Overthinking là gì? Biểu hiện, phân loại và cách ngừng overthinking
Gem
author
Overthinking đang ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại. Nó trở thành một thói quen của tâm trí, hoặc thậm chí trở thành một lối sống. Việc thay đổi một lối sống không lành mạnh, một thói quen xấu chưa bao giờ là một điều dễ dàng. Nhiều người vật lộn với những suy nghĩ quá đà, kéo dài miên man của mình, đến mức kiệt quệ. Những suy nghĩ ấy vắt kiệt năng lượng của họ, họ chẳng thể hành động hay đưa ra bất kỳ giải pháp nào.
Đôi lúc, con người sẽ suy nghĩ quá mức, điều này rất tốt, nó giúp con người dự đoán những sự cố, điều không hay mà chuẩn bị trước. Nhưng ở bài viết này chúng ta sẽ bàn đến những người luôn suy nghĩ quá mức.
1. Overthinking là gì?
Overthinking là việc suy nghĩ quá nhiều, quá mức. Những suy nghĩ dẫn dắt nhau càng đi càng xa. Thông thường những suy nghĩ này sẽ đưa chủ nhân của nó đi đến điều mà họ sợ nhất, hoặc mong muốn nhất. Đó là những gì được chôn giấu sâu bên trong vô thức của họ, đôi lúc họ còn chẳng biết. Những suy nghĩ quá đà cũng có tính lặp đi lặp lại, hay gọi là tái diễn. Chúng chiếm ngự tâm trí của họ, khiến họ không có thời gian làm bất kỳ việc gì khác. Dù rằng những suy nghĩ liên tục lặp lại, không có gì mới mẻ, nhưng không thể cắt đứt.
Một người overthinking có thể được gọi là một kẻ suy diễn. Họ có khả năng suy diễn rất phi thường. Chỉ từ một sự việc nhỏ, họ có thể vẽ ra một viễn cảnh vô cùng to lớn. Nhiều người không nhận thức được chính mình đang suy diễn thái quá. Họ tự cho những gì mình nghĩ là đúng, là hợp lý, là điều bình thường. Một số khác thì nhận ra mình đang overthinking và muốn thoát khỏi nó.
2. Tại sao nhiều người lại overthinking?
-
Dẫn dắt bởi kho cảm xúc
Có nhiều nguyên nhân để tạo nên sự suy nghĩ quá mức của một người. Nhưng tựu chung lại chúng đều có điểm chung, là xuất phát từ kho cảm xúc đã đầy bên trong người đó. Chúng ta đều biết rằng những suy nghĩ, suy diễn quá mức đều mang đến khổ sở, mệt mỏi, đau đớn. Tuy nhiên chúng ta cũng cần biết rằng, mọi suy nghĩ và suy diễn đều xuất phát từ một cảm xúc nào đó đã in sâu trong tâm trí ta, chứa đầy trong vô thức của ta. Nó ngự trị ở đó, và dẫn dắt ta.
Nếu bạn có 1 kho đầy cảm xúc tức giận, bạn sẽ suy diễn mọi thứ theo hướng làm bạn tức giận. Nếu bên trong bạn là kho đầy cảm giác đau khổ, bạn sẽ suy nghĩ quá mức theo hướng làm mình đau khổ. Tương tự như vậy với các cảm xúc khác như tự ái, tự ti, sợ hãi… Điều này xảy ra một cách vô thức, mục đích là làm bạn trải qua những cảm xúc giống như kho cảm xúc đang có.
Để làm gì ư? Mục đích rất nhân văn, nhưng lại là bi kịch cho ý thức: để bạn phát điên lên, và có thể từ sự phát điên ấy nhận ra được sự tồn tại của kho cảm xúc tiêu cực đã đầy, sau đó là buông bỏ những cảm xúc ấy, chữa lành cho quá khứ, và đưa bạn trở lại là con người bình yên, an nhiên, vô tư, vui vẻ và hạnh phúc.
