khuvuonmolly@gmail.com
/
Địa chỉ :
Số điện thoại liên hệ:

Hành Trình 28 Ngày Chữa Lành Đứa Trẻ Bên Trong (P2): Chữa lành và Trở nên cứng cáp hơn

Author Avatar

Phương Dung

author

28 ngày chữa lành Đứa trẻ bên trong (Tuần 3+4)

Sau khi hoàn thành hai tuần đầu của hành trình chữa lành, bạn đã bước những bước đầu tiên vào việc khám phá và thấu hiểu Đứa trẻ bên trong mình. Giờ đây, khu vườn Molly sẽ cùng bạn tiến xa hơn vào giai đoạn cuối của hành trình 28 ngày chữa lành Đứa trẻ bên trong, nơi bạn sẽ tiếp tục nuôi dưỡng, củng cố và bảo vệ đứa trẻ ấy. 

Hãy chuẩn bị tinh thần để bước vào hai tuần cuối. Chúng ta sẽ tập trung xây dựng nền tảng vững chắc và mở rộng giới hạn. Đưa bạn tiến gần hơn tới một phiên bản hoàn thiện, mạnh mẽ và tràn đầy an yên từ bên trong.

chữa lành đứa trẻ bên trong 28 ngày

28 ngày chữa lành Đứa trẻ bên trong Tuần 3: Chữa lành Đứa trẻ bên trong bạn

Ngày 15: Tìm hiểu nguyên nhân và ký ức tuổi thơ gây ra nỗi đau

Hãy ngồi lại và xem lại những nỗi đau bạn đã khám phá ra ở bản thân trong tuần trước. Ngẫm nghĩ xem nguyên nhân nào, một sự kiện nào trong quá khứ đã gây ra cho bạn vết thương và nỗi đau đó.

Dưới đây là một số ví dụ về những dấu hiệu cho thấy Đứa trẻ bên trong bạn đã từng bị tổn thương và các nguyên nhân có thể giúp bạn dễ dàng xác định hơn:

1. Cảm thấy bản thân có điều gì đó không ổn

Có thể là vì sống trong môi trường có nhiều chỉ trích, so sánh, thiếu sự công nhận tích cực. Việc không nhận được tình yêu vô điều kiện qua lời nói hay hành động cũng có thể khiến bạn cảm thấy mình không xứng đáng hoặc không đủ tốt.

2. Lo lắng khi làm điều mới

Nếu lớn lên trong môi trường nơi thất bại bị phán xét nặng nề, trẻ dễ phát triển nỗi sợ hãi trước những điều mới lạ. Sợ rằng bất kỳ sai lầm nào cũng sẽ dẫn đến sự phán xét, thất vọng từ người lớn. Hoặc thậm chí bị mất đi sự yêu thương.

3. Có xu hướng làm hài lòng người khác và luôn tìm người giúp đưa ra quyết định

Có thể bạn đã luôn được dạy phải để ý tới ánh mắt của người khác. Luôn hành động dựa theo thái độ của người khác. Luôn phải hành động dựa trên thái độ bố mẹ để tránh bị la mắng. Cũng vì thế mà gây ra bản thân không có chính kiến, không có tiêu chuẩn đúng sai riêng cho bản thân.

4. Luôn muốn che giấu cảm xúc của mình, cảm thấy xấu hổ khi bộc lộ cảm xúc

Nếu trẻ lớn lên trong môi trường mà cảm xúc bị coi thường, bị cấm đoán hoặc bị chê trách, trẻ sẽ học cách kìm nén và che giấu cảm xúc để tránh bị phán xét hoặc tổn thương. Những lời lẽ xem thường cảm xúc của trẻ thường thấy như “Con trai không được khóc.” “Con đang làm quá lên đó.” “Chuyện thế thôi mà cũng phải nói với bố/mẹ.” “Có thế mà cũng vui.” “Vui lắm hay gì mà cười, ai cho mày cười?” “Chẳng có gì mà cũng tự hào.” Hoặc khi nhìn thấy con cái khóc, cha mẹ cũng chẳng hề quan tâm, hỏi han. Cha mẹ ngó lơ khi con buồn, đau, vui, tự hào…

