khuvuonmolly@gmail.com
/
Địa chỉ :
Số điện thoại liên hệ:

Rối loạn nhân cách ái kỷ – Nguyên nhân – Cách điều trị

Author Avatar

Mie

author

Rối loạn nhân cách ái kỷ được coi là một đặc điểm tính cách khá phức tạp, mà các nhà tâm lý học vẫn chưa lý giải được. Có thể xem ái kỷ là một căn bệnh về rối loạn cảm xúc và hành vi. Nhưng ở góc độ khác, ái kỷ chỉ là một phần của tính cách con người. Vậy có những lý do nào dẫn đến ái kỷ? Và có cách nào vượt qua được triệu chứng này không?

Rối loạn nhân cách ái kỷ từ đâu mà hình thành?

Nguyên nhân dẫn đến rối loạn nhân cách ái kỷ vẫn chưa thực sự rõ ràng. Nhưng có một số manh mối liên quan đến cách nuôi dạy của cha mẹ. Nhiều trẻ em mắc chứng ái kỷ do cha mẹ có thái độ quá thờ ơ hoặc quá nuông chiều với chúng.

  • Cha mẹ độc đoán

Cha mẹ là nguyên nhân dẫn đến rối loạn nhân cách ải kỷ của con

Những bậc cha mẹ này cố gắng kiểm soát con ở mức độ không lành mạnh. Họ yêu cầu con phải tuân thủ nghiêm ngặt mọi luật lệ họ đặt ra. Ví dụ không được thức khuya hoặc không được ăn đồ ngọt. Cha mẹ hiếm khi thể hiện sự ấm áp, hỗ trợ hoặc cởi mở với con cái của mình.

Họ độc đoán bằng cách đánh giá con cái dựa trên điểm số, thành tích chúng đạt được. Hoặc thậm chí dựa trên độ ngoan ngoãn theo tiêu chuẩn của họ. Hệ quả là đứa trẻ hình thành cảm giác quá cần tình thương của cha mẹ và quá sợ hãi để đối phó với áp lực. Chúng phát triển theo cơ chế phòng vệ bản thân quá mức vì không có tình yêu từ gia đình. Tính ái kỷ tổn thương cũng được hình thành theo suốt thời ấu thơ của những đứa trẻ này.

  • Cha mẹ nuông chiều

Trái ngược với cha mẹ độc đoán thì ở đây cha mẹ lại dành quá nhiều tình yêu cho con. Họ chăm sóc, chiều chuộng và đáp ứng mọi yêu cầu của con. Điều này khiến trẻ xảy ra chứng ái kỷ tự cao. Chúng cho rằng ai cũng giống như cha mẹ, phải có nghĩa vụ và trách nhiệm phục vụ chúng. Về lâu dần, chúng có xu hướng tiếp thu quan điểm thổi phồng của cha mẹ về chúng. Và tin rằng chúng nên được hưởng nhiều đặc quyền khác so với số đông. Ái kỷ vĩ đại là kiểu ái kỷ hay xảy ra phổ biến nhất ở trẻ. Nó sẽ lớn dần theo năm tháng trên hành trình của những đứa trẻ đó.

Trên thực tế, nếu cân bằng được 2 phong cách nuôi dạy con nói trên, bạn sẽ tìm ra “thuốc giải” cho những đứa trẻ ái kỷ. Nói cách khác, những cha mẹ vừa ấm áp, vừa đặt ra yêu cầu và ranh giới ở mức độ vừa phải sẽ nuôi dạy nên những đứa con có khả năng thích nghi tốt.

  • Có cha mẹ là những người ái kỷ

Con cái thường học theo cách tư duy và hành xử của cha mẹ. Việc có cha mẹ ái kỷ sẽ là môi trường thúc đẩy cho những đứa trẻ học theo và phát triển dạng tính cách rối loạn này. Chúng không phân biệt được đâu mới là cách tư duy và hành xử hợp lý. Vậy nên vô tình tiếp nạp những gì mà cha mẹ suy nghĩ, phân tích, suy luận và hành động mỗi ngày.

Tuy nhiên, đừng vội đổ lỗi cho cha mẹ của bạn. Người xưa có câu “Cha mẹ sinh con trời sinh tính”. Các nguyên nhân khác có thể tạo nên chứng rối loạn này là: chấn thương tâm lý trong cuộc sống hoặc do môi trường và phim ảnh. Cách nuôi dạy chỉ là một trong những nguyên nhân phổ biến ta thường bắt gặp.

