Hiểu đúng về chữa lành – Khi nào thì cần chữa lành?
Gem
author
Những cái nhìn sai lầm về chữa lành sẽ khiến bạn dễ dàng đi chệch hướng, chán nản và nhiều lo âu. Bất kỳ nhận thức sai lầm nào cũng đều có thể làm cho hành trình chữa lành của bạn trở nên khó khăn hơn, và bất thành. Hiểu đúng về chữa lành sẽ giúp bạn có cái nhìn đúng đắn về những gì mình cần làm, và không nên làm để hồi phục sức khỏe tinh thần. Có một nguyên tắc vô cùng cơ bản trong chữa lành cho bản thân: dễ là đúng. Chính xác là như thế, nếu bạn cảm thấy dễ dàng, thoải mái trong quá trình chữa lành, tức là bạn đang đi đúng hướng. Ngược lại, bạn đã đi sai đường rồi. Hãy luôn tin vào cảm nhận của bản thân.
Để hiểu đúng về chữa lành, bạn không cần phải đọc hàng tá sách báo viết về hành trình chữa lành của hàng trăm, hoặc nghìn người khác nhau để tự đúc kết. Bạn chỉ cần bài viết này là đủ.
1. Khi nào thì cần chữa lành
Đây là điều đầu tiên bạn cần hiểu đúng về chữa lành. Không phải lúc nào cũng “chữa lành”. Không nên lạm dụng nó một cách thái quá. Có những người, những trường hợp cần phải hồi phục sức khỏe tinh thần, nội tâm. Nhiều người, hoặc trường hợp khác không cần phải làm điều này, để tránh lãng phí thời gian vào việc vô ích.
Các trường hợp không cần chữa lành
Dễ khóc, đa sầu, đa cảm… đều là những trạng thái cảm xúc bình thường của con người. Khi nhìn thấy, xem, đọc những gì có tính rung động, cảm xúc của bạn có thể đồng cảm, tức giận và khóc. Nếu bạn không muốn bản thân như thế, thì chỉ việc ngừng xem, đọc những gì làm mình dễ cảm động.
Bạn cảm thấy mình có những tính cách “xấu xí”, ví dụ như: hẹp hòi, ích kỷ, tính toán, ghen tuông, kiểm soát… Thực chất cũng không cần chữa lành. Miễn là bạn cảm thấy ổn với những tính cách của bản thân, bạn vẫn chung sống hòa bình được với chúng, thì bạn không cần phải làm gì khác đi cả.
Bạn thường hay nghĩ về những điều tiêu cực, bạn cảm thấy thỏa mãn trong những suy nghĩ ấy. Rõ ràng là bạn không cần chữa lành.
Bạn cảm thấy bản thân đau khổ trong cuộc sống hiện tại, và chỉ muốn phép màu nào đó xuất hiện để cho hoàn cảnh bên ngoài thay đổi đi và bạn sẽ hạnh phúc hơn. Bạn không cần đến sự chữa lành.
Bạn đau khổ vì tình và rất muốn người yêu quay lại với mình. Bạn muốn có một cách nào đó để cha mẹ, anh chị, bạn bè, thầy cô, người yêu phải hiểu mình. Bạn muốn có một giải pháp nào đó để cho mọi việc thuận theo ý mình. Bạn hoàn toàn không cần đến sự chữa lành.
Các trường hợp nên chữa lành
Bạn không chấp nhận nổi chính mình. Bạn không chấp nhận nổi tính cách của bản thân. Bạn không chấp nhận được những suy nghĩ bên trong mình. Bạn không chấp nhận được những sai lầm và thất bại của bản thân. Luôn có những mâu thuẫn nội tâm trong tâm trí bạn. Bạn lặp đi lặp lại một mô thức khiến bản thân đau khổ, và bạn muốn ngừng mô thức ấy. Bạn muốn thấu hiểu chính mình. Bạn muốn tự yêu lấy chính mình. Bạn muốn xây dựng hạnh phúc tự thân. Bạn muốn thay đổi cách nhìn nhận cuộc sống. Bạn muốn có một cuộc sống mới từ trong tâm hồn của mình. Bạn không muốn bản thân phải phụ thuộc cảm xúc vào bất kỳ ai. Bạn không muốn bi lụy bất kỳ ai. Bạn muốn được độc lập và có một tinh thần khỏe mạnh.