tuần 3 chữa lành đứa trẻ bên trong 28 ngày

5. Cảm thấy giá trị của mình gắn liền với năng suất làm việc hoặc thành công

Bạn đã phải lớn lên trong môi trường mà trẻ em bị đánh giá dựa trên thành tích. Bạn luôn phải chứng tỏ giá trị thông qua kết quả. Kết quả tốt đổi lấy khen ngợi, công nhận, yêu thương. Kết quả kém đổi lấy sự chê bai, chế giễu. Vì thế mà bạn lớn lên với suy nghĩ rằng giá trị bản thân chỉ dựa trên hiệu suất làm việc và thành công.

6. Liên tục chỉ trích bản thân vì những thiếu sót

Trẻ lớn lên trong môi trường có nhiều áp lực, chỉ trích hoặc yêu cầu hoàn hảo có thể phát triển thói quen tự phê phán. Việc nhận được sự khen ngợi hoặc yêu thương có điều kiện (chỉ khi đạt được kết quả nhất định, làm theo đúng ý cha mẹ) dẫn đến tâm lý luôn tự trách bản thân.

7. Phản ứng mạnh mẽ với những lời chỉ trích nhẹ nhàng, có thể bằng cách đóng cửa, phá vỡ hoặc nổi khùng

Trẻ em từng trải qua môi trường bị chỉ trích gay gắt hoặc bị phạt nặng nề khi mắc lỗi sẽ phát triển cảm giác bất an và phòng thủ trước bất kỳ lời chỉ trích nào, kể cả những nhận xét nhẹ nhàng. Ngược lại, cũng có thể vì quá được nuông chiều nên lòng tự tôn cao, rất khó để chấp nhận lời góp ý hay chê bai.

8. Cảm thấy xấu hổ, tự ti về cơ thể của mình

Trẻ em có thể phát triển sự tự ti về ngoại hình nếu họ phải đối mặt với việc bị chế giễu, so sánh, hoặc thiếu sự khích lệ tích cực về cơ thể từ người lớn.

9. Rằng buộc trách nhiệm với người khác hơn bản thân mình

Nếu trẻ bị kỳ vọng phải chăm sóc, đáp ứng nhu cầu của người khác (ví dụ như cha mẹ quá phụ thuộc vào trẻ) hoặc bị bỏ qua nhu cầu cá nhân, trẻ sẽ lớn lên với cảm giác trách nhiệm quá mức đối với người khác và dễ quên đi nhu cầu của bản thân. Thường sẽ xảy ra với những người con đầu, hoặc có năng lực mà bố mẹ luôn đặt nặng trách nhiệm của họ từ bé.

10. Sợ hãi bị bỏ rơi, thường làm bất cứ điều gì để níu kéo mối quan hệ

Đó là những đứa trẻ lớn lên trong môi trường thiếu ổn định, có nguy cơ bị bỏ rơi hoặc đã bị bỏ rơi. Trẻ có thể bị bỏ rời về tình cảm hoặc thể chất. Nguyên nhân có thể do cha mẹ li hôn, cha mẹ đi làm xa, cha mẹ đã mất. Nhiều đứa trẻ có đủ cha mẹ sống cùng, nhưng vẫn bị bỏ rơi về mặt tinh thần. Những điều này làm phát triển nỗi sợ bị từ chối của trẻ, dẫn đến việc cố gắng giữ lấy mối quan hệ dù bản thân không thoải mái. Kể cả khi bị hành hạ về thể xác và tinh thần, người này vẫn sợ phải kết thúc mối quan hệ.

