Mặt trái của việc cố gắng làm người tử tế
Mie
author
Tử tế vốn là đức tính tốt mà mỗi người đều được dạy. Từ khi còn nhỏ cho đến khi lớn lên chúng ta vẫn luôn được dạy phải biết sống tử tế . Trở thành người tử tế có lẽ là điều cha mẹ nào cũng muốn con cái mình làm được. Nhưng tử tế đến mức độ nào thì không ai dạy cả. Nhiều người cố gắng tử tế hết lòng. Họ đánh đổi cả bản thân mình để được mọi người đánh giá là người tử tế. Thật đáng tiếc, việc sống quá tử tế không mang lại nhiều lợi ích như chúng ta nghĩ, trái lại nó có thể sẽ gây ra nhiều hệ quả không tưởng.
Hội chứng “người tử tế”
Bạn nghĩ sao nếu có một người bạn sẵn sàng giúp đỡ khi bạn cần, không bao giờ từ chối lời đề nghị nào từ bạn. Tôi tin bạn sẽ cảm thấy rất tuyệt khi có được người bạn như vậy. Thế nhưng thực chất chúng ta đều không tốt bụng và rảnh rỗi đến mức như thế. Ai trong chúng ta cũng có cái tôi riêng, bản ngã riêng của mình. Chúng ta có những sắp xếp cho một ngày của mình. Chúng ta cũng muốn được nghỉ ngơi và thư giãn. Đôi khi chúng ta cố gắng giúp đỡ người khác để mọi người nghĩ mình tử tế hoặc để không cảm thấy áy náy với lương tâm. Nhưng sau cùng chúng ta lại không tử tế với chính bản thân mình.
Những người thuộc hội chứng này luôn tiếp cận cuộc sống và các mối quan hệ ở trạng thái bị động. Thay vì lên tiếng cho bản thân thì họ lại để mọi người lấn lướt mình. Họ luôn cố gắng không ngừng nghỉ chỉ để làm hài lòng người khác. Họ luôn cảm thấy khó khăn khi nói “không” – cho dù với những yêu cầu vô lý. Nói tóm lại, họ “tử tế” đến mức sai trái. Khi muốn hoặc cần điều gì, họ ngại ngùng mở lời vì sợ làm phiền tới người khác. “Người tử tế” cũng tránh xung đột như tránh dịch bệnh, họ thà “làm theo” còn hơn “làm khác”.
Khi cố gắng trở thành người tử tế sẽ như thế nào?
-
Sự tử tế quá mức gây nên xung đột nội tâm
“Mình luôn tốt bụng và dễ tính như vậy ư?” “Sao mình luôn đồng ý nhận việc thay người khác vậy?” “Hay do mình bị ngốc chăng?” Đó là những câu hỏi luôn văng vẳng trong đầu của bạn khi bạn luôn phải hành động ngược với mong muốn của mình để tử tế với ai đó. Thực chất tử tế là một chuyện tốt, nhưng cái gì vượt quá sức chịu đựng, khả năng và giới hạn của bản thân thì sẽ trở thành xấu.
Khi một người bất chấp bản thân để giúp đỡ người khác quá nhiều lần họ sẽ hay có xu hướng xung đột nội tâm. Sếp luôn nhờ vả làm thêm cuối tuần và bạn đồng ý. Bạn bè hỏi vay mượn tiền và lần nào bạn cũng đồng ý. Bạn cố gắng khiến mọi người hài lòng và vui vẻ. Để rồi nội tâm của bạn mâu thuẫn và kêu gào. Nếu không giúp, bạn chỉ trích chính mình. Nếu giúp bạn bực bội vì không được nghỉ ngơi hoặc làm những gì mình đã dự định. Những mâu thuẫn này chất chứa trong lòng bạn. Lâu dần chúng có thể khiến bạn cạn kiệt năng lượng hoặc biến đổi tính cách của bạn.
