Nguyên nhân trầm cảm là gì?
CB1501
author
I, Trầm cảm là gì?
Trầm cảm là một căn bệnh khiến tâm trạng người bệnh trở nên rối loạn. Họ sẽ trải qua cảm giác vô cùng buồn bã và chán nản dai dẳng. Họ không có động lực sống, không vui vẻ, không tìm thấy hứng thú trong cuộc sống, kể cả ở những việc đã từng làm họ thích thú.
Đôi khi, trầm cảm sẽ kèm theo các triệu chứng như rối loạn giấc ngủ, hay khóc lóc, thay đổi khẩu vị, mệt mỏi và khó tập trung.
II, Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm?
Để có thể giúp đỡ một người bị trầm cảm, bạn cần hiểu nguyên nhân trực tiếp, gián tiếp dẫn đến tình trạng của họ. Hãy cùng điểm qua những nguyên nhân cơ bản dưới đây và hiểu lý do thực sự đằng sau.
1, Biến cố trong cuộc sống
Cuộc sống tràn đầy những thử thách và đôi khi những biến cố lớn trong cuộc sống khiến chúng ta phải đối mặt với những tình huống thực sự khó khăn, như mất đi người thân yêu, mất việc, mất tài sản, tai nạn, hỏa hoạn, động đất,…
Những sự kiện này có thể là cú sốc làm thay đổi một cách đáng kể cảm xúc và thậm chí cuộc đời một con người. Khi không được phát hiện và điều trị kịp thời, những di chứng về những cảm xúc tiêu cực, buồn bã, mệt mỏi kéo dài sẽ dẫn đến trầm cảm. Dưới đây là 3 ví dụ về những biến cố trong cuộc sống có thể dẫn đến tình trạng này.
-
Mất đi người thân
Có những người sống cả đời chỉ vì một người nào đó. Cho nên sự ra đi của người quan trọng nhất đó làm họ cảm thấy như mất đi cả thế giới xung quanh mình. Nỗi đau này như điểm tột cùng của sự đau đớn. Họ không chỉ buồn, tâm trạng họ như rơi từ đỉnh núi cao xuống mặt đất. Họ mất phương hướng, mất mục đích cuộc sống. Họ bắt đầu những chuỗi ngày trượt dài trong đau khổ, buồn bã. Bên trong họ chỉ có sự trống rỗng và cô đơn. Và đó là nguyên nhân khiến họ bị trầm cảm.
-
Trải qua một cuộc chia tay
Yêu đương như một con dao hai lưỡi. Khi cầm đúng chiều, mọi việc đi đúng hướng, chúng ta thăng hoa. Ngược lại, chỉ cần đi lệch chiều, và xử lý không cẩn thận, đó có thể là lý do dẫn đến những rối loạn cảm xúc, và triệu chứng trầm cảm của một con người.
Khi chìm đắm trong tình yêu, con người chia sẻ ước mơ, lên kế hoạch và cùng phấn đấu cho tương lai cùng người đồng hành. Đối phương là một phần không thể thiếu trong cuộc đời của họ. Đó là người mà họ mặc định nắm tay trong cả quãng đời còn lại. Do vậy, khi mối quan hệ đó kết thúc, họ bỗng dưng cảm thấy trái tim mình như bị đục rỗng một khoảng. Họ đau đớn, lo lắng, sợ hãi, và có thể bắt đầu nghi ngờ bản thân.
Mối quan hệ tình cảm càng sâu sắc, tâm trạng của người đó lại càng hoảng loạn. Họ rơi vào vực thẳm của buồn bã và tuyệt vọng. Khi những cảm giác buồn bã và tuyệt vọng bởi biến cố tình cảm kéo dài, chúng có thể dẫn đến trầm cảm.
-
Bị sa thải – Mất việc
Mất việc, đặc biệt trong tình huống bị sa thải, là một trải nghiệm khó khăn có thể dẫn đến trầm cảm. Bởi tình huống này dẫn đến:
→ Khó khăn về tài chính
Sự khó khăn hay áp lực do thiếu tiền bạc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, đặc biệt đối với những người đang gánh nợ. Những lo lắng về việc chi trả các hóa đơn, chu cấp cho gia đình hoặc chỉ là đáp ứng các nhu cầu cơ bản hàng ngày cũng có thể khiến tình trạng căng thẳng ngày càng gia tăng.
