khuvuonmolly@gmail.com
/
Địa chỉ :
Số điện thoại liên hệ:

Trò chuyện cùng Đứa trẻ bên trong để chữa lành

Author Avatar

Phương Dung

author

Những đoạn hội thoại cơ bản mà ai cũng có thể làm được với Đứa trẻ bên trong/ Thay đổi nhận thức bằng cách thay đổi nói chuyện với bản thân hàng ngày

Lời nói rất quan trọng. Lời nói phản chiếu tâm hồn của bạn. Lời nói có một sức mạnh rất to lớn. Từ bé tới lúc lớn, cũng vì lời nói mà những Đứa trẻ bên trong bị tổn thương “Sao mày mập thế?” “Mày ngu quá” “Mày chẳng làm gì ra hồn cả”. Những lời nói tưởng như vô tình, là những cuộc hội thoại thường ngày ở trong cuộc sống nhưng lại gây ra sự tự ti của một thế hệ, một xã hội thiếu tình yêu thương và đồng cảm. Nhưng may thay, cũng bởi lời nói, những tổn thương đó có thể chữa lành. Những cuộc trò chuyện với Đứa trẻ bên trong sẽ giúp bạn chữa lành.

Chúng ta luôn mải tìm kiếm mảnh ghép còn lại, một hình ảnh, mẫu hình về người yêu lý tưởng – người mà sẽ yêu thương, động viên, vỗ về chúng ta bằng những lời ngọt ngào. Nhưng chúng ta không nhận ra rằng, thực ra cái chúng ta cần chưa chắc là một người – mà thực chất là sự động viên, tình yêu thương, những lời nói tốt đẹp mà ta chưa bao giờ được nghe từ người khác. Và chúng ta cũng không nhận ra rằng: Chính bản thân chúng ta phải làm điều đó cho chính mình, chứ không phải một ai khác.

Vì vậy, bên cạnh những phương pháp hiệu quả như đi gặp các chuyên gia tâm lý hoặc theo một lộ trình tâm lý cụ thể, bạn có thể kết nối và xoa dịu Đứa trẻ bên trong bằng cách thay đổi cách nói chuyện với bản thân hàng ngày.

trò chuyện cùng đứa trẻ bên trong

1. Trò chuyện với Đứa trẻ bên trong để tiếp nhận cảm xúc và xử lý vấn đề

Bạn có lẽ sẽ nghĩ thật nực cười khi trò chuyện với bản thân một mình. Nhưng thực ra chúng ta luôn trò chuyện với bản thân mỗi ngày bằng suy nghĩ. Suy nghĩ chính là lời nói bên trong. Suy nghĩ của một đứa trẻ tự ti sẽ luôn là “Trời ơi mình thật ngu ngốc khi đã làm chuyện đó.” “Xấu hổ quá đi mất, mình sẽ không bao giờ làm điều này nữa!” “Mình thật xui xẻo.” “Cuộc sống này thật bất công.” “Mình sẽ không bao giờ làm được những gì mình muốn.” Đó là những lời nói với chính mình mỗi khi tiếp nhận vấn đề.

Nếu cứ tiếp tục nói chuyện với bản thân như vậy, những tổn thương sẽ dồn ứ và tích tụ trở thành một “hòn đá lớn” mà bạn đeo trên vai suốt quãng đời còn lại. Vì vậy hãy thay đổi cách nói chuyện với bản thân và cách bạn tiếp nhận cảm xúc trước mỗi vấn đề hay khó khăn.

  • Thừa nhận và đồng cảm

Đầu tiên, hãy bắt đầu bằng việc thừa nhận cảm xúc của Đứa trẻ bên trong. Hãy bắt đầu với sự đồng cảm, sự trấn an. Bao dung và yêu thương bản thân như cách bạn yêu thương người quan trọng nhất. Hãy trấn an bản thân rằng cảm xúc của nó là bình thường, tự nhiên và hoàn toàn hợp lý dựa trên những gì bạn đã trải qua. Đừng bỏ qua điều này hoặc làm qua loa một cho có. Bởi đó là cách nhanh nhất để xoa dịu hầu hết những nỗi sợ và lo âu quá mức chúng ta tự tưởng tượng ra. Hãy đồng cảm chân thành với bản thân hết mức có thể.

