khuvuonmolly@gmail.com
/
Địa chỉ :
Số điện thoại liên hệ:

Dấu hiệu của thiếu hụt cảm xúc thời thơ ấu

Author Avatar

CELLO

author

Thiếu hụt cảm xúc thời thơ ấu là gì?

Như tên gọi của nó, cảm xúc của một con người khi ở thời thơ ấu, bằng cách nào đó, đã biến mất đi một hoặc nhiều phần. Trẻ em luôn có nhiều cảm xúc, những cảm xúc thuần khiết. Nhưng người lớn đã thờ ơ những cảm xúc ấy, và dạy chúng rằng cảm xúc của chúng là không quan trọng. “Chuyện đó chẳng có gì quan trọng.” “Mẹ đang bận.” “Có thế thôi mà cũng khóc.” “Con phải nhường em.” Và có vô số lần cha mẹ đã không thèm nói một lời nào khi con mình buồn, thất vọng, tức giận… Những sự kiện này làm đứa trẻ tin rằng cảm xúc của mình là thừa thãi và vô nghĩa. Chúng nên tìm kiếm gì đó khác mà làm, và đừng làm quá mọi thứ lên.

Những đứa trẻ bị thờ ơ về mặt cảm xúc vẫn sẽ lớn lên. Chúng lớn lên với những biểu hiện khác nhau của sự thiếu hụt cảm xúc thời thơ ấu. Nhìn chung, những người lớn này luôn tự dặn lòng mình “chẳng có gì to tát”, vì thế họ luôn thờ ơ chính mình, như cách cha mẹ họ đã làm với họ.

Ở cấp độ nhẹ, họ sẽ hay lảng tránh cảm xúc của chính mình và tìm kiếm việc gì đó để làm, để quên đi cảm xúc của mình. Ở cấp độ nặng, họ trở thành những kẻ tê liệt cảm xúc, và không hiểu giá trị sống. Họ liên tục tìm kiếm giá trị cuộc sống, nhưng lại chẳng cảm nhận được gì. Điều ấy có thể khiến họ bế tắc và có ý muốn tự sát, dù rằng bề ngoài cuộc sống của họ vẫn ổn.

dấu hiệu của thiếu hụt cảm xúc thời thơ ấu

Các dấu hiệu của thiếu hụt cảm xúc thời thơ ấu.

1. Cảm giác trống rỗng

Bạn có thể cảm thấy trống rỗng bên trong tâm hồn mình. Bạn cảm thấy thiếu thốn thứ gì đó chẳng thể gọi tên. Và cái cảm giác bạn đang phải trải qua thật khó chịu. Bạn cảm thấy mình tách biệt với tất cả những người khác. Dù là đi chơi, đi ăn cùng bạn bè, dù là một dịp vui vẻ, bạn cũng không thể tận hưởng. Bạn cảm thấy những sự vui chơi này không làm tâm hồn bạn bớt trống rỗng.

Bạn có thể tìm kiếm nhiều trải nghiệm cuộc sống với hi vọng lấp đầy tâm hồn mình. Một vài người lựa chọn những môn thể thao mạo hiểm để tim đập nhanh hơn, gia tăng cảm giác sợ hãi, hồi hộp. Một số khác chọn cách yêu đương xa đọa để kích thích bản thân. Chìm đắm trong những bộ phim cũng là cách để con người ta tạm có được chút cảm giác trong cuộc sống. Những thú vui này giúp bạn cảm thấy thỏa mãn trong thời gian ngắn, rồi lại biến mất.

Bạn liên tục tự hỏi rốt cuộc thì mình đang thiếu thứ gì. “Rốt cuộc thì tại sao mình lại trống rỗng như vậy?”

Một số người trong trường hợp này có thể đi đến lựa chọn cực đoan. Họ chọn cái chết không phải vì cảm thấy quá nhiều (như những người suy nghĩ quá mức hay quá nhạy cảm), mà là bởi vì họ không cảm thấy gì cả. Họ không thể cho đi, cũng không thể nhận lại bất kỳ thứ gì. Một số người có thể có cảm giác như mình đang đứng ngoài, nhìn vào cuộc đời của mình. Họ chẳng hòa nhập vào đâu, kể cả là chính họ. Họ bị tê liệt cảm xúc, không thể cảm nhận được gì.

2. Cảm giác phản phụ thuộc

Những người độc lập là những người không cần phụ thuộc vào ai, nhưng khi cần giúp đỡ họ vẫn sẽ luôn sẵn sàng lên tiếng. Những người phản thụ thuộc lại khác hoàn toàn, họ cố gắng hết mức để không phải nhờ vả bất kỳ ai.