  • Phim ảnh

Nguyên nhân nào tạo nên sự ái kỷ

Trong các bộ phim, nhân vật chính luôn là trung tâm. Họ có được sự ngưỡng mộ, tình thương của các nhân vật khác trong phim. Họ luôn có những nỗi khổ riêng, và cho dù có làm gì sai thì họ vẫn luôn đặc biệt trong mắt người yêu và gia đình. Chính điều này hình thành nên sự ái kỷ trong nhiều người xem phim, bởi ai cũng muốn mình là nhân vật chính như trong các bộ phim. Luôn có người thấu hiểu nỗi khổ của mình, luôn có người ca ngợi mình. Mình luôn là trung tâm của cuốn phim cuộc đời này.

Cách đối phó với người ái kỷ

  • Thiết lập ranh giới rõ ràng

Một đặc điểm nổi bật của người ái kỷ đó là tính tự ý (tự tiện) rất cao. Họ tôn thờ cái tôi của mình và đôi khi coi thường người khác. Họ nghĩ mình có quyền năng cao cấp như được rình mò người khác, tự ý sử dụng đồ không phải của mình. Hay thậm chí bắt người khác nghe theo lời khuyên mình đưa ra. Biểu hiện này khá tương đồng với kém văn hóa và bất lịch sự.

Khi gặp phải những người như vậy, bạn nên thiết lập chủ quyền riêng của mình. Bạn nên nhắc nhở họ rằng bạn có ranh giới riêng. Bạn có không gian riêng và tự do của mình, không ai có thể xâm phạm. Bạn cũng cần nói rõ mình không cần lời khuyên của họ. Hay họ không có quyền hạn ép buộc mình nghe theo bất kỳ điều gì.

  • Giữ đầu óc tỉnh táo

Như có đề cập phần trước, người ái kỷ có khả năng thao túng tâm lý rất cao. Họ có cách nói chuyện để lôi cuốn bạn theo những câu chuyện đó. Dù là tích cực hay tiêu cực, bạn sẽ dễ bị cuốn vào đó và không thoát ra được. Lâu dần, bạn sẽ nhận ra vài điều khác thường. Bạn thấy mình giống như “con rối” trong vở kịch của họ. Và buộc phải làm theo kịch bản họ đưa ra.

Đừng để họ xâm nhập vào ý thức của bạn. Hãy luôn nhớ rằng mỗi người đều có những ưu, nhược điểm và mong muốn riêng. Không được để họ đánh vào điểm yếu hoặc đánh vào ham muốn cá nhân. Vì họ sẽ lợi dụng những điểm đó để khiến bạn nghe theo sự sắp xếp của họ. Giữ cho mình vị trí trung lập, không cuốn theo những gì họ thao thao bất tuyệt.

Giữ đầu óc tỉnh táo
  • Không để người ái kỷ thành công đổ lỗi cho bạn

Người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ sẽ không bao giờ chịu trách nhiệm cho lỗi sai của mình. Thay vào đó, họ sẽ tìm cách đổ tội cho bạn và biến họ thành nạn nhân. Trong vài trường hợp bạn sẽ chấp nhận mình sai để giữ hòa khí cho mọi người.

Không được nhận lỗi không phải của mình. Hãy dũng cảm đứng lên và phản bác lại họ. Bạn không được để họ chèn ép hay bắt nạt mình. Vì nếu vậy họ sẽ càng cảm thấy họ là cái rốn của vũ trụ. Họ càng ngày càng ngạo mạn và xem thường bạn, bắt nạt bạn. Bạn cần nhận biết ai mới là người thực sự có lỗi. Nói lên quan điểm của chính mình, chỉ ra lỗi sai của họ và yêu cầu họ nhận lỗi.

Cách vượt qua tính ái kỷ của chính mình

Nguyên tắc trên giúp bạn đối phó với những người ái kỷ. Song nếu bạn thấy những đặc điểm ái kỷ ở chính mình, liệu chúng có còn hiệu nghiệm?

Thử hỏi bản thân những câu hỏi sau:

  1. Bạn có cảm thấy mình không nhận được sự quan tâm hay đánh giá cao mà đáng lẽ mình nên có?
  2. Có phải mọi người than phiền rằng bạn không lắng nghe họ, trong khi thực tế bạn cảm thấy điều ngược lại?
  3. Bạn có cảm thấy hầu như mọi người khác đều có cuộc sống “dễ thở” hơn mình?
  4. Người khác có đột ngột cắt liên lạc với bạn, và từ chối kết nối lại mà không một lời giải thích?
  5. Bạn luôn cảm thấy mình đúng cho dù đã suy nghĩ lại?

