khuvuonmolly@gmail.com
/
Địa chỉ :
Số điện thoại liên hệ:

Làm thế nào để giúp đỡ người thân bị trầm cảm?

Author Avatar

CB1501

author

Bạn có biết không, tất cả chúng ta đều cần có một người bạn ở bên khi thế gian xung quanh bỗng dưng ngột ngạt và khó thở đến tận cùng. Hãy tưởng tượng bạn có thể tạo ra sự khác biệt cho cuộc đời một con người chỉ bằng việc chìa tay bạn ra cho họ một sợi dây hi vọng, bạn sẽ làm chứ? Bài viết này là để dành tặng cho những tâm hồn tươi đẹp, những con người sẵn sàng làm ngọn hải đăng dẫn lối cho những tâm hồn cô đơn, mất định hướng. Dưới đây là những gì bạn có thể làm để giúp một người chống chọi với trầm cảm.

Làm thế nào để giúp đỡ người thân vượt qua trầm cảm?

giúp đỡ người thân bị trầm cảm

1, Hiểu về tình trạng tâm lý của người thân

Để có thể giúp đỡ người thân của mình một cách tốt nhất, bạn cần tìm hiểu trầm cảm và những nguyên nhân trầm cảm là gì. Từ đó bạn có thể hiểu được trạng thái tâm lý của người thân và lý do vì sao họ rơi vào tình trạng hiện tại. Sự thấu hiểu của bạn là bước đầu tiên và cũng là bước quan trọng nhất để có thể đưa người thân của mình trở về với cuộc sống đầy sắc màu.

Khi giúp đỡ một người trầm cảm, bạn sẽ trở thành một người để họ dựa dẫm hoàn toàn. Nếu bạn cảm thấy mình không thể đảm đương được vai trò này thì bạn nên xem xét lại hành động giúp đỡ của mình. Vì khả năng cao là bạn sẽ chỉ đưa họ lên và rồi lại ném họ xuống vực sâu hơn mà thôi. Hãy chuẩn bị một tinh thần sẵn sàng cùng người thân vượt qua thử thách đầy khó khăn này. Khi đã sẵn sàng thì bạn có thể bắt đầu.

Đừng quá lo lắng việc họ sẽ dựa dẫm vào bạn cả đời. Vì nhờ có sự giúp đỡ của bạn, họ sẽ dần khỏe mạnh trở lại, tinh thần vững vàng hơn, và rồi họ có thể tái hòa nhập cuộc sống. Bạn sẽ không cần phải dìu họ mỗi bước đi trong cuộc đời nữa.

2, Lắng nghe và thể hiện sự quan tâm của bạn

Lắng nghe là bước quan trọng đầu tiên trong việc giúp đỡ người bị trầm cảm. Khi họ nói chuyện, hãy lắng nghe cẩn thận những gì họ nói và thể hiện rằng bạn quan tâm đến cảm xúc của họ. Đây là cách bạn có thể thực hiện:

  • Thể hiển sự tích cực chủ động khi lắng nghe

Tập trung hoàn toàn vào những gì họ đang nói. Hãy để những vật dụng có thể gây xao nhãng như điện thoại, máy tính bảng, tivi ở chế độ im lặng và hoàn toàn tập trung vào việc lắng nghe. Hãy nhớ rằng, người bị trầm cảm rất nhạy cảm. Chỉ cần bạn thể hiện sự lơ đãng hay không tập trung, họ sẽ e ngại và không nói ra những thứ tận sâu đáy lòng họ giấu giếm hay cất giữ.

  • Kiên nhẫn

Hãy để họ nói theo tốc độ của riêng họ. Đừng vội vàng hỏi han hoặc ngắt lời họ. Cho dù câu chuyện họ chia sẻ có không liền mạch, cho dù họ ấp úng, hãy dành chút thời gian để họ điều chỉnh và tự nhiên thể hiện những cảm xúc của họ.

  • Thể hiện sự đồng cảm

Có thể bạn chưa từng trải qua những chuyện hay cảm giác họ có, hãy cố gắng tưởng tượng, đặt mình vào hoàn cảnh của họ và thử thấu hiểu cảm giác của họ. Khi đó, bạn sẽ có thể thể hiện sự đồng cảm của mình chân thật hơn. Chỉ cần những câu nói như: “Dù mình chưa từng trải qua những gì bạn đang trải qua, mình luôn sẵn lòng lắng nghe bạn. Mình luôn ở đây!”, họ cũng sẽ cảm nhận được sự chân thành của bạn.