Bạn luôn chọn làm mọi việc một mình. Cả khi rơi vào bế tắc, bạn cũng không thể mở miệng nhờ vả người khác. Yêu cầu được giúp đỡ là một việc vô cùng khó khăn đối với bạn. Bạn thà làm một mình rồi kiệt sức còn hơn là nhờ bất kỳ ai.

Ngoài ra, bạn còn cố gắng để không phát sinh tình cảm với người khác (vì tình yêu cần hai phía, bạn sẽ cảm thấy mình phụ thuộc vào đối phương để có một mối quan hệ tình yêu). Bạn cũng tránh né những mối quan hệ khác, hạn chế sự thân thiết tới mức tối đa. Chính vì thế bạn không có kết nối tình cảm với người khác. Với vợ/chồng và con cái bạn cũng chỉ làm tròn bổn phận, mà không có nhiều liên hệ tình cảm. Những người trong gia đình luôn cảm thấy bạn thật xa cách, và xa lạ.

Bạn sợ bất kỳ sự phụ thuộc nào của mình vào người khác, và cũng sợ người khác phụ thuộc vào mình. Bạn luôn một mình và không kết nối với bất kỳ ai. Bạn trở nên cô đơn tột cùng.

3. Tự đánh giá bản thân theo cách sai lệch

Khi được yêu cầu mô tả về bản thân, bạn sẽ dùng những từ ngữ gì? Nếu bạn là một người thiếu hụt cảm xúc thời thơ ấu thì chắc hẳn bạn sẽ dùng nhiều từ tiêu cực để nói về chính mình hơn là những từ ngữ tích cực. Bạn phóng đại điểm yếu của bản thân, và hạ thấp điểm mạnh của mình. Bạn chỉ tập trung vào những gì tồi tệ, và xem thường những gì tốt đẹp. Đứng trước thử thách, bạn chọn bỏ cuộc, thay vì đối mặt và xử lý chúng. Vì thế mà nếu có ước mơ gì, bạn cũng không thể theo đuổi và hoàn thành được. Bạn là những kẻ mong manh và vô cùng dễ vỡ.

Bạn có thể không quá tiêu cực về bản thân, nhưng cũng không thể có cái nhìn đúng về chính mình. Bạn không thể nhận biết được mình giỏi ở đâu, đam mê của mình là gì. Sở thích và mối quan tâm cá nhân cũng không rõ ràng. Bạn cũng chẳng biết mình hợp hay không hợp với thứ gì. Vì thế bạn luôn cảm thấy lạc lõng, bơ vơ một cách khó hiểu. Bạn không chắc mình là người như thế nào, và cũng không chắc người khác nghĩ gì về mình.

Dấu hiệu dễ biết cho việc đánh giá sai lệch bản thân là những gì người khác nói về bạn khác rất nhiều những gì bạn nghĩ về chính mình.

4. Không có lòng trắc ẩn dành cho bản thân

Bạn có thể có hoặc không có lòng trắc ẩn dành cho người khác, nhưng chắc chắn là không có lòng trắc ẩn dành cho bản thân mình. Bạn luôn phán xét chính mình. Bạn vô cùng cầu toàn ở bản thân. Bạn đề ra những mục tiêu cao, và nếu không đạt được bạn sẽ vô cùng thất vọng ở bản thân. Bất kỳ lỗi sai nào của bản thân, dù lớn hay nhỏ, cũng đều không thể chấp nhận được và không thể tha thứ. Bạn sẵn sàng la mắng và trừng phạt chính mình, vì tin rằng điều đó sẽ giúp bạn không phạm phải sai lầm thêm lần nào nữa.

Bạn là kẻ quản giáo của chính mình. Vô cùng hà khắc, lạnh lùng và tuyệt tình. Bạn không bao giờ thương cảm hay xót xa cho chính mình. Không bao giờ thấu hiểu và vỗ về chính mình.