Bạn muốn bản thân có thể phản ứng nhẹ nhàng hơn trước các sự việc bất như ý. Bạn muốn ngừng ảm ảnh ngoại hình. Bạn muốn bản thân không còn tính kiểm soát thái quá. Bạn muốn bản thân không còn cảm giác về khoảng cách giữa mình với những người xung quanh, đặc biệt là với bạn bè, người thân, người yêu. Bạn muốn bản thân là sự đóng góp cho sự hài hòa trong các mối quan hệ. Bạn muốn được cảm thấy an nhiên, an lành trong mọi kết quả của cuộc sống.
Yeah, bạn đã đến đúng nơi. Bạn nên chữa lành cho chính mình.
2. Chữa lành là gì?
Điều thứ hai cần phải hiểu đúng về chữa lành là ý nghĩa đúng đắn của nó. Chữa lành là làm gì? Mang những ý nghĩa nào? Việc hiểu sai về các hành động chữa lành sẽ chẳng làm cho bạn “lành” thêm chút nào cả. Ngược lại, bạn có thể sẽ cảm thấy ác cảm với 2 chữ “chữa lành”.
-
Những ý nghĩa không đúng về chữa lành
Chữa lành không phải là phép thuật nào đó có thể làm cho bối cảnh cuộc sống bên ngoài của bạn thay đổi. Chữa lành cũng không phải là thay đổi bản thân. Không phải là biến bạn trở thành một người tu hành, đắc đạo, thánh nhân, phật, hay bồ tát. Càng không biến bạn thành người đầy lòng bao dung, giàu lòng nhân ái cho người khác, không bao giờ tức giận hay nói cách khác là như kiểu đức mẹ.
Chữa lành không phải là ép bản thân phải tích cực lên, làm theo những lời nói truyền động lực sáo rỗng. Không phải là cố quên đi quá khứ, cố không nghĩ đến, cố không có cảm giác gì. Càng không phải cố vui, “đừng buồn”, cố lạc quan, “đừng tiêu cực”…
-
Những ý nghĩa đúng đắn về chữa lành
Chữa lành chỉ là chấp nhận bản thân, bất kể là bản thân như thế nào. Bạn có thể cục súc, hoặc hướng nội. Bạn cũng có thể giàu tình yêu hoặc không. Bạn có thể hào phóng hoặc keo kiệt. Bạn có thể vô cùng kỷ luật, hoặc lúc chán nản lúc hào hứng. Chả có gì sai cả. Bạn học cách chấp nhận chính mình. Sự chấp nhận sẽ kết thúc tất cả cuộc xung đột nội tâm. Không còn chỉ trích, phán xét hay lên án bản thân nữa. Không còn chế giễu, thù ghét bản thân. Cũng không còn cảm thấy xấu hổ và tủi thân về chính mình.
Chữa lành cũng đồng nghĩa với việc để cho bản thân được yên. Không có đấu tranh, hay thúc ép bản thân phải khác đi. Là để cho bản thân được bình yên, để cho tâm trí được bình yên. Bình yên ngay cả trong sai lầm, sự thất bại, tiêu cực, mệt mỏi, đau khổ… Là buông bỏ. Buông bỏ những gì không thuộc về mình. Buông bỏ những thứ mình không thể kiểm soát.
Chữa lành là thấu hiểu bản thân, quan tâm, chăm sóc và yêu thương bản thân. Là rút ra những bài học cuộc sống, để sau này có thể phản ứng hoặc hành động phù hợp hơn, để cảm thấy cuộc sống dễ chịu hơn. Là tha thứ cho những lỗi lầm của mình. Là không còn đày đọa bản thân bằng việc thù hận người khác.
Việc hiểu đúng về chữa lành, ý nghĩa của chữa lành sẽ cho bạn biết bạn sẽ cần làm gì để hồi phục sức khỏe tinh thần của mình. Không lan man vào những việc vô nghĩa, chỉ khiến bản thân thêm căng thẳng. Bạn tập trung vào đúng việc cần làm và trả lại sự bình yên cho chính mình.
3. Hành trình lặp lại
Chữa lành là một hành trình như các hành trình khác trong cuộc đời bạn: học tập, trưởng thành, theo đuổi ước mơ… Chữa lành là một hành trình trải nghiệm và tận hưởng cuộc sống. Đôi lúc bạn cảm thấy mệt mỏi vì mọi thứ có vẻ như cứ lặp lại. Nhưng trong hành trình sống, làm gì có chuyện chúng ta không lặp lại món ăn, trải nghiệm, nơi đã từng đến. Thay vì chỉ mải tập trung vào điểm cuối, hãy tận hưởng mỗi bước chân trên hành trình này.
