khuvuonmolly@gmail.com
/
Địa chỉ :
Số điện thoại liên hệ:

Giận – Hiểu về sự giận dữ và tính bạo lực của bản thân

Author Avatar

Gem

author

cơn giận

Sự giận dữ bắt nguồn từ đâu, làm sao để kết thúc cơn giận, và trở nên bình an hơn trong tâm hồn? Cơn giận và tính bạo lực liên kết với nhau như thế nào? Liệu có thể dừng lại ở cơn giận và không lây lan hay làm khuếch đại nó lên? Con người có thể sống mà không giận không?

Mối liên kết giữa sự giận dữ và tính bạo lực

Con người có thể bạo lực bằng hành động, bằng lời nói, hoặc thậm chí bằng thái độ (thờ ơ, bỏ mặc). Sự bạo lực của một người có thể làm nguy hại đến thể xác và tinh thần của người khác hoặc chính họ. Con người có thể bạo lực với những người xung quanh và tự bạo lực chính mình.

  • Một cơn giận có thể đi kèm sau đó là ý muốn trút giận. Lúc này, bạo lực sẽ xuất hiện.
  • Khi giận dữ, con người ít khi nào nhìn vào thực tế, hay dừng lại ở nhận thức rằng “mình đang giận”. Thay vào đó, là hàng tá những lời biện hộ cho cơn giận của bản thân và tìm kiếm đối tượng để đổ lỗi, chịu trách nhiệm cho cơ giận của mình. Sự đổ lỗi này có thể diễn ra một cách bạo liệt bên trong tâm trí hoặc ngay bên ngoài bằng những lời chỉ trích, la mắng và bằng những hành động đánh đập.
  • Mọi sự bất như ý đều có thể khiến con người tức giận. Để đảm bảo những sự cố, những thứ không thích, những điều làm bản thân lo lắng, những điều tệ hại không diễn ra thêm một lần nào nữa, con người thường sẽ thể hiện tính bạo lực ra bên ngoài. Chẳng hạn như la mắng, đánh đập con cái, vợ/chồng, người xung quanh. Hoặc là tự mắng nhiếc, hành hạ thể xác của bản thân. Hình phạt cô lập, cấm túc cũng là sự bạo lực.

Cơn giận và bạo lực là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên mối liên kết giữa chúng lại khá chặt chẽ. Cơn giận rất thường hay dẫn đến bạo lực.

Sự giận dữ và tính bạo lực đến từ đâu?

1. Tự cho mình là quan trọng

Khi ta cảm thấy bản thân mình là quan trọng, ta sẽ luôn dễ dàng cảm thấy bị xúc phạm, từ đó hóa giận.

Không ai được nói xấu ta, không ai được hiểu nhầm ta, không ai được có cái nhìn về ta khác với hình ảnh mà ta đang cố gắng xây dựng. Ta dễ cảm thấy khó chịu, bực tức khi những điều này xảy ra. Ta giận vì sao họ lại không hiểu ta. Ta tự hỏi không lẽ mình không được xem trọng, và tức giận vì suy nghĩ đó.

Ta cố gắng bảo vệ cái tôi của mình. Ta nỗ lực bảo vệ ý kiến của mình. Ta xem cảm xúc của mình là quan trọng, và không cho phép ai xem thường nó. Ta yêu thích cảm giác được tâng bốc, khen ngợi, ca tụng, xu nịnh. Ta thấy bản thân mình là quan trọng hơn những người khác. Ta bực tức khi ai đó lỡ va quẹt vào cơ thể của mình. Ta muốn đánh tát người khác khi họ động đến danh dự của mình.

Khi một người tự cho mình là quan trọng, họ sẽ nổi giận khi những thứ là “của mình” bị làm tổn hại: tiền tài, vật chất, cơ thể, suy nghĩ, ý tưởng, mong muốn, cảm xúc, danh dự, địa vị, quyền lực, uy thế, con cái, vợ/chồng, gia đình, nhóm bạn, làng xóm, tỉnh huyện, quốc gia… Từ đó bạo lực được kéo theo.

