Mù cảm xúc – Nguyên nhân trầm cảm phổ biến – Làm sao để điều trị mù cảm xúc?
Gem
author
Mù cảm xúc hay trống rỗng là trạng thái không biết bên trong mình đang thực sự cảm thấy gì. Trạng thái này khá phổ biến trong xã hội hiện đại. Bài viết này sẽ cho bạn cái nhìn tổng quan về mù cảm xúc, giúp bạn hiểu rõ nguyên nhân, và cách điều trị mù cảm xúc.
Hầu hết con người sinh ra đều mang trong mình đầy đủ cảm xúc. Chỉ là khi mới sinh ra cho tới 3 tuổi, chúng ta vẫn còn quá bé, nên không nhớ ra được những cảm xúc của mình. Từ 3-7 tuổi, chúng ta bị ép học cách xóa bỏ cảm xúc. Từ 7-14 tuổi, chúng ta thực hành những gì đã học. Trong tâm trí của nhiều người, họ không biết vì sao mình lại vô cảm, và cũng không nhớ những gì của quá khứ, nên không thể tìm ra được nguyên nhân. Họ đau khổ nghĩ rằng mình bị mù cảm xúc bẩm sinh, có thứ gì đó trong mình không ổn. Họ tự trách móc mình vì không giống những người xung quanh. Việc không tìm ra nguyên nhân khiến họ chỉ có thể đổ lỗi cho chính mình.
Nguyên nhân mù cảm xúc
Nguyên nhân chính khiến một người mù cảm xúc đến từ chính người nuôi dưỡng họ. Những người nuôi dưỡng thường chỉ tập trung kiếm tiền để cho những đứa trẻ có cơm ăn, áo mặc, hoặc tốt hơn là vật chất xa hoa. Hoặc là họ có quá nhiều mối bận tâm trong cuộc sống, cũng có thể là nghiện ngập và ích kỷ. Họ không để ý đến cảm xúc và suy nghĩ của những đứa trẻ. Họ ép buộc đứa trẻ làm theo ý của mình, thao túng chúng, thờ ơ chúng, bỏ mặc chúng, không quan tâm, dạy dỗ chúng… Chính những hành động này khiến chúng cảm thấy cảm xúc của mình là dư thừa, là gánh nặng, là vô nghĩa. Từ đó chúng cố gắng lảng tránh, chôn giấu, xóa sổ, che đậy cảm xúc của mình, thậm chí là ép mình không được có cảm xúc.
Dần dần đứa trẻ lớn lên và quên mất cảm xúc của mình. Vì thế mà trở thành kẻ vô cảm với chính mình, và với những người xung quanh. Chúng không thể hiểu được những gì người khác cảm thấy, và cũng chẳng cảm thấy gì. Sự trống rỗng luôn lấp đầy bên trong chúng.
Xem thêm: Cha mẹ đã làm gì khiến con mình trở nên mù cảm xúc
Biểu hiện của mù cảm xúc
- Cảm giác trống rỗng
- Cảm giác phản phụ thuộc
- Tự đánh giá bản thân theo cách sai lệch
- Không có lòng trắc ẩn dành cho bản thân
- Cảm giác tội lỗi và xẩu hổ vì có cảm xúc
- Tự tức giận, tự trách móc bản thân
- Điểm yếu chí mạng “Khi mọi người biết rõ về tôi họ sẽ không thích tôi”
- Khó nuôi dưỡng bản thân và người khác
- Kỷ luật bản thân kém
- Không gọi tên được cảm xúc bên trong mình
- Không hiểu được cảm xúc của người khác
Tác động tiêu cực của mù cảm xúc
Những cảm xúc bị chôn giấu, đè nén, ép buộc biến mất/không xuất hiện sẽ luôn tạo ra những tác động tiêu cực đến chủ thể.
- Thể chất kém, thường hay bị đâu đầu, đau dạ dày, đau lưng.
- Trầm cảm, ăn ngủ không điều độ, trí nhớ giảm sút, không có khả năng tập trung, tự cô lập bản thân
- Tiêu hao năng lượng, dễ mệt mỏi, lừ đừ
- Dễ phát điên, phát rồ mà không có lý do gì cả
- Sự lo lắng/cơn hoảng loạn trở nên trầm trọng hơn
- Các mối quan hệ bạn bè/yêu đương trở nên hời hợt, thiếu chiều sâu
- Cảm giác trống rỗng, không thỏa mãn
- Không biết mình sống vì điều gì, ý nghĩa của cuộc sống là gì
Điều trị mù cảm xúc
1. Vì sao cảm xúc quan trọng
Cảm xúc giúp con người tồn tại, phát triển, và kết nối với nhau. Cảm xúc giúp đưa chúng ta đi đến những quyết định và hành động đúng đắn. Chúng ta cần biết sợ để bảo vệ mình khỏi nguy hiểm. Cảm xúc trao cho chúng ta động lực để tiến lên. Nhờ có cảm xúc mà ta hiểu chính mình, để có thể đối xử tốt với bản thân. Ngoài ra, ta cũng sẽ hiểu người khác để có thể có thể tạo nên những mối quan hệ tuyệt vời.