Nỗi sợ hãi về sự bất ổn tài chính tạo ra cảm giác bất an, áp lực chồng chất và nỗi buồn sẽ thường xuyên đeo bám. Khi không được kịp thời xử lý, họ sẽ khó có thể giữ vững tinh thần tỉnh táo, tích cực. Do đó, họ sẽ dễ bị rơi vào tình trạng trầm cảm.
→ Mất mục đích
Công việc với nhiều người chính là một mục đích để thức dậy mỗi ngày. Bởi vậy, khi mất việc, họ có thể cảm thấy như mình đã mất đi một phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày. Sự mất mát này có thể dẫn đến cảm giác trống rỗng, mất phương hướng và buồn bã tột độ. Cả ngày họ sẽ không biết nên làm gì. Càng ngày họ càng cảm thấy họ tụt hậu, không có tương lai. Từ đó, họ có thể bị trầm cảm.
→ Mất giá trị bản thân
Nhiều người cảm thấy giá trị của bản thân từ công việc của họ. Mất việc có thể khiến họ cảm thấy như họ không còn giá trị nữa. Từ đó, họ cảm giác thiếu tự tin. Họ tự ti, thu mình, sợ hãi. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến trầm cảm.
2. Mất kết nối với mọi người xung quanh
Nhiều người trải qua sự khó khăn trong giao tiếp với người khác. Việc không giao tiếp sẽ làm những mối quan hệ hiện có dần mờ nhạt, và làm cho việc xây dựng những mới trở nên khó khăn. Dần dần họ bị cô lập. Họ mất kết nối với những người xung quanh. Con người vốn không phải là những kẻ có thể sống đơn độc. Sự cô lập này khiến họ bế tắc. Họ không thể trao cho ai điều gì, và cũng không thể nhận giúp đỡ từ người khác. Những buổi tán gẫu vô nghĩa cũng là điều xa xỉ.
Những người này sẽ dần thu mình lại và bắt đầu hoài nghi về ý nghĩa cuộc sống. Rốt cuộc họ đang sống vì điều gì? Vì sao không nơi nào cần họ, không ai cần họ? Họ hoài nghi về bản thân mình, giá trị của chính mình. Họ tự trách mình là kẻ không có giá trị nên không ai cần. Càng ngày sự tự ti của họ càng lớn, sự cô lập của họ ngày càng kín cổng cao tường. Họ thèm khát sự hòa nhập nhưng lại quá sợ sự hòa nhập. Họ sợ mình bị từ chối. Càng sợ họ càng giam mình, cô độc và thèm thuồng. Những mâu thuẫn nội tâm, và sự hoài nghi về bản thân giằng xé họ và khiến họ trở nên trầm cảm.
3. Sang chấn tuổi thơ
Có nhiều kiểu sang chấn tuổi thơ khác nhau làm con người trở nên trầm cảm. Có những người bị bỏ rơi, bị vứt bỏ bởi cha mẹ của mình. Có những người dù có đủ cha mẹ, và có đủ thức ăn mỗi ngày nhưng lại bị cha mẹ lơ là, không quan tâm. Nhiều đứa trẻ đi học bị bắt nạt, bị cô lập, bị bạo lực học đường. Nhiều bé gái bị quấy rối tình dục và sàm sỡ. Nhiều bé nam cũng bị lạm dụng mà cha mẹ chẳng hề hay biết. Những lần phát biểu ý kiến trên lớp bị thầy cô, bạn bè cười đùa cũng tạo nên những tổn thương sâu sắc trong lòng những đứa trẻ. Những lúc bị hiểu lầm làm cho đứa trẻ uất ức và dần trở nên thu mình, không còn tin tưởng vào người lớn.
Những sang chấn tâm lý thời thơ ấu có tác động rất mạnh mẽ đến cách nhìn thế giới của mỗi đứa trẻ. Chúng làm cho góc nhìn của những đứa trẻ ấy không có màu hồng, mà chỉ có màu sắc của sự nghi ngờ, lo lắng, dè dặt, phòng thủ. Chúng sợ hãi tất cả mọi người. Chúng thèm khát sự thân thiết, và tin tưởng tuyệt đối, nhưng cũng vô cùng sợ sự tin tưởng của mình sẽ chỉ mang đến thất vọng. Vì thế chúng khép mình, và gom nhặt những tổn thương về phần mình. Chúng dần mất hết niềm tin vào những người xung quanh. Bao quanh chúng chỉ là sự sợ hãi và ám ảnh của quá khứ.