Đọc thêm để hiểu hơn về cảm xúc, cách cảm xúc điều khiển bạn: Cảm xúc – Hiểu cảm xúc để tự chữa lành – Khu vườn Molly
-
Bị ám ảnh bởi một kết quả nào đó đã từng xảy ra/ đã từng thấy hoặc rất sợ/ rất muốn
Một sự kiện nào đó đã từng xảy ra với bạn, nó mang đến cho bạn một cảm giác kinh hoàng. Hoặc bạn đã từng chứng kiến một sự việc nào đó quá kinh khủng. Chúng làm bạn sợ vô cùng. Chúng ám ảnh bạn đến mức khi gặp những trường hợp tương tự, đầu óc bạn chỉ hiện lên kết quả đã từng chứng kiến hoặc trải qua. Một cách tự nhiên bạn sẽ suy diễn những gì đang thấy theo hướng tồi tệ. Bạn dành nhiều thời gian để tạo ra những thước phim, câu chuyện đi từ mở bài là thứ đang diễn ra, đến kết bài là thứ bạn sợ.
Nghe thật nghịch lý đúng không nào, ta nên tránh xa những thứ ta sợ, nhưng rất tiếc não bộ không thế. Nó sẽ luôn hướng ta đến những thứ chúng ta sợ nhất, không thể chấp nhận nhất. Để làm gì ư? Để cho bạn đau khổ, với hi vọng rằng, bạn nhận ra những tổn thương của quá khứ, và chữa lành cho chính mình, trở lại là con người hoàn toàn lành lặn, trọn vẹn, khỏe mạnh trong tinh thần. Mục đích thì nhân văn, nhưng cách thức thì có phần thô bạo.
Khi bạn rất muốn một thứ gì đó, sự phấn khích cũng sẽ dẫn dắt bạn tạo nên nhiều suy nghĩ và ảo tưởng về kết quả ấy. Bạn dành hàng giờ chỉ để dẫn dắt mạch câu chuyện sao cho có được kết quả như bạn muốn.
3. Tác hại của overthinking là gì?
-
Suy nghĩ quá nhiều, không thể hành động
Suy nghĩ tạo ra hành động, nhưng quá nhiều suy nghĩ sẽ cản trở hành động. Quá lo lắng, quá sợ hãi, quá nhiều suy nghĩ sẽ khiến bạn chùn bước, không dám hành động, và cũng không thể tập trung đưa ra giải pháp. Suy nghĩ là một việc tốn thời gian, quá nhiều suy nghĩ sẽ ngốn rất nhiều thời gian của bạn. Bạn dành hàng giờ để nghĩ về những viễn cảnh không chắc có thể xảy ra, và chẳng làm gì, hoặc vừa làm vừa sợ hãi.
Kết quả là bạn không làm được việc gì, hoặc làm hỏng việc do lo lắng quá mức.
-
Vấn đề tâm lý
Overthinking mang đến nhiều sự mệt mỏi cho tâm trí, nhiều lo lắng và bất an. Những trạng thái này khi lặp lại quá nhiều sẽ khiến tinh thần luôn căng thẳng. Những suy diễn có khuynh hướng đau khổ, lặp lại nhiều có thể khiến một người trầm cảm. Sức khỏe tinh thần giảm sút nghiệm trọng. Cảm xúc bị phụ thuộc vào những suy diễn của bản thân. Nếu suy diễn theo hướng vui vẻ, bạn vui vẻ. Nếu suy diễn theo hướng đau buồn, bạn đau khổ. Tinh thần bạn luôn ngồi trên tàu lượn cảm xúc. Nó không có giây phút nào được bình yên.
Khi tinh thần luôn không được khỏe mạnh, sức khỏe thân thể của bạn cũng sẽ hao mòn theo. Những bệnh lý có thể đi kèm như: rối loạn tiêu hóa, rối loạn kinh nguyệt, rối loạn giấc ngủ…
-
Phá hủy các mối quan hệ
Đây là tác hại mà chúng ta dễ thấy nhất. Các mối quan hệ dần trở nên nhạt nhòa, ít thân thiết, bởi mọi người không muốn chơi với một người overthinking. Sự suy nghĩ quá mức không chỉ làm cho bạn mệt mỏi, mà còn khiến cho những người xung quanh mệt mỏi. Một số người nhận thức được điều này, nên tự trách bản thân mình khiến rạn nứt mối quan hệ, rồi overthinking hơn. Một số khác không nhận thức được là do bản thân mình đang đẩy mọi người ra xa, nên luôn trách móc những người xung quanh không đủ quan tâm, yêu thương họ.
