khuvuonmolly@gmail.com
/
Địa chỉ :
Số điện thoại liên hệ:

Như thế nào là hợp để làm nhau tổn thương?

Author Avatar

Gem

author

Con người ta luôn nghĩ rằng hợp nhau là sẽ mang đến hạnh phúc cho nhau. Nhưng trong mối quan hệ giữa người và người, có một thứ phổ biến hơn nhưng ít ai nhận ra, đó là hợp để làm tổn thương nhau. Họ như những mảnh ghép hoàn hảo dành cho nhau để khiến nhau vụn vỡ, đau khổ và tuyệt vọng.

Như thế nào là hợp để làm nhau hạnh phúc?

Bạn sẽ nghĩ ngay hợp nhau để hạnh phúc là một người nói một người nghe, một người nhờ một người giúp, một kẻ thích làm trò và một kẻ thích xem trò, một người làm loạn một người nhún nhường, hay là những kẻ cùng sở thích, đam mê… Tuy nhiên đó lại là một câu trả lời mơ hồ, không chính xác cho câu hỏi ở trên.

Hợp để làm nhau hạnh phúc là:

Cả hai đều có những nhận thức rõ ràng về bản thân, có sự hiểu biết tương đối về chính mình. Những người có sự hiểu biết về bản thân sẽ hiểu được người khác. Chính sự thấu hiểu này đưa đến sự hài hòa. Mỗi người đều tự nhận biết được mình đang làm gì, nói gì, và nó có thể tác động đến người kia như thế nào. Mỗi người đều chủ động tiếp cận để thấu hiểu được tâm tình, suy nghĩ và cảm xúc của đối phương.

Cả hai đều là những người biết yêu thương bản thân, tôn trọng chính mình, và biết giá trị của bản thân. Vì thế mà họ luôn muốn đối phương biết tự yêu bản thân. Họ tôn trọng đối phương từ sở thích đến sở ghét và luôn nâng đỡ giá trị của đối phương. Những kẻ biết tự yêu mình sẽ luôn biết cách yêu người khác. Mỗi người đều độc lập, không dựa dẫm vào nhau, và luôn hỗ trợ, đồng hành nhau. Họ theo đuổi ước mơ riêng của mình, và cùng xây dựng ước mơ chung của cả hai.

Mỗi người đều tự biết bản thân mình muốn gì, cần gì, và thiếu gì. Dựa trên sự cân nhắc ấy, họ đưa ra lựa chọn người yêu, người bạn đời phù hợp dành cho sự phát triển của mình.

Mối quan hệ yêu đương có mục đích rõ ràng: mang lại hạnh phúc cho bản thân và cho người kia.

Cả hai từng có những tổn thương và đều tự ý thức chữa lành cho chính mình.

Như thế nào là hợp để tổn thương nhau?

Khác với những người hợp để mang đến hạnh phúc cho nhau, những người hợp để mang bất hạnh và tổn thương cho nhau mang những đặc điểm trái ngược hoàn toàn.

Họ không nhận thức được hành vi, lời nói và cảm xúc của mình. Họ không hiểu biết gì bản thân, vì thế cũng chẳng hiểu gì về người kia. Họ không bao giờ chủ động để thấu hiểu đối phương. Nhưng lại luôn muốn đối phương phải hiểu mình.

Cả hai đều không phải là những người biết tự yêu thương bản thân. Họ tự nuông chiều mình quá mức. Họ liên tục đòi hỏi người khác phải yêu mình và chứng minh tình yêu ấy. Họ chỉ đòi hỏi để thỏa mãn cái tôi của mình. Họ đối xử tệ với bản thân, dạy hư chính mình, không nuôi dưỡng bản thân. Họ dựa dẫm, phụ thuộc, hút máu nhau. Họ không có lý tưởng hay ước mơ của riêng mình. Họ không có hạnh phúc của riêng mình. Họ không có sự độc lập. Họ thích sự đau khổ, và vô thức lặp lại đau khổ. Họ luôn tránh né vấn đề của bản thân.

Mục đích của mối quan hệ yêu đương là thỏa mãn sự thiếu thốn trong tâm hồn.

Họ mang những tổn thương và mong chờ người kia bù đắp tất cả tổn thương ấy.

hợp để làm tổn thương nhau

Hợp để tổn thương nhau diễn ra như thế nào?

Sau cùng thì những người được mô tả như trên sẽ làm tổn thương nhau một cách hoàn hảo như thế nào? Hai người dù trông khác nhau, chẳng giống gì nhau, nhưng lại là mảnh ghép hoàn hảo để làm tan nát nhau.

