Tâm lý càng thiếu thốn càng tham lam – Mô thức tâm lý phá hủy các mối quan hệ
Gem
author
Vì sao nhiều người có sự khao khát quá mức đến thứ gì đó? Họ trông bề ngoài cũng như bạn, nhưng lại có mưu cầu quá lớn đến một thứ gì đó, khiến bạn không thể hiểu nổi. Họ quá khao khát tình yêu, sự công nhận, quyền lực, hoặc tiền bạc. Bạn không nhìn thấy điểm cân bằng nào mong muốn của họ. Hoặc có thể bạn tự nhìn thấy bản thân mình trong chính trường hợp này. Nhìn chung những người này mang trong mình tâm lý càng thiếu càng tham.
Nguyên nhân chính đến từ những sự thiếu thốn của họ vào thời điểm thơ ấu. Người từng bị bỏ rơi thì mang tính chiếm hữu cao. Người từng thiếu thốn vật chất, lại quá thèm khát tiền bạc. Người từng không được bảo vệ, thì vô cùng đam mê quyền lực.
Biểu hiện của tâm lý càng thiếu càng tham
1. Biểu hiện trong tâm trí
Thường hay nghĩ đến những hoàn cảnh mà ở đó bản thân có sức mạnh, có quyền lực, có tiền bạc. Mọi người đều lắng nghe, tôn thờ bạn, sợ bạn nổi giận. Bạn yêu thích cái tưởng tượng mà bạn nổi giận thì ai nấy cũng khiếp sợ. Lời bạn nói ra như là chân lý, ai nấy cũng răm rắp nghe theo. Nhiều kẻ đến lạy lục, van xin bạn giúp đỡ, hoặc xin lỗi bạn.
Hoặc bạn ảo tưởng rằng mình được yêu thương thái quá. Bạn chẳng nói gì mà người kia cũng hiểu toàn bộ nỗi đau của bạn.
Trong hình dung ấy, bạn làm quá những nỗi đau của mình, biến mình trở thành kẻ vô cùng đặc biệt bằng những tổn thương, nỗi khổ, lời khó nói. Bạn vẽ ra một bức tranh bản thân ở tận cùng đau khổ, nhưng có người thấu hiểu sự đau khổ đó, nâng niu và xem trọng bạn. Những người xung quanh phải hối hận vì đã không thấu hiểu cho bạn.
Mọi người, bất kể là ai, đều công nhận bạn, ngưỡng mộ bạn, và xấu hổ vì đã không làm điều đó sớm hơn.
Bạn nghĩ về một thành công không tưởng, bạn đứng trên tất cả, bạn là đặc biệt nhất, là chân mệnh thiên tử, là cái rốn của vũ trụ, là đặc ân cho những ai được bạn gặp gỡ, nói chuyện và tạo mối quan hệ.
Bạn cảm thấy thỏa mãn trong tất cả ảo tưởng đó.
2. Biểu hiện bên ngoài
Biểu hiện bên ngoài của chính bạn, bạn sẽ rất khó nhận ra, nhưng bạn lại có thể dễ dàng nhận ra điều đó ở người khác.
Họ có những nhu cầu vượt quá mức bạn cảm thấy là bình thường và nên đối với họ.
-
Thiếu tình yêu, tham tình yêu
Họ đặt nặng vấn đề tình cảm. Họ lụy tình, cả tình bạn và tình yêu. Họ dễ đau khổ vì tình. Họ rất nhạy cảm và thường hay nghĩ rằng bản thân đang không được yêu thương. Họ thường hay chú ý xem người khác có yêu thích mình không. Họ không có cái nhìn khách quan rằng tình cảm là một phần của cuộc sống. Họ rơi vào bế tắc nếu họ cảm thấy bạn bè, người yêu không còn muốn mình nữa. Họ bị động trong mọi mối quan hệ. Mối quan hệ được thiết lập và kết thúc bởi người còn lại.