Khi thừa nhận, hãy nghĩ tới và liên kết với những nỗi đau/nỗi sợ tương tự bản trải qua hồi nhỏ. Hãy xử lý cảm xúc tại thời điểm trong quá khứ. Đồng cảm với chính mình trong quá khứ. Đó là cách bạn có thể buông bỏ quá khứ và chữa lành nỗi đau đó. Khi làm điều này thành thạo bạn sẽ dần dần dễ dàng buông bỏ những tảng đá mà bạn mang theo.

Ví dụ về việc thừa nhận và đồng cảm với cảm xúc của Đứa trẻ bên trong:

“Dung ạ, chị biết bây giờ em đang rất sợ hãi. Nhưng điều đó là bình thường và hoàn toàn có lý. Hồi nhỏ, em không được che chở và hỗ trợ về mặt cảm xúc. Mỗi khi em sợ hãi, mẹ lại chỉ trích và cho rằng em yếu đuối. Nhưng đó không phải lỗi của mẹ vì mẹ cũng thiếu những điều đó hồi nhỏ. Chị rất thương em khi em phải trải qua những điều đó. Chị thương em lắm. Em không còn một mình nữa đâu vì chị sẽ luôn ở bên cạnh em. Bây giờ, em đang an toàn rồi.”

  • Phân tích cảm xúc

Bước tiếp theo sau khi thừa nhận và đồng cảm là phân tích cảm xúc. Lúc này chúng ta cần phân biệt giữa hiện tại và quá khứ. Rằng nỗi đau đó không phải là lỗi chủ đích của bản thân gây ra. Bản thân xứng đáng được yêu thương và hoàn toàn khỏe mạnh. Và nếu có thể, hãy đưa ra những ví dụ thực tế về việc hiện tại khác biệt như thế nào; các ví dụ càng cụ thể càng tốt. Đây là cách Đứa trẻ bên trong bắt đầu thực sự nhận ra rằng nó an toàn và những nguy hiểm của quá khứ thực sự đã qua.

Ví dụ về việc phân tích cảm xúc cho Đứa trẻ bên trong hiểu:

“Dung ạ, nỗi sợ của em không phải là điều đáng xấu hổ như mẹ đã dạy đâu. Việc mẹ khiến em thấy xấu hổ vì cảm thấy sợ hãi là không đúng. Giờ đây, chị ở đây vì em. Tất cả cảm xúc của em đều được chị chấp nhận. Em sẽ không bao giờ bị cô đơn, không được bảo vệ và không được hỗ trợ như trước đây nữa vì giờ chị ở đây để lắng nghe em. Chị yêu em và luôn ở bên em. Đôi khi sợ hãi là điều bình thường và chị rất vui khi được xoa dịu và an ủi em. Dù có chuyện gì xảy ra ngoài kia, chị sẽ luôn bảo vệ em và khiến em thấy an toàn khi làm điều gì đó không như ý muốn.”

  • Chia sẻ tầm nhìn tích cực

Điều quan trọng là kết thúc cuộc đối thoại “thừa nhận/phân tích” với một tầm nhìn tích cực, truyền cảm hứng để giải phóng cho Đứa trẻ bên trong. Khi hướng tới những điều tích cực, bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn, một cảm giác bình yên, tĩnh lặng bên trong.

Ví dụ về việc chia sẻ tầm nhìn tích cực với Đứa trẻ bên trong:

“Tuyệt vời lắm chúng ta vừa vượt qua nỗi sợ của mình rồi. Từ bây giờ khi tiếp tục chữa lành và luôn có bản thân chị bên cạnh, phước lành và niềm vui sẽ đến với em nhiều hơn. Hôm nay phải thưởng cho bản thân một cây kem và một vòng dạo hồ chứ nhỉ?”

