khuvuonmolly@gmail.com
/
Địa chỉ :
Số điện thoại liên hệ:

Chịu trách nhiệm với cuộc sống của mình

Author Avatar

Minh Tuệ

author

Không ai có thể sống thay cuộc đời của mỗi chúng ta. Vì vậy, mỗi người cần có năng lực tự chịu trách nhiệm với tất cả những gì diễn ra trong cuộc sống của mình.

1, Chịu trách nhiệm hoàn toàn với cuộc sống của mình là gì?

Đó là khi bạn có thể đón nhận, chấp nhận một cách vô điều kiện với những gì xảy ra trong cuộc sống của mình. Bạn không phản ứng tiêu cực hay khó chịu khi những điều bất như ý diễn ra. Bạn đón nhận mọi thứ như nó đang là mà không có sự phán xét hay phân tích nào.

Chịu trách nhiệm hoàn toàn cũng có nghĩa là bạn không đổ lỗi cho bất kỳ ai. Bạn không trách móc bất cứ hoàn cảnh hay vấn đề nào. Bạn biết mọi thứ diễn ra đều bắt nguồn từ tâm thức của mình. Và mọi người, mọi tình huống, chỉ là những tác nhân giúp bạn nhìn nhận về chính mình nhiều hơn.

Vì thế nên thay vì kêu ca, phàn nàn, bạn sẽ tập trung tìm ra giải pháp. Bạn nhận ra bài học của mình trong mỗi sự việc ấy. Và không ngừng hoàn thiện bản thân mỗi ngày để trở nên tốt hơn.

chịu trách nhiệm là gì?

2, Tầm quan trọng của một lối sống có trách nhiệm

  • Giúp con người độc lập, tự chủ trong cuộc sống cá nhân

Một người có thể tự chịu trách nhiệm với chính mình thì người ấy cũng sẽ trở nên độc lập và tự chủ trong đời sống cá nhân. Họ có xu hướng tự mình giải quyết những vấn đề và rắc rối hơn là dựa dẫm vào ai đó. Họ cũng có thể vượt qua những thách thức, chông gai mà không nhất thiết phải phụ thuộc vào người khác. Đối với họ, những vấn đề diễn ra trong cuộc sống chỉ khiến họ thêm mạnh mẽ và bản lĩnh hơn mà thôi. Bởi khi chúng ta có thể hóa giải được một sự trở ngại tức là chúng ta đã phát triển hơn, hoàn thiện hơn.

Người nào càng có tinh thần chịu trách nhiệm thì kỹ năng độc lập trong đời sống sẽ càng được nuôi dưỡng và rèn luyện. Bởi thông qua những lần đón nhận và chấp nhận hoàn toàn như vậy, con người ta sẽ ngày càng trở nên vững vàng hơn. Không những vậy, họ còn trở nên tin tưởng hơn về chính mình, về những sự lựa chọn và hành trình phía trước.

Xêm thêm: Tính độc lập là gì? Làm sao để trở thành một người độc lập?

  • Giúp con người hạn chế những tư duy tiêu cực

Một lối sống chịu trách nhiệm với chính mình sẽ giúp chúng ta hạn chế và loại bỏ được tư duy nạn nhân. Chúng ta không còn chỉ biết trách cứ, đổ lỗi cho một ai đó. Chúng ta cũng sẽ không tự cho mình là nạn nhân trong câu chuyện của bản thân. Không “gán ghép” mọi tội lỗi cho người khác. Không tự dằn vặt và khổ đau rồi sau đó bắt họ chịu trách nhiệm nữa.

Bên cạnh đó, vì hiểu được mọi vấn đề do đâu mà có, nên chúng ta sẽ bớt đi sự phàn nàn và kêu ca. Không tụ họp để nói xấu sau lưng người khác. Không “than thân, trách phận”. Không nhìn mọi thứ bằng cặp mắt đầy tiêu cực. Không coi mình là kẻ bất hạnh hay kém may mắn. Chỉ tập trung cho chính mình để bản thân và cuộc sống trở nên tốt hơn, trọn vẹn hơn.

sống tích cực

  • Giúp con người không ngừng phát triển và hoàn thiện

Những người có thể chịu trách nhiệm hoàn toàn với cuộc sống cá nhân đều hiểu rằng: mọi thứ xuất phát từ họ. Không có gì xảy ra là ngẫu nhiên hay tình cờ. Cũng không có ai tự nhiên muốn mang lại khổ đau hay tổn thương cho chúng ta. Tất cả đều xuất phát từ những hạt giống mà chúng ta từng gieo tạo. Một người luôn nghĩ điều lành, nói điều lành và làm điều lành. Thì người ấy sẽ có những kết quả tốt đẹp. Ngược lại, những người đã từng gieo trồng hạt giống bất thiện, thì sớm muộn gì họ cũng sẽ nhận lấy những hệ quả do chính bản thân họ tạo ra trước đó.