2. Mọi cảm xúc tiêu cực đều có thể hóa thành cơn giận

Những cảm xúc như thất vọng, bất an, lo lắng, đau buồn, ganh tị… đều có thể hóa thành cơn giận, kéo theo đó là nỗ lực chạy trốn, chối bỏ, chống đối lại thực tại. Hoặc hiểu đơn giản là nếu không thể chấp nhận nổi thực tại, ta sẽ phát giận.

Sự kỳ vọng mang đến những thất vọng và buồn đau. Mong cầu không đạt được khiến ta đau khổ. Quá muốn chắc chắn về kết quả dẫn đến cảm giác lo lắng và mong muốn kiểm soát. Ham muốn được đảm bảo an toàn tuyệt đối thường đi kèm với cảm giác bất an. Quá muốn thứ người khác có được dẫn đến cảm giác so sánh và ganh tị. Ghen tuông dẫn đến kiểm soát và bạo lực thể xác. Mong cầu được thấu hiểu sẽ đi kèm với sự oán trách nếu không được hiểu. Khao khát một thực tại mới dẫn đến việc căm hận những gì đang diễn ra ở hiện tại.

Mọi sự bất mãn đều có thể dừng lại ở bất mãn nếu ta ý thức được những cảm xúc của bản thân và không làm gì thêm. Nhưng hầu hết trường hợp, ta sẽ trở nên tức giận và tìm cách thoát khỏi thực tại.

3. Xã hội thúc đẩy tính cạnh tranh

Làm sao mà những cảm xúc tiêu cực lại dễ dàng kiểm soát ta như thế, khiến ta hóa giận và bạo lực? Là bởi vì xã hội dạy ta phải cạnh tranh, phải mưu cầu quyền lực, tiền bạc và địa vị… Xã hội cố gắng ép ta vào cái lồng “thất bại” nếu ta không có được những điều đó. Mà nào ai muốn bản thân bị gọi là kẻ thất bại. Vì thế mà ta điên cuồng nỗ lực leo lên, tham lam, mưu cầu. Càng muốn mà không có được, lại càng nhiều cảm xúc tiêu cực.

Con người không được hướng dẫn cách sống hài hòa với bản thân. Ta được dạy phải từ bỏ con người thật của mình, chống đối lại bản thân và chạy theo cuộc sống của người khác (những người đã hơn ta về địa vị xã hội và tiền tài). Làm gì có ai vui vẻ khi không còn là chính mình. Vừa phải từ bỏ bản thân, vừa phải chạy theo những tiêu chuẩn của xã hội, bắt chước cuộc đời của người khác nhưng kết quả không như ý, thì làm sao có thể không tức giận cho được? Ta không chỉ đơn thuần tức giận vì muốn mà chẳng có được. Ta tức giận vì ta đã đánh đổi cả bản thân mình nhưng vẫn chẳng thể có được sự công nhận “thành công” của xã hội.

4. Không chấp nhận được tính nhị nguyên của cuộc sống

Những người không chấp nhận nổi tính nhị nguyên của cuộc sống thường dễ nổi nóng hơn những người khác. Chỉ chấp nhận hợp, không chấp nhận tan. Chỉ chấp nhận thành, không chấp nhận bại. Chỉ muốn tốt, không muốn nhìn thấy xấu. Thích được khen, không muốn nghe lời chê. Chỉ chấp nhận cái này, không chấp nhận cái kia. Không đồng ý với việc mọi thứ có thể vừa tốt vừa hại, một người có thể vừa tốt vừa xấu. Khăng khăng rằng đã là A thì không được phép là B. Những người như này sẽ luôn tức giận khi mọi thứ không như ý mình.

