khuvuonmolly@gmail.com
/
Địa chỉ :
Số điện thoại liên hệ:

Khi quan tâm quá nhiều thành gánh nặng

Author Avatar

CB1501

author

Quan tâm vốn dĩ là một hành động, cử chỉ tốt đẹp và đáng quý mà có lẽ không phải ai cũng có thể có cơ hội được nhận trong cuộc sống đầy màu sắc này. Nhưng bạn có biết khi quan tâm nhiều quá hóa làm phiền hay sẽ trở thành gánh nặng cho bản thân chúng ta và cho cả người được quan tâm?

Bạn có cảm thấy kiệt quệ về sức lực, mọi thứ rối tung và đôi khi thấy bản thân mình dường như chẳng làm được gì, cho mình và người mình thương, dù đã cố gắng rất nhiều không? Nếu có, có lẽ bạn đang ở trong tình huống quan tâm quá nhiều.

1, Thế nào là quan tâm quá nhiều?

Một cách ngắn gọn, quan tâm quá nhiều là lúc nào chúng ta cũng nghĩ đến người được quan tâm.

Như thế nào là quan tâm quá mức
  • Hoàn toàn bận tâm đến cảm xúc của người khác

Bạn vui khi người ta vui, bạn buồn khi người ta buồn. Bạn hoàn toàn hòa nhập, đồng điệu với cảm xúc của người khác hơn là chính mình. Một ngày của bạn bắt đầu bằng việc nghĩ đến họ trước tiên. Bạn xem phim có tình tiết nào hay cũng muốn nhắn tin cho họ. Thấy bản tin thời tiết có mưa thì nhắn họ cẩn thận. Thấy điện thoại báo chất lượng không khí không tốt, lại nhắn họ ít ra ngoài. Đến bữa trưa bạn cũng muốn biết họ ăn có ngon không? Học tập, công việc có ổn không? Tâm trạng họ thế nào.

Lúc nào bạn cũng bận lòng về người được quan tâm. Họ trở thành nguồn sống của bạn. Bạn dường như “gánh” toàn bộ cảm xúc của người được quan tâm. Bạn bận tâm tới họ ngay cả khi bạn ở ngay bên họ. Nếu bạn lúc nào cũng ở trạng thái nhanh nhanh chóng chóng hoàn tất mọi việc của bản thân để lo lắng, quan tâm cho người khác, bạn đang ở trạng thái của hiện tượng quan tâm quá nhiều!

  • Luôn có cảm giác tội lỗi

Bạn có bao giờ bất an đến mức mất ăn mất ngủ vì cảm thấy mình chưa làm đủ, mình quan tâm chưa đủ? Nếu có, đó là một trong những biểu hiện tiêu biểu của việc bạn quan tâm quá nhiều. Bởi vì luôn bận lòng đến người khác, nên một cảm xúc thường trực xảy ra với bạn là cảm giác bất an.

Bạn ước mình làm được nhiều hơn. Thậm chí, nếu bạn dành cho mình chỉ 10 phút thôi, bạn cảm thấy có lỗi. Vì nếu dùng thời gian đó quan tâm họ nhiều hơn, họ sẽ tốt hơn. Không có chuyện gì xấu sẽ xảy ra với họ. Mặc dù trên thực tế, với người được quan tâm, họ hoàn toàn không trách cứ. Nhưng những áy náy bứt rứt cứ mải miết miên man trong đầu bạn khiến bạn làm việc gì cũng không yên.

  • Dễ tức giận và phẫn nộ

Dễ mất bình tĩnh, tức giận và phẫn nộ có lẽ là dấu hiệu rõ ràng nhất khi bạn ở trong trạng thái cao nhất của việc quan tâm quá nhiều. Bạn cảm thấy mệt mỏi. Mọi thứ rối ren vì không có việc nào diễn ra như bạn mong muốn. Bạn cảm thấy mình không có đủ thời gian và không gian. Mọi việc trở nên xáo trộn, thể chất kiệt quệ cùng tinh thần ở mức căng thẳng tột độ khiến bạn la hét nhiều hơn. Tệ hơn nữa, đôi khi bạn không kiểm soát được hành vi của mình bởi bạn đã bị đẩy đến giới hạn chịu đựng.

