Làn sóng sa thải! Bạn cần làm gì để đối phó với nỗi lo bị sa thải
CB1501
author
2023 và 2024 được dự đoán là những năm khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Chính vì lẽ đó mà làn sóng sa thải trở thành một trong những cụm từ nóng nhất trên các diễn đàn lao động.
Vậy khi đứng trước làn sóng sa thải, bạn có thể làm gì để đối phó với nỗi lo mất việc làm? 5 bước sau đây sẽ là kim chỉ nam giúp bạn ứng phó chủ động, kịp thời và hiệu quả!
Bước 1: Không đồn đoán không suy diễn
Việc đầu tiên bạn cần làm là không tự dọa mình. Trong bất kỳ tình huống nào cũng không suy diễn và không đồn đoán khi không có những chứng cứ thực tế. Vì sao? Vì làm như vậy sẽ chỉ mang đến cho bạn những bất an thường trực. Lâu dài, bạn sẽ giảm hiệu suất làm việc. Hậu quả là bạn sẽ càng dễ rơi vào vị thế người được chọn trong danh sách người cần cắt giảm do không đạt chỉ tiêu công việc.
Mọi người thường tưởng tượng ra những tình huống xấu nhất khi họ sợ mất việc. Tuy nhiên, bạn cần phải nhận ra khi nào suy nghĩ của bạn đang trở nên cường điệu, phóng đại hay phi lý. Thay vì giả định điều tồi tệ nhất, hãy bám vào thực tế thực tế của tình huống.
Làm thế nào để làm để làm điều đó?
1, Bám Sát Vào Thực Tế
-
Tách cảm xúc khỏi thực tế
Những cảm xúc như sợ hãi và lo lắng có thể che mờ khả năng phán đoán của bạn. Cố gắng bình tĩnh, chậm lại và đánh giá tình hình một cách khách quan. Hãy tự hỏi bản thân xem bạn có bằng chứng cụ thể nào cho mối bận tâm của mình không và cảm giác nào có thể chỉ do nỗi sợ hãi gây nên mà thôi.
-
Tìm kiếm bằng chứng, sự minh bạch rõ ràng
Nếu bạn không chắc chắn về mức độ ổn định trong công việc của mình, hãy tìm kiếm thông tin chính thống từ các nguồn tin đáng tin cậy. Đó có thể là người giám sát công việc của bạn hay bộ phận nhân sự. Đừng dựa vào những tin đồn hay suy đoán từ đồng nghiệp, vì điều này có thể dẫn tới những căng thẳng không cần thiết.
-
Viết ra
Đôi khi, viết ra những suy nghĩ và mối quan tâm của bạn có thể giúp bạn nhìn rõ chúng hơn. Tạo một danh sách những lo lắng của bạn và sau đó phân tích từng mối lo lắng, bận tâm để xác định xem liệu chúng dựa trên sự thật hay giả định.
2, Tránh Tưởng Tượng Mọi Thứ
-
Thách thức, đối mặt với những suy nghĩ tiêu cực
Khi bạn thấy mình đang tưởng tượng ra những tình huống tiêu cực hoặc đưa ra những giả định về công việc của mình, hãy thách thức những suy nghĩ đó. Hãy tự hỏi bản thân xem có bằng chứng cụ thể nào hỗ trợ chúng không. Thông thường, bạn sẽ thấy rằng nhiều nỗi sợ hãi đều dựa trên sự suy đoán hơn là sự thật.
-
Tập trung vào những gì bạn có thể kiểm soát
Thực tế, bạn không thể kiểm soát mọi thứ trong công việc hoặc các quyết định của công ty bạn. Thay vì tập trung vào những gì bạn không thể điều khiển, hãy tập trung vào những gì bạn có thể tác động, chẳng hạn như hiệu quả công việc và sự phát triển của nghề nghiệp.
