khuvuonmolly@gmail.com
/
Địa chỉ :
Số điện thoại liên hệ:

Lụy tình là gì? Dấu hiệu của lụy tình – Vì sao lụy tình? Cách để không còn lụy tình

Author Avatar

Gem

author

Lụy tình là gì?

Lụy tình hiểu đơn giản là bị lệ thuộc tình cảm và không thể rời bỏ mối quan hệ yêu đương. Dù mối quan hệ ấy tồi tệ đến mức nào; dù đối phương là ai, có yêu mình hay không; thì người lụy tình cũng không muốn kết thúc mối quan hệ đó. Lụy tình là một trạng thái tinh thần bám dính vào tình cảm của bản thân. Người lụy tình tin rằng họ không thể sống nếu phải rời xa người tình của mình.

Dấu hiệu của một người lụy tình

  • Luôn nghĩ về đối phương

Ở mọi lúc, mọi nơi họ luôn nghĩ về người tình của mình. Thứ lấp đầy tâm trí của họ là người kia. Người kia đang ở đâu, làm gì, với ai, đang cảm thấy như thế nào, có mệt hay buồn gì không, có ăn uống gì chưa, thích gì, muốn gì…?

  • Phụ thuộc cảm xúc

Tâm trạng của họ hoàn toàn bị đối phương chi phối. Từng lời nói, hành động của người tình sẽ quyết định trạng thái tinh thần của họ. Họ không có niềm vui riêng, cũng không có cuộc sống riêng. Họ như con rối bị điều khiển.

  • Sợ hãi khi nghĩ đến chuyện chia tay

Hợp tan là chuyện bình thường của cuộc sống, nhưng họ lại không thể chấp nhận nổi. Nghĩ đến chia tay, kết thúc mối quan hệ, là tay chân họ bủn rủn, tâm trí trở nên mơ hồ. Chia tay là một sự đả kích tinh thần vô cùng mãnh liệt đối với họ. Họ sẵn sàng làm mọi thứ để giữ mối quan hệ, kể cả bán rẻ và tự chà đạp chính mình.

  • Ưu tiên người ấy hơn tất cả

Đúng thế, là ưu tiên hơn tất cả. Tất cả theo đúng nghĩa đen. Không cần biết đối phương là người như thế nào, đối phương sẽ luôn được xếp trên gia đình, bạn bè, sự nghiệp, cuộc sống cá nhân, và bản thân của người lụy tình.

  • Luôn sẵn sàng hi sinh tất cả vì đối phương

Họ sẵn sàng từ bỏ gia đình để đi theo người tình. Chà đạp nhân phẩm của mình để người tình thấy vui. Bỏ mặc bản thân và chỉ sống vì người kia cần. Họ từ bỏ sự nghiệp mình gây dựng nếu đối phương muốn. Họ cung phụng đối phương hết cỡ.

  • Cho rằng bản thân mình là người yêu họ nhất, không ai có thể vượt qua

Họ tin rằng ngoài họ ra, không ai có thể yêu đối phương nhiều như thế. Đúng vậy, ai có thể “yêu” một người đến mức bán cả mạng mình như thế cơ chứ. Họ nghĩ rằng tình yêu của họ là không thể thay thế, là vĩ đại nhất, là to lớn nhất.

  • Luôn tìm mọi cách để có được sự chú ý của họ

Họ sẽ làm những điều tuyệt vời để được khen. Và làm cả những điều khùng điên để được chú ý. Họ có thể uy hiếp và đe dọa đối phương bằng mạng sống của chính mình, để người kia phải quan tâm đến mình. Họ có thể giả vờ bị thương, giả vờ đau để được chú ý. Họ sẽ làm theo những gì người kia muốn để được thưởng, “được yêu”.

