Hành Trình 28 Ngày Chữa Lành Đứa Trẻ Bên Trong (P1): Bắt Đầu Từ Sự Nhận Thức và Kết Nối
Phương Dung
author
28 ngày chữa lành Đứa trẻ bên trong (Tuần 1+2)
28 ngày chữa lành Đứa trẻ bên trong không phải là khoảng thời gian quá dài, nhưng cũng chẳng hề ngắn. 28 ngày là đủ để đưa một con người vào cơ chế tự chữa lành. Cơ chế tự chữa lành là điều mà ai cũng mong muốn có được. Khi cơ chế này hoàn thiện, con người trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Không còn gì có thể cản bước chân họ trên đường đời. Không có gì có thể ngăn cản họ là chính mình, sống cuộc đời của riêng mình. Không một ai, kể cả tạo hóa, có thể cướp đi sự bình an và hạnh phúc của họ.
Xem thêm: Đứa trẻ bên trong là gì? Tại sao bị tổn thương? Cách để chữa lành Đứa trẻ bên trong
Dẫn nhập vào 28 ngày chữa lành Đứa bé bên trong
Có khi nào bạn cảm thấy rằng, dù đã trưởng thành, nhưng vẫn có những nỗi đau, sự lo lắng và tổn thương cứ mãi theo đuổi từ thời thơ ấu?
Đó là vì trong mỗi chúng ta, vẫn còn một phần tâm hồn chưa được chữa lành – Đứa trẻ bên trong, người đã từng bị tổn thương, bị bỏ quên hoặc không được yêu thương trọn vẹn. Những vết thương này có thể âm thầm ảnh hưởng đến cách chúng ta yêu thương, gắn kết, và sống trong hiện tại, dù có thể bạn chưa từng nhận ra.
Khác với những bài viết chi tiết về các liệu pháp giúp chữa lành Đứa trẻ bên trong ở khu vườn Molly, lần này khu vườn Molly có một thử thách dành cho bạn…
Nhiều bạn cảm thấy khó sắp xếp thời gian cũng như thiếu chủ động trong việc chữa lành Đứa trẻ bên trong. Các bạn còn loay hoay, không biết bắt đầu từ đâu, trình tự như thế nào. Vì vậy lần này khu vườn Molly sẽ giới thiệu cho bạn một lộ trình để chữa lành Đứa trẻ bên trong trong 4 tuần.
Hành trình này được thiết kế dựa trên nguyên lý kết nối sâu sắc với bản thân: tìm hiểu, khám phá, rồi từ đó chữa lành và làm mạnh mẽ Đứa trẻ bên trong. Dù bạn thực hiện mỗi ngày hay mỗi tuần, điều quan trọng là sự kiên trì và chân thành khi đối diện với chính mình.
Hãy để lộ trình này là người bạn đồng hành, dẫn dắt bạn quay lại với chính mình – nhưng lần này là với một trái tim đầy yêu thương, an toàn và mạnh mẽ hơn nhé!
28 ngày chữa lành Đứa trẻ bên trong Tuần 1: Nhận thức và đi tìm Đứa trẻ bên trong bạn
Ngày 1: Tìm lại những ký ức thời thơ ấu
Hãy dành ra 20-30 phút ngẫm nghĩ và viết lại những kí ức tuổi thơ ấu mà bạn nhớ nhất. Tốt nhất, bạn hãy viết ra những sự kiện mà bản thân nhớ nhất. Thường sẽ là những sự kiện cho bạn những cảm xúc mạnh mẽ nhất như cực vui thích hay đau đớn, buồn rầu.
♦ Mục đích
Đây là bước đầu tiên để bạn nhận thức được Đứa trẻ bên trong. Kết nối và nhớ về nó, là bước đầu tiên và là chìa khóa để bắt đầu quá trình chữa lành.
Ngày 2: Nhìn lại và kết nối với những ký ức tuổi thơ
Quay lại những gì đã viết ở ngày 1, hãy suy ngẫm sâu hơn về những sự kiện đó. Hãy hỏi bản thân: mình rằng điều đó có lặp lại không? Bạn có cảm thấy nỗi sợ tương tự ở hiện tại không? Tiếp theo, hãy viết ra những cảm xúc “bất thường” gần đây như sự tức giận, hụt hẫng hay thất vọng. Thử liên kết chúng với các sự kiện trong quá khứ—có thể những tổn thương ấy vẫn âm thầm ảnh hưởng đến bạn.
