ta, không ai được mượn dùng. Ta muốn bộ đồ đó chỉ mỗi ta có, không đụng hàng với ai. Ta không cho phép ai động vào đồ của mình. Ta muốn địa vị đó, và không cho phép người khác có được. Ta không cho phép bất kỳ ai được dùng tiền của ta. Ta muốn có nhiều tiền hơn nữa, chỉ của riêng ta. Ta muốn sự chú ý thuộc về riêng ta, ta không cho phép những người “là của ta” được phép chú ý đến ai khác.
Nhìn chung thì những gì ta đã muốn chiếm hữu, thì ta không cho phép ai khác được sở hữu, động đến, sử dụng hay nhìn tới.
Rốt cuộc thì vì sao ta lại có ham muốn chiếm hữu?
1. Xây dựng danh tính
Từ nhỏ chúng ta đã được dạy cách xây dựng danh tính dựa trên những gì mình sở hữu: là con của ông này/bà kia, là học sinh của trường A, là người đạt danh hiệu học sinh giỏi, là người sở hữu khuôn mặt xinh đẹp, là người có nhiều tiền, là người có học thức cao, là đứa không có tài cán gì, là đứa có cái tay bị tật, là kẻ vô công rồi nghề, là người có địa vị xã hội…
Chúng ta cố gắng sở hữu những thứ ta cho là phù hợp với danh tính mà ta muốn. Người nào càng ám ảnh về danh tính của bản thân thì người đó lại càng có xu hướng chiếm hữu. Họ quyết tâm phải có cho bằng được cái danh tính khiến bản thân hài lòng, thỏa mãn, vì thế mà họ bất chấp tất cả để chiếm hữu cho bằng được những thứ góp phần tạo nên danh tính đó. Ví dụ như: phải có bằng được người đàn ông đó để có danh xưng “vợ của ông A”, ép con cái phải có thành tích học tập cao để có danh xưng “mẹ/cha của thiên tài”, phải có cho bằng được chiếc xe Mercedes để được gọi là “người giàu”, phải có được chiếc Iphone đời mới đầu tiên để trở thành “dân chơi thứ thiệt”…
Người càng có nhiều danh tính muốn xây dựng cho mình thì lại càng muốn chiếm hữu nhiều thứ.
2. Cảm thấy mình quan trọng khi là chủ sở hữu của ai đó, thứ gì đó

Không ít người theo đuổi cảm giác “là quan trọng”. Họ muốn cảm thấy bản thân mình là người quan trọng. Họ không chấp nhận nổi việc mình không quan trọng trong mắt người khác. Họ muốn mình phải luôn có được sự chú ý, được quan tâm, được là trung tâm. Việc là chủ sở hữu của ai đó, thứ gì đó khiến họ cảm thấy mình đặc biệt, là quan trọng, và chắc chắn sẽ có được sự chú ý. Dù chỉ là chủ của một con chó, cũng làm bạn cảm thấy bản thân quan trọng, ít nhất là quan trọng với con chó đó.
Cảm giác bản thân là quan trọng luôn đi kèm với nỗi sợ không là gì cả. Việc là chủ sở hữu của ai đó, thứ gì đó giúp họ khỏa lấp tâm hồn trống rỗng. Để duy trì cảm giác quan trọng, không ít người cảm thấy bản thân phải chiếm hữu cho bằng được thứ gì đó hoàn toàn, hoặc là phải chiếm được càng nhiều thứ càng tốt. Nỗi sợ không là gì cả quá lớn khiến họ phát rồ và trở thành kẻ chiếm hữu biến thái, mang trong mình những tư duy sở hữu lệch lạc: những bà mẹ muốn độc chiếm con trai là của riêng mình; những người đàn ông giam cầm người mình yêu; những kẻ ham quyền, ham tiền…
3. Cảm giác thỏa mãn
Việc có được thứ gì đó cho riêng mình mang lại cảm giác thỏa mãn đáng kinh ngạc cho nhiều người. Cảm giác thỏa mãn giống như thuốc phiện. Khi đã có được nó rồi, con người ta chỉ muốn có thêm, và không muốn dừng lại. Họ tham lam muốn được thỏa mãn nhiều hơn nữa. Chính vì thế mà đối với những ai có trải nghiệm thỏa mãn khi đạt được sự chiếm hữu, họ sẽ tự động gia tăng tính chiếm hữu của mình. Họ muốn chiếm được thứ này, rồi lại muốn chiếm được thứ kia. Ham muốn của họ là vô hạn.