  • Luôn bỏ qua mọi lỗi lầm, tính cách tệ hại của đối phương

Dù người tình có gây ra những lỗi lầm gì, tính cách ra làm sao họ cũng sẽ bỏ qua, với niềm tin rằng người kia sẽ thay đổi. Dù mọi thứ có lặp lại hàng chục hay hàng trăm lần, họ vẫn tin lần sau người kia sẽ khác. Họ bỏ qua tất cả mọi thứ và luôn tin rằng người kia vẫn yêu mình, sẽ vì mình mà khác đi. Cờ bạc, rượu chè, nhậu nhẹt, đánh vợ/chồng/con, ngoại tình… –  họ đều có thể bỏ qua được. Dù bạn có giải thích hàng tỷ lần với họ rằng đối phương rất tệ, thì họ vẫn sẽ “nhưng”. Họ luôn có lý do chính đáng cho sự tha thứ của mình, đó là vì “tình yêu”.

  • Không thể vượt qua được nếu không được đáp lại tình cảm, hoặc mối quan hệ đổ vỡ

Họ chìm trong đau khổ của bể tình. Họ có mưu cầu quá lớn về việc phải thành đôi, vì thế mà không thể chấp nhận nổi tình cảm của mình không được hồi đáp, hoặc mối quan hệ kết thúc. Họ ám ảnh với việc phải thành đôi, phải ở trong mối quan hệ, phải là của nhau. Nếu không thể là của nhau, họ sẽ luôn tự hỏi “vì sao”. Họ sẵn sàng đổ lỗi cho bản thân “vì mình không đủ tốt, không đủ đẹp, không đủ giỏi.. để được yêu”. Họ sẽ liên tục hỏi phương “vì sao không yêu mình?”

  • Lãng mạn hóa quá mức về tình cảm của mình, về mối quan hệ

Họ sẽ tự vẽ tình cảm của mình thật đẹp, vĩ đại và to lớn. Họ yêu thích cái cảm giác “tình yêu của mình dành cho người kia là to lớn nhất”. Họ tự cảm động với chính mình vì điều đó, rồi tự suy. Họ ôm ấp một ảo tưởng rằng “tình yêu vĩ đại của mình sẽ cảm hóa người kia”. Họ cho rằng mối quan hệ của họ và người kia là tuyệt diệu, là điều mà không ai có thể ngăn trở. “Đó là một mối quan hệ thiêng liêng, không gì có thể sánh bằng.”

  • Không biết đối phương là ai vẫn có thể yêu

Họ có thể chả biết mặt mũi đối phương, không biết chính xác giới tính của người ấy. Họ chẳng biết một chút gì về người kia. Họ chỉ biết những tin nhắn mà người kia đã gửi. Họ tự vẽ nên hình ảnh của người kia rồi “trao đi tình yêu”. Mọi thứ đều do họ tự thêu dệt, rồi tự cảm động và tự yêu: anh/cô ấy rất quan tâm đến mình, mình rất đặc biệt đối với họ, mình là ngoại lệ của họ, họ là người tuyệt vời nhất… Bản chất chẳng có gì ngoài mấy dòng tin nhắn. Nhìn chung thì, họ tự đa tình với vài dòng chữ mà bản thân mình tự ảo tưởng đó là một con người hoàn chỉnh.

  • Cảm thấy tự ti, thấp bé hơn đối phương, so sánh với người tình cũ của đối phương

Những người lụy tình luôn cảm thấy mình thấp bé hơn đối phương ở một vài mặt nào đó. Và họ cảm thấy tự ti vô cùng về điều đó. Họ cảm thấy mình không xứng với người kia. Người kia như một đấng tối cao, còn họ chỉ là thứ thấp bé không đáng nhắc tới. Họ có xu hướng so sánh mình với tất cả những tình địch xung quanh, đặc biệt là với người yêu cũ của bạn tình. Lòng tự tôn của họ rất thấp.

  • Kiểm soát đối phương quá mức: điện thoại, tin nhắn, cuộc gọi, định vị

Vì cảm thấy mình nhỏ bé, và lo sợ người yêu sẽ bị người khác cướp đi mất nên họ kiểm soát đối phương quá mức. Họ cài định vị, kiểm tra điện thoại của đối phương. Họ không muốn bạn đời của mình ra ngoài mà không có họ đi theo. Họ muốn đối phương phải luôn trong tầm mắt của họ. Họ muốn đối phương phải thông báo cho họ tình hình mọi lúc mọi nơi.