Dù nhận được bao nhiêu yêu thương cũng không đủ với họ. Họ muốn đối phương dành toàn bộ thời gian cho mình, kể cả là không làm việc để ở bên họ. Một cách vô thức họ có tính kiểm soát đến cực đoan. Họ ghen tuông lồng lộn với tất cả mối quan hệ phổ thông, gia đình, bạn bè của người kia. Dù rất được nuông chiều, rất được quan tâm, chăm sóc họ vẫn cảm thấy không đủ. Họ vẫn đòi hỏi nhiều hơn, với lý do “như thế mới là yêu”.
Một số người thèm khát tình yêu đến mức sẵn sàng bán rẻ bản thân mình, chà đạp lòng tự tôn để van xin tình yêu của người khác. Họ không phân biệt được đâu là đúng sai, tốt xấu, chỉ cần đó là một chút quan tâm bố thí, họ cũng mãn nguyện.
Hơn hết, họ cảm thấy mình sẽ chết nếu không có tình yêu.
-
Thiếu tiền, tham tài
Một người không có cảm giác thiếu thốn vật chất luôn có cái nhìn thoải mái về tiền. Ngược lại người có cảm giác thiếu thốn tiền bạc ở sâu bên trong luôn có cái nhìn cực đoan về tiền. Hoặc là họ thể hiện bản thân rất cần tiền, hoặc là họ thể hiện sự chán ghét với tiền. Nhưng nhìn sâu bên trong, họ đều rất thèm khát tiền.
Họ thường hay chi tiền mua những thứ vượt quá hoàn cảnh của mình. Những gì mang tiêu chuẩn trung bình hoặc khá đều không vừa ý họ, họ muốn bản thân phải mua được thứ đắt nhất: chiếc xe đắt nhất, chiếc máy tính đắt nhất, tổ chức hôn lễ xa xỉ, đồ hiệu, thức ăn đắt tiền… Hoặc ít nhất thì những gì họ có phải hơn bạn bè của mình, dù họ và bạn bè có cùng một mức thu nhập, cùng hoàn cảnh gia đình.
Họ đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài: nhà, xe, thu nhập… Họ mong muốn người yêu, người bạn đời của mình phải có một mức thu nhập, tài sản cao hơn họ một cách thái quá.
Họ gắn giá trị của mình với những thứ vật chất xa xỉ mà họ có được, hoặc với người tình giàu có của họ. Họ có xu hướng xem thường người khác, họ ghét những người nghèo.
Một số vô cùng nhạy cảm và sẽ nổi sừng lên nếu ai đó nói về giá trị vật chất thực của họ. Họ ghét cảm giác những người xung quanh có nhiều tiền hơn mình. Vì thế họ luôn tìm cách dìm những người có giá trị vật chất hơn mình, kể cả là người yêu, người bạn đời của mình.
-
Thiếu công nhận, tham công danh
Một người từ bé đã không được công nhận, thường hay bị chỉ trích, sỉ nhục, xem thường, sẽ tham lam sự tán thưởng đến mức tự kiêu. Họ luôn sẵn sàng cố gắng quá sức, bán mạng của mình để làm việc, để mong có được sự công nhận. Họ tuân thủ tất cả luật lệ, tiêu chuẩn do người khác, tổ chức đặt ra để được tuyên dương.
Nếu họ đã có được một chút địa vị, họ yêu cầu tất cả mọi người phải tán thưởng họ. Họ liên tục khoe khoang và bắt người khác phải công nhận. Họ tự cảm thấy mình là chân lý, mọi lời nói ra đều là đạo lý của đời. Một lời tán dương đơn giản là không đủ với họ, họ mong cầu nhiều hơn và nhiều hơn nữa.
Họ tôn thờ chính mình, tự kiêu, tự mãn. Họ thích được nịnh bợ, tâng bốc. Một số thể hiện sự xem thường với những người chưa đạt thành tựu gì trong đời. Một số khác thích cảm giác mình như vĩ nhân, giúp đỡ người khác, nhưng phải đổi lại được lời khen, lời cảm ơn, nếu không họ sẽ trách móc người khác kia là kẻ vô ơn.