-
Tìm kiếm sự hỗ trợ
Nói chuyện với người bạn tin tưởng và tôn trọng về nỗi sợ hãi của bạn. Đó có thể là thành viên gia đình, thầy cô, người định hướng sự nghiệp,… Họ có thể chia sẻ một góc nhìn khách quan và giúp bạn sắp xếp những suy nghĩ và cảm xúc của mình.
-
Luôn cập nhật thông tin
Luôn cập nhật về hiệu quả hoạt động của công ty bạn và các xu hướng trong ngành nhưng vẫn dựa vào các nguồn thông tin đáng tin cậy. Kiến thức này có thể giúp bạn đưa ra quyết định sáng suốt về sự nghiệp của mình.
Vì sao? Vì có rất nhiều ngành nghề phát triển mạnh mẽ hơn trong thời kỳ khủng hoảng. Bên cạnh đó, có rất nhiều doanh nghiệp dưới sự dẫn dắt của lãnh đạo giàu kinh nghiệm, họ vẫn có thể chèo lái sự nghiệp kinh doanh vững vàng. Khi công ty có báo cáo tài chính ổn định, điều đó có nghĩa là bạn không có gì cần phải lo lắng.
Bước 2: Đánh giá tình hình và hãy hành động
Sau khi đã rèn luyện được ý chí vững vàng và suy nghĩ dựa trên thực tế, hãy làm bài tập sau đây để đánh giá tình hình và ra những quyết định chính xác cho tình huống của bạn.
1, Đánh Giá Hiệu Suất Công Việc Của Bạn
-
Tự đánh giá
Hãy nhìn nhận một cách trung thực về hiệu suất công việc của bạn. Hãy tự hỏi mình những câu hỏi sau đây: Bạn có đáp ứng được các chỉ số đo lường hiệu quả công việc (KPI) do nhà tuyển dụng đặt ra không? Bạn có nhận được phản hồi, nhận xét, góp ý tích cực hoặc sự công nhận cho công việc của bạn không? Có phần nào trong công việc bạn tin rằng mình có thể cải thiện không?
-
Tìm kiếm các ý kiến phản hồi, đánh giá về tình hình hiệu quả công việc của bạn
Thông thường ở các doanh nghiệp lớn, sẽ luôn có quy trình đánh giá tháng, quý và năm dành cho nhân viên. Nhưng nếu công ty của bạn chưa có chính sách này, nếu có thể, hãy gửi thư mong muốn nhận được phản hồi hay đánh giá từ người giám sát hoặc người quản lý của bạn về hiệu suất của bạn. Khi có được những chia sẻ này, bạn có thể có được những thông tin có giá trị về hiệu quả công việc của bạn được nhìn nhận như thế nào trong công ty. Từ đó, bạn cũng sẽ có được câu trả lời cho những lo lắng của mình.
-
So sánh công việc thực tế và bản mô tả công việc
Tiến hành bảng so sánh đánh giá của riêng bạn về hiệu suất của bạn với những kỳ vọng được nêu trong mô tả công việc của bạn hoặc bất kỳ đánh giá hiệu suất nào bạn đã nhận được trong quá khứ. Bạn có đang đáp ứng được với những mong đợi này không?
-
Xác định những điểm hoặc khía cạnh cần cải thiện
Nếu bạn xác định được các phần mà bạn có thể cải thiện, hãy lập kế hoạch để giải quyết những điểm chưa mạnh này. Để có thể hiện thực hóa, bạn có thể sẽ cần tham gia các khóa đào tạo bổ sung, đặt ra các mục tiêu cụ thể hoặc tìm kiếm sự hướng dẫn từ những đồng nghiệp xuất sắc trong các khía cạnh bạn đang tìm kiếm đó.
2, Trao đổi với cấp trên để nắm bắt tình hình
-
Lên lịch một cuộc họp
Nếu bạn thực sự lo ngại về sự an toàn trong công việc của mình trước làn sóng sa thải, bạn đã có đủ những chứng cứ rõ ràng về nguy cơ cho vị trí của mình, hãy sắp xếp một cuộc họp với sếp hay người giám sát hoặc trưởng bộ phận nhân sự của bạn. Hãy nhớ cuộc thảo luận này phải dựa trên 2 chữ “chuyên nghiệp” và tập trung vào việc thu thập thông tin hơn là thể hiện sự sợ hãi hoặc thất vọng.
