khuvuonmolly@gmail.com
/
Địa chỉ :
Số điện thoại liên hệ:

Mâu thuẫn nội tâm, nỗi đau lớn nhất cần được chữa lành

Author Avatar

CELLO

author

Luôn có nhiều mâu thuẫn xảy ra trong cuộc sống. Mâu thuẫn xảy ra khi con người có những ý kiến trái chiều với nhau. Rất dễ để có thể nhận ra 2 người đang bất đồng quan điểm. Nhưng một người vẫn có thể tự bất đồng quan điểm với chính mình. Họ tự mâu thuẫn với chính mình, được gọi là mâu thuẫn nội tâm. Dạng thức mâu thuẫn này khó được nhận biết bởi người khác và cả người trong cuộc.

mâu thuẫn nội tâm là gì

Mâu thuẫn nội tâm là gì?

Mâu thuẫn nội tâm xảy ra khi bên trong một người không có những quan điểm, ý kiến, suy nghĩ theo một chiều. Những niềm tin bên trong họ không ủng hộ nhau, mà chống đối lại nhau. Cùng một lúc, cùng một sự việc, họ có thể có những quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau. Điều này khiến họ không biết phải làm gì mới đúng, quyết định như thế nào mới được. Những ý kiến trái chiều liên tục xung đột trong tâm trí họ. Bên trong họ như có 2-3 con người khác nhau. Mỗi người một quan điểm và liên tục chống phá nhau, khiến họ mệt mỏi và gục ngã.

Mâu thuẫn nội tâm bắt nguồn từ đâu

1. Sự khác nhau giữa những gì được dạy và thực tế trải nghiệm

Mâu thuẫn nội tâm thường bắt nguồn từ việc những gì con người ta được dạy và được trải nghiệm là khác nhau. Hay nói cách khác là những gì được tiêm nhiễm vào đầu họ khi họ còn là một đứa bé khác hoàn toàn với những gì mà họ đang trải qua trong cuộc sống thực.

  • “chỉ có cha mẹ mới thực sự yêu mình” >< cha mẹ đánh đập, chửi rủa con cái
  • “tình nghĩa mới là quan trọng nhất” >< tiền bạc làm chia rẽ tình cảm
  • “tuổi trẻ phải lao đầu làm việc kiếm tiền, tạo dựng sự nghiệp” >< tuổi trẻ không thể lãng phí, du lịch và trải nghiệm, tiền có thể kiếm lại được
  • “sống vì người khác” >< ưu tiên bản thân mình
  • “tình dục là xấu xa” >< tình dục là điều tự nhiên, và tốt cho sức khỏe, tinh thần

Họ không biết rốt cuộc lựa chọn nào mới đúng. Họ bị mắc kẹt và không dám đưa ra sự lựa chọn. Họ sợ mình sẽ phải hối hận vì đã chọn a mà không chọn b. Nhiều người mãi sau cùng vẫn không thể đưa ra bất kỳ sự lựa chọn nào, và mãi bị mắc kẹt trong đau khổ.

Xem thêm: Chúng ta đã bị thuần hóa khi còn bé như thế nào?

2. Không biết mình là ai

Nó cũng bắt nguồn từ việc con người chẳng biết mình là ai. Họ đấu tranh trong đống định nghĩa, và chỉ trích chính mình. Họ lựa chọn tin tưởng, rồi lại chỉ trích bản thân vì sao lại tin tưởng. Họ chọn khép mình, rồi lại dằn vặt vì sao lại không giao tiếp với ai. Họ chọn cho đi nhưng sau đó lại hối hận. Họ nghĩ rằng mình xinh đẹp, nhưng khi gặp gỡ mọi người họ lại cảm thấy mình thật xấu xí. Họ tin rằng mình thông minh, nhưng lại sợ hãi và tự ti trước người khác. Họ liên tục thay đổi cách nhìn nhận về chính mình. Lúc thì họ thấy họ thật tốt đẹp, khi thì họ lại thấy bản thân thật kinh tởm. Họ bị kẹt trong mớ hỗn độn định nghĩa về bản thân.

Nhiều người khi gặp những khó khăn về nhận thức bản thân, họ sẽ tìm đến người khác để hỏi “tôi là ai?”. Nhưng nó sẽ chỉ tồi tệ hơn mà thôi. Vì chẳng ai thực sự biết bạn là ai cả. Những người xung quanh sẽ cho bạn những định nghĩa khác nhau, và thậm chí là khác hoàn toàn với những gì bạn nghĩ. Hiển nhiên mâu thuẫn trong bạn sẽ ngày càng lớn lên và khó kiểm soát.

