Nỗi chán ghét bản thân: bắt nguồn từ đâu và làm thế nào để vượt qua
Mie
author
Có bao giờ bạn cảm thấy tự ti về vẻ bề ngoài, mặc cảm về năng lực hay ghét bỏ những đặc điểm của mình chưa? Chắc hẳn ai cũng đã từng thấy mình trông thật xấu xí, mình chả có tài cán gì. Và bạn trở nên tiêu cực khi đối diện với chính mình. Dần dà bạn vô cùng chán ghét bản thân mình và tình trạng này rất dễ dẫn đến trầm cảm.
I. Dấu hiệu của việc chán ghét bản thân là gì?
Ghét bản thân có nghĩa là cho rằng mình không làm được gì tốt, mình không xứng đáng được nhận điều tốt và chẳng bao giờ được may mắn. Nó thể hiện qua một số dấu hiệu sau:
-
Bạn thường suy nghĩ bằng cảm xúc
Đó là khi bạn để cảm xúc làm chủ thay vì lý trí, bạn đưa ra quan điểm dựa trên cảm nhận cá nhân. Và đôi khi những cảm xúc tiêu cực sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả công việc hay học tập. Nó sẽ khiến bạn nghĩ rằng mình luôn luôn thất bại, không có lập trường như mọi người.
-
Bạn tập trung vào những điều tiêu cực
Khi bạn quá để tâm đến những chuyện xui xẻo như ngã xe, đau chân, ngủ quên,… Một cách thường xuyên, bạn sẽ bỏ qua những điều tích cực xung quanh mình. Kể cả khi bạn có một ngày vô cùng tuyệt vời nhưng bạn lại chẳng thấy hạnh phúc chỉ vì những điều không may nho nhỏ kia.
-
Bạn là người có lòng tự trọng thấp
Bạn luôn mặc định người khác giỏi hơn mình, may mắn hơn mình và mình sẽ không được như họ. Bạn sẵn sàng hạ thấp cái tôi của mình để đề bạt người khác lên đỉnh vinh quang. Trong khi đó, bạn lại tự vùi dập mình xuống tận cùng của xã hội.
-
Bạn luôn muốn được người khác đồng ý
Biểu hiện của người chán ghét bản thân là mong muốn được xã hội công nhận. Vì chính họ đã không tự công nhận bản thân mình rồi. Do đó, bạn thường làm đủ mọi cách để làm hài lòng người khác. Cho dù đó là điều bạn không muốn làm, bạn vẫn sẽ tự nguyện làm chỉ để nhận được những đánh giá tốt từ mọi người.
-
Bạn không tiếp nhận lời khen
Khi một ai đó khen ngợi bạn thật lòng, bạn luôn cho rằng họ làm vậy vì lịch sự. Hoặc họ chỉ đang nói dối để an ủi bạn mà thôi. Bạn khó chấp nhận lời khen và phủ nhận chính mình vì bạn luôn thấy mình tồi tệ.
-
Bạn hay ghen tị với người khác
Tuy rằng bạn thấy chán ghét chính mình, nhưng lại vô cùng ghen tị khi ai đó đạt được thành công. Bạn cảm thấy sao họ tài giỏi như thế trong khi mình không có gì nổi bật. Đây là tâm lý chung khi chúng ta tự ti quá mức về bản thân mình.
-
Bạn không dám ước mơ
Vì mặc định bản thân mình kém cỏi nên những ước mơ là xa vời đối với bạn. Có thể bạn sợ sự thất bại sẽ chứng tỏ mình ngu ngốc. Sợ sự thành công chỉ là mơ tưởng viển vông. Hay sợ những lời dèm pha từ xã hội.
II. Vậy tại sao bạn lại chán ghét chính mình?
Những dấu hiệu trên có lẽ bạn cũng sẽ cảm thấy quen thuộc khi soi chiếu với chính mình. Nhưng có bao giờ bạn thắc mắc vì sao mình luôn cảm thấy chán ghét bản thân chưa. Có rất nhiều nguyên nhân khiến bạn ghét bỏ chính mình.
1. Vì bạn luôn phán xét tiêu cực về bản thân
Bất kể khi làm một việc gì, bạn luôn có suy nghĩ mình sẽ không thể làm được tốt việc đó. Kể cả khi chưa bắt đầu. Bạn cho rằng bài toán đó khó mình không thể giải được mặc dù bạn còn chưa thử cầm bút. Hay bạn sẽ bỏ mặc chiếc xe đang bị tuột xích và nói “Tôi kém lắm, tôi không thể sửa chiếc xe này đâu.”
Những niềm tin hạn chế về bản thân khiến bạn tin rằng mình thật sự kém cỏi, ngu ngốc. Và khi đã có niềm tin, bạn sẽ chỉ nhất nhất tin vào niềm tin sai lệch đó. Nó giống như có một giọng nói văng vẳng trong đầu bạn. Một giọng nói luôn bình phẩm, chỉ trích mỗi điều bạn làm.
