Tự Do hay Nổi Loạn
Gem
author
Không ít các bài viết đã nói về sự nổi loạn của trẻ vị thành niên. Những đứa trẻ gọi đó là sự tự do làm những điều mình thích. Các bài viết chỉ ra rằng sự nổi loạn là do những thay đổi tâm sinh lý bên trong gây ra, là do sự chuyển mình từ trẻ em thành người lớn. Nhưng vì sao lại gọi là nổi loạn? Là vì những đứa trẻ không còn hành xử như cha mẹ muốn. Nếu đứa trẻ làm theo ý cha mẹ thì là đứa trẻ ngoan. Nếu đứa trẻ làm trái ý cha mẹ thì đó là đứa trẻ hư. Nếu trước giờ vẫn làm đúng ý cha mẹ, nhưng bây giờ không làm theo ý cha mẹ nữa thì sẽ được gọi là nổi loạn. Thực chất, sự nổi loạn này có thể bắt gặp ở bất kỳ độ tuổi nào và bất kỳ nhóm đối tượng nào.
Con người ta thường hay nhân danh tình yêu để bao biện cho nhiều thứ
Nhân danh tình yêu cha mẹ kiểm soát con cái. Nhân danh tình yêu họ bắt ép con cái phải nghe lời mình, phục tùng mình. Nhân danh cha mẹ để bao bọc con hết mức khi còn nhỏ, và ép nó tự lập khi lớn lên. Nhân danh cha mẹ họ tiêm vào đầu đứa trẻ những quy tắc xã hội, để những đứa trẻ phải sống theo những khuôn khổ của “nền văn minh”.
Nhân danh giáo dục nhà trường bắt ép những đứa trẻ tuân thủ những quy định vô lý. Nhân danh giáo dục họ tạo ra những hình phạt cho những đứa trẻ “hư”. Xã hội thúc ép con người ta vào một khuôn khổ rằng cuộc sống là tiền tài, danh vọng, là báo hiếu cha mẹ, là kết hôn sinh con, bạn chỉ có thể nghỉ ngơi khi về già. Nhân danh vợ/ chồng, người bạn đời ép buộc bạn phải hi sinh vì họ. Hi sinh sự tự do, tình cảm, tiền bạc, công việc, sức khỏe vì gia đình vì, người mình yêu.
Thứ tình yêu giả mạo này ép con người ta đến nghẹt thở. Chỉ là ai nghẹt thở trước và sau mà thôi. Tình yêu giả tạo có thể có quyền kiểm soát một người trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng sẽ không thể chiến thắng, vì làm gì có thứ gì quan trọng hơn tự do.
Những đứa trẻ mất hết tự do từ khi được sinh ra
Sinh hoạt lúc nào, ăn gì, ngủ lúc nào, học hành ra làm sao là do bố mẹ quyết định. Chơi với ai, mặc đồ gì, nói chuyện với ai, khám phá những gì đều bị bố mẹ kiểm soát. Chúng chả có quyền quyết định bất kỳ điều gì trong cuộc sống. Ban đầu chúng hiểu đúng theo ý của cha mẹ là “vì cha mẹ yêu thương và muốn tốt cho con”. Nhưng làm gì có thứ gì quan trọng hơn sự tự do. Tình yêu mà không có tự do thì đó đâu phải là tình yêu thực sự, đó chỉ là tình yêu giả tạo. Tình yêu giả tạo sẽ bị vạch trần và mất tác dụng.
Đứa trẻ cũng muốn tự quyết định cuộc sống của mình. Chúng muốn được lựa chọn trang phục để mặt, được tự do khám phá thiên nhiên. Chúng thích vuốt ve chú mèo, nhặt quả trứng gà, tự rót nước cho mình. Chúng cũng thích đọc sách và truyện, được nghịch với cát, được tắm mưa, được làm bẩn quần áo. Chúng rất muốn được tự do mắc những sai lầm. Chúng muốn cảm xúc của mình được tôn trọng, muốn sự yêu mến bạn cùng trang lứa được nâng niu. Chúng cũng muốn được có ý kiến về những gì đang diễn ra trong gia đình.
Đứa trẻ sẽ vùng dậy để có lại sự tự do
Cho đến khi đứa trẻ không chịu nổi sự kìm kẹp vô lý của cha mẹ, chúng sẽ “nổi loạn” để tìm được sự tự do. Vì cha mẹ, ông bà, bạn bè, thầy cô đều như nhau, nên chúng tìm đến những người cũng đang nổi loạn để được đồng cảm. Chúng muốn được công nhận những điều chúng nghĩ. Chúng muốn sở thích của mình được tôn trọng. Nhưng ai sẽ tôn trọng một đứa trẻ?