♦ Mục đích
Bằng cách lắng nghe cảm xúc bên trong và cho phép bản thân trải nghiệm chúng, bạn có thể nhận ra chúng bắt nguồn từ những tổn thương cũ. Việc nhận ra và thấu hiểu những cảm xúc này là bước đầu tiên để giải phóng chúng.
Ví dụ người yêu/vợ/chồng của bạn đột nhiên bận rộn với công việc và không thể dành thời gian cho buổi hẹn mà hai bạn đã lên kế hoạch. Mặc dù bạn biết họ vẫn muốn ở bên bạn, nhưng bạn vẫn cảm thấy hụt hẫng và cảm giác bị từ chối. Khi lắng nghe Đứa trẻ bên trong mình, bạn bắt đầu nhận ra rằng việc đối phương đột ngột bận công việc gợi lại cảm giác giống như khi cha mẹ bạn từng hủy bỏ các kế hoạch đi chơi, thậm chí là tiệc sinh nhật, vì bận rộn với công việc.
Xem thêm: Đứa trẻ bên trong là gì? Tại sao bị tổn thương? Cách để chữa lành Đứa trẻ bên trong
Ngày 3: Xác định những niềm tin từ thời thơ ấu
Hãy liệt kê những niềm tin tích cực và tiêu cực bạn đã hình thành khi còn nhỏ. Đó có thể là những niềm tin về tình yêu, tiền bạc, gia đình, sức khỏe, hạnh phúc, giới tính, ước mơ hay khả năng của bản thân. Sau đó, hãy ngẫm nghĩ xem những niềm tin này đã ảnh hưởng đến cách bạn sống và suy nghĩ hiện tại ra sao.
♦ Mục đích
Đa số hầu hết tương lai, hành động, suy nghĩ của chúng ta dựa vào niềm tin của chúng ta. Nhưng chỉ khi bạn viết xuống, bạn mới có cơ hội nhìn lại và thốt lên “À, hóa ra mình có niềm tin tiêu cực vậy”. Ví dụ, nếu bạn từng lớn lên trong cảnh thiếu thốn, bạn có thể mang trong mình những niềm tin như “Tiền rất khó kiếm” hoặc “Hạnh phúc chỉ đến khi có đủ tiền bạc”. Hoặc nếu cha mẹ bạn li hôn khi bạn còn nhỏ, bạn có thể sẽ tin rằng không có kết nối nào là bền chặt. Bởi những lời được dạy lúc nhỏ, bạn tin rằng con người phải khổ trước thì sau mới sướng, làm sai thì phải bị phạt, những gì mình đạt được không đáng để tự hào.
Ngày 4: Kết nối với Đứa trẻ bên trong thông qua tưởng tượng hoặc thiền định có hướng dẫn
Hãy tưởng tượng mình đang ở trong một không gian an toàn và yên bình. Có thể là một căn phòng ấm áp với ánh sáng dịu nhẹ, hoặc một khu vườn tĩnh lặng. Khi bước vào không gian này, bạn nhìn thấy một đứa trẻ đang đứng đó. Chính là bạn khi còn nhỏ, vào thời điểm cuộc sống có thể đã mang đến nhiều khó khăn và bất ổn.
Hãy dành một chút thời gian để quan sát đứa bé đó. Đứa bé trông như thế nào? Nó đang mặc gì? Bạn có thể nhận ra biểu cảm trên gương mặt đứa bé: sự tò mò trong ánh mắt, sự ngại ngùng trong dáng điệu, hoặc có lẽ là nỗi lo âu ẩn hiện trên nét mặt. Quan sát cách đứa bé đứng, liệu nó đang căng thẳng hay thoải mái, dè dặt hay cởi mở.
Hãy nhẹ nhàng tiến lại gần và giới thiệu bản thân. Bạn có thể nói: “Chào em, anh/chị là em trong tương lai. Anh/chị đến đây để dành thời gian cùng em.” Hãy nói với giọng dịu dàng, trấn an rằng bạn ở đây để lắng nghe, để hiểu, và để mang lại sự an ủi.
♦ Mục đích
Đây có lẽ là một bước quan trọng giúp bạn thật sự “chạm” vào Đứa trẻ bên trong của bạn. Bạn sẽ cảm thấy một tình yêu thương và sự thương cảm rất lớn dành cho bản thân sau khi làm điều trên. Bạn nhận ra rằng: Từ giờ, chính bản thân bạn sẽ là phải chăm sóc và yêu thương đứa trẻ này thật tốt!