Bạn càng lắng nghe những lời bình phẩm trong đầu, bạn sẽ càng thấy tiêu cực. Bạn thậm chí còn phóng chiếu giọng nói này lên người yêu, bạn bè hay những người xung quanh. Điều đó vô tình sẽ gây ra sự hoài nghi, cãi vã hay đổ vỡ trong mối quan hệ của bạn.
2. Trải nghiệm trong quá khứ
Bạn lớn lên trong sự xa lánh, cô lập của bạn bè thuở nhỏ. Bạn lớn lên thiếu vắng đi tình thường cha mẹ. Bạn lớn lên trong sự thúc ép, phê bình của thầy cô giáo. Hay bạn đã từng gặp những vấn đề tâm lý thời ấu thơ. Những điều đó chắc hẳn là những vết thương lòng không thể xóa nhòa trong tâm hồn bạn.
Và bạn có lẽ đã luôn chê trách bản thân mình giống như cách cha mẹ vẫn hay làm đối với bạn. Vì bạn đã bị tổn thương quá lâu, bạn sẽ cho rằng những điều mình gặp phải lúc còn bé vẫn là đúng. Những sang chấn như bị xâm hại, lạm dụng, bỏ bê, chỉ trích,… có thể dẫn đến sự hình thành giọng nói tiêu cực trong đầu của bạn. Nó như một hiện thân của trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ và luôn đeo bám dai dẳng bên bạn.
3. Bạn có nhiều mối quan hệ độc hại
Không phải tất cả sự chán ghét đều bắt nguồn từ thời ấu thơ. Đôi khi nó xuất phát từ chính mối quan hệ của bạn trong thực tại. Nếu bạn đang yêu một người luôn xét nét, chì chiết khi bạn mắc sai lầm thì bạn cũng sẽ dần tin vào lời người kia nói. Hay bạn có những người bạn lúc nào cũng coi thường, quy chụp bạn kém cỏi. Thì hiển nhiên bạn cũng sẽ có xu hướng tự cho rằng mình kém cỏi như vậy.
Ngoài ra, những mối quan hệ như sếp, đồng nghiệp, họ hàng xa cũng có thể là nguyên do làm cho bạn thấy chán ghét chính mình. Bất kỳ dạng quan hệ nào cũng có khả năng tạo ra một tinh thần tiêu cực lên tâm trí của bạn, nó sẽ hình thành giọng nói chỉ trích từ bên trong khiến bạn khó thoát khỏi.
Xem thêm: 5 cách chấm dứt tình bạn độc hại
4. Các vấn đề tâm lý khác
Cảm giác ghét bỏ bản thân có thể là kết quả của một bệnh lý tâm thần như trầm cảm hoặc lo âu. Ví dụ, trầm cảm có thể gây ra những triệu chứng như vô vọng, tội lỗi và tủi hổ, từ đó bạn cảm thấy mình không đủ tốt.
Bệnh lý càng nặng thì càng ảnh hưởng lên suy nghĩ của bạn. Bạn càng tin vào những suy nghĩ tiêu cực đó là đúng. Điều này có thể khiến bạn cảm thấy mình không xứng đáng hoặc không có nơi thuộc về. Bạn cảm thấy mình cô lập và khác biệt với tất cả mọi người.
III. Hệ quả khi chán ghét bản thân quá mức
- Bạn ngừng cố gắng vì cảm thấy mình làm gì cũng dẫn đến kết cục tồi tệ
- Bạn không còn nỗ lực hay không thể tự chăm sóc bản thân
- Bạn khó đưa ra quyết định đúng đắn vì thiếu chính kiến
- Bạn sẽ sống trong những mối quan hệ độc hại
- Bạn có khuynh hướng trở thành người cầu toàn theo chủ nghĩa hoàn hảo
- Bạn trở nên lo lắng quá mức về cuộc sống hiện tại hay tương lai
- Bạn khó tin khi những điều tốt đẹp đến với mình
- Bạn bị cô lập và khó hòa nhập với những người xung quanh
IV. Làm sao để không còn cảm thấy chán ghét bản thân mình nữa?
1. Tìm hiểu lý do vì sao mình lại chán ghét chính mình
Bạn cần ngồi lại và suy ngẫm xem điều gì khiến bạn luôn tự ti về bản thân. Đó có phải là ngoại hình quá béo hoặc quá gầy, những con điểm thấp tại trường học. Hay khả năng tập trung kém, kỹ năng giao tiếp chưa được tốt. Hoặc là do những vết thương lòng từ quá khứ vẫn còn bám lấy tâm hồn bạn. Hãy theo dõi thói quen chê trách bản thân của chính mình, từ đó bạn sẽ nhận thấy được khuôn mẫu và mô thức của hành vi này.