Những tổn thương của tuổi thơ không vơi đi, mà chỉ lớn dần theo năm tháng. Chúng dày vò những trẻ đã lớn lên về mặt thân xác ấy, đưa những đứa trẻ ấy vào u uất và trầm cảm.
4. Mất kết nối với bản thân
Câu hỏi “tôi là ai?” nghe như một câu hỏi đùa vui vì làm sao ta lại không biết ta là ai, nhưng lại hoàn toàn có thể làm một người vụn vỡ hoàn toàn về mặt tinh trần và rơi vào trầm cảm. Họ không biết mình sinh ra để làm gì, sống tiếp để chờ đợi điều gì. Họ không biết mình phải sống như thế nào mới là chính mình. Họ không biết họ nên có nhân cách, tính cách như nào. Họ không thể nào hiểu được những hành động vô thức của chính mình. Họ cảm thấy như bên trong mình là hư không. Nhưng cũng cảm thấy như có thứ gì đó đen kịt bên trong.
Việc không thể nào lý giải được về bản thân mình, khiến họ không thể sống một cách bình thường như bao người khác. Họ có những lo lắng và nghi hoặc trong lòng. Dần dần những lo lắng và nghi hoặc này lớn dần lên, chiếm trọn lấy tâm trí của họ. Họ liên tục tự vấn “Rốt cuộc tôi là ai? Tôi có nhân cách gì? Tôi sống vì điều gì? Tôi ở đây để làm gì?” Khi những câu hỏi này chưa thể giải đáp, hoặc khi chưa có những lời giải đáp thỏa mãn được họ, họ vẫn tiếp tục tự vấn và hành hạ tinh thần của mình. Cho đến khi tinh thần của họ không còn chịu đựng được nữa, họ sẽ tìm cách vật lý để dừng lại.
Nguyên nhân trầm cảm đáng sợ nhất có lẽ là mất kết nối với bản thân, bởi họ không thể cảm nhận nổi chính mình và cũng chẳng có lấy một chút hi vọng hay niềm tin gì vào chính mình. Một con người sẽ sống như nào khi không biết mình là ai, không có hi vọng và niềm tin vào bản thân?
5. Mất kết nối với tương lai
“Ngày mai mọi chuyện sẽ ổn” có lẽ là câu nói đơn giản nhất để con người ta có được niềm tin về tương lai. Nhưng đối với họ, những người mất kết nối với tương lai của mình, câu nói này không thể xuất hiện trong tâm trí của họ. Một chút niềm tin cuối cùng về ngày mai cũng không còn nữa. Họ không thể nhìn thấy tương lai của mình ở đâu cả. Họ bất lực trước điều này, đau đớn đến tột cùng. Bao quanh họ là màng đen tối cùng cực. Trong khối óc họ là mảng đen tận cùng. Họ như những người mù, chẳng còn nhìn thấy gì ở tương lai ngoài màu đen. Họ không thể tưởng tượng ra nổi tương lai của mình nữa.
Có lẽ những người ấy đã cố gắng rất nhiều để thay đổi hiện tại. Họ đã tìm mọi cách để thoát khỏi những khổ cực mà họ đang chịu đựng. Bằng mọi giá, họ muốn hoàn cảnh của mình khác đi. Nhưng chẳng có gì khác đi, họ không thể thay đổi được điều gì. Tất cả nỗ lực của họ đều thất bại. Họ đau đớn trong chuỗi thất bại của mình. Họ bế tắc và tuyệt vọng. Có lẽ câu nói “ngày mai mọi chuyện sẽ ổn” đã được họ tự nhắc đi nhắc lại với chính mình rất nhiều lần, nhưng kết cục vẫn thế. Sự thất vọng quá nhiều lần khiến họ tuyệt vọng, và không còn niềm tin nào vào chính mình và vào tương lai của mình. Và họ đã bị đánh gục hoàn toàn.