  • Cho rằng đối phương sẽ làm cho mình hoàn thiện

Họ luôn có cảm giác thiếu thốn từ bên trong và người tình là một mảnh ghép hoàn hảo dành cho họ. Chỉ khi thành đôi với người kia, họ mới cảm thấy họ là một con người bình thường. Người tình sẽ lại đại diện danh tính cho họ “người yêu của…”, “vợ của…”, “chồng của…”.

  • Tính chiếm hữu cao

Họ ghen tuông có lý do và không có lý do. Họ không muốn người tình của mình bị ai chạm vào. Thậm chí là không muốn đối phương đi làm. Họ muốn người yêu/bạn đời phải ở nhà, để đảm bảo rằng không ai tiếp cận được anh ấy/cô ấy. Họ ghen tuông lồng lộn khi người kia nói chuyện với người khác giới.

Người lụy tình có xu hướng sợ bị bỏ rơi, sợ người tình bị cướp mất. Vì thế họ luôn nơm nớp lo sợ về mối quan hệ của mình. Tinh thần của họ luôn căng thẳng quá mức.

  • Tin rằng mình không thể sống nổi nếu thiếu người tình

Người tình là nguồn nhiên liệu cho sự sống của họ, vì thế sẽ không sai nếu họ nghĩ rằng họ không thể sống thiếu đối phương. Không có nhau, nghĩa là họ chỉ có một nửa, bên trong trống rỗng, đầy khiếm khuyết và tự ti. Thật là khó để có thể sống với những điều này.

vì sao lụy tình

Vì sao lại lụy tình?

Thông qua dấu hiệu của người lụy tình, bạn cũng có thể phần nào nhìn ra được lý do nào khiến họ lụy tình như thế. Nó xuất phát từ việc họ bị thiếu hụt bên trong. Thứ họ cảm thấy thiếu thốn chính là tình cảm. Hầu hết những người lụy tình đều bị thiếu hụt tình cảm thời thơ ấu.

Đặc tính cha mẹ ít quan tâm đến cảm xúc và suy nghĩ của con cái khá là phổ biến. Thậm chí có những cha mẹ không bao giờ quan tâm đến những gì đang diễn ra bên trong con của mình. Điều này làm cho đứa trẻ cảm thấy lạc lõng trong chính gia đình của mình. Nhiều đứa trẻ lớn lên với nhiều cảm giác tự ti vì không được gia đình thấu hiểu, giúp đỡ, chống lưng.

Một số sẽ lựa chọn tự vững mạnh, không dựa vào ai cả. Một số khác lại trở nên khao khát tình cảm thái quá. Họ điên cuồng tìm kiếm người tình với niềm tin rằng người tình sẽ bù đắp tất cả cho họ.

Nghịch lý của cuộc đời là càng cảm thấy thiếu, lòng tham lại càng lớn. Như những người chịu đói lâu năm, sẽ không bao giờ ăn no vừa đủ, họ sẽ cố gắng nhét càng nhiều càng tốt vào bao tử của mình, đến mức bụng đau nhói, nhưng vẫn phải muốn ăn thêm. Những người lụy tình – những kẻ thiếu thốn tình cảm nhiều năm là người tham lam tình cảm một cách thái quá, dù có đau khổ bao nhiêu họ cũng không thể dừng lại được.

Lụy tình gây ra những tác hại gì?

  • Đánh mất bản thân

Người lụy tình không sống vì mình, chỉ sống vì người tình. Bản thân là một thứ gì đó vô giá trị đối với họ. Họ lao đầu như con thiêu thân vào ngon lửa tình. Sự nghiệp, học tập, gia đình, bạn bè đều không có ý nghĩa gì cả. Họ có thể chuyển từ lụy người này sang người kia, nhưng không bao giờ hết lụy. Một số người sau này chuyển sang lụy con cái. Trước kia họ viện 2 chữ “tình yêu” để lụy người tình. Sau này họ viện 3 chữ “tình mẫu tử”, “tình phụ tử” để lụy con của mình. Họ “hi sinh” tất cả cuộc đời mình để mong đổi được tình cảm từ người mà họ muốn. Họ muốn ràng buộc người kia bằng những gì họ đã “hi sinh”.