Ngày 5: Viết lá thư cho Đứa trẻ bên trong
Hãy viết một lá thư cho chính bạn khi còn nhỏ. Bạn có thể kể về những thành tựu mà bạn nghĩ rằng đứa trẻ ấy sẽ tự hào khi biết bạn đã trưởng thành thế nào. Hoặc chia sẻ về những ký ức thời thơ ấu dưới góc nhìn của người lớn để xoa dịu những nỗi đau còn đọng lại.
♦ Mục đích
Khi viết ra, bạn sẽ thấy mình dễ dàng thấu hiểu và tha thứ hơn. Việc diễn đạt qua chữ viết không chỉ giúp bạn giải phóng cảm xúc. Nó còn như có một ma lực giải phong ấn những tổn thương cũ, giúp bạn thực sự buông bỏ.
Các câu hỏi gợi ý để viết thư tới Đứa trẻ bên trong bạn:
- Anh/chị có thể giúp em bằng cách nào trong trường hợp A?
- Trong trường hợp A, em mong muốn điều gì từ anh/chị?
- Cảm nghĩ của anh/chị về em?
Ngày 6: Xác định những nhu cầu chưa được đáp ứng từ quá khứ
Viết ra những nhu cầu chính của bản thân trong cuộc sống và xác định xem những nhu cầu đó bạn đã được đáp ứng hồi bé chưa? Ngẫm nghĩ xem những nhu cầu chưa được đáp ứng đó ảnh hưởng tới bạn bây giờ như thế nào.
♦ Mục đích
Ví dụ, một trong nhu cầu chính trong cuộc sống là tình yêu thương. Trong quá khứ, cha mẹ dù yêu thương nhưng đã không thể hiện tình cảm với con cái một cách rõ ràng. Điều này có thể khiến đứa trẻ cảm thấy không an toàn hoặc thiếu sự khẳng định về tình yêu. Khi lớn lên, người đó có thể luôn cảm thấy cần sự khẳng định từ người khác. Ví dụ như từ người yêu hay bạn bè xung quanh. Thậm chí, dù đã được khẳng định nhiều lần, họ vẫn có cảm giác bất an và lo sợ tình yêu sẽ biến mất.
Điều này sẽ tạo ra một lỗ hổng cảm xúc, khiến chúng ta tiếp tục tìm kiếm và đòi hỏi sự thỏa mãn từ những mối quan hệ hiện tại. Việc nhận ra điều này là một bước quan trọng để chữa lành và tìm cách đáp ứng nhu cầu của bản thân theo cách lành mạnh hơn.
Ngày 7: Nghỉ ngơi và tự chăm sóc bản thân
Dành riêng một ngày để nghỉ ngơi và thực hiện những hoạt động mà bạn cảm thấy được yêu thương và chăm sóc. Bạn có thể::
- Mua cho bản thân một món đồ ăn yêu thích
- Ngâm chân nước nóng
- Đọc một cuốn sách hoặc xem một bộ phim mà bạn yêu thích
- Nghe nhạc thư giãn hoặc một podcast truyền cảm hứng
- Tắm bồn với nến thơm và tinh dầu
- Đi dạo trong công viên hoặc khu vực có thiên nhiên
- Viết nhật ký về cảm xúc và suy nghĩ của bạn
- Tự tay nấu một bữa ăn ngon cho mình
- Thực hiện vài bài tập yoga nhẹ nhàng hoặc thiền
- Thử một liệu pháp chăm sóc da như đắp mặt nạ hoặc dưỡng da toàn thân
- Ngủ trưa để phục hồi năng lượng
- Dành thời gian chăm sóc cây cối hoặc thú cưng (nếu có)
- Chơi một môn thể thao bạn yêu thích
♦ Mục đích
Đây là khoảng thời gian để bạn nạp lại năng lượng. Tập lắng nghe cơ thể và tâm trí mình. Và tái kết nối với cảm giác yêu thương dành cho chính mình.