4. Cảm giác an toàn
Đối với một số người trải qua sự thiếu thốn thời thơ ấu có thể hình thành bản năng chiếm hữu như một cách khiến họ có cảm giác an toàn. Chỉ khi chiếm được hoàn toàn thứ gì đó họ mới tin là mình đã an toàn, sẽ không lặp lại sự thiếu thốn của tuổi thơ. Thường thì cảm giác an toàn này không tồn tại lâu, và rất dễ bị đe dọa làm cho biến mất.
Một đứa trẻ thiếu thốn tình thương của cha mẹ, chỉ cảm thấy an toàn khi cha mẹ dành hết sự chú ý cho mình. Nó cố gắng mọi cách để chiếm lấy toàn bộ thời gian, sự chú ý của cha mẹ. Những lúc như thế, nó cảm thấy vô cùng an toàn, không có sự thiếu thốn nào cả. Tuy nhiên, bất kỳ điều gì cũng có thể đe dọa đến sự an toàn này của nó, và nó biết rõ điều đó: cuộc gọi công việc của cha mẹ, đứa con khác trong nhà làm trò cho cha mẹ quan tâm, ông bà đổ bệnh, tình hình kinh tế gia đình…
II. Ham muốn chiếm hữu và lòng ghen tị
1. Ham muốn chiếm hữu làm nảy sinh lòng ghen tị

Khi muốn có mà chẳng có được, lòng ghen tị sẽ tự khắc nảy sinh. Càng ham muốn, lại càng dễ nảy sinh lòng ghen tị, và lòng ghen tị lại càng lớn. Ta ghen tị với những ai có được thứ mình muốn. Cảm giác ganh tị khiến ta ghét người đó, nên được gọi là ganh ghét.
Kể cả khi ta không dám và không đủ bản lĩnh để dành lấy thứ ta muốn, thì ham muốn chiếm hữu vẫn nhen nhóm trong ta, và ta ghen tị. Ta ghen tị với ai có được sự giàu có mà ta khao khát. Ta ghen tị với người có được sự tự tin mà ta ao ước. Ta ghen tị với người có cha mẹ, hoặc cha mẹ còn sống, hoặc ghen tị với người không có cha mẹ. Ta ghen tị với người đang được vỗ tay ca ngợi, được tán dương, được khen tặng, được công nhận thành tích và nỗ lực. Ta ghen tị với hoàn cảnh sống của người này, xuất thân của người kia, may mắn của người nọ.
2. Ghen tị không phải là tình yêu
Nhiều người nhầm lẫn rằng “Tôi ghen với cô ấy bởi vì tôi yêu anh ấy-người yêu của cô ấy”. Thực tế thì “Tôi ghen với cô ấy bởi vì cô ấy có được anh ấy-người mà tôi muốn có”. Hoặc “Tôi ghen với cô ấy vì cô ấy đang có được nụ cười của người yêu tôi-thứ mà tôi muốn độc chiếm cho bản thân mình”. Khao khát chiếm hữu càng cao, tính ghen tuông càng lớn. Nó dẫn đến nhiều hệ lụy như kiểm soát thái quá, và nhiều thứ tồi tệ hơn.
Tương tự như thế, bạn có thể ghen tị với anh chị em trong nhà không phải vì rất yêu cha mẹ, mà là vì họ có được sự chú ý của cha mẹ, thứ mà bạn luôn khao khát có được. Bạn có thể ghen tị với con dâu của mình vì nó có được rất nhiều sự quan tâm của con trai của mình, thứ mà bạn muốn sở hữu cho riêng mình. Bạn ghen với người bạn mới của bạn thân, không phải vì yêu quý người bạn thân, mà là vì muốn bản thân là người duy nhất có được sự thân thiết với người ấy.
Dù gì thì lời giải thích “vì yêu nên ghen” nghe thật lãng mạn, giàu tình cảm, nên con người ta vẫn thích dùng nó, thay vì cách nhìn nhận trực tiếp “vì muốn chiếm hữu nên ghen”. Không ai muốn nhìn vào mặt tối của bản thân cả.
