khuvuonmolly@gmail.com
/
Địa chỉ :
Số điện thoại liên hệ:

Tâm lý ALL or NOTHING – Có tất cả hoặc Không có gì – Nhận biết, tác hại, cách khắc phục

Author Avatar

Gem

author

Tâm lý All or Nothing (Có tất cả hoặc không có gì) là một kiểu tâm lý tiêu cực hay được tìm thấy, nhưng lại khó để nhận ra. Nhiều người không thể nhận ra mình mang tâm lý tiêu cực này. Đến cả những người xung quanh họ cũng không cảm thấy họ có vấn đề. Đó là bởi vì nó quá phổ biến, đến nỗi mọi người cảm thấy nó là điều bình thường, và nên tồn tại.

tâm lý all or nothing

Tâm lý All or Nothing là gì?

Tâm lý All or Nothing (Có tất cả hoặc không có gì) là một dạng nhận thức méo mó phổ biến. Trong dạng nhận thức này, chủ thể sẽ chỉ nhìn thấy 2 thái cực duy nhất, không có gì ở giữa. Họ chỉ nhìn thấy hoặc trắng hoặc đen, không nhìn thấy màu xám; hoặc đúng hoặc sai, không có cái gọi là vừa đúng vừa sai; hoặc tốt hoặc xấu, không có vừa tốt vừa xấu.

Tâm lý All or Nothing là tâm lý cực đoan. Dạng thức tâm lý này góp phần làm nghiêm trọng thêm các vấn đề tâm lý khác như: trầm cảm, căng thẳng, rối loạn lo âu, tức giận, rối loạn ăn uống, rối loạn nhân cách…

Cần phải hiểu rằng những suy nghĩ sẽ luôn tác động đến cảm xúc, góc nhìn của chúng ta. Những lối suy nghĩ lệch lạc, méo mó sẽ tác động đến hành vi của chúng ta, từ đó tác động đến cuộc sống của chúng ta.

Ví dụ về cách nghĩ All or Nothing

Nhìn nhận về bản thân

  • Nếu không được nhận công việc này, mình chỉ là kẻ thất bại.
  • Cơ thể của mình không đẹp như cô ấy, mình thật xấu xí.
  • Lại làm mất tiền rồi, đời mình chỉ có nghèo mà thôi.
  • Tất cả là lỗi của mình, tất cả là do mình.

Cách hành xử

  • Dù gì mình cũng không thể làm hết đống việc này, thôi không làm luôn vậy.
  • Có học nữa cũng chẳng học hết bài trước khi thi được, không học nữa đâu.
  • Mình lỡ ăn một cái bánh, mình đã phá hủy toàn bộ công sức ăn kiêng của tuần qua. Mình không ăn kiêng nữa.

Kết luận tuyệt vọng

  • Cô ấy từ chối mình rồi, chẳng ai trên đời này yêu mình cả.
  • Chẳng ai chơi với mình cả, chẳng ai muốn làm bạn với mình cả.
  • Trời mưa rồi, cuộc đời mình chỉ toàn xui xẻo.
  • Cuộc sống của mình chỉ toàn chuyện buồn. Không điều gì là tốt đẹp cả.

Tạo mâu thuẫn mối quan hệ

  • Anh chẳng bao giờ quan tâm đến em.
  • Anh không làm việc này nghĩa là anh không yêu em.
  • Em luôn nổi nóng với anh.

Tâm lý All or Nothing tác động đến đời sống của bạn như nào?

Trong một vài trường hợp, tâm lý All or Nothing thúc đẩy bạn phải đạt được kết quả cao nhất và bạn đạt được. Đó là một dạng động lực để bạn vươn lên đỉnh cao, tuy nhiên không phải là động lực tích cực.

Trong tất cả các trường hợp còn lại, tâm lý All or Nothing tạo nên sự méo mó trong tâm hồn bạn. Nó dẫn dắt bạn đi đến bóng tối. Nó góp phần lớn vào sự đau khổ, tức giận, trầm cảm, tuyệt vọng, tự ti, rối loạn nhân cách, rối loạn cảm xúc, rối loạn ăn uống… Lối suy nghĩ All or Nothing trong nhiều trường hợp sẽ làm bạn mất động lực làm việc, học tập và mất niềm tin vào cuộc sống.