Và khi biết được sự vận hành như vậy của đời sống, con người ta sẽ trở nên có trách nhiệm hơn với từng suy nghĩ, lời nói và hành động của mình. Không ngừng học tập và rèn luyện để bản thân trở nên hoàn thiện hơn. Hướng đến những điều giá trị, tốt đẹp và ý nghĩa trong cuộc sống này.

  • Giúp con người rèn luyện sự tự tin và vững vàng

Thông qua lối sống chịu trách nhiệm, con người ta sẽ ngày càng trở nên tự tin và bản lĩnh hơn. Sau mỗi lần chấp nhận và vượt qua những thách thức, họ sẽ tin tưởng vào bản thân nhiều hơn. Tin vào sức mạnh và khả năng của chính mình. Tin vào năng lực vượt khó và giải quyết vấn đề của bản thân. Họ tin tưởng vào hành trình mà mình đang bước đi. Và cũng vững tin vào những sự chọn lựa và quyết định mà mình đã đưa ra.

Không những thế, việc chịu trách nhiệm với đời sống cá nhân còn giúp chúng ta trở nên vững vàng hơn.

Gạo đem vào giã bao đau đớn. Gạo giã xong rồi, trắng tựa bông.

Gian lao, thử thách chính là một môi trường tuyệt vời để tôi luyện ý chí và sự vững vàng của con người. Trải qua những năm tháng tăm tối, tồi tệ. Trải qua những lần “vượt lên chính mình”, chúng ta ngày càng trở nên bền sức và bền chí. Sức mạnh bên trong được nuôi dưỡng và phát triển. Sẵn sàng đương đầu, đối diện với mọi thách thức. Thong dong, tự tai vững bước trên hành trình của bản thân.

3, Điều gì sẽ xảy ra với một người thiếu trách nhiệm với chính mình

  • Hình thành tâm lý nạn nhân

tâm lý nạn nhân

Một người không có lối sống chịu trách nhiệm sẽ rất dễ tạo cho mình tâm lý nạn nhân. Đóng vai một người bị hại, đổ lỗi cho một ai đó lúc nào cũng khiến họ trở nên dễ chịu hơn. Họ cảm thấy mình thật bất hạnh và đáng thương. Chính vì vậy, họ rất mong muốn nhận được sự thương cảm từ những người khác. Họ luôn tìm một ai đó, một nguyên nhân nào đó để đổ lỗi, trách móc. Và chưa bao giờ những người ấy biết nhìn nhận lại chính bản thân mình.

Tâm lý nạn nhân sẽ khiến con người ta ngày càng chất chứa thêm những cảm xúc tiêu cực. Cuộc sống thật mệt mỏi và đầy vấn đề đối với những người mang tâm lý này. Cái tôi của họ được vuốt ve và an ủi khi đổ lỗi cho một đối tượng khác. Còn họ thì luôn đóng vai kẻ yếu, cần được bảo vệ, che chở và giúp đỡ.

  • Tạo thói quen phụ thuộc, dựa dẫm vào người khác

Nếu thiếu đi sự chịu trách nhiệm với chính cuộc sống của mình, chúng ta sẽ có xu hướng muốn dựa dẫm và bị lệ thuộc vào những điều kiện bên ngoài. Không tự mình đối diện và chấp nhận với mọi thứ diễn ra. Luôn cần ai đó phải chú ý đến mình, quan tâm và ở bên cạnh mình. Không học cách xử lý vấn đề và tập trung vào những giải pháp mà luôn khiến mọi thứ trở nên phức tạp, nghiêm trọng hơn.

Lâu dần, việc thiếu đi tinh thần trách nhiệm sẽ khiến chúng ta trở nên mềm yếu và tiêu cực. Vì đã quen phụ thuộc và dựa dẫm vào bên ngoài nên bản thân trở nên trì trệ, ù lì. Cảm xúc bắt đầu bị dẫn dắt bởi những điều kiện ngoại cảnh. Khi mọi chuyện suôn sẻ thì vui mừng, phấn khởi. Còn đối với những sự việc không như ý thì khó chịu và bất mãn.

  • Sống buông thả bản thân

buông thả bản thân

Đây là một hệ quả vô cùng nghiêm trọng nếu chúng ta không học cách chịu trách nhiệm với cuộc sống của mình. Chúng ta dường như phó mặc mọi thứ cho một vận mệnh nào đó đã định sẵn. Khi những vấn đề xuất hiện, những biến cố diễn ra chúng ta lại đổ lỗi cho số phận. Không chịu nhìn nhận lại bản thân. Không thấy ra những sai lầm và thiếu sót của mình. Tiếp tục làm mọi thứ bằng bản năng và bị bản ngã chi phối. Để rồi xa đà vào một cuộc sống tiêu cực, đắm chìm trong những “thói hư tật xấu”.