Dù lý do đó là gì, bạn hãy thử tìm hiểu bằng cách viết nhật ký, đọc sách hay thiền. Những hoạt động giúp trí óc bạn được nghỉ ngơi, thả lỏng. Khi tâm bạn tĩnh lặng, bạn sẽ tự đối diện được với chính mình và soi chiếu lại bản thân. Từ đó, bạn sẽ tìm được vì sao mình luôn mặc cảm hay chê trách bản thân. Chỉ có cách tìm ra được gốc rễ vấn đề mới có khả năng xử lý được hậu quả.
2. Thấu hiểu bản thân
Sau khi tìm ra được nguyên do, bạn cần nhìn nhận nghiêm túc lại bản thân mình. Đó là việc bạn chấp nhận cả những mặt chưa tốt của mình. Hiểu bản thân nghĩa là hiểu những ưu nhược điểm, những khiếm khuyết sẵn có khiến bạn tự ti. Nhiều người thường có xu hướng chối bỏ hay phủ nhận đi những yếu điểm đó thay vì tìm cách khắc phục.
Nếu như điều gì chưa tốt xuất phát từ tính cách, lối sống, quan điểm, niềm tin thì bạn vẫn có khả năng sửa đổi. Và nếu điều gì đó là tự nhiên, bẩm sinh sẵn có thì bạn cũng đừng nên quá cố gắng để thay đổi. Vốn dĩ con người sinh ra đã không hoàn hảo. Hãy học cách chấp nhận và yêu thương cả những điều chưa đẹp đẽ ấy.
3. Công nhận bản thân
Bạn hãy nghĩ lại xem lần cuối cùng bạn cảm thấy tự hào về bản thân mình là bao giờ. Tuần trước, tháng trước, hay đã từ rất lâu rồi. Bạn hãy tự vấn rằng trong cả hành trình mình đã đi, có lúc nào mình đạt được thành công chưa? Cho dù đó chỉ là hoàn thành deadline sớm hơn, gọi điện cho bố mẹ nhiều hơn, giúp đỡ vợ/chồng nhiều hơn mỗi ngày.
Những việc tưởng chừng như đơn giản đó nhưng lại là những điều hạnh phúc nhất. Thật ra bạn không cần phải đạt thành tựu quá to lớn thì mới được công nhận. Bạn cũng không cần ai phải khen ngợi bạn. Chính bạn cũng có thể làm được điều đó.
Hãy tập tự hào về bản thân từ những điều nho nhỏ trong cuộc sống. Rồi mới đến những việc to lớn hơn. Khi bạn ghi nhận nỗ lực, sự cố gắng trong cả một chặng đường, bạn sẽ nhận ra “Hóa ra mình cũng không kém cỏi đến mức đó”, “Mình cũng giỏi chứ bộ”.
4. Dành thời gian cho những người xứng đáng
Những mối quan hệ độc hại trở thành ngọn lửa châm ngòi cho sự tự ti của chính bạn. Muốn vượt qua được mặc cảm về bản thân, bạn cần sẵn sàng loại bỏ đi những mối quan hệ đó. Cho dù đó là người yêu, bạn bè thân thiết hay bất cứ ai khiến bạn cảm thấy chùn bước.
Hãy kết nối với những người bạn mới, những cộng đồng mới. Nơi mà bạn có thể tìm thấy những người có lối sống, quan điểm tích cực. Hãy làm bạn với những người họ luôn động viên hay đưa ra lời khuyên cho bạn. Những người truyền cho bạn năng lượng tích cực, cổ vũ bạn hãy mạnh mẽ để sống một cuộc đời tươi đẹp.
Bạn cũng có thể dành nhiều thời gian hơn cho gia đình nhỏ của mình. Thay vì làm bạn với những người đồng nghiệp hẹp hòi, sao bạn không về nhà để sum vầy cùng gia đình. Được ăn một bữa cơm ấm cúng hay được cảm nhận tình yêu từ con cái sẽ giúp bạn thoải mái hơn rất nhiều.
5. Chăm sóc sức khỏe tinh thần của bạn
Một điều bạn cần lưu ý đó là sức khỏe tinh thần cũng cần được nuôi dưỡng và phát triển. Những năng lượng tiêu cực đôi khi đến từ việc bạn quá căng thẳng, ngạt thở. Bạn không có thời gian để thư giãn hay mở mang đầu óc.
Hãy quan tâm đến đời sống tâm hồn của mình nhiều hơn. Bạn có thể thử một vài sở thích mới như tập gym, câu cá, làm đẹp,… Hoặc tự thưởng cho mình một tách trà ngon sau khi thức dậy. Tâm hồn cũng cần được vỗ về và chữa lành. Nhất là khi trải qua nhiều tổn thương trong quá khứ.
Kết
Việc ghét bỏ bản thân có thể không tốt. Nhưng đôi lúc nó sẽ giúp chúng ta nhìn nhận lại bản thân một cách toàn diện, tỉ mỉ hơn. Muốn vượt qua sự chán ghét bản thân, hãy học cách yêu bản thân mình nhiều hơn nữa nhé.