  • Tránh phán xét

Đừng chỉ trích hay phán xét cảm xúc hoặc hành động của họ. Trầm cảm là một cuộc đấu tranh và họ cần sự hỗ trợ của bạn. Một vài lời nhận xét, dù vô tình cũng sẽ khiến họ thu mình vào vỏ ốc và như thế cho dù bạn chân thành đến đâu, họ cũng không thể mở lòng. Như thế, bạn cũng không thể giúp họ. Hãy nhớ, mọi chuyện đều có nguyên nhân của nó. Dù nguyên nhân đó là gì, chúng ta đều không có quyền phán xét.

Lắng nghe và thể hiện sự quan tâm của bạn giúp họ biết rằng cảm xúc của họ là có giá trị và họ không đơn độc. Nó tạo ra một không gian an toàn để họ thể hiện cảm xúc của mình. Với kỹ năng lắng nghe trên, bạn chắc chắn là chốn an toàn mà người bị trầm cảm muốn gửi gắm câu chuyện của họ. Đó là cơ hội bạn có thể chữa lành cho họ.

3, Chân thành đề xuất hỗ trợ 

Chân thành đề xuất sự hỗ trợ là hành động cho người ở trong trạng thái bị trầm cảm thấy rằng bạn không chê bai họ, bạn sẵn lòng bên họ. Tình cảm đó giúp họ cảm thấy bớt bị cô lập hơn trong cuộc đấu tranh của mình. Bạn có thể:

  • Liên hệ và hỏi thăm thường xuyên

Liên hệ với họ thường xuyên để xem họ đang sống và sinh hoạt như thế nào. Chỉ một, hai câu hỏi đơn giản như: “Bạn đang làm gì thế?” “ Ngày hôm nay của bạn thế nào?” có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể trong cuộc sống của họ.

Những người bị trầm cảm sẽ cảm nhận được sự ấm áp từ người hỏi. Thường xuyên được quan tâm mang đến cảm giác họ được sống, và được coi trọng. Điều này làm họ muốn có thêm chủ đề, câu chuyện chia sẻ với bạn.

  • Đề nghị giúp đỡ

Hãy cho họ biết bạn sẵn sàng hỗ trợ những công việc cho họ nếu họ thấy quá sức hay khó khăn. Chẳng hạn như giúp họ sắp xếp công việc, cùng nhau ăn tối. Sự chủ động của bạn sẽ khiến họ cũng “di chuyển”, chứ không chìm đắm trong tuyệt vọng bởi họ biết bạn sẽ hiện diện hôm nay, ngày mai và cả ngày kia.

đề nghị giúp đỡ

 

  • Tôn trọng ranh giới của họ

Khi giúp đỡ những người bị trầm cảm, đừng hiểu lầm rằng bạn phải lôi họ ra khỏi cái ổ của họ. Đôi khi họ cũng cần không gian riêng. Vì vậy hãy tôn trọng nhu cầu có thời gian ở một mình khi họ yêu cầu. Hãy từ từ và chậm rãi để họ cảm nhận những điều tốt đẹp của cuộc sống. Và rồi tự họ sẽ bước ra, mà không cần bạn lôi kéo.

4, Tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia

Nếu họ cởi mở với việc nhận được sự giúp đỡ từ những người chuyên nghiệp, hãy khuyến khích họ tìm kiếm sự trợ giúp từ các chuyên gia tâm lý, nhà trị liệu hoặc chuyên gia tư vấn.

Đôi khi, sự giúp đỡ chuyên nghiệp là cách nhanh nhất để kiểm soát chứng trầm cảm. Dưới đây là cách trợ giúp người bị trầm cảm tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp:

  • Bình thường hóa việc sử dụng dịch vụ sức khỏe tâm thần

Có rất nhiều người e ngại rằng, nếu phải cần đến các chuyên gia tâm lý để chữa trị các vấn đề về tinh thần, hay tâm trí chứng tỏ bạn quá yếu đuối để xử lý vấn đề của mình. Tuy nhiên, cũng như cơ thể chúng ta khi bị ốm, tâm lý cũng có thể bị ốm. Và khi bị ốm, việc tìm đến chuyên gia để điều trị là việc làm dũng cảm. 

Bên cạnh đó, các liệu pháp, dịch vụ để điều trị trầm cảm rất phổ biến, không chỉ ở Việt Nam và trên toàn thế giới. Bạn có thể củng cố tinh thần của người bị trầm cảm bằng cách chia sẻ những câu chuyện của những người đã được điều trị thành công. Những câu chuyện liên quan sẽ có sức mạnh cổ vũ họ.