Thực tế bất kỳ điều gì đều có 2 mặt của nó – hay được gọi là tính nhị nguyên. Cùng một sự vật, sự việc, đôi lúc bạn sẽ thấy mặt này xuất hiện, đôi lúc là mặt khác xuất hiện, hoặc cả 2 cùng lúc ở các cường độ khác nhau. Ví dụ như, đôi lúc cha bạn thể hiện sự nghiêm khắc, vài lúc khác lại thể hiện sự dễ chịu, có khi thái độ của ông ấy vừa nghiêm khắc lại vừa dễ bị thuyết phục. Nếu bạn chỉ có thể chấp nhận tính dễ chịu của cha mình, và không thể chấp nhận sự nghiêm khắc của ông ấy, bạn rất dễ nổi giận khi ông ấy nghiêm khắc. Hoặc bạn sẽ cảm thấy ông ấy thật đáng ghét, xấu xa khi vừa tỏ ra yêu thương bạn nhưng lại vừa nghiêm khắc với bạn.

5. Sự chống đối bản thân

Dùng ý chí để buộc bản thân ngưng tức giận là một dạng bạo lực tinh thần. Chạy trốn khỏi những cảm xúc của bản thân cũng là bạo lực tinh thần. Kìm nén, che giấu những cảm xúc, áp chế những suy nghĩ của bản thân cũng là bạo lực. Chỉ trích, trách móc, la mắng, phán xét, kết tội chính mình là bạo lực. Đánh đập, hành hạ thể xác của chính mình chắc chắn là bạo lực.

Một số đặc tính của sự giận dữ

  • Sự giận dữ thường đi kèm với một nỗi tuyệt vọng lớn.
  • Sự giận dữ mang năng lượng của sự cô lập, nó cô lập ta khỏi mọi thứ, tách rời ta với mọi người, mọi vật.
  • Bạo lực là sản phẩm đính kèm ngay sau cơn giận.
  • Ta luôn tìm cách để đổ lỗi cơn giận cho một ai đó, sự việc, sự vật nào đó.
  • Ta hiếm khi thừa nhận những cảm xúc thật đằng sau cơn giận (thất vọng, ganh tỵ, tổn thương…), mà chỉ biện hộ cho cơn giận của mình.
  • Sự giận dữ thường xuất hiện nhất thời và nhanh chóng tan biến. Nhưng khi bị dồn nén quá nhiều, nó trở thành oán giận.
  • Một số người giận dữ có chủ đích với những ý đồ gây tổn thương, hay hủy hoại một ai đó – đó là một phạm trù khác, không bao gồm trong bài viết này.

Cơn giận bị dồn nén

Hầu hết con người không có cách xử lý cơn giận một cách hợp lý, vì thế mà cơn giận bị dồn nén, tích tụ vào “kho cảm xúc giận dữ”. Khi sự giận dữ xuất hiện, ta thường tìm cách tránh né, ngụy biện rằng mình không giận – không thừa nhận cảm xúc của bản thân. Hoặc ta tìm kiếm một việc gì đó để làm, để quên đi cơn giận – chạy trốn khỏi cơn giận. Ta cũng có thể ép buộc bản thân ngừng giận – kìm nén, áp chế cơn giận. Hoặc phát tiết cơn giận vào một ai đó, vật gì đó – lan truyền cơn giận. Thật tiếc là những điều này đều không làm cho cơn giận vơi đi một cách tự nhiên, mà chỉ khiến cho cơn giận bị dồn nén.

Cảm xúc giận dữ bị tích lũy, đến khi vượt quá kho lưu trữ (tùy vào từng người mà kho cảm xúc này có thể to hoặc nhỏ) sẽ có sự bùng nổ. Người này không thể kìm chế chính mình nữa, họ sẽ nổi nóng, bạo lực ngay tức khắc có việc gì trái ý mình. Họ như cái kho thuốc nổ, chỉ chờ chực bùng cháy. Họ phát rồ với mọi thứ, một cách vô lý và thiếu kiểm soát. Một số người rơi vào trạng thái cực đoan, đến mức có thể nghĩ đến những điều vô cùng tệ như xóa bỏ mạng sống của mình hoặc ai đó.