-
Bạn trở nên xấu tính
Chính vì những cảm xúc tiêu cực không được giải thoát, những khó chịu trong lòng cứ cuốn lấy bạn. Sự tích trữ năng lượng xấu sẽ dẫn đến bộc phát xấu tính trong hành động. Khi những năng lượng độc hại quá tải, chúng sẽ tự tìm cách để thoát ra ngoài. Ví dụ như bạn vô cớ nổi cáu với thú cưng mình nuôi, có những suy nghĩ ghét bỏ khi ai đó nhờ cậy,… Hay thậm chí có cho mình những thói quen xấu như thuốc lá, rượu bia. chỉ để giải tỏa những tiêu cực đè nén trong người.
-
Tự trách chính mình
Luôn phải cố gắng tử tế sẽ hình thành trong đầu lối suy nghĩ: đó là lỗi của tôi, mình thật tồi tệ, đáng lẽ mình nên giúp đỡ nhiều hơn một chút… Mỗi lần xảy ra sự việc gì đó không vui, bạn sẽ mặc định trách nhiệm thuộc phần mình. Bạn nghĩ rằng nếu mình tử tế thì mọi chuyện đã không xấu đi. Bạn tự phán xét và tự chỉ trích chính mình.
Như mỗi lần bạn đã cố gắng hết sức hoàn thành công việc sếp giao nhưng vẫn thất bại. Hay bạn cố gắng học nấu ăn cho người yêu nhưng đối phương lại tỏ ra không thích. Mỗi lần như vậy bạn sẽ hứa với bản thân mình sẽ làm tốt hơn nữa. Nhưng bạn thấy đó, làm hài lòng người khác là điều không thể. Dù bạn có cố gắng bao nhiêu đi chăng nữa.
-
Oán giận mọi người
Tích tụ sự oán giận cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc bộc phát tính xấu. Nhưng đôi khi nó âm thầm chiếm lấy bạn mà bạn không hề hay biết. Oán giận xuất hiện vì sự tử tế của bạn đi kèm với những kỳ vọng. Bạn kỳ vọng rằng người khác sẽ đánh giá cao nỗ lực bạn bỏ ra hay trở nên tốt giống như bạn. Hoặc bạn mong rằng họ sẽ tinh ý nhận ra thứ bạn cần và đáp ứng lại bạn. Hoặc chí ít khi bạn nhờ họ sẽ giúp đỡ lại bạn. Nhưng sự thật thì chúng ta thường không được đáp lại. Và khi đó, sự oán giận sinh ra là lẽ tất nhiên cho nỗi thất vọng của bạn.
-
Tự thỏa hiệp trước các mối quan hệ
Thay vì nói lên điều bạn cần, bạn mong muốn thì bạn lại suy nghĩ xem đối phương liệu có chấp nhận hay không. Và lập tức hạ thấp nhu cầu của mình xuống. Đồng nghiệp nhờ bạn làm hộ việc trong khi tối nay bạn muốn được ăn tối thư giãn và ngắm nhìn thành phố một cách bình yên. Thay vì từ chối bạn lại đồng ý vì sợ làm mất lòng đồng nghiệp hoặc sợ họ nói bạn xấu tính vì không giúp đỡ.
Nhất là trong những mối quan hệ gần gũi, khi bạn thỏa hiệp quá nhiều bạn sẽ không còn là chính mình nữa. Bạn sẽ trở thành kiểu người nửa vời có cũng được mà không cũng chẳng sao. Mặc dù bạn rất mong muốn nhiều hơn thế, nhưng vì sợ đối phương không đồng ý hay nghĩ rằng mình lợi dụng nên bạn lại thôi. Lâu dần, bạn sẽ không còn thiết tha với nhu cầu và mong muốn của bản thân nữa và dần trở nên xa cách với chính mình. Bạn cảm thấy bản thân mình chẳng còn quan trọng.
Kết
Khi cảm thấy mình chỉ đang cố gắng làm người tử tế, liệu bạn có từ bỏ không? Liệu bạn có dám bỏ đi một chút lòng tốt đối với người khác để đổi lấy sự tử tế cho chính mình? Câu trả lời sẽ phụ thuộc vào bạn. Người quan trọng nhất trong cuộc đời bạn luôn là bạn. Người xứng đáng nhất với sự tốt bụng, tử tế và đàng hoàng của bạn cũng chính là bạn. Không ai yêu bạn, và xem bạn là ưu tiên, là trên hết ngoại trừ chính bạn. Hãy tỉnh táo với mỗi hành động của chính mình.