-
Thiếu quan tâm, tham sự chú ý
Một người lúc bé bị bỏ mặc cảm xúc, có thể có xu hướng làm quá cảm xúc của mình lên. Họ tức giận khi người khác không hiểu cảm xúc của họ. Họ cố gắng giải thích mọi lúc mọi nơi để người khác hiểu cảm xúc của mình. Họ cảm thấy giá trị của mình gắn liền với mức độ cảm xúc của họ được quan tâm. Vì thế mà họ luôn tìm kiếm người lắng nghe họ giãi bày về cảm xúc cá nhân của mình.
Họ luôn cảm thấy cảm xúc của họ là một thứ vô cùng quan trọng. Họ không thể chấp nhận nổi nếu người khác không hiểu cảm xúc của họ. Họ dễ dàng cảm thấy không được tôn trọng, bị xem thường nếu cảm xúc của mình không được ai chú ý đến.
Kể cả khi không có gì, họ cũng có thể giả vờ đau đớn, đau khổ để được quan tâm. Họ thích than vãn để người khác chú ý. Họ cũng thích khoe khoang để được người khác quan tâm, hỏi han.
Nhìn chung, họ dường như không thể ở một mình. Họ luôn muốn có người vây quanh. Thường hay nói về quan điểm cá nhân một cách nhấn mạnh. Lúc họ vui vẻ, hạnh phúc nhất chính là lúc họ đang là trung tâm của nhóm, đám đông.
Tác hại của tâm lý càng thiếu càng tham
Những hình thái tâm lý này không gây ra tác hại đáng kể nào cho con người ngoại trừ phá hủy các mối quan hệ vốn có. Người mang tâm lý này có xu hướng hành xử thái quá, cực đoan theo một hướng. Điều này gây ra sự khó chịu cho những người xung quanh.
Con người ai cũng có xu hướng tìm kiếm sự cân bằng trong cuộc sống. Kể cả mối quan hệ xung quanh, họ luôn cố tìm kiếm những người có sự cân bằng, ổn định trong tinh thần để làm bạn. Điều này giúp mối quan hệ của họ cân bằng, không gây nhiều phiền nhiễu đến họ. Không ai đi xây dựng tình bạn để tìm kiếm phiền toái. Ai nấy cũng tìm tình bạn để cuộc sống có thêm sắc màu, thêm sự chia sẻ và quan tâm.
Vậy nên nếu bạn có mô thức tâm lý càng thiếu càng tham, bạn trở thành người gây rối, khiến bạn bè, người yêu, đồng nghiệp khó chịu. Chính điều này đẩy họ ra bạn. Có lẽ bạn luôn không hiểu “vì sao không ai muốn làm thân với mình”. Là vì sự cực đoan, thái quá một chiều của bạn. Là chính bạn tự đẩy họ ra khỏi mình.
Bạn quá tham lam tình yêu, khiến người tình mệt mỏi. Bạn quá chú trọng tiền bạc làm bạn bè cảm thấy bạn vật chất. Bạn quá tham lam sự quan tâm, chú ý khiến gia đình chán ngán. Bạn quan trọng hóa cảm xúc của mình khiến mọi người chỉ muốn né xa bạn. Hãy nhớ một điều, không ai có nghĩa vụ phải đáp ứng bạn. Mọi thứ đều là trao đổi cân bằng.
Làm sao để thoát khỏi tâm lý càng thiếu càng tham?
Câu trả lời vô cùng đơn giản, tự bù đắp cho những gì mình đã thiếu vào đúng thời điểm đã thiếu. Không tìm kiếm bất kỳ ai ngoài kia, hay bất kỳ thứ gì ngoài kia để bù đắp cho thứ bạn đã thiếu. Những gì của hiện tại không bù đắp nổi cho tuổi thơ của bạn, bởi đó là 2 khoảng thời gian hoàn toàn khác nhau, mãi mãi không bao giờ trùng khớp.
1. Chữa lành đứa trẻ bên trong
Bạn cần tua ngược thời gian, đưa bản thân trở về thời gian mà bạn thiếu thốn ấy. Khi ấy bạn thiếu gì, hãy cho bản thân mình thứ ấy. Bạn đã lớn rồi và đã đủ khả năng để trao cho phiên bản tuổi thơ của bạn những thứ mà nó cần.