Để có thể xử lý một kho cảm xúc giận dữ là một hành trình dài, bởi có cả một kho để xử lý. Tuy nhiên, nó có mức độ dễ i hệt như giải quyết một cơn giận. Chỉ là cần nhiều thời gian hơn mà thôi.

Sự hiểu biết xua tan cơn giận

Bất kỳ một cảm xúc nào, bao gồm cả cơn giận, đều sẽ tích lũy nếu không được xử lý đúng cách. Thứ mà cảm xúc muốn là được thừa nhận. Ta càng không thừa nhận cảm xúc, cảm xúc lại càng mãnh liệt. Cảm xúc tức giận cũng thế, nó muốn được thừa nhận. Chỉ khi sự hiện diện của cơn giận được thừa nhận, sức công phá của nó mới ngừng gia tăng. Chỉ khi ta ở lại cùng với nó, không rời đi, nó mới nguôi ngoai, và vơi đi.

Vậy chính xác là bạn cần làm gì? Rất đơn giản: không giải thích, không đổ lỗi, không kết án, không bào chữa, không chỉ trích, không trách móc, không dùng ý chí để trấn áp cơn giận, không xem điện thoại, không tụ tập bạn bè, không xem phim, không nghe nhạc, không khiến bản thân bận rộn… Bạn, đơn giản là chẳng làm gì cả. Chỉ ngồi yên (hoặc nằm), hít thở. Bạn nhận thức rõ ràng rằng “mình đang giận”. Bạn thừa nhận cơn giận. Bạn hít thở và cảm nhận cơn giận đang ở ngay đây, bên trong bạn. Hít vào và thở ra nhẹ nhàng cùng sự cảm nhận ấy. Cứ như thế cho đến khi cảm giác giận dữ trong lồng ngực vơi đi.

Mỗi khi cảm xúc tức giận xuất hiện, hãy thừa nhận và cảm nhận cho đến khi bạn cảm thấy lồng ngực mình nhẹ bẫng đi. Dần dần, kho cảm xúc tức giận trong bạn sẽ vơi đi đáng kể.

Xem thêm: Cơ chế buông bỏ – Kho cảm xúc nội tâm tác động làm tổn thương chúng ta như thế nào? Làm sao để buông bỏ kho cảm xúc ấy?

Buông bỏ sự giận dữ, xây dựng sự bình yên

1. Chấp nhận sự bất định của vạn vật

Có hàng tỷ thứ trên đời và có hàng tỷ kết quả khác nhau cho từng thứ trên đời đó. Từ A đến B có hàng trăm con đường khác nhau. Cùng trên một lộ trình, mỗi thời điểm lại có mật độ kẹt xe khác nhau. Và khi đã trên lộ trình được chọn ban đầu, bạn hoàn toàn có thể rẽ hướng sang một lộ trình khác để đến C thay vì B. Hãy hiểu rằng luôn có hàng tỷ khả năng khác nhau cho cùng một việc. Bạn có thể sẽ đạt được mục tiêu của mình theo cách mà bạn không thể ngờ tới. Bạn cũng có thể sẽ vượt qua mục tiêu của mình, hoặc đạt được một kết quả nào đó khác mà khiến bạn cảm thấy không còn cần thiết phải đạt được mục tiêu ban đầu.

buông bỏ sự giận dữ bằng cách chấp nhận sự bất định

Một bông hoa có thể nở rồi tàn, cũng có thể nở rồi bị hái đi, có thể tàn rồi kết quả, cũng có thể chẳng có quả nào, có thể kết ra quả ngọt hoặc chua, cũng có thể quả chưa chín đã bị chim ăn hoặc đứa trẻ hái đi mất, cũng có thể quả sẽ chín thối trên cây và rụng xuống đất… Việc ấn định một kết quả nào đó cho một bông hoa nhất định rõ là việc tàn nhẫn. Hãy học cách chấp nhận rằng có hàng hà xa số khả năng có thể xảy ra với bông hoa, và đón nhận tất cả những gì có thể đến với bông hoa ấy.

