khuvuonmolly@gmail.com
/
Địa chỉ :
Số điện thoại liên hệ:

Tại sao người thành công cũng mắc phải tâm lý tiêu cực

Author Avatar

Mie

author

Thành công luôn là cột mốc ai cũng muốn đạt được trong cuộc sống. Vậy bạn có bao giờ nghĩ người thành công cũng có những tâm lý tiêu cực riêng không?

Tại sao họ đã thành công nhưng vẫn có tâm lý tiêu cực?

1.Mặc định bản thân không xứng đáng

Nhiều người thành công hay cho rằng mình chưa đủ giỏi hoặc chưa xứng đáng với thành quả này. Nhất là với những người có nhiều thành công trong thời gian ngắn. Lý do bởi vì họ nghĩ mình thành công là do may mắn hay do có “quý nhân” phù trợ. Họ luôn nghĩ rằng nếu không có sự nâng đỡ từ gia đình, vận may nhất thời thì chắc họ sẽ thất bại.

Nguyên nhân của lối suy nghĩ này có thể bắt nguồn từ sự cầu toàn của chính họ. Họ cho rằng đó vẫn chưa phải là thành công. Họ có những tiêu chuẩn cao cho bản thân mình. Họ đánh giá mình qua những giá trị bên trong. Rất ít khi họ công nhận bản thân, kể cả khi người ngoài rất ngưỡng mộ họ. Họ luôn mong muốn sự chắc chắn. Và chỉ có sự thành công bằng thực lực mới làm họ cảm thấy thực sự an toàn. Chính vì quan niệm như vậy nên con người trở nên nghi ngờ chính mình. Họ càng lao đầu vào làm việc nhiều hơn và vẫn không chịu ghi nhận bất kỳ thành tựu nào của mình.

Vì sao thành công vẫn tiêu cực

Cách giải quyết: Trân trọng sự giúp đỡ của người khác và những may mắn đến với mình

Mỗi lần đạt được thành tựu nào đó dù lớn hay nhỏ, hãy dành thời gian để nhìn lại cả hành trình nhé. Chặng đường đến thành công chưa bao giờ là dễ dàng. Chúng luôn đòi hỏi ta phải cố gắng không ngừng nghỉ mỗi ngày. Sự giúp đỡ từ người khác hay sự may mắn không phải là điều gì đáng xấu hổ. Chúng ta đều xứng đáng được giúp đỡ và xứng đáng được nhận sự may mắn. Không có gió thì làm sao diều bay cao. Không có mưa rơi làm sao có nước cho muôn loài trong rừng. Vậy nên hãy đón nhận những gì tốt đẹp đến với mình một cách tự nhiên.

Bạn luôn có thời gian để trau dồi bản thân. Thay vì có những suy nghĩ tiêu cực về sự thành công của mình, hãy dành thời gian ấy để học tập thêm và phát triển. Nhưng cũng đừng ép bản thân phải hoàn hảo. Sự cầu toàn quá mức không mang lại điều gì tốt đẹp cả. Hãy luôn trân trọng sự giúp đỡ của người khác, và biết ơn sự may mắn đến với mình.

2. Nỗi sợ thất bại

Có một sự thật là chúng ta càng có nhiều thứ gì thì chúng ta lại càng sợ mất cái đó. Trẻ con thì hay sợ mất kẹo, người giàu thì hay sợ mất tiền. Còn người thành công thì sợ chỉ cần mình sai sót một chút là sẽ mất hết tất cả. Mặc dù họ thành công nhưng lúc nào cũng cảm thấy buồn phiền. Sự buồn phiền khi sợ hãi mất đi những thứ mình gây dựng nên. Điều đó vô hình tạo nên áp lực bắt họ lao vào guồng quay công việc.

Nguyên nhân của sợ hãi có thể do những tổn thương tâm lý trong quá khứ. Họ đã phải từng thành công, nhưng chỉ duy trì được trong thời gian ngắn, sau đó thất bại quá nhanh. Điều này làm họ cảm thấy lo sợ. Hoặc có thể là bởi vì lần đầu đứng trên đỉnh vinh quang, họ sợ có người đố kỵ và hãm hại họ. Họ mang tâm lý sợ trên cao thì té xuống sẽ rất đau, nên họ cứ mãi nghĩ đến nỗi đau đó. Họ sợ bị người khác chê cười khi mình từ đỉnh thành công rơi xuống. Đồng thời, những quan điểm sai lệch khác về sự thất bại cũng có thể khiến họ càng lo âu hơn.