2. Chữa lành những vết thương cụ thể bằng lời khẳng định lặp lại mỗi ngày

Mỗi bản thân chúng ta sẽ có những vết thương khác nhau. Đó có thể là sự tự ti, sự thiếu thốn tình cảm, những tư tưởng sai lệch về vai trò của giới tính,… đều hình thành từ những lời nói mà cha mẹ hoặc những người xung quanh tác động đến từ bé. Trước hết, bạn có thể tham khảo những bài viết dưới đây để nhận biết bản thân bạn cảm thấy và có những vết thương nào trước tiên.

Đứa trẻ bên trong là gì? Tại sao bị tổn thương? Cách để chữa lành Đứa trẻ bên trong – Khu vườn Molly

3 dạng biểu hiện khác nhau của một tổn thương: tái diễn, kìm nén, thăng hoa (Phần 1)

Cha mẹ làm tổn thương đứa trẻ như thế nào? (Phần 1)

Ví dụ trò chuyện cùng Đứa trẻ bên trong để thay đổi niềm tin

Trò chuyện cùng Đứa trẻ bên trong có thể là đối thoại hai chiều, cũng có thể là lời nói một chiều từ bạn. Lời nói có thể thay đổi suy nghĩ thậm chí nhận thức, niềm tin của chúng ta về một vấn đề. Đây sẽ là minh họa về một quá trình thay đổi nhận thức bằng những lời khẳng định tích cực và đúng đắn.

  • Niềm tin cũ

Hồi bé bạn không bao giờ được hỏi về ý kiến, cảm xúc của bản thân. Hầu như bố mẹ bạn sẽ là người quyết định sự đúng/sai của một vấn đề nào đó. Vì thế mà bạn tin rằng: ý kiến của mình là không quan trọng, không có giá trị, không có ý nghĩa.

  • Hành động dựa theo niềm tin cũ

Cũng bởi vậy, sau này bạn trở thành một người không dám thể hiện ý kiến quan điểm của mình. Bạn dễ “gió chiếu nào theo chiều đó”. Bạn trở thành người đi làm hài lòng người khác, luôn sợ rằng chỉ vì ý kiến của mình làm ai đó buồn, tức giận hay ghét mình. Hoặc tệ hơn là bạn không bao giờ có quan điểm gì. Đứng trước bất kỳ việc gì bạn đều không thể đưa ra lựa chọn. Bạn không biết mình muốn gì, cần gì, thích gì. Bạn không biết đâu là đúng sai, phải trái, phù hợp và không phù hợp với bản thân.

  • Niềm tin mới

Từ bây giờ bạn nhận thức được rằng bạn có quyền nêu ý kiến của bản thân. Cảm xúc của bạn là hợp lý và đáng được quan tâm và công nhận.

  • Lời khẳng định đúng đắn

Tất nhiên, niềm tin cũ đã hình thành từ rất lâu thậm chí là trong nhiều năm, vì vậy một lần nhận thức có thể sẽ không đủ mạnh mẽ để thay đổi niềm tin đó. 

Vậy nên mỗi khi bạn nêu ra cảm xúc và quan điểm của mình, hoặc trước khi bạn nói ra ý kiến của mình, hãy liên tục thì thầm trong suy nghĩ “Mình có quyền nói ra quan điểm/ý kiến/cảm xúc của mình.” “Việc thể hiện quan điểm/ý kiến/cảm xúc là hoàn toàn bình thường.” “Mình xứng đáng được tôn trọng ý kiến cá nhân.”

  • Hành động dựa theo niềm tin mới

Sau nhiều lần như vậy, niềm tin mới sẽ được hình thành và bạn sẽ hoàn toàn xóa được tư tưởng sai lệch đó. Bạn sẽ dám đưa ra ý kiến của bản thân, trở thành một người biết yêu thương và tôn trọng bản thân. Từ đó những người khác cũng sẽ tôn trọng và lắng nghe ý kiến từ bạn.

Thực hành khẳng định lặp lại mỗi ngày

Sau đây sẽ là những lời khẳng định đúng đắn dành cho những vết thương phổ biến đã nêu ở bài viết Hành Trình 28 Ngày Chữa Lành Đứa Trẻ Bên Trong (P2): Chữa lành và Trở nên cứng cáp hơn.

Hãy đối chiếu với bản thân và kiên trì lặp lại những lời khẳng định này mỗi khi bạn cảm nhận vết thương đó lại nhé!