Chỉ như thế tâm bạn mới có thể bình yên. Giữa sự bất định của vạn vật, chỉ cần lòng bình yên đón nhận là đủ.

2. Chấp nhận tính nhị nguyên

Một người có thể lúc này đối tốt với bạn, lúc kia lại đối xấu với bạn, cũng sẽ có lúc họ đối xử với bạn không tốt cũng chẳng xấu, hoặc vừa tốt vừa xấu. Mọi thứ trên đời này đều như thế, đều có 2 mặt của nó, thể hiện 2 thái cực khác nhau. Có lúc sẽ chỉ thể hiện 1 mặt, có khi lại thể hiện cả 2 mặt. Trời có sáng, tối, bình minh, hoàng hôn, khi âm u, khi nắng gắt. Đừng cố gắng khăng khăng rằng đã là 1 thì không thể là 2. Bất kỳ thứ gì từng mang lại lợi ích cho bạn, cũng có thể mang đến bất lợi cho bạn. Chuyện bạn từng làm rất tốt, cũng có thể đến lúc bạn không làm tốt nữa.

Chấp nhận tính nhị nguyên cũng chính là buông tha cho bản thân mình. Đừng tự làm khó chính mình. Hãy học cách nhìn mọi việc, mọi sự như chính nó là. Từ đó bạn sẽ không quá bất ngờ hay kinh hãi trước bất kỳ điều gì. Hơn thế nữa, bạn sẽ có cái nhìn khách quan về mọi thứ, biết bản thân nên làm gì để tận dụng được cả 2 mặt của một sự việc, hoặc hạn chế những điều mình không muốn. Bằng cách chấp nhận tính nhị nguyên của mọi điều, bạn có sự chuẩn bị tốt hơn cho bất kỳ điều gì bạn làm, và thực hiện nó một cách tốt hơn.

3. Chấp nhận thực tại

Dù kết quả gì đã đến, cũng hãy chấp nhận nó, bởi một giây trước đã trôi qua, bạn không thể thay đổi bất kỳ điều gì đã nằm trong một giây trước. Bạn có thể làm khác đi ở hiện tại, nhưng chẳng bao giờ có thể thay đổi được quá khứ. Vì thế hãy học cách chấp nhận những gì đã xảy ra. Bất kể đó là thứ bạn không thích, không muốn, cũng hãy chấp nhận. Chỉ khi chấp nhận thực tại, tâm trí bạn mới bình yên, khi đó bạn mới đủ sự minh mẫn và tỉnh táo để xem xét xem nên làm gì tiếp theo, nên thay đổi những gì để tránh lặp lại sự việc cũ, và có được thứ mình muốn trong tương lai.

Nếu không thể chấp nhận nổi những gì đã xảy ra, bạn sẽ mãi chìm đắm trong quá khứ. Hiện tại sẽ trôi qua và lại trở thành quá khứ để bạn hối tiếc. Tương lai không có bất kỳ tín hiệu gì khác biệt. Việc mãi đấu tranh với quá khứ chỉ khiến cho từng giây phút của tương lai chắc chắn sẽ lại trở thành hối tiếc. Bất kỳ giây phút nào rồi cũng sẽ thành quá khứ, hãy tập trung vào hiện tại và làm điều mình nên làm, chỉ như thế bạn mới ít phải hối tiếc hơn.

4. Buông bỏ sự chống đối lại cảm xúc, bản thân

Chống đối cảm xúc chính là chống lại bản thân. Càng cố gắng chống đối, né tránh, đè nén, dồn ép, kìm chế, thờ ơ, chạy trốn khỏi cảm xúc, bạn càng chống lại bản thân. Hà cớ gì phải chống lại chính mình? Bạn nên cùng phe với chính mình. Sự chống đối bản thân lâu ngày sẽ khiến bạn xem bản thân như kẻ thù – đó là một điều tai hại.