Tổng kết tuần 1 của 28 ngày chữa lành Đứa trẻ bên trong
Bạn đã có 1 tuần để tìm thấy, quan sát và nhìn nhận Đứa trẻ bên trong mình. Nó trông như nào, ngoại hình ra làm sao, tính cách như thế nào, bạn đã biết rõ. Giờ đây mỗi khi cần, bạn có thể gặp được Đứa trẻ bên trong ngay lập tức. Việc làm quen với Đứa trẻ bên trong vào tuần đầu tiên sẽ giúp bạn dễ dàng kết nối và làm thân với đứa trẻ trong tuần sau.
28 ngày chữa lành Đứa trẻ bên trong Tuần 1: Kết nối với Đứa trẻ bên trong
Ngày 8: Tạo nơi “trú ẩn” cho Đứa trẻ bên trong
Tưởng tượng ra một khung cảnh yên bình, nơi Đứa trẻ bên trong bạn có thể tìm thấy sự an toàn và thoải mái. Đây có thể là một khu vườn xanh mướt. Một căn phòng ấm áp. Hay thậm chí là một ngôi nhà trên cây với tiếng chim hót ríu rít. Bất cứ khi nào cảm thấy lo lắng hay bất an, hãy tưởng tượng quay lại nơi này để tìm thấy bình yên.
♦ Mục đích
Điều này sẽ khiến bạn dễ tìm thấy sự bình yên và ổn định cho tâm hồn. Mỗi khi có một biến cố hay cảm xúc tiêu cực, bạn có thể dễ dàng lấy lại bình tĩnh và kết nối với phiên bản tí hon của mình bằng việc “trú ẩn”. Ở nơi “trú ẩn”, tinh thần bạn sẽ ổn định, bạn sẽ không còn đổ lỗi, mặc kệ hay là trách móc bản thân. Bạn sẽ có đủ sự tỉnh táo để hỏi chính mình: “Mình nên làm gì để Đứa trẻ bên trong được hạnh phúc?” Đó là sự thay đổi mà sẽ giúp bạn không lặp lại những lỗi lầm hay những tổn thương trong quá khứ.
Ngày 9-11: Trò chuyện và trấn an Đứa trẻ bên trong thông qua hình ảnh thời thơ ấu
Bước 1: Hãy tìm lại những tấm ảnh hồi bé của bạn. Quan sát khuôn mặt, ánh mắt, ngoại hình thật kĩ và đặt ra những câu hỏi gợi mở: “Lúc đó em cảm thấy thế nào? Em có lo lắng, tức giận, hay cô đơn không? Làm thế nào để anh/chị có thể giúp em?”
Bước 2: Tưởng tượng đưa đứa trẻ tổn thương đến nơi “trú ẩn” mà bạn đã tạp ra trong ngày 8.
Bước 3: Đặt tay lên ngực, hít thở sâu 3 lần và lặp lại sự trấn an bằng những câu trấn an: “Anh/chị ở đây rồi, em không sao đâu,” “Anh/chị nghe em,” “Anh/chị sẽ không bỏ rơi em đâu.”
Những câu khác bạn có thể nói là:
“Anh/chị hiểu những gì em đang nói,” “Cảm xúc của em là hợp lý.” “Anh/chị tự hào về em,” “Anh/chị quan tâm đến em,” “Không sao đâu, cảm xúc của em là hoàn toàn bình thường.” “Anh/chị yêu em.” “Em đang nghĩ gì? Anh/chị ở đây để lắng nghe.”
Lặp lại điều này trong 3 ngày với những bức ảnh khác nhau
♦ Mục đích
Kết nối với ký ức qua hình ảnh giúp bạn đối diện với những cảm xúc sâu thẳm. Những lời trấn an nhẹ nhàng sẽ giúp bạn xoa dịu những tổn thương. Từ đó mang lại cho bạn cảm giác được yêu thương mà bạn đã từng thiếu thốn.
Ngày 12: Thử trở lại làm trẻ con một lần nữa
Hãy nghĩ xem hồi bé bạn thường thích làm gì? Nghịch nước, vẽ tranh, làm bánh, chơi lắp ghép, đá bóng, xem Doraemon… Hãy thử những điều đó một lần nữa.
♦ Mục đích
Người lớn thường quên mất cách chơi đùa. Nhưng đó lại là cách dễ nhất để cảm nhận được niềm vui từ bản thân và từ thế giới. Thử lại những điều bạn thích làm hồi bé sẽ giúp bạn cảm thấy bình yên, hạnh phúc, vui vẻ và giải phóng được những căng thẳng, mệt mỏi của cuộc sống.