Không ai muốn bản thân bị ràng buộc. Không ai muốn bản thân phải chịu trách nhiệm cho cuộc đời của người khác. Vì lẽ này mà người tình cảm thấy chán nản mà muốn kết thúc mối quan hệ. Khi mối quan hệ kết thúc, kẻ lụy tình, kẻ đã vứt bỏ cả cuộc đời mình để lấy người tình, giờ đây mất luôn cả người tình. Họ mất tất cả. Cái định danh duy nhất của họ biến mất. Họ chẳng còn biết mình là ai. Họ cảm thấy như mình không tồn tại, hoặc không nên tồn tại.

  • Kiệt quệ tinh thần

Tinh thần của người lụy tình luôn căng như dây đàn. Họ phải dành rất nhiều năng lượng cho việc nghĩ và quan tâm đến đối phương. Họ tiêu hao nhiều năng lượng để lo lắng việc bị bỏ rơi, để cố gắng níu giữ người tình, để hoảng sợ nếu người tình không trong tầm mắt, để đau khổ nếu người tình không đáp lại tình cảm của họ.

Họ không nuôi dưỡng tinh thần của mình, mà chỉ bào mòn nó. Họ tận dụng cái tinh thần mà mình đã có được khi vừa sinh ra, bòn rút tất cả đem cho người, với hi vọng đổi lấy chút tình cảm rẻ rúng. Có lẽ vì họ không phải bỏ chút công sức nào để có được cái tinh thần này, nên họ chả biết dùng nó một cách đúng đắn, có tính bảo dưỡng và phục hồi. Họ vắt kiệt cái tinh thần miễn phí ấy, mà chẳng có chút áy náy nào.

  • Không hiểu giá trị sống

Cuộc sống không có ý nghĩa gì cả nếu không có người tình – đó là tư tưởng của kẻ lụy tình. Bầu trời sụp đổ, thế giới chống lại họ, lũ lụt dâng cao, tận thế là những gì họ cảm nhận. Họ không nhìn thấy bất kỳ giá trị nào của cuộc sống. Thế giới của họ chính là người kia. Hoa nở hay hoa tàn, trời mọc hay lặn đều chẳng có ý nghĩa gì cả. Bản thân một người chẳng có giá trị gì cả. Nhân phẩm, thành tựu cũng không. Gia đình, bạn bè như những thứ chưa bao giờ tồn tại. Sinh mạng cũng chỉ là thứ vô giá trị.

  • Mất nhận thức về chính mình

Họ không nhận thức được sự tồn tại của bản thân. Càng không nhận thức được sự sống của chính mình. Họ không cảm nhận nổi cơn đau thể xác, hay những tiếng gào thét cầu cứu của tinh thần. Họ không cảm nhận nổi bất kỳ điều gì thuộc về chính mình. Họ không cảm nhận được những cảm xúc của riêng mình. Họ từ chối bản thân quyết liệt, nên không thể cảm nhận bất kỳ thứ gì về chính mình. Thứ duy nhất họ muốn cảm nhận là người tình.

Họ như những kẻ bị tê liệt thần kinh, không còn cảm thấy gì. Nhưng họ không hề biết điều này. Vì họ tin rằng họ phải hòa làm một với người tình, rằng họ phải thuộc về người tình, rằng họ phải sống vì người tình.

  • Xây dựng liên kết tình cảm độc hại

Xem thêm: Những điều độc hại trong tình yêu bạn cần tránh

Một người lụy tình có niềm tin mù quáng về tình yêu nên rất dễ bị lợi dụng, lừa gạt và ngược đãi. Họ trở thành đối tượng chơi đùa của những kẻ thích trêu đùa tình cảm của người khác. Những người này thích nhìn người khác yêu mình đến điên dại rồi rũ bỏ, để mặc họ đau khổ tột cùng khi bị bỏ rơi. Ngoài ra, vì tính hi sinh bất chấp của người lụy tình, mà họ cũng rất thường bị lợi dụng, tận dụng, đến khi hết giá trị thì bị vứt sang một bên. Vì cái nhìn sai lầm về tình yêu, nên họ luôn cam chịu trước ngược đãi, đánh đập, bạo hành. Họ cho rằng sau đau khổ là hạnh phúc, chỉ cần chịu đựng rồi người kia sẽ nhận ra tình cảm của mình mà thay đổi.