3. Liệu bạn đã có lúc nào tự do khỏi sự ghen tuông
Sẽ có lúc bạn cảm thấy không còn ghen tuông vì chồng mình nữa, nhưng lúc này bạn đã tìm kiếm được một thứ khác thay thế, thường là con của mình. Bạn bám lấy con mình như cách bạn đã bám lấy chồng của mình, và rồi bạn sẽ lại ghen tuông. Chỉ khi chắc chắn là mình đã nắm được một thứ khác, ta mới buông thứ cũ ra. Chứ ta chẳng hề tự do khỏi sự ghen tuông.
Sự ghen tị không mất đi, nó chuyển từ ghen tị người này/thứ này sang ghen tị người khác/thứ khác. Khi bạn thay đổi ham muốn, thay đổi thứ muốn chiếm hữu, thì đối tượng ghen tị cũng sẽ thay đổi theo. Không ít người cố gắng thoát khỏi cảm giác ghen tị vì chồng, bằng cách ham muốn một sự nghiệp, và ngược lại. Một số khác lại cố gắng thoát khỏi cảm giác ghen tị về sự giàu có của người khác bằng cách theo đuổi một lý tưởng, học thuyết. đạo giáo nào đó.
Sự tự do hoàn toàn không hề xuất hiện. Bạn tìm cách tự do khỏi những thứ cũ kỹ, bằng cách trói mình vào những thứ mới mẻ nào đó.

III. Lệ thuộc
Ham muốn và lòng ghen tị làm cho ta trở thành kẻ lệ thuộc. “Hạnh phúc” và “bất hạnh” của ta bị lệ thuộc vào những thứ ta có, và những thứ người khác có. Ta thỏa mãn và hài lòng trong chiến tích của mình – và tự nhận rằng “Mình đang hạnh phúc”. Ta đố kỵ và ganh ghét trong thất bại của mình – và tự nhận rằng “Mình là kẻ bất hạnh”. Cảm xúc và năng lượng của ta hoàn toàn phụ thuộc vào những gì ta đang có được. Sẽ thật hân hoan khi ta đã chiếm được thứ mình muốn, và khiến người khác phải đố kỵ với ta. Sẽ thật đau khổ khi chẳng có được thứ mình muốn, và phải đố kỵ với người khác.
Nhiều vấn đề tâm lý khác xuất hiện kèm theo ngay sau đó: lo âu, sợ hãi, căng thẳng, bất an…
Cho đến khi nào ta vẫn cảm thấy thỏa mãn với cái hạnh phúc giả tạo mà ta có được từ sự chiếm hữu, và bình thường hóa lòng đố kỵ, ghen tị thì khi ấy ta vẫn không thể thoát ra khỏi sự đau khổ được, và vẫn luôn bị hành hạ tinh thần.
IV. Tại sao cần phải thoát khỏi tính chiếm hữu, ghen tị và lệ thuộc
Rất ít người cảm thấy mình cần phải thoát khỏi tính chiếm hữu, ghen tuông và lệ thuộc. Hầu hết mọi người đều có chung một nhìn nhận rằng “đó là bản chất của con người”. Và hiển nhiên, họ hài lòng và thỏa mãn trong những sung sướng và đau khổ mà nó mang lại. Chỉ một số ít người không còn chịu nổi sự hành hạ tinh thần từ tính chiếm hữu, ghen tuông và lệ thuộc của bản thân mới cố gắng thoát ra khỏi nó. Họ mệt nhoài với những cảm xúc hưng phấn rồi lại đau khổ. Họ biết cảm xúc của mình đang lệ thuộc hoàn toàn vào những thứ bên ngoài. Họ hiểu rằng sự thỏa mãn chỉ là nhất thời, và hạnh phúc của họ không phải là cảm giác thỏa mãn.
Những người này muốn thoát khỏi xiềng xích cảm xúc, sự lệ thuộc cảm xúc. Vì thế mà họ quyết tâm đi tìm cách để thoát khỏi ham muốn chiếm hữu, lòng ganh tị và sự lệ thuộc.
