Làm sao để có lòng trắc ẩn với bản thân?
Gem
author
Nhiều người có lòng trắc ẩn rất sâu sắc với những người xung quanh. Họ cảm động trước việc người khác làm. Họ đau buồn cùng nỗi đau của người khác. Họ lắng nghe và thấu hiểu cái khó của những người xung quanh. Họ có thể an ủi, động viên những người bạn, những người xa lạ. Nhưng họ lại chẳng hề có chút lòng trắc ẩn nào đối với bản thân mình. Họ không hiểu cho bản thân, luôn bắt ép chính mình làm những việc mà mình không thích. Họ rầy la, chê trách chính mình rất nhiều. Họ không chấp nhận sự thất bại của bản thân. Họ hà khắc và tàn nhẫn với bản thân. Họ gọi cảm xúc của mình là thứ vô nghĩa, đáng xấu hổ, không nên có.
Những người này luôn sống vì người khác, nhưng lại không thể sống cho bản thân. Họ dễ dàng tha thứ cho người khác, nhưng lại chẳng thể tha thứ cho chính mình. Họ luôn xem bản thân là nỗi xấu hổ, suy nghĩ, sống vì bản thân là một điều xấu hổ.
Không có lòng trắc ẩn dành cho bản thân là một trong những dấu hiệu của thiếu hụt cảm xúc thời thơ ấu. Việc một người chưa bao giờ được quan tâm khiến họ không biết rằng bản thân mình là một người quan trọng, xứng đáng được quan tâm và yêu thương. Vì khi nhỏ không ai yêu thương họ, nên họ không được dạy cách yêu thương bản thân là như nào.
Cách để có lòng trắc ẩn với bản thân
Bắt đầu có lòng trắc ẩn đối với chính mình là một hành động đầu tiên của yêu thương bản thân. Việc này khá khó khăn vì thói quen bỏ mặc bản thân và suy nghĩ “sống vì mình là một điều xấu hổ, là tội lỗi” đã in sâu vào tâm trí. Vậy nên cách tốt nhất là tạo ra thêm một con người khác và bắt đầu quan tâm, chăm sóc và yêu thương “con người khác” đó.
1. Gọi tên
Hãy nằm yên, hít thở thật sâu, để cơ thể và tâm trí đi vào bình lặng. Lúc này hãy tưởng tượng và tạo ra một bản thể khác của bạn. Đó là một người trông giống bạn, hoặc giống bạn lúc nhỏ. Người này chưa bao giờ được bạn quan tâm và yêu thương. Nét mặt có thể có nét u buồn, hoặc đau khổ.
Bạn có thể gọi con người đó bằng nhiều cái tên khác nhau: tên riêng của bạn, biệt danh, cô bé, cậu bé, đứa bé bên trong, cô gái/chàng trai linh hồn…
2. Trò chuyện và hiểu
Bạn nên dành nhiều phút để trò chuyện và hiểu con người này. Là một người giàu lòng trắc ẩn cho người khác, nên việc thấu hiểu được “con người khác” này là việc dễ dàng đối với bạn. Đó là một người hoàn toàn khác biệt với bạn, và cần được bạn lắng nghe và thấu hiểu. Hai người có thể nói chuyện với nhau nhiều giờ nếu cần.
3. Quan tâm, chăm sóc
Hãy bắt đầu chăm sóc “con người khác” này. Quan tâm và yêu thương con người ấy như một người lạ. Bản năng đề cao người khác sẽ giúp bạn dễ dàng đề cao, quan tâm, và ưu tiên “con người khác” đó.
Việc tiếp theo bạn cần làm là đặt “con người khác” này lên trên tất cả mọi người bởi “con người khác” này quá tội nghiệp. Chưa từng được yêu, quan tâm, chưa từng được ai thấu hiểu, chưa từng được ai xem trọng, chưa từng được ai ưu tiên… Hãy dùng tất cả lòng trắc ẩn của bản thân lên con người này. Bằng tình yêu thương vô bờ bến của mình, hãy trao cho con người ấy tình yêu mà họ chưa bao giờ nhận được.
Mỗi ngày hãy hỏi thăm “con người khác” cần gì, muốn gì và đang cảm thấy như thế nào. Trong sinh hoạt hằng ngày, bạn nên luôn hỏi và lắng nghe ý kiến của người ấy. Khi cần đưa ra quyết định nào, cũng hãy hỏi quan điểm của người ấy và ưu tiên người ấy lên trên hết.
Đừng bắt người ấy phải cam chịu cùng mình, họ đã quá tội nghiệp rồi.
Vì sao không có lòng trắc ẩn với bản thân là một việc tồi tệ?
1. Chèn ép bản thân
Vì bản thân luôn bị đặt sau cùng, nên mọi mong muốn và cảm xúc của bản thân luôn bị chèn ép. Không có điều gì tốt đẹp đến với chính mình. Thiệt thòi thì luôn thuộc về mình. Việc chèn ép bản thân khiến cho một người trở nên mờ nhạt đến mức như không hề tồn tại. Cảm xúc, suy nghĩ bị đè nén lâu ngày có thể bùng nổ thành những cảm xúc vô cùng tiêu cực đến mức có thể gây nên trầm cảm. Nhiều người dù luôn chèn ép bản thân, nhưng khao khát được yêu thương vẫn luôn ở bên trong họ. Điều này gây nên mâu thuẫn nội tâm vô cùng lớn, gây nên đau khổ tột cùng.
2. Chèn ép người thân (vợ/chồng/con cái)
Nhiều người vì đã quen hạ thấp mình, nâng người khác, nên chỉ có thể dạy cho người thân của mình việc tương tự “ha mình, nâng người”. Họ dạy con cái của mình xem nhẹ bản thân và đề cao những người xung quanh. Vòng lặp tiếp diễn, con cái trở thành bản sao của họ, những kẻ giàu lòng trắc ẩn với người khác, nhưng không có lòng trắc ẩn dành cho bản thân – phiên bản 2. Những người lớn bất hạnh thế hệ thứ 2 ra đời như thế.
Trông chờ người khác động lòng trắc ẩn (yêu thương) với mình là điều vô nghĩa
Tự bản thân một thứ gì đó là đáng quý, thì mới được quý. Tự bạn còn xem thường và không thể yêu chính mình thì ai có thể thấy bạn là đáng yêu và yêu bạn. Vậy nên vòng lặp đau khổ đối với những người không thể động lòng trắc ẩn với chính mình là vô tận.