Người lụy tình có xu hướng thu hút những người tồi tệ đến để chà đạp, lợi dụng, lừa gạt mình, bởi chính trạng thái tinh thần của họ đã luôn sẵn sàng chịu đựng những điều ấy. Thậm chí là tinh thần của họ cảm thấy họ xứng đáng với những điều ấy.

Làm sao để không còn lụy tình?

Mọi căn bệnh đều cần điều trị tận gốc. Mọi vấn đề đều cần được giải quyết tận gốc. Vậy nên không thể chỉ vài lời khuyên trên bề mặt mà có thể làm một người hết lụy tình.

Nguyên nhân dẫn đến lụy tình là do thiếu hụt tình cảm thời thơ ấu, khiến cho một người cảm thấy thèm khát tình cảm quá mức. Để có thể chữa lành được điều này, bạn cần phải tìm về quá khứ, những khoảng thời gian mà bạn bị thiếu tình cảm, và nuôi dưỡng lại bản thân của thời điểm ấy.

Bước 1. Chữa lành đứa trẻ khao khát tình yêu thuở bé

Hãy dành ra 30-60p, để nằm yên, thư giãn tâm trí của mình. Bắt đầu tìm về quá khứ, tìm về bản thân của bạn lúc còn bé, về những khoảng thời gian nó không được nhận tình yêu mà nó đáng nhận. Giờ đây bạn đang có mặt ở đó, và ôm lấy đứa bé ấy, đồng cảm với những gì đứa bé ấy đã trải qua, và trao cho nó tình yêu vô bờ bến mà bạn có. Quan tâm, yêu thương, chiều chuộng, nâng niu, công nhận, khen thưởng nó như cách nó muốn. Hãy là chỗ dựa vững vàng của đứa bé ấy, để nó cảm nhận được bạn, được người luôn sẵn sàng bênh vực nó, ủng họ nó. Hãy chữa lành cho đứa bé ấy.

Tôi yêu em, tôi biết em đã bị đổ oan. Thật tội cho em. Tôi biết em không sai, em đã đúng. Có tôi bên em rồi, có tôi ở đây tin em, đứng về phía em. Khóc đi, tôi ở đây để nghe em khóc, để dỗ dành em.

Sau đó bạn có thể bắt đầu dắt tay đứa trẻ đã có tình yêu này đi dạo, đi ăn chơi. Bạn dắt nó đi mua những thứ nó muốn. Bạn quan sát đứa trẻ lớn lên hồn nhiên, vui tươi trong sự bao bọc, dạy dỗ đúng đắn của bạn. Bạn nhìn đứa trẻ trở thành thiếu niên, thành cô gái/chàng trai, thành người phụ nữ/đàn ông bằng tuổi với bạn bây giờ. Và hòa nhập con người tràn đầy tình yêu thương bên trong này với bạn. Cả hai hòa thành một, hòa vào thân thể của bạn, hòa vào tinh thần của bạn. Rồi từ từ mở mắt và cảm nhận tình yêu tràn đầy bên trong bạn.

Bước 2. Học về giá trị của bản thân

Khi đã cảm nhận lại được tình yêu bên trong mình, thì bạn mới có thể học về giá trị của bản thân. Đừng nhảy cóc các bước. Một người không có nổi chút tình yêu nào dành cho chính mình thì không thể nào hiểu được giá trị của bản thân trông như thế nào.

Tình yêu bên trong chính là giá trị nội tại của một người. Tình yêu đó càng lớn bao nhiêu, con người lại càng nhìn thấy giá trị của mình lớn bấy nhiêu.

