Làm sao để mở lòng với tình yêu mới?
Mie
author
Nhiều người đã trải qua nhiều mối tình. Hời hợt cũng có, sâu đậm cũng có. Mỗi mối tình qua đi đều để lại những vương vấn phảng phất trong lòng. Nó không hẳn là những ký ức buồn mà còn đan xen cả những kỷ niệm hạnh phúc. Và có lẽ vì vậy mà dần dần họ không muốn mở lòng cho một mối quan hệ mới. Và nếu bạn cũng trong trường hợp này, hãy đọc thử bài viết này để học cách dần mở lòng với tình yêu nhé.
Mở lòng là gì?
Có lẽ đối với những người thường xuyên che giấu cảm xúc của mình hay sống quá nội tâm sẽ hơi khó để hiểu được mở lòng là gì. Thực ra mở lòng chỉ đơn giản là sự lựa chọn của cảm xúc cá nhân. Ở sự lựa chọn đó, bạn không cố né tránh hay che đậy cảm xúc thật của mình. Bạn thoải mái bày tỏ ý kiến, cảm xúc, mong muốn của mình với người khác. Và bạn cũng biết đón nhận những suy nghĩ, ý kiến và cảm xúc của người khác. Một cách nhẹ nhàng, bạn tiếp nhận tình cảm từ người khác, chia sẻ với mọi người nhiều hơn. Hơn thế nữa, bạn còn dám bày tỏ tình cảm của mình hoặc bạo dạn hơn khi làm quen người bạn mới.
Tại sao nhiều người lại cảm thấy khó mở lòng trong tình yêu?
-
Đổ vỡ tình cảm
Lý do lớn nhất mà nhiều người gặp phải đó là xảy ra đổ vỡ trong quá khứ. Có thể tình yêu đổ vỡ do nhiều nguyên nhân: bất đồng quan điểm, tình yêu toxic, tài chính… Cho dù do khách quan hay chủ quan thì bạn cũng sẽ chịu tổn thương. Những mảnh vụn tình cảm đó sẽ vô tình cứa vào trái tim của bạn. Bạn sẽ cảm thấy đau đớn và buồn bã. Những vết thương lòng từ đổ vỡ sẽ làm cho bạn mất niềm tin vào tình yêu. Bạn cảm thấy mình không còn muốn tiếp tục mối quan hệ nào nữa, vì sợ mình sẽ lại tổn thương.
-
Mặc cảm về bản thân
Nhiều người mang trong mình mặc cảm như không xinh đẹp, không tài giỏi hay không giàu có. Những yếu tố từ môi trường như bạn bè chê bai, gia cảnh khó khăn… cũng có thể khiến bạn tự ti trong thời gian dài. Vì thế mà bạn luôn thấy mình không xứng đáng có tình yêu. Bạn cho rằng mình còn quá nhiều thiếu sót thì ai có thể yêu mình. Và rồi bạn quyết định không mở lòng trong tình yêu. Điều này cũng dễ hiểu, bởi chính bạn còn không thể yêu được những khuyết điểm của mình, thì bạn đâu dám tin người khác sẽ yêu lấy những thiếu sót, khuyết điểm của bạn.
-
Các vấn đề tâm lý khác
Những vấn đề tâm lý ở đây có thể là những hội chứng lo âu, sợ hãi, kiểm soát quá mức… Hoặc là những người tính ái kỷ cao, người đa nghi, người vị kỷ… Những người này cũng không dám mở lòng với tình yêu hoặc nếu có thì cũng sẽ nhanh chóng đổ vỡ bởi những hoài nghi trong tâm trí họ.
Cần làm gì để có thể mở lòng với tình yêu mới?
1. Chuẩn bị tâm lý đón nhận
Việc chuẩn bị tâm lý chỉ đơn giản là bạn có sẵn những suy nghĩ, dự tính trong đầu về việc có thể sẽ xảy ra. Bạn lường trước tất cả các khả năng có thể xảy đến như: bạn có thể sẽ rung động với một ai đó mà bạn không biết trước, ai đó có thể có tình cảm với bạn, bạn có thể sẽ tỏ tình… Đừng mong đợi sự hoàn hảo, hãy chuẩn bị sẵn tâm lý cho cả những điều bạn không mong muốn: bạn tỏ tình nhưng bị từ chối; người thích bạn lại là người bạn không thích, hoặc thậm chí là người bạn ghét… Việc này sẽ giúp bạn dễ dàng chấp nhận tình của chính mình và cũng dễ dàng tiếp nhận tình cảm của người khác. Từ đó, bạn sẽ có thể đưa ra những quyết định hợp lý.
Thật tuyệt vời nếu cả 2 đều có tình cảm với nhau. Nhưng cũng hãy chuẩn bị sẵn tâm lý cho những điều không may mắn có thể xảy ra: xung đột, cãi vã, không hợp tính, phát hiện ra điểm xấu xa của đối phương, chia tay, đổ vỡ… Việc chuẩn bị này không phải để bạn lo sợ về những điều ấy, mà là để bạn thoải mái đón nhận. Bạn không ngạc nhiên hay sốc trước những gì có thể diễn ra. Nhờ đó mà bạn có thể bình tĩnh để đưa ra những cách xử lý hiệu quả và hợp tình hợp lý.
Bạn có thể lựa chọn thay đổi bản thân để hòa hợp nhau hơn. Trao đổi thẳng thắn với người mình yêu về những điều bạn muốn đối phương hài hòa với mình. Hoặc bạn có thể lựa chọn chia tay trong hòa bình nếu cảm thấy tam quan 2 người quá trái ngược nhau… Dù bạn chọn điều gì bạn cũng vui vẻ và chấp nhận dễ dàng.