6. Mất kết nối với công việc
Một nguyên nhân trầm cảm phổ biến hiện nay là mất kết nối với công việc. Phần lớn thời gian, con người dùng để làm việc. Nhưng rất nhiều người đang làm những công việc mình không yêu thích. Họ chán ghét công việc của mình. Đồng nghĩa với việc trạng thái chán ghét chiếm lấy gần hết cuộc đời của họ. Dù chán nản nhưng họ lại không dám thay đổi công việc vì nhiều lý do. Sự chán chường, ghét bỏ này kéo dài khiến họ kiệt quệ tinh thần. Họ như những cái xác không hồn trong hầu hết thời gian của cuộc đời mình.
Cũng có những người đang làm công việc mình yêu thích, nhưng đột nhiên họ không còn cảm hứng, không còn sự sáng tạo, không còn khả năng cho công việc ấy nữa. Việc không thể tiếp tục làm công việc yêu thích, mọi nguồn cảm hứng đều biến mất khiến họ không kịp điều chỉnh trạng thái của bản thân. Công việc như sinh mệnh của họ, và giờ đây một cách đột ngột họ không thể thực hiện nó nữa. Họ hoảng loạn, không thể chấp nhận sự thật, không thể chấp nhận bản thân. Họ rơi vào nỗi đau mất mát tột cùng và liên tục dằn vặt chính mình. Những ai học được cách chấp nhận sẽ dần lấy lại cái nhìn tích cực về cuộc sống. Những ai không thể chấp nhận nổi, sẽ đưa mình vào trầm cảm.
7, Di truyền học
Nghiên cứu cho thấy trầm cảm có thể di truyền trong gia đình. Bên cạnh các yếu tố khác như môi trường, sự kiện, biến cố trong cuộc sống, trải nghiệm thời thơ ấu, yếu tố di truyền đóng góp một vai trò quan trọng trong việc khởi phát và gia tăng mức độ nghiêm trọng của trầm cảm. Những người sinh ra trong một gia đình có người bị bệnh trầm cảm có nguy cơ mắc căn bệnh này cao hơn.
Di truyền có thể tác động đến sự điều hòa các hooc môn như serotonin, dopamine và norepinephrine. Đây là những chất dẫn truyền thần kinh có vai trò điều chỉnh tâm trạng của chúng ta. Các biến thể di truyền có thể ảnh hưởng đến cách các hooc môn này được sản xuất, vận chuyển hoặc tiếp nhận trong não. Từ đó, chúng góp phần tăng nguy cơ một người bị trầm cảm. Những người có những biến thể di truyền nhất định như vậy sẽ dễ bị phản ứng căng thẳng kéo dài hơn người khác. Do vậy, khi gặp phải những sự kiện căng thẳng trong cuộc sống, chẳng hạn như mất mát hoặc chấn thương, họ dễ bị trầm cảm hơn.
8, Bệnh tật
-
Bệnh liên quan đến hệ thống thần kinh/hệ miễn dịch
Một số bệnh, chẳng hạn như rối loạn của hệ thống thần kinh hay bệnh tự miễn (rối loạn khả năng miễn dịch) có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng não và khả năng điều chỉnh tâm trạng tự nhiên của con người.
Những căn bệnh này phá vỡ sự cân bằng của các chất dẫn truyền thần kinh có liên quan chặt chẽ đến tâm trạng. Khi bị mất cân bằng, các căn bệnh này có thể khiến con người cảm thấy buồn bã, tuyệt vọng và, lâu dần dẫn đến tình trạng trầm cảm.
-
Bệnh tật làm hạn chế các hoạt động thường ngày
Bên cạnh đó, các tình trạng đau mãn tính có thể ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của một người. Những cơn đau dai dẳng có thể khiến tinh thần kiệt sức. Đau khổ về mặt thể xác kết hợp với những rối loạn về mặt cảm xúc hạn chế khả năng tham gia vào các hoạt động hàng ngày như trò chuyện, giao tiếp xã hội, sinh hoạt bình thường. Chúng thậm chí còn ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Theo thời gian, sự khó chịu do bị kìm kẹp vì cơn đau liên tục do cơn đau mãn tính gây ra có thể góp phần gây ra cảm giác căng thẳng, mệt mỏi, thất vọng, buồn bã vì người bệnh không thể sống và sinh hoạt như người bình thường. Và cuối cùng họ rơi vào trầm cảm.