Tình yêu bản thân được thể hiện qua lòng tự tôn. Một người càng yêu bản thân thì càng tôn trọng chính mình. Họ để cho bản thân trải nghiệm những điều tốt đẹp, từ chối những điều không đủ tốt. Họ để bản thân được nghỉ ngơi, từ chối làm việc quá sức. Họ để cho tinh thần của mình được thư giãn và bình yên, từ chối những gì làm phiền đến tâm trí mình. Họ bảo bọc sự hồn nhiên của mình, và từ chối những mối quan hệ đầu độc sự ngây thơ của họ. Họ tôn trọng cơ thể, tinh thần, sức lực, và thời gian của chính mình, không sử dụng phung phí, bừa bãi, hay là làm tổn hại.

Bạn sẽ cần học cách thể hiện tình yêu của mình với chính mình. Làm sao để nuôi dưỡng tâm hồn mình thật trong sáng, hồn nhiên? Làm sao để nuôi dạy chính mình một cách đúng đắn? Hãy bắt đầu từng bước một như ở trên đã đề cập. Bắt đầu quan tâm đến tinh thần, cơ thể của mình. Hãy đối xử với cơ thể ấy như cơ thể ngọc ngà. Chăm sóc tinh thần mình như một tinh thần thiêng liêng, chỉ dung nạp những gì là quý giá, khước từ những gì là độc hại.

Bước 3. Xây dựng cuộc sống của riêng mình, hạnh phúc của riêng mình

Giờ là lúc tốt nhất để bạn có thể bắt đầu lại cuộc đời mình. Hãy bắt tay vào việc tạo lại cuộc sống của mình. Một cuộc sống mà bạn đáng có, nên có. Một cuộc sống mà lúc nhỏ, lúc vẫn còn thơ ngây, bạn vẫn hay mong muốn.

Bạn có thể bắt đầu bằng việc thử làm những thứ mà mình thích: mua hoa về cắm, vẽ tranh bằng những nét vẽ nguệch ngoạc, nuôi thú cưng, đi dạo trong thiên nhiên và hít thở không khí trong lành, du lịch… Bạn có thể bắt đầu học những thứ mình muốn: ngoại ngữ, nghề nghiệp, sở thích… Bạn bắt đầu nghiên cứu về thời trang, về gu ăn mặc, gu làm tóc. Bạn đọc về những gì bạn quan tâm. Bạn nghiên cứu về những thứ khiến bạn tò mò.

Bạn ghi chép lại những gì mình chưa bao giờ biết. Bạn viết nhật ký về những cảm xúc lẫn lộn trong ngày của mình. Bạn bắt đầu một công việc, có vẻ mơ hồ, nhưng bạn vẫn bắt đầu. Bạn ăn những món mình thích. Bạn dành thời gian để nghỉ ngơi, để nằm thơ thẩn về cuộc đời mình. Bạn quan sát về những gì đang diễn ra xung quanh và quan sát những gì diễn ra bên trong mình.

Bạn bắt đầu nói “không”, từ chối những thứ không phù hợp với mình, không dành cho mình. Bạn chấp nhận sự khác lạ của cuộc sống. Bạn chấp nhận việc mong muốn của mình không được hồi đáp. Bạn chấp nhận việc người nào đó có thể yêu thích mình, và không yêu thích mình.

Xem thêm: Hạnh phúc tự thân

Bước 4. Hiểu đúng về tình yêu đôi lứa

Khi bạn đã có thể tự đứng vững giữa đời bằng sự hậu thuẫn của tình yêu thương dành cho bản thân, bạn đã có thể bắt đầu tình yêu đôi lứa.

  • Tình yêu là sự độc lập của 2 con người kết hợp lại với nhau

Bạn và họ đồng hành cùng nhau, bổ sung cho nhau, nhưng không phụ thuộc hay dựa dẫm vào nhau. 2 người là 2 cá thể riêng biệt, không hòa tan vào nhau. Không ai trở thành nô lệ, thú cưng, người hầu của ai cả. Không ai trở thành thú tiêu khiển của ai cả. Mỗi người đều có cuộc sống của riêng mình. Mỗi người đều có cách sống riêng, có sự nghiệp riêng, có lý tưởng và hoài bão riêng. Không ai thuộc về ai. Không ai đánh mất mình.