Sai lầm trong việc cố gắng thoát khỏi tính chiếm hữu, ghen tị và lệ thuộc
Tuy nhiên, nhiều người đi lầm đường trên hành trình này. Họ cố gắng buông bỏ sự chiếm hữu với thứ này, bằng cách chiếm hữu một thứ khác. Họ buông bỏ ham muốn vật chất, và theo đuổi những lý tưởng, lẽ sống nào đó. Hoặc đi theo một tín ngưỡng nào đó bác bỏ ý nghĩa của vật chất. Họ cố gắng tìm kiếm một sự đắc đạo, hay giác ngộ nào đó. Họ tìm kiếm sự công nhận của một nhóm người tín ngưỡng nào đó.
Một số khác dùng bạo lực tinh thần để ép bản thân buông bỏ ham muốn, ghen tuông, lệ thuộc. Họ đánh đập, sỉ vả, lăng nhục bản thân khi trỗi dậy những ham muốn hay khi cảm thấy ghen tị. Họ tấn công chính mình để ép bản thân buông bỏ thứ gì đó. Hầu hết các cuộc chiến như thế này không mang lại kết quả nào tốt đẹp, mà chỉ mang lại thêm tổn thương cho chính mình. Việc ép bản thân phải thay đổi thể hiện một ham muốn: điều khiển được bản thân.

Chúng ta không ngừng thay đổi từ đối tượng ham muốn này sang đối tượng ham muốn khác, thứ mà chúng ta cho là to lớn hơn, vĩ đại hơn, cao quý hơn, tinh tế hơn, tuyệt diệu hơn… Bao gồm: vật chất, quyền lực, địa vị, tình yêu thương, sự an nhàn, đức hạnh, chân lý, bất tử… Nhưng dù có dùng từ ngữ hoa mỹ đến nhường nào thì ham muốn vẫn là ham muốn. Bên trong bạn vẫn luôn có những xung đột giữa cảm giác thỏa mãn, thất vọng và đau khổ không ngừng.
V. Làm thế nào để tự do khỏi tính chiếm hữu, ghen tị và lệ thuộc?
1. Nhận thức được sự ham muốn của bản thân
Để có thể tự do khỏi bất kỳ thứ gì, trước hết, bạn cần nhận thức được sự tồn tại của nó. Sau đó là hiểu được cách nó hình thành trong tâm trí bạn. Ngay khi ham muốn trỗi dậy, thường có một số suy nghĩ xuất hiện: “Tôi muốn…”, “Tôi không muốn…”. Đó là một dấu hiệu đơn giản để bạn nhận thức được sự hiện hữu của ham muốn. Khi này, bạn có một nhận thức rõ ràng rằng “À, mình đang có ham muốn này…”. Việc này giúp bạn tạm dừng lại ở hiện tại, không bị ham muốn lôi kéo đi đâu cả. Hãy để bản thân, đơn giản là, ý thức được sự tồn tại của ham muốn trong hiện tại. Không cố xua đuổi nó đi, cũng không bị nó lôi kéo phải có cho bằng được thứ gì đó.
Sau đó, bạn có thể dành một chút thời gian để nghiên cứu thử xem ham muốn này đến với bạn như thế nào.
Khi bạn nhìn thấy một thứ gì đó, ví dụ một chiếc xe hơi, bạn cảm thấy nó đẹp. Nó mang cho bạn sự thỏa mãn thị giác và đi kèm một số cảm giác. Bạn cảm thấy thích thú, ngưỡng mộ, rạo rực, đam mê, yêu thích… Và rồi bạn muốn duy trì cảm giác ấy. Có lẽ là từ giây phút này, bạn nhen nhóm ý tưởng sở hữu nó.
Đôi lúc lại là thứ bạn không thấy, nhưng bạn có thể tưởng tượng ra: một chân lý, sự đắc đạo, sự tu tiên, Thượng đế… Nó mang cho bạn những cảm giác như: cao quý, siêu việt… Và rồi nếu muốn duy trì cảm giác ấy mãi, bạn sẽ có ý định muốn sở hữu nó.