11. Không tin tưởng vào bản thân hay bất cứ người nào khác

Trẻ em bị lừa dối, phản bội lòng tin hoặc lớn lên trong môi trường mà người lớn không đáng tin cậy sẽ phát triển khó khăn trong việc tin tưởng cả bản thân lẫn người khác. Ví dụ như lời nói và hành động không đồng nhất. Thất hứa. Đem bí mật của con trẻ đi kể cho người khác nghe và đùa cợt. Không tin lời của con/cháu mình, mà tin lời người ngoài. Không lắng nghe con/cháu giải thích, trình bày, mà vội kết tội. Không bao giờ bênh vực, đứng về phía đứa trẻ. Cố gắng dẫn dắt lời suy nghĩ để đứa trẻ luôn thấy bản thân mình sai. Không đủ sự sáng suốt, cầu thị, lắng nghe để trẻ có thể tin cậy.

12. Cảm thấy khó khăn khi thiết lập mối quan hệ lành mạnh, gần gũi với bố mẹ hoặc trong các mối quan hệ tình cảm

Những trải nghiệm thiếu an toàn trong mối quan hệ thời thơ ấu luôn dẫn đến sự khó khăn trong việc xây dựng mối quan hệ thân mật và lành mạnh khi trưởng thành. Chẳng hạn như sự hờ hững, phê phán hoặc kiểm soát. Ngoài ra còn có: bị bỏ rơi, bị bỏ mặc về cảm xúc và tinh thần… Đứa trẻ phải tự nuôi mình, quá độc lập, hoặc phải gánh nhiều trách nhiệm cũng khó xây dựng mối quan hệ tình cảm lãng mạn.

13. Gặp khó khăn khi nói lời từ chối, thường nói đồng ý khi trong lòng cảm thấy không thoải mái

Trường hợp này rơi vào những đứa trẻ có cha mẹ quá độc đoán. Đứa trẻ bị ép buộc phải tuân theo hoặc không có quyền từ chối. Không được phép giải thích, hay nói lên ý kiến của mình. Không được phép phản kháng. Đứa trẻ phải là con cừu nghe lời, phục tùng không do dự. Khi lớn lên, những đứa trẻ này gặp khó khăn trong việc bảo vệ ranh giới cá nhân, dẫn đến việc thường đồng ý chỉ để tránh xung đột hoặc làm hài lòng người khác.

14. Có xu hướng tránh xung đột bằng mọi giá

Trẻ lớn lên trong môi trường xung đột hoặc bị phạt nặng nề khi bày tỏ ý kiến trái ngược có thể phát triển xu hướng né tránh bất kỳ tình huống xung đột nào để tránh cảm giác lo lắng hoặc đau đớn.

♦ Mục đích

Khi xác định rõ được nguyên nhân của những nỗi đau, bạn đã gần như có thể chữa lành nó được 80% rồi. Cái con người cần nhất là sự thấu hiểu. Cái làm con người đau khổ nhất là không có được sự thấu hiểu. Con người thích đi tìm kiếm thứ mình thiếu ở người khác, nhưng trớ trêu thay đó lại là sai lầm. Chỉ có bản thân mới có khả năng bù đắp cho chính mình.

Người cần phải thấu hiểu bạn, không ai khác, mà chính là bạn. Cái hiểu đưa đến tình yêu, bạn yêu chính mình. Cái hiểu mang đến trí tuệ, bạn biết mình cần chữa lành và đi tìm cách để chữa lành cho bản thân. Cái hiểu về bản thân dẫn dắt bạn sống cuộc đời của mình, thay vì chạy theo người khác, lặp lại cuộc đời của họ, làm ký sinh trùng trong cuộc đời họ. Cái hiểu đưa bạn trở về với chính mình, bình an, hạnh phúc, thịnh vượng.

Ngày 16: Tha thứ cho chính bản thân mình và những người làm tổn thương mình

Sau khi viết ra hết được nguyên nhân và những sự kiện khiến bản thân mình tổn thương, hãy viết một bức thư viết hết những cảm xúc tiêu cực mà bạn luôn mang cho bản thân hay người khác. Viết xong, hãy đốt nó đi.