-
Thiếu tình, trao yêu thương
Nếu đứa trẻ đã thiếu tình yêu, hãy ôm lấy nó, yêu thương nó, trò chuyện và dành thời gian bầu bạn cùng nó. Trong hoàn bất kỳ hoàn cảnh nào mà nó đã rất cần người lớn quan tâm và yêu thương, hãy là một người lớn hoàn hảo, quan tâm và yêu thương nó. Đồng hành cùng nó, luôn yêu thương nó trong suốt quá trình nó trưởng thành. Để nó cảm nhận được tình yêu của bạn, dù khó khăn như nào bạn cũng không buông tay nó.
-
Thiếu tiền, trao nuôi dưỡng vật chất
Nếu đứa trẻ đã sống trong sự thiếu thốn vật chất, hãy trở lại và trao cho nó những vật chất cơ bản đủ để có thể trưởng thành bình thường. Bạn có thể mua cho đứa trẻ đủ đồ ăn để không bao giờ bị đói. Mua cho đứa trẻ đủ quần áo để mặc, mà không cần phải cố gắng mặc lại những bộ đồ rách cũ. Mua cho nó vài món đồ chơi mà nó đã luôn ao ước có được. Mọi thứ chỉ nên dừng lại ở mức vừa đủ. Đủ ăn, đủ mặc, đủ niềm vui.
-
Thiếu công nhận, trao công nhận
Nếu đứa trẻ đã phải chịu đựng sỉ nhục từ cha mẹ, thầy cô, bạn bè, hãy trở về thời điểm ấy và thay đổi tất cả. Bạn sẽ thay thế họ và trở thành cha mẹ, thầy cô và bạn bè của đứa bé ấy. Hãy thay đổi mọi thứ như cách bạn muốn. Bạn an ủi đứa trẻ về những gì đã xảy ra. Bạn khen ngợi những gì nó đã làm. Bạn động viên nó và tin rằng lần sau nó sẽ làm tốt hơn. Bạn vui vẻ cùng với nó vượt qua những vấn đề xảy ra trong cuộc đời của nó.
-
Thiếu quan tâm, trao chăm sóc
Nếu đứa trẻ đã bị bỏ mặc, không được quan tâm, bị thờ ơ cảm xúc, hãy xuất hiện và quan tâm nó. Hỏi han về cảm xúc của nó, thấu hiểu cảm xúc của nó. Quan tâm, chăm sóc, nấu ăn, dọn dẹp giúp đứa bé. Dạy nó một cách tử tế và thông minh về ý nghĩa của cảm xúc, cách đối mặt với cảm xúc, cách xử lý cảm xúc. Dạy đứa trẻ cách tự chăm sóc chính mình. Dạy đứa trẻ nấu ăn và dọn dẹp. Dạy nó học tập, nhìn về tương lai, xây dựng tinh thần khỏe mạnh.
Xem thêm: Đứa trẻ bên trong là gì? Tại sao bị tổn thương? Cách để chữa lành Đứa trẻ bên trong
2. Dạy lại cho bản thân tư duy đúng đắn
Sau khi đã chữa lành cho đứa trẻ bên trong, việc tiếp theo cần làm là dạy lại cho chính mình về những cách suy nghĩ đúng đắn. Một lối tư duy đúng đắn sẽ giúp bạn tránh được rất nhiều vấn đề, hay nói cách khác là hạn chế tự tạo ra vấn đề cho bản thân.
-
Tìm kiếm sự cân bằng
Cái gì quá cũng là không tốt. Mọi thứ đều cần có sự cân bằng. Mọi thứ đưa vào cơ thể hay tâm trí đều cần đủ, không nên dư thừa. Giống như việc ăn uống, nếu ăn uống quá nhiều sẽ gây ra các rối loạn về thể chất. Sự cân bằng giúp cho cuộc sống của chúng ta ổn định, không thiên lệch, không phiến diện, không mất kiểm soát.