Dần dần con người ta sẽ đánh mất niềm tin vào bản thân, và hoài nghi không biết mình là ai, nhân cách của mình là gì. Đứng trước từng chuyện nhỏ bé trong cuộc đời, họ luôn do dự. Và dù chọn lựa là gì, họ vẫn sẽ hối hận.

3. Tính cách cầu toàn

Những người theo chủ nghĩa hoàn hảo, cầu toàn luôn muốn mọi thứ phải thật tốt nhất. Nhưng thực tế, rất khó để có thể đạt được mọi thứ ở trạng thái tốt nhất. Trong nhiều trường hợp, con người ta cần phải cân nhắc nên từ bỏ cái gì và giữ lại cái gì. Điều này khiến cho những người cầu toàn rơi vào trạng thái tiến thoái lưỡng nan, bởi họ không muốn từ bỏ bất kỳ thứ gì. Vì thế mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh bên trong họ. Họ sẽ tốn rất nhiều thợ gian để đấu tranh và đưa ra lựa chọn sao cho phù hợp.

Dạng tính cách này luôn mang lại nhiều khó khăn cho chủ thể. Nó tạo ra những luồn suy nghĩ chống đối nhau, trái ngược nhau. Từ đó khiến cho chủ thể không thể đưa ra được quyết định một cách dễ dàng. Dường như dù là quyết định nào họ cũng sẽ cảm thấy khó chịu và thậm chí là hối hận.

Xem thêm: Chủ nghĩa hoàn hảo có thật sự khiến bạn “hoàn hảo”?

4. Mâu thuẫn lý trí và cảm xúc

Con người thường bỏ qua cảm xúc để chọn theo lý trí. Nhưng không phải ai cũng có thể hoàn toàn ngó lơ cảm xúc của mình. Nhiều người vẫn luôn phải cân nhắc chọn con tim hay là nghe theo lý trí. Lý trí gắn liền với những quy chuẩn xã hội, văn hóa và truyền thống. Trong khi đó cảm xúc lại hoàn toàn tự do. Nó không muốn và cũng không thể bị áp chế bởi bất kỳ điều gì.

Mâu thuẫn giữa lý trí và cảm xúc sẽ là một câu chuyện kể cho trẻ nhỏ nghe, nếu nhân vật chính có thể cân bằng được cả hai. Nhưng cuộc sống không dễ dàng đến thế. Mâu thuẫn giữa lý trí và cảm xúc có thể trở thành cơn ác mộng của nhiều người. Cuộc chiến không khoan nhưỡng giữa lý trí và cảm xúc sẽ tàn phá chủ thể, thậm chí là đưa họ đến địa ngục. Bởi dù lựa chọn theo lý trí hay theo cảm xúc họ cũng sẽ day dứt và đau khổ đến tột cùng. Vậy nên họ mãi không thể đưa ra quyết định, và mãi bị mắc kẹt trong trận chiến tàn khốc này.

5. Cảm giác lo sợ

Vì lo sợ rằng kết quả sẽ không diễn ra như ý muốn, con người ta tự vẽ nên nhiều kịch bản trong đầu mình, rồi tự tranh luận với mình. Họ đưa ra nhiều giả thiết, và ở mỗi giả thiết họ đều có niềm tin và cả sự nghi ngờ. Việc phân tích quá nhiều và để nỗi sợ lấn át khiến họ không thể quyết định được bất kỳ điều gì. Họ liên tục đấu tranh cho từng chiến lược khác nhau, nhưng rồi lại kết thúc lưng chừng.

Hoặc khi quyết định đã được đưa ra, nỗi sợ bắt đầu xuất hiện, trong họ là sự đấu tranh tin tưởng tiếp hay không. Dù rằng chẳng thể thay đổi thêm được điều gì, nhưng họ vẫn đấu tranh với chính mình. Có lúc họ cảm thấy nên tiếp tục tin tưởng, nhưng những lúc khác họ lại lo sợ và bảo với bản thân hãy từ bỏ đi.

Dạng mâu thuẫn nội tâm này làm con người ta không thể tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình. Sự hoài nghi luôn chực chờ. Đồng thời, nó cũng có thể làm cho con người đưa ra những quyết định sai lầm, bởi nỗi sợ không thể nào giúp con người đưa ra quyết định một cách sáng suốt.

Mâu thuẫn nội tâm gây ra những hệ lụy gì?

