khuvuonmolly@gmail.com
/
Địa chỉ :
Số điện thoại liên hệ:

Chủ nghĩa hoàn hảo có thật sự khiến bạn “hoàn hảo”?

Author Avatar

Mie

author

Theo các nhà nghiên cứu, việc đặt tiêu chuẩn cao trong cuộc sống là điều nên làm. Nhưng viễn tưởng về một kết quả không tì vết lại khiến bạn chẳng đạt được điều gì. Thậm chí, chúng còn có thể gây hại cho bạn. Vậy liệu chủ nghĩa hoàn hảo có hoàn hảo không?

I. Chủ nghĩa hoàn hảo là gì?

Theo thuật ngữ cơ bản, chủ nghĩa hoàn hảo là sự hoàn mỹ về mọi khía cạnh của con người. Có nghĩa là hoàn hảo từ thế giới nội tâm bên trong cho đến cuộc sống bên ngoài. Người theo chủ nghĩa hoàn hảo có mong muốn hướng tới những tiêu chuẩn cực kỳ cao do họ đặt ra. Họ có khao khát đạt được những tiêu chuẩn đó với mong muốn trở nên thật hoàn hảo. Chủ nghĩa hoàn hảo có thể được xem là một xu hướng tính cách hay một hệ tư duy của con người.

chủ nghĩa hoàn hảo

II. Các kiểu chủ nghĩa hoàn hảo thường gặp

Không phải kiểu hoàn hảo nào cũng giống nhau. Sự khác nhau giữa chúng nằm ở tiêu chuẩn và sự nhận thức của con người về sự hoàn hảo. Theo bạn, bạn nghĩ rằng có những chủ nghĩa hoàn hảo nào?

1. Chủ nghĩa hoàn hảo tự định hướng

Một số người cầu toàn tự đặt ra cho họ những tiêu chuẩn cao tới không tưởng. Họ đặt ra mình phải đạt điểm tuyệt đối, đạt giải nhất trong cuộc thi hay hoàn thành công việc gấp đôi mọi người. Những tiêu chuẩn này xuất phát từ mong muốn cá nhân và góc nhìn phiến diện. Chúng sẽ không sai nếu như bản thân biết tự điều chỉnh mong muốn sao cho phù hợp với năng lực và hoàn cảnh.

Và tất nhiên, hầu hết người có chủ nghĩa hoàn hảo tự định hướng thường thất bại hoặc sụp đổ sau đó. Nguyên nhân là vì ước muốn không tương xứng với khả năng và điều kiện. Và những người này thường không buông bỏ được thất bại. Họ dằn vặt hay tự trách bản thân vì những chuyện mình không làm được. Càng hoàn hảo thì con người càng không muốn thất bại.

2. Chủ nghĩa hoàn hảo kỳ vọng người khác

Đây là kiểu hoàn hảo không áp dụng lên bản thân mà là lên người khác. Một số người kỳ vọng những người xung quanh họ phải tuân theo những tiêu chuẩn cực kỳ cao. Cha mẹ đặt kỳ vọng vào con cái phải thành công, thầy cô đặt kỳ vọng học sinh được điểm cao. Hay thậm chí chúng ta kỳ vọng người bạn đời phải hoàn hảo. 

Một lần nữa, điều này không có gì sai nếu họ chỉ sử dụng các tiêu chuẩn ấy để động viên mọi người làm tốt hơn. Và chỉ nên dừng lại ở mong muốn cá nhân. Tuy nhiên, thực tế họ không như vậy. Họ có hệ tiêu chuẩn quá cao đến mức không tưởng. Và không ai có thể đáp ứng được. Sự kỳ vọng hoàn hảo tuyệt đối với người khác vốn là không đúng. Và bắt người khác phải làm theo sự hoàn hảo của mình thì càng không nên.

Chủ nghĩa hoàn hảo kỳ vọng người khác

3. Chủ nghĩa hoàn hảo định hướng xã hội

Kiểu hoàn hảo này ngược lại so với 2 kiểu trên. Những người thuộc kiểu này luôn nghĩ rằng người khác áp đặt cho họ những tiêu chuẩn cao ngoài sức tưởng tượng. Những người này thường có tâm lý bất ổn. Họ luôn mặc định trong đầu mình cần phải theo những lề lối xã hội đặt ra. Mình không được đi chơi quá 10h đêm, không được mặc váy quá ngắn. Hay con gái thì phải đủ “công, dung, ngôn, hạnh” và tuân theo “tam tòng tứ đức”. Con trai thì phải thành công, có nhà 3 tầng xe 4 bánh.

Vì có lối tư duy hoàn hảo lệch lạc nên những người này không tự đưa ra được quyết định cho bản thân. Họ lo sợ xã hội sẽ phê phán hay đánh giá hành động hoặc suy nghĩ của họ. Giọng nói trong đầu họ không phán xét bản thân, mà nói với họ rằng ai cũng đang soi mói họ. Vì họ không đáp ứng được những tiêu chuẩn xã hội kỳ vọng.

III. Chủ nghĩa hoàn hảo là tích cực hay độc hại?

1. Khía cạnh tích cực

Ở góc độ khích lệ, chủ nghĩa này trở thành yếu tố thúc đẩy bạn đạt được mục tiêu, khai phá tài năng ẩn giấu của bạn. Rèn luyện khả năng hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất hay cố gắng nỗ lực cho ước mơ của mình. Không có gì sai khi đặt ra ước mơ to lớn cả. Vì không ai đánh thuế giấc mơ của bạn. Những người sử dụng chủ nghĩa hoàn hảo theo hướng tích cực thường tập trung và định hướng bản thân nhiều hơn. 