Sau đó, cố gắng thử viết ra những điều tích cực bạn nhận được trong những sự kiện hay vết thương tường chừng “đen tối” ấy. Hãy nhớ rằng nếu không có chúng, bạn sẽ không có bản thân ngày hôm nay. Khi bạn đã chữa lành và vượt qua mọi thứ, biết đâu bạn có thể giúp đỡ được những người khác, như bạn bè, con cái bạn sau này hay những người bạn yêu thương. Hãy ôm lấy bản thân và dành cho bản thân sự bao dung và thông cảm nhất.

Có một câu chuyện mình đã được nghe: Một người đàn ông bị bắn vào xương sống và khi đứng trước thủ phạm ông nói rằng: “I would rather live with a bullet in my spine than live with hate and resentment in my heart ” – “Tôi thà sống với viên đạn sâu trong cơ thể còn hơn là sống với sự thù hận trong trái tim.” Sự thù hận và căm phẫn trong trái tim là điều tồi tệ nhất ta có thể làm với bản thân chỉ vì lỗi lầm của người khác.

♦ Mục đích

Khi bạn tha thứ được cho người khác, cũng là tha thứ cho chính mình. Và khi bạn đã học được cách tha thứ, bạn đã chấp nhận buông bỏ quá khứ. Và mở đầu cho một cuộc sống, một tương lai mới tốt đẹp hơn. Không còn thù hận, oán giận trong tim. Trái tim bạn lành lặn, thuần khiết, mạnh mẽ và bất bại.

Tha thứ cho người chính là buông tha cho chính mình

Ngày 17: Thực hành những liệu pháp giúp giảm căng thẳng và xoa dịu

Hãy chọn một hoạt động giúp bạn thư giãn, chẳng hạn như:

  • Các bài tập thở sâu – 7 bài tập hít thở sâu giúp giảm sự lo lắng
  • Thư giãn cơ bắp: yoga, tập thể dục, tản bộ…
  • Hình dung tưởng tượng ra cuộc sống mình yêu thích và tin rằng mình xứng đáng với những điều đó. Đó chính là hiện thực mới của bạn.
  • Thiền hành: giữ cho tâm trí ở hiện tại, nhận thức rõ từng hành động đi, đứng, ăn, uống, làm việc của bản thân
  • Sống trong chánh niệm
  • Khẳng định những ý niệm mới, niềm tin mới

♦ Mục đích

Thực hiện những hoạt động này khi bạn cảm thấy bất an, giúp Đứa trẻ bên trong cảm thấy được yêu thương và an toàn. Thực hiện những hành động này mỗi ngày giúp xây dựng lại nội tại, tâm hồn và tinh thần của bạn. Nếu bạn có thể duy trì những điều này mỗi ngày, chắc chắn cuộc sống của bạn sẽ bước sang trang mới mà không tốn quá nhiều sức lực.

Ngày 18: Thiết lập những giới hạn để bảo vệ bản thân

Hãy viết một danh sách những điều bạn cảm thấy không thoải mái, không được tôn trọng khi ai đó làm điều gì đó với bạn. Và thiết lập ranh giới cho bản thân. Mọi người, bất kể là ai, đều không được phép bước qua ranh giới này.

Nếu bạn cảm thấy cần nghỉ ngơi sau giờ làm, hãy mạnh dạn từ chối lời nhờ vả của đồng nghiệp. Nếu bạn muốn được chia phần bằng với những người khác, hãy nói lên yêu cầu của mình. Bạn không thích nghe lời chê bai của người yêu, hãy bảo anh/cô ấy tôn trọng và công nhận nỗ lực của mình. Bạn có quyền khước từ những người vượt qua giới hạn, vậy nên hãy làm điều đó. Ai xúc phạm bạn, hãy nói cho họ biết là họ đang xúc phạm bạn, và nếu họ không thay đổi, hãy loại người đó ra khỏi vòng quan hệ của bạn.

Thiết lập ranh giới hay giới hạn không phải để nhìn mà để thực hiện. Bạn cần thực hiện cho mọi người biết đâu là giới hạn họ cần tuân theo nếu muốn giữ mối quan hệ với bạn.