Kể cả khi bạn ý thức được mình đang mất kiểm soát bạn vẫn chẳng thể dừng lại, vì có lẽ khi tinh thần không tỉnh táo, cách duy nhất con người có thể nghĩ ra là một hành động mất tỉnh táo.

Biểu hiện của quan tâm quá mức

2, Ví dụ về sự quan tâm quá nhiều của các bà mẹ

Có lẽ ví dụ tiêu biểu nhất về hiện tượng quan tâm quá nhiều chính là mẹ. Mẹ có thể quan tâm gia đình mình hơn cả mạng sống. Mẹ có thể no khi không ăn bát cơm nào bởi nhìn chồng con ăn ngon là đủ. Khi con còn nhỏ, mẹ lo con ăn ngon không, ngủ có gặp ác mộng không. Thời gian trôi qua khi con trưởng thành, mẹ lo con làm việc mệt không, tiền có đủ tiêu không. Con có vui không. Khi con lớn dần lên theo trang lứa, lập nghiệp, xây dựng gia đình, mẹ lại lo cho cháu. Cứ như vậy, mẹ dành toàn bộ sự quan tâm của mình cho gia đình bởi với mẹ, những quan tâm đó, tất cả sự lo lắng ấy cho mẹ cảm giác bình yên trong tâm hồn.

Nhiều người nói đó là đức tính tốt đẹp. Không ít người trả lời, đó là bản năng làm mẹ. Nhưng sự thật là, nếu quan tâm vượt qua mức độ “đủ” sẽ phản tác dụng cho cả người cho và người nhận.

3, Tác hại của việc quan tâm quá nhiều?

  • Cạn kiệt cả về sức khỏe thể chất và tinh thần

Việc quan tâm quá nhiều làm cho bạn không còn thời gian chăm sóc cho bản thân. Khi 24h trong ngày bạn để ý đến từng cử chỉ, lời nói, nguyện vọng của người khác, bạn bỏ qua bản thân mình.

Bạn trở nên xuề xòa hơn, ít chú ý đến cách ăn mặc, trang điểm để làm đẹp cho mình. Bạn dường như không có sở thích cá nhân, bạn biến sở thích của người mà bạn quan tâm thành sở thích của mình. Bạn suy nghĩ ngày đêm và nếu có sự việc nào diễn ra không được như ý hay bạn cảm thấy mình có lỗi, bạn có thể rơi vào trạng thái mất ngủ trầm trọng. 

Một người không thể sống cuộc sống của hai người, hay nhiều người. Do đó, sức khỏe của bạn dần bị ảnh hưởng. Cáu gắt, tức giận, phẫn nộ với tần suất dày đặc hơn cũng khiến cơ thể bạn bị ảnh hưởng. Tinh thần không thể buông lỏng trong thời gian dài cũng khiến bạn kiệt quệ.

  • Trống rỗng, thiếu mục đích

Có những lúc bạn rơi vào trạng thái trống rỗng vì bạn không biết phải làm gì. Bởi bạn dành gần như toàn bộ đời sống của mình ở cuộc đời một người khác, nếu dừng lại, gần như bạn không biết nên sống tiếp thế nào nếu không có họ.

tác hại của việc quan tâm quá nhiều
  • Tác động tiêu cực tới môi trường và mọi người xung quanh

Sống và sinh hoạt cùng một người luôn quan tâm quá nhiều sẽ vô hình gây áp lực cho người xung quanh. Khi bạn luôn muốn họ tốt hơn, áp lực dường như tỏa ra từ con người bạn. Bạn sẽ khiến họ sợ được quan tâm. Họ sẽ tìm cách tránh né bạn và bỏ ngoài tai những lời bạn nói. Bạn trở thành một kẻ phiền phức trong mắt họ. Con cái/vợ/chồng sẽ không còn muốn gần gũi bạn nữa. Người chồng đi làm về nhưng cứ ngồi lì dưới xe không chịu lên nhà. Đứa con học xong chỉ muốn nán lại cùng với bạn bè thêm tí nữa. Một người vợ nếu bị chồng quan tâm quá mức, cô ấy có lẽ sẽ thường viện cớ mua sắm để có nhiều thời gian riêng tư hơn.