Một lần nữa chúng tôi xin được nhấn mạnh, khi không có quyết định chính thức về danh sách những người bị sa thải, có tên bạn trong đó, bạn không nên hù dọa mình mà cứ bình tĩnh nói chuyện. Đôi khi, một câu chuyện chân thành, cởi mở, thân thiện và đúng mực sẽ là cứu cánh cho vị trí của bạn. Đừng thể hiện quá nhiều cảm xúc. Cứ tự tin trao đổi, tìm kiếm thông tin.
-
Chuẩn bị câu hỏi
Trước cuộc họp, hãy chuẩn bị danh sách các câu hỏi liên quan, chẳng hạn như:
– Anh/chị/sếp có thể cung cấp phản hồi, đánh giá, góp ý về hiệu suất làm việc gần đây của tôi không?/ Em muốn nhận được góp ý và đánh giá về hiệu suất công việc gần đây, mong được anh/chị chia sẻ thêm?
– Có bất kỳ thay đổi nào trong công ty sắp diễn ra có thể ảnh hưởng đến vai trò, trách nhiệm ở vị trí của tôi hay không?/Sắp tới công ty có thay đổi nào không? Nếu có liên quan đến vị trí của em hay phòng ban mình, em cũng mong được biết thêm để có sự chuẩn bị tốt nhất ạ?
– Có bất kỳ thay đổi đáng kể nào trong tương lai không, chẳng hạn như sáp nhập, mua lại hoặc thay đổi chiến lược kinh doanh?
Phần này của câu hỏi là để xem tình hình hiện tại hoặc kế hoạch tương lai của công ty có thể ảnh hưởng đến công việc của bạn như thế nào. Ví dụ: nếu công ty đang gặp khó khăn về tài chính, có thể sẽ có những biện pháp sa thải hoặc cắt giảm chi phí, những sự kiện như vậy có thể ảnh hưởng đến công việc của bạn. Mặt khác, nếu công ty đang phát triển, đây có thể tạo ra cơ hội thăng tiến nghề nghiệp hoặc là thời điểm để bạn tăng cường sự ổn định trong công việc.
-
Tích cực lắng nghe
Trong cuộc họp, hãy tích cực lắng nghe những chia sẻ bạn nhận được. Hãy chú ý đến cả tín hiệu bằng lời nói, cử chỉ của sếp bạn. Chú tâm một chút sẽ giúp bạn đánh giá tình hình một cách chính xác.
-
Luôn cởi mở, khiêm tốn và ham học hỏi
Hãy cởi mở với những nhận xét, lời phản hồi mang tính xây dựng. Có thể đó là lời góp ý về việc có những phần bạn thể hiện chưa tốt, miễn là họ chịu nói ra, hãy bình tĩnh, khiêm tốn và thể hiện thái độ cầu tiến, đón nhận. Nếu có những phần mà bạn có thể cải thiện, hãy thừa nhận chúng và bày tỏ sự sẵn lòng, nhiệt huyết của bạn để cải thiện chúng.
3, Lên Kế Hoạch Hành Động Để Chuẩn Bị Cho Tình Huống Xấu Nhất, Và Giữ Vững Niềm Tin Vào Những Điều Tích Cực
-
Cập nhật CV của bạn
Bất kể mức độ đảm bảo cho công việc hiện tại của bạn như thế nào, việc cập nhật sơ yếu lý lịch của bạn là điều nên làm. Luôn luôn có sự chuẩn bị sẽ giúp bạn không bị động và khả năng sống sót tồn tại trong một thị trường cạnh tranh khắc nghiệt cũng cao hơn.