Con người luôn hướng đến sự cân bằng trong tổng thể cuộc sống. Có thời gian cho công việc và gia đình. Có thời gian cho sở thích và nghỉ ngơi. Cân bằng các mối quan hệ sao cho phù hợp. Tình yêu, tình thân, tình cảm gia đình, tình bạn, và các mối quan hệ xã giao đều cần được sắp xếp một cách hợp lý. Cảm xúc được lắng nghe và lý trí cũng được thấu hiểu.
Sẽ có những lúc một vài thứ được ưu tiên nhiều hơn, một vài thứ được hạ ưu tiên xuống. Nhưng không có bất kỳ thứ gì chiếm trọn cuộc đời của bạn. Không phải tình, tiền, công danh, cảm xúc, hay bất kỳ thứ gì khác. Chúng ta đều sống nhờ không khí, thức ăn, nước uống, được sinh ra bởi cha mẹ, có những mối quan hệ khác nhau trong suốt quá trình ta lớn lên và già đi, có học tập, sự nghiệp và ước mơ. Hãy để mọi thứ giữ đúng vai trò của nó, không hơn không kém.
-
Không ai có trách nhiệm với bạn, ngoại trừ bạn
Cuộc đời bạn luôn thuộc về trách nhiệm của bạn. Không có một ai khác để bạn đổ lỗi hay làm loạn. Không ai có nghĩa vụ và trách nhiệm phải yêu bạn hơn cả mạng sống, phải cung cấp cho bạn tất cả những gì bạn đòi hỏi. Không ai nợ bạn thứ gì cả, cũng không ai có trách nhiệm phải bù đắp cho bạn. Ngươi duy nhất có trách nhiệm phải chữa lành cho bạn chính là bạn. Chỉ có bản thân bạn mới có thể kéo chính mình ra khỏi địa ngục của mình.
Bạn có trách nhiệm yêu và thương chính mình. Bạn phải tôn trọng và công nhận thành tựu của mình. Bạn cần an ủi và động viên mình khi khó khăn. Cũng là bạn phải cảm thấy bản thân đã đủ đầy và làm việc để đưa mình tiến về phía trước. Bạn không phán xét hay đánh giá bản thân mình. Không ép buộc chính mình vào những tiêu chuẩn quá đáng. Phải biết đủ, biết buông tha cho bản thân, biết rằng sự bình yên là quan trọng nhất.
-
Những gì người khác làm cho bạn vốn dĩ đã đúng và đủ
Lời khen của họ dù ngắn hay dài cũng là đủ. Dù họ có công nhận bạn hay không thì họ vẫn đúng. Họ có thể dành cho bạn bao nhiêu thời gian thì đều nên cảm kích, bạn không nên bực tức hay đòi hỏi thêm. Yêu bạn hay không là chuyện của họ. Tình cảm của họ, họ muốn trao cho ai là quyền của họ. Họ chỉ xem bạn là bạn bè cũng là việc đúng và đủ. Họ cần có người mới đồng hành trong hành trình tiếp theo của cuộc đời cũng là đúng. Họ chỉ yêu bạn 5 ngày, 5 tháng, 5 năm, hoặc 50 năm, cũng là đủ.
Họ chỉ cho bạn một miếng táo, thay vì một quả táo như bạn mong muốn, cũng là đủ. Họ chỉ có thể chu cấp cho bạn đến khi bạn học xong 12, vốn đã là đủ. Họ chỉ có thể mỗi tuần nấu cho bạn vài bữa ăn cũng là đủ.
Ai nấy cũng có cuộc sống của mình. Họ sống và vật lộn với đống suy tư trong tâm trí của mình. Họ lao lực với đời, với người. Nhưng họ vẫn luôn cố tỉnh táo để giữ cho bản thân sự cân bằng. Những gì họ có thể trao cho bạn đều là những gì đúng và đủ đối với họ. Mọi mong cầu nhiều hơn một cách quá đáng của bạn chỉ đẩy họ vào vực sâu. Để tự cứu lấy mình, họ sẽ chọn rời bỏ bạn.