  • Trầm cảm

Khi bạn nhận ra gương mặt mình nhuốm màu thời gian, đôi mắt bạn thâm đen vì mất ngủ, da dẻ bắt đầu xuất hiện những vết nhăn nám; sức khỏe của bạn cũng đã cạn kiệt. Dẫu vậy, bạn vẫn cảm thấy mình quan tâm chưa đủ vì sự quan tâm ấy chưa mang lại tác dụng như bạn mong muốn. Những người thân yêu càng không cần sự quan tâm của bạn, bạn sẽ càng trở nên trống rỗng.

Cảm giác buồn chán cùng cực cũng xuất hiện. Khoảng trống trong tâm hồn khiến bạn vô hướng. Cả trong và ngoài bạn đều như đang nói với mình về sự cố gắng không ngừng. Nhưng bạn chẳng nhìn thấy kết quả nào. Việc không nhìn thấy kết quả của sự quan tâm khiến bạn thấy mình như đang đi vào ngõ cụt. Bạn chẳng thể chia sẻ cùng ai, vì chính người bạn quan tâm nhất cũng chẳng cần bạn nữa. Những cảm xúc bế tắc dần chồng chất và bạn rất có thể sẽ bị rơi vào trầm cảm.

4, Làm thế nào để quan tâm “vừa và đủ”?

  • Trở nên thực tế hơn

Thực tế, bạn không thể sống thay cuộc sống của người khác. Dù bạn có cố gắng đến đâu, bạn cũng khó có thể ở bên, ra quyết định thay, chăm lo cho người khác cả đời. Bạn cần thừa nhận sự thật này trước. Vậy nên sự quan tâm của bạn dù có tốt, có nhiều đến đâu cũng cần phải có giới hạn và mức độ.

  • Xác định lại mục đích của sự quan tâm bạn dành cho người khác

Sau đó, bạn hãy trả lời hoặc viết ra mục đích thật sự của việc bạn quan tâm là để làm gì. Là bạn muốn họ có thêm một chút ấm áp cho cuộc sống? Bạn muốn họ có thêm 1 ý kiến tham khảo, 1 định hướng, 1 chỗ dựa lúc khó khăn, trắc trở? Hay bạn muốn người ngoài nhìn vào thấy bạn là một người tốt, một người có trách nhiệm? Hay vì bạn muốn thỏa mãn nhu cầu kiểm soát của mình?

Làm sao để quan tâm vừa và đủ

Cũng có thể là bởi vì bạn cảm thấy day dứt nếu không quan tâm. Những giáo điều xưa cũ đã đặt rất nhiều trách nhiệm lên vai một người vợ, một người mẹ. Đồng thời truyền thống văn hóa phương đông cũng nói rất nhiều về việc sống theo tập thể, phải luôn biết quan tâm nhau và phải biết hy sinh vì nhau. Dù chúng ta đã sống ở một thế giới hiện đại hơn, nhưng những tư tưởng văn hóa xưa cũ ấy vẫn còn in sâu trong đầu mỗi người.

Chắc hẳn nhiều người quan tâm vì yêu. Nhưng nếu bạn thực sự yêu một người, bạn cũng cần quan tâm đến cả sự tự do của họ nữa. Hãy tôn trọng sự tự do phát triển và thể hiện cá tính của họ. Họ có quyền vui buồn. Họ có quyền làm đúng và cả làm sai. Họ có quyền thành công và thất bại. Hãy để họ được tự do trong cuộc đời của chính họ.