Cảm xúc không phải là thứ gì đó ủy mị, khờ dại cần phải loại bỏ. Cảm xúc là năng lượng sống.
2. Xác định và đặt tên cho cảm xúc
Bước đầu tiên để điều trị mù cảm xúc là họ cách nhạn ra cảm xúc của mình. Khi trong lòng mình trỗi dậy bất kỳ cảm giác nào, bạn cũng cần phải xác định đó là loại cảm giác gì. “Tôi cảm thấy buồn.” “Tôi cảm thấy thất vọng.” “Tôi cảm thấy bồn chồn.” “Tôi cảm thấy vui.” “Tôi cảm thấy hưng phấn.”
Việc này như là một hành động tìm hiểu bản thân, nó giúp bạn hiểu được bản thân mình hơn. Đồng thời việc nói ra cảm xúc của mình cũng làm cho bạn trở thành người làm chủ. Bạn chủ động lấy một thứ gì đó bên trong mình ra. Bạn đang khiến cho một điều mơ hồ trở nên rõ ràng. Quyền kiểm soát nằm trong tay bạn. Trách nhiệm cũng thuộc về bạn. Quyền năng sử dụng cảm xúc cũng đang được thực hiện.
Bạn không còn bị động nữa mà trở nên chủ động với cảm xúc của mình.
3. Học cách theo dõi cảm xúc của bản thân
Hãy thường xuyên đặt câu hỏi “Tôi đang cảm thấy như thế nào?” và trả lời câu hỏi ấy. Bạn có thể dành thời gian một mình để làm điều này. Hoặc ngay khi có sự kiện nào đó xuất hiện trong ngày, hãy lập tức hỏi mình “Mình cảm thấy gì ngay lúc này?” Điều này giúp bạn nhận ra kịp thời cảm xúc của mình ngay tại sự kiện ấy. Hãy cố gắng xác định loại cảm xúc đang ở bên trong bạn. Bạn có thể tham khảo danh sách những loại cảm xúc ở cuối bài viết nếu không thể tìm ra từ nào mô tả cảm xúc của bạn.
Khi đã biết cảm xúc trong mình là gì, hãy trả lời câu hỏi tiếp theo “Tại sao tôi lại cảm thấy như thế (hào hứng/không có động lực/thất vọng/tràn đầy niềm tin/buồn/vui/…)?” Hãy nhớ rằng cảm xúc của bạn là quan trọng, vậy nên nguyên nhân nào đưa bạn đến cảm xúc hiện tại là điều quan trọng cần phải xác định. Việc xác định được cảm xúc của mình và nguyên nhân đưa đến cảm xúc ấy sẽ giúp bạn liên tục cập nhật được những gì đang xảy ra với mình. Nhờ thế bạn có thể hiểu chính mình qua mỗi phút giây. Bạn biết mình muốn gì và không muốn gì thông qua những cảm xúc trỗi dậy. Bạn biết cách làm mình vui và né tránh những cảm xúc tiêu cực khi biết được điều gì tạo nên cảm xúc ấy.
Bạn có thể lập bảng theo dõi cảm xúc 4 buổi trong ngày: sáng, trưa, chiều, tối – khi mới bắt đầu luyện tập thói quen theo dõi cảm xúc.
4. Chấp nhận và tin tưởng cảm xúc của bản thân
Quá khứ đã khiến cho bạn cảm thấy cảm xúc của mình là gánh nặng, là vô lý, không đáng tin cậy, vô nghĩa, xấu xa. Giờ đây bạn sẽ cần thời gian để chấp nhận và tin tưởng trở lại với những cảm xúc của mình.
-
Cảm xúc không xấu
Như đã giải thích ở trên, cảm xúc là quan trọng. Cảm xúc rất đa dạng, như những nốt nhạc. Nó đưa ta đến những giai điệu khác nhau của cuộc sống, vui có buồn có, lo lắng có, hứng khởi có. Cuộc sống vốn đầy màu sắc, cảm xúc đưa ta đi cảm nhận tất cả những màu sắc ấy.
Bản chất cảm xúc không xấu, cũng chẳng tốt, không có đúng sai. Cảm xúc chỉ đơn thuần là chỉ dẫn cho ta hiểu chính ta, hiểu người khác, và sống một cách bình thường.
-
Cảm xúc không phải lúc nào cũng hợp lý, nhưng nó luôn tồn tại vì một lý do chính đáng
Trước một người bạn đời hoàn hảo, bạn vẫn luôn lo sợ mình sẽ bị bỏ rơi, đó là điều không hợp lý. Nhưng những bất an của bạn xuất hiện và tồn tại là vì một lý do chính đáng nào đó. Có thể việc bố mẹ li hôn đã khiến bạn nghĩ rằng không hôn nhân nào là bền vững.