Nếu bạn nhận ra vấn đề này, và muốn thay đổi bản thân, ngừng suy nghĩ quá nhiều, để bảo vệ các mối quan hệ cá nhân thì bạn đã đến đúng nơi. Bài viết này là dành cho bạn.
-
Phá hủy bản thân
Những suy nghĩ quá đà, suy diễn thái quá không chỉ phá hủy các mối quan hệ của bạn mà còn phá hủy cả bạn. Sức khỏe tinh thần và sức khỏe là thứ bị phá hủy bạn có thể dễ dàng nhìn thấy nhất. Sâu bên trong là mối liên kết giữa bạn với chính mình bị phá hủy. Bạn mất kết nối với chính mình. Bạn không thể nhận thức được bản thân (tự nhận thức), không có tình yêu dành cho chính mình, không còn nuôi dưỡng tâm hồn mình. Bạn không biết mình đang làm gì, sống vì điều gì, tại sao lại ra nông nỗi như bây giờ. Bạn trách móc bản thân và tự hoại. Bạn chẳng còn biết mình là ai, ý nghĩa của cuộc đời mình là gì.
Bạn đắm chìm trong những suy nghĩ, rồi bị nó nhấn chìm, rồi chẳng còn là chính mình. Bạn hoàn toàn đánh mất chính mình.
4. Biểu hiện của overthinking
-
Luôn cảm thấy căng thẳng
Bạn cảm thấy đầu óc của mình luôn căng như dây đàn. Sự căng thẳng bám lấy bạn cả ngày, và từ ngày này qua ngày khác. Bạn luôn tìm cách để ngừng căng thẳng. Một số sự lựa chọn phổ biến là: du lịch, tụ tập bạn bè, làm tình, xem phim, đọc sách… Vòng xoay cuộc sống cứ liên tục lặp lại như thế: căng thẳng vì suy nghĩ quá nhiều, tìm các hoạt động làm sao nhãng suy nghĩ để giải tỏa căng thẳng, rồi lại quay trở lại suy nghĩ quá nhiều.
-
Những suy nghĩ chiếm trọn tâm trí bạn
Đôi lúc bạn cũng không nhận ra điều này, hoặc thậm chí bạn cảm thấy đó là điều bình thường: bạn luôn nghĩ. Những suy nghĩ xuất hiện từ lúc bạn tỉnh giấc, cho đến khi bạn đi ngủ, chúng vẫn ở đó. Có những lúc bạn cảm thấy khi đang ngủ những suy nghĩ vẫn chạy loạn trong đầu bạn. Những suy nghĩ không ngừng, lặp đi lặp lại, tái diễn. Dù không có chủ đích nhưng bạn vẫn nghĩ. Bạn không sống ở hiện tại, bạn chỉ sống trong đầu mình.
-
Không thể tập trung làm bất kỳ việc gì
Bởi vì những suy nghĩ cứ chạy loạn, bạn không thể tập trung để làm bất kỳ việc gì. Những suy nghĩ cản trở bạn hành động, chiếm hết thời gian của bạn, cản trở công việc bạn đang làm. Kể cả khi đang lúc khó khăn, dầu sôi lửa bỏng, bạn cũng không thể tập trung tìm giải pháp. Bạn lo lắng quá nhiều về những kết quả không như ý, về điều tồi tệ nhất, thay vì tập trung tìm kiếm cách giải quyết.
-
Không thể đưa ra quyết định
Suy nghĩ quá nhiều cũng làm cho bạn khó đưa ra quyết định hơn. Nhiều lúc bạn chẳng thể đưa ra bất kỳ quyết định nào. Bạn overthinking về những quyết định của mình. Dường như, nếu chọn gì, bạn cũng sẽ hối hận. Vì vậy mà bạn luôn cần sự trợ giúp từ những người xung quanh để quyết định thay bạn.
-
Những suy nghĩ liên tục lặp lại
Bạn nhận ra những suy nghĩ có xu hướng tái diễn, lặp lại. Lúc sáng bạn đã nghĩ về nó, tối đến bạn vẫn nghĩ. Hôm qua, hôm trước nữa, hôm nay và thậm chí ngày mai bạn vẫn sẽ nghĩ về cùng một việc. Bạn gần như không thể thoát ra được khỏi nó. Nó cứ lặp đi lặp lại, chẳng giúp ích gì, chỉ tốn thời gian của bạn.
