Sự khác nhau giữa cá nhân hóa và yêu thương bản thân
Gem
author
Chủ nghĩa cá nhân hóa
Trong xã hội hiện đại, nơi chủ nghĩa cá nhân hóa lên ngôi, đề cao bản chất riêng của mỗi người, con người thỏa sức thể hiện bản thân mình, đấu tranh để có được những gì mình muốn. Họ quan tâm đến cảm xúc của mình nhiều hơn bao giờ hết. Họ sống vì bản thân mình. Đó là sự thay đổi lớn của xã hội hiện tại so với quá khứ. Trong quá khứ con người không được sống theo ý muốn của mình, phải luôn sống vì người khác, và chịu nhiều áp bức.
Không thể phủ nhận chủ nghĩa cá nhân hóa đã tạo ra sự thay đổi lớn mạnh trong con người để tạo nên một xã hội hiện đại.
Cá nhân hóa có phải là tình yêu?
Chúng ta đang cho rằng như thế là tự do, là yêu thương chính mình. Liệu điều đó có đúng không? Có khả năng nào cho việc chúng ta đang nhầm lẫn giữa cá nhân hóa và yêu thương bản thân, nhầm lẫn giữa ích kỷ và tình yêu. Bởi sự cá nhân hóa càng lớn mạnh, sự chia rẽ lại càng lớn, sự gắn kết lại càng mất đi.
Trong chủ nghĩa cá nhân hóa, chúng ta thích mọi thứ là của riêng mình, và luôn tìm cách sở hữu chúng. Chúng ta thích sự đặc biệt, không thích việc giống người khác. Nên chúng ta luôn muốn cá nhân hóa mọi thứ, bao gồm: tính cách, vẻ ngoài, cách sống, tư tưởng, cảm xúc, tài sản và cá nhân hóa luôn cả con cái và vợ chồng của mình. Họ phải trở thành hình mẫu như mình mong muốn.
“Của mình” giết chết mọi mối quan hệ
Chúng ta đề cao mọi thứ của mình, bao gồm cả suy nghĩ của mình. Chúng ta cố gắng bảo vệ sự cá nhân hóa ấy. Và không cho phép ai xâm phạm đến chúng. Chúng ta nổi giận với những ai không tôn trọng mình, bực tức với những ai không hiểu cho cảm xúc của mình. Chúng ta buồn khi ai đó không nhận ra sự thay đổi của mái tóc hay bộ trang sức mới của mình. Chúng ta la mắng con cái khi chúng trái ý mình. Chúng ta càm ràm khi vợ chồng không làm theo ý mình. Và rồi như một hệ quả, mọi xích mích, mâu thuẫn đều đến từ đây.
Chúng ta cá nhân hóa mọi thứ kể cả cảm xúc của mình. Vậy nên sự giận dữ này là chính mình, sự buồn bã kia cũng là chính mình. Chúng ta ôm lấy những gì mình cho là mình, là “của mình” và đẩy mọi điều khác ra xa. Chúng ta đẩy bạn bè, vợ chồng, cha mẹ, con cái ra xa bằng những cảm xúc của mình.
Bằng cách sống cá nhân hóa, bảo vệ những thứ chúng ta cho là của mình, chúng ta làm rạn vỡ mọi mối quan hệ và sống ngày càng cô lập. Chúng ta cô lập chính mình chỉ để bảo vệ những thứ “của mình”. Nhưng chúng ta lại luôn cho rằng đó là lỗi của người khác, là họ đã làm bạn đau buồn, là họ làm bạn không còn muốn bên họ nữa.
Yêu thương bản thân
-
Không cần cá nhân hóa mọi thứ
Còn trong trạng thái yêu thương bản thân, bạn nhận thức được không có gì thuộc về mình cả. Mọi thứ đều là vay mượn mà thôi. Từng bữa ăn, từng tài sản bạn có được đều là mượn từ mẹ thiên nhiên. Từng con người bạn quen biết trong cuộc đời, cả cha mẹ, con cái của mình, họ đều không thuộc về bạn. Bạn chỉ có kết nối với họ. Kết nối ấy luôn cần dùng tâm sức để duy trì.