Xem thêm: Làm sao để không bị phụ thuộc tình cảm?

  • Bên nhau cần thay đổi cho hợp nhau, và chấp nhận nhau

Là thay đổi cho tương thích, chứ không phải thay đổi cực đoan, không còn là chính mình. Là chấp nhận sự khác biệt của nhau, chứ không phải cố gắng chấp nhận những điều làm tổn hại đến tinh thần và thể xác của mình. Ở bạn và cả người kia đều có giới hạn cho sự thay đổi và chấp nhận. Hãy tôn trọng giới hạn ấy của bản thân, và tôn trọng cả giới hạn ấy ở người yêu của mình. Đừng ép nhau phải chấp nhận những điều mà sâu bên trong mỗi người không thể chấp nhận nổi. Đừng ép nhau phải đổi đến mức chẳng còn là chính mình. Những gì vượt quá giới hạn sẽ không bao giờ mang lại kết quả tốt đẹp.

làm sao để không còn lụy tình
  • Tình yêu không phải là sự hi sinh, mà là cả hai cùng xây dựng

Nói chuyện để hiểu nhau muốn gì. Trao đổi để biết sự khác biệt của nhau. Cùng nhau hạ cái tôi, cùng nhau nỗ lực vì tương lai, vì lý tưởng chung và vì cả lý tưởng cá nhân. Cái gì là của chung thì là cả hai cùng bồi đắp. Mối quan hệ là của chung, vì thế phải là cả hai cùng xây dựng. Gia đình là của chung, ngôi nhà là của chung, hạnh phúc này cũng là của chung. Luôn cần phải có sự cân bằng trong sự đóng góp.

Xem thêm: Làm sao để hiến tặng hạnh phúc cho người thân yêu?

  • Tình yêu đôi lứa không nhất thiết phải lâu dài – hiểu duyên phận

Tình yêu bền vững nhất là tình yêu dành cho bản thân. Tình cảm đôi lứa nên buông theo tự nhiên, tùy vào duyên nợ. Cuộc tình nào đến thì đến, cuộc tình nào đi thì đi. Những gì tốt đẹp thì lưu thành kỷ niệm. Kết thúc nào cũng là đau thương, thôi thì thả trôi. Không ôm hận thù, không oán trách, không hỏi vì sao. Hết duyên thì đường ai nấy đi.

Rồi sẽ lại yêu người mới, và yêu cuồng nhiệt. Miễn là tình yêu dành cho bản thân không vơi đi, bạn sẽ luôn có tình yêu để trao cho bất kỳ ai đến sau. Tình yêu của bạn vẫn luôn nồng nhiệt, như thuở ban đầu. Còn vui thì còn bên nhau. Hết vui nên dừng lại. Đừng đợi đến lúc thân tàn ma dại mới rời đi. Hãy luôn nhớ về giá trị của bản thân.

  • Cảm xúc của bạn độc lập với cảm xúc của họ, và độc lập với mối quan hệ

Tình cảm của bạn và tình cảm của họ là hai điều chắc chắn độc lập với nhau. Bạn có tình cảm với họ, đó là chuyện của bạn, họ không có trách nhiệm gì ở đây cả. Họ có tình cảm với bạn hay không thì đó là chuyện của họ. Họ có thể đối tốt với bạn, quan tâm bạn, nhưng rơi vào lưới tình là chuyện bạn. Nhắc lại một lần nữa “họ không có trách nhiệm gì cả”. Cảm xúc của bạn là cảm xúc của bạn, cảm xúc của họ là cảm xúc của họ. Chúng hoàn toàn độc lập với nhau, và không liên quan gì đến nhau. Vì thế đừng hỏi những câu hỏi ngu ngốc như “Vì sao tôi yêu em/anh nhiều thế, mà em/anh lại không yêu tôi?”