Ngày 13: Chữa lành bằng nghệ thuật
Hãy chọn một nơi yên tĩnh. Ngồi xuống một mình và tĩnh tâm. Suy ngẫm về những cảm xúc hay nỗi đau bạn đang mang trong lòng.
Lấy một tờ giấy và để cảm xúc dẫn dắt ngòi bút của bạn. Không cần gò ép suy nghĩ, chỉ cần vẽ hoặc tô màu theo những gì bạn cảm nhận từ bên trong. Có thể đó là những hình ảnh trừu tượng, những đường nét ngẫu nhiên, hoặc màu sắc phản ánh cảm giác của bạn. Cứ để các sắc màu thể hiện những cung bậc cảm xúc khác nhau. Có thể là buồn bã, giận dữ, oán trách, vui vẻ hoặc sự yên bình.
Trong quá trình vẽ, bạn có thể tự hỏi: Điều gì đang xảy ra bên trong mình? Mình cảm thấy ra sao? Nguyên nhân nào dẫn đến những cảm xúc này? Và cuối cùng, mình có thể làm gì để giúp đỡ bản thân?
♦ Mục đích
Chữa lành bằng nghệ thuật là một liệu pháp vô cùng hiệu quả. Việc vẽ sẽ trực tiếp kích hoạt phần não lưu trữ cảm xúc, giúp giải phóng những cảm xúc đã bị ức chế và tích tụ theo năm tháng. Điều này đặc biệt hiệu quả đối với những bạn cảm thấy khó khăn khi viết hay nói ra cảm xúc của mình.
Ngày 14: Nghỉ ngơi và hòa mình vào thiên nhiên
Hãy tạm rời xa nhịp sống bận rộn để tìm đến một không gian gần gũi với thiên nhiên. Có thể là công viên, khu nghỉ dưỡng, hoặc một chuyến đi cắm trại giữa núi rừng. Hòa mình vào thiên nhiên giúp bạn cảm nhận sự trong lành, tĩnh lặng và thư thái từ đất trời. Cảm giác nhẹ nhàng khi lắng nghe tiếng gió. Tiếng chim hót. Ngắm nhìn cây xanh sẽ như một liều thuốc an thần cho tâm hồn. Nó giúp bạn tái tạo năng lượng và cảm nhận sự cân bằng.
♦ Mục đích
Thiên nhiên có khả năng chữa lành kỳ diệu. Khi bạn kết nối với thiên nhiên, sự trong trẻo của nó sẽ làm dịu đi những căng thẳng và mệt mỏi, mang lại cảm giác an yên và sự thư thái sâu sắc trong tâm hồn. Thiên nhiên giúp con người tách rời với những suy nghĩ bế tắc. Những lối suy nghĩ cũ tự dưng sáng tỏ là thứ vô nghĩa, vô dụng, không đúng. Những hướng suy nghĩ mới cũng được khơi mở.
Tổng kết tuần 2 của 28 ngày chữa lành Đứa trẻ bên trong
Sự kết nối giúp bạn và đứa trẻ trở nên thân thiết hơn. Đứa trẻ tiếp nhận bạn như một người bạn thực sự. Đứa trẻ được bình an trong vòng tay bạn. Cả 2 đã bắt đầu có thể mở lòng cho nhau, làm tiền đề cho sự chữa lành sâu sắc vào tuần thứ 3.
Tổng kết nửa đầu hành trình 28 ngày chữa lành Đứa trẻ bên trong
Hành trình kết nối và chữa lành Đứa trẻ bên trong đòi hỏi sự kiên nhẫn, lòng bao dung và tình yêu thương với chính bản thân mình. Hai tuần đầu tiên có thể khiến bạn phải đối diện với những cảm xúc sâu kín. Nhưng chính việc đó sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về những vết thương cũ và biết cách để xoa dịu chúng.
Hãy tiếp tục nhẹ nhàng, chậm rãi thực hiện những bước này. Cho phép bản thân được cảm nhận và chữa lành từng chút một. Và đừng quên điều quan trọng là luôn dành cho bản thân sự yêu thương và đồng cảm.
>> Hành Trình 28 Ngày Chữa Lành Đứa Trẻ Bên Trong (P2): Chữa lành và Trở nên cứng cáp hơn
Bạn cần hỗ trợ chữa lành Đứa trẻ bên trong bởi Khu vườn Molly, đăng ký ngay.