Hãy chú ý làm nổi bật những thành tựu và kỹ năng của bạn để khiến bản thân trở nên hấp dẫn hơn trong con mặt người tuyển dụng. Hãy nhớ con số có nghĩa hơn lời nói không số hóa. Nếu có thể hãy lượng hóa các kết quả công việc của bạn. Ví dụ: thay vì nói tôi có 4 năm kinh nghiệm làm sale với thành tích vượt trội qua mỗi năm. Hãy nói, tôi tăng doanh thu 15% mỗi năm.
-
Mạng lưới kết nối
Xây dựng và duy trì các mối quan hệ công việc cả trong và ngoài nơi làm việc hiện tại của bạn. Tham dự các sự kiện trong ngành, tham gia các diễn đàn trực tuyến về ngành nghề của bạn hoặc nhóm LinkedIn để giao lưu với đồng nghiệp. Mạng lưới kết nối rộng có tăng cơ hội việc làm tiềm năng.
-
Theo dõi các bài đăng việc làm
Theo dõi các bài đăng việc làm trong lĩnh vực của bạn, ngay cả khi bạn không chủ động tìm kiếm một công việc mới. Thực tế, khi bạn để mắt tới thị trường lao động, bạn sẽ có được thông tin về thị trường việc làm và biết được các loại kỹ năng nào thị trường đang có nhu cầu lớn. Từ đó, bạn có cơ hội gia tăng sức hấp dẫn của bản thân.
-
Tạo một ngân sách dùng khi khẩn cấp
Hãy cân nhắc việc bắt đầu xây dựng một ngân sách có thể dùng khi khẩn cấp. Bạn có thể tích lũy ngay trong tài khoản ngân hàng của bạn. Một chút chuẩn bị để đảm bảo tài chính trong trường hợp mất việc đột xuất sẽ giúp bạn không bị ảnh hưởng quá nhiều khi sự việc không như ý xảy đến.
Bước 3: Biến sự lo lắng trở thành lợi thế
1, Rèn Luyện Tâm Trí Và Bản Lĩnh Của Bạn:
-
Chấp nhận sự bất thường trong công việc
Việc bạn cảm thấy lo lắng về sự ổn định công việc là điều hoàn toàn bình thường. Nhiều người trải nghiệm điều này, đặc biệt là trong những thời điểm thị trường lao động bất ổn định.
-
Tạo động lực cho bản thân và mở ra cơ hội mới
Hãy sử dụng áp lực của sự lo lắng khi làn sóng sa thải ập đến như một nguồn động lực. Hãy biến nó thành động lực để cải thiện kỹ năng và hiệu suất của bạn. Nó cũng có thể là động lực để bạn phát triển sự nghiệp của mình mà không cần thông qua công ty. Bạn có thể kinh doanh riêng cùng lúc đang làm việc tại công ty. Hoặc bạn có thể tìm kiếm thêm vài nguồn thu nhập khác. Việc có nhiều nguồn thu nhập sẽ khiến bạn cảm thấy an toàn hơn, và ít lo lắng đi.
2, Bạn Sẽ Làm Gì Khi Thất Nghiệp?
-
Giữ bình tĩnh
Cảm thấy khó chịu và lo lắng là điều tự nhiên nhưng bạn cần phải giữ bình tĩnh. Tránh phản ứng theo cảm xúc, tranh cãi hoặc phá hỏng mối quan hệ với công ty hay đồng nghiệp cũ của bạn.
Thể hiện lòng biết ơn đối với kinh nghiệm bạn có được ở công việc trước đây, ngay cả khi nó kết thúc không mấy tốt đẹp. Cách tiếp cận tích cực này có thể mở ra cánh cửa cho những cơ hội trong tương lai.
-
Lập kế hoạch tài chính
Ngoài ngân sách khẩn cấp, hãy xem xét tình hình tài chính của bạn một cách kỹ lưỡng hơn. Lúc này cho dù bạn có lo lắng đến đâu, thì cũng cần phải dành thời gian để ý đến quyền lợi khi bị sa thải của mình.