Cách giải quyết: Thay đổi tư duy về sự thất bại

Cách giải quyết với những tiêu cực của sự thành công

Sự thất bại không định nghĩa con người bạn. Chỉ đơn giản là bạn đã làm việc, nỗ lực, thành công và thất bại. Đừng gán ghép cho nó bất kỳ ý nghĩa nào. Mọi thứ đều là tự nhiên của cuộc sống. Vạn vật bất định, không có gì là mãi mãi. Hãy tận hưởng nỗ lực của mình, đón chào sự thành công và chấp nhận những thất bại. Sự thay đổi của cuộc sống là điều tất yếu. Đừng cố gắng gán ghép hay định nghĩa bản thân. Việc cố định mình vào một chỗ sẽ chỉ mang lại bất hạnh khi có sự thay đổi xảy ra.

Cho dù người khác có cười nhạo bạn nếu chẳng may từ đỉnh cao bạn rơi xuống, thì cũng không sao cả. Nó không nói lên bạn là người thảm hại hay gì cả. Nó chỉ thể hiện tư duy của họ và con người thật của họ. Đừng để người khác làm bạn bị ảnh hưởng. Họ không là gì trong hành trình cuộc đời của bạn. Họ không mang đến vinh quang cho bạn, và cũng không làm giảm bớt bất kỳ khó khăn nào của bạn.

3. Nỗ lực thành công không phải vì bản thân mình

Sự thật là những người đạt thành tựu lớn đều có những phiên bản khác nhau. Và nguyên nhân họ muốn thành công cũng nhiều vô kể. 

Trong số đó, có những lý do không xuất phát từ mong muốn cá nhân mà từ xúc tác bên ngoài. Gia đình tạo áp lực muốn họ trở nên thành đạt “Con phải trở nên thật xuất sắc bố mẹ mới vui”. Hay do thấy bạn bè đã thành công nên cũng gò ép bản thân mình phải giống như vậy “Mình phải thành công trước 30 tuổi”. Hay thậm chí có người muốn thành đạt chỉ vì để trả thù người yêu cũ, sếp cũ,…

Nếu như thành công không xuất phát từ mục đích của cá nhân bạn thì cho dù có đạt được thì họ cũng khó có cảm giác hạnh phúc thực sự. Sự thành công đó chỉ là thứ để chứng minh hay khoe mẽ với người khác. Chứ không phải để hoàn thành ước mơ hay mục đích cuộc đời của họ.

Cách giải quyết: Xây dựng mục đích cuộc đời của mình

thành công cho ước mơ và hoài bão của riêng mình

Trước tiên bạn cần xác định mong muốn thật sự của mình là gì. Bạn có ước mơ gì, mục đích cuộc đời của bạn là gì? Những nỗ lực làm việc của bạn là để thực hiện được đam mê và hoài bão của mình. Bạn không nỗ lực kiếm tiền hay đạt được thành tựu nào đó để chứng tỏ bản thân hay là để trả thù. Cũng không nên thành công chỉ vì muốn hơn bạn bè.

Hãy nghiêm túc tìm hiểu ước mơ, đam mê của mình. Hãy tự hỏi bản thân thực sự bạn muốn gì, bạn muốn trở thành người như thế nào? Bạn muốn thành công trên phương diện nào? Nó sẽ giúp bạn hiểu rõ giá trị của chính mình. Sau đó bạn nghiên cứu những ưu nhược điểm để có cho mình lối đi phù hợp nhất. Chỉ có sống, làm việc và nỗ lực vì bản thân, bạn mới có được hạnh phúc. Bạn không cần bất kỳ thước đo nào trong cuộc đời.

4. Cảm giác cô đơn trên đỉnh vinh quang

Hầu như những người đạt thành tựu lớn đều cố gắng làm việc, nỗ lực không ngừng và chịu áp lực tốt hơn người khác. Đôi khi vì áp lực công việc nặng nề mà họ phải từ bỏ những cuộc đi chơi, những mối quan hệ bạn bè, xã hội. Hay thậm chí là xa cách gia đình của mình, hy sinh những sở thích cá nhân để tập trung mục tiêu trước mắt.

Vì vậy khi đã đạt được thứ mình mong muốn, họ lại mất đi những người bạn, người thân đã gắn bó với mình. Đó là cảm giác trống rỗng khi không còn ai ở bên cạnh. Hoặc nếu có cũng sẽ không được thân thiết như xưa. Họ cảm thấy sự thành đạt cũng không đổi lấy được những thứ tình cảm đơn giản như xưa nữa.