-
Mất chức năng và khả năng độc lập
Một số bệnh có thể dẫn đến khuyết tật hoặc hạn chế về thể chất. Người bệnh mất khả năng tự chủ và giảm khả năng chủ động. Họ không thể tự thực hiện hay tham gia các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Tình trạng này dẫn đến cảm giác bất lực, thất vọng và buồn bã. Cảm giác mất khả năng kiểm soát cuộc sống của chính mình là một yếu tố dẫn đến nguy cơ phát triển của bệnh trầm cảm.
9, Căng thẳng
Khi bị căng thẳng, cơ thể sẽ giải phóng các hormone như cortisol và adrenaline để giúp con người tỉnh táo chuẩn bị đối phó với các mối đe dọa. Mặc dù phản ứng này hữu ích trong thời gian ngắn, nhưng việc tiếp xúc với những hormone này trong thời gian dài có thể gây ra những tác động tiêu cực đến cơ thể và tâm trí của chúng ta.
Hãy coi cơ thể như một cỗ máy. Khi bị căng thẳng trong một thời gian dài, nghĩa là cỗ máy liên tục hoạt động ở tốc độ cao mà không có cơ hội được nghỉ ngơi. Hậu quả là hệ thống của cơ thể bị hao mòn và mất ổn định. Các hệ thống này bao gồm hệ thần kinh, hệ miễn dịch và hệ tim mạch. Tất cả đều bị ảnh hưởng bởi căng thẳng.
Không chỉ khiến sức khỏe suy giảm, tình trạng căng thẳng này còn có thể khiến con người cạn kiệt cảm xúc, khó tập trung, rối loạn giấc ngủ và mất hứng thú với những gì họ từng yêu thích. Họ có thể cảm thấy choáng ngợp, bất lực và buồn bã, cứ như thể họ đang phải gánh sức nặng của cả thế giới trên vai. Khả năng đối phó với những thách thức trong cuộc sống của họ ngày càng kém đi. Thời gian kéo dài càng lâu, họ càng khó quản lý các yếu tố gây căng thẳng hoặc tìm ra những cách lành mạnh để giảm bớt căng thẳng về cảm xúc. Từ đó cảm giác tuyệt vọng nảy sinh.
Con người cũng dần trở nên tiêu cực hơn. Chẳng hạn như lo lắng quá mức, suy nghĩ lặp đi lặp lại về các vấn đề và tự phê phán bản thân. Nó khiến con người ta khó nhìn thấy những khía cạnh tích cực của cuộc sống. Tất cả căng thẳng đó khiến họ dễ rơi vào trạng thái trầm cảm.
10, Thuốc
Một số loại thuốc có thể phá vỡ sự cân bằng của các chất hay hooc môn trong não, ảnh hưởng đến đến việc điều chỉnh tâm trạng, dẫn đến trầm cảm. Chẳng hạn như:
-
Thuốc chống trầm cảm
Đúng như vậy, bạn đọc không sai, thuốc chống trầm càm lại là nguyên nhân trầm cảm. Một số loại thuốc chống trầm cảm có thể gây ra tác dụng phụ như mệt mỏi hoặc thay đổi tâm trạng. Những tác dụng phụ này dường như không thể kết thúc. Nhiều người còn bị tăng cân liên tục. Nhiều nghiên cứu hiện nay đã cho thấy mặt trái tai hại của thuốc chống trầm cảm. Tác dụng không cao nhưng tác dụng phụ lại rất nhiều. Vậy nên hãy cân nhắc thật kỹ và theo dõi sát sao sức khỏe của mình khi dùng các loại thuốc chống trầm cảm.
-
Thuốc giảm đau
Thuốc giảm đau opioid có thể có tác dụng phụ như gây buồn ngủ, mệt mỏi. Ở một số thương hiệu, chúng thậm chí còn gây ảnh hưởng tới tâm trạng của người dùng. Việc sử dụng kéo dài hoặc lạm dụng opioid có thể dẫn đến rối loạn tâm trạng nghiêm trọng hơn. Khi kéo dài, người dùng có nguy cơ cao mắc chứng trầm cảm.
-
Thuốc an thần hoặc thuốc ngủ
Các loại thuốc được kê đơn cho chứng rối loạn giấc ngủ hoặc lo âu, chẳng hạn như thuốc benzodiazepin, có tác dụng an thần. Nhưng chúng cũng có thể ảnh hưởng đến tâm trạng và dẫn đến trầm cảm. Vì sao? Vì chúng hoạt động bằng cách làm chậm hoạt động của não. Do đó, chúng có thể làm người sử dụng cảm thấy tê liệt cảm xúc, nhưng cũng đồng thời làm mất cân bằng các hóc môn có tác dụng điều chỉnh tâm trạng. Việc sử dụng các loại thuốc này kéo dài có thể phá vỡ cách hoạt động tự nhiên của não bộ và góp phần gây ra các triệu chứng trầm cảm.