Mang những tổn thương chưa được chữa lành

Cả hai có thể mang cùng một loại tổn thương, nhưng cách biểu hiện ra bên ngoài lại khác nhau. Chẳng hạn:

  • Bị bỏ rơi: người sợ hãi bị bỏ rơi lần nữa, sẵn sàng làm tất cả để không bị bỏ rơi – người chủ động bỏ rơi người khác để tránh việc mình là kẻ bị bỏ lại
  • Bị kiểm soát: người né tránh và căm ghét sự kiểm soát của người khác – người chủ động kiểm soát mọi thứ một cách bạo liệt để không ai dám kiểm soát mình
  • Bị hành hung: người sợ hi, cam chịu để bị đánh đập, không dám phản kháng – người trở thành kẻ hành hung để không ai dám đánh đập mình
  • Cãi vã của gia đình: người né tránh tất cả cãi vã dù là nhỏ nhất, dù là tranh luận – người muốn tranh luận cho bằng được, cho xong vấn đề mới thôi
  • Sự sỉ nhục: người cúi đầu, tự ti – người sỉ nhục, hạ bệ người khác để nâng mình lên
  • Thiếu hụt cảm xúc thời thơ ấu: người quá thèm khát được quan tâm – người thờ ơ với mọi thứ
  • Sự phản bội: người không tin tưởng ai, luôn nghi hoặc – người tin vào mọi thứ, dù những điều vô lý nhất – người chủ động phản bội trước để không bị phản bội
  • Sự bất công: người nhìn đâu cũng là sự bất công – người áp đặt mọi thứ lên người khác để bản thân không chịu thiệt thòi
  • “Sự hoàn hảo”: người cố gắng quá mức để hoàn thành mọi việc thật tốt nhất, đáp ứng kỳ vọng của gia đình – người phàn nàn từng thứ nhỏ nhất, luôn hạ thấp mình để có được sự chú ý, thèm khát sự chú ý của mọi người

Khơi gợi vết thương trong nhau

Không hề cố ý, hoàn toàn vô tình mà những người yêu nhau, mang những biểu hiện tổn thương khác nhau, lại khơi gợi nên vết thương trong nhau.

Người sợ sự gắn kết khơi gợi nỗi đau bị bỏ rơi của người rất muốn chỉ có một mối quan hệ đến cuối đời. Người quá ám ảnh với một mối quan hệ bền vững lại dấy lên nỗi sợ “chắc chắn sẽ có đổ vỡ” trong lòng người sợ sự gắn kết. Người muốn tranh luận cho rõ ràng mọi việc khiến người sợ tranh cãi chạy trốn. Người sợ cãi vã lại khiến người muốn rõ ràng mọi việc cảm thấy bản thân không được tôn trọng, bực tức. Cứ như thế, con người khơi gợi nên những vết thương trong nhau.

Tình yêu chỉ là cảm xúc. Con người sống cả đời với những nỗi đau của mình. Họ bị những nỗi đau ấy điều khiển. Một cách vô thức, nỗi đau của họ cùng với những biểu hiện ra bên ngoài làm khơi gợi nỗi đau của người khác. Đôi lúc họ cũng nhận ra điều đó. Họ cố gắng kìm nén tổn thương xưa cũ, nhưng điều này thường không mang lại hiệu quả được lâu.

Việc liên tục gặp mặt, nói chuyện, làm gia tăng tần suất biểu hiện vết thương cho nhau thấy. Và đồng thời làm gia tăng tần suất khơi gợi tổn thương trong nhau.

Làm tổn thương nhau

Sự lo lắng, bất an về việc tổn thương lúc nhỏ có thể lặp lại sẽ đẩy hai người yêu nhau ra xa nhau hơn. Thay vì thấu hiểu nhau, họ bắt đầu có hiềm khích với nhau. Sự trách móc âm ỉ trong lòng họ và rồi bộc phát ra ngoài bằng những lời nói và hành động có tính tổn thương sâu sắc. Họ không còn quan tâm tới cảm xúc hay suy nghĩ của nhau. Họ chỉ muốn đe dọa nhau, “trả thù” nhau bằng những lời nói khiến nhau đau nhất có thể. Họ nắm trong tay điểm yếu của nhau, và hành hạ tâm hồn nhau.