Bên cạnh đó, những người thiếu trách nhiệm thường có thái độ sống bất cần. Mặc kệ mọi người xung quanh như thế nào, họ vẫn cứ tiếp tục buông thả bản thân. Không cần cố gắng, nỗ lực. Không có những định hướng và mục tiêu. Cuộc đời muốn đưa đẩy họ đi đến đâu cũng được. Còn họ thì sống thụ động với những phút giây nhàm chán.

4, Cần làm gì để trở thành một người dám chịu trách nhiệm với cuộc sống của mình?

  • Hiểu rõ rằng: Bạn mới là người sống cuộc đời của mình

Đây là tư duy căn bản đầu tiên để bạn bắt đầu học cách chịu trách nhiệm hoàn toàn với bản thân. Không có ai có thể sống thay cuộc đời của bạn. Bất kể người đó là cha mẹ, chồng vợ hay con cái. Chính bạn mới là người trải nghiệm mọi khoảnh khắc trong cuộc sống của mình. Mọi sự vui buồn, sướng khổ, bạn đều là người cảm nhận và đi qua. Và dù những người bên cạnh có yêu thương bạn đến mức nào, thì họ cũng không thể thay bạn trải nghiệm từng giây phút được.

Chính vì vậy, hãy luôn ý thức về một cuộc đời của riêng mình mà bạn mong muốn trải nghiệm. Đằng nào cũng phải trải qua 24h một ngày. Hãy lựa chọn niềm vui, niềm hạnh phúc và những điều tích cực nhất. Dù gì cũng sẽ có một cuộc đời để sống. Hãy sống yêu thương, có giá trị và ý nghĩa.

Mỗi một buổi sáng thức dậy, bạn hãy tự nói với chính mình những điều tích cực. Hãy hướng năng lượng và cuộc sống của mình đến những thứ tốt đẹp và tuyệt vời nhất. Bạn có quyền quyết định, chọn lựa mọi thứ cho bản thân. Và bạn luôn xứng đáng với tự do, hạnh phúc và thành tựu trong cuộc đời này.

sống hạnh phúc

  • Học cách đón nhận và không phản ứng

Một người có thể chịu trách nhiệm hoàn toàn với cuộc sống của mình là người biết cách đón nhận tất cả mọi thứ diễn ra, dù đó là những điều tiêu cực hay tích cực. Bởi những thứ đang xảy ra là nó cần phải xảy ra như thế. Chúng ta có khó chịu hay phản ứng lại thì cũng không thay đổi được. Ngược lại, chúng ta còn chất chứa thêm những phiền não vào bên trong tâm thức của mình.

Mỗi khi đối diện với một sự kiện không như mong muốn, hãy chấp nhận nó một cách vô điều kiện. Nếu có những cảm xúc tiêu cực chen vào, hãy buông tất cả xuống. Bạn có thể hít thở 3 – 5 hơi thở sâu để cân bằng lại nội tâm và cơ thể của mình. Sau đó, hãy cho bản thân những khoảng lặng để nghỉ ngơi, thư giãn trước khi đưa ra một quyết định nào đó. Việc đón nhận và không phản ứng như vậy sẽ giúp bạn có được sự bình tĩnh và sáng suốt để xử lý những vấn đề.

Xem thêm: Cách để làm chủ cảm xúc?

  • Thực hành không phán xét

Khi một hoàn cảnh nào đó diễn ra, nếu bên trong bạn khởi lên những suy nghĩ và cảm xúc, thì có nghĩa rằng, bạn đang chưa chịu trách nhiệm hoàn toàn. Bạn vẫn chưa đón nhận mọi thứ như nó đang là. Bạn phán xét và bất mãn về điều đang xảy ra. Bạn trách móc và gán những tội lỗi cho người khác.

Bắt đầu một ngày mới, bạn hãy nói với chính mình: Ngày hôm nay tôi sẽ thực hành không phán xét. Tôi sẽ chấp nhận mọi sự việc, hoàn cảnh, con người như nó đang là. Tôi sẽ đón nhận mọi thứ một cách vô điều kiện.

Để có thể thực hành không phán xét, bạn cần quan sát thân, tâm của mình nhiều hơn. Khi đối diện với một điều bất như ý, tâm bạn bắt đầu khó chịu. Cơ thể bắt đầu căng cứng, tim đập nhanh hay đổ mồ hôi. Tâm trí sẽ khởi lên rất nhiều những suy nghĩ xung quanh vấn đề đó. Lúc này, bạn có thể viết ra những suy nghĩ của mình. Rồi thực hành thiền tập để cân bằng lại mọi thứ. Sau đó, bạn hãy quay trở lại hoạt động của mình một cách bình thường.