♦ Mục đích

Dù trước đây có thể bạn sợ rằng bị người khác không thích hay ghét mình. Nhưng đã đến lúc bạn phải bảo vệ bản thân và ưu tiên bản thân mình rồi. Nếu những người đó thật sự yêu thương bạn thì họ sẽ tôn trọng những giới hạn của bạn. Thậm chí họ còn cảm thấy tôn trọng giá trị của bạn hơn là lúc bạn để mọi người chà đạp, trêu đùa mà không có một giới hạn nào. Trước kia có thể không ai bảo vệ bạn, nhưng từ bây giờ bản thân bạn sẽ là người bảo vệ bạn vô điều kiện.

ngày 18 chữa lành đứa trẻ bên trong 28 ngày

Đừng lo lắng việc bạn sẽ mất hết các mối quan hệ, vì những người không tôn trọng bạn chỉ tạo nên mối quan hệ độc hại, bào mòn tinh thần của bạn mà thôi. Những con người mới sẽ đến với bạn. Những người bạn mới, người yêu mới tôn trọng bạn sẽ đến với bạn. Cái cũ độc hại rời đi, cái mới tích cực sẽ đến.

Cách bạn đối xử với chính mình là cách bạn dạy người khác nên đối xử với bạn.

Ngày 19: Trang trí lại căn phòng bằng những tấm ảnh hạnh phúc

Hãy tìm kiếm và in ra những hình ảnh gợi lên cho bạn cảm giác hạnh phúc, bình yên, yêu thương. Có thể là hình ảnh thiên nhiên, gia đình, hay bất kỳ điều gì làm bạn cảm thấy ấm áp. Sắp xếp chúng ở một nơi dễ nhìn thấy để nhắc nhở bản thân rằng bạn có một nơi an toàn cho Đứa trẻ bên trong.

♦ Mục đích

Bảng ảnh sẽ luôn nhắc nhở rằng bạn luôn có rất nhiều thứ tốt đẹp trong cuộc sống. Nó khiến bạn luôn có cảm giác an toàn, yêu thương và có nhiều động lực để bắt đầu một ngày mới. 

Ngày 20: Viết thư từ Đứa trẻ bên trong gửi tới bản thân phiên bản trưởng thành

Khác với lần trước là viết thư cho Đứa trẻ bên trong dưới góc nhìn của người lớn, lần này hãy làm ngược lại. Hãy viết thư dưới góc nhìn của Đứa trẻ bên trong, bày tỏ những cảm xúc, nhu cầu, và mong muốn với bản thân trưởng thành của bạn. Hãy lắng nghe, ghi nhận những cảm xúc và nguyện vọng ấy để hiểu rõ hơn những gì cần chú ý và chữa lành.

♦ Mục đích

Bức thư này là cơ hội để Đứa trẻ bên trong chia sẻ những cảm xúc, nhu cầu và mong muốn mà có thể bạn chưa nhận ra. Đây là bước quan trọng để nhận thức được những vấn đề chưa được giải quyết từ thời thơ ấu.

Ngày 21: Nghỉ ngơi và chăm sóc bản thân

Dành thời gian cho các hoạt động tự chăm sóc như: tắm thư giãn, đọc sách yêu thích, đi dạo, đi spa, ăn uống bổ dưỡng… Suy ngẫm về hành trình đã qua và cảm nhận những thay đổi tích cực trong tâm hồn.

♦ Mục đích

Thói quen cảm nhận bản thân là thói quen vô cùng quan trọng để nuôi dưỡng và duy trì tinh thần khỏe mạnh. Trong những ngày đau khổ, chữa lành; trong những ngày vui vẻ, yêu thương; và cả trong những ngày bình thường, không có gì đặc biệt; bạn luôn cần cảm nhận chính mình. Cảm nhận để thấu hiểu bản thân mọi lúc mọi nới. Thấu hiểu cái buồn, cái vui, và cả cái bình thường, bình lặng. Hãy nhớ rằng sự tự thấu hiểu bản thân là chìa khóa cho mọi cánh cửa bên trong và là ánh sáng dẫn dắt bạn đi đúng hướng trong mọi trường hợp.