-
Liên tục hối hận về những gì đã chọn
Tính hối hận của bạn xuất hiện ngay khi bạn vừa đưa ra lựa chọn. Nó trở thành một thói quen kỳ lạ, và khó bỏ: ngay lập tức hối hận. Dù lựa chọn của bạn chưa đưa ra một kết quả nào, nhưng bạn đã vội hối hận. Bạn suy diễn sự lựa chọn của mình sẽ mang đến kết quả xấu. Bạn tiếc nuối vì sao mình không đưa ra lựa chọn khác. Nhưng thật tiếc, cho dù có cho bạn chọn lại, bạn cũng sẽ hối hận. Bạn luôn overthinking về những sự lựa chọn của bản thân.
5. Các dạng overthinking
-
Nghĩ về kết quả tệ nhất
Bạn có xu hướng suy nghĩ về những kết quả tệ nhất, xấu nhất, kinh khủng nhất. Bạn không tin hoặc không dám tin vào những kết quả tốt đẹp, hoặc bình thường. Bạn dùng suy luận của mình để kết luận rằng mọi chuyện sẽ kết thúc rất tồi tệ: bạn sẽ rớt kỳ thi, bị từ chối, không làm được, không thể thành công…
-
Phân tích quá mức
Bạn liên tục phân tích về sự việc, phân tích theo nhiều hướng khác nhau. Điều này nhiều lúc là tốt nếu bạn phân tích đủ. Nhưng nó sẽ vô cùng tệ nếu bạn phân tích quá nhiều. Bạn dành hàng giờ để phân tích một việc vô cùng đơn giản, cuối cùng trở thành suy diễn, thậm chí là ảo tưởng.
Việc phân tích quá mức thường khiến cho bạn không thể hành động vì lo lắng. Tệ hơn là những suy diễn của bạn bắt đầu rời xa thực tế, nó làm cho toàn bộ phân tích của bạn trở nên sai, không mang lại lợi ích gì, ngược lại, còn có thể tạo nên sự thất bại.
-
Bận tâm quá nhiều về tương và quá khứ
Việc ám ảnh và không thể chấp nhận nổi một kết quả đã xảy ra khiến bạn luôn suy nghĩ về nó. Sự kiện liên tục tái diễn trong đầu bạn. Bạn ước mình có thể thay đổi quá khứ. Bạn liên tục sống trong quá khứ ấy, lặp đi lặp lại nỗi đau, sự tức giận của mình. Bạn liên tục hình dung nếu mình đã làm khác đi thì kết quả sẽ như nào, có khác đi không.
Việc quá bận tâm đến tương lai cũng khiến bạn không thể ngừng suy nghĩ. Bạn cố gắng dẫn dắt sự kiện để đi đến kết quả mình rất mong muốn, hoặc kết quả mình lo sợ. Có hàng tỷ khả năng có thể xảy ra, nhưng bạn lại muốn kiểm soát chúng. Bạn dằn vặt chính mình về thứ chưa hề xảy ra.
Bạn không bao giờ sống trong hiện tại, hoặc là bạn chôn mình trong quá khứ, hoặc là lao mình vào tương lai.
-
Lặp lại suy nghĩ
Bạn liên tục nghĩ đi nghĩ lại về một việc, hoặc về cùng một suy nghĩ. Dường như không có sự suy diễn nào ở đây, nhưng sự lặp lại quá nhiều vẫn khiến cho bạn mệt mỏi và tốn thời gian. Tâm trí vẫn không được nghỉ ngơi. Có lẽ đây là dạng overthinking nhẹ nhất, ít ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bạn.
6. Làm sao để kết thúc overthinking
-
Biết nguyên nhân dẫn đến sự overthinking của bản thân
Tìm ra nguyên nhân là cách tốt nhất để giải quyết bất kỳ vấn đề nào một cách triệt để. Bạn không thể ngừng overthinking chỉ bằng những cách giải quyết trên bề nổi – làm sao lãng bản thân khỏi những suy nghĩ trong thời gian ngắn, tạm thời.
Việc tìm ra nguyên nhân gốc rễ của vấn đề đã giúp cho một nửa vấn đề biến mất. Cách thức để truy lùng nguyên nhân là đặt câu hỏi, bạn sẽ cần phải đặt chuỗi câu hỏi liên tục, cho đến khi bạn tìm ra đáp án cuối cùng.