Cha mẹ cần phân biệt được sự bảo vệ và sự kiểm soát
Cha mẹ nên dạy con hiểu được những điều hợp lý. Rằng ngoài kia không phải toàn là người xấu, có những người tốt và người xấu. Con cái nên thận trọng và giao tiếp với mọi người khi có sự quan sát của cha mẹ. Rằng động vật cũng có tình cảm. Nếu con cư xử nhẹ nhàng và yêu thương với động vật, thì động vật cũng sẽ cư xử nhẹ nhàng và yêu thương với con. Những cơn mưa mang đến sự mát lành cho trái đất và cả cho con. Chỉ tắm mưa quá lâu mới làm con bị ốm, và đứa trẻ cũng có quyền được ốm. Nghịch với đất rồi thì nhớ rửa tay trước khi ăn để giữ vệ sinh cá nhân. Nghịch bẩn rồi thì mang quần áo đi giặt.
Chỉ có sự kiểm soát thái quá một cách vô lý mới làm cho đứa trẻ cảm thấy mất tự do và muốn “nổi loạn”. Khi cha mẹ cho con cái sự tự do từ nhỏ, và chỉ bảo vệ con khỏi những nguy hiểm tiềm tàng như miệng giếng, những chiếc đinh, xe cộ… thì đứa trẻ ấy sẽ luôn cảm nhận được sự tự do, tình yêu phát triển và sự hậu thuẫn từ gia đình.
Con cái cần có sự tự do để phát triển
Giống như một cái cây khi được tự do phát triển, nó có thể đạt đến chiều cao mình yêu thích, ra những bông hoa màu sắc khác nhau, ra những quả ngọt chát khác nhau. Nhưng để có thể làm được điều đó, cái cây cần có nền tảng tốt là bộ rễ, và môi trường để phát triển là đất và khoảng không, chứ không phải là chiếc chậu và những thanh rào chắn xung quanh.
Đừng nhân danh sự bảo vệ mà kìm hãm sự phát triển của con. Mái tóc màu xanh đỏ không làm cho một đứa trẻ hư hỏng. Chính sự phản đối không hợp lý của bố mẹ làm con cái cảm thấy bị giam giữ. Giam giữ lâu ngày trong lồng làm cho đứa trẻ có những hành động quá khích.
Sự “nổi loạn” này có thể bắt gặp cả trong tình yêu nam nữ
Một người nam muốn người nữ phải phụ thuộc vào mình về mặt tài chính để dễ bề kiểm soát. Một người nữ muốn người nam phải phụ thuộc vào mình về mặt tình cảm. Cô ấy sẽ không hài lòng khi người nam cười đùa với những người phụ nữ khác. Họ ghen tuông, chiếm hữu, và họ gọi đó là tình yêu: “vì yêu nên mới ghen”. Họ ép đối phương phải hi sinh vì mình, vì gia đình, và gọi đó là tình yêu: “yêu là hi sinh”.
Ràng buộc nhau
Họ nói với nhau rằng con cái là kết tinh của tình yêu để ép nhau phải sinh con. Họ tức giận để thể hiện quyền lực của mình khi đối phương không nghe lời họ. Nhưng đó cũng là yêu sao? Họ đánh đập người chồng/ người vợ của mình khi nóng giận và xin lỗi sau đó. Vậy cũng là yêu sao? Hai chữ “tình yêu” đã bị bóp méo hoàn toàn.
Nhân danh tình yêu, con người làm những điều sai trái. Khi yêu một người hãy để họ được tự do. Tự do mặc trang phục họ thích, nấu những món họ thích. Tự do lựa chọn sự nghiệp của mình, tự do giao tiếp và xây dựng những mối quan hệ. Hãy để người bạn yêu được tự do làm theo lời trái tim họ mách bảo. Hãy để họ được đi theo cảm xúc của mình.
Người tình của bạn sẽ tìm lại sự tự do của họ
Đừng bắt ép họ phải sống cùng bạn, làm theo những điều bạn muốn. Bạn đang tự thỏa mãn chính mình chứ không phải đang yêu. Đừng nhân danh tình yêu để bôi xấu tình yêu. Khi người kia không còn chịu nổi sự khống chế của bạn, họ sẽ bắt đầu tìm kiếm sự tự do của họ. Họ không còn nghe theo lời bạn. Họ tự tìm việc làm để không phụ thuộc tài chính vào bạn. Họ ăn uống với đồng nghiệp và bạn bè nhiều hơn, và từ chối việc giao tiếp với bạn. Họ cũng có thể sẽ chọn chia tay để trả lại tự do cho chính họ và cho cả bạn.
Tổn thương nhau
Trong bất kỳ mối quan hệ nào, tập thể nào sự nổi loạn đều có thể xảy ra. Người bị kiểm soát sẽ đi tìm tự do, người đang kiểm soát sẽ trở nên tổn thương. Mối quan hệ độc hại này có mặt ở khắp mọi nơi. Cả hai đều phải học cách để trả lại sự tự do cho chính mình. Không ai có thể chịu sự kiểm soát mãi. Cũng không ai có thể kiểm soát người khác mãi.
Tổn thương từ việc chịu đựng sự tra tấn tinh thần từ người khác sẽ cần phải gỡ bỏ. Và cả tổn thương từ việc mong muốn kiểm soát nhưng không làm được cũng sẽ cần phải được chữa lành. Khi ấy ai cũng tự do, tự do yêu, tự do quyết định và chọn lựa. Tình yêu được thể hiện trong sự tự do là tình yêu thuần khiết nhất.