  • Đề nghị để được đi cùng họ

Đề nghị đi cùng họ đến cuộc hẹn đầu tiên nếu họ lo lắng về việc đi một mình. Người bị trầm cảm rất dễ bị cô đơn và lạc lõng. Nếu họ tự đi một mình, có thể sẽ không bao giờ có buổi hẹn đầu tiên vì khả năng họ thay đổi quyết định rất dễ xảy ra. Tuy nhiên, khi có người đồng hành, họ tự tin và dũng cảm hơn. Đây là tiền đề quan trọng để họ từng bước có thể xử lý các vấn đề của mình sau này.

  • Liên tục động viên

Khi họ đã tiếp nhận hỗ trợ và điều trị, hãy dành thời gian để động viên và tạo cảm giác an tâm cho họ trong suốt quá trình điều trị. Sự cổ vũ tinh thần bằng những cuộc trò chuyện đơn giản về những buổi điều trị hay để họ bày tỏ suy nghĩ của họ về mỗi cuộc hẹn sẽ vô cùng bổ ích. Chúng cho người bị trầm cảm thêm động lực để hoàn thành quá trình điều trị.

5, Hỗ trợ tạo và duy trì thói quen lành mạnh

Bước tiếp theo trong việc giúp đỡ một người trầm cảm là hỗ trợ họ tạo và duy trì các thói quen lành mạnh. Thói quen tốt sẽ có tác động tích cực đến tâm trạng, gia tăng năng lượng tốt và góp phần hỗ trợ việc họ xử lý cảm xúc một cách tốt hơn.

  • Khuyến khích tập thể dục

Hãy cùng họ tạo thói quen xen lẫn các hoạt động thể chất vào hoạt động hàng ngày. Đi bộ, chạy ngắn, tập aerobic, yoga,… đều có tác dụng nhanh đến việc cải thiện tâm trạng. Lâu dài, người bị trầm cảm còn có thể có sức bền tốt hơn. Một cơ thể khỏe mạnh là điều cần thiết để có được một đầu óc khỏe mạnh. Từ đó, các hooc môn được cân bằng và các triệu chứng trầm cảm sẽ dần được giảm bớt.

  • Khuyến khích ăn uống lành mạnh

Chế độ ăn uống cân bằng với nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt, hạn chế mỡ xấu sẽ giúp cơ thể có đủ năng lượng duy trình cuộc sống hàng ngày và gia tăng sức đề kháng. Điều tuyệt vời nhất là chúng giúp não bộ hoạt động tốt hơn. Nhờ đó, người bệnh cũng ít tiêu cực, mệt mỏi và buồn bã. Những dấu hiệu trầm cảm cũng sẽ bị đẩy lùi.

  • Đảm bảo ngủ đủ giấc

Ngủ về đêm khoảng 8 tiếng mỗi ngày vô cùng quan trọng để cơ thể thiết lập lại toàn bộ hoạt động của cơ thể sau 1 ngày làm việc. Giúp họ tạo thói quen ngủ đúng giờ. Bên cạnh đó, hãy hạn chế nhìn màn hình trước khi ngủ 1 tiếng, tạo một môi trường an tĩnh, và có thể cân nhắc sử dụng tinh dầu kích thích sự thư giãn để vào giấc nhanh hơn. Tất cả sẽ mang lại hiệu quả ngủ sâu và ngon.

Khi ngủ đủ giấc, những triệu chứng như thiếu năng lượng, uể oải sẽ dần biến mất. Người bị trầm cảm cũng sẽ dần tích cực và vui vẻ hơn mỗi sáng thức dậy.

  • Hạn chế sử dụng bia rượu và chất kích thích

Những chất kích thích chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng trầm cảm. Vậy nên bạn hãy giúp họ tự tay loại bỏ những chất này ra khỏi nhà. Thay vào đó là nước lọc, nước khoáng hay nước điện giải.

Khi đầu óc của họ không bị kiểm soát bởi những chất kích thích, các vấn đề cũng sẽ được sáng suốt hơn. Các cảm xúc cũng không bị phóng đại. Do đó, họ sẽ nhìn nhận những rắc rối, khó khăn một cách bình tĩnh. Vấn đề cũng sẽ được sắp xếp và giải quyết nhanh chóng. Những dấu hiệu trầm cảm cũng sẽ giảm dần.

giúp người bị trầm cảm tạo và duy trì thói quen tốt

6, Kiên nhẫn

Ứng và đối phó với trầm cảm là một quá trình lâu dài. Họ sẽ cần bạn nhiều hơn một ngày, do đó hãy chuẩn bị tâm lý cho điều này. Bạn sẽ cần rất nhiều sự kiên nhẫn.

  • Tránh gây áp lực

Quá trình phục hồi sẽ không xảy ra và kết thúc trong một sớm một chiều. Tránh gây áp lực để đạt được kết quả ngay lập tức. Theo thống kê, tùy thuộc vào mức độ của trầm cảm, người bệnh sẽ cần vài tuần, vài tháng và có thể là một vài năm để có thể quay lại cuộc sống bình thường.