Nếu mục đích của bạn là tốt, nhưng quá trình đang đi chệch hướng, khiến cả bạn và người quan tâm đều cảm thấy nặng nề, bạn cần thay đổi. Bạn cần xem xét lại mức độ quan tâm của chính mình để đạt được mục tiêu bạn mong đợi.

  • Đặt câu hỏi trước bất kỳ sự quan tâm và giúp đỡ nào bạn dự định triển khai

Thay vì bạn luôn nói “có”, hay “luôn sẵn lòng”, hãy chuẩn bị một câu trả lời “không”. Thêm 1 sự lựa chọn sẽ cho bạn thêm thời gian xác nhận lại mức quan tâm của mình.

Hãy hỏi bản thân: “Sự quan tâm và sự giúp đỡ của mình có làm họ vui?”. Đôi khi, hãy hỏi trực tiếp người bạn đang có ý định giúp đỡ. Nếu họ thấy vui, bạn thấy vui, sự việc nằm trong khả năng của bạn và bạn không bị kiệt sức khi làm, bạn có câu trả lời có.

Ngược lại, nếu không đáp ứng đủ cả 4 điều kiện trên thì bạn nên dừng lại. Bạn cần dừng lại ngay kế hoạch giúp đỡ họ. Bởi:

  • Nếu họ không vui, nghĩa là hành động của bạn không cho họ sự tự do. Bạn đang đẩy họ ra xa bạn.
  • Nếu việc giúp đỡ không làm bạn vui, hiển nhiên bạn cần tôn trọng cảm xúc của mình.
  • Những gì nằm ngoài khả năng của bạn đều có thể trở thành rắc rối dài hạn cho chính bạn. Nhiều người sẵn sàng vay mượn tiền khắp nơi cho chồng/con làm ăn. Nhưng đó chưa bao giờ là một điều đúng đắn. Vì họ chỉ tính tới con đường thành công, còn sự thất bại bị gạt sang một bên. Ôm một đống nợ vào người chắc chắn là ôm một đống phiền phức dài hạn.
  • Có những sự giúp đỡ nằm trong khả năng của bạn nhưng sẽ khiến bạn kiệt sức. Như việc dọn dẹp nhà cửa và lo cơm nước cho cả gia đình. Việc này nằm trong khả năng của rất nhiều người, nhưng về lâu dần chúng làm bạn mệt mỏi và kiệt quệ. Bởi chúng lặp đi lặp lại mỗi ngày và tốn nhiều thời gian. Vừa làm việc 8 tiếng, vừa phải dành 5-6 tiếng để quán xuyến việc nhà mỗi ngày sẽ làm cho tinh thần và thể chất của một người suy kiệt.

Đặt câu hỏi trước bất kỳ sự quan tâm và giúp đỡ nào bạn dự định triển khai

  • Hiểu đối phương cần gì

Đừng cố quan tâm và cũng đừng ép những người được quan tâm phải làm theo ý bạn. Hãy tìm hiểu nhu cầu của đối phương. Hãy quan sát xem họ cần gì và có cần mình hay không. Đừng chỉ nghĩ rằng bữa ăn tốt cho sức khỏe là quan trọng nhất. Một bữa ăn ngon miệng cũng quan trọng không kém. Đừng cho rằng việc học ở trường là con đường tốt nhất để phát triển sự nghiệp. Việc tự do sáng tạo, khám phá, tìm hiểu và thử nghiệm đóng vai trò cực kỳ quan trọng cho sự phát triển não bộ, làm tăng khả năng tư duy của trẻ. Vợ/chồng của bạn cần phải chăm chỉ làm việc để có thể trang trải sinh hoạt phí, mua nhà, mua xe. Nhưng đồng thời họ cũng cần được nghỉ ngơi, thư giãn và cần sự bình yên.

Sạch sẽ là tốt, nhưng dơ bẩn cũng không phải tệ. Hãy để đứa trẻ được té ngã, được nghịch bẩn. Hãy để vợ/chồng của bạn được tạm dừng nếu quá mệt mỏi và áp lực. Hãy cho những người thân yêu một khoảng lặng nếu họ cần. Hãy cho họ một không gian riêng tư nếu họ muốn.