Tổng kết tuần 3 của 28 ngày chữa lành Đứa trẻ bên trong

Khi đứa trẻ đã tin tưởng để kể hết nỗi lòng mình cho bạn nghe, bạn có thể dễ dàng chữa lành cho nó. Đứa trẻ không thể tự khâu vá vết thương của mình, vì thế mà nó cần bạn. Bạn như thiên sứ, xinh đẹp và lương thiện, đến cứu lấy cuộc đời của nó. Hãy cứ tiếp tục làm tốt vai trò thiên sứ này.

Những vết thương được vá sẽ cần thêm thời gian để hồi phục hoàn toàn. Tuần thứ 4 là khoảng thời gian để cho đứa trẻ hồi phục một cách cứng cáp và khỏe mạnh.

28 ngày chữa lành Đứa trẻ bên trong Tuần 4: Để Đứa trẻ bên trong trở nên cứng cáp và khỏe mạnh

Ngày 22: Nhìn nhận lại năng lực của bản thân qua những khó khăn

Hãy suy ngẫm về những trải nghiệm khó khăn mà bạn đã vượt qua trong quá khứ và ghi nhận sự dũng cảm, sự kiên trì của bản thân lúc đó. Thực ra bây giờ việc bạn vẫn đang ở đây, vẫn đang đọc bài viết này và đang cố gắng để chữa lành đã là minh chứng của sự nỗ lực vượt qua mọi khó khăn dù bản thân đã phải chịu nhiều thiệt thòi và tổn thương. Vậy không cớ gì bạn không có đủ sự mạnh mẽ và năng lực để chữa lành và vượt qua bất kỳ điều gì trong tương lai.

Hãy công nhận chính mình. Tự hào về những gì mình đã làm. Và biết ơn bản thân đã luôn cố gắng. Bạn là người cần phải công nhận bản thân mình nhất. Bạn phải là người đầu tiên công nhận, và tự hào về chính mình.

♦ Mục đích

Nhận ra sức mạnh và sự kiên cường mà Đứa trẻ bên trong đã thể hiện trong những lúc khó khăn giúp bạn cảm thấy tự tin hơn về khả năng vượt qua thử thách trong hiện tại. Biết ơn những gì mình đã và đang có. Hiểu rõ và sâu sắc về sức mạnh và giá trị của bản thân.

Ngày 23: Khuyến khích những ước mơ và khát vọng của Đứa trẻ bên trong

Hãy nghĩ lại xem hồi bé bạn có ước mơ gì? Bạn muốn làm điều gì? Bạn có còn thích nữa không? Hãy viết ra cả những ước mơ và khát vọng bạn muốn làm mà có thể bạn đã bỏ lỡ. Hãy nuôi dưỡng những điều đó hàng ngày để luôn giữ được niềm vui và sự tự tin trong cuộc sống. 

Giả dụ bạn đã có một công việc toàn thời gian trong công ty. Đam mê của bạn hồi bé là trở thành nhiếp ảnh gia. Bạn có thể vẫn nuôi dưỡng nó vào cuối ngày, hay nếu bận hơn thì là cuối tuần. Có thể chỉ là đơn giản chụp bầu trời lúc hoàng hôn, chụp bé mèo nằm dài trong nhà bạn. Chia sẻ nó với mạng xã hội hay bạn bè người thân. Biết đâu khi bạn dần kiên trì nó cũng sẽ bắt đầu có thành quả. Hoặc ít nhất nó cũng mang lại cho bạn sự thoải mái và hạnh phúc khi được là chính mình.

tuần 4 chữa lành đứa trẻ bên trong 28 ngày

♦ Mục đích

Xã hội thúc đẩy con người chạy theo cơm áo gạo tiền, thúc đẩy so sánh và nỗ lực chạy theo cuộc đời của người khác. Điều đó khiến bạn đánh mất chính mình. Việc thực hiện những ước mơ của bản thân một cách đơn giản, nhẹ nhàng, trong lúc rảnh rỗi, đưa bạn trở về là chính mình. Được là chính mình là cách để tiếp thêm năng lượng sống. Cũng là cách duy nhất để nhìn thấy ý nghĩa của cuộc sống.