Hay có những người sau khi thành đạt xong lại trở nên cảm tính và đa nghi hơn. Bởi vì họ có tiền, có địa vị, quyền lực nên nó sợ người khác đến với họ không thật lòng. Họ sợ bị tiếp cận vì tiền, vì quyền lực hay bất kỳ thứ gì đó của họ. Họ sợ bị lừa dối, lợi dụng bởi chính người mình tin tưởng nhất. Chính điều đó cũng khiến họ càng bất an hơn. Và họ chọn không thân thiết với bất kỳ ai.

Cách giải quyết: Chấp nhận sự cô đơn và xây dựng lại các mối quan hệ bằng sự chân thành

Xây dựng mối quan hệ bằng sự chân thành

Sau cùng, có lẽ cảm giác cô đơn vẫn sẽ hiện hữu trong cuộc sống của bạn. Bạn không thể vứt bỏ hay ngó lơ nó. Mà hãy học cách chấp nhận. Hiểu rằng cô đơn cũng là một phần của những điều bạn đánh đổi. Và cô đơn cũng không quá đáng sợ.

Nếu bạn muốn hàn gắn lại mối quan hệ thân thiết với mọi người, hãy bắt đầu bằng việc quan tâm nhau, hỏi thăm nhau. Sự chân thành luôn có thể thay đổi mọi thứ tích cực hơn. Không dùng tiền hay quyền của mình để gắn kết quan hệ, vì nó chỉ mang tác dụng ngược lại. Hãy nhẹ nhàng, chầm chậm xây dựng lại mối quan hệ thân thiết với người thân. Thực chất chỉ cần bạn không cao ngạo, tách mình ra khỏi mọi người, thì người thân luôn chào đón bạn.

Bạn có thể xây dựng những mối quan hệ bạn bè mới. Đừng nghĩ rằng có tiền thì khó có bạn thực lòng. Sự chân thành luôn tạo được tình bạn tuyệt đẹp. Có rất nhiều người ngoài kia không bao giờ lợi dụng người khác hay tư lợi cá nhân. Hãy mở lòng để xây dựng tình bạn với họ. Nếu sự hoài nghi và bất an trong lòng quá lớn, hãy từ từ mở lòng. Bạn có thể mở lòng một chút, và trao đổi, liên lạc bạn bè xã giao. Trải qua thời gian hiểu nhau hơn, bạn lại mở lòng thêm chút nữa để tình bạn được gắn kết hơn.

5. Không cảm thấy hạnh phúc

Đã bao giờ bạn đạt được điều gì đó bạn từng rất mong ước, nhưng rồi lại cảm thấy mình không vui chưa? Tôi tin chắc là đã từng. Thực ra sự không hạnh phúc xuất phát từ nội tâm trống rỗng chứ không phải do thành công. Nói cách khác, bạn thấy chưa hạnh phúc là vì bạn thấy chưa đủ, chưa thỏa mãn. Bạn vẫn muốn mình thành công hơn nữa. Sự mong cầu quá nhiều đã lấn át cảm giác công nhận thành công của bản thân bạn.

Những người có đời sống tâm hồn trống rỗng thường dùng tiền để mua vui. Họ cố gắng làm việc để kiếm nhiều tiền và tiêu xài. Những món đồ đắt đỏ, những buổi mua sắm làm họ vui vẻ được trong giây lát. Căn nhà hay chiếc xe mới mua cũng không giúp họ duy trì hạnh phúc được bao lâu. Và rồi, họ lại lao đầu làm việc để kiếm tiền và dùng tiền để thỏa lấp chỗ trống trong tâm hồn mình. Những thú vui xa hoa hay những món đồ đắt tiền trở thành thứ mua vui giúp họ “hạnh phúc” trong tâm hồn.

Cách giải quyết: Xây dựng hạnh phúc từ bên trong

Hạnh phúc từ bên trong

Hãy cảm thấy biết đủ với những gì mình có. Bạn không cần phải thành công quá to lớn mới gọi là đủ. Bạn cần hạnh phúc với thực tại, trân trọng những gì tốt đẹp mà thành công đó mang lại. Lòng biết ơn luôn mang lại cho chúng ta những sự kỳ diệu. Với tinh thần biết đủ và biết ơn bạn sẽ tiến nhanh hơn và dễ dàng hơn về phía trước.