Những điều bạn cho là tốt, chắc chắn tốt. Nhưng đó có phải là điều cần thiết? Những gì quan trọng và cần thiết với bạn không hẳn sẽ quan trọng và là nhu cầu của người khác. Vậy nên hãy quan sát nhu cầu của đối phương, hãy quan tâm đến cả sự tự do và cảm xúc của họ. Đừng quan tâm đến những gì bạn muốn, mà hãy quan tâm đến những gì họ muốn.

  • Đặt giới hạn cho sự quan tâm

Mỗi cá nhân là một thực thể riêng biệt. Chúng ta đều có khả năng sinh tồn bản năng. Đó là lý do chúng ta đều có thể tồn tại độc lập. Hiểu được điều này bạn cũng sẽ đặt được giới hạn cho sự quan tâm của mình. Hãy để những người thân yêu được tự mình trải nghiệm những thực tế trong cuộc sống. Đừng quá bận tâm đến núi quần áo bẩn của chồng/con. Khi không còn đồ để mặc họ sẽ tự biết giặt giũ. Khi quá đói họ sẽ tự biết đi kiếm đồ ăn. Khi quá chán mì gói và đồ ăn ngoài, họ sẽ tự biết nấu cơm.

Con cái của bạn hoàn toàn có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình. Chúng có thể tìm được con đường sự nghiệp của riêng mình nếu bạn để chúng tự do trải nghiệm và thử sức mình. Vợ/chồng của bạn cũng có thể sẽ trở nên độc lập hơn nếu bạn ngừng quan tâm, khuyên bảo và chỉ dẫn cho họ quá nhiều.

Hiểu nhu cầu của đối phương

Hãy biết rằng sự quan tâm của bạn giống như việc tưới nước cho cây. Tưới quá nhiều thì cây úng. Quan tâm quá mức thì người không thể phát triển hay phát huy bản thân.

  • Dành thời gian cho bản thân

Cuối cùng, hãy học cách yêu bản thân. Khi bạn dành nhiều thời gian hơn cho chính mình, tham gia những trải nghiệm mới, bạn sẽ điều hòa lại cuộc sống. Khi bạn tích cực hơn, bạn cũng sẽ cảm nhận rõ hơn những khoảng không gian riêng tư và khoảng thở mà mỗi người cần ở từng thời điểm. Bạn có thể chọn học thiền, tham gia du lịch, leo núi, đến những vùng đất khác nhau để chứng kiến, lắng nghe những câu chuyện khác nhau và cũng là để những suy nghĩ trong bạn chậm lại. Ở một tư thế thư thái hơn, bạn nhìn lại mọi sự việc cũng chính xác và rõ ràng hơn.

Sẽ không dễ dàng để bạn có thể ngay lập tức thay đổi sự quan tâm của mình tới người bạn yêu thương. Bạn có thể cân nhắc việc có một chuyên gia tâm lý đồng hành. Hoặc tham gia các lớp học giảm căng thẳng, cân bằng cuộc sống. Các chuyên gia sẽ có thể cho bạn lời khuyên, hay hướng dẫn bạn tham gia những thử thách rèn luyện sức khỏe tâm lý. 

Từng bước nhỏ được hình thành và bạn sẽ tiến được một bước lớn trong việc kiểm soát mức độ quan tâm của bản thân mình tới từng người, từng sự việc trong cuộc sống. Đừng để quan tâm quá nhiều thành gánh nặng. Hãy biến nó thành quà tặng có sức nặng, có hạn và quý giá mà bất kỳ ai cũng cảm thấy may mắn khi có được!

Đăng ký Healing 1-1

Tâm sự, chia sẻ, và nhận những giải đáp để hỗ trợ bình yên trong tâm hồn, chữa lành những tổn thương và sống cho giây phút hiện tại.

Đăng ký ngay