Nhận thức sai lầm về bản thân cũng được tích tụ dần và khiến bạn đánh mất lòng tự tôn. Bạn liên tục đánh giá bản thân là kẻ thất bại, không ra gì, chẳng làm nên trò trống gì, chỉ vì những khuyết điểm mà bất kỳ ai cũng có thể mắc phải. Sự tự tin của bạn sẽ dần biến mất. Lòng tự tôn thấp cũng sẽ dẫn đến những hệ lụy tai hại cho đời bạn, như: chọn người bạn đời kém chất lượng, chọn công việc không đảm bảo an toàn, luôn hạ thấp bản thân.

Mối quan hệ giữa bạn với chính mình trở nên tồi tệ, bạn không biết và cũng không thể yêu bản thân. Kéo theo đó là mối quan hệ giữa bạn với mọi người xung quanh cũng vô cùng tồi tệ.

Cách để giảm khuynh hướng tâm lý All or Nothing

1. Nhận thức được những suy nghĩ All or Nothing của mình

Để thay đổi bất kỳ điều gì, việc đầu tiên là phải nhận thức được thứ mình muốn thay đổi. Những suy nghĩ luôn chảy trong tâm trí mà không có sự quan sát và nhận thức của bạn là một điều đáng cảnh báo. Vì thế hãy ý thức chúng.

Những suy nghĩ All or Nothing thường đi kèm với các từ như “luôn luôn”, “không bao giờ”, “nếu không phải là A, thì không là gì cả”. Suy nghĩ All or Nothing là những suy nghĩ mang tính cực đoan – chỉ cần một điều gì đó tồi tệ nghĩa là tất cả đều tồi tệ.

Khi một suy nghĩ xuất hiện, hãy ý thức rằng “có một suy nghĩ đang xuất hiện”. Sau đó hãy hỏi chính mình “đó có phải là một ý nghĩ All or Nothing?”. Dần dần bạn sẽ nhận ra được nhiều suy nghĩ All or Nothing trong tâm thức mình hơn. Bạn sẽ bắt đầu nhìn thấy rõ mô thức suy nghĩ cực đoan 2 chiều của mình.

Xem thêm: 5 phương pháp giúp bạn cải thiện khả năng tự nhận thức

2. Chấp nhận “màu xám”

Hầu hết bất hạnh của đời người đến từ việc không chịu chấp nhận một vài hoặc nhiều điều gì đó. Những người mang tâm lý All or Nothing trải qua bất hạnh là vì không chấp nhận nổi “màu xám”. Hay nói cách khác là họ không chấp nhận được thứ gì ở giữa, mang màu sắc của cả 2 thái cực.

Thực tế bất kỳ điều gì trong cuộc sống đều có tính nhị nguyên, mang 2 thái cực khác nhau, và đồng thời có thể mang cả 2 tính chất ấy cùng một lúc. Trời có khi sáng khi tối, cũng có cả bình minh, hoàng hôn, khi lại âm u. Giữa 0 và 10 vẫn có 1,2,3,4,5,6,7,8,9. Khi bạn chưa có 1 tỷ trong tay thì cũng không có nghĩa là bạn đang có 0đ, bạn vẫn có thể có 10tr, 100tr, hoặc một con số bất kỳ.

Một người sẽ không bao giờ chỉ có xấu hoặc chỉ có tốt, họ hoàn toàn có thể vừa xấu vừa tốt. Họ có thể tốt bụng với bạn đôi lúc, và không muốn giúp đỡ bạn đôi lúc. Và điều đó rất chi bình thường, bạn nên nhìn nhận thực tế, không nên kết luận họ là hoàn toàn tốt hay hoàn toàn xấu.

Luôn có mức khá, chấp nhận được, ổn cho tất cả mọi việc bạn làm. Điều đó hoàn toàn bình thường, và chả có vấn đề gì cả. Không nhất thiết mọi thứ phải hoặc trắng hoặc đen. Màu xám vẫn là một màu sắc, và chả có vấn đề gì với màu xám cả. Hãy tập chấp nhận sự hiện diện của màu xám. Hãy tập chấp nhận sự hiện diện của sự pha trộn 2 thái cực.

3. Chấp nhận sự không hoàn hảo

Không gì là hoàn hảo trên đời này cả. Mọi thứ đều có ý nghĩa và giá trị riêng của mình. Kể cả thứ bạn cho là hoàn hảo thực chất cũng không có nhiều ý nghĩa hay giá trị hơn những thứ khác. Mỗi người là mỗi khác. Mỗi người mang mỗi giá trị riêng biệt, điểm mạnh và điểm yếu khác nhau. Ngừng so sánh mình với người khác. Tập trung vào phát triển thế mạnh của mình và hạn chế tác động của điểm yếu.

