Học cách tha thứ cho chính mình
Thảo Nguyên
author
Tha thứ cho chính mình chính là cách hiệu quả giúp bạn chữa lành vết thương tâm hồn. Hơn hết, điều này sẽ làm bạn vượt qua những rào cản của tự ti, mặc cảm để vươn tới hạnh phúc thực sự. Chính vì thế, hãy xem phương pháp này là món quà ý nghĩa để hàn gắn tổn thương vô điều kiện.
Điều đầu tiên để biết yêu thương bản thân chính là học cách tha thứ cho chính mình. Chúng ta luôn được nhắc nhở phải luôn bao dung với lỗi lầm của người khác. Chúng ta luôn dễ dàng bỏ qua cái tôi của bản thân để nhận lấy lời xin lỗi chân thành. Nhưng chúng ta lại có xu hướng khắc nghiệt với lỗi lầm của chính bản thân!
Khi bạn mắc phải một sai lầm trong quá khứ. Bạn có thể cầu xin sự tha thứ từ người khác. Nhưng trong tận sâu thâm tâm, bạn luôn day dứt về những chuyện đã qua. Người khác chọn cách tha thứ cho bạn. Nhưng bạn lại chọn cách không buông tha cho chính mình. Chính vì thế, những tổn thương tâm lý ngày càng nghiêm trọng hơn. Chỉ có tha thứ cho chính mình mới có thể giúp bạn chữa lành và sống hạnh phúc hơn. Sau đây là cách để bạn có thể tự tha thứ cho chính mình.
Chấp nhận khuyết điểm của bản thân
Bất kỳ ai trên đời này đều tồn tại ưu điểm và khuyết điểm. Tuy nhiên, bằng một sức mạnh vô hình nào đó, bạn chẳng bao giờ tập trung vào điểm mạnh của mình. Thay vào đó bạn chỉ tập trung vào điểm yếu của mình. Bạn nhìn vào chúng và luôn hỏi: “Tại sao mình lại yếu kém như thế?”, “Tại sao mình lại có những điểm yếu đáng ghét này?”. Bạn không chấp nhận những điểm yếu của mình. bạn chống đối chúng và muốn chúng biến mất. Nhiều lúc bạn chìm đắm vào thế giới mang tên tự trách bản thân. Bạn tự trách móc những điểm yếu của mình. Tự trách bản thân vì cho rằng mình kém cỏi hoặc thiếu may mắn. Nhưng khuyết điểm đâu phải là lỗi của bạn.
Ai sinh ra cũng có điểm mạnh riêng của mình. Để đạt được những thành công trong cuộc đời mình, họ luôn tận dụng những điểm mạnh mà họ có. Đồng thời, họ cũng hạn chế sử dụng những điểm yếu của mình. Không ai hoàn hảo đến mức sinh ra không có lấy một điểm yếu hay khuyết điểm nào. Vậy thì tại sao bạn không bắt chước những người thành công ngoài kia, tập trung phát huy thế mạnh của mình và chấp nhận những yếu kém của bản thân? Việc bới móc điểm yếu của mình không giúp cho bạn tốt hơn. Việc cố gắng loại bỏ điểm yếu là một việc tốn thời gian và công sức. Tuy nhiên, việc này không mang lại hiệu quả gì.
Việc chấp nhận khuyết điểm sẽ giúp bạn ngừng trách móc chính mình. Đầu óc và tâm hồn bạn sẽ không còn bị cầm tù trong ngục tối. Đôi mắt của bạn bắt đầu nhìn thấy những điều đẹp đẽ hơn. Tâm trí bạn cũng dịch chuyển sự tập trung vào những điều bạn có thể làm tốt.
Bao dung với chính mình
Nhà tâm lý học Storsay nhận định rằng: “Đối xử với bản thân bằng sự tử tế và từ bi chính là bài học đầu tiên để chạm tay đến hạnh phúc”.
Để học cách tha thứ cho chính mình, bạn cần phải đối diện với hành động mình đã gây ra. Sau đó, sửa đổi về những lỗi lầm đã gây ra. Tuy nhiên, điều quan trọng là cách bạn đối xử với bản thân sau những chuyện đã xảy ra.
Dằn vặt hay tự trách bản thân chưa bao giờ là điều hay ho cả. Hãy đối xử bao dung với chính mình như cách bạn đã bao dung với lỗi lầm của những người xung quanh. Đừng phán xét bản thân vì chuyện đã qua. Thay vào đó, xin hãy khoan dung và từ bi với chính mình. Bạn xứng đáng được tha thứ vì đã dũng cảm đối diện với sai lầm. Và luôn mong muốn làm tốt hơn trong tương lai.
Hãy học cách trò chuyện nghiêm túc với thế giới nội tâm của mình. Thấu hiểu tường tận những gì đã xảy ra để xoa dịu những cảm xúc tiêu cực. Chỉ đơn giản vậy thôi để thông cảm và bao dung với chính mình! Hãy nhớ rằng con người ai cũng có thể mắc sai lầm. Đừng dằn vặt vì sai lầm! Hãy biến sai lầm thành nền tảng vững chắc để giúp ta trưởng thành và phát triển hơn mỗi ngày!