Con cái không phải là của bạn, con cái là thông qua bạn mà đến với cuộc sống này. Bạn không phải là người ban phát sự sống cho con cái mình. Mỗi một người đều có cuộc sống khác nhau, nét tính cách, lối sống khác nhau. Bạn không thể điều khiển cách họ sống, suy nghĩ và hành động, dù cho người đó có là vợ, là chồng hay con cái của bạn.
Với sự thấu hiểu về bản thân bạn biết rằng mọi hoàn cảnh đều từ mình mà ra. Khi muốn thay đổi một điều gì đó, bạn thay đổi từ bản thân mình. Không yêu cầu sự thay đổi từ người khác. Bạn yêu thương mình, trân trọng mình thì người khác cũng sẽ yêu thương và trân trọng bạn. Mọi của cải và tài sản đều là từ mẹ thiên nhiên. Nên bạn không bám dính lấy chúng, mà hiểu rõ đây là mối quan hệ mượn- trả.
-
Chúng ta đều như nhau
Bạn cũng như bao người ngoài kia, không ai quan trọng hơn ai, không ai đặc biệt hơn ai. Ai cũng chỉ đang cố gắng sống cuộc đời mình, cũng đang cố gắng vượt qua những khó khăn và thử thách của cuộc đời, dù bạn có nhìn ra điều đó hay không.
Tri thức của nhân loại là vô tận, có vô số thứ bạn không hề biết. Và trí nhớ của bạn cũng không hoàn toàn đúng. Vậy nên mọi suy nghĩ của bạn cũng chỉ là suy nghĩ mà thôi. Suy nghĩ đó không phải là bạn, không cần phải cố chấp cho rằng nó là đúng. Bất kỳ ai cũng có thể có quan điểm trái ngược với bạn. Và quan điểm cũng chỉ là quan điểm mà thôi.
Không có gì có ý nghĩa, và cũng không có gì là không có ý nghĩa trong cuộc sống này cả. Mọi vật, mọi việc trong cuộc sống chỉ đơn giản là chính nó. Ý nghĩa là do bạn gán ghép. Là do bạn tự quy chúng về là của mình, rồi cá nhân hóa chúng lên, và bảo vệ chúng. Rồi cho rằng ai động chạm đến chúng là không tôn trọng bạn. Trong khi đó, bạn lại chẳng hề tôn trọng mình. Bạn chỉ đi sùng kính những thứ hão huyền, tự gắn mác chúng là của mình, khi chẳng có gì là của bạn cả.
-
Cơ thể cũng không phải của bạn
Kể cả thân xác này cũng chỉ là vay mượn để bạn có nơi trú ngụ mà sống tiếp. Bạn nên nuôi dưỡng nó, và cảm ơn nó đã giúp bạn duy trì sự sống. Chứ không phải là nổi giận khi người khác lỡ làm bạn bị thương hay là trách móc khi cơ thể ấy không đẹp, tàn phá nó bằng việc ăn uống, bằng những thú vui vô bổ.
Với sự ích kỷ, chúng ta không thể tha thứ cho người khác. Chúng ta dễ dàng từ bỏ những mối quan hệ. Với tình yêu thương, chúng ta biết rằng tha thứ cho người cũng chính là tha thứ cho mình, buông tha cho chính mình, không dày vò tâm trí mình nữa.
Bằng việc cá nhân hóa mọi thứ, chúng ta không đặt khoảng cách giữa mình và người khác. Chúng ta tin tưởng hết mực, và đồng thời cũng cố gắng điều khiển họ. Khi họ không còn như mình nghĩ, thì lập tức cắt đứt mối quan hệ, không còn tình cảm với họ. Đáng lẽ ra, chúng ta nên đặt ra giới hạn với mọi người, để tự bảo vệ bản thân mình. Chúng ta nên hiểu rằng không ai phải chịu sự điều khiển của mình. Và cũng không một ai sẽ bị mình điều khiển. Một mối quan hệ duy trì cần sự quan tâm đến đối phương, để cho đối phương tự do, và bảo vệ lấy chính mình.
Yêu thương chính mình là tình yêu thuần khiết nhất mà bạn có thể cho đi và nhận lại.