Chẳng có vấn đề gì với cảm xúc của bạn cả, cũng chẳng có vấn đề gì với chính bạn cả. Mọi thứ đều ổn. Buông bỏ mọi sự chống đối với bản thân, cư xử dịu dàng với chính mình, chấp nhận mọi thứ bên trong mình. Buông bỏ mọi sự chống đối cảm xúc, thừa nhận và cảm nhận cảm xúc.

Mình ta với ta, theo đúng nghĩa đen. Không có những suy nghĩ, di chuyển cơ thể, không có sự sao nhãng nào cả. Buông bỏ tất cả, và cảm nhận chính mình, tận hưởng sự một mình trọn vẹn ấy, và chấp nhận toàn bộ những gì thuộc về mình.

5. Buông bỏ những chấp niệm

Chính những chấp niệm mang đến cho ta sự đau khổ rồi tức giận. Một người mang càng nhiều chấp niệm, càng tạo ra nhiều cơ hội khổ đau cho chính mình. Chấp niệm là một loại điều kiện tàn nhẫn: chỉ được phép hạnh phúc, vui vẻ trong duy nhất một điều kiện này, dù cho những điều kiện khác rất tốt cũng không được nhìn thấy nó tốt và bắt buộc phải đau khổ.

Chỉ khi buông bỏ những chấp niệm trong lòng bạn mới nhận ra rằng hóa ra ánh nắng có mặt ở khắp 360 độ, có hàng trăm nghìn loài hoa khác nhau khoe sắc. Bạn sẽ thấy rằng thì ra mưa cũng tốt, tuyết cũng có cái đẹp, những gì đã hoang tàn cũng có giá trị của nó.

Nội tâm thế nào, cuộc sống diễn ra như thế ấy

Thế giới nằm bên ngoài bạn nhưng cũng nằm bên trong bạn. Nội tâm của bạn chính là lăng kính nhìn cuộc đời của bạn. Thế giới vốn chỉ có một hình dạng duy nhất, nhưng qua mỗi lăng kính nội tâm khác nhau, mỗi người lại nhìn thấy mỗi thứ khác nhau. Vì thế mà nội tâm thế nào bên ngoài thế ấy. Bạn không thể nhìn thấy niềm vui của cuộc đời nếu tâm hồn chứa đầy cảm xúc giận dữ. Với kho cảm xúc giận dữ đã đầy, chỉ trực trào bùng nổ, bạn sẽ nhìn thấy mọi vật, mọi việc là mồi lửa cho kho thuốc nổ giận dữ bên trong mình. Đâu đâu bạn cũng thấy những thứ khiến mình khó chịu, đau khổ, tuyệt vọng và muốn phát điên.

Khi sự giận dữ được thấu hiểu, thừa nhận, cảm nhận và buông bỏ, tâm hồn bạn trở nên thanh khiết hơn. Bạn nhìn thấy mọi thứ rõ ràng hơn, không mờ nhòe, không ảo ảnh, không sai lệch. Bạn sẽ thấy mọi thứ như đúng bản chất của nó là. Bạn tách mình ra khỏi xã hội đầy những ngu dốt, tham lam và sợ sệt. Bạn không còn mắc kẹt trong cái dốt nát, hận thù, ham muốn. Bạn khám phá ra bản chất của mình và bản chất toàn vẹn của cuộc sống. Một sự làm mới tuyệt diệu làm thanh lọc tâm hồn bạn. Bạn nhìn thấy những điều mình chưa từng thấy trước kia. Bạn cảm nhận được ý nghĩa thực sự của cuộc đời mình.

buông bỏ sự giận dữ

Đăng ký Healing 1-1

Tâm sự, chia sẻ, và nhận những giải đáp để hỗ trợ bình yên trong tâm hồn, chữa lành những tổn thương và sống cho giây phút hiện tại.

Đăng ký ngay