-
Một vấn đề liên tục lặp lại
Có thể đó là điều mà bạn vô cùng ngán ngẩm: mọi thứ vẫn chưa kết thúc. Nỗi đau vẫn lặp lại, mọi thứ vẫn như cũ. Lý do rất đơn giản: chưa có gốc rễ nào được xử lý.
Chữa lành thực sự là một hành trình. Giống như khi mang một chiếc laptop ra tiệm để sửa chữa, chiếc laptop sẽ được bắt bệnh, nếu chữa đúng thì xong, nếu không đúng thì phải bắt bệnh lại lần nữa. Mọi thứ sẽ khó khăn hơn, và cần nhiều lần bắt bệnh, thử điều trị hơn nếu bạn tự làm việc đó, một người không có chuyên môn. Vì thế mà bạn cảm thấy mọi thứ như chưa bắt đầu, việc chữa lành liên tục lặp lại.
Bạn sẽ cần phải thả lỏng và cho bản thân nhiều cơ hội tìm kiếm ra được gốc rễ vấn đề từ đâu ra và xử lý nó. Thực ra bạn cũng chả mất gì cả, chỉ tốn chút thời gian. Mà thời gian thì luôn trôi đi, dù bạn có làm gì hay không. Vì thế mà, thực chất là bạn chẳng mất gì cả, cứ cho bản thân thật nhiều cơ hội để chữa lành cho mình. Cũng giống như khi bạn có 1 chùm 20 chiếc chìa khóa, và chả biết chìa nào mở được cửa. Cứ thư thả mà thử từng chiếc chìa thôi.
-
Nhiều vấn đề khác nhau
Khi bạn đã chữa lành xong cho một tổn thương, một tổn thương khác lại xuất hiện. Bạn cảm giác chán nản, cảm tưởng như cuộc đời mình đầy rẫy vấn đề. Thực tế, mỗi một người có từ 1-3 tổn thương gốc rễ. Tuy nhiên lại có rất nhiều tổn thương xoay quanh gốc rễ ấy. Vì thế mà bạn có thể sẽ cảm thấy bị ngợp trước số lượng tổn thương của mình.
Mọi thứ sẽ trở nên đơn giản hơn, khi bạn tập trung tìm kiếm tổn thương nào đang là nền tảng cho những cái còn lại, và giải quyết đúng nó. Bạn sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian chữa lành nếu tập trung vào đúng vấn đề. Việc này cũng có thể hiểu như cách con người chữa bệnh: tìm ra đúng bệnh, thay vì chỉ điều trị các triệu chứng bên ngoài (đau đầu, nhức mỏi, cảm cúm, sốt…).
Ví dụ như: tổn thương gốc rễ là không được công nhận. Bạn có thể có những biểu hiện như: so sánh, không công nhận bản thân, không công nhận người khác, xem thường người khác, thần tượng quá mức một ai đó, theo đuổi vật chất, định nghĩa giá trị con người thông qua thành tựu, dễ bị lợi dụng, đòi hỏi nhiều sự công nhận từ người khác (không bao giờ thấy đủ), làm việc đến chết để được công nhận, luôn nghe lời, tuân thủ các quy định một cách khắt khe,…
4. Thời gian để chữa lành
Thời gian để hoàn thành một việc gì đó sẽ phụ thuộc vào tình trạng của mỗi người. Người có khả năng thấu hiểu bản thân mình càng tốt, sẽ càng rút ngắn thời gian chữa lành. Tuy nhiên đó cũng không phải là một vấn đề để bận tâm. Hãy cho bản thân thời gian được chậm rãi, từ từ chữa lành. Bạn cũng đã sống vội vã suốt thời gian qua rồi đó thôi. Sự vội vã cũng không làm cho mọi thứ tốt đẹp hơn. Ngược lại, sự vội vã chỉ làm mọi thứ thêm căng thẳng.
Như phần 3 có nói, hành trình chữa lành có thể là sự liên tục lặp lại, vì thế mà thời gian có thể kéo dài. Hãy cứ thoải mái, cho bản thân cơ hội được thử và thực hiện. Trong suốt quá trình ấy, bạn sẽ liên tục học cách thấu hiểu chính mình. Khi khả năng thấu hiểu bản thân của bạn ngày càng tốt lên, đó cũng là lúc quá trình chữa lành trở nên vô cùng dễ dàng.