2. Thấu hiểu thay vì tìm cách triệt tiêu tính chiếm hữu, sự ghen tị
-
Ham muốn không phải là thứ xấu xa
Thực vậy, đừng nghĩ rằng ham muốn là thứ xấu xa. Các đạo giáo hay tiêm nhiễm ý tưởng rằng ham muốn là xấu xa, là cần bị loại bỏ, hãy ép bản thân loại bỏ chúng đi, chúng đang làm ô uế bạn, bạn là kẻ tội đồ bởi vì có những ham muốn. Nhưng thực tế ham muốn chỉ là ham muốn. Mọi thứ đều không có ý nghĩa gì cho đến khi bạn gán ghép ý nghĩa cho nó. Ham muốn vốn chả có tác động gì đến bạn. Chỉ khi bạn muốn thực hiện ham muốn ấy, hoặc cố gắng chống đối ham muốn ấy, vấn đề mới thực sự xuất hiện.
Bản chất ham muốn cũng chỉ là một suy nghĩ, không hơn không kém. Hãy chỉ đơn thuần là ý thức được ham muốn ấy tồn tại, và mọi nỗ lực đấu tranh với ham muốn sẽ tự dưng bị tạm dừng.
Một người có những ham muốn không phải là một người xấu hay tồi. Một người mang trong mình những ý nghĩ sở hữu hay chiếm hữu chỉ đơn giản là một con người. Đừng cố gắng gán ghép thêm bất kỳ điều gì cho chính mình.

-
Những ham muốn nói lên điều gì về tâm hồn bạn
Đây là điều quan trọng nhất bạn cần phải biết – ý nghĩa thực sự của ham muốn. Mỗi một người lại có những ham muốn khác nhau trong đời mình. Những ham muốn này thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên, nhìn chung, những ham muốn này đều nói lên một sự thật nào đó sâu thẳm trong tâm hồn bạn. Bạn sẽ cần dành thời gian để suy ngẫm xem “Vì sao mình lại mong muốn điều này?”. Một sự suy ngẫm thực sự, đào sâu vào bên trong mình.
Thực sự bạn muốn một thứ gì đó chỉ vì nó đẹp thôi sao? Hay là vì bạn muốn được khen ngợi là người có gu? Bạn muốn có tài sản là vì cần thiết? Hay là để chứng minh bản thân, để được công nhận? Hay là để có cảm giác hơn người? Hay là bạn quá cần một sự đảm bảo tài chính? Bạn muốn có cho bằng được một thứ gì đó, người nào đó để mua vui cho bản thân? Hay là để lấp đầy sự trống rỗng cho tâm hồn mình? Bạn theo đuổi một tín ngưỡng, một chân lý, sự đắc đạo vì điều gì? Vì không biết ý nghĩa cuộc đời mình? Cũng có thể là vì chẳng biết mình là ai? Hoặc là muốn được tôn sùng như một thánh nhân qua nhiều trăm năm nữa? Phải chăng là sự công nhận?
-
Ham muốn, ghen tị giúp bạn thấu hiểu chính mình
Tất cả câu trả lời sẽ giúp bạn nhận ra chính mình. Có những điều bạn vẫn chưa biết về chính mình. Có những thứ bạn đã biết nhưng luôn muốn chạy trốn, tránh né. Có những thứ bạn tưởng chừng đã biến mất, nhưng thực chất lại chôn sâu trong tâm hồn bạn, làm bạn đau nhức âm ỉ.
Ham muốn, ghen tị chỉ là những nỗ lực gần cuối cùng của tâm hồn bạn để nói với bạn rằng “Có điều gì đó không ổn bên trong mình”, “Hãy trở về với chính mình”, “Hãy chữa lành cho chính mình”. Nếu đã đi đến đây rồi, thì giờ đây là lúc bạn cần đối mặt với chính mình. Đối mặt với những tổn thương, góc tối bên trong mình. Đối mặt với những điều bạn sợ hãi, chỉ muốn chạy trốn. Đối mặt với nội tâm thực sự của mình. Để rồi cho bản thân một cơ hội được thấu hiểu và yêu thương bởi chính mình.
Đây là cơ hội tốt nhất để bản thân có thể toàn vẹn trở lại. Lấp đầy sự trống rỗng trong tâm hồn một cách đúng đắn nhất.
-
Có cần phải triệt tiêu ham muốn?
Ép bản thân không được có ham muốn liệu có phải là giải pháp? Như đã nói ở trên, ham muốn chỉ là một suy nghĩ, không hơn không kém. Miễn là chúng ta không có bất kỳ hành động gì với ham muốn ấy thì chẳng có vấn đề gì cả. Bạn không cần phải triệt tiêu ham muốn của mình. Hãy chỉ đơn giản là quan sát ham muốn ấy xuất hiện, tồn tại trong tâm trí và rồi biến mất. Chỉ như thế ham muốn mới không dẫn dắt bạn đi đâu cả. Nó không khiến bạn điên cuồng tham lam hay hoảng loạn sợ hãi.