  • “Đến cha mẹ cũng bỏ rơi em là đúng rồi đó.”
  • “Họ bảo anh bất tài là đúng, tôi mù nên không nhìn ra.”
  • “Anh là con rùa rụt cổ, ngoại trừ bỏ chạy anh có thể làm gì?”
  • “Cô là con quái vật xấu xí chỉ thích kiểm soát người khác.”
  • “Đồ không cha, không mẹ.”
  • “Sao tôi lại cưới một người chồng vô dụng như anh.”
  • “Thứ không có giá trị như cô, tôi cưới cho đã là may.”
  • “Đồ nghèo hèn.”
  • “Bảo sao chả ai thèm chơi cùng.”
  • “Ngu thế bị lừa là phải.”
  • “Không nghe lời, tôi sẽ bỏ/đánh gãy chân cô.”

Đi kèm đó có thể là bạo lực, lừa lọc, dối trá, phản bội, ngoại tình, nói xấu, không lắng nghe, không hiểu cho nhau, áp đặt lên nhau, né tránh nhau.

Điều trớ trêu là ta mong chờ đối phương bù đắp những tổn thương lúc nhỏ, nhưng ta và họ lại liên tục làm nhau tổn thương.

Những kẻ tổn thương thu hút nhau

Có một điều thú vị là những người mang cùng loại tổn thương với những biểu hiện khác nhau sẽ thu hút nhau. Đó là sự thu hút về mặt tâm lý mà khó có thể lý giải được. Theo như nhiều giả thiết thì: “khi bài học chưa được học, nó sẽ lặp lại”. Bạn chỉ có thể ngưng thu hút những người làm mình tổn thương cho đến khi bạn hoàn toàn thoát ra những tổn thương ấy, và có những sự trưởng thành nhất định về mặt tâm lý.

hợp để làm tổn thương nhau như thế nào

Chúng ta vẫn biết rằng nếu không có kẻ bạo hành thì không có nạn nhân. Nhưng chiều ngược lại vẫn đúng: nếu không có nạn nhân thì không có kẻ bạo hành. Một người luôn mang tâm lý là nạn nhân sẽ vô thức thu hút về phía mình những người có tâm lý bạo hành. Hoặc những người có tâm lý nạn nhân luôn vô thức tạo ra những tình huống để mình trở thành nạn nhân, và đối phương (bất kỳ ai) là kẻ bạo hành. Họ hoàn toàn có thể là nạn nhân của một cơn mưa, hay một ngọn gió. Miễn là họ còn mang tâm lý là nạn nhân, bất kỳ ai, thứ gì xung quanh họ đều có thể trở thành kẻ bạo hành, kể cả một cánh hoa.

Thường thì những kẻ mang tổn thương sẽ là nạn nhân bởi chính những ảo tưởng của mình về tình yêu. Nhưng họ không nhận ra điều đó, họ đổ lỗi tất thảy cho đối phương, người mà họ tin rằng phải có trách nhiệm với cuộc đời họ, kể cả những ảo tưởng vô lý.

Sự thiếu nhận thức về bản thân

Con người vẫn thế, giỏi bắt bẻ người khác, nhưng lại chẳng có tí nhận thức nào về chính mình. Họ không nhận ra chính mình cũng là người đang làm tổn thương người kia. Họ không nhận ra mình đang nói gì, làm gì và có tác động đến đối phương như nào. Họ không nhận thức được sự kết thúc của một mối quan hệ có sự đóng góp của cả hai. Ai cũng chỉ thấy mình đúng, còn đối phương là sai.

Thay vì nhận thức rõ về bản thân, hiểu chính mình, thấu hiểu cho cả hai. Họ đóng vai nạn nhân, đẩy hết mọi tội lỗi lên đối phương và kết tội họ. Họ tự mặc định rằng những phản ứng gay gắt và lời nói mang tính sát thương của mình là do người kia đẩy mình vào đường cùng. Là người kia ép mình phải buộc miệng nói ra lời lẽ cay đắng, là người kia khiến mình phải bạo lực.

Từ đầu tới cuối, họ chẳng nhìn nhận được điều gì ở bản thân mình. Họ không nhận ra họ cần thừa nhận những tổn thương bên trong, cần chữa lành cho chính mình, cần nuôi dưỡng tâm hồn mình, cần trưởng thành về mặt tâm lý. Họ hệt như những kẻ ngu muội, chỉ biết mong chờ người khác làm mọi việc cho mình và đổ lỗi. Thật tiếc là cả hai người đều như thế. Hai kẻ ngu muội rất hợp để làm nhau tổn thương.

#couple_healing

Đăng ký Healing 1-1

Tâm sự, chia sẻ, và nhận những giải đáp để hỗ trợ bình yên trong tâm hồn, chữa lành những tổn thương và sống cho giây phút hiện tại.

Đăng ký ngay