  • Ghi nhận sự tiến bộ

Dù quá trình có dài đến đâu, hãy luôn dành thời gian để đánh dấu những kỷ niệm những thành tựu nhỏ trên chặng đường mà bạn và người bạn của mình đã đi qua. Ghi nhận những nỗ lực và sự dũng cảm của họ sẽ khiến họ cảm thấy được công nhận và có năng lượng để tiếp tục hành trình.

  • Luôn ở bên họ dù ngày nắng hay mưa

Nếu đã bắt đầu xin đừng dừng lại. Hãy tiếp tục ở bên họ, thể hiện cho họ thấy bạn không từ bỏ họ cho dù mọi thứ chưa/không được cải thiện nhanh chóng. Họ sẽ cảm nhận được sự ấm áp từ trái tim bạn và ý tưởng muốn nhanh chóng được khỏe lại ngày càng được nhen nhóm và phát triển.

Sự kiên nhẫn của bạn là tấm gương cho họ noi theo.

7, Chăm sóc cho chính bạn 

Hỗ trợ người bị trầm cảm có thể sẽ là một thử thách về mặt cảm xúc và sức khỏe, vì vậy để có thể giúp họ, bạn cần chăm sóc cho chính mình.

  • Đặt ra ranh giới

Kể cả khi bạn đang giúp đỡ người khác, hãy luôn đặt ra ranh giới. Biết giới hạn của mình và đừng thúc ép bản thân quá mức. Khi bạn cần nghỉ ngơi hoặc không thể đảm nhận thêm trách nhiệm, hãy tập cách nói không và bảo vệ sức khỏe của chính mình.

Bạn chỉ có thể giúp đỡ người khác khi khỏe mạnh. Nếu không có giới hạn, chính bạn cũng sẽ bị kéo theo những mệt mỏi mà người trầm cảm đang đối mặt. Bạn sẽ có thể bị choáng ngợp.

giúp người bị trầm cảm nhưng cần có ranh giới để bảo vệ bản thân
  • Lên kế hoạch

Nếu bạn cảm thấy bạn có thể dành ra 50% năng lượng của mình để giúp đỡ một người bị trầm cảm, hãy lên kế hoạch cho 30% năng lượng và thực hiện ở mức lý tưởng ở 10%. 

Vì sao? Vì sẽ luôn có những phát sinh trong quá trình hỗ trợ một người bị trầm cảm. Khi bạn dồn phân nửa năng lượng vào họ, cuộc sống hàng ngày của bạn sẽ rất dễ bị náo loạn. Bạn sẽ dễ bị căng thẳng và khó hoàn thành mục tiêu. Vậy nên, ở mức 10% sẽ giúp bạn dễ cân bằng hơn.

  • Dành thời gian hồi sức cho bản thân

Bên cạnh những hoạt động thể dục thể thao cho sức khỏe thể chất và tinh thần của bản thân, hãy luôn dành một khoảng thời gian trong quỹ thời gian của bạn để cơ thể tự chữa lành.

Bạn không giúp một người bị trầm cảm để bị trầm cảm. Do vậy, bạn cần chăm sóc bản thân để giữ vững tinh thần tỉnh táo để có thể ở bên họ đường dài. Như vậy, cả 2 người mới có thể đi đến đích.

Đồng hành cùng Khu Vườn Molly

Tại Việt Nam, 30% dân số mắc chứng rối loạn tâm thần và có đến 25% trong số này bị bệnh trầm cảm. Số người tự sát do chứng bệnh này ở nước Việt Nam là khoảng 40 nghìn người. Những con số này sẽ được giảm bớt đáng kể chỉ với 6 bước đơn giản: lắng nghe, hỗ trợ chuyên nghiệp, kiên nhẫn, vững tinh thần & ý chí và sự chân thành từ bạn.

Hãy cùng Khu Vườn Molly nối dài cánh tay của sự yêu thương, ấm áp dành cho những người bị trầm cảm. Để họ biết được cuộc đời này đáng sống. Để họ biết được cuộc đời này còn có yêu thương. Để họ biết được còn có những người như bạn – xứng đáng để họ vực dậy và sống trọn vẹn kiếp này!

Khu Vườn Molly luôn sẵn lòng lắng nghe câu chuyện của bạn! Cảm ơn bạn đã ở đây!

Đăng ký Healing 1-1

Tâm sự, chia sẻ, và nhận những giải đáp để hỗ trợ bình yên trong tâm hồn, chữa lành những tổn thương và sống cho giây phút hiện tại.

Đăng ký ngay