Ví dụ
- Vì sao mình lại luôn nghĩ về điều này?
- Có phải mình sợ điều gì hay không?
- Cảm xúc chắc chắn là sợ rồi, nhưng còn có cảm xúc nào gắn liền với nó nữa không?
- Tại sao mình lại thấy sợ như thế, mình đã từng trải qua, chứng kiến nó chưa?
- Nhưng tại sao lại phải sợ nó xảy ra với chính mình?
- Mình cảm thấy mình xứng đáng với những điều đó sao? Tại sao cơ chứ?
- Mình tự ti ư? Vì sao?
- Những cảm xúc này bắt đầu từ khi nào? (Truy lùng về thời điểm bé nhất mà bạn từng có cảm xúc này, hay là lần đầu tiên bạn có cảm xúc này)
- Sự kiện gì đã gắn liền với cảm xúc ấy?
Bạn có thể điều chỉnh câu hỏi sao cho phù hợp với bản thân. Bằng chuỗi câu hỏi liên tục như thế, bạn sẽ tìm ra được nguyên nhân từ đâu mà bạn lại overthinking, liên tục suy nghĩ quá mức. Tìm ra được gốc rễ nào cắm sâu trong bạn, bạn sẽ nhìn ra được sợi dây liên kết, dẫn dắt bạn đi đến con đường overthinking như hiện tại. Một gốc rễ tổn thương nào đó thôi cũng đủ để bành trướng và âm thầm hạ gục bạn.
Các bài viết giúp bạn tìm ra tổn thương của mình:
3 dạng biểu hiện khác nhau của một tổn thương: tái diễn, kìm nén, thăng hoa (Phần 1)
Cha mẹ làm tổn thương đứa trẻ như thế nào? (Phần 1)
Đứa trẻ bên trong là gì? Tại sao bị tổn thương? Cách để chữa lành Đứa trẻ bên trong
Tổn thương tính nam và tính nữ nội tâm
Dấu hiệu của thiếu hụt cảm xúc thời thơ ấu
-
Chữa lành tổn thương của quá khứ
Khi tìm ra bất kỳ tổn thương nào là gốc rễ dẫn dắt bạn đến với overthinking, bạn cần phải chữa lành cho nó. Khi được chữa lành, gốc rễ tổn thương sẽ biến mất. Mất góc rễ, mọi thứ khác đều sẽ dần tan biến. Bằng cách này bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian và sức lực so với đi giải quyết từng suy nghĩ trong hàng nghìn suy nghĩ của mình.
Bạn tham khảo cách chữa lành tổn thương ở đây:
Tự chữa lành tổn thương từ thiếu hụt cảm xúc thời ấu thơ
Hành Trình 28 Ngày Chữa Lành Đứa Trẻ Bên Trong (P1): Bắt Đầu Từ Sự Nhận Thức và Kết Nối
Cách Thời Gian Chữa Lành Mọi Vết Thương
Cách chữa lành và thoát khỏi sự điều khiển của cái tôi
-
Buông bỏ cảm xúc
Các cảm xúc giống nhau tích trữ vào một kho, khi đầy rồi chúng sẽ luôn muốn trào ra ngoài. Chúng dẫn dắt bạn suy nghĩ thái quá để bùng nổ và tuôn trào. Việc nhận thức được cảm xúc là điều vô cùng quan trọng, bởi khi bạn nhận thức được nó, bạn có thể vô hiệu hóa nó. Bạn bắt đầu thôi để nó dẫn dắt và buông bỏ nó bằng cách:
- để cho cảm xúc được yên
- không cố gắng loại bỏ/kháng cự/kìm chế/che giấu/chạy trốn khỏi nó
- thừa nhận sự tồn tại của nó
- cảm nhận nó
Bằng cách này, cảm xúc sẽ suy yếu dần. Năng lượng của cảm xúc vơi dần đi. Mỗi lúc một chút, mỗi ngày một chút, buông bỏ từng chút một mỗi khi cảm xúc trỗi dậy. Dần dần, nó sẽ vơi đi hết, và không còn điều khiển bạn overthinking nữa.
Đọc kỹ hơn về cơ chế buông bỏ cảm xúc ở đây: Cơ chế buông bỏ – Kho cảm xúc nội tâm tác động làm tổn thương chúng ta như thế nào? Làm sao để buông bỏ kho cảm xúc ấy?
