Tự chữa lành tổn thương từ thiếu hụt cảm xúc thời ấu thơ
Mie
author
Đứa trẻ hạnh phúc dùng tuổi thơ để chữa lành cuộc đời. Còn đứa trẻ bất hạnh dùng cả đời để chữa lành tuổi thơ.
Những bất hạnh thời ấu thơ luôn là vết sẹo đi theo mỗi đứa trẻ đến suốt cả cuộc đời. Bạn có phải là đứa trẻ thiếu hụt cảm xúc thời ấu thơ không?
Thiếu hụt cảm xúc thời ấu thơ là gì?
Đó là những đứa trẻ có cha mẹ hoặc người chăm sóc không đáp ứng được nhu cầu cảm xúc của chúng. Chẳng hạn như phớt lờ khi con khoe được điểm cao hay được khen ở trường. Thờ ơ khi con nói có điều muốn được chia sẻ hay cảm thông. Không để ý đến những sở thích cá nhân của trẻ, không nhớ món ăn chúng thích. Hoặc thậm chí không quan tâm đến những điều tồi tệ con đang trải qua: cơ thể bị đau, bạo lực học đường, cô lập với bạn bè… Lâu dần, đứa trẻ sẽ chai sạn tình cảm và ngừng tìm kiếm sự chia sẻ với bố mẹ của chúng.
Sự thiếu hụt khác với sự ngược đãi cảm xúc ( bố mẹ dùng lời nói hay hành động cố tình làm tổn thương con trẻ). Mà ở đây bố mẹ vẫn đáp ứng đủ nhu cầu về quần áo, ăn uống, đến trường… Chỉ là họ không có sự quan tâm đến cảm xúc hay con người thật của con mình.
Nguyên nhân của thiếu hụt cảm xúc thời ấu thơ
-
Xuất phát từ gia đình
Có lẽ đây là lý do lớn nhất dẫn đến đứa trẻ không có tuổi thơ hoàn hảo. Những cha mẹ vì một số vấn đề nào đó mà bỏ rơi cảm xúc của con cái. Có lẽ là bởi vì họ cũng là người có tổn thương hồi thơ ấu, họ bận rộn với công việc, họ chưa sẵn sàng làm cha mẹ… Hay nặng nề hơn là những cha mẹ nghiện ngập, cha mẹ độc đoán hoặc cha mẹ ái kỷ. Đây đều là những người rất dễ gây nên tổn thương cho người khác.
Và vô vàn những nguyên do khác nữa. Và dù là do chủ quan hay khách quan, những bậc cha mẹ này đã vô tình làm tổn thương đến cảm xúc con mình. Khiến cho chúng cảm thấy như mình không được yêu thương, bao bọc. Con cái khi lớn lên thiếu đi sự đồng hành và chia sẻ sẽ tự cảm thấy mình bất hạnh và tự ti so với bạn bè.
-
Trải qua biến cố
Khi còn nhỏ nhiều đứa trẻ đã từng chứng kiến hay trải qua những cú sốc tinh thần to lớn. Sinh ra vào thời chiến tranh có lẽ là một dấu ấn quá sâu đậm cho sự chết chóc, bi thương. Hay sinh ra trong cô nhi viện nơi không được sưởi ấm từ tình yêu gia đình. Hoặc có thể là do hoàn cảnh bất hạnh cha mẹ ly hôn dẫn đến chúng không cảm nhận được sự chia sẻ từ một gia đình thực sự.
Những biến cố đầu tiên trong đời luôn là những vết thương đau lòng nhất. Có nhiều người khi về già cũng không quên được cảm giác mất mát khi còn nhỏ. Thiếu hụt cảm xúc thời ấu thơ như những đám mây mù xám xịt và đen tối. Chúng che mờ đi những ước mơ và ánh sáng từ cuộc đời chúng ta.
Thiếu hụt cảm xúc thời ấu thơ ảnh hưởng đến cuộc sống như thế nào?
-
Cản trở về tâm lý
Ở những đứa trẻ, tương đối khó để nhận biết rõ sự thiếu hụt cảm xúc. Khi đang ở lứa tuổi phát triển về mặt thể chất, tinh thần và bản ngã, lỗ hổng cảm xúc sẽ là trở ngại trên con đường hoàn thiện bản thân. Càng lớn lên, đứa trẻ càng nhận thức rõ hơn về sự mất mát trong cảm xúc của mình.
Ở mức độ nhẹ, đứa trẻ đôi khi chỉ không mặn mà với cuộc sống. Giống như không có hoài bão, có ước mơ hay sở thích cháy bỏng nào cả. Nhiều người còn chỉ có ước muốn sống được qua ngày bình thường hoặc ngại tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Còn ở mức độ nặng hơn, trẻ có xu hướng giấu nhẹm đi cảm xúc thật của chính mình. Luôn cảm thấy trống vắng, lạc lõng ngay cả khi ở cùng bạn bè hoặc người thân. Những đứa trẻ đó luôn xa cách với mọi người vì không tìm thấy sự đồng cảm nơi đó. Về lâu dần, những cảm xúc tiêu cực như: lo âu, căng thẳng, sợ hãi… sẽ xuất hiện thường xuyên. Điều này gây nên một số bệnh tâm lý như: trầm cảm, rối loạn lo âu…
-
Cản trở trên hành trình đi tìm bản ngã của mình
Xuất phát từ việc không được đáp ứng đầy đủ các nhu cầu cảm xúc của bản thân khi nhỏ, cho nên khi lớn lên đứa trẻ sẽ mang theo sự mặc cảm, tự ti. Những đứa trẻ đó sẽ không có khả năng biểu lộ, nhận biết hay xử lý những vấn đề trong cuộc sống. Sự trống rỗng trong tâm hồn nếu không được khỏa lấp lâu ngày khiến cho đứa trẻ mặc dù đã lớn tuổi nhưng vẫn chưa “trưởng thành”.