Tình cảm là cảm xúc, càng không liên quan đến mối quan hệ. Có tình cảm với một người, không liên quan đến việc phải trở thành đôi với người đó. Kể cả khi bạn và họ đều có cảm xúc dành cho nhau, cũng không liên quan đến việc cả hai thành đôi. Bước vào một mối quan hệ tình cảm đôi lứa cần phải xem xét xem người kia là người như thế nào, có hợp với mình hay không, có phù hợp dành cho mình hay không. Không thể nào chỉ vì bạn rung động với họ, mà họ lại trở thành một người phù hợp cho bạn. Họ là ai, là người có nhân cách như nào, có là người đủ tốt để bạn và họ bắt đầu tìm hiểu nhau hay không.

  • Không ai có khả năng đọc được suy nghĩ của người khác

Giao tiếp, trò chuyện, nói chuyện, chia sẻ, tâm sự là những gì mà một đôi yêu nhau sẽ làm. Tất cả vì một mục đích duy nhất là hiểu nhau hơn, biết nhau đang nghĩ gì. Ai cũng xứng đáng được nghe những lời thật lòng từ người mình yêu. Không ai xứng đáng với trò chơi đoán ý khó nhằn.

Mỗi người sinh ra và lớn lên trong những hoàn cảnh khác nhau, vì thế mà hệ thống tư duy chẳng hề giống nhau. Đến cả cách thể hiện yêu thương của cả hai cũng không hề giống nhau. Vậy thì làm sao có thể đoán được nhau đang nghĩ gì, muốn gì. Hãy luôn thẳng thắn với nhau, cho nhau cơ hội được nói, được nghe và được hiểu trong sự bình yên, trong tình yêu, chứ không phải trong cơn bực tức, giận dỗi.

  • Tình yêu thể hiện qua sự tôn trọng

Tôn trọng là biểu hiện cơ bản nhất của tình yêu. Nếu một người luôn miệng nói yêu, nhưng lại không tôn trọng con người, nhân phẩm, nỗ lực, thành tựu, sở thích, sự nghiệp, học tập, thời gian, tiền bạc, tình cảm của bạn, thì người ấy không hề yêu bạn. Họ tôn trọng sự khác biệt giữa bạn và họ. Họ tôn trọng những suy nghĩ, lựa chọn và quyết định của bạn. Họ có thể có những ý nghĩ khác bạn, họ có thể sẽ muốn trình bày suy nghĩ của họ, họ cũng có thể muốn thuyết phục bạn theo ý họ, nhưng tuyệt nhiên họ sẽ không thể hiện sự thiếu tôn trọng đến bạn.

Có câu “tương kính như tân”, có nghĩa là kính trọng nhau như lúc đầu. Câu này để răn dạy các cặp vợ chồng nên giữ sự tôn trọng nhau như lúc ban đầu để giữ mãi tình yêu dành cho nhau. Điều này cho thấy sự tôn trọng là điều vô cùng quan trọng để tạo nên, và giữ mãi một tình yêu.

Kết luận

Lụy tình là hệ quả của việc thiếu tình cảm khi còn nhỏ. Con người có xu hướng tìm kiếm quá mức thứ mà mình đã không có, từ đó dẫn đến lụy tình. Lụy tình làm cho chính bản thân người lụy tình trở nên ngày càng đau khổ hơn, và khiến cho người yêu của họ cảm thấy ngột ngạt, khó chịu và sợ hãi. Vậy nên nếu bạn là một người lụy tình, hãy bắt đầu giúp bản thân thoát khỏi nó.

Bắt đầu bằng việc chữa lành cho đứa trẻ thời thơ ấu, cho nó tình yêu vô bờ của bạn. Sau đó là xây dựng lại cuộc sống của riêng mình, gầy dựng hạnh phúc của riêng mình. Cuối cùng là dạy cho bản thân những điều đúng đắn về tình yêu, để bạn có thể yêu và được yêu trong hạnh phúc và bình yên. Chúc bạn sớm giải thoát mình khỏi lụy tình.

Đăng ký Healing 1-1

Tâm sự, chia sẻ, và nhận những giải đáp để hỗ trợ bình yên trong tâm hồn, chữa lành những tổn thương và sống cho giây phút hiện tại.

Đăng ký ngay