Ngày 24: Xây dựng nền tảng khỏe mạnh bằng lòng biết ơn

Hãy viết 100 điều bạn cảm thấy biết ơn. Hãy viết đến khi nào bạn cảm thấy lòng biết ơn ngập tràn đến mức nước mắt có thể tự rơi.

♦ Mục đích

Khi bạn có cơ hội nhìn lại và biết ơn với những gì mình có, bạn sẽ xây dựng cho mình một tấm lòng biết ơn và một cái nhìn tích cực hơn. Đó là một nền tảng tốt để Đứa trẻ bên trong trở nên yêu đời, khỏe mạnh, tích cực.

Ngày 25: Mở rộng vùng an toàn cho Đứa trẻ bên trong

Hãy viết ra một danh sách tất cả các nỗi sợ của bạn. Chọn 1 điều bạn có thể làm ngay lập tức và thực hiện nó. Dù là nỗi sợ nhỏ, nó sẽ giúp cảm thấy tự tin hơn về bản thân. Từ đó dễ mở rộng vùng an toàn cho bản thân trong tương lai. Nó cũng là bước đệm cho bạn vượt qua được những nỗi sợ lớn hơn.

♦ Mục đích

Ví dụ đơn giản bản thân bạn là người không bao giờ thích thử đồ uống mới vì luôn sợ rằng đồ uống mới sẽ không ngon bằng đồ uống cũ. Nghe có vẻ chỉ là một sở thích ăn uống. Nhưng thực chất đằng sau đó có thể đến từ việc bạn là một người cầu toàn, luôn muốn mọi thứ hoàn hảo, sợ sai, sợ thất bại khi thử điều mới. Và bạn cũng mang nỗi sợ tương tự với những thử thách lớn hơn hay sự kiện đời sống thực tế. Vì vậy để mở rộng vùng an toàn, chỉ đơn giản là hãy thử một đồ uống mới. Giữ một tâm thái vui vẻ và trải nghiệm nó. Dù tốt hay không, bạn sẽ mở rộng thêm được vùng an toàn của mình và ngày càng trở nên tự tin hơn.

 

Ngày 26: Ăn mừng những chiến thắng nhỏ của bản thân

Hãy liệt kê những thành tựu và nỗ lực mà Đứa trẻ bên trong đã đạt được. Từ những việc nhỏ như hoàn thành bài tập, nấu một bữa ăn, đến những thành tựu lớn hơn. Hãy khen ngợi và tự thưởng cho bản thân bằng một hoạt động mà bạn yêu thích.

♦ Mục đích

Nếu trước giờ bản thân bạn luôn thiếu những lời khen, sự công nhận từ những người xung quanh, thì bây giờ hãy làm điều đó cho bản thân bạn. Bạn nghĩ rằng những kết quả to mới cần được tán dương, cổ vũ. Vậy tại sao những lỗi lầm nhỏ thì bạn lại luôn chỉ trích, giằng xé bản thân mỗi ngày. Thật không công bằng đúng không? Sự hạnh phúc nằm ở hành trình bạn đạt được những thành quả, chứ không phải là kết quả của nó. Vậy nên hãy ghi nhận và ăn mừng với từng nỗ lực nhỏ. Hãy để bản thân luôn tìm được niềm vui từ chính mình và tự hào về bản thân hơn.

Ngày 27: Thiết lập những thói quen mới

Sau 1 tháng vừa qua, hãy chọn ra những sở thích bạn muốn duy trì để kết nối và nuôi dưỡng tình yêu với bản thân. Có thể là viết nhật ký, thực hiện khẳng định tích cực, hay thiền theo hướng dẫn. Điều quan trọng là thực hành mỗi ngày để hình thành thói quen mới. Thói quen mới sẽ tạo nên tính cách mới, lối sống mới, cuộc đời mới.