Nhiều người luôn giàu lòng trắc ẩn cho người khác nhưng lại vô cùng tàn nhẫn với bản thân. Họ dễ dàng tha thứ cho người khác, nhưng không thể tha thứ cho chính mình. Họ hiểu cái khó của người khác, nhưng không thể hiểu điều đó ở bản thân. Thật lố bịch khi ta bao dung với cả thế giới nhưng không thể bao dung cho chính mình.

thiếu hụt cảm xúc thời thơ ấu

5. Cảm giác tội lỗi và xấu hổ: Tôi bị làm sao vậy?

Cảm xúc vốn là một điều bình thường. Nhưng bạn lại cảm thấy rằng có cảm xúc là một điều đáng xấu hổ. Bạn liên tục chất vấn mình “Tôi bị làm sao vậy?” mỗi khi có những cảm xúc trào dâng trong mình. Dù cho là tức giận, lo lắng, buồn bã hay là vui mừng, hạnh phúc, bạn đều cảm thấy kỳ cục, tội lỗi và tự trách bản thân vì đã có những cảm xúc ấy. Bạn luôn che giấu cảm xúc của mình với người khác. Hoặc tệ hơn là họ luôn ép bản thân không được có cảm xúc.

Việc che giấu cảm xúc và ép bản thân không có cảm xúc dần khiến bạn trở nên tê liệt cảm xúc. Bạn cảm thấy mình thật khác với mọi người. Và bạn cũng cho rằng chẳng có lý do gì để hạnh phúc trong cuộc đời mình.

6. Tự tức giận, tự trách móc bản thân

Chắc chắn những người không có lòng trắc ẩn dành cho bản thân sẽ luôn nổi giận, trách móc bản thân vì những lỗi lầm, hoặc vì không đạt được mục tiêu. Và cả những người cảm thấy xấu hổ về cảm xúc của mình cũng sẽ tức giận với bản thân vì có cảm xúc. Nhìn chung những người bị thiếu hụt cảm xúc thời thơ ấu sẽ luôn tự trách móc chính mình.

Nhiều người khi nhìn lại tuổi thơ, họ thấy mình đã “hạnh phúc”, nên họ không thể hiểu được vì sao mình lại trống rỗng và luôn thiếu thứ gì đó như thế này. Họ tự đổ lỗi cho chính mình là không biết đủ, là đồ tồi, là kẻ vô ơn. Rồi họ lại tự tức giận và trách móc vì sao mình lại ở trong trạng thái này, đáng lẽ mình phải như bao người, phải hạnh phúc và biết ơn với những gì mình đã có chứ.

7. Điểm yếu chí mạng: “Khi mọi người biết rõ về tôi, họ sẽ không thích tôi.”

“Nếu mọi người biết rõ về tôi, họ sẽ không thích tôi.” Bạn có thể đã luôn nghĩ thế. Bạn luôn sợ rằng nếu quá thân thiết và mở lòng, người khác sẽ nhận ra điểm yếu chí mạng của bạn, và sẽ ghét bỏ bạn. Điểm yếu hay khuyết điểm của những người bị thiếu hụt cảm xúc thường là những niềm tin cố hữu trong họ. Đối với một số người đó có thể là niềm tin rằng ‘mình ngu ngốc’, hoặc là ‘mình vô giá trị’. Một số người khác lại tin rằng ‘mình chẳng hề đáng yêu, mình rất đáng ghét’. Có người lại vô cùng xấu hổ vì bản thân rất yếu đuối. Đó đều là những điều thầm kín, bí mật mà họ luôn cố gắng che giấu.

Khi những mối quan hệ bạn bè, yêu đương trở nên ngày càng gắn kết và sâu sắc, bạn càng lo sợ điểm yếu chí mạng của mình bị bại lộ. Bạn né tránh hoặc bỏ chạy khỏi những mối quan hệ tốt đẹp đó. Bạn ngần ngại giao tiếp với người khác vì tin rằng mình sẽ bị từ chối. Khi những mối quan hệ có trục trặc xảy ra, bạn lập tức kết luận là do khuyết điểm của mình gây nên.

8. Khó nuôi dưỡng bản thân và những người khác

Hiển nhiên một người từ nhỏ đã thiếu sự quan tâm, yêu thương và chăm sóc từ cha mẹ sẽ không biết cách làm điều ấy dành cho chính mình và cho cả người khác. Vì không thể thể hiện được sự quan tâm, và cảm xúc nên mọi người cảm thấy bạn rất lạnh lùng. Ngược lại, bạn cho rằng mọi người quá dễ xúc động. Bạn cảm thấy khó chịu và xấu hổ khi người khác thể hiện cảm xúc mãnh liệt trước mặt bạn. Bạn sợ người khác cần bạn, vì bạn không thể đáp ứng mong muốn của họ về mặt tinh thần.