2. Khía cạnh tiêu cực

Tuy nhiên, những người quá cầu toàn cầu toàn và quá ưa thích sự hoàn hảo thường gặp các vấn đề tiêu cực nhiều hơn.

  • Đánh giá tiêu cực bản thân

Đặc điểm của việc này là đưa ra những tiêu chuẩn quá cao, cứng nhắc và khó thực hiện. Những điều lý tưởng này sẽ dễ đặt bạn vào thất bại, thất vọng và đánh giá tiêu cực về bản thân. Họ còn thường phê bình hay trách móc bản thân “Sao không đạt được thành tích xuất sắc?”, “Sao không cố gắng thêm một tí để đạt được thưởng tháng này?”.

chủ nghĩa hoàn hảo làm bạn đánh giá thấp bản thân

‌Bạn là một người cầu toàn, bạn tự đặt ra nhiều áp lực cho bản thân. Hoặc bạn nhận thấy áp lực từ những người trong cuộc sống hoặc xã hội của bạn. Tất cả những điều này có thể gây ra rất nhiều căng thẳng. Trong những tình huống căng thẳng cao độ, bạn có thể dễ gặp phải các vấn đề khác. ‌Bạn thường hay so sánh mình với người khác. Những so sánh không lành mạnh như điểm số trên trường, hiệu suất công việc hoặc so sánh bạn đời với người khác khiến bạn không thể sống trọn vẹn trong cuộc sống.

  • Giảm năng suất công việc

Một trong những hệ quả tiếp theo của chủ nghĩa hoàn hảo là sự trì hoãn. Bạn có thể nghĩ rằng bởi vì những người theo chủ nghĩa hoàn hảo cần mọi thứ có tổ chức và theo một cách nhất định. Trong khi bản thân họ luôn phải làm việc quá sức những kiểu suy nghĩ này sẽ dẫn đến giảm năng suất làm việc. Điều đó lại gây ra nhiều căng thẳng và dễ bị tổn thương hơn. ‌

Chẳng hạn khi bạn‌ là một người cầu toàn, bạn có thể là một kiểu người “có tất cả hoặc không có gì”. Mình chỉ làm nếu như mình có thể hoàn thành nó một cách hoàn hảo nhất. Còn nếu không mình sẽ không làm. Chính điều này gây giảm năng suất trong học tập và công việc. Bạn không cố gắng hết mình trong mọi việc hoặc cố gắng quá mức dẫn đến stress và tổn hại tinh thần.

  • Trở thành kẻ khó ưa

Đây là hệ quả của việc kỳ vọng người khác phải hoàn hảo. Ví dụ điển hình của trường hợp này là ông sếp quản lý luôn chì chiết nhân viên vì làm hỏng mọi việc. Bà mẹ luôn xét nét điểm số của con cái hay anh bạn trai luôn bắt cô người yêu không được mặc váy khi đi chơi. Những tiêu chuẩn bạn áp đặt lên họ vô tình sẽ khiến họ bị tổn thương hay áp lực. Họ sẽ không cảm nhận được lòng tốt của bạn mà chỉ thấy bạn là kẻ khắt khe, luôn bắt bẻ hay sai khiến họ.

Dần dần, họ sẽ thấy bạn là kẻ đáng ghét. Bạn không quan tâm đến cảm xúc của họ và luôn nói rằng “Tôi chỉ muốn tốt cho bạn”. Các mối quan hệ cũng vì thế mà xa cách, rạn nứt và rồi đổ vỡ. Cha mẹ xa cách con cái hay những cặp đôi chia tay chỉ vì sự áp đặt lên nhau. Những áp đặt quá đáng tạo nên những đổ vỡ không đáng có.

  • Các bệnh lý về tâm thần

tác động tiêu cực

Thất bại vì không đạt được kỳ vọng của bản thân sẽ dẫn đến những hệ quả tâm lý đáng lo ngại. Hay không đạt được kỳ vọng của xã hội cũng vậy. Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng những người theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo có thể có nguy cơ mắc những bệnh lý như trầm cảm, rối loạn lo âu hay thậm chí là tự sát. Trên thực tế, hoàn hảo mù quáng có thể gây ra triệu chứng sợ hãi kéo dài. Điểm mù ở đây là họ không nhận ra mình đang có xu hướng cầu toàn quá mức. Những niềm tin mù quáng và sự nghi ngờ bản thân có thể góp phần vào các hành vi trốn tránh, tạo nên sự cô đơn và cô lập. Điều này trở nên nguy hiểm khi những người này không thức tỉnh đúng lúc.

Phấn đấu cho sự vĩ đại, cho chất lượng cao và cho sự hoàn hảo luôn là điều nên làm. Nhưng bạn cũng cần hiểu rằng, viễn cảnh lý tưởng bạn đang hình dung trong đầu về cách mọi thứ vận hành không phải sự hoàn hảo. Hãy phấn đấu một cách thoải mái đến khi đạt mục tiêu. Đừng áp đặt sự hoàn hảo lên người mình. Bạn vẫn có thể trọn vẹn, đủ đầy, hạnh phúc mà không cần phải cầu toàn quá mức.

>> Cách loại bỏ chủ nghĩa hoàn hảo

Đăng ký Healing 1-1

Tâm sự, chia sẻ, và nhận những giải đáp để hỗ trợ bình yên trong tâm hồn, chữa lành những tổn thương và sống cho giây phút hiện tại.

Đăng ký ngay