  • Không thể đưa ra quyết định
  • Suy nghĩ quá mức (overthinking)
  • Khuynh hướng tiêu cực (luôn giả định mọi thứ theo chiều hướng tiêu cực)
  • Đánh mất niềm tin vào bản thân
  • Từ bỏ ước mơ
  • Bị phụ thuộc vào quan điểm của người khác
  • Hạ thấp giá trị bản thân
  • Nhạy cảm, mong manh, dễ vỡ
  • Tàn phá bản thân
  • Trầm cảm nhẹ/nặng
  • Rối loạn lo âu…

Cách để vượt qua mâu thuẫn nội tâm

1. Biết mình muốn gì

Khi biết mình thật sự mong muốn điều gì nhất, lựa chọn sẽ được đưa ra một cách dễ dàng hơn. Hầu hết sự lưỡng lự và mâu thuẫn đến từ việc bạn không biết mình thực sự mong muốn điều gì. Hãy dành thời gian yên tĩnh một mình và lắng nghe bản thân mình để biết được thực sâu trong tâm mình muốn điều gì nhất.

Bạn có thể chọn một nơi yên tĩnh, không có ai làm phiền để có thể bình tâm lại. Bạn không cần phải xác định ngay lập tức bất kỳ điều gì. Hãy để tâm trí tĩnh lặng, và bạn sẽ nghe thấy những tiếng nói sâu thẳm bên trong.

Xem thêm: Sức mạnh của sự tĩnh lặng

2. Đặt lên bàn cân

Nếu phải lựa chọn 1 trong số tất cả, bạn hãy đặt chúng lên bàn cân. Phân tích mặt lợi và mặt hại của các sự lựa chọn. Lúc này bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy được lựa chọn nào là tối ưu nhất. Phương pháp này không có gì mới lạ, nhưng luôn đạt được hiệu quả vô cùng tốt. Nó sẽ giúp cuộc chiến trong tâm trí bạn kết thúc dễ dàng hơn.

3. Lắng nghe trực giác

Nỗi sợ thường hay trỗi dậy và lấn át trực giác của bạn. Nhưng trực giác luôn đúng. Vì thế hãy tập lắng nghe trực giác và tin tưởng trực giác của mình. Khi bạn đã có thể biết được đâu là trực giác mách bảo, đâu là nỗi sợ trỗi dậy, bạn sẽ không còn bị rối trí nữa. Bạn sẽ không còn bị nỗi sợ chi phối.

lắng nghe trực giác để loại bỏ mâu thuẫn nội tâm

4. Loại bỏ những niềm tin sai lầm

Khi bé, chúng ta bị nhồi nhét vào đầu rất nhiều điều. Bằng cách lặp đi lặp lại, chúng đã trở thành niềm tin cố hữu. Những điều đó không bao giờ đúng, càng không thể là sự thật. Chúng chỉ là trải nghiệm của cha mẹ, thầy cô, mọi người xung quanh. Trải nghiệm của mỗi người là khác nhau, vì thế trải nghiệm của bạn khác với trải nghiệm của những người đi trước là điều dễ hiểu. Để hạn chế mâu thuẫn nội tâm, bạn cần loại bỏ những trải nghiệm của người lớn, đã tồn tại như một dạng niềm tin trong bạn, ra khỏi đầu mình.

Trong thời đại của cha mẹ, đúng là cảm xúc không được đề cao, kiếm ăn mới là quan trọng nhất. Nhưng ở thời đại mới này, đối với bạn, có thể điều ngược lại mới đúng. Hoặc trong thời đại cũ, đàn ông không được phép yếu đuối. Nhưng bạn biết rõ mình là một người đàn ông cần được giải tỏa cảm xúc, cũng cần được an ủi và yêu thương.

Mọi niềm tin đều được tạo dựng bằng cách lặp đi lặp lại chúng cho đến khi ta tin, tuyệt nhiên chúng không nhất thiết phải đúng. Có những thứ đúng với người khác, nhưng không cần phải đúng với bạn. Hãy loại bỏ những niềm tin không còn phù hợp để giải thoát bản thân mình khỏi những đấu tranh trong tâm trí.

Xem thêm: Làm sao để vượt qua giới hạn niềm tin của chính mình

5. Chấp nhận sự không hoàn hảo

Bản chất của tự nhiên vốn đã hoàn hảo, tre già măng mọc, lá rụng để giữ nước cho cây. Nhưng con người còn muốn hơn cả thế, họ muốn giữ lại cho bằng được tất cả, và tự định nghĩa đó là sự hoàn hảo, cầu toàn. Việc chấp nhận cái được cái mất sẽ giúp cho tâm trí của bạn được bình yên và ngừng hỗn chiến. Cuộc sống vốn dĩ là thế, luôn có này và mất kia, đừng cố ép mình phải có bằng được tất cả, rồi làm mình đau khổ.