Mỗi hành trình lại có ý nghĩa khác nhau đối với cuộc đời bạn. Không gì là tốt nhất, và bạn cũng không bao giờ biết được điều gì thực sự là tốt nhất. Mỗi hành trình đều có ý nghĩa riêng và quan trọng đối với sự trưởng thành, chữa lành và khám phá bản thân của bạn.

Mọi bậc thầy đều bắt đầu từ con số 0, và trải qua rất nhiều con số khác. Nếu không bắt đầu, nếu không học tập, làm việc trên từng bước đường, thì làm sao có thể đi đến đỉnh cao. Không ai bay từ 0 đến 1000000000000000 cả.

Không sự thiếu sót nào hoàn toàn là điểm chết, không sự thành công nào hoàn toàn là tốt lành. Thành bại không thể nói trong một lời.

Hãy nhìn nhận vào thực tế của tự nhiên và thiên nhiên. Rốt cuộc hoàn hảo là như nào? Rốt cuộc có cái gọi là hoàn hảo theo định nghĩa của bạn không?

3. Biết ơn và công nhận

Cho dù thứ bạn có được chưa như mong đợi, cũng hãy biết ơn. Bạn không cần phải ăn no mới biết ơn thức ăn. Dù chỉ lưng chừng bụng, cũng hãy biết ơn số thức ăn ấy. Hãy học biết ơn mọi điều, dù chưa đủ nhiều. Biết ơn từng số tiền bạn kiếm được, dù là nhỏ nhất. Biết ơn từng chút lòng tốt và sự giúp đỡ của người khác, dù chưa đủ để kéo bạn ra khỏi vấn đề của bản thân. Biết ơn sự yêu thương của đối phương, dù nó không kéo dài vĩnh viễn. Biết ơn từng sự nỗ lực của bản thân. Biết ơn khó khăn hôm nay đã mang đến cho bạn những bài học ý nghĩa. Biết ơn thành công ngày hôm nay đã làm bạn rạng danh. Biết ơn từng điều nhỏ bé tuyệt vời đã đến với mình trong ngày hôm nay.

Cho dù thứ bạn có được là gì, cũng hãy công nhận nó. Công nhận những thành tựu của bản thân, dù là nhỏ nhất. Công nhận những điểm mạnh của mình, dù bạn chưa biết sử dụng thế mạnh đó vào đâu. Công nhận từng cái đẹp trên người mình. Công nhận những đóng góp của bản thân vào hành trình phát triển và chữa lành. Công nhận sự góp sức của mình để giúp đỡ người khác, dù sự góp sức ấy là nhỏ bé.

4. Thực hành thay đổi góc nhìn

Sau tất cả những nhận thức mới ở trên, bạn cần thực hành. Khi nhìn vào bất kỳ điều gì, hãy thực hành tìm ra màu xám, tìm ra sự giao thoa, và giá trị của sự giao thoa ấy. Bắt đầu công nhận và biết ơn mỗi khi có thể. Hoặc bạn có thể dành ra 30p mỗi ngày để suy nghĩ và viết ra những điều mình biết ơn và công nhận. Nhìn vào những điều chưa hoàn hảo, và đánh giá khách quan về giá trị của nó. Nhìn nhận vào thực tiễn: có này có kia. Đánh giá khách quan về bản thân.

Việc thực hành cần lặp đi lặp lại mỗi ngày trong nhiều tuần, nhiều tháng, để thói quen suy nghĩ cũ tan biến dần, và hình thành lối suy nghĩ mới.

5. Đồng hành cùng Healer

Một người đồng hành sẽ giúp hành trình xóa bỏ tâm lý All or Nothing dễ dàng hơn. Người đồng hành sẽ giúp bạn nhận ra những suy nghĩ All or Nothing của bạn. Và cũng sẽ giúp bạn dịch chuyển lối suy nghĩ ngay tức thời. Việc này có lợi rất lớn, giúp bạn luôn tỉnh táo và nhận thức rõ ràng về bản thân mình, tránh xa vào cạm bẫy méo mó của tâm lý All or Nothing. Từ đó rút ngắn thời gian thay đổi tâm lý của bạn, giúp bạn nhanh chóng hòa nhập lại với cuộc sống bình thường.

Đăng ký Healing 1-1 cùng Healer của Khu vườn Molly.

Đăng ký Healing 1-1

Tâm sự, chia sẻ, và nhận những giải đáp để hỗ trợ bình yên trong tâm hồn, chữa lành những tổn thương và sống cho giây phút hiện tại.

Đăng ký ngay