Theo đúng luật, nếu bị sa thải, 2 bên có thể thỏa thuận được, bạn sẽ có thể được nhận trợ cấp thôi việc (do người sử dụng lao động chi trả) ít nhất khoảng 2 tháng lương. Bên cạnh đó, nếu trong thời gian sau khi nghỉ, bạn chưa tìm được việc làm và đã đóng BHXH từ 1 năm trở lên, bạn có thể làm đơn và nhận trợ cấp thất nghiệp. Đủ 1 năm bạn sẽ được nhận 3 tháng lương căn bản. Thời gian càng dài bạn sẽ nhận được nhiều hơn.
Lúc này hãy nhìn tổng thể số tiền trợ cấp bạn có, tiền tiết kiệm,… để xác định bạn sẽ có thể chi tiêu như thế nào trong khoảng thời gian chưa tìm được việc làm mới. Hãy lên danh sách chi tiêu theo thứ tự ưu tiên: khoản vay, chi phí thiết yếu (ăn, uống, đi lại, điện nước). Bên cạnh đó, hãy cắt giảm các chi phí không cần thiết. Trong thời gian này, việc bạn chi tiêu theo kế hoạch nhất định sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều trong việc không bị rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chính sau khi không còn nguồn thu nhập ổn định.
-
Tìm kiếm việc làm và cơ hội mới
Bắt đầu tìm kiếm việc làm của bạn càng sớm càng tốt. Bạn bắt đầu càng sớm thì bạn càng có thể đảm bảo bản thân tìm được cơ hội mới sớm hơn. Hãy bắt đầu chọn lọc vị trí phù hợp và bắt đầu ứng tuyển. Nếu bạn có một mạng lưới những người trong ngành, đừng ngần ngại mà nhắn 1 cái tin, đăng 1 đoạn trạng thái về việc bạn đang tìm cơ hội công việc mới. Họ có thể có những nhà tuyển dụng tiềm năng hoặc có thể gợi ý bạn tới những đề nghị có giá trị.
Ngoài ra, hãy cân nhắc làm việc tự do. Bạn có thể trở thành một freelancer, không làm việc cố định cho bất kỳ công ty nào. Hoặc bạn mở 1 công ty nhỏ, chuyên nhận các công việc outsource của công ty khác. Bạn cũng có thể theo đuổi đam mê của mình. Đây là một cơ hội tốt để bạn thử theo đuổi đam mê của mình, bởi bạn đang có thời gian.
Xem thêm: Làm sao để lấy lại sự tự tin khi thất nghiệp!
Bước 4: Nghĩ về thời điểm bạn phải đối mặt với sự thất vọng, tổn thương hoặc khó khăn.
Suy ngẫm về những khó khăn trong quá khứ sẽ nhắc nhở bạn rằng bạn đã từng đối mặt với những tình huống khó khăn trước đây. Bạn đã vượt qua được, trở nên mạnh mẽ hơn và đi được tới hiện tại. Khi làm như vậy, bạn sẽ nhìn nhận nỗi lo mất việc hiện tại cũng không quá đáng sợ. Bạn sẽ bình tĩnh hơn để suy nghĩ về giải pháp sự nghiệp của mình.
Bên cạnh đó, khi lật lại ký ức, bạn ghi nhớ cách bạn xử lý thành công những thử thách trước đó, bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn.
-
Nhớ lại cách bạn đã xử lý những khó khăn trong quá khứ
Hãy nhớ lại một thách thức trong quá khứ mà bạn đã vượt qua thành công. Nguyên nhân gây ra khó khăn đó là gì? Nó khiến bạn cảm thấy thế nào và những hành động bạn đã thực hiện để ứng phó là gì? Sau đó hãy suy ngẫm về cách bạn đã xử lý tình huống. Hành động hoặc chiến lược cụ thể nào đã giúp bạn đối phó hoặc vượt qua thử thách đó?
Hãy nghĩ về những gì bạn đã học được từ trải nghiệm đầy thử thách đó. Nó có dạy bạn về bản lĩnh xử lý tình huống, giao tiếp hoặc các kỹ năng có giá trị khác không?