♦ Mục đích

Nếu mỗi ngày bạn cố gắng thêm 1% là cả một năm bạn đã tốt hơn 365% rồi. Hãy duy trì những thói quen vì nó sẽ trở thành “tích cách” của bạn. Bạn có muốn tính cách của bạn sẽ là một người yêu bản thân, hạnh phúc, tích cực, là một người có giá trị không? Câu trả lời chắc chắn là “có” rồi.

Ngày 28: Nhìn lại hành trình vừa qua

Dành thời gian viết ra những điều bạn đã học được, những cảm xúc đã thay đổi, và những thành tựu trong quá trình chữa lành. Từ đó, hãy lên kế hoạch tiếp tục duy trì và phát triển bản thân. Đồng thời trân trọng sự cam kết và cố gắng mà bạn đã đặt vào hành trình này.

♦ Mục đích

Sau một tháng thực hành, đây là lúc bạn nhìn lại hành trình đã qua và ghi nhận những sự thay đổi, tiến bộ mà bạn đã đạt được. Việc nhìn nhận lại hành trình giúp bạn nhìn thấy rõ kết quả mình đạt được. Từ đó mang đến sự tự tin và tin tưởng vào cuộc sống.

Tổng kết tuần 4 của 28 ngày chữa lành Đứa trẻ bên trong

Sự hồi phục bắt đầu sau chữa lành. Vết thương được vá nay đã lành lặn. Việc duy trì lối sống lành mạnh là cách để tinh thần luôn khỏe mạnh. Những thói quen tinh thần mới sẽ dẫn đến một lối sống mới. Hãy chăm sóc tốt cho đứa trẻ như cách bạn vẫn đang làm trong tuần này để nó ngày càng vững vàng hơn.

tuần 4 chữa lành đứa trẻ bên trong 28 ngày

Tổng kết 28 ngày chữa lành Đứa trẻ bên trong

Qua 28 ngày, bạn sẽ trải qua một hành trình đầy thách thức nhưng cũng đầy ý nghĩa. Từ việc nhận diện nỗi đau, đối diện với tổn thương, đến việc buông bỏ quá khứ và nuôi dưỡng tình yêu với bản thân. Bạn đã kiên trì liên tục 28 ngày chữa lành Đứa trẻ bên trong để mang lại phép màu cho bản thân. Bạn xây dựng một mối quan hệ lành mạnh và tích cực với chính mình.

Hành trình này không phải là đích đến cuối cùng mà là bước khởi đầu cho một cuộc sống mới. Ở đó, bạn có thể sống thật với bản thân, yêu thương và tự tin tiến bước trong cuộc đời. Hãy luôn nhớ rằng, bạn xứng đáng được yêu thương và tôn trọng. Và Đứa trẻ bên trong bạn cũng xứng đáng được bảo vệ, chăm sóc và phát triển theo cách lành mạnh nhất.

Sau hành trình này, bạn cũng đã có thể hiểu được sơ bộ về cách để tự chữa lành. Khi đối diện với những nỗi đau khác, bạn hoàn toàn có thể tự biết cách để hồi phục cho bản thân mình.

Hãy kiên trì tới cùng. Và khu vườn Molly rất mong có thể nhận được những phản hồi tích cực khi thực hiện hành trình này từ bạn!

>> Hành Trình 28 Ngày Chữa Lành Đứa Trẻ Bên Trong (P1): Bắt Đầu Từ Sự Nhận Thức và Kết Nối

Bạn cần hỗ trợ chữa lành Đứa trẻ bên trong bởi Khu vườn Molly, đăng ký ngay.

#đứa_trẻ_bên_trong

Đăng ký Healing 1-1

Tâm sự, chia sẻ, và nhận những giải đáp để hỗ trợ bình yên trong tâm hồn, chữa lành những tổn thương và sống cho giây phút hiện tại.

Đăng ký ngay