Sức mạnh của sự tĩnh lặng
Minh Tuệ
author
Xã hội càng hiện đại và phát triển, con người càng tấp nập với guồng quay của cuộc sống. Hết công việc, tài chính, gia đình rồi lại đến tình yêu, con cái hay các mối quan hệ. Tất cả cứ như một vòng quay bất tận khiến con người không lúc nào được ngơi nghỉ. Cho đến khi cơ thể đã cạn kiệt năng lượng. Nội tâm đã trở nên mệt mỏi và bấn loạn. Con người ta mới tìm về với bên trong, tìm về với chính mình và những giây phút tĩnh lặng.
1, Sự tĩnh lặng là gì?
Tĩnh lặng vốn là trạng thái nguyên thủy của nội tâm. Khi đó không có bất cứ suy nghĩ hay cảm xúc nào trỗi dậy. Tất cả chỉ là sự nhẹ nhàng, rỗng lặng và bình an từ bên trong.
Thông thường, chúng ta sẽ không cảm nhận được sự tĩnh lặng vì tâm của chúng ta có thói quen hướng ra bên ngoài. Sau đó khởi lên những tư tưởng: yêu, ghét, giận hờn, trách móc, phán xét,… Chỉ khi tâm trí vắng bóng những tư tưởng thì lúc khi ấy chúng ta sẽ cảm nhận sự an nhiên và tĩnh tại.
2, Tĩnh lặng không có nghĩa là không hành động
Rất nhiều người khi nghe thấy cụm từ “tĩnh lặng” thường liên tưởng tới hình ảnh ngồi im và không có bất cứ hành động gì. Và bạn cũng có thể thắc mắc rằng: Nếu không làm gì thì lấy gì mà ăn, lấy gì mà sống? Cứ im lìm như vậy thật tẻ nhạt và buồn chán!
Tuy nhiên, bạn cần hiểu rõ một điều là, sự tĩnh lặng là trạng thái của nội tâm. Tức là không phải cứ ngồi yên một chỗ, không giao tiếp, không hành động mới là tĩnh lặng. Có những người ngồi yên nhưng trong tâm họ khởi lên rất nhiều những suy nghĩ và cảm xúc khác nhau. Hết hồi tưởng về quá khứ lại lo lắng cho những điều chưa diễn ra ở tương lai. Như vậy chưa được gọi là tĩnh lặng thực sự.
Ngược lại, có những người vẫn đang giao tiếp, vẫn đang làm một điều gì đó. Nhưng nội tâm của họ lại rỗng rang, thênh thang và an định. Đó chính là trạng thái tĩnh lặng của tâm. Hơn nữa, việc chúng ta tạm dừng những kết nối và hoạt động bên ngoài để tập trung vào bên trong. Đó là những bước thực tập cơ bản nhất để rèn luyện tâm quay trở về trạng thái thuần khiết của chính nó.
3, Sức mạnh của sự tĩnh lặng đối với con người và đời sống
-
Sự tĩnh lặng giúp con người tái tạo năng lượng sống
Để có thể tồn tại, làm việc, tư duy, chúng ta cần có nguồn năng lượng sống bên trong cơ thể. Nếu chỉ biết sử dụng năng lượng này mỗi ngày mà không biết cách để tái tạo và phục hồi, thì sẽ đến lúc chúng ta cạn kiệt sức lực. Thông thường, chúng ta nạp năng lượng cho cơ thể của mình bằng cách ăn, uống và ngủ nghỉ. Nhưng đó chỉ là năng lượng ở dạng thô. Nó chưa phải là dạng năng lượng thuần khiết và nguyên thủy.
Còn nguồn năng lượng khi nội tâm trở về trạng thái tĩnh lặng chính là nguồn năng lượng thuần khiết. Vì vậy, những người có lối sống lành mạnh, có thói quen quay vào bên trong có thể ăn ít và ngủ ít hơn những người khác. Bởi vì cơ thể đã được “nạp” đầy đủ năng lượng nên không có nhu cầu ăn nhiều hay ngủ nhiều.
Bên cạnh đó, khi tâm tĩnh lặng cũng là lúc tâm trí không bị dẫn đi bởi trùng trùng lớp lớp những suy nghĩ và cảm xúc. Vì vậy, mà nguồn năng lượng của cơ thể không bị thất thoát. Bởi theo nghiên cứu của ngành khoa học tâm thức thì con người trở nên mệt mỏi, cạn kiệt năng lượng không phải hoàn toàn do hoạt động thể chất. Nó đến từ việc có quá nhiều suy nghĩ và cảm xúc được khởi lên mỗi phút giây.