-
Áp dụng bài học trong quá khứ
Sau đó, hãy liên hệ các bài học với tình huống hiện tại khi bạn đang quá lo lắng vì bị sa thải. Bạn có thể áp dụng được gì từ thử thách trong quá khứ đó, nó có thể được áp dụng như thế nào đối với nỗi sợ bị sa thải của bạn. Ví dụ, nếu bạn học được tầm quan trọng của việc giữ bình tĩnh trước áp lực, hãy áp dụng bài học đó để giữ bình tĩnh trong những thời điểm bất ổn tại nơi làm việc.
-
Khẳng định tích cực
Nhắc nhở bản thân về khả năng thích ứng và học hỏi từ những khó khăn trong quá khứ. Sử dụng những lời tự khẳng định tích cực để củng cố sự tự tin của bạn khi đối mặt với nỗi sợ mất việc. Chẳng hạn như: “Tôi làm được”, “Tôi sẽ vượt qua được”.
-
Luôn kiên cường
Thất bại và sự không ổn định là một phần của cuộc sống. Chỉ cần bạn giữ vững niềm tin. Hãy tin vào bản thân mình và kiên cường đi về phía trước như bạn đã thành công trong quá khứ, bạn chắc chắn có thể thích ứng và xử lý được với những nỗi lo khi làn sóng sa thải xảy đến.
Bước 5: Đa dạng hóa bản thân
Thực tế chứng minh vũ khí khiến bạn tự tin đối mặt với bất kỳ nỗi lo sợ nào của việc bị sa thải chính là đa dạng hóa chính mình. Khi bạn có thể thể hiện khả năng thích ứng tuyệt vời, liên tục cập nhật bản thân với những kỹ năng mới thì thị trường tuyển dụng lúc nào cũng cần bạn.
Bạn có thể bắt đầu bằng cách đánh giá bộ kỹ năng hiện tại của bạn và xác định các kỹ năng mà bạn nổi trội. Sự tự nhận thức này sẽ giúp bạn hiểu bạn có thể mở rộng khả năng của mình ở đâu và tới mức nào.
-
Luôn tò mò
Nuôi dưỡng tư duy ham học hỏi, tò mò về những kiến thức mới và khao khát kiến thức. Hãy cởi mở để học những điều mới.
-
Xác định những khoảng trống về kỹ năng
Xác định những ngách hay các phần trong nghề nghiệp mà bạn thiếu năng lực chuyên môn hoặc kỹ năng đang được yêu cầu trong ngành của bạn hoặc các lĩnh vực liên quan.
Chẳng hạn, nếu bạn làm marketing, đừng chỉ tập trung vào các kỹ năng marketing, khi có thể hãy rèn luyện tư duy thiết kế. Khi làm được điều đó, bạn sẽ có khả năng thể hiện ý tưởng của mình một cách trực quan và dễ dàng nhất. Ở vào thời điểm thích hợp, những kỹ năng biết thêm này có thể là lợi thế hỗ trợ bạn được chọn lựa nhanh hơn các ứng viên khác, hay lọt vào tốp đầu những cá nhân phải được giữ lại ở công ty.
-
Phát triển kỹ năng
Để khiến bản thân mình luôn tươi mới và hấp dẫn đối với nhà tuyển dụng, đừng quên đăng ký các khóa học, hội thảo hoặc chương trình đào tạo có liên quan để có được các kỹ năng mới. Kỹ năng mềm (ví dụ: giao tiếp, lãnh đạo) hoặc kiến thức cụ thể về ngành hoặc kiến thức về quản lý và xử lý cảm xúc.
Kiến thức đồ sộ và luôn mở cửa chào đón bất kỳ ai trong chúng ta. Do đó, cho dù bạn chưa có nhiều kinh phí tham gia các lớp trả phí, các lớp miễn phí từ các nền tảng như Youtube, Tiktok vẫn luôn tồn tại. Hãy bắt đầu ngay khi có thể.