Thực tế những thứ bên ngoài không bao giờ lấp được những gì bên trong. Vật chất, tiền tài, quyền lực và danh vọng không bao giờ khỏa lấp được tâm hồn của bạn. Để có thể cảm thấy hạnh phúc thực sự, bạn cần có một tâm hồn trọn vẹn. Với một tâm hồn trọn vẹn, bạn luôn hạnh phúc với chính mình. Sự thành công bên ngoài như là một sự biểu hiện thăng hoa của tâm hồn bên trong.

Bạn có thể tham khảo một số phương pháp như:

  • Thiền định: giúp bạn thả lỏng tâm hồn, cho tâm trí được nghỉ ngơi.
  • Dành thời gian một mình để chiêm nghiệm về nội tâm của mình: giúp bạn hiểu hơn về mình và có thêm nhiều góc nhìn hơn trong cuộc sống.
  • Sống trong chánh niệm: giúp con người sống trong giây phút hiện tại một cách trọn vẹn. Không có tương lai hay quá khứ nào tác động. Cảm nhận từng chút một vẻ đẹp của cuộc sống.
  • Hòa mình với thiên nhiên: chữa lành tâm hồn bạn với những tổn thương tâm lý.
  • Xây dựng hạnh phúc tự thân.
  • Thực hành yêu bản thân.
  • Học cách buông bỏ

6. Tội lỗi trước thành công của mình

Những người này dễ cảm thấy bản thân mình được ưu ái, được hưởng may mắn hơn những gì họ nghĩ. Như được bạn bè giúp đỡ quá nhiều, được thầy cô tuyên dương tán thưởng. Tuy rằng đó là một dấu hiệu tốt nhưng họ lại thấy áy náy với những người chưa được như họ.

Họ thấy có chút khó xử khi thấy bạn bè tự ti trước thành công của mình. Hay những đối thủ cảm thấy buồn bã khi thất bại dưới tay mình. Đây cũng là một loại tâm lý tiêu cực xuất phát từ việc lo lắng cho cảm nhận của người khác. Và vô tình khi trở nên xuất sắc họ cũng sẽ nhận được nhiều kỳ vọng hơn từ xã hội. Những kỳ vọng đó vô hình sẽ trở thành gánh nặng tâm lý khiến họ thấy bối rối, mệt mỏi.

Cách giải quyết: Cho phép bản thân được tự hào

cho phép bản thân tự hào

Chẳng có gì xấu hổ khi chúng ta tự hào vì nỗ lực của bản thân cả. Những đêm thức khuya chạy deadline, những giờ làm việc căng thẳng hay những bữa ăn vội vàng. Đó đều là cố gắng của chúng ta. Sao chúng ta lại không dám thừa nhận chúng? Sao chúng ta lại nghĩ chúng không xứng đáng được công nhận?

Hãy để bản thân được cảm thấy tôn vinh sau mỗi thành quả hay nỗ lực. Cho bản thân cảm giác hạnh phúc vì sự chiến thắng, vì những vất vả mình trải qua đều được đền đáp. Tự hào về bản thân mình sẽ giúp bạn cảm thấy tự tin hơn gấp bội.

Bất kỳ ai đều có thời điểm của họ, hôm nay họ chưa thành công, ngày mai có thể họ sẽ thành công. Kết quả của họ không phải là trách nhiệm của bạn. Cảm giác tự ti, hay buồn bã của họ không xuất phát từ bạn. Nó xuất phát từ kỳ vọng và thất vọng của họ. Bạn không cần phải chịu trách nhiệm cho cảm xúc của bất kỳ ai. Ai cũng nỗ lực hết mình, và ai cũng cần đón nhận mọi kết quả đến. Đừng để những cảm giác tội lỗi khiến ta không dám công nhận chính mình.

Kết

Thành công không có nghĩa là một con đường trải đầy hoa hồng đỏ. Mà là cả một chặng đường dài với mênh mông khó khăn, thử thách. Vậy nên, đôi khi những tâm lý tiêu cực xuất hiện là điều không tránh khỏi. Việc chúng ta nên làm là yêu bản thân mình nhiều hơn và thay đổi những tư tưởng sai lệch. Những tư duy đúng đắn sẽ giúp giải quyết phần lớn khó khăn trong tâm trí của bạn.

Đăng ký Healing 1-1

Tâm sự, chia sẻ, và nhận những giải đáp để hỗ trợ bình yên trong tâm hồn, chữa lành những tổn thương và sống cho giây phút hiện tại.

Đăng ký ngay