Nếu có một thứ gì đó cần được giải quyết thì đó chính là nội tâm trống rỗng và những tổn thương của bạn. Khi tâm hồn được lấp đầy bằng tình yêu thương của bạn dành cho chính mình, và những tổn thương được chữa lành, thì những ham muốn cũng dần tự tiêu tan, ít xuất hiện hơn, và bản thân bạn cũng ít bị lôi kéo vào những ham muốn hơn.

Chẳng ai cảm thấy đủ đầy mà lại quá ham muốn chiếm hữu vật chất. Họ chẳng bao giờ mảy may ghen tị với người có vật chất hơn mình. Chẳng ai cảm thấy tràn đầy yêu thương lại ham muốn chiếm hữu toàn bộ tình cảm của người khác, và ghen tị với tình yêu của người khác. Một kẻ thấu hiểu bản thân sẽ không thèm muốn được người khác thấu hiểu.
3. Xử lý gốc rễ của tính chiếm hữu và lòng ghen tị
Tính chiếm hữu hay lòng ghen tị không phải là gốc rễ vấn đề. Đó chỉ là hoa trái, là kết quả của một gốc rễ nào đó. Dù bạn có cố gắng cắt bỏ bao nhiêu hoa trái thì chúng cũng sẽ lại xuất hiện. Việc cần làm là thay đổi gốc rễ. Bạn cần phải giải quyết những thứ nằm sâu bên trong mình.
-
Chữa lành cho những tổn thương
Càng ham muốn, càng cho thấy có một sự thiếu thốn to lớn nào đó bên trong bạn. Những tổn thương thời thơ ấu, giai đoạn vị thành niên thường là những sự thiếu hụt cảm xúc, vật chất, sự yêu thương, sự công nhận, sự ủng hộ… Nó thường được thể hiện qua những trải nghiệm bị thờ ơ, bị lạnh nhạt, bị phạt, bị đánh đập, bị bạo hành, bị bỏ rơi, bị sỉ nhục, bị trách mắng, bị xem thường… Những tổn thương này ẩn sâu bên trong bạn, và âm thầm điều khiển cuộc sống của bạn. Nó thúc đẩy bạn tìm kiếm và lấp đầy những gì đã bị thiếu khi còn nhỏ. Một cách tham lam vô cùng, chẳng bao nhiêu là đủ.
Sau khi tìm ra những tổn thương của mình, bạn cần chữa lành cho những tổn thương ấy. Khi một vết thương được chữa lành, nó sẽ không còn làm bạn đau đớn nữa. Những thiếu thốn của tuổi thơ biến mất, thay vào đó là sự đủ đầy được nuôi dưỡng trở lại. Không còn cảm thấy thiếu thì sẽ không còn ham muốn phải sở hữu, phải lấp đầy, phải tham lam. Không còn ham muốn chiếm hữu thì lòng ghen tị cũng tự nhiên biến mất. Sự lệ thuộc cũng tự động tiêu biến. Cảm xúc của bạn sẽ không lệ thuộc vào việc mình đang sở hữu những gì. Hạnh phúc của bạn tự nhiên được hình thành, thay vì phải chạy đi tìm kiếm hạnh phúc.
Đăng ký Healing 1-1 để được Vườn hỗ trợ chữa lành tốt nhất.
-
Yêu thương chính mình
Kẻ không yêu thương bản thân sẽ liên tục tự hành hạ tâm lý và thể xác của mình. Người biết yêu thương chính mình sẽ nuôi dưỡng tâm hồn bằng sự bình yên. Nhận thức được rằng “cần phải yêu thương bản thân” sẽ giúp bạn có thể ưu tiên sự bình yên của bản thân hơn tất thảy mọi thứ.