-
Biết mình muốn gì
Cuộc sống sẽ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết khi bạn biết mình muốn gì, hoặc lớn lao hơn là biết mục đích cuộc đời của mình là gì. Đó là kim chỉ nan dẫn lối cho bạn. Con người chỉ overthinking khi không biết rốt cuộc mình phải làm gì, là ai?
Thông qua việc truy vấn bản thân, bạn có cái nhìn rõ ràng hơn về chính mình. Giờ thì bạn cần biết mình muốn gì? Để đạt được điều đó bạn cần làm gì?
Nếu thứ bạn muốn là bình yên, an nhiên và hạnh phúc, bạn sẽ cần phải chữa lành những tổn thương vốn có; buông bỏ những cảm xúc tiêu cực; học cách yêu thương bản thân, nuôi dưỡng tâm hồn mình; học cách hít thở; làm bạn với chính mình; học cách chấp nhận và tha thứ cho chính mình; cho bản thân thời gian để làm việc, học tập và thành công…
Khi biết mình muốn gì, bạn có thể dễ dàng đưa ra các quyết định, tập trung bước đi trên hành trình đến đích.
-
Chấp nhận (hiện thực, bản thân, kết quả)
Bạn không nên nhảy cóc các bước, hãy chữa lành tổn thương của mình và buông bỏ cảm xúc tiêu cực trước khi học cách chấp nhận. Lúc này bạn không còn những gốc rễ bám dính lấy mình nữa. Mọi sự thay đổi nhận thức đều trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Bạn có thể dễ dàng chấp nhận hiện thực cuộc sống, những điều mà trước đây bạn không muốn tin, không muốn chấp nhận. Bạn đã luôn cố gắng đối kháng lại với nó, để rồi mệt mỏi và kiệt quệ.
Có hàng tỷ khả năng xảy ra cho một việc, hãy học cách chấp nhận điều ấy. Cho dù sự việc kết thúc theo hướng nào, hoặc rẽ bất kỳ hướng nào cũng là vì nó phải nên thế. Hãy thả lỏng bản thân và chấp nhận nó. Không một ai chắc chắn rằng đến cuối cùng nó không có lợi cho bạn. Có hàng triệu tỷ lối đi khác nhau để đến cùng một đích. Vì thế hãy cứ thoải mái và tận hưởng hành trình của mình. Bạn chỉ cần nhớ rằng bạn luôn xứng đáng với những gì bạn muốn, hoặc hơn thế.
Bản thân của mỗi cá nhân luôn có những điểm mạnh và yếu khác nhau. Chấp nhận yếu kém của bản thân rồi khắc phục nó nếu cần thiết. Chấp nhận điểm mạnh của mình và trau dồi nó nếu cần thiết. Đó mới là sự khôn ngoan. Không có gì sai ở bên trong bạn cả. Tất thảy mọi thứ đều tuyệt vời, tất thảy đều ủng hộ bạn.
-
Tha thứ cho người, tha thứ cho mình (việc đã xảy ra, và cả việc lo sợ sẽ xảy ra)
Buông bỏ quá khứ và đón nhận tương lai bằng cách tha thứ cho tất cả những ai liên quan, và tha thứ cho cả bản thân. Bất kỳ một sự việc nào xảy ra đều sẽ có người vui, buồn, đau khổ, hào hứng, thờ ơ… về sự việc ấy. Có người góp phần nhiều, có người góp phần ít, có người chẳng góp phần gì vào sự việc ấy. Một số người chịu trách nhiệm cho sự việc, một số khác thì không. Không ai sai cả, họ đều đang sống cuộc đời của họ. Họ không thể sống vì cuộc đời của bạn, họ không thể làm theo những gì bạn mong muốn.
Vì thế hãy buông bỏ những chấp niệm trong lòng. Hãy tha thứ cho tất cả mọi người, khi ấy bạn thực sự buông tha cho chính mình. Hãy tha thứ cho bản thân vì đã không thể hoặc sẽ không thể làm được như bản thân kỳ vọng/mong muốn. Mọi thứ đã diễn ra theo đúng như cách nó phải diễn ra. Không một ai chắc chắn rằng những kết quả bạn đạt được hôm nay không giúp ích cho ước mơ, khát vọng, mục tiêu của cuộc đời bạn.