-
Sự tĩnh lặng giúp thân khỏe, tâm an
Có thể bạn không biết, nhưng cơ thể và nội tâm của chúng ta không hề tách rời nhau. Chúng có sự gắn kết với nhau. Đó là lý do tại sao người ta thường nói rằng, 80% bệnh tật trên cơ thể là do tâm bệnh. Chỉ cần giữ tâm trạng vui vẻ, tích cực, lạc quan thì bệnh tật sẽ thuyên giảm, cơ thể sẽ khỏe mạnh.
Chính vì vậy, khi nội tâm của chúng ta thường xuyên trở về trạng thái tĩnh lặng thì cũng có nghĩa là sẽ không tồn tại những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực. Cho nên tâm sẽ được nhẹ nhàng và bình an. Dẫn đến cơ thể vật lý cũng sẽ tràn đầy năng lượng và sức sống.
Còn nếu tâm lúc nào cũng âu lo, phiền não thì đời sống của chúng ta sẽ tiêu cực, bất an. Từ đó khiến khía cạnh tinh thần chông chênh, mất cân bằng. Và đời sống vật chất kéo theo đó cũng không thể thành tựu và trọn vẹn. Bởi khi tâm trạng đã mệt mỏi, bấn loạn thì chúng ta sẽ chẳng thể tập trung cho công việc, cho sự sáng tạo và những ý tưởng.
-
Sự tĩnh lặng giúp chúng ta có một trí tuệ sáng suốt, tỏ tường
Người xưa đã có câu:
Tĩnh tâm sinh Trí tuệ.
Chỉ khi tâm được an định và tĩnh lặng thì trí tuệ mới được khởi sinh. Tức là chúng ta mới có một sự nhìn nhận sáng suốt, tỏ tường về mọi việc. Từ đó chúng ta sẽ có những lựa chọn, những quyết định và cách ứng xử thông thái, khôn ngoan.
Những người có tâm tĩnh lặng và trí tuệ sáng suốt thường có cái nhìn sâu sắc về mọi việc, mọi sự diễn ra trong đời sống này. Họ không dễ dàng bị tác động bởi những yếu tố và điều kiện bên ngoài. Một lời nói của người khác không thể làm họ tổn thương. Một hành động của ai đó cũng không khiến họ trách móc hay hận thù. Những khó khăn và thử thách cũng không thể khiến họ gục ngã. Thậm chí, một nội tâm “tĩnh lặng như nước” giúp họ vượt qua sóng gió một cách nhẹ nhàng hơn những người khác rất nhiều.
Còn ngược lại, nếu tâm bị chi phối bởi sự tham lam, ích kỷ, lòng hận thù, sự căm ghét,… thì dẫn đến cách nhìn nhận của chúng ta có thể bị lệch lạc. Chính vì vậy, chúng ta có thể có những quyết định sai lầm hay những hành động tàn ác, tiêu cực đối với bản thân và những người khác.
-
Sự tĩnh lặng giúp chúng ta chiêm nghiệm hành trình của mình
Một bản nhạc còn có nốt thăng nốt trầm. Một bức tranh còn có màu sáng, màu tối. Vậy thì, cuộc đời một con người cũng sẽ có những lúc thật sôi động, rực rỡ. Nhưng cũng sẽ có những giai đoạn chúng ta như sống chậm lại và chiêm nghiệm về hành trình đã đi qua. Chúng ta quan sát những gì mình đã làm được và những gì chưa hoàn thành. Chúng ta hình dung lại những người đã đến, đã đi và đang ở lại với mình.
Nhờ có những thời điểm sống chậm lại, tĩnh lặng và suy ngẫm như vậy. Chúng ta mới nhận ra những bài học cho chính mình. Để rồi chúng ta sẽ có những bước đi đúng đắn và những thành tựu xứng đáng ở hành trình tiếp theo.
Còn nếu chỉ điên cuồng hành động, lao về phía trước mà không có những phút giây nhìn nhận lại, chúng ta rất dễ mắc sai lầm và thất bại. Đôi khi, không phải cứ hành động thật nhiều, thật nhanh đã là tốt. Nỗ lực, chăm chỉ nhưng cũng cần có sự thông minh và khôn ngoan thì mọi thứ mới có thể trọn vẹn được.
Lời kết
Rõ ràng rằng, sự tĩnh lặng có một vai trò to lớn đối với sự phát triển của con người và chất lượng đời sống. Người có nội tâm an yên, nhẹ nhàng thì tâm trạng lúc nào cũng vui vẻ, bình an. Đời sống bên ngoài ngày càng được cải thiện và nâng cao. Các mối quan hệ cũng ngày càng trở nên chất lượng hơn.