Tại sao bạn nên tha thứ nhưng không nên quên lãng
CB1501
author
Tha thứ là một hành động vĩ đại. Nó thể hiện cảnh giới của sự vị tha, cảm thông và thấu hiểu. Nhưng kể cả khi bạn tha thứ, đừng quên đi những gì đã xảy ra. Dưới đây lý do và lợi ích to lớn của việc tha thứ mà không quên. Tại sao đó là một lựa chọn sáng suốt và mang tính thay đổi cách mạng tới cuộc sống của bạn? Tại sao hành động này lại có thể biến bạn trở thành một người mạnh mẽ hơn, kiên cường và vui vẻ hơn? Tại sao tha thứ nhưng không quên lãng lại chữa lành những nỗi đau bên trong bạn.
Tại sao bạn nên tha thứ nhưng không nên quên lãng?
Tha thứ nhưng không quên lãng giúp bạn bảo vệ chính bản thân bạn ở hiện tại và tương lai. Vì sao?
Vì nếu bạn chọn quên đi, khả năng bạn bị tổn thương một lần nữa sẽ có thể xảy ra. Nhưng nếu bạn chọn tha thứ mà không quên đi, bạn ghi nhớ những gì trong quá khứ. Bạn rút ra bài học cho chính mình. Từ đó, bạn có kinh nghiệm xử lý các tình huống tương tự.
Ở tương lai, ngay khi có những dấu hiệu của một hoàn cảnh tương tự xuất hiện, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra được. Nhờ vậy, bạn có thể chủ động thực hiện những biện pháp bảo vệ bản thân để không bị tổn thương.
Bên cạnh đó, với những người đã gây tổn thương bạn, ghi nhớ không có nghĩa là bạn giữ lửa thù hận, mà bạn nhìn vào những gì ở quá khứ để tạo ranh giới phù hợp. Bạn đồng ý để tiếp tục mối quan hệ, nhưng không trao cho người khác cơ hội làm tổn thương bạn. Khi một ranh giới tồn tại, 2 bên sẽ chủ động tôn trọng đối phương. Vì vậy, mối quan hệ đó có thể phát triển tốt hơn dựa trên tinh thần thông cảm, thấu hiểu ở trên những giới hạn nhất định.
Cuối cùng, khi chọn tha thứ mà không quên, bạn trao cho mình cơ hội để hiểu bản thân mình ở quá khứ. Bạn hiểu mình có điểm mạnh, điểm yếu gì. Sau đó, bạn có thể tiếp tục rèn luyện để phát triển bản thân hơn tới một phiên bản bạn hằng mong ước.
Làm sao để tha thứ nhưng không quên lãng?

1, Hiểu được sự tha thứ
Để có thể đạt được những lợi ích của việc tha thứ mà không quên lãng, bạn cần hiểu được ý nghĩa của sự tha thứ thật sự là gì.
Tha thứ không phải là bạn đang bào chữa cho hành động của ai đó hoặc để họ thoát khỏi tội lỗi vì những gì họ đã gây ra. Đó là sự lựa chọn mà bạn đưa ra. Nó phục vụ cho chính bạn, nhằm giúp bạn ngừng chìm đắm trong đau đớn.
Khi bạn tha thứ, về cơ bản bạn đang nói với chính mình là: “Tôi sẽ không để nỗi đau này và những hậu quả của nó kiểm soát mình nữa”. Tha thứ cho người chính là buông tha cho chính mình. Bạn thả cho những cảm xúc tiêu cực trôi đi. Bạn mở ra cánh cửa dẫn đến sự chữa lành của chính bản thân bạn và tiến về phía trước. Tiến về tương lai mà bạn hằng mơ ước, với không sự kìm kẹp nào của quá khứ. Bởi bạn đã đặt dấu chấm hết, kết thúc chủ động một tình huống!
Xem thêm: Làm thế nào để tha thứ cho người khác?
2, Xác định rõ những điều bạn muốn tha thứ
Trước khi có thể tha thứ, bạn cần phải xác định chính xác bạn đang tha thứ điều gì. Bạn sẽ cần tua lại những sự kiện và sự việc đã xảy ra, để biết được những gì bạn sẽ tha thứ. Liệt kê chúng vào một mảnh giấy hoặc điện thoại, sau đó đọc to lên những gì bạn đồng ý sẽ để nó trôi đi. Nhưng bạn sẽ không quên chúng.
Bên cạnh đó, đừng quên ghi ra những bài học mà bạn rút ra được từ những tình huống đó, và cảm ơn bản thân bạn đang làm hành động này! Bạn thật sự rất tuyệt vời.
3, Tập trung vào hiện tại
Cho dù bạn phải lật lại quá khứ để hiểu được mình sẽ tha thứ những gì, đừng chìm đắm ở đó. Bạn cần phải buông bỏ quá khứ và tập trung vào những gì ở hiện tại. Buông bỏ không có nghĩa là quên tất cả chúng đi. Nó có nghĩa là bạn chọn giữ lại những bài học, học hỏi từ kinh nghiệm, mà không liên tục phán xét những lựa chọn trong quá khứ.
Bạn chỉ nhìn vào những gì mà quá khứ có thể mang lại lợi ích cho bạn để tiếp tục sống ở hiện tại. Bạn nghĩ về những gì hiện tại bạn cần và bạn có thể phát triển ở tương lai như thế nào với những dữ liệu quá khứ.
Xem thêm: Sống trong chánh niệm