Bạn nên đọc 5 phương pháp giúp bạn cải thiện khả năng tự nhận thức để có thể tìm hiểu thêm về cách để tăng khả năng thấu hiểu bản thân.
5. Người hỗ trợ chữa lành
Điều cuối cùng bạn cần hiểu đúng về chữa lành là người đồng hành hỗ trợ bạn chữa lành. Bạn sẽ luôn có họ trong hành trình cuộc sống của mình. Có 3 dạng người hỗ trợ chữa lành khác nhau.
-
Healer
Healer là người có thể giúp bạn tìm ra nhanh chóng những gốc rễ tổn thương và hướng dẫn bạn các kỹ thuật hiệu quả để chữa lành. Healer sẽ đặt nhiều câu hỏi để giúp bạn truy vấn bản thân, và có thể nắm bắt toàn bộ tình trạng thương tổn của bạn thông qua những câu trả lời của bạn. Bên cạnh đó healer cũng có thể nhận dạng được những dữ kiện giả do tâm thức bạn tạo ra để tránh việc chữa lành.
Có sự giúp đỡ của healer, bạn có thể dễ dàng chữa lành cho mình, tránh việc đi nhầm hướng, nhầm đường, tiết kiệm thời gian cho bạn.
-
Bạn đồng hành
Gần như ai cũng có 1 hoặc nhiều người đồng hành trong cuộc đời mình. Mỗi thời điểm có một người khác nhau đồng hành cùng mình. Họ giúp mình xoa dịu những tổn thương, làm cho cuộc sống của mình có vẻ như tốt lên.
Trường hợp bạn tỉnh táo và thông minh
Trong trường hợp bạn có đủ tinh táo, bạn sẽ biết rằng điều này không kéo dài. Không ai có thể bên cạnh, chiều mình mãi, làm mình vui mãi, trong khi bản thân mình lại đầy thương tích, và luôn có khả năng làm họ mệt mỏi và chán nản. Nếu có đủ sự nhận thức, bạn biết rằng bạn cần phải chữa lành cho bản thân để có thể trao cho họ yêu thương, hạnh phúc và niềm vui, như cách họ đã làm với bạn, thay vì chỉ bào mòn tình yêu của họ. Nếu bạn có đủ sự thông minh, bạn sẽ tận dụng khoảng thời gian có họ bên cạnh, là chỗ hỗ trợ tinh thần cho mình, để bắt đầu chữa lành cho bản thân.
Khi họ rời đi, vì hết duyên, bạn chấp nhận một cách nhẹ nhàng. Quan trọng hơn hết, bạn đã hồi phục được sức khỏe tinh thần mình một phần nào đó. Khi người bạn/yêu tiếp theo xuất hiện, yêu thương và quan tâm đến bạn, bạn lại tìm thấy một cơ hội tốt mới để tiếp tục hồi phục sức khỏe tinh thần của mình. Quá trình chữa lành của bạn diễn ra nhẹ nhàng và suôn sẻ. Luôn có người đồng hành, luôn có tình yêu bao quanh. Tinh thần bạn ngày càng khỏe mạnh hơn và độc lập hơn. Bạn trao đi tình yêu tích cực cho những người xung quanh. Bạn thu hút những điều tốt đẹp như năng lượng của bạn.
Trường hợp bạn không thể tự nhận thức
Trong trường hợp bạn không tỉnh táo, bạn sẽ dựa dẫm vào họ, phụ thuộc vào họ, hút máu họ. Không một ai muốn ở cạnh một người luôn dựa dẫm vào mình, điều đó khiến họ mệt mỏi. Không một ai muốn ở bên cạnh một kẻ chỉ hút máu, hút cạn tình yêu trong họ, mà chả trao lại cho họ tình yêu. Vì thế mà họ sẽ rời đi, rời khỏi bạn. Bạn cảm thấy sụp đổ và khốn khổ vô cùng khi chỗ dựa biến mất, nguồn máu biến mất. Bạn trách người ta không đủ yêu bạn. Bạn chỉ trích bản thân khiến họ rời đi. Bạn trách móc cuộc đời đối xử với bạn quá bất công. Bạn hận người, hận đời. Bạn gia tăng đau khổ cho chính mình.