Nếu như câu trả lời là có với đa số câu hỏi trên, thì có lẽ bạn có tính ái kỷ khá cao. Dưới đây là các cách để tự điều trị chứng ái kỷ của mình.

  • Nhận thức hành vi bản thân

Điều quan trọng khi muốn vượt qua ái kỷ là bạn phải ý thức được bản thân mình đang có triệu chứng nào trong 6 dấu hiệu của người ái kỷ. Việc nhìn nhận bản thân mình có xu hướng ái kỷ không phải điều dễ. Và nếu bạn làm được, bạn đã hơn rất nhiều người ái kỷ khác. Tự suy xét chính mình và tự vấn, thông qua đó tìm hiểu nguyên nhân vì sao mình có thái độ như vậy. 

Những cách giúp bạn nhận thức hành vi bản thân khác như:

  • Viết nhật ký
  • Thiền, yoga
  • Tham gia các hoạt động xã hội nhân văn
tham gia các hoạt động nhân văn
  • Xem bản thân cũng giống mọi người

Sau cùng thì bản chất của ái kỷ là niềm tin bạn đặc biệt, và nên được đối xử khác biệt so với số đông. Để “giải độc” suy nghĩ này rất đơn giản – bạn chỉ cần chấp nhận rằng mình không hề đặc biệt tí nào. Thực tế bạn hoàn toàn bình thường, và điều đó hoàn toàn ổn.

Bạn không cần phải đặc biệt về một khía cạnh nào đó để trở nên đáng giá và sống cuộc đời có ý nghĩa. Thay vì thêu dệt 7749 câu chuyện để thuyết phục bản thân rằng mình đặc biệt. Bạn hãy cứ tiếp tục sống và đừng dán cho mình bất cứ cái nhãn nào. Kể cả vĩ đại hay tổn thương.

  • Tìm niềm vui từ những điều nhỏ bé

Cố gắng tìm niềm vui trong những điều nhỏ bé, giản đơn của cuộc sống. Cảm thấy biết ơn vì mỗi ngày ta thức dậy ta được sống. Biết ơn vì có gia đình, bạn bè, người thân hay có nơi để về. Cảm nhận vẻ đẹp trong những tia nắng ban mai chiếu lên ô cửa sổ hoặc cửa kính ô tô. Nếu có thể, thường xuyên hỏi thăm những người xung quanh bạn. Năng lượng tích cực từ mối quan hệ cũng khiến bạn bớt đi phần nào sự ái kỷ bản thân.

Hãy tập nói lời xin lỗi và cảm ơn với bạn bè hay người thân. Nếu những gì bạn cư xử trong quá khứ chưa đúng, hãy tìm cách sửa sai. Không mất gì một lời nói cả. Và nếu người khác giúp đỡ bạn trong học tập, công việc,… hãy tập cách nói cảm ơn. Những thứ nhỏ bé là nền móng để phát triển thành những thứ to lớn.

  • Trị liệu tâm lý

Nếu như các phương án trên không cải thiện được tình trạng hay triệu chứng ái kỷ của bạn. Thì bạn nên tham khảo lời khuyên từ bác sĩ. Thông qua các buổi trao đổi, tư vấn trực tiếp giữa một mình bạn và bác sĩ, bạn sẽ khám phá lý do đằng sau của những cảm xúc và hành vi của bạn. Cách này yêu cầu phải kiên trì và làm theo liệu trình lâu dài từ bác sĩ.

Bạn không được “định hình” để trở nên vĩ đại hay đầy nỗi khổ riêng. Thế nên đừng gồng lên để chứng minh bạn ưu việt hơn người khác nữa, và ngừng than phiền về việc thế giới đã bất công với bạn thế nào. Tất cả những gì bạn cần làm là hít một hơi thật sâu, làm việc của bạn và sống một cách tỉnh thức.

>> 6 dấu hiệu của người ái kỷ

Đăng ký Healing 1-1

Tâm sự, chia sẻ, và nhận những giải đáp để hỗ trợ bình yên trong tâm hồn, chữa lành những tổn thương và sống cho giây phút hiện tại.

Đăng ký ngay