4, Chấp nhận cảm xúc của bạn
Để có thể tha thứ, bạn cần chấp nhận cảm xúc của bạn và cho bản thân cơ hội giải phóng những cảm xúc tiêu cực. Bạn có thấy bị phản bội, đau đớn, khó chịu, mệt mỏi không? Bất kể chúng là gì, đừng kìm nén. Hãy thể hiện chúng. Chỉ khi bạn cho phép bạn thân được chấp nhận những cảm xúc được hình thành và tồn tại, bạn mới có thể để chúng rời đi.
Khi chúng rời đi, lúc đó, bạn sẽ tìm được điểm cân bằng cảm xúc và sẵn lòng tha thứ.
Xem thêm: Cách để làm chủ cảm xúc?
5, Xem xét ảnh hưởng
Có thể đến bước thứ 4, khi nhớ lại những cảm xúc của mình, bạn trở nên bực bội và không muốn quên đi, bạn sẽ có thể không muốn tha thứ nữa. Lúc này, hãy suy nghĩ xem việc tha thứ và không tha thứ sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn như thế nào. Hãy xem xét những lợi ích và hậu quả của mỗi lựa chọn. Khi đó, bạn sẽ biết con đường mình phải chọn và tự tin tiếp tục bước đi trên con đường đó.
Lợi ích của việc tha thứ mà không quên:
- Tự do: Tha thứ cho phép bạn buông bỏ những cảm xúc tiêu cực, chẳng hạn như giận dữ và oán giận, những cảm xúc này có thể giải phóng và giảm bớt căng thẳng.
- Cải thiện sức khỏe tinh thần: Sự tha thứ có liên quan đến sức khỏe tâm thần tốt hơn, bao gồm giảm các triệu chứng lo âu và trầm cảm.
- Khôi phục các mối quan hệ: Tha thứ có thể giúp xây dựng lại các mối quan hệ bị tổn hại, nuôi dưỡng niềm tin và sự hợp tác.
- Phát triển cá nhân: Tha thứ thúc đẩy sự phát triển cá nhân và sự tự nhận thức bằng cách học hỏi từ những kinh nghiệm trong quá khứ và trở thành một người có lòng nhân ái hơn.
Nhược điểm của việc không tha thứ:
- Gánh nặng cảm xúc: Giữ sự tức giận và oán giận có thể khiến bạn kiệt quệ về mặt cảm xúc và có những ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe tinh thần và thể chất.
- Mối quan hệ căng thẳng: Nó có thể dẫn đến tổn thương vĩnh viễn trong các mối quan hệ.
- Sự trì trệ: Không tha thứ có thể cản trở sự phát triển cá nhân bằng cách khiến bạn mắc kẹt trong quá khứ và ngăn cản bạn tiến về phía trước.

6, Buông bỏ những kỳ vọng
Cuối cùng, bạn cần rèn luyện để buông bỏ những kỳ vọng. Đây là một bước quan trọng để tha thứ mà không quên lãng. Nó giúp bạn quản lý cảm xúc của chính bạn và nuôi dưỡng các mối quan hệ lành mạnh, cân bằng hơn. Khi bạn giải phóng những kỳ vọng không sát thực tế, bạn sẽ giảm bớt sự oán giận và thất vọng khi người khác không đáp ứng được chúng.
Bước này khuyến khích bạn trở nên thực tế hơn. Bạn thừa nhận sự không hoàn hảo của cuộc sống. Ai cũng có thể mắc sai lầm, bao gồm cả chính bạn. Khi buông bỏ kỳ vọng, bạn cũng sẽ trở nên đồng cảm, và cởi mở hơn để hiểu quan điểm và những gì sẽ thúc đẩy người khác tới tình huống hiện tại. Khi buông bỏ những kỳ vọng, bạn lấy lại quyền kiểm soát cảm xúc và phản ứng của chính mình. Mặc dù bạn không thể kiểm soát hành vi của người khác nhưng bạn có quyền kiểm soát phản ứng của chính mình.
Về cơ bản, việc buông bỏ những kỳ vọng giúp bạn giải phóng bản thân khỏi gánh nặng cảm xúc. Bạn có thể duy trì tình cảm hạnh phúc và đạt được sự tha thứ bằng cách chấp nhận thực tế con người và sự việc xung quanh. Bạn không thể thay đổi thế gian, nhưng bạn thay đổi được chính mình. Bạn không thể thay đổi suy nghĩ và hành động của người khác, nhưng bạn lại có thể chọn lựa cách mình đón nhận một vấn đề.
Xem thêm: Buông bỏ để trở về với chính mình
Kết luận
Sẽ có rất nhiều khúc mắc, mâu thuẫn nảy sinh trong cuộc sống này khi bạn dần trưởng thành. Đôi khi, chúng chất đống, và lộn xộn đến mức bạn cảm thấy không khí xung quanh dường như cạn kiệt ô xi. Nhưng không phải vì thế mà bạn lựa chọn để bản thân bị nhấn chìm trong những oán giận, thù hận của cuộc đời. Hãy cứ chọn tha thứ, nhưng không quên lãng. Chọn kết thúc cho mỗi sự vật sự việc, cho những mỗi quan hệ của mình để thế giới xung quanh bạn được cân bằng, để bạn được tự do là chính mình, đồng cảm, thấu hiểu và kiên cường hơn với những bài học, trong cuộc đời đầy sóng gió.
Bất cứ khúc mắc nào làm phiền bạn, làm bạn mệt mỏi đau đớn, luôn có chúng tôi ở đây. Đừng ngại đặt câu hỏi hay chia sẻ tâm sự của chính bạn!
Chúng tôi chờ bạn!