Khi người bạn/yêu mới xuất hiện, bạn lập tức bám víu vào họ. Mọi thứ lặp lại. Bạn dựa dẫm vào họ, hút cạn tình yêu của họ. Bạn trao cho họ sa mạc hoang cằn, không sự sống. Họ khổ sở rời khỏi bạn. Bạn chôn vùi mình xuống địa ngục sâu hơn.
Bạn chỉ trích tình yêu không vĩnh cửu của họ. Nhưng ít ra họ vẫn có tình yêu, dù nó có phần giới hạn. Thực chất, cũng chẳng ai có tình yêu vô hạn cả. Vẫn tốt hơn bạn, kẻ chẳng có chút tình yêu nào, khô cằn, không chút sự sống.
-
Người phản chiếu vết thương của bạn
Có thể bạn từng cảm thấy cả 2 rất hợp nhau, rất ăn ý, như thể đó là người tuyệt vời nhất. Nhưng giờ đây họ chỉ khiến bạn khó chịu, và làm bạn tổn thương. Hoặc đó có thể là người bạn ghét, một người đi đường, hoặc bất kỳ một ai khiến bạn cảm thấy tổn thương.
Trường hợp bạn tỉnh táo và thông minh
Trong trường hợp bạn đủ tỉnh táo, bạn biết rằng họ không phải là người gây ra tổn thương cho bạn. Bạn vốn đã có sẵn tổn thương trong mình, họ chỉ vô tình khơi gợi những tổn thương ấy mà thôi. Bạn nhận thức được rằng: nếu không chữa lành cho những tổn thương này, nó sẽ tiếp tục làm bạn đau, bất kể là bạn gặp ai, chơi với ai, sống ở đâu và làm gì. Họ giúp bạn nhìn thấy rõ nội tâm thương tổn của mình, từ đó tìm cách để chữa lành cho chính mình.
Một kẻ thông minh sẽ biết ơn những ai đang giúp mình. Bạn biết ơn họ đã giúp bạn nhìn ra hố sâu trong mình, vết thương đang bào mòn mình. Bạn biết ơn họ vì giúp bạn nhìn thấy rõ bản thân để có thể biết được mình nên bắt đầu hồi phục sức khỏe tinh thần từ đâu.
Trường hợp bạn không thể tự nhận thức
Bạn căm ghét tất cả họ, bạn nghĩ rằng họ là kẻ tồi tệ, độc ác, là kẻ làm mình tổn thương. Bạn tự hỏi trời rằng: vì sao cuộc đời mình chỉ gặp những kẻ làm mình tổn thương, vì sao ai cũng tàn nhẫn với mình? Bạn đổ lỗi cho tất cả mọi người rằng đã khiến bạn thê thảm như hiện tại. Bạn căm hận cuộc đời. Bạn chìm ngập trong hố đen, khao khát được kéo lên bởi người khác, nhưng lại tự ghì chặt dưới hố đen ấy để không bị kéo lên.
Hiểu đúng về chữa lành là điều nên làm khi bạn bắt đầu chữa lành cho bản thân. Như vậy bạn có thể tăng khả năng nhận thức của mình, tận dụng được những người, những việc đang xảy ra xung quanh để chữa lành cho mình.
Tổng kết
Chữa lành là một hành trình cuộc sống. Không nên vội vàng, hối thúc. Hãy để bản thân tận hưởng hành trình chữa lành như các hành trình khác của cuộc sống: học tập, làm việc, yêu đương, chăm sóc con cái, sống cùng cha mẹ, theo đuổi ước mơ, cao lớn hơn, trưởng thành hơn, mang thai… Không thể hối thúc bất kỳ hành trình nào. Không nên chỉ nhìn mỗi kết quả, nếu chỉ nhìn mỗi điểm cuối thì còn gì là niềm vui của cuộc sống, làm gì còn thời gian cho ta sống.
Hiểu đúng về chữa lành sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn và nhẹ nhõm hơn trình này. Bản chất chữa lành không có chút căng thẳng nào cả. Mỗi khi bạn có thể chấp nhận và yêu thương bản thân mình hơn là mỗi lúc cuộc sống trở nên nhẹ nhàng và an nhiên hơn. Vì thế mà hành trình chữa lành là hành trình đáng tận hưởng. Tận hưởng từng khoảnh khắc nhiệm màu của an lành và bình yên bắt đầu xâm chiếm tâm trí bạn, cuộc đời bạn.