-
Các loại thuốc có tác dụng phụ làm cơ thể mệt mỏi, thay đổi tâm trạng
Các loại thuốc dùng để kiểm soát các bệnh mãn tính, như một số loại thuốc điều trị tăng huyết áp, tiểu đường hoặc rối loạn tự miễn dịch, có thể có tác dụng phụ bao gồm mệt mỏi hoặc thay đổi tâm trạng.
Các loại thuốc nội tiết tố, bao gồm cả thuốc tránh thai và liệu pháp thay thế hormone (thường được sử dụng để làm giảm các triệu chứng mãn kinh, chẳng hạn như bốc hỏa và thay đổi tâm trạng), đôi khi có thể ảnh hưởng đến tâm trạng và năng lượng (sức sống) của người dùng. Khi chúng làm thay đổi nồng độ hormone tự nhiên, chúng làm mất cân bằng các chất (hormone) điều chỉnh tâm trạng, từ đó người dùng dễ bị rơi vào trạng thái trầm cảm.
11, Cách ly xã hội
Chắc hẳn bạn đã từng nghe về tâm lý bầy đàn của con người. Ở khía cạnh xã hội, con người thường cảm thấy hạnh phúc khi được sống trong cộng động, được tương tác, chia sẻ với những mối quan hệ khác nhau. Tương tác với bạn bè, gia đình và những người thân yêu mang lại sự hỗ trợ về mặt cảm xúc, cảm giác thân thuộc cũng như cảm giác hạnh phúc và mãn nguyện.
Các biện pháp cách ly xã hội, bao gồm cách ly và hạn chế tụ tập, đã làm gián đoạn những mong muốn được cùng “bầy đàn” tương tác. Họ không còn được bày tỏ, giải tỏa. Họ bị kìm kẹp trong một không gian.
Mọi người được khuyên nên hạn chế tiếp xúc với bạn bè và gia đình để giảm sự lây lan của virus. Hậu quả là rất nhiều người đã trải qua một khoảng thời gian cô đơn và cô lập kéo dài. Với những người có nền tảng dễ bị trầm cảm, sự cách ly xã hội như vậy có thể gây ra những chướng ngại tâm lý, lo lắng, buồn bã và mệt mỏi. Tổn thất về mặt cảm xúc do bị cô lập có thể trở thành nguyên nhân làm họ trầm cảm.
III, Triệu chứng của trầm cảm?
- Chán nản, buồn bã hoặc trống rỗng thường xuyên
- Mất hứng thú hoặc niềm vui
- Liên tục mệt mỏi hoặc thiếu năng lượng
- Mất ngủ
- Thay đổi khẩu vị, tăng/giảm cân quá nhiều
- Thường xuyên cảm giác tự trách mình
- Cảm thấy bản thân vô dụng
- Khó tập trung
- Dễ kích động
- Thường cô lập bản thân
- Có ý định tự tử
Việc tìm ra được nguyên nhân gây trầm cảm sẽ giúp cho việc điều trị trở nên dễ dàng hơn. Đối với những người muốn tự điều trị trầm cảm, việc tìm hiểu được nguyên nhân là vô cùng quan trọng và cấp thiết. Khi đã biết được nguyên nhân gây ra trầm cảm, chúng ta sẽ biết vấn đề của mình xuất phát từ đâu, cần thay đổi những nhận thức gì, chữa lành như thế nào để thoát khỏi căn bệnh này.
Nhưng ai muốn giúp đỡ người thân của mình thì cần phải biết được nguyên nhân nào khiến họ trầm cảm. Vì như thế bạn sẽ hiểu được nỗi đau của họ, và đồng cảm được với họ. Sự đồng cảm và tình yêu của bạn sẽ dần đưa họ trở lại, vực dậy khỏi hố đen tinh thần. Hãy đọc bài viết Làm thế nào để giúp đỡ người thân bị trầm cảm để hiểu rõ cách thức bạn có thể giúp họ trở lại cuộc sống vui vẻ.