Bạn cố gắng xây dựng mọi mối quan hệ một cách thực dụng. Bạn chu cấp tài chính cho bố mẹ, nhưng không muốn ăn tối hay trò chuyện cùng họ. Bạn chỉ muốn trao đổi công việc với đồng nghiệp khi cần thiết, và không muốn giao tiếp gì với họ. Bạn không muốn con cái lại gần mình, bạn chỉ muốn chúng tránh xa mình và bạn sẽ luôn cho chúng tiền để sinh hoạt. Bạn không muốn gần gũi vợ chồng, bạn nấu cơm, làm việc nhà, làm việc kiếm tiền là vì bổn phận và trách nhiệm.

9. Kỷ luật bản thân kém

Những người bị thiếu hụt cảm xúc, thiếu hụt sự quan tâm của cha mẹ từ thời thơ ấu, thường không bị cha mẹ bắt ép phải làm gì. Họ buông thả con của mình thích làm gì thì làm tùy ý. Vì thế mà con cái của họ có tính kỷ luật rất kém. Những việc đơn giản như dọn nhà, học bài và làm việc cũng là vô cùng khó khăn với những người con này khi trưởng thành.

Bạn luôn cần có động lực để làm mọi thứ. Những việc sinh hoạt bình thường bạn cũng không thể làm được. Ăn uống thất thường, giờ giấc ngủ nghỉ không ổn định. Bạn không muốn làm việc hay học tập. Bạn không thể làm bất kỳ việc gì lặp đi lặp lại. Bạn sống vô cùng buông thả. Mọi thứ đều là quá sức đối với bạn. Bạn lười biếng và hay trì hoãn. Bạn nhanh hứng thú nhưng cũng nhanh chán nản. Việc lặp đi lặp lại một thứ gì đó khiến bạn cảm thấy tẻ nhạt. Việc chi tiêu của bạn cũng thiếu kiểm soát.

Những điều này đều không liên quan đến trí thông minh của bạn. Nhưng chúng góp phần vào sự thành công của bạn.

10. Mù cảm xúc

Mù cảm xúc được hiểu là trạng thái không nhận thức được và không có hiểu biết về cảm xúc. Bạn không nhận thức được những cảm xúc bên trong mình. Và hiển nhiên bạn cũng không nhận ra cảm xúc của người khác. Kiến thức về cảm xúc của bạn bị thiếu hụt hoàn toàn. Bạn không sẵn sàng và cũng không có khả năng trải nghiệm cảm xúc. Mọi cảm xúc đều là quá mức chịu đựng của bạn. Thứ mà bạn hay biểu lộ ra nhất là sự tức giận và cáu kỉnh. Thật tiếc là bạn cũng khó nhận ra được là mình đang tức giận.

Những cảm xúc không được thừa nhận và bị đè nén bên trong bạn, lâu ngày bị trộn lẫn vào nhau, và cuối cùng bùng phát dưới dạng cơn tức giận. Những người xung quanh sẽ chẳng nhìn thấy cảm xúc nào từ bạn ngoại trừ sự cáu kỉnh, tức giận. Họ luôn thấy bạn cau có, và bạn thì luôn phủ nhận điều đó. Bạn không nhận thức được sự giận dữ, khó chịu của mình. Bạn không thể gọi tên cho bất kỳ cảm giác, cảm nhận nào bên trong mình.

Bạn cảm thấy bối rối trước cảm xúc và hành vi của người khác. Bạn không hiểu vì sao họ như thế và cũng không biết phải làm gì trong trường hợp đó.

Đáng chú ý

Thiếu hụt cảm xúc là một điều khá phổ biến. Nó dường như xuất hiện trong cuộc sống của mỗi người. Nhưng tùy vào hoàn cảnh và tùy vào từng người khác nhau mà nó có thể nghiệm trọng hoặc không. Trong những trường hợp nghiêm trọng, thiếu hụt cảm xúc thời thơ ấu khiến cho một người mất đi hoàn toàn cảm giác về bản thân, vì thế mà không thể hiểu được bản thân hay bất kỳ ai. Ý nghĩa của cuộc sống là điều mà họ luôn khắc khoải và tìm kiếm.

Việc xác định loại tổn thương chủ đạo chi phối cuộc sống của bạn là vô cùng quan trọng. Việc ấy giúp bạn dễ dàng chữa lành cho mình và quay trở lại làm việc và tận hưởng cuộc sống. Hãy tham khảo bài viết Tự chữa lành là gì? Có thể tự chữa lành cho bản thân hay không? để tìm hiểu xem loại tổn thương nào đang ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của bạn.

Đăng ký Healing 1-1

Tâm sự, chia sẻ, và nhận những giải đáp để hỗ trợ bình yên trong tâm hồn, chữa lành những tổn thương và sống cho giây phút hiện tại.

Đăng ký ngay