Đừng mãi đau đáu về những sai lầm trong quá khứ. Chúng chỉ là những phép thử thất bại trong hành trình cuộc đời của bạn mà thôi. Hãy thông cảm và bao dung với những thiếu sót, sự kém hiểu biết, và ít kinh nghiệm của mình.
Rút kinh nghiệm, sửa lỗi và học cách cố gắng hơn nữa
Rút kinh nghiệm và sửa lỗi là điều quan trọng của sự bao dung. Nói một cách dễ hiểu, giống như việc bạn khó tha thứ cho người khác cho đến khi họ nỗ lực sửa đổi lỗi lầm của mình. Việc bạn tha thứ cho chính mình cũng tương tự như vậy! Cách để loại bỏ cảm giác hối hận và tội lỗi chính là bù đắp bằng việc sửa chữa lỗi lầm. Xin lỗi là điều cần thiết. Bù đắp những lỗi lầm đã qua là điều hiển nhiên. Nhưng đừng quên rằng bản thân cũng xứng đáng được bao dung vì cũng đã nỗ lực sửa lỗi.
Ai trong chúng ta đều ít nhất một lần phạm sai lầm. Ai cũng sẽ ít nhiều mang trong mình cảm giác tội lỗi vì một nguyên do nào đó. Việc liên tục day dứt và dằn vặt chính mình sẽ gây tổn thương tâm lý nghiêm trọng. Điều này sẽ làm bạn mất động lực sống.
Tha thứ cho chính mình vì bạn đã rút kinh nghiệm từ chính sai lầm trong quá khứ. Việc cố gắng sửa đổi còn giúp bạn trưởng thành hơn mỗi ngày. Bên cạnh đó, việc nỗ lực còn giúp bạn định hình một tương lai tươi sáng hơn. Sai lầm sẽ cho bạn những bài học kinh nghiệm quý báu để nhắc nhở bản thân vượt qua nhiều thử thách trong cuộc sống.
Hãy đón nhận sự bao dung từ thế giới xung quanh
Đọc đến đây chắc chắn sẽ có nhiều bạn thắc mắc rằng tại sao đón nhận sự bao dung từ người khác lại giúp ta tha thứ cho chính mình. Tôi sẽ kể cho bạn nghe một câu chuyện cảm động để bạn hiểu rằng ai cũng xứng đáng được yêu thương.
Tại đất nước Nhật Bản xa xôi, có một bà mẹ vừa mất đi đứa con của mình do tai nạn giao thông. Nguyên nhân của vụ tai nạn được xác định là do người gây tai nạn ngủ gật trên đường đi làm về. Sống trong nỗi đau mất con không thể diễn tả bằng lời. Nhưng người mẹ đã làm một điều khiến cả nước Nhật phải nghiêng mình thán phục. Đó chính là, bà đã quyết định hiến trái tim của người con trai đã mất cho một nạn nhân tai nạn giao thông khác. Ngạc nhiên hơn cả, người được hiến tặng chính là người đàn ông đã gây tai nạn cho con bà.
Khi được hỏi lý do về quyết định trên, bà đã có câu trả lời kinh ngạc và đầy tính nhân văn. Lý do người mẹ làm điều phi thường trên vì bà muốn trái tim của con mình được sống lại một lần nữa. Và bã đã nói rằng, bà tha thứ cho người đàn ông gây ra cái chết cho mình. Vì bà không muốn trên đời này có thêm một người mẹ trải qua nỗi đau khổ giống như bà.
Người đàn ông được sống lại từ chính trái tim của người chết vì lỗi lầm của mình đã vô cùng xúc động. Anh ta đã sống những ngày vô cùng dằn vặt vì một phút lơ đễnh của mình. Tuy nhiên sau đó, anh ta đã nhận ra rằng mình cần phải sống có trách nhiệm hơn. Sống tốt hơn vì sự bao dung cao cả của người mẹ. Sống tốt hơn để sửa chữa lỗi lầm mình đã gây ra. Sau đó, anh ta đã nhận người mẹ của nạn nhân làm mẹ nuôi và nhận phụng dưỡng người phụ nữ này.
Câu chuyện cảm động này không chỉ chứa đựng yếu tố nhân văn sâu sắc. Mà còn chứng minh một điều rằng ai cũng xứng đáng được yêu thương và làm lại từ đầu. Người khác tha thứ cho bạn vì lỗi lầm của bạn. Thì chẳng có lý do gì để bạn không tha thứ cho chính mình!
Kết
Hành trình tìm kiếm hạnh phúc là một hành trình gian nan. Quãng đường và cách thức để mỗi người tìm kiếm bình yên cho mình cũng không giống nhau. Nhưng tôi tin rằng, khi bạn đi đúng đường, bạn chắc chắn sẽ tìm được hạnh phúc, dù nhanh hay chậm. Thế giới này sẽ hạnh phúc hơn khi con người biết bao dung và yêu thương nhau! Và bạn chắc chắn sẽ hạnh phúc khi biết cách tha thứ, bao dung và yêu thương chính mình!