Xem thêm: Khởi đầu tập luyện quán niệm hơi thở

Xem thêm: Viết nhật ký để chữa lành là gì? Vì sao nên viết nhật ký để chữa lành?

  • Dám đối diện và sửa đổi sai lầm của bản thân

đối diện với những sai lầm

Người dám chịu trách nhiệm với chính mình là người có thể đối diện và sửa đổi những thiếu sót của bản thân. Phạm sai lầm không phải là một điều xấu xa hay đáng xấu hổ. Ai trong cuộc đời cũng sẽ có nhiều lần mắc sai lầm. Điều quan trọng là, chúng ta nhận ra thiếu sót của mình. Nhìn nhận lại bản thân một cách nghiêm túc. Rút ra bài học từ những lần sai phạm đó. Tìm cách để không lặp lại lỗi lầm trong tương lai. Tập trung hoàn thiện và phát triển chính mình nhiều hơn.

Tuy nhiên, đừng để những sai lầm khiến bạn dằn vặt và trách móc bản thân. Hãy học cách buông xuống mọi suy nghĩ và cảm xúc về những chuyện đã qua. Tha thứ cho chính mình. Yêu thương, kết nối với bản thân. Và hướng cuộc sống tới những điều giá trị, tốt đẹp nhất.

Xem thêm: Học cách tha thứ cho chính mình

  • Ngưng đổ lỗi và trách móc

Học cách ngưng đổ lỗi và trách móc người khác chính là bạn đang từng bước trở thành một người có trách nhiệm với chính mình. Việc nhìn nhận và “gán ghép” lỗi lầm cho một ai đó chẳng những khiến bạn tạo thêm cảm xúc tiêu cực mà còn làm bạn trở nên mềm yếu hơn.

Mọi hoàn cảnh diễn ra đều không phải ngẫu nhiên hay tình cờ. Nó đều là sự phản ánh và biểu hiện cho thế giới tâm thức của bạn. Nó đều là kết quả cho những hạt giống mà bạn đã từng gieo tạo trước đây. Những hạt giống ấy chính là suy nghĩ, cảm xúc, lời nói, hành vi của bạn trong cuộc sống này. Và những con người mà bạn đang đổ lỗi và trách móc cũng chỉ là những tác nhân giúp bạn nhìn nhận ra chính mình mà thôi. Họ giống như những vai diễn giúp bạn hoàn thành bộ phim cuộc đời của mình.

Ngưng đổ lỗi

Khi hiểu được những điều này, bạn sẽ có thể chịu trách nhiệm hoàn toàn với mọi thứ diễn ra với mình. Thay vì đổ tại cho một ai đó, bạn biết ơn vì sự xuất hiện của họ đã cho bạn những bài học vô cùng quý giá. Để bạn có một cuộc hành trình thật ý nghĩa và trọn vẹn.

  • Cải thiện bản thân mỗi ngày

Người biết chịu trách nhiệm với cuộc đời của mình là người luôn hoàn thiện và phát triển bản thân mỗi ngày. Bởi sự tăng trưởng của bản thân sẽ đưa chúng ta đến với những điều tốt đẹp. Nó giúp chúng ta có thể chạm vào những mơ ước và cuộc sống mà mình hằng ao ước.

Chúng ta có thể cải thiện bản thân bằng rất nhiều cách khác nhau. Có thể là đọc sách hay tham gia các lớp học cần thiết. Bổ sung thêm những kỹ năng hay một ngôn ngữ mới. Tăng cường sức khỏe thể chất bằng việc vận động mỗi ngày. Nuôi dưỡng tâm hồn bằng những bài viết và video chữa lành. Phát triển trí tuệ bằng việc dành cho mình những khoảng thời gian một mình và tĩnh lặng.

Lời kết

Mỗi người cần chịu trách nhiệm với cuộc sống của chính mình, với những gì xảy ra với mình. Không đổ lỗi, trách móc hay than vãn. Tập trung hoàn thiện và phát triển bản thân nhiều hơn. Có như vậy thì cuộc sống của chúng ta mới có thể mỗi ngày một tốt đẹp hơn.

Chúc bạn luôn vững vàng trên chính đôi chân của mình!

Đăng ký Healing 1-1

Tâm sự, chia sẻ, và nhận những giải đáp để hỗ trợ bình yên trong tâm hồn, chữa lành những tổn thương và sống cho giây phút hiện tại.

Đăng ký ngay