2. Hiểu rằng: tình yêu không xuất phát từ sự hoàn hảo
Một người thật lòng yêu bạn sẽ chấp nhận tất cả những thứ chưa hoàn hảo ở bạn. Cho dù bạn có nhiều tật xấu nho nhỏ, ngoại hình không mấy ưa nhìn hay không giàu có thì người thực lòng vẫn sẽ yêu bạn. Họ yêu bạn vì bạn là chính bạn, là tất cả những gì bạn thuộc về. Họ không tìm kiếm sự hoàn hảo ở bạn.
Có những người tuy nấu ăn không ngon nhưng vẫn có một tình yêu đẹp. Hay có người dù bị khiếm khuyết trên cơ thể vẫn tìm được người yêu mình thật lòng. Dù chúng ta có không hoàn hảo, vẫn sẽ có người đến và trở thành mảnh ghép phù hợp với cuộc đời mình. Cũng đừng nghĩ cách biến mình thành một người toàn diện về mọi mặt. Vì hoàn hảo chưa bao giờ là nền tảng của tình yêu.
Xem thêm: Chủ nghĩa hoàn hảo có thật sự khiến bạn “hoàn hảo”?
3. Chịu trách nhiệm thay vì đổ lỗi
Khi xảy ra vấn đề nào đó chúng ta thường có tâm lý đổ lỗi do hoàn cảnh, người khác. Tâm lý này cũng sẽ khiến bạn khó mở lòng với người khác, bởi bạn cho rằng mọi vấn đề trong tình yêu đều đến từ người khác. Bạn sợ người mới sẽ lại tiếp tục có lỗi với mình. Còn bạn chính là nạn nhân, phải ôm hết đau khổ.
Thực tế, không có gì xảy ra với bạn là lỗi của người khác cả. Tất cả đều đến từ bạn và bạn cần học cách chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình. Không phải là người cũ không đủ quan tâm bạn làm bạn quá đau khổ. Mà là chính bạn đã không quan tâm mình. Sự thiếu quan tâm tới chính mình làm bạn mong cầu nhiều ở người khác và rối thất vọng nhiều. Việc bị hành hạ, bạo lực thể xác cũng là do bạn cho phép. Hãy suy ngẫm lại xem, có phải mọi điều làm bạn cảm thấy tồi tệ đều là vì bạn cho phép hay không? Hãy dũng cảm chịu trách nhiệm cho chính cuộc đời của mình, và đừng đổ lỗi cho ai cả.
Hành động chịu trách nhiệm này sẽ giúp bạn đứng vững và tạo nên được cuộc sống bạn mong muốn. Nếu bạn lựa chọn hạnh phúc bạn sẽ tạo nên một cuộc sống hạnh phúc. Nơi đó bạn có hạnh phúc tự thân. Nơi đó bạn có quyền từ chối những gì không phù hợp, không tốt cho bạn. Nếu bạn không cho phép, không ai có quyền làm bạn tổn thương.
Chịu trách nhiệm cho cuộc đời của mình là cách hiệu quả nhất để bạn mở lòng với tình yêu mới. Bởi giờ đây tình yêu ấy có hình dáng như nào là do bạn quyết định. Bạn không còn phó mặc tình cảm của mình cho người khác nữa. Bạn đã ở thế chủ động trong cuộc tình tiếp theo.
Xem thêm: Chịu trách nhiệm với cuộc sống của mình
4. Học cách chia sẻ những cảm nhận, suy nghĩ của mình
Chia sẻ là cách giúp bạn bày tỏ được những mong muốn hay quan điểm của mình. Và đối phương cũng sẽ thấu hiểu hơn về bạn. Bạn muốn người yêu có thể quan tâm mình nhiều hơn, đừng ngần ngại nói ra. Bạn muốn được mặc áo đôi, được nắm tay nhau nơi đông người. Hay bạn thích được một cái hôn tạm biệt cũng hãy dũng cảm nói với đối phương.
Điều đó chẳng có gì là xấu hổ cả. Ngược lại, nó giúp bạn cởi mở hơn khi trao đổi với người yêu/vợ/chồng của mình. Ngay cả khi xảy ra xung đột, cũng hãy bình tĩnh chia sẻ để nửa kia hiểu được bạn đang cảm thấy thế nào, điều gì làm bạn có cảm xúc tồi tệ, bạn mong muốn điều gì… Hãy cho bản thân cơ hội được nói ra những uất ức, và cho đối phương cơ hội được hiểu lòng mình. Và cũng đừng quên dành thời gian lắng nghe tâm sự của đối phương nhé.
5. Dũng cảm bộc lộ tình cảm của mình
Nếu bạn muốn mở lòng với ai đó thì hãy cho mình một chút dũng khí để nói ra. Chỉ khi dám bộc lộ bạn mới không cảm thấy tiếc nuối. Cho dù kết quả có ra sao, bị từ chối hay bị cạch mặt, cũng chẳng sao cả. Vì ít nhất bạn đã dám nói ra tình cảm của mình. Sự tự tin sẽ giúp bạn dễ mở lòng hơn khi đón nhận tình yêu mới.
Kết
Tình yêu là liều thuốc chữa lành hiệu quả nhất đối với con người. Vì vậy, hãy học cách cởi mở hơn trong tình yêu để tự gieo vào trái tim của mình một hạt giống hạnh phúc nhé!