Vì thế đừng bao giờ vội kết luận cảm xúc của mình là sai. Thay vào đó hãy tìm hiểu nguyên nhân nào ẩn sâu bên trong đã đưa bạn đến những cảm xúc có vẻ vô lý này.
-
Cảm xúc có vẻ rất mạnh mẽ, nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát được
Cảm xúc bị giấu kín nhiều năm luôn có những tác động vô cùng mạnh mẽ đến bạn, vì thế nên bạn càng sợ nó và không muốn chấp nhận hay đối mặt với nó. Càng né tránh lại càng mạnh mẽ. Vậy nên trước hết bạn hãy đối mặt với nó, đối mặt với cảm xúc mãnh liệt không thể gọi tên của mình. Hãy để nó được thừa nhận, bằng cách thừa nhận rằng “Có một cảm xúc mạnh mẽ và choáng ngợp bên trong mình.” Và rồi hãy để nó được giải phóng. Việc cố gắng chôn giấu nó sẽ không giúp ích được gì cả, hãy giải phóng nó bằng cách la hét, chạy, thở mạnh. Chỉ khi được biết đến, thừa nhận và giải phóng, thì nó mới dần thôi tác động tiêu cực đến bạn.
Những cảm xúc như vui, buồn, thất vọng, cô đơn, yêu, thích có thể rất mạnh mẽ vào những lúc khác nhau, khiến bạn choáng ngợp và không biết phải làm gì. Khi ấy, hãy gọi tên những cảm xúc ấy ra. Việc gọi tên cảm xúc như một kiểu mang thứ trong tối ra ngoài ánh sáng. Nó không thể núp một nơi để điều khiển bạn nữa. Nó đã bị bạn phát hiện và lôi ra ngoài. Lúc này quyền kiểm soát nằm trong tay bạn. Cảm xúc khi bị phát hiện đã bị mất đi một nửa sức mạnh, vậy nên bạn có thể kiểm soát nó dễ dàng.
5. Học cách thể hiện cảm xúc của mình
Cảm xúc không có tốt hay xấu, quan trọng là bạn làm gì với cảm xúc đó. Việc thể hiện cảm xúc một cách thông minh sẽ giúp bạn đạt được những gì bạn muốn. Thứ chắc chắn bạn đạt được khi thể hiện cảm xúc là giải phóng nó, không để nó chèn ép bên trong khiến bạn khó chịu. Ngoài ra bạn có thể:
- được đồng cảm khi kể câu chuyện của mình cho đúng người quan tâm
- được động viên khi gặp khó khăn
- được cổ vũ khi có ý tưởng mới
- được giúp đỡ khi mở lời nhờ vả
Việc thể hiện cảm xúc một cách khôn ngoan sẽ giúp cho cuộc sống của bạn trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Với người mù cảm xúc, sẽ cần khá nhiều thời gian để học tập cách thể hiện cảm xúc sao cho hợp lý, nhưng chắc chắn là đáng giá.
6. Hiểu đúng về giá trị của cảm xúc
Việc chia sẻ cảm xúc của mình với người khác không phải là tạo ra gánh nặng hay rắc rối với người khác. Nếu bạn xem một người là bạn bè, người thân, người yêu chắc hẳn bạn rất muốn hiểu họ. Tương tự như thế, nếu một người xem bạn là người thân, bạn bè, người yêu, họ cũng muốn hiểu được bạn. Nếu họ không biết bạn đang nghĩ gì, cảm thấy gì, thì làm sao họ hiểu bạn được. Việc không thấu hiểu nhau làm cho mối quan hệ hời hợt và xa cách. Không có kết nối chặt chẽ nào ở đây cả.
Đối với những mối quan hệ xã giao, công việc, hàng xóm, việc chia sẻ cảm xúc của bạn cũng vô cùng quan trọng. Tất cả họ đều cần biết được bạn muốn gì và không muốn gì để cư xử đúng đắn với bạn.
Kết
Không có sự thay đổi nào diễn ra trong tức thời cả. Bạn cần đọc lại bài viết này nhiều lần để thay đổi tư tưởng của mình về cảm xúc. Bạn cần thực hành mỗi ngày, thậm chí là mỗi giờ để bắt nhịp lại với cảm xúc của mình. Không ai sinh ra đã mù cảm xúc. Những gì bạn làm không phải là tạo ra cảm xúc cho mình. Những gì bạn làm là lấy lại cảm xúc của mình. Cảm xúc không xấu. Cảm xúc giúp bạn hòa nhập và tận hưởng sự sống. Bạn sẽ hiểu ý nghĩa về sự tồn tại của mình. Và trở lại là chính mình.