-
Xác định rõ ràng mục tiêu đề ra
Khi đa dạng hóa bản thân, hãy đi theo lộ trình rõ ràng. Thiết lập mục tiêu để phát triển kỹ năng. Xác định những kỹ năng nào có giá trị nhất cho con đường sự nghiệp hiện tại hoặc mong muốn của bạn, sau đó ưu tiên chúng.
-
Thực hành và ứng dụng
Áp dụng những gì bạn học được vào các tình huống thực tế. Kinh nghiệm thực tế thường là cách tốt nhất để củng cố các kỹ năng mới.
-
Tìm kiếm người hướng dẫn
Nếu bạn cảm thấy quá choáng ngợp và không biết mình nên nâng cao kỹ năng nào để bản thân bạn phát triển hơn và không bị thụt lùi so với tốc độ phát triển của xã hội, thì hãy cân nhắc việc tìm kiếm một người cố vấn có kinh nghiệm trong lĩnh vực mà bạn muốn khám phá. Họ có thể hướng dẫn bạn đa dạng hóa các kỹ năng cho sự nghiệp của mình. Bởi họ đã từng trải qua và có kinh nghiệm phát triển tới hiện tại, họ sẽ chỉ lối cho bạn.
Họ sẽ đưa ra được gợi ý hợp lý cho tình huống và hoàn cảnh của bạn, khi nào bạn nên đi học, khi nào bạn nên ứng tuyển, công việc nào bạn nên nhận. Mục tiêu 3-5 năm tới trong sự nghiệp và các cột mốc bạn nên đạt được… Tất cả sự chuẩn bị này sẽ biến bạn thành chiến binh với bộ giáp bất khả chiến bại, cho dù bất cứ làn sóng sa thải nào cũng không làm bạn bị thương.
-
Linh hoạt
Bên cạnh đó, hãy luôn cởi mở với những con đường và cơ hội nghề nghiệp khác nhau, ngay cả khi chúng có vẻ không liên quan đến vai trò hoặc ngành nghề hiện tại của bạn. Làm marketing hoàn toàn có khả năng lên làm CEO. Làm IT hoàn toàn có khả năng phát triển trong ngành phát triển sản phẩm, trưởng nhóm dự án. Làm kế toán hoàn toàn có khả năng làm lãnh đạo tài chính.
Kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm đều là những thứ bạn có thể học được. Quan trọng là khả năng học hỏi, thích ứng và tinh thần đam mê nhiệt huyết của bạn đến đâu. Vì vậy, đừng bao giờ hạn chế bản thân mình ở một điểm, luôn khám phá sở thích, đào sâu vào các niềm đam mê của bạn. Đôi khi, nghề nghiệp định mệnh của bạn có thể không phải nghề nghiệp hiện tại của bạn.
Đừng ngại thay đổi nếu điều đó dẫn đến một tương lai trọn vẹn và an toàn hơn. Liên tục đa dạng hóa bản thân mình để bản thân bạn cũng có nhiều sự lựa chọn hơn khi làn sóng sa thải xảy đến. Đó là cách để bạn ứng phó với mọi lo ngại, khó khăn khi bị sa thải.
Kết
Tóm lại, để ứng phó với nỗi lo bị sa thải, bạn cần: giữ vững tâm trí, đánh giá tình hình thực tế, ứng biến theo những thông tin được xác thực. Biến mọi sợ hãi, lo lắng thành động lực để chiến thắng. Đào những kinh nghiệm quá khứ lên để củng cố tinh thần. Luôn có sự chuẩn bị và sẵn sàng hành động. Cuối cùng là liên tục đa dạng hóa bản thân. Với những bước này, bất kể là khó khăn sự nghiệp nào cũng không thể làm bạn lùi bước. Bất cứ lo lắng nào cũng không làm bạn mất bình tĩnh.
Yêu và tin bản thân. Bạn có thể vượt qua được làn sóng sa thải này! Chúng tôi tin bạn!