-
Bạn vốn đã có đủ mọi thứ, nếu bạn muốn, bạn luôn có thể có hơn trong sự bình yên và biết đủ
Khi bạn đã trao cho phiên bản thơ ấu của mình những gì nó đã thiếu, giờ đây nó đã là một con người đầy đủ. Nó lớn lên và có đủ tình yêu, sự công nhận, vật chất, thức ăn, sự quan tâm… Một khi trong tâm bạn cảm thấy đủ, bạn sẽ thoát khỏi trạng thái tâm lý càng thiếu càng tham. Nhưng nếu bạn muốn có nhiều hơn, bạn vẫn xứng đáng có nhiều hơn.
Bạn có thể lựa chọn công việc mang lại thu nhập tốt hơn, mua sắm những món đồ mình thích. Bạn vẫn có những tiêu chí về bạn đời của mình. Bạn có ước mơ và nỗ lực hoàn thiện. Bạn có mục tiêu để thực hiện. Bạn xây dựng các mối quan hệ lành mạnh, tình yêu, mở rộng vòng bạn bè, có thêm những đồng nghiệp dễ thương, tạo dựng gia đình ấm êm của riêng mình. Bạn có thể có thêm bất kỳ thứ gì mình muốn. Điều quan trọng là bạn không tham lam, không bắt ép người khác phải làm điều đó cho mình.
3. Tìm đến hỗ trợ của chuyên gia
Khu vườn Molly luôn sẵn sàng đồng hành cùng bạn trên hành trình tự chữa lành để mang bạn trở về với bình yên. Bạn có thể đăng ký Healing 1-1 của Vườn ở link này. Hoặc bạn có thể tìm đến bất kỳ trung tâm tham vấn tâm lý nào để được hỗ trợ tốt nhất.
4. Buông bỏ cảm xúc gắn liền với sự thiếu thốn của tuổi thơ
Sự thiếu thốn của đứa trẻ tuổi thơ chắc chắn đi kèm với nhiều cảm xúc khác nhau như tức giận, tự ái, tự ti, đau khổ, oán giận, thù hận… Những cảm xúc này đan xen nhau và tìm cách lặp lại trong suốt quá trình lớn lên và già đi của một người. Khi không có được sự công nhận như ý muốn bạn tức giận. Khi bị ai đó chạm đến sự nhạy cảm về giá trị vật chất thực sự của bạn, bạn tự ái. Khi bắt đầu thích một ai đó, bạn cảm thấy tự ti. Những cảm xúc gắn liền với những thiếu hụt thuở nhỏ vẫn luôn gắn liền như thế.
Việc buông bỏ những cảm xúc này sẽ giúp cho tâm lý càng thiếu càng tham của bạn vơi đi đáng kể, bởi sau cùng thứ điều khiển con người là cảm xúc của quá khứ, chứ không phải là quá khứ. Tâm trí con người ghi nhớ cảm xúc, và từ cảm xúc vẽ lại sự kiện. Sự kiện được vẽ lại hầu hết là sai, nhưng cảm xúc đã ghi ấn như nào thì mãi là như thế. Buông bỏ những cảm xúc bị giam giữ bên trong là cách tốt nhất để giải phóng tâm hồn bạn.
Đọc kỹ hơn về cách buông bỏ cảm xúc ở đây: Cơ chế buông bỏ – Kho cảm xúc nội tâm tác động làm tổn thương chúng ta như thế nào? Làm sao để buông bỏ kho cảm xúc ấy?
Kết
Bằng tất cả những điều này, tinh thần của bạn trở nên dịu dàng hơn rất nhiều. Trong bạn là sự nhẹ nhàng, tươi mới, hồn nhiên, dịu dàng. Bạn luôn cảm thấy dễ chịu và thoải mái từ tận sâu bên trong tâm hồn mình. Bạn cho mọi người xung quanh một cảm giác vô cùng dễ chịu. Những mối quan hệ xung quanh không cần bạn cố gắng cũng tự hình thành, và gắn kết bền chặt.
Tâm lý càng thiếu càng tham là một dạng tâm lý khá phổ biến, thể hiện ở các mức độ nặng nhẹ khác nhau. Bất kỳ ai cũng có thể tự chữa lành và phục hồi cho bản thân khỏi trạng thái tâm lý này. Từ đó mang lại cho mình một cuộc sống cân bằng, nhẹ nhàng và hòa hợp trong các mối quan hệ.