-
Xây dựng hệ thống tư duy, niềm tin mới
Mọi người vẫn hay khuyên nhau là thay đổi góc nhìn để có thể lạc quan hơn, bớt suy nghĩ quá mức lại. Tuy nhiên điều này là hoàn toàn khó nếu bạn chưa thực hiện những bước ở trên (tìm ra nguyên nhân overthinking, chữa lành, buông bỏ cảm xúc, xác định mục tiêu của đời mình, học cách chấp nhận và tha thứ). Sau tất cả những thực hành ở trên, tâm trí của bạn đã bắt đầu bình an, thôi gợn sóng. Những suy nghĩ đã biến mất gần hết. Bạn cũng đã nhận ra những lối suy nghĩ cũ là sai lầm.
Đây là lúc thích hợp nhất để xây dựng và cài đặt một hệ thống tư duy mới, hệ thống niềm tin mới. Khuynh hướng của cái mới là hướng tới đa sắc. Thay vì những suy nghĩ một hướng như cũ, bạn sẽ thiết lập hệ thống suy nghĩ, niềm tin đa hướng. Từ đó bạn có thể nhìn nhận sự việc dưới nhiều góc độ một cách khách quan. Bạn sẽ dễ dàng đón nhận mọi kết quả hơn, và để cho mọi thứ tự nhiên như nó nên là.
-
Sống ở hiện tại
Thay vì chờ ngày hôm nay trôi qua rồi chôn vùi trong suy nghĩ về nó, hãy sống ngày hôm nay, ngay giây phút này. Thay vì mãi lo lắng cho ngày mai, thứ sẽ sớm trở thành hôm nay, hãy tận hưởng ngày hôm nay. Hãy tập trung cảm nhận từng giây phút của hiện tại. Sống trong ngay giây phút này, ngay lúc đang làm việc, ngay lúc đang ăn cơm, nghỉ ngơi, vận động.
Bạn có thể bắt đầu tập sống ở hiện tại bằng cách:
- Thiền – Là khoảng thời gian tốt để bạn có thể tập trung hoàn toàn vào hiện tại. Tập trung vào hơi thở của mình, vào cơ thể của mình, vào tư thế ngồi của mình.
- Yoga – Là hoạt động vận động nhẹ nhàng, đòi hỏi bạn cần phải tập trung hoàn toàn vào từng động tác, cảm nhận sự di chuyển của cơ thể một cách chậm rãi.
- Tập trung vào những gì mình đang làm. Khi ăn bạn biết là bạn đang ăn, tập trung nhai, gắp thức ăn, cảm nhận hương vị đồ ăn. Khi làm việc, bạn biết mình đang làm việc, tập trung vào công việc. Khi đi bạn biết mình đang bước đi, bạn cảm nhận từng bước đi của mình. Khi nằm bạn biết mình đang nằm, bạn cảm nhận tư thế nằm của mình.
Sống ở hiện tại, đơn giản là dành sự tập trung của giây phút này cho chính những gì đang diễn ra tại giây phút này.
-
Tư vấn, hỗ trợ loại bỏ overthinking từ Khu vườn Molly
Sau tất cả những hướng dẫn này, nếu bạn vẫn không thể tự thực hành cho bản thân, bạn có thể tìm đến Healing 1-1 của Khu vườn Molly để được hỗ trợ tốt nhất. Vườn sẽ đồng hành cùng bạn trên hành trình tìm ra nguyên nhân nào khiến bạn overthinking và cùng bạn tìm ra giải pháp, thực hành cùng bạn để bạn có thể kết thúc overthinking và bắt đầu cuộc sống mới an nhiên hơn, vui tươi hơn, yêu đời hơn, tự do hơn.
Kết
Overthinking không thể tự nhiên biến mất trong một sớm một chiều, càng không thể biến mất nhờ một vài thủ thuật nào đó. Bạn cần tập trung vào bản thân mình, cảm nhận chính mình để có thể biết được điều gì đang đứng đằng sau tất cả dẫn dắt suy nghĩ của bạn. Từ đó loại bỏ nó, và thiết lập lại lối sống mới cho bản thân. Hãy từ từ cho bản thân thời gian để thay đổi. Chỉ đơn giản vậy thôi.