Từ một người không biết yêu thương bản thân để trở thành người tự biết yêu quý chính mình, bạn sẽ cần phải học. Học cách dịu dàng với chính mình. Học cách ăn nói tử tế với chính mình. Học cách đối xử tốt với bản thân. Học cách tôn trọng điểm mạnh, điểm yếu, sở thích, sở ghét của mình. Học cách biết ơn những gì mình đang có, đã có, và có thể sẽ có. Học cách công nhận những thành công của mình dù là nhỏ nhất. Học cách rút kinh nghiệm từ những thất bại, khó khăn trong cuộc sống. Học cách ủng hộ, động viên và khích lệ chính mình.
Xem chi tiết cách yêu thương bản thân ở đây.

Sẽ chẳng ai có thể yêu bạn nhiều hơn chính bạn. Bạn là người tuyệt vời nhất để nuôi dạy lại chính mình: vừa đủ tình yêu, bao dung, vừa đủ sự cứng rắn, nghiêm khắc. Chính điều ấy sẽ giúp bạn trở về lại trạng thái cân bằng: không thiếu thốn đến mức tham lam cũng không nuông chiều thừa thãi đến mức hư hỏng. Chỉ có tình yêu dành cho bản thân mới là sự lấp đầy thực sự cho tâm hồn bạn.
-
Xây dựng cuộc đời của riêng mình
Không khó để nhận ra rằng ham muốn có được thứ người khác đang có thực chất là đang chạy theo cuộc đời của người khác. Và cả việc theo đuổi sự công nhận, tán dương, tôn sùng của người khác cũng là chạy theo cuộc đời của người khác.
Bất kỳ ai cũng xứng đáng có được cuộc đời của riêng mình. Ở trong cuộc đời ấy, bạn được là chính bạn. Bạn được sống một cách bình yên. Bạn tìm tòi và khám phá bản thân mình. Bạn thử nghiệm, học hỏi và sáng tạo. Bạn bước đi từng bước của hành trình cuộc đời mình một cách bình yên và dễ chịu. Bạn không nặng lòng ở thất bại hay thành công, ở có được hay không có được. Bạn cảm nhận trọn vẹn từng giây phút trong cuộc đời mình, bất kể là bạn đang làm gì, ở trong trạng thái nào.
Bạn không chạy theo bất kỳ một ai cả. Không trở thành bản sao của ai đó. Không định danh mình dựa trên bất kỳ ai. Chính vì thế mà bạn chẳng hề ham muốn thứ gì của ai, cũng không ghen tị với ai.
-
Thay đổi góc nhìn về cuộc sống
Bạn biết rằng mình cần có thức ăn, nước uống, một nơi trú ẩn, nhưng bạn cũng biết rằng mình không cần chúng để thỏa mãn tâm lý. Bạn có thể có được thứ này, đạt được thứ kia trong đời mình, nhưng bạn không cần chúng để thỏa mãn tâm lý của mình.
Bạn đón nhận mọi thứ đến, và sẵn sàng để mọi thứ rời đi. Bạn không bám chấp vào sự sở hữu hay là chiếm hữu làm của riêng. Giam cầm một thứ gì đó làm của riêng mình cũng là giam cầm chính tâm hồn mình. Hãy để cho tâm hồn mình được tự do bằng cách trả tự do cho tất cả mọi thứ trong tâm trí mình. Khi không còn cố gắng nắm giữ mọi thứ trong tâm, thì cảm giác an nhiên, thư thả, tự do, tươi mới lập tức xuất hiện.
Cuộc sống không phải là hành trình sở hữu, nắm giữ được càng nhiều càng tốt. Bạn sẽ liên tục sở hữu nhiều thứ khác nhau, và cũng liên tục không còn sở hữu nhiều thứ khác nhau ấy. Hãy để mọi thứ tự nhiên theo dòng chảy của vũ trụ. Và sống một cách tự do trong dòng chảy ấy.
Kết
Chúng ta ở đây không phải để đấu tranh với chính mình, mà là để thấu hiểu chính mình. Những ham muốn của bản thân không phải là thứ gì đó để ta chiến đấu, mà là thứ để ta thấu hiểu. Chiếm hữu, ghen tị hay lệ thuộc đều là những chỉ dẫn để bạn tìm về chính mình, thấu hiểu bản thân và phục hồi sức khỏe tinh thần của mình.
Nếu bạn cần hỗ trợ trên hành trình này, hãy Đăng ký Healing 1-1 để được Vườn đồng hành và hỗ trợ tốt nhất.