Xem thêm: Cách loại bỏ chủ nghĩa hoàn hảo

6. Chấp nhận mọi kết quả

Dù kết quả có là gì cũng hãy thoải mái đón nhận. Những thất bại sẽ mang cho bạn kinh nghiệm và bài học để tiếp tục tiến bước. Nhưng nếu bạn quá lo sợ sự thất bại, bạn sẽ mãi dậm chân một chỗ. Bạn không thể đưa ra quyết đinh. Bạn sẽ mãi do dự. Khi nào bạn còn phân vân, lưỡng lự, khi ấy mâu thuẫn nội tâm vẫn tồn tại và có khả năng bộc phát mạnh mẽ hơn.

7. Tin tưởng bản thân

Mọi sự trưởng thành và phát triển đều bắt nguồn từ việc bạn tin vào chính mình. Chỉ khi bạn lựa chọn tin tưởng vào bản thân, bạn mới có thể rút kinh nghiệm và chắc lọc bài học quý giá cho hành trình tiến về phía trước của mình.

Ngược lại nếu bạn để cho ý kiến của người khác chen vào quyết định của bạn, sau này bạn sẽ thường xuyên đong đếm và phân vân giữa muôn vàn ý kiến. Khi lựa chọn nghe theo một chiều, nghe theo chính mình, bạn sẽ hạn chế tối đa những mâu thuẫn trong tâm trí mình.

Xem thêm: Sức mạnh của niềm tin

8. Chọn lựa chọn làm bạn ít hối hận nhất

Nhiều trường hợp, chẳng có gì tốt để bạn lựa chọn, những vẫn phải chọn, vậy thì hãy chọn điều gì mà bạn sẽ ít hối hận nhất. Bằng cách này bạn sẽ giảm thiểu những day dứt về sau cho chính mình. Chỉ như thế bạn mới có thể bảo tồn sự bình yên bên trong mình.

9. Xác định nguồn gốc mâu thuẫn

Mọi mâu thuẫn đều có nguồn gốc của nó, khi xác định được nguồn gốc của mâu thuẫn, bạn có thể giải quyết vấn đề tận gốc và kết thúc mâu thuẫn trong đầu mình.

Việc bạn không biết nên rẽ trái hay rẽ phải là bởi vì bạn không biết mình nên đi về đâu. Như vậy là bạn đã biết mình cần phải giải quyết gì rồi đó. Bạn cần xem lại xem đích đến của mình là gì, chỉ như thế bạn mới biết là mình nên rẽ trái hay phải. Nhiều lúc chúng ta bị những sự lựa chọn làm lu mờ đi mọi thứ, quên đi mục tiêu thực sự cuối cùng là gì.

Xem thêm: Quy luật Mục đích cuộc đời (7 Quy luật để thành công- phần 7)

10. Sống thuận theo tự nhiên

Mọi sự đấu tránh ngược lại với tự nhiên đều chỉ mang đến khổ đau cho con người. Buông bỏ, tha thứ, chấp nhận đều thuộc về tự nhiên. Tự nhiên luôn hoàn hảo một cách không hoàn hảo. Thích nghi theo sự thay đổi cũng thuộc về bản thể tự nhiên. Những gì đến, những gì đi, những gì ở lại cũng đều theo quy luật của vũ trụ. Bởi thế, hãy học cách sống thuận theo tự nhiên để có thể thong dong và tự tại trong cuộc đời này.

Xem thêm: Sống thuận theo tự nhiên

Kết luận

Bình yên không phải là không có mâu thuẫn, mà là trong mâu thuẫn ta có thể giải quyết nó một cách bình yên.

Suy nghĩ của bạn có sức mạnh vô cùng lớn. Nhưng sức mạnh của bạn còn lớn hơn. Để cho suy nghĩ kiểm soát chính mình, hay là nắm quyền kiểm soát và giải quyết những mâu thuẫn nội tâm là sự lựa chọn của bạn.

Đăng ký Healing 1-1

Tâm sự, chia sẻ, và nhận những giải đáp để hỗ trợ bình yên trong tâm hồn, chữa lành những tổn thương và sống cho giây phút hiện tại.

Đăng ký ngay