  • Cảm thấy bản thân có điều gì đó không ổn:

    • “Mình là người có giá trị và đáng được yêu thương.”
    • “Mình xứng đáng nhận được tình yêu vô điều kiện.”
    • “Mình đủ tốt như chính mình.”
  • Lo lắng khi làm điều mới:

    • “Mình có thể thử thách bản thân và học hỏi từ trải nghiệm mới.”
    • “Mình không cần phải hoàn hảo, việc thử và sai là một phần của cuộc sống.”
    • “Mình tin tưởng vào khả năng vượt qua mọi thử thách.”
  • Có xu hướng làm hài lòng người khác và luôn tìm người giúp đưa ra quyết định:

    • “Ý kiến và cảm xúc của mình có giá trị.”
    • “Mình có quyền đưa ra lựa chọn dựa trên sự hiểu biết và cảm nhận của bản thân.”
    • “Mỗi quyết định mình đưa ra đều là cơ hội để học hỏi và phát triển.”
  • Luôn muốn che giấu cảm xúc của mình, cảm thấy xấu hổ khi bộc lộ cảm xúc hay nhu cầu của bản thân:

    • “Mình có quyền bày tỏ cảm xúc một cách chân thật.”
    • “Mình không cần che giấu cảm xúc, mọi cảm xúc của mình đều quan trọng.”
    • “Mình chấp nhận bản thân dù có bất kỳ cảm xúc nào.”
    • “Nhu cầu của mình quan trọng và xứng đáng được tôn trọng.”
    • “Việc yêu cầu những gì mình cần là hoàn toàn bình thường và chính đáng.”
  • Cảm thấy giá trị của mình gắn liền với năng suất làm việc hoặc thành công:

    • “Giá trị của mình không phụ thuộc vào thành tích hay năng suất.”
    • “Giá trị của mình đến từ bản chất con người mình, không phải từ thành tích.”
    • “Mình xứng đáng được nghỉ ngơi và tận hưởng cuộc sống khi cần thiết.”
  • Liên tục chỉ trích bản thân vì những thiếu sót:

    • “Mình chấp nhận bản thân với tất cả điểm mạnh và yếu.”
    • “Mình cho phép bản thân mắc sai lầm và học hỏi từ chúng.”
    • “Mình đang phát triển và cải thiện mỗi ngày.”
  • Phản ứng mạnh mẽ với những lời chỉ trích nhẹ nhàng:

    • “Mình bình tĩnh và lắng nghe khi nhận được góp ý.”
    • “Mình đủ vững vàng để đón nhận cả những lời khen và phê bình.”
  • Cảm thấy xấu hổ, tự ti về cơ thể của mình:

    • “Mình yêu và chấp nhận cơ thể của mình như nó vốn là.”
    • “Cơ thể mình mạnh mẽ và đáng quý.”
    • “Mình đẹp theo cách riêng của mình.”
trò chuyện cùng đứa trẻ bên trong để chữa lành
  • Rằng buộc trách nhiệm với người khác hơn bản thân mình:

    • “Mình có quyền ưu tiên nhu cầu và cảm xúc của bản thân.”
    • “Mình không cần phải gánh vác mọi trách nhiệm.”
    • “Mình có thể chăm sóc người khác mà không quên chăm sóc chính mình.”
  • Sợ hãi bị bỏ rơi, thường làm bất cứ điều gì để níu kéo mối quan hệ:

    • “Mình xứng đáng với một mối quan hệ dựa trên tình yêu và sự tôn trọng lẫn nhau.”
    • “Mình đủ mạnh mẽ để tự đứng vững nếu cần thiết.”
    • “Mình đáng yêu và không cần phải làm hài lòng người khác để được chấp nhận.”
  • Không tin tưởng vào bản thân hay bất cứ người nào khác:

    • “Bản thân mình cố gắng mỗi ngày để trở thành người bản thân có thể tin tưởng.”
    • “Mình đang học cách mở lòng và tin tưởng vào những mối quan hệ lành mạnh.”
  • Cảm thấy khó khăn khi thiết lập mối quan hệ lành mạnh, gần gũi với bố mẹ hoặc trong các mối quan hệ tình cảm:

    • “Mình xứng đáng với những mối quan hệ dựa trên tình yêu thương và sự tôn trọng.”
    • “Mình có thể xây dựng và duy trì những mối quan hệ lành mạnh.”
    • “Mình xứng đáng được nhận tình yêu thương.”
    • “Nếu người nào đó phản bội mình hay làm mình thất vọng, đó không bao giờ là lỗi của mình.”
  • Gặp khó khăn khi nói lời từ chối, thường nói đồng ý khi trong lòng cảm thấy không thoải mái:

    • “Mình có quyền nói ‘không’ khi cần thiết.”
    • “Mình tôn trọng cảm xúc của bản thân và mọi người cũng vậy.”
    • “Mình không cần phải làm hài lòng người khác bằng cái giá của sự không thoải mái.”
    • “Những người yêu thương mình thật sự sẽ luôn tôn trọng cảm xúc của mình.”
  • Có xu hướng tránh xung đột bằng mọi giá:

    • “Mình có thể đối diện với xung đột một cách bình tĩnh và kiên nhẫn.”
    • “Mình không sợ hãi khi bày tỏ ý kiến của mình.”
    • “Không ai có thể tổn thương mình nếu mình không cho phép”
  • Cảm thấy không xứng đáng với tình yêu và sự quan tâm:

    • “Mình xứng đáng với tình yêu và sự quan tâm vô điều kiện.”
    • “Mình không cần phải làm bất cứ điều gì để được yêu thương.”
    • “Mình đáng giá chỉ vì mình là chính mình.”
  • Cảm thấy phải chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của người khác:

    • “Mình không chịu trách nhiệm cho cảm xúc hay hạnh phúc của người khác.”
    • “Mình có quyền sống cuộc sống của riêng mình mà không cần phải làm hài lòng tất cả mọi người.”
    • “Hạnh phúc của mình và của người khác là hai điều riêng biệt.”

Những lời khẳng định trên ban đầu có thể cảm thấy hơi lạ lẫm, gượng gạo khi nói những lời đó với chính bản thân mình. Cũng bởi một phần do xã hội và môi trường xung quanh chưa ai nói với bạn những lời đó. Nó cũng giống như mới đầu bạn tiếp nhận những lời nói tiêu cực. Một đứa trẻ ngây thơ cũng thấy rất đau đớn và lạ lẫm khi nghe những lời tiêu cực như vậy. Vì vậy hãy kiên trì và lặp đi lặp lại hàng ngày. Dần dần bản thân bạn sẽ thực sự tin và thực sự cảm thấy như vậy.

Kết

Việc trò chuyện với Đứa trẻ bên trong sẽ giúp đứa trẻ hiểu được thiện chí của bạn, tin tưởng bạn. Ngoài ra những lời khẳng định cũng sẽ làm thay đổi niềm tin cũ của đứa trẻ. Từ đó mà đứa trẻ tin vào cuộc sống, tin vào tương lai. Trò chuyện với Đứa trẻ bên trong cũng giúp bạn hiểu đứa trẻ hơn, biết cách chăm sóc đúng đắn cho đứa trẻ. Việc lặp đi lặp lại hành động trò chuyện, khẳng định này sẽ tạo nên sự kết nối bền chặt giữa bạn với chình bạn. Mối quan hệ giữa bạn và bản thân bạn là mối quan hệ quan trọng nhất trong đời này mà bạn cần phải xây dựng thật tốt đẹp và duy trì nó đến mãi sau cùng.

Những mối quan hệ khác của bạn cũng sẽ dần đi vào quỹ đạo ổn định. Vì thế thay vì mong chờ người khác thay đổi vì bạn, yêu thương bạn vô điều kiện, hãy yêu thương và nói những lời tử tế với chính mình trước tiên. Bản thân bạn đáng giá và có thể phát triển rất nhiều lắm đó!

#đứa_trẻ_bên_trong

Đăng ký Healing 1-1

Tâm sự, chia sẻ, và nhận những giải đáp để hỗ trợ bình yên trong tâm hồn, chữa lành những tổn thương và sống cho giây phút hiện tại.

Đăng ký ngay