Không biết bộc lộ cảm xúc sao cho đúng khi nhận được quà, thiếu đi sự tinh tế trong cuộc nói chuyện. Hay là lúng túng trong tình yêu cũng là điều dễ hiểu. Họ cũng không có cái nhìn khách quan và nhận định đúng đắn về bản thân mình. Họ không biết ưu nhược điểm của mình là gì. Và cũng không nhận thức được giá trị bản thân. Điều này gây nên rào cản to lớn trên hành trình đi tìm cái tôi riêng của họ.
-
Trở thành hệ quả cho thế hệ sau
Một người phải gánh chịu nhiều tổn thương hồi còn nhỏ có nhiều khả năng sẽ trở thành cha mẹ thờ ơ, vô cảm. Vì họ cũng là nạn nhân bị tổn thương thời thơ ấu nên họ cũng sẽ không quan tâm đến cảm giác của con cái mình. Nếu không thể nhận biết và khắc phục sớm sẽ tạo thành một vòng tròn luẩn quẩn cho nhiều thế hệ về sau.
Cách chữa lành những tổn thương từ thiếu hụt cảm xúc thời thơ ấu
Hành trình chữa lành tổn thương từ thiếu hụt cảm xúc thời thơ ấu luôn nhiều chông gai, thử thách. Những vết thương vô hình luôn là vết thương khó chữa lành nhất.
-
Khám phá đứa trẻ bên trong bạn
Việc đầu tiên bạn cần làm đó là quay trở về quá khứ để tìm kiếm đứa trẻ năm nào. Đứa trẻ ấy mang trong mình quá nhiều vết thương tinh thần. Nó xây xát, trầy trượt và nhem nhuốc. Lục lại những ký ức từ những mảnh vụn đó để hình dung rõ hơn về đứa trẻ. Sau đó hãy chấp nhận hình ảnh của mình với nhiều vết thương và nỗi đau. Những hình hài nhỏ bé mang sự cô đơn do thiếu vắng tình yêu, gặp nhiều biến cố to lớn đều cần được phát hiện và chấp nhận.
Xem thêm: 13 cách để kết nối với đứa trẻ bên trong bạn
-
Vỗ về đứa trẻ bên trong bạn
Hãy ôm lấy bản thân bạn thời ấu thơ. Ôm cả những đau đớn hay mất mát bạn từng trải qua. Vì không có cách nào để trốn chạy cả đời. Cũng không có cách nào có thể xóa sạch được những vết sẹo trong tâm hồn bạn. Chỉ có cách là bạn yêu lấy chính bạn trong quá khứ, nhìn nhận mọi việc một cách nhẹ nhàng hơn. Hãy coi những chai sạn mình trải qua trở thành kỷ niệm trong cuộc sống mình.
Có thể điều đó gây cho bạn những mặc cảm hay những nỗi buồn dai dẳng. Nhưng quá khứ đâu thể thay đổi được nữa. Và hình hài đứa trẻ đó cũng đâu thể thay đổi được. Bạn nên an ủi và động viên đứa trẻ rằng: “Rồi mọi chuyện cũng sẽ ổn thôi, có tôi đây rồi, tôi đang bên cạnh bạn, thấu hiểu bạn đây.”.
-
Bù đắp những tình cảm tốt đẹp
Nếu mình không thể hạnh phúc khi còn bé thì bây giờ mình sẽ tìm hạnh phúc riêng cho mình. Tình yêu luôn là liều thuốc tốt nhất để chữa lành cho tâm hồn bạn. Bạn có thể thử dành tình yêu của mình cho việc nuôi thêm một chú chó hay chú mèo đáng yêu. Cũng có thể đến thăm các em nhỏ trong cô nhi viện để phần nào an ủi trái tim của mình. Hoặc đơn giản là trồng một loại cây gì đó khiến bạn cảm thấy ấm áp và thư giãn.
Tình yêu từ cuộc sống sẽ giúp bạn vơi bớt đi phần nào những mất mát trong quá khứ. Có thể rằng vết sẹo kia sẽ vẫn còn, nhưng sẽ là những vết sẹo “xinh đẹp”. Đôi khi bạn sẽ tìm thấy hình ảnh mình ở đâu đó khi bạn thực sự sống hết mình.
-
Hi vọng vào tương lai tươi đẹp
Chúng ta vốn không nên nhìn về quá khứ quá nhiều, nhất là quá khứ không mấy hạnh phúc. Thay vào đó, sống tốt cho hiện tại và tương lai mới là cách tốt nhất. Bạn có thể học cách đặt mục tiêu, cách nhìn về phía trước nhiều hơn. Để cảm nhận rằng cuộc sống vốn không đau khổ như bạn đã trải qua. Mà thực ra cuộc sống vẫn còn nhiều điều tốt đẹp đang chờ bạn khám phá.
Xem thêm: 13 cách để kết nối với đứa trẻ bên trong bạn
Kết
Chúng ta yêu đời cũng có nghĩa là yêu lấy chính mình. Dẫu biết rằng tổn thương thời ấu thơ luôn là vết sẹo dài khó có thể xóa nhòa. Nhưng điều đó không có nghĩa cả đời ta chỉ sống trong bất hạnh. Hãy học cách yêu cả